Chương 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chú chó tên Đoan Ngọ, Trần Chuẩn dắt nó ra khỏi thang máy.

Chiếc xe mượn của ông Trần đậu ở bãi đỗ bên ngoài cổng toà nhà, anh sải bước dài, vừa đi vừa mở khoá xe, đầu tiên là đặt Đoan Ngọ yên vị ở ghế sau, kế tiếp mới quay lại ghế lái. Ngồi vững rồi anh mới nhận ra nhịp tim mình rối loạn, thoạt trông cả người như vừa được vớt ra khỏi nước, cổ áo anh ướt đẫm còn lòng bàn tay thì mướt mồ hôi.

Anh dời mắt nhìn trân trân gương chiếu hậu một lúc lâu mãi đến khi cô và gã đàn ông kia lên xe rồi chầm chậm lái ra khỏi khu chung cư.

Trần Chuẩn thu lại ánh mắt, vội nhớ lại những chuyện đã xảy ra chỉ trong vài phút ngắn ngủi vừa rồi. Đúng là cô, đúng là họ đã gặp nhau, đúng là cô không còn độc thân, và đúng là gã đàn ông kia đã hôn cô trong thang máy.

Xung quanh rất yên tĩnh, chỉ có tiếng thở nặng nề của Đoan Ngọ, một lúc lâu sau, Trần Chuẩn mới hồi hồn xoay người cởi bỏ rọ mõm cho nó.

Cặp mắt Đoan Ngọ sáng ngời, nó nhìn anh chăm chú dưới ánh sáng nhập nhoè.

Trần Chuẩn cũng nhìn chằm chằm vào mắt nó: "Có nhận ra cô ấy không?"

Dĩ nhiên Đoan Ngọ nghe không hiểu, chỉ lo lè lưỡi để tản nhiệt. Cơ thể săn chắc của nó nằm bò trên ghế, không rục rịch không quậy phá, ngoan vô cùng.

"Mày ngoắc đuôi với cô ấy làm gì?" Trần Chuẩn lí nhí trách móc, không nặng không nhẹ mà xoa đầu Đoan Ngọ mấy lần: "Người ta giả chết không quen mày."

Con chó không phản ứng.

"Giỏi đấy". Anh hầm hừ.

Trần Chuẩn từ từ nốc cạn một chai nước rồi mới khởi động xe đến trung tâm bảo vệ động vật ở ngoại ô Nam Lĩnh. Dọc đường anh nhận được cuộc gọi của Tôn Thời, hỏi anh về đưa Đoan Ngọ đi rồi đúng không.

"Sẵn buổi tối chở nó về trung tâm luôn".

Trần Chuẩn hỏi: "Mày làm gì đó?".

"Ăn cơm."

Trần Chuẩn không nói tiếp mà hỏi: "Ai ở nhà bên vậy?".

Tôn Thời lấy làm lạ tại sao anh lại hỏi chuyện này, cậu ta đáp lại chung chung: "Một ông anh khoảng hơn ba mươi tuổi, đẹp trai lắm, thấy cách đối nhân xử thế có vẻ không đơn giản."  Cậu ta quan tâm chuyện khác: "Con chó được cứu hôm nay sao rồi?".

Trần Chuẩn đánh tay lái, đặt điện thoại trên ghế phụ, mở loa ngoài: "Một con Bichon Frise, khoảng hai tuổi, mắc bệnh ngoài da nặng, ốm lắm, bị suy dinh dưỡng."

Vào buổi chiều, nhóm nhận được tin nhắn cầu cứu, người phát hiện đã bắt gặp một con chó hoang ở cửa xả nước thải gần đường Quảng Cừ. Chỗ đó là nơi tiếp giáp giữa thành thị và nông thôn, tương đối hẻo lánh, hố sâu cách mặt đất gần ba mét, xung quanh được rào chắn bằng lưới sắt. Nước đọng bên trong toả ra mùi tanh hôi, bùn đất bên cạnh vương vãi đầy cỏ và rác rến.

Khi Trần Chuẩn và anh Hoa tình nguyện viên đến nơi, con chó đang nằm bất động trên miệng ống xi măng. Nó bé xíu, lông bẩn thành màu giẻ lau, nhìn từ xa không phân biệt nổi là giống loài gì.

Chẳng rõ con cún bị mắc kẹt trong cống nước thải bao lâu, cũng không thể phán đoán trên người nó có bị thương gì không, tình trạng thoi thóp không mấy lạc quan.

Trần Chuẩn đi một vòng quanh tấm lưới sắt thì phát hiện ra một lỗ thủng đằng sau ngôi nhà tôn ở đằng xa, anh định chui qua đấy và từ từ tiếp cận.

Anh Hoa giơ điện thoại ghi hình quá trình giải cứu: "Đem găng tay chống cắn với lưới nè."

"Lấy đồ hộp theo là đủ rồi." Trong tình trạng này nó đã không còn sức công kích nữa.

Anh Hoa móc trong túi ra một hộp đưa cho Trần Chuẩn. Anh tiện tay cầm lấy nhét vào túi sau mông.

Trần Chuẩn lần lượt tách mở đám lưới sắt cọc cạch không đều, ngón tay bấu sợi sắt lách người vào. Thành hố chỗ lồi chỗ lõm phủ đầy rêu xanh, Trần Chuẩn tìm một cục đá hơi bằng phẳng để đặt chân, nào ngờ đế giày bị trượt suýt nữa té xuống. Anh kịp thời chống tay, nhảy phốc lên, hai chân giẫm thẳng xuống bùn. Cỏ dại đong đưa quanh chân, làm động bọn ruồi muỗi và một mùi hôi thối nồng nặc xộc ra từ mớ rác rưởi lên men.

Trần Chuẩn xoa xoa mũi, chống tay lên thành hố cẩn thận nhích qua.

Tên nhóc kia nhanh chóng phát giác có người tới gần, nó khó nhọc ngẩng đầu lên, theo bản năng chống chân muốn trốn về sau, nhưng hình như đã không còn sức lực, nó dịch ra hai bước cực kỳ chậm, rồi tiếp tục nằm ra đất. Bộ lông bẩn thỉu bện lại gần như che khuất đôi mắt, nó rạp người nhìn Trần Chuẩn với vẻ phòng bị, trong mắt không còn gì khác ngoài sợ hãi.

Đối với một con chó hoang mà nói, nó hoàn toàn không rõ rằng điều sắp xảy đến là cái chết hay sự tái sinh, và cũng không bao giờ có quyền được lựa chọn.

Trần Chuẩn dừng bước, từ từ ngồi xổm xuống cách nó hai mét, mở hộp thức ăn ra đặt dưới đất và dùng ngón tay đẩy từng chút về phía trước.

Cái đói khiến cho cuộc cứu hộ này diễn ra rất thuận lợi, có lẽ đối với nó, một bữa ăn còn hơn sống sót một cách nhọc nhằn.

Sau một phen chật vật, Trần Chuẩn đã bế được nó.

Anh Hoa đứng trên hỏi: "Chó gì vậy?"

Trần Chuẩn nâng cổ nó lên áng chừng: "Hình như Bichon Frise."

"Vậy chắc là đi lạc hoặc bị bỏ."

Trần Chuẩn: "Xem độ dài lông kết chùm, ít nhất cũng đi lạc nửa năm rồi."

Anh Hoa gật đầu: "Lên đi, anh qua kia đỡ mày."

Con cún hoang vùng vẫy yếu ớt trong tay Trần Chuẩn, anh nhấc nó lên cao, huýt sáo với nó đoạn cười bảo: "Đừng sợ, mày không cần sống lang thang nữa rồi."

Nhóc Bichon này là con thú hoang thứ 179 được Trung tâm cứu hộ động vật nhỏ Nam Lĩnh giải cứu. Hôm nay là tiết Tiểu Thử ngày sáu tháng Bảy, bởi vậy nó có tên mới là Tiểu Thử.

Tôn Thời đã hiểu đại khái câu chuyện: "Ngày mai đưa đi viện khám thử." Ngừng một chút, cậu ta hạ giọng ra ám hiệu: "Tối nay mày có về không?"

"Tao ngủ ở trung tâm." Trần Chuẩn bông đùa: "Nhường thế giới hai người cho mày với Lâm Hiểu Hiểu".

Tôn Thời cười bỉ ổi: "Cưng là em ruột anh, cưng hiểu anh nhất."

"Gọi tiếng anh trai tốt nghe nào."

Tôn Thời dốc sức nịnh bợ: "Anh ơi, anh trai tốt."

Trần Chuẩn chê hắn đê tiện, anh cười mắng: "Mẹ kiếp mau cúp máy đi."

"Nhớ cho Đoan Ngọ uống thuốc thêm vài ngày đó."

"Biết rồi, tôi sẽ nói với chú Lưu."

Vợ chồng chú Lưu thường trú trong trung tâm, bình thường chó hoang đều được họ chăm sóc.

Ở đầu bên kia, Hà Tấn và Hứa Tuế đã lái xe đến trạm. Vừa ra khỏi khu chung cư chưa bao xa thì phía trước xảy ra tai nạn giao thông, Hà Tấn đành quành lại đi đường vòng.

Anh ta nói gì đó, nhưng Hứa Tuế không nghe thấy.

Hà Tấn nghiêng đầu nhìn cô: "Hứa Tuế?"

"Hửm?"

Hà Tấn lặp lại câu câu hỏi: "Còn kịp giờ tới đón dì không?"

Hứa Tuế vẫn chưa hồi hồn sau cuộc chạm mặt đột ngột ban nãy, cô chỉnh đốn lại tâm trạng của mình đôi chút rồi nhìn đồng hồ trên cổ tay: "Kịp, vẫn còn nửa tiếng."

Hà Tấn vươn tay qua nắm lấy tay cô: "Ban nãy làm em sợ rồi phải không?" Anh ta tưởng cô sợ con chó to ấy.

"Nó dễ thương lắm."

Hà Tấn ngạc nhiên: "Chẳng phải con gái đều sợ loại động vật cỡ lớn như vậy sao?"

"Chó Rottweiler nhìn bề ngoài có vẻ dữ tợn nhưng thường thì nó rất ngoan, ưa bám người". Hứa Tuế nói: "Giống chó này sẽ dũng cảm quên mình khi chủ nhân gặp nguy hiểm, nó tồn tại để bảo vệ và tuyệt đối trung thành. Rất lâu trước đây nó được huấn luyện thành chó nghiệp vụ và chó bảo vệ, sau mới dần dà trở thành chó cưng trong nhà, nhưng xét cho cùng thì bọn nó có thể hình to lớn, mang một hệ số nguy hiểm nhất định, do vậy nhiều thành phố trong nước đã cấm nuôi chúng nó, chỉ có thể nuôi ở ngoại ô."

Hà Tấn nhướng mày: "Em biết nhiều nhỉ." Lại nói tiếp: "Trước đây từng xảy ra chuyện chó cỡ lớn làm bị thương con người, chắc đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc cấm.

Hứa Tuế đáp: "Nếu không được thuần hóa và dạy dỗ đúng cách thì chó hiền lành vô hại cũng sẽ gây rắc rối. Rất nhiều người coi nhẹ tầm quan trọng của dây xích và rọ mõm. Vả lại, bị tổn thương, đánh đập và khiêu khích mới là nguyên nhân chính khiến động vật làm hại con người, còn có bệnh dại....."

Đang nói chuyện thì điện thoại của Hà Tấn rung lên.

Hứa Tấn dời mắt nhìn sang, trên màn hình điện thoại hiển thị một dãy số điện thoại không có ghi chú.

Hà Tấn liếc nhìn rồi lờ đi.

Hứa Tuế hỏi: "Sao không nghe?"

Hà Tấn thản nhiên nắm vô lăng, tay kia cầm điện thoại lên, điềm nhiên cúp máy: "Gọi chào hàng thôi, kệ đi".

Hứa Tuế không hỏi nữa, có lẽ là do cô quá nhạy cảm nên cứ cảm thấy sau đó anh ta có vẻ lơ đễnh.

Trong xe im ắng một lúc lâu, sau đó cô quay lại nhìn anh ta: "Anh quen người vừa nãy à?"

"... Em nói ai?"

"Người trong thang máy."

Qua vài giây, Hà Tấn mới lên tiếng: "Chắc là hàng xóm mới chuyển tới".

Khi họ đến nơi, tàu đã vào trạm.

Từ nhỏ Hứa Tuế sống ở Thuận Thành, lên đại học mới đến thành phố Nam Lĩnh, tốt nghiệp xong thì ở lại đây sinh sống và làm việc, tính sơ sơ cũng đã hơn chín năm. Thuận Thành cách thành phố Nam Lĩnh 145km, đi tàu cao tốc chừng nửa tiếng. Mẹ cô là bà Hác Uyển Thanh cứ nửa tháng là đi thăm con một lần, đem theo dưa món tự làm, đồ dùng sinh hoạt và nấu cho cô vài bữa cơm ngon miệng nhưng cũng không ở lâu, ngủ hai đêm rồi lật đật về lại Thuận Thành.

Bà Hác Uyển Thanh thấy Hà Tấn đi cùng thì vui mừng quá đỗi, bà rất có hảo cảm với người bạn trai này của Hứa Tuế, bề ngoài chững chạc điềm tĩnh, làm việc chu đáo ổn thoả, là kiểu con rể rất được lòng của đa số phụ huynh.

Sau màn thăm hỏi, Hà Tấn xách mấy chiếc túi đi trước.

Bà Hác nắm tay con gái đi sau vài bước, càng nhìn bà càng thêm ưng bụng.

Hứa Tuế hỏi: "Sức khỏe ba thế nào rồi mẹ?"

"Vẫn vậy thôi." Bà Hác nói: "Nếu có chuyện vui thì không chừng sẽ khá lên."

"Mẹ lại nữa rồi."

"Đây là nhiệm vụ ba con giao cho mẹ, tưởng mẹ thích quản con chắc."

Hứa Tuế không tin: "Ít đổ thừa ba đi".

Bà Hác Uyển Thanh cãi cùn: "Mẹ và ba con là một, mẹ gấp là ổng gấp. Khi nào tính xong chuyện hôn nhân của con thì ba mẹ mới yên tâm." Nói đoạn, bà bỗng đét một cái vào lưng Hứa Tuế: "Đi đứng cho thẳng thớm."

Suýt nữa thì bữa tối của Hứa Tuế trào hết ra ngoài, cô lập tức ưỡn vai.

Bà Hác: "Từ nhỏ đã mắc cái tật này, nhắc hoài mà không nhớ."

Đã trễ, Hà Tấn đưa hai người về nhà Hứa Tuế, hẹn ngày mai cùng nhau ăn tối rồi lái xe về.

Chỗ Hứa Tuế ở hơi xa trung tâm thành phố, căn này hai phòng ngủ, rộng bảy mươi mét vuông. Lúc mua căn hộ này cô đã hơi nhìn xa, năm đó giá nhà ở Nam Lĩnh không quá cao, bản thân kinh doanh bất động sản nên cô đã nhờ người quen để được chiết khấu nội bộ, lại thêm có sự giúp sức của hai vị phụ huynh nên đã mua được căn hộ này, hiện tại giá mỗi thước vuông đã tăng hơn gấp đôi.

Bà Hác vào nhà thì việc trước nhất là thị sát một lượt từng phòng, nhà vệ sinh miễn cưỡng qua ải nên tạm thời tha cho Hứa Tuế.

Lúc Hứa Tuế đang tắm, bà vào bếp dọn tủ lạnh, từ ngăn đông tới ngăn mát, vứt hết đồ ăn đã hết hạn sử dụng và những món mà bà cho rằng là thực phẩm rác, thế rồi bà tìm thấy một lọ củ cải muối đằng sau đống chai lọ. Nghĩ một hồi lâu mới nhớ ra nửa năm trước bà muối xong thì bảo Hứa Tuế đưa cho Trần Chuẩn.

Bà Hác Uyển Thanh nổi đoá, xách cái lọ xông tới trước mặt Hứa Tuế: "Nhờ con đưa cho Trần Chuẩn mà đã nửa năm rồi, sao vẫn còn ở trong tủ lạnh?"

Hứa Tuế bị bà gào oang oang làm sang chấn đến nỗi ong ong cái đầu, cô mù mờ đáp: "Con quên mất."

"Mày còn nhớ gì nữa... " Bà đang nói dở thì ngừng: "Không đúng, tháng trước Trần Chuẩn về Thuận Thành thăm mẹ với ba mày, mẹ hỏi ăn hết dưa cải chưa, nó còn trả lời là ăn hết rồi".

Hứa Tuế đang lau tóc, nghe thế thì khựng tay, nín thinh như người câm.

May mà bà Hác không đào sâu: "Thôi vứt đi, lần sau mẹ làm thêm." Bà gấp ngay ngắn quần áo Hứa Tuế mới thay, và lẩm bẩm: "Trần Chuẩn ở nhà mình từ năm lớp bốn, mẹ của thằng nhỏ này mất sớm, ông Trần chỉ biết lo làm ăn, ban đầu không lầm đường lạc lối là may mắn rồi. Mẹ với ba con xem nó như nửa con trai ruột, sống ở đời, hai chị em bây cũng có thể chăm sóc nương tựa lẫn nhau. "

Hứa Tuế chột dạ, mấy sợi tóc bị cô vặt đứt.

Câu nói của mẹ tựa như nhắc nhở rằng cô là kẻ tồi tệ. Cô cũng đã từng nghĩ như vậy, nhưng chính cô là người đã làm cho mối quan hệ này biến chất và không thể khôi phục lại dáng vẻ thuở đầu.

Thấy cô thật lâu không đáp lời, bà Hác quay người lại hỏi: "Ừ hử gì đi chứ".

Hứa Tuế nói: "Đang nghe mà."

"Lần gần đây nhất hai đứa gặp nhau là khi nào?"

Hứa Tuế: "......Hôm nay."

Đúng là hôm nay thật. Nhưng Hứa Tuế chẳng dám nói cho bà Hác biết, rằng suốt ba năm qua, họ không hề chạm mặt nhau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro