III.2. Sài Gòn, ...

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Biển ở đâu trên Việt Nam cũng đều đẹp cả, hoặc ít ra trên những chặng đường mà con tàu đi qua, tôi thấy là như thế. Nhưng khác với vẻ kỳ vỹ hoang sơ như lúc ở mạn ngoài Hải Vân, biển miền duyên hải lại mang một nét gần gũi và rực rỡ hơn nhiều. Vẫn là biển xanh, vẫn có nắng vàng và cát trắng, thi thoảng còn thấy những giàn lưới xanh đỏ nhiều màu trải dài, những giàn phơi hải sản khô dưới ánh nắng vàng rực hay một vài con thuyền nhỏ nằm úp mặt ngủ im lìm trên bãi cát. Có lẽ do khoảng cách giữa biển và con tàu không cao, không xa như đoạn đường sắt ở miền ngoài nên mỗi khi tàu dừng ga, tôi thậm chí còn có thể ngửi thấy vị mằn mặn của những loại sản vật phong phú đượm nồng mùi nắng gió biển xanh.

Chỉ có một điều hơi tiếc là tàu qua đoạn Nha Trang, Bình Thuận khi trời đã tối mịt, mà tôi thì cần tranh thủ ngủ một chút để chuẩn bị rạng sáng mai vào đến Sài Gòn, nên không thể đứng ngoài hành lang ngắm cảnh nữa. Khoang tôi ngồi, lúc mẹ con bé Linh Đan vừa rời đi cũng có hành khách mới chuyển vào, đó là một ông bố cùng hai đứa nhóc khoảng 10, 12 tuổi. Họ lên tàu, ổn định vị trí xong thì mỗi người ôm một cái điện thoại ngồi chơi, chẳng ai buồn nói với nhau câu nào, tất nhiên, càng chẳng bận tâm đến người đồng hành là tôi. Mà thôi, tính tôi không phải kiểu người chủ động gợi chuyện nên cũng không nghĩ cần phải đòi hỏi họ điều gì, đi cùng nhau một đoạn đường thôi mà. Tôi gọi cho mẹ báo cáo hành trình rồi chui lại vào giường, bật đèn giở sách ra đọc cho mau cơn buồn ngủ. Tiếng xình xịch cứ đều đặn vang bên tai, cộng thêm những hàng chữ theo nhịp tàu lắc lư mà như đang nhảy múa trước mắt, quả nhiên chỉ sau hơn 10 phút đã thành công khiến tôi ríu cả mắt vào rồi ngủ thiếp đi.

Lúc tôi giật mình dậy vì điện thoại báo thức rung ì ì là 04 giờ 15 phút sáng, nhiều người đã dậy lục tục sửa soạn hành lý kéo ra xếp ngoài lối đi, khoảng nửa tiếng nữa tàu sẽ dừng ở ga Sài Gòn, cũng là điểm cuối của tuyến đường sắt Bắc Nam. Hành trang nam tiến của tôi thì chẳng nhiều nhặn gì, có mỗi cái balo đựng dăm bộ quần áo và con máy ảnh chụp phim cổ lỗ sĩ kỷ niệm của ông nội, ngăn ngoài nhét thêm vài cuốn sách mỏng, với một cái túi đựng bộ ấm chén đem vào làm quà cho ông Bảy là hết. Tôi đi ra ngoài rửa mặt rồi trở vào xếp gọn đồ đạc, xỏ lại đôi giày gọn gàng xong thì há mỏ ngồi chờ, bên ngoài ô kính, trời đã tờ mờ sáng, lác đác ánh đèn đường lặng lẽ vụt qua những ngọn cây đen sì. Chẳng hiểu sao tôi có cảm tưởng rằng quãng đường đi trong vòng 30 phút chờ tàu vào ga đó còn dài hơn toàn bộ hành trình tôi đã đi bắt đầu từ Hà Nội, lê thê và mệt ơi là mệt, không gian thì im ắng không một tiếng nói chuyện, bên tai chỉ còn tiếng xình xịch đã bắt đầu trở nên nhàm chán.

Tôi cầm điện thoại lười biếng lướt qua vài mẩu tin cũ xì đã đọc hết từ chiều, ôm balo gục lên gục xuống lần thứ mười mấy cũng chẳng nhớ nổi, cuối cùng cũng cảm giác được tàu đang đi chậm dần và ánh đèn điện sáng rực hắt vào ô kính. Tàu chuẩn bị dừng là tôi nhanh chân chen ra cửa trước, dè đâu phía cửa đã có cả lô cả lốc người đứng chật kín, tôi hoảng hồn lùi lại thì mới nhận ra từ phía sau cũng đang dồn lên, đồ đạc thùng nọ túi kia chen chúc trên khoảng hành lang bé tẹo.

Nhân viên nhà tàu vừa mở cửa, người phía trước vừa xuống vừa dỡ hành lý, người phía sau cứ thế ùn lên, tôi lẫn trong dòng người đẩy đến mà xuống khỏi tàu lúc nào không biết. Sắc trời phía bên ngoài mái hiên sáng trưng đèn điện nhộn nhịp người ra người vào đã rạng dần.

Tôi đứng lơ ngơ giữa sân ga, không biết người mà ông Bảy nhờ đến đón tôi là người nào, tự trách thật sơ suất khi không lấy số gọi cho người ta trước, mà người kia cũng kỳ khôi thật chứ, cũng chẳng thèm gọi cho tôi luôn. Đang lúc phân vân xem lỗi của mình hay lỗi của người ta nhiều hơn thì bỗng nhiên tôi nghe có người cất tiếng hỏi:

- Em là Quang Hải phải không?

Một chất giọng miền Nam đặc trưng và tất nhiên là lạ lẫm, tôi quay ra tròn mắt nhìn, trước mặt tôi là một anh chàng cao hơn tôi chút xíu, dáng người gầy nhẳng, đôi mắt như thể biết cười mà đặc biệt là đôi tai anh ta trông ngộ cực kỳ. À thôi không tả nữa, nói chung là cái người đó đang nhìn tôi và trong lúc chờ tôi trả lời thì vẫn luôn cười rất tươi. Tôi chớp chớp mắt rồi gật đầu:

- Vâng ạ! Thế anh là ai?

- Anh tên Duy, ông Bảy kêu anh qua đón em! – anh ta vẫn cười, và tự nhiên như ruồi giơ tay xoa đầu tôi một cái – Mình về thôi Hải, đồ em có nhiều không anh xách phụ cho?

- À không ạ, có cái balo với cái túi này thôi, để em tự ôm được rồi anh!

Tôi nói thế, nhưng lúc leo lên chiếc Honda Cup cà tàng của anh Duy – đó là tự anh ý bảo thế chứ không phải tôi chê đâu – anh vẫn nói tôi tháo balo đưa anh bỏ phía trước xe, để tôi ngồi đằng sau cho thoải mái.

Nguyễn Phong Hồng Duy chỉ hơn tôi có một tuổi, học lớp 11, như anh nói thì anh với ông Bảy không có quan hệ họ hàng ruột thịt gì, nhưng từ lúc anh biết đi biết chạy, đã luôn coi ông Bảy như người thân nhất của mình. Anh nói có thế thôi, tôi cũng ngại hỏi kỹ nên im lặng, trong lòng cảm giác người anh này trông bề ngoài vui vẻ nói cười nhưng tính cách thì chững chạc ra phết, ít ra là anh trông “người nhớn” hơn những người cùng lứa ở trường mà tôi quen.

Anh Duy đèo tôi thong thả đi qua những đường phố từ thênh thang đến nhỏ xíu của Sài Gòn, nói là để tôi có thêm chút thì giờ ngắm nhìn xem nơi này so với Hà Nội của tôi có gì khác biệt không. Tôi nghe lời bố mẹ xách xác vào Nam, việc chính là để đi chơi, nên tất nhiên phải dành hết thời gian tận hưởng chứ, tôi không phản đối, ngồi sau xe thả hai chân đung đưa thoải mái, đầu quay tứ phía ngó nghiêng, không quên hít đầy một bụng không khí buổi sớm trong lành mát dịu. Từ lúc hai anh em rời ga vẫn còn là giấc sáng sớm nên đường chỉ lác đác xe cộ, sát bên đường, vài người công nhân vệ sinh đẩy chiếc xe rác lặng lẽ trở về sau một đêm dài vất vả.

Nhưng sự chú ý của tôi nhanh chóng bị thứ khác thu hút, chính là mùi khói thơm lừng tỏa ra từ những cái bếp than của rất nhiều hàng cơm dọc đường, anh Duy bảo đó là cơm tấm sườn nướng, món ăn rất quen thuộc của người Sài Gòn. Tôi gật gù hít hà cái mùi thịt nướng thơm muốn điếc mũi ấy vài hơi, bụng liền réo lên đùng đùng, chậc, tối qua trên tàu chỉ ăn có mỗi bát cháo. Chả biết có phải anh Duy cũng nghe được mấy tiếng xí hổ ấy không mà hơi ngoái đầu lại hỏi tôi:

- Hải có muốn ăn thử cơm tấm Sài Gòn không? Anh Duy chở em đi ăn cái quán này ngon lắm nè!

Chỉ cần là ngập ngừng thôi thì tôi cũng sẽ là thằng hâm hấp, đói bỏ xừ ra rồi, nên tôi quyết định gật đầu cái rụp. Thế là anh Duy rẽ vào một con ngõ, đi loanh quanh thêm một lúc thì đâm ra con đường bên hông một cây cầu, men theo đường chạy xuống gầm cầu, dừng lại ngay một hàng cơm tấm sát bờ sông.
Trong khi tôi vẫn đứng cạnh xe, bày ra vẻ mặt chắc là rất ngớ ngẩn nhìn về tấm biển hiệu đề chữ “Cơm tấm Sà Bì Chưởng” dựng cạnh tủ kính, thì anh Duy đã ngồi xuống một cái bàn gần nhất, gọi tôi:

- Hải, qua đây ngồi nè em! Chị Tâm cho em hai dĩa sà bì chưởng đầy đủ, cắt thịt giùm em luôn nghen chị!

- Có liền nhen cưng!

Tôi đến ngồi xuống ghế, vừa cầm lấy thìa và nĩa mà anh đưa, vừa thắc mắc:

- Anh Duy này, Sà Bì Chưởng là tiếng gì vậy?

Anh Duy bật cười, (lại) giơ tay vò lên tóc tôi:

- Tiếng Việt mà em, hồi nữa anh nói em nghe!

- Có đây có đây, sà bì chưởng nóng hổi đây! – vừa lúc đó chị chủ quán mang cơm ra cho bọn tôi, chị hình như có quen biết ông anh Hồng Duy này thì phải, tôi nghe chị hỏi - Ủa nay cưng đi đâu qua đây sớm dzậy? Đây em cưng hả?

- Dạ hông chị Tâm, ẻm là cháu ông Bảy ở ngoài Hà Nội đi tàu lửa vô chơi, ông Bảy kêu em ra ga đón về! – anh Duy bưng lấy đĩa cơm, tươi cười đáp lời chị.

Bà chủ quán tên Tâm với chất giọng miền Nam ngọt lịm quay nhìn tôi, cười đon đả:

- Ây cha, trai Hà Nội luôn ta ơi! Dzậy cưng ăn thử cơm tấm Sài Gòn coi ngon hông nghe!

- Vâng ạ!

Tôi nhìn đĩa cơm trước mắt không rời, một miếng sườn cốt lết nướng vàng ruộm được cắt nhỏ, chan ít mỡ hành bóng bẩy, một miếng chả trứng cùng một ít bì lợn thái nhuyễn trộn thính, còn có hai lát dưa chuột, cà chua và cà rốt với củ cải ngâm chua, bày xung quanh phần cơm trắng còn nghi ngút khói.

Anh Duy ngồi đối diện bắt đầu chỉ lần lượt vào miếng chả trứng, nem bì và miếng thịt mà nói Sà – Bì – Chưởng. Tôi lại trố mắt nhìn:

- Anh đang đọc thần chú ạ?

Anh chỉ nhướn nhướn đôi mày, miệng thì cười tủm tỉm, tiếp tục lặp lại hành động và câu nói. Làm tôi lại phải nhìn đĩa cơm, rồi chợt à lên. Tôi cầm nĩa của mình, chỉ ngược lại thứ tự ba món chính trong đĩa:

- Sườn – Bì – Chả chứ gì? Làm em cứ tưởng cái gì cao siêu lắm cơ!

Lần này thì ông anh nhìn tôi cười toét miệng, híp cả mắt, vẫn không quên giơ tay vò mạnh trên đầu tôi:

- Chà, Hải giỏi ghê ta! Thôi em ăn đi rồi mình còn về nữa. Một hồi nữa là đường đông lắm á nha!

Thật ra mới khoảng 05 giờ rưỡi sáng thôi mà, nên anh Duy nói thế nhưng vẫn để tôi thong thả thưởng thức đĩa cơm to vật vã. Thịt vừa chín mềm, có viền mỡ nên không khô, tôi từng nghe mẹ nói người miền Nam nấu thức ăn hay nêm ngọt, tôi lại nghĩ cứ phải ngọt như chè, cơ mà miếng thịt này được ướp mặn ngọt vừa ăn, ăn kèm nước mắm pha, dưa chuột và rau củ ngâm chua, không ngọt gắt cũng không ngấy tẹo nào, chả trứng với bì chan nước mắm vào ăn cũng ngon lắm. Tôi cắm cúi ăn không để ý gì nữa, người ta bảo đói thì ăn cơm muối cũng thấy ngon, đằng này tôi đang đói lại được ăn một đĩa cơm đầy đủ thịt thà rau hẹ như này, ngu gì mà không tận hưởng?

À quên, tôi tự hỏi một tí. Đặt chân đến Sài Gòn mới có một tí buổi sáng thôi đã được ăn ngon như này, mà anh Duy còn bảo ít hôm nữa sẽ dẫn tôi đi ăn khắp cái đất “Xì phố” này luôn. Vậy sau đó tôi về mở page review ẩm thực miền Nam được không nhỉ?

Trong khi tôi ngồi chiến đấu với phần cơm của mình, anh Duy đã ăn xong và ngồi chống hai tay lên cằm nhìn gì đó. Lúc thấy tôi ăn sắp xong anh mới đứng lên, chắc là đi tính tiền, nhưng tôi lại nghe loáng thoáng anh với chị Tâm nói chuyện về ai đó.

- Chị Tâm thối lại em hai chục thôi, tiền kia chị lấy em hai hộp cơm, em mang qua bên kia!

- Cưng bày đặt quá à, ngày nào cha con ổng cũng qua chị Tâm ăn cơm mà, chị có tính tiền đâu!

- Nhưng đó là chị Tâm mời, còn bữa nay em mời mà. Chị Tâm không chịu là bữa sau em không có ghé nữa à!

- Tổ cha bây thằng quỷ à! Bữa nay thôi đó nghe!

Tôi ngoái đầu nhìn thì đúng lúc anh Duy quay lại, đưa cho tôi một cốc trà đá. Tôi lấy giấy lau miệng, uống nước rồi hỏi anh:

- Ơ anh, vừa nãy em nghe anh bảo anh mua cơm cho ai vậy?

Anh Duy nhìn tôi, rồi nhấc tay chỉ ra phía sau tôi:

- Hải nhìn bên đó kìa!

Tôi theo hướng tay anh mà nhìn, cách chỗ quán cơm cỡ chục bước chân, dưới gầm cầu, ở vệ đường chỗ lát một khoảng gạch rộng cho người đi bộ xuyên qua bồn cây, có hai người đang nằm ngủ co ro trong tấm chăn nhàu nhĩ cáu bẩn. Anh Duy nói:

- Anh mua cơm cho hai cha con người đó đó em! Nhóc nhỏ đi bán vé số, lượm ve chai, hay ghé quán ông Bảy ăn cơm, còn cha nó thì có bộ đồ vá sửa xe, bình thường ngồi dưới gầm cầu sửa xe cho người ta á.

- Vậy… họ sống, ăn ngủ ở dưới gầm cầu luôn ạ? – tôi nhìn một lúc, mới ngập ngừng hỏi lại.

- Ừa, công việc của họ bấp bênh lắm, ráng lắm thì cũng chỉ đủ ăn qua ngày thôi! Hải ngồi ở đây chờ anh chút xíu nghen!

Anh nói rồi đứng dậy, ra quầy lấy túi đựng hai hộp cơm rồi đi sang bên kia đường. Chị Tâm đứng nhìn theo, cũng tặc lưỡi cảm thán:

- Cha con nhà đó thấy thương lắm cưng ơi! Mấy bữa nay cha nó bệnh mà hổng có tiền đi khám, thằng nhỏ nó đi mần từ sớm tới trưa, đem cơm dzìa rồi lại đi tới tối khuya à. Bữa trước giờ này là thằng nhỏ dậy xong cái đi mất dạng rồi, nay chắc nó mệt nên mới còn ngủ đó!

Tôi cắn cắn que tăm trong miệng, mắt thì nhìn về phía ấy mà chẳng biết nên nghĩ về cái gì. Anh Duy quay lại rồi, anh nói họ còn ngủ nên anh không đánh thức, đoạn gọi tôi ra về, trước khi đi còn dặn chị Tâm lát nữa nói với đứa nhóc kia trưa nay qua quán ông Bảy mà đem cơm về cho cha ăn.

- Ờ cưng, cưng nói ông Bảy bữa nay chị Tâm buổi chiều mới qua được nghe!

- Dạ, em biết rồi chị!

Trời sáng bảnh mắt thì xe cộ cũng auto từ các ngõ hẻm đổ ra đầy đường, anh Duy vẫn lái xe tà tà đèo tôi về. Lúc này hai anh em đang đi trên cầu bắc qua sông Sài Gòn, như ông anh này nói thì qua cầu là gần tới nhà ông Bảy rồi. Tôi ngồi sau xe nhìn trời nhìn nước, lại quay ra hỏi anh Duy:

- Anh Duy này, nhà ông Bảy cũng mở quán cơm ạ? Lúc nãy em nghe anh nói.

- Ừa, đúng rồi em!

- Vậy sao anh không chở em về ăn ở đấy luôn? Ăn ngoài làm gì cho tốn?

- Hì hì, anh Duy muốn Hải ăn thử đặc sản Sài Gòn thôi, còn cơm nhà ông Bảy em ăn lúc nào mà hổng được, phải hông nè? – anh cười vui vẻ trả lời tôi.

Ừ nhở.

...

Nhà ông Bảy mở một quán cơm không lớn lắm, có một điều khiến tôi thấy nó rất đặc biệt ngay từ khi vừa nhìn thấy biển hiệu, chính là ông bán cơm với giá 2.000 đồng. Lúc ấy tôi còn thấy mình ngớ ngẩn hơn cả lúc nghe ba chữ Sà bì chưởng nữa kia, mới hỏi anh Duy với hai nghìn đồng thì được bằng nào cơm. Anh ý lại nhe răng cười, lại vò đầu tôi và bảo “Bao no luôn!”.

Ông Bảy ít hơn ông nội tôi vài tuổi, nhưng như bố nói thì tuổi tác của ông cũng đã thuộc vào hàng “thất thập cổ lai hy” rồi. Vậy mà tôi trông ông vẫn còn khỏe khoắn minh mẫn lắm ấy chứ, lúc tôi vào, ông đang ngồi uống trà ở bàn, ông thấy tôi là đứng lên ôm mặt vỗ vai, xoa đầu vần vò đủ kiểu.

- Ây cha, ta nói thằng Hải nay nó lớn dữ bây hen! Trắng trẻo mập mạp chưa nè. Rồi ba má bây khỏe hông con?

Tôi tươi cười ôm ông:

- Bố mẹ con khỏe ông ạ! Ông vẫn còn khỏe lắm, con cũng mừng! Bố mẹ có dặn con chuẩn bị ít quà biếu ông.

- Bây vẫn khéo cái miệng ghê ha! Con vô đây chơi với ông Bảy là ông Bảy vui rồi, quà cáp chi cho tốn kém cà? – ông Bảy cứ vừa nói vừa vỗ vai tôi – Con ở đây á, muốn mần cái gì, muốn đi đâu chơi ông Bảy cũng chiều con hết hen! Thằng Ba Duy đâu bây, lại ông Bảy biểu coi!

Anh Duy trèo lên gác lửng cất balo cho tôi, thò đầu xuống:

- Con đây nè ông Bảy!

- Nè tao dặn hen, việc ở quán có người lo, còn tao giao thằng cháu tao cho bây trông hen! Bây rảnh rỗi thì chở em nó đi đó đi đây cho biết đất Sài Gòn méo tròn ra sao hen!

- Dạ!

Anh Duy dạ rõ to rồi lại cười toét, phải công nhận rằng khuôn mặt anh ý mỗi khi cười lên trông giải trí thật sự.

Rồi ông Bảy nhắc tôi đi tắm rửa rồi đi nghỉ, anh Duy ra ga đón tôi từ sớm cũng được đặc cách cho ngủ thêm một giấc. Tôi tắm hết hình như là nửa tiếng, gột sạch sẽ bụi bặm với mùi tàu xe khó chịu mới yên tâm leo lên giường ngủ được. Lúc tôi trèo lên gác, anh Duy đã nằm khểnh vắt chân chơi điện thoại, thấy tôi, anh vẫy nhẹ rồi đập đập tay vào chiếc đệm đơn đã xếp sẵn chăn gối bên cạnh mình:

- Hải ngủ ở đây nè nha. Tranh thủ ngủ xíu đi em, không hồi nữa ồn ào khó ngủ lắm!

Tôi nhảy vào chỗ nằm, ngó đồng hồ giờ đã là hơn bảy rưỡi, quấn chăn vào người, tôi hỏi:

- Thế anh Duy không ngủ ạ?

- Hải cứ ngủ đi, anh nằm xíu rồi xuống phụ mọi người. Ông Bảy nói vậy chứ việc cũng nhiều lắm, phụ được xíu nào thì phụ á em.

Tôi cắn môi nhìn anh, phân vân một lúc rồi quyết định không ngủ nữa, tí nữa xuống nhà phụ giúp mọi người luôn. Cả nhà ai cũng đi làm mà mỗi mình mình khểnh càng nằm ngủ, mẹ mà biết thì có mà ăn chửi bằng chết >.<.

Còn một ít thì giờ nghỉ ngơi, tôi quay ra hỏi anh Duy đủ chuyện, mà được ông anh này cũng dễ tính ghê hồn, hỏi gì cũng vui vẻ đáp tôi.

- Anh là con thứ ba trong nhà ạ?

- Anh là thứ hai, trong này người ta hay gọi con cả là Hai, rồi đứa sau cứ thế gọi tới.

- Anh ở với ông Bảy từ bé phải không?

- Từ hồi anh năm tuổi.

- Tí nữa mình xuống chuẩn bị nấu cơm phải không anh?

- Ừa, xuống chuẩn bị sơ chế, lặt rau rửa đồ rồi có mấy cô mấy chị qua nấu, tới 11 giờ mở cửa rồi.

- Quán cơm của ông Bảy bán rẻ vậy chắc là đông khách lắm anh nhờ?

- Ừa, cũng đông đó em. Lát em xuống coi là biết à.

- Thường ngày mình hay bán buổi nào vậy anh?

- Bán giấc trưa với chiều tối á.

- Mà em vẫn thắc mắc, tại sao ông Bảy lại có thể bán rẻ như cho vậy được nhỉ? Rồi có lời lãi gì được đâu…

Anh Duy bỏ điện thoại xuống, ngồi lên nhìn tôi mỉm cười rồi nói:

- Ông Bảy bán làm phước thôi em, đó giờ ông đâu có tính toán lời lãi gì. Ở cái đất này còn nhiều người thiếu thốn lắm. Giống như hai cha con ở dưới gầm cầu mà hồi sáng em thấy đó. Có những người người ta đi làm cả ngày không đủ tiền chạy cơm từng bữa, nếu mà hai ngàn đi mua được một phần cơm, so với một phần cơm ở chỗ khác rẻ nhất là mười lăm ngàn cũng đã tiết kiệm được một ít rồi, tiền đó người ta để dành cho việc cần thiết hơn. Như vậy có phải là mình đã giúp họ được một phần nào đó rồi không?

Tôi mím môi ngưng hỏi, ra là vậy. Thảo nào lúc đấy anh Duy lại nhờ chị Tâm nói cậu con trai buổi trưa sang quán mua cơm, nhà ấy không có tiền đi khám bệnh, cậu nhóc lại phải đi làm suốt thế kia, cầm hai nghìn mua được một bữa ăn thì đúng là đỡ được phần nào hay phần ấy vậy.

Anh Duy ngó tôi rồi nghĩ gì đó, lại giơ tay vò đầu tôi bảo:

- Sao nè, Hải còn muốn hỏi gì anh Duy nữa không? Không thì tụi mình xuống dưới nhà đi!

- À, vâng anh!

Hai anh em đi xuống thì đã thấy dưới nhà có vài người, một chị gái nom như là sinh viên cùng ba người phụ nữ trung tuổi, họ ngồi nhặt sạch các thứ rau dưa hành tỏi bày biện dưới nền nhà, vừa làm vừa nói chuyện rôm rả. Hai đứa bọn tôi cũng hăng hái ngồi vào giúp họ một tay, tôi mới về nên bị họ xoay đầu hỏi đủ thứ chuyện, mà ngược lại tôi cũng biết được vài chuyện hay ho. Chị Xinh, cô Sáu, cô Mười, cô Hà với cô Thảo và một vài người nữa, đều là những người tình nguyện thay phiên nhau đến quán phụ giúp ông Bảy mỗi ngày hai buổi trưa chiều, nấu cơm với thức ăn và chạy bàn phục vụ quán. Còn rau dưa, thịt cá, gạo và các thứ gia vị thì hoặc là ông Bảy đưa tiền cho các cô đi chợ mua về, hoặc cũng có khi là do những người có lòng đến quyên tặng. Tiệm cơm 2.000 đồng của ông Bảy còn có một tủ gỗ đựng quần áo cũ và kệ sách gắn trên tường, bất cứ ai cũng có thể đến lấy dùng, nếu họ có nhu cầu.

Ông Bảy ngồi ở ngoài quầy ghi chép sổ sách gì đó, nghe mọi người nói chuyện vui vẻ với nhau cũng kê cái ghế gỗ thấp ngồi xuống cùng. Ông cười hiền từ, vừa xoa đầu tôi vừa nói:

- Ông Bảy nói tụi con nghe nè, mình làm việc thiện mà, cứ làm hết khả năng của mình thôi, mình tự nguyện làm thì không cần đòi hỏi người ta ai cũng phải giống mình, hen! Người ta có lòng, người ta tự khắc sẽ tới chung tay với con, như mấy cô mấy chị ở đây nè con, ông Bảy đâu có thuê có nhờ vả gì đâu, người ta thấy làm việc thiện, việc lành thì người ta tự tới thôi. Ông Bảy nhận hết, tấm lòng hay là vật chất cũng được, nhiều hay ít cũng hổng có sao, phải không con? Một mớ rau một khúc thịt cũng là tấm lòng, một cuốn sách còn dùng được, một bộ quần áo còn nguyên lành cũng là thiện ý của người ta, mình nhận hết chứ. Nhận rồi á, cái mình đem cho những người nào họ cần hơn mình, đời này nhiều người còn khổ lắm con. Ông Bảy với ông nội con từ hồi đi bộ đội đã gặp nhiều cái cảnh lầm than lắm rồi, bây giờ thì nói là không còn đói khổ như hồi xưa, nhưng mà vẫn có chứ con. Ông Bảy chỉ mong là có thể làm gì đó cho người ta bớt khổ, bớt được cái gánh nặng mưu sinh hằng ngày. Cái nữa là khi mình giúp được người ta, lòng mình cũng thanh thản hơn nhiều lắm con à!

- Vâng, con biết rồi ông ạ!

Tôi gật đầu dạ thưa cho ông Bảy yên lòng trước, vì thật ra chính tôi cũng chẳng rõ mình có thể hiểu được đến đâu những lời ông nói, có vẻ nó có chút gì đó cao sâu so với tầm suy nghĩ của một thằng nhóc 15 tuổi như tôi. Nhưng mà tôi luôn biết rõ một điều, những gì ông Bảy, hay là ông nội dạy cho tôi, chắc chắn không bao giờ là những điều vô nghĩa!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro