II. Thành thị

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đình Trọng nhắm mắt nằm xuống đám lá đẫm sương, khóe môi vương ý cười nhè nhẹ. Quanh anh, cỏ cây xanh rì một màu mướt mắt, hít một hơi dài, anh nằm yên tận hưởng mùi cỏ cây trong lành, hoàn toàn bỏ ngoài tai tiếng gào réo điên cuồng của đám chim sắt đen sì chốc chốc lượn qua trên đầu, bỏ quên luôn những tiếng đì đùng thi thoảng lại bất thần vọng tới.

- Kiên, hát tao nghe đi!

Sau câu nói rất nhẹ, người đồng đội tên Kiên ngoái đầu nhìn, Đình Trọng không hề mở mắt, gương mặt vẫn bình thản như cũ, như thể câu nói ấy chỉ là một câu vu vơ mà anh bật ra khi mơ ngủ thôi. Nhưng Kiên vẫn gật đầu, thả lỏng khẩu súng đang bồng trong tay, lựa tư thế thoải mái ngồi xuống bên cạnh bạn, tiện với cái mũ tai bèo đặt lên trán Đình Trọng cho ánh nắng không chói vào.

- Ừ, để tao hát cho mày nghe!

Tạm biệt chim én xưa
Tạm biệt những giấc mơ
Và giàn hoa tím bên nhà ai nhớ mong…

Đình Trọng thật muốn bật cười, cũng chẳng rõ mình muốn cười cái gì nữa, vì chất giọng vịt khàn phá hỏng hết chất thơ trong bài hát của đồng đội, hay vì câu hát mênh mang mà nó đang ngâm nga. Nhưng anh sẽ không trêu nó đâu, anh hơi mệt, nên cứ thế theo lời ca mà chìm sâu vào giấc ngủ. Không gian dần tĩnh lặng, tiếng hát của Kiên dường như trở nên du dương hơn, êm ả như một góc trời thu xanh cao vòi vọi đã khảm sâu trong trí nhớ từ những ngày còn ấu thơ.

Anh như chim bay xa
Những đàn chim bay trong phong ba
Góc trời kia, chim én thương ai, thương ai, thương ai đợi chờ…

****

Giấc mộng con con như làn khói mỏng manh, len lỏi trong tâm hồn người lính trẻ, đẩy đưa anh trở về con ngõ nhỏ quanh co dài hẹp, về hiên nhà đọng sương mỗi buổi tinh mơ lại nghe tiếng chim chuyền cành líu lo, nơi đầy ắp những kỷ niệm dấu yêu từ thời tấm bé.

Nơi ấy cất những buổi trưa hè oi ả, nắng vỡ cả đầu, anh em Đình Trọng với lũ trẻ cùng lứa vẫn cứ thế đầu trần chân đất chạy quanh con ngõ, hò hét nô đùa inh ỏi chẳng cho ai nghỉ ngơi.

Nơi ấy giấu những hạt na, hạt nhãn của lũ trẻ nghịch ngợm rủ nhau đi bẻ trộm cây nhà người ta, trốn vào sau bức tường thủng cuối ngõ chia nhau chiến lợi phẩm rồi lại đánh nhau chí chóe vì chia chác không đều.

Nơi ấy có gốc na già tỏa bóng mát rượi, cứ tan học về là Trọng với Bình lại trải chiếu ngồi lê la dưới gốc cây, khi thì mang bài ra học, khi lại bày giấy cặm cụi dán diều, vài hôm có cả cha ngồi cùng, gọt cù cho hai anh em chơi. Gió trời êm ả như ru, len qua kẽ lá xào xạc những thanh âm dìu dịu mát lòng, làm hai anh em nhiều hôm chỉ ngồi một lúc là ríu mắt lại, nằm ngủ lăn quay từ trưa đến tận chiều muộn.

Nơi ấy có một bụi rậm mà hai anh em Trọng lén mẹ giấu không biết bao nhiêu cái roi cật tre, tất nhiên là sau khi đã bẻ đôi nó rồi. Vậy mà chẳng biết sao cứ giấu xong là cha lại lấy ở đâu được cái roi khác, báo hại hai anh em lại được một trận dòn quắn đít mới thôi. Cha bảo, Trọng là anh, cứ thế mà gấp đôi lên so với Bình nhé.

Nơi ấy chôn một hòn đá to cỡ bàn tay con con. Một bận Bình bị mấy anh lớp trên bắt nạt, lấy hết quà sáng nên bụng đói meo, anh Trọng của em về nghe liền kéo cả xóm đi đòi đập nhau. Anh của em nhỏ con mà đầu gấu lắm, vật con người ta ra tẩn cho liên tọi, mẹ mà không về kịp thì chắc anh Trọng đã lấy hòn đá ghè vỡ đầu người ta ra mất thôi. Hôm ấy cha xắn tay áo cho ăn lươn mây, hai đùi anh Trọng của em lằn tím đến vài tuần vẫn còn vết.

Nơi ấy có đôi quang gánh của mẹ, cùng mẹ ngược xuôi buôn gánh bán bưng, mặc nắng mặc mưa vẫn sớm tối đi về. Trưa trưa đến giờ tan học, Trọng dắt em Bình ra đến cổng đã thấy mẹ vẫy nón đứng dưới bóng cây chờ sẵn. Mẹ dọn hàng vào một thúng, cho em Bình ngồi vào thúng kia gánh về, anh Trọng đi bên cạnh tíu tít cười đùa với em, mẹ chốc chốc lại cởi nón phe phẩy cho con.

Nơi ấy có căn bếp nhỏ mẹ vẫn cặm cụi nước nước cơm cơm sau mỗi buổi tan chợ về, có nồi cơm nếp thơm lừng hai anh em tranh nhau chỗ ngon dẻo nhất được để phần cho, còn cha ngồi nhai rôm rốp cái thừa, cái xém.

Nơi ấy giấu những cơn mưa rào nước ngập cả sân, hai anh em xé quyển vở cũ gấp thành thuyền giấy, thả trôi lênh đênh một lúc là con thuyền đã ướt nhèm mà đắm mất tiêu.

Nơi ấy, ngày mùa đông gió mưa rét mướt sập sùi, cả nhà quây quần bên bếp lửa bập bùng tí tách. Cha lấy bánh đa ra nướng, nướng bao nhiêu anh Trọng cắn bằng hết, mẹ ngồi ôm em Bình, tranh thủ đan nốt chiếc khăn len. Em ôm mẹ gà gà gật gật, mấy câu hát xa xưa của mẹ dịu dàng dỗ em vào tận giấc mơ sâu. À ơi… gió đưa cây cải về trời…

Nơi ấy bày biện những dây pháo bọc giấy điều đỏ tươi, mỗi ngày Tết đến từ đầu ngõ đến cuối hẻm, đi đâu cũng nghe tiếng đì đùng chộn rộn. Ngày ấy bánh mứt ê hề, nhưng anh em Trọng chỉ thích món kẹo trứng chim thôi, thích đến nỗi đem cả bánh mứt trong nhà đi đổi toàn trứng chim về chia nhau. Anh Trọng mỗi năm một lớn, lại nhường em Bình nhiều hơn vài viên.

Nơi ấy, có dáng mẹ còm cõi ngoài hiên, ngày ngóng đêm trông, chờ mãi cũng chờ được ngày tiếng súng ngưng, chờ được ngày nghe tiếng bước chân cha trở về từ chiến trận.

Nơi ấy, ngày anh Trọng cùng lứa thanh niên quanh ngõ khoác ba lô lên đường, Bình cứ ôm cứng lấy anh khóc mãi không cho đi, mẹ nghẹn ngào dặn dò đủ chuyện. Còn cha chỉ nói: “Đi đi con, đi cho lớn lên cùng đất nước, cha đợi con về!”

Lâu lắm rồi, phải không cha…?
Cha ơi đất nước lớn rồi
Con thì vẫn bé, muốn về với cha
Con nhớ mẹ, con nhớ nhà
Nhớ mùi khói bếp, câu ca ngày nào…

***

Đình Trọng chẳng biết mình đã ngủ bao nhiêu lâu, nhưng cuối cùng cũng đợi được Bình đến rồi, anh vui lắm. Em trai của anh giờ đâu còn là thằng bé con lẽo đẽo theo chân anh ngày nào, đã chững chạc ra dáng lắm rồi, em là thầy giáo hẳn hoi. Em bảo xin lỗi anh vì bây giờ mới đến được, nhưng Đình Trọng nào có trách gì em. Anh cười, vẫn theo thói quen cũ giơ tay xoa đầu em, chà, Bình nhà anh giờ đã cao sắp vượt cả anh rồi này. Anh em Trọng chào tạm biệt đồng đội, khăn gói lên tàu trở về nhà. 

Cây rừng Trường Sơn cao xanh vời vợi, mây trời Trường Sơn vẫn lặng lờ trôi.

Đình Trọng lười biếng kê đầu lên vai Bình, nghe em thủ thỉ kể lại những câu chuyện rời rạc trong con ngõ nhỏ dẫn về nhà từ ngày anh lên đường ra mặt trận.

Rằng anh Đức ở cuối ngõ nhà mình mà ngày ấy anh hay chơi cùng, nhập ngũ trước anh nửa năm, giờ nằm lại chiến trường Nam Lào, mấy năm rồi vẫn chưa quy tập được.

Rằng nhà bác Huy nằm ngay đầu đường, ngày thằng Mỹ điên cuồng ném bom Hà Nội, dù không trúng bom nhưng vẫn bị sức ép của quả B52 giật sập 1 gian, đè thằng Trung nhà bác ấy gãy mất một chân.

Rằng cùng năm ấy, anh Trường, anh Dũng, anh Hải gia nhập lực lượng phòng không thủ đô, đơn vị của các anh bắn hạ được mấy con chim sắt liền. Nhưng anh Hải cũng trúng phải đạn địch, hy sinh rồi.

Rằng cô Dung hàng cốm ở cạnh trường cấp 3 mà ngày trước anh hay trêu đùa, giờ đã là mẹ của hai đứa con. Đứa lớn đang theo học lớp vỡ lòng của em.

Gió lùa qua ô cửa, thổi vạt áo anh bay phần phật, cả thân hình anh đang dựa lên vai cậu em cũng lắc lư theo nhịp xình xịch của đoàn tàu. Đình Trọng nghe em kể chuyện, mắt khép hờ thiu thiu ngủ, trong cơn mộng mị, khóe mi thi thoảng lại giật giật.

Tàu vào ga, Bình dắt anh xuống tàu rồi đi bộ trở về nhà, Đình Trọng có thêm chút thời gian nhìn ngắm những đổi thay của phố thị.

Phố xá giờ rộng rãi làm sao, ồn ã tấp nập, chẳng giống như ngày anh còn bé. Những quán xá ngày xưa, những con người của mùa cũ, giờ anh chẳng còn trông thấy nữa, chợt lòng lại thấy xao xác buồn.

Anh em Đình Trọng rẽ vào con ngõ quen dẫn về ngôi nhà nhỏ, nơi này vẫn yên tĩnh lạ, dường như đã tách biệt hẳn khỏi những xô bồ ngoài kia. Bình đi rất chậm, Đình Trọng cũng lặng yên, cố lắng tai nghe lại những thanh âm thân thuộc tự thuở nào. Trời thu gió dìu dịu, thoang thoảng trong không gian hương cốm thơm nức lòng, thức quà ngon lành mà ngày bé chỉ thi thoảng anh em anh mới được mẹ mua cho.

Trời xế chiều, nhà nhà lục tục nấu cơm, hương cốm lúc đầu dần bị mùi khói bếp ngai ngái khỏa lấp. Đình Trọng nhìn quanh, khói tỏa trắng đục như sương mỏng, đọng nơi khóe mắt anh cay xè.

Thành thị loang khói bay ngỡ màn sương, giăng phủ xa mờ…

- Mẹ ơi, anh Trọng về rồi!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro