• 1 •

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

⊱• Bầu trời nằm trên ta, dưới ta, và quanh ta •⊰

TÔI LẠI MƠ THẤY vụ tai nạn ấy lần nữa.

Bánh xe trượt khỏi nẻo đường, hãm xung trước của xe đâm sầm vào thanh chắn... Chiếc xe vàng toả văng ra khỏi cầu và rồi cứ thế rơi vô định... Ánh đèn pha kiên định đối diện với vực thẳm sâu hút và tôi thì hét toáng lên... Đôi tay cứ trượt lên xuống vô lăng mà điên cuồng quay... Chiếc xe thình lình xốc mạnh, đầu tôi đập vào vô lăng... tầm nhìn khi ấy mờ dần đi...

Thứ cuối cùng mà tôi nhớ là ánh đèn pha chói rực. Chói đến độ mà cứ những tưởng như, đôi mắt sắp loà đi. Và trong một khắc, đôi mắt của tôi thực sự nhoè dần đi.

Khi tôi vừa vực tỉnh, tôi thấy mình đang nằm trên giường bệnh, vô hồn, thiếu sức sống. Trên người chi chít những vết cắt và thẹo mà tôi chẳng nhớ rõ chúng có từ khi nào. Cổ tay thì đỏ bầm cả đi, cứ như tôi vừa bị ai đó dùng dây thừng trói chặt trong nhiều ngày liền; và tôi cũng chẳng nhớ rõ rằng mình có vết bầm này trên tay nốt. Nhìn ra bên ngoài kia qua ô cửa sổ, bức tường chào đón tôi. Mặt ngoài của toà nhà đối diện được dựng bằng gạch, vôi sơn tróc hết cả ra. Từ lâu tôi đã nhớ hết từng vết nứt, từng chi tiết lạ thường mà bức tường ấy khoác lên mình. Hàng đầu tiên có 16 và một nửa viên gạch; hàng kế là 14; và kế nữa là 15 rồi 8. Quanh giường tôi là thiết bị các loại không ngừng phát ra tiếng bíp bíp, chúng có nghĩa vụ giúp tôi duy trì sự sống. Ít nhất là thế, tôi nghĩ vậy. Bởi tôi cũng chẳng rõ thứ gì đã cứu sống cuộc đời này.

Đáng lý ra, tôi đã chết. Tôi không nói thế vì cảm thấy chán ghét bản thân đâu. Đáng lẽ ra cuộc đời tôi đã phải khép lại từ lâu rồi. Nhưng bằng một phép màu nào đó, tôi đã có thể bơi được vào bờ.

Thì, đấy là tất cả những gì họ kể lại cho tôi. Bản thân tôi cũng chẳng nhớ gì mấy về những việc đã xảy ra cả. Ban đầu, họ không ngừng nhắc đến vụ tai nạn đêm Giáng Sinh đó, và rồi tôi đáp lại họ bằng ánh nhìn vô hồn, thế là, họ cứ tưởng sau vụ tai nạn ấy tôi vẫn còn bị sang chấn. Họ tiêm vào người tôi thêm nhiều ống thuốc hơn nữa, tăng liều lượng thuốc tôi cần uống mỗi ngày lên. Khi tất thảy những thứ kể trên chẳng đem lại kết quả gì, thì họ chẩn đoán rằng tôi, Miya Atsumu, mắc chứng mất trí nhớ tạm thời. Cái tên nghiêm trọng biểu trưng cho một sự thật cỏn con rằng, tôi đã quên đi một vài thứ nhất định nào đó mà có lẽ, vài tháng tới tôi sẽ nhớ ra được hết thảy chúng.

Có gì nghiêm trọng đâu chứ. Ta vẫn thường hay quên miết mà.

Samu vẫn luôn ở bên cạnh tôi trong khoảng thời gian đó. Ngay sau khi hay tin rằng tôi đang bị mất trí nhớ tạm thời, anh xông thẳng vào phòng bệnh tôi đang nằm, ồ ạt hỏi tôi đủ thứ.

"Tên em là gì?"

"Anh là ai?"

"Em tốt nghiệp khi nào và ở đâu?"

"Em làm nghề gì?"

"Kể tên từng đồng đội một và bạn bè của em đi."

Câu cuối khiến tôi tốn đôi chút thời gian để trả lời. Không phải là bởi vì tôi chẳng nhớ gì hết, mà là vì tôi quen biết quá nhiều người thôi.

Samu trao tôi một ánh nhìn thật lạ lẫm, gật đầu rồi anh rời khỏi phòng bệnh. Anh quay lại vào buổi chiều cùng với một vị bác sĩ, ông ta kê thêm thuốc cho tôi và — bất chấp việc tôi có muốn hay không — một vị bác sĩ trị liệu.

"Không," tôi nói, ngay khi cả hai có không gian riêng trở lại.

"Có," anh đáp, "Quyết định không nằm ở chúng ta, Tsumu."

"Ông ta nói quyền lựa chọn là ở em mà."

"Và ổng cũng nói việc này sẽ có lợi cho em."

"Em không hiểu. Em vẫn sẽ sống tiếp còn gì? Khoẻ mạnh và vẫn bình chân như vại. Không gặp biến chứng nốt. Đấy là thứ duy nhất quan trọng rồi còn đâu?"

Samu dò xét tôi trong khi hai hàng mày anh có đôi chút chau lại. "Em không muốn lấy lại ký ức à?" Samu hỏi.

Tôi gắng gượng nở nụ cười, làm cho băng gạc quấn quanh đầu dịch chuyển. "Ai cần hồi ức?" Tôi đáp, câu khẩu hiệu của mái trường cũ vang vọng trong tâm trí. "Chúng chỉ khiến em chùn bước thôi, chẳng phải sao?"

Samu nốc cạn cốc nước, quẹt môi đáp. "Anh chỉ hỏi em đúng một lần thôi. Nghe hay không là chuyện của em. Em có thể nào làm ơn nghiêm túc trị liệu được không? Nói mình không cần lấy lại kí ức trong khi chẳng biết mình đã quên mất đi thứ gì thì dễ phết ra đó Tsumu."

"Sao anh không kể luôn đi?"

"Kể thôi vẫn chưa đủ. Bao xúc cảm nảy nở từ những kí ức ấy chỉ có thể quay lại khi em tự mình nhớ ra mà thôi."

Buông tiếng thở dài, tôi ngả đầu lên gối. "Ờ, vậy thì em tự nhớ cũng được. Mắc gì phải cần bác sĩ trị liệu chi vậy?"

"Để dẫn lối em."

"Ôi thôi, không nhé. Em không cần lời chỉ bảo từ mấy lão già ngu si đần độn mà chắc là sẽ luôn hỏi mấy câu xàm xàm như, Cậu có thấy thoải mái không? Hôm nay cậu thấy thế nào? Hãy cùng nhau khám phá những tổn thương về mặt tinh thần thời thơ ấu của cậu nhé tí nào đâu. Với lại, cái cuối chắc chắn sẽ toàn là về anh thôi."

Samu cười rộ, mặc cho trong thâm tâm chẳng hề cười. "Dám chắc là mấy cha đó hứng thú với suy nghĩ của em hơn là cảm xúc đấy." Anh nói.

Tôi đáp lại, có ý trêu. "Suy nghĩ của em? Biết rồi thì mấy người đó định làm gì?"

Anh nhún vai. "Có lẽ để xem coi em có mất luôn khả năng suy nghĩ không ấy mà."

Nếu được, chắc giờ có lẽ, tôi sẽ tung một cước thẳng vào chân anh mất thôi.

Tôi liếc nhìn anh. "Wow."

Samu điềm tĩnh mà mỉm cười, "Đừng có nhờn với anh, em trai bé bỏng."

"Chỉ vài phút thôi mà!"

Thật thoải mái. Sự thường nhật mà cuộc trò chuyện mang lại khiến tôi thấy thoải mái biết nhường nào. Anh em chúng tôi lúc nào cũng thế, cũng gây gổ với nhau như chó với mèo. Mỗi khi một trong số chúng tôi không được ổn lắm, thì người còn lại sẽ thay thế người kia mà bù đắp phần thiếu. Tôi chỉ nhập viện có vài tuần thôi, nên người anh này sẽ phải chạy đôn chạy đáo một lúc đấy. Để bù đắp phần thiếu.

Samu cho cơm nắm vào chiếc hộp thiếc ăn trưa cũ của tôi, rồi anh rời đi khi đêm kéo xuống. Tôi lẳng lặng ngắm nhìn bóng dáng anh phai dần.

Và rồi tôi nhắm mắt lại, đợi cho cơn buồn ngủ ập tới. Nhưng nó chẳng tới. Thay vào đó, suy nghĩ của tôi bắt đầu bùng nổ mất kiểm soát, và tôi lại nghĩ về vụ tai nạn.

Tôi chẳng nhớ gì mấy về vụ tai nạn, cho tới vài ngày trước — và mặc dù là thế, ký ức về vụ tai nạn cũng chỉ là những mạnh vụn lặt nhặt. Cứ như thể là tâm trí tôi đang cố nhặt những mảnh thuỷ tinh vỡ rồi ghép lại thành một bức hoạ hoàn thiện vậy. Có vẻ như những ngày gần đây tôi chỉ làm đến thế là cùng: nằm lăn qua lăn lại trên giường bệnh, mơ tưởng về cái chết cận kề.

Hồi ức về vụ tai nạn ấy vẫn dừng lại ở thời điểm đầu tôi đập vào tay lái. Giá như tôi nhớ ra được chuyện gì đã xảy ra sau đó, thì có lẽ tôi sẽ biết được đâu là thứ "phép màu" đã cứu sống tấm thân này rồi.

Tôi bất giác âu yếm ngón tay đeo nhẫn của mình. Chẳng có chiếc nhẫn nào trên tay hết. Tôi chưa từng đeo nhẫn bao giờ cả, và trên ngón tay cũng chẳng có dấu hằn để chứng tỏ rằng tôi từng đeo nhẫn nốt, nên tôi cũng chẳng rõ vì sao lại có cảm giác như mình đã từng đeo. Nhưng làm thế lại khiến tôi bình tâm trở lại, và tôi vẫn không ngừng mân mê ngón tay ấy.

Omi-kun có ghé thăm tôi. Trông cậu giận dữ hơn bao giờ hết, cứ như vụ tai nạn ấy là do tôi cố tình gây nên vậy.

"Đồ ngốc này," cậu lẩm bẩm ngay khi vừa bước vào phòng bệnh.

"Chào buổi sáng nhé. Trông cậu khoẻ mạnh ghê ha."

"Còn anh thì không. Anh có biết anh vừa làm gì không?"

"Mém chết. Nhưng thần chết không cho phép tôi và giờ thì tôi đang nằm đây."

Omi-kun có vẻ như muốn nói thêm gì đó, một điều mà đến phút chót cậu đã chọn giữ lại trong tâm mình.

"Các trận đấu năm nay anh được phép nghỉ đấy," cậu ta nói.

Tôi chớp mắt liên tục, vì sự chuyển đổi chủ đề đột ngột, và vì chính cái chủ đề đang được đề cập đến. "Gì? Tại sao cơ?"

"Tại sao? Anh đang hỏi tại sao ấy hả?"

"Ờ, tại sao cơ? Sao phải đem tôi ra ngồi ghế dự bị? Bộ mấy người đó tưởng chứng mất trí nhớ tạm thời này ảnh hướng đến kĩ năng chơi bóng chuyền của tôi hay gì? Bởi vì tôi dám chắc một điều thế này rằng, tôi vẫn là chuyền hai số một trong khu vực nhé."

Tôi dám chừng mặt mày Omi-kun đang cau có khó ưa thế nào sau lớp khẩu trang kia. "Không, đồ ngốc này," cậu quở trách. "Họ cho anh nghỉ để hồi phục đấy."

"Cần chi một năm dữ vậy."

"Anh có thể tham gia mấy trận đấu tập sau vài tuần nữa cũng được."

"Mẹ khỉ đấu tập, tôi muốn chơi chính thức cơ!"

"Anh không cần phải thế đâu. Họ đã sắp xếp người thay anh rồi, tụi này sẽ ổn thôi."

Câu nói khiến tôi bật cười thành tiếng. "Người thay tôi. Vui đó."

Tôi bắt đầu làm cậu ta lo lắng, "Nghe nè, Miya Atsumu," Omi-kun giận dữ nói, "Dành thời gian này để lấy lại mấy cái ký ức khỉ gió của anh đi, ok chứ? Khi tôi nói anh chắc chắn sẽ muốn nhớ lại những gì mình đã quên thì hãy tin tôi."

Tôi nhìn cậu ta, đầy bất ngờ. "Kể đi," tôi đáp.

Omi-kun nhìn lại tôi, với ánh nhìn thật khó đoán. "Một ngày nào đó, khi anh đã sẵn sàng, tôi sẽ kể."

Có lẽ họ đã nghĩ rằng, giờ đây việc hạn chế không cho tôi chơi bóng chuyền là thượng sách. Thú thật thì là không. Là một độc kế thì có. Thứ duy nhất tôi cần ở thời điểm hiện tại là, quên đi hết càng nhiều thứ tôi đã từng để tâm tới càng tốt.

Xe của tôi mất rồi. Tôi yêu chiếc xe đó lắm cơ. Chiếc xe phủ trên mình một áng màu vàng thật rực rỡ, thật chói rạng đến mức khó chịu. Mong cục cưng ấy của tôi yên nghỉ nơi mộ đầy nước kia.

Ngày hôm sau thì Osamu đem một ông luật sư tới cho tôi, để bàn bạc về mấy cái chính sách, thủ tục bảo hiểm các kiểu. Phần lớn những thuật ngữ khó hiểu của ông ta đi được tới màng tai của tôi đã bị dội ngược ra ngoài trước khi chúng tiến sâu vào cái bộ não này. Thứ duy nhất mà tôi mờ mờ hiểu được là, nếu họ có bằng chứng về việc tôi, Miya Atsumu, đang mắc chứng mất trí nhớ tạm thời các thứ các thứ, thì tôi sẽ được toàn quyền điều trị và bình phục.

"Ok," tôi đáp. "Tôi sẽ đi mua một chiếc xe mới, cùng hiệu, cùng kiểu dáng luôn."

"Xin cậu đừng mua xe cùng một nhãn hiệu trong cùng một năm ạ," luật sư của tôi bảo, giọng ông ta nghe hết mực hài lòng. "Cái đó có thể tính vào tội "bất cẩn" trong thời hạn xảy ra tai nạn của cậu và cả hành vi vô trách nhiệm của nhãn hiệu nói riêng nữa."

"Hay thật."

Khi Kita-san hay tin rằng hiện tại tôi không có bất kỳ phương tiện nào để di chuyển, anh đem chiếc xe đạp thời thanh xuân vườn trường của anh tới cho tôi.

"Kìa." Anh chỉ tay ra ô cửa sổ, về phía con đường bên dưới. "Chiếc màu xanh ấy."

Tôi đi lại gần ô cửa với đủ thứ mọi thiết bị gắn trên mình, rồi nhìn ra ngoài. Một chiếc xe đạp với cái rổ màu xanh da trời. Có một tấm card trắng được kẹp trên đinamo của xe đạp. Chóng khoẻ nhé Tsumu! dòng chữ được viết thật to, thật đậm trên đấy.

Mắt tôi có hơi nhoè đi chút ít. Có lẽ tôi sẽ ôm chằm lấy Kita-san nếu tôi có thể đó chứ, mà giờ người ngợm tôi toàn mấy cái ống dẫn không thôi.

"Anh hành em rồi đó," tôi nói.

Kita-san dịu dàng cười với tôi.

Tôi lại nhìn chiếc xe đạp ấy lần nữa. Đẹp thật. Tôi quyết định mình sẽ lượn lờ vài vòng trên chiếc xe đạp ấy sau khi mình được xuất viện. Có thể là đi xuống biển chăng. Tôi nghe bảo, biển mùa này đẹp lắm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro