8. Ngọc Huyền

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sáng hôm sau, như thói quen mỗi mùa hè, Hiểu Phương hay dậy muộn hơn bình thường chút. Nhưng hôm nay vừa mới thức dậy đã nghe tiếng ồn ào ở chỗ tiếp khách nhà trên, cô vẫn còn đang ngờ ngợ không hiểu gì lắm thì Bích Khuê vào phòng, tét cho một phát đau điếng.

"Chị mau dậy đi rửa mặt mũi đi ngay, bao nhiêu họ hàng khách khứa trong làng đến thăm kìa mà cứ nằm mãi!"

Hai chị em giãy nảy một hồi cũng kéo Hiểu Phương ra khỏi phòng được. Theo lệnh em gái, Hiểu Phương đi rửa mặt xong ra hiên sau vươn vai, ngáp ngủ vài cái cho tỉnh ngủ. Ấy thế mà trời đất ơi! Sau khi bình thường lại, Hiểu Phương mới phát hiện ra nãy giờ cậu Tuấn đứng góc vườn nhìn thấy hết. Đã vậy anh đưa tay bụm miệng cười khúc khích nữa!

"Cái anh này không biết lịch sự hả mà còn cười người ta? Đứng ngoài vườn thì tạo ra ít tiếng động, chứ im như pho tượng ai mà biết được!"

"Ơ hay, cô ra sau mà lại trách người ra trước à?"

Hiểu Phương lờ đi luôn không trả lời, cô tiến lại chỗ góc vườn chỗ cậu Tuấn đang lúi húi:

"Anh đang làm gì thế?"

"À tôi đang cố nhóm lửa để đun nước vối, nãy các bác các ông cứ hỏi khó tôi mấy câu nên tôi giả vờ đi đun nước."

"Nhưng anh không biết làm chứ gì?"

Cậu Tuấn im lặng, anh gật gật đầu, tỏ vẻ ngoan ngoãn như một chú cún con đáng thương mong chờ sự giúp đỡ.

Thấy vậy, Hiểu Phương bĩu môi:

"Xì, tránh qua bên, để chị đây xem nào!"

Hai bên lông mày Hiểu Phương nhíu lại, cô ngồi xụp xuống, đảo đảo nghịch đống lá đốt với củi. Chả biết làm thế nào mà lại có mùi khét lẹt cả lên khiến một cô chạy xuống.

"Ôi giời ơi, chị kia, chị làm cái gì mà khét um khét mù cả nhà bà Kim lên thế này!"

Nghe cái giọng chua loe loét, đinh tai nhức óc này là Hiểu Phương nhận ra người quen. Mợ Lan, nó ghét mợ Lan nhất họ từ hồi nhỏ xíu đến bây giờ đã lớn tướng. 

"Ô phải cái Phương đúng không? Lớn nhanh quá mợ chả nhận ra mày, nào tránh ra mợ làm cho! Chị này đoảng lắm, không khéo cháy cả cái bếp của bà mất!"

Hiểu Phương đứng dậy, nở nụ cười ngại ngùng, đứng nép sang cạnh cậu Tuấn:

"Vâng, mợ xem giúp cháu ạ."

"Ừ để đấy mợ xem nào, ôi giời..."

Mợ Lan ngồi xuống, bắc ấm nước ra và bắt đầu làm gì đó. Vừa làm vừa nói, nói thẳng mặt Hiểu Phương hoặc thì thầm một mình hay sao cô cũng không rõ lắm.

"Gớm! Mang tiếng con gái thành phố mà có nhóm cái bếp cũng không xong, mang tiếng thế làm gì không biết! Đầu tóc thì bù rù xõa xượi như bà điên đâu đâu, không khéo mang cả tổ chấy!"

Nghe thấy vậy, Hiểu Phương vừa tức vừa ngại, mà cậu Tuấn đứng bên cạnh cứ nín cười nên tạo thành tiếng khục khục càng làm cô còn tức hơn nữa. Cô muốn đá anh một phát quá.

Mợ Lan bất ngờ ngẩng mặt lên:

"Ơ hay hai cái anh chị này! Đi lên trên nhà mà tiếp chuyện các cụ đi, đứng đấy ra làm cái cột đình hay sao!"

Nghe mợ mắng cái hai đứa hớt hải lôi nhau đi ngay vào trong. Nhưng việc ra tiếp khách thì cứ đùn đẩy nhau mãi, Hiểu Phương nhăn mặt, hỏi:

"Sao cậu lớn rồi mà cứng đầu như trẻ con thế? Bằng tuổi cậu người ta xách nách hai đứa con luôn mà cậu còn ngại người lạ vậy"

Cậu Tuấn cũng chẳng vừa, anh giãy nảy, ăn vạ:

"Thì kệ người ta, có con sớm chỉ tổ mệt người, mà tôi còn lo thân chưa xong đòi lo cho ai? Ra đó các bác toàn hỏi sao tôi lấy vợ chưa, đến từ đâu xong cứ hỏi mấy câu ngại chết đi được! Họ hàng của cô, cô tự ra đi!"

"Nhưng ngại lắm..."

"Tôi cũng ngại lắm! Tôi đi ra ngoài chơi đây."

Cậu Tuấn đẩy Hiểu Phương ra khỏi cửa gian nhà sau rồi chuồn mất tiêu, để cô lại một mình với hàng đống bà con, chú bác xa lạ.

"Ối chà, này là đứa của nhà cậu Kỳ đúng không? Hay cậu Lương nhỉ? Lớn hết cả rồi, chết chết, mấy nữa đứa nào cũng đi lấy vợ lấy chồng hết cả thôi!"

Ngồi giữa một nhóm toàn các ông, các bác, Hiểu Phương chỉ đành ngồi đó giả vờ cười:

"Dạ vâng, cháu là con bố Kỳ. Cháu tên Phương, cháu con cả ạ!"

"À à nhớ ra rồi đây! Nay mới về các cụ với mọi người đến thăm do chắc đi lâu nên lạ nước lạ cái, sau về là phải đi chào hỏi đấy nghe chưa?"

Hiểu Phương gật đầu, nhe răng nở nụ cười giả y như chưa từng thấy. Có thể nhận thấy cái sự giả tạo, trơ tráo đang trân trân trên mặt Hiểu Phương được di truyền từ cha. Di truyền được cái nét rõ khéo, đáo để phải biết!

"Nghe bảo nhà cậu Kỳ giàu nhất nhì dưới Hà Nội đó nhể? Cái nhà cụ Kim cho anh thứ có khi to hơn nhà anh cả cơ mà!"

"Tôi cũng muốn xuống xem cái nhà Tây đấy lắm, nghe bảo cụ Kim tự tay thiết kế!"

"Ui xời, cần gì cậu Kỳ. Cứ con cháu cụ Kim đứa chả cán bộ công chức, nhà thì cứ gọi là biệt phủ. Giàu năm đời tiêu không hết nhỉ! Khà khà!"

"Nói thế chứ tôi cũng mừng cho mấy đứa nhỏ, được ăn học đến nơi đến chốn, ấm no đầy đủ hơn người ta."

Hiểu Phương lại nhe răng cười, cô đã rõ sao cậu Tuấn hay lo việc bao đồng mà chạy mất dép rồi. Bây giờ, cô cũng sẽ bắt chước anh đây.

"Dạ, bọn cháu cảm ơn. Sau ở đây có gì nhờ cả mọi người ạ! Các cô các bác cứ nói chuyện đi, cháu xuống xem mợ Lan thế nào."

Nói rồi, Hiểu Phương xỏ dép, chạy xuống hiên nhà sau ngay lập tức. Nhưng cô không xem mợ Lan mà chạy luồn ra vườn, vẹt ván lá chuối lên là thấy một lối đi tắt nhỏ rẽ ra cái hồ nhỏ bên cạnh sau nhà. Hồi bé, Văn Khuê làm cái lối này để những buổi trưa không ngủ, hai anh em trốn bà, dắt nhau đi chơi bằng lối nhỏ ra ngoài cạnh hồ, sau đó mới đi ra đường lớn. Như thế thì không cần đi cửa chính, không bị ai phát hiện. Trừ khi người lớn đi qua nhìn thấy, người ta mách bà thì về bị chửi tối tắt mặt đầu, đặc biệt là Văn Khuê với tội danh đầu têu em. 

Sau khi thành công luồn ngách, Hiểu Phương gặp lại cái hồ của tuổi thơ những ngày lang thang, nghịch ngầm. Mười năm rồi, cái hồ vẫn vậy, nước hơi đục màu rêu, cạnh hồ có cái cây to rủ lá xuống mặt nước. Dưới gốc cây có chỗ ngồi nghỉ, cái ghế dài làm từ nứa. Có mái hiên nhỏ

Cô ngó nghiêng xung quanh một hồi rồi mới đi ra ngoài đường lớn, ngang nhiên đi lại. Đi được một đoạn, Hiểu Phương mới trầm mặc tự hỏi, liệu cậu Tuấn đã đi đâu nhỉ? Anh có biết đường xá gì ở quê đâu, ở dưới Hà Nội còn hay lạc nói gì về đây. Chắc anh cũng đi quanh quanh đây thôi nhỉ, cái xóm làng nhỏ thì lạc mất kiểu gì được trừ khi lộn cổ xuống sông. 

Nghĩ vậy, Hiểu Phương có vẻ yên tâm hơn, tiếp tục đi bộ chậm rãi. Nhưng chẳng hiểu kiểu gì, cô đi bộ ra đến bờ đê lại thấy cậu Tuấn đang ngồi trên sườn đê chơi với mấy đứa trẻ con.

Cô tiến lại gần. Hình như cậu Tuấn cũng nhận ra sự có mặt này rồi.

Khi đến nới, hai người đứng đối diện nhau, Hiểu Phương cười hừ một tiếng:

 "Vui nhỉ, làm tôi cứ lo cho cậu bị lạc đâu mất rồi chứ!"

Cậu Tuấn nhướn mày, tỏ rõ ý châm chọc:

"Vâng, quý báu quá, cảm ơn cô nhé. Tặng quà cảm ơn này!"

Anh đưa ra trước mặt coi một nhúm gì đó màu xanh xanh được cuộn thành vòng tròn nhỏ, có cài một bông hoa dại màu trắng ở trên. Tuy không biết là gì, Hiểu Phương vẫn cứ cầm nó lên đã. Sau đó, cô mới ngó nghía kỹ càng thứ đồ vật kỳ lạ nằm trên tay để xem như nào.

"Đây là cái gì cậu?"

"Nhẫn, nhẫn cỏ. Mấy đứa nhỏ vừa mới dạy tôi làm."

Hiểu Phương nhìn chiếc nhẫn cỏ trong lòng bàn tay một cách thú vị, cô nhìn đám nhỏ ngồi góc đằng kia nghịch cỏ với đất, xong lại nhìn cậu Tuấn:

"Anh thích ứng, làm quen nhanh ghê nhỉ?"

"Đại ca... à anh Văn Khuê bảo tôi là mọi người ở quê nhiệt tình, thân thiện lắm chứ không lờ lờ đi như trên thành phố mà. Nãy tôi đi ngoài đường có thằng bé nào ý, nó hỏi tôi là ai, tôi bảo là bạn của Hiểu Phương xong nó dẫn tôi ra đây chơi!"

"Ai được nhỉ...?"

"Là con, con đó cô!"

Một đứa nhóc tay trái còn đang dính đất, tay phải đang cầm hòn đất đen xì mà vẫn cố giơ tay lên, khoe công chuyện chiến tích cho bằng được. Hiểu Phương tiến lại, ngồi xuống thảm cỏ và hỏi:

"Em là con cháu nhà ai? Sao em biết chị với chú kia?"

"Con là con mẹ Sen ấy cô. Mẹ con dặn nghe lời, lễ phép và giúp đỡ nhà cụ Kim. Cô là cô Phương đúng không ạ?"

Cô Sen, dì Sen, thím Sen, mợ Sen hay bác? Lục hết một vòng ký ức mà Hiểu Phương cũng không thể nhớ ra người nào cô quen tên Sen cả. Hiểu Phương liếc cậu Tuấn, ánh mắt biểu lộ phần khó hiểu và suy ngẫm, không hiểu sao bọn trẻ con nói vậy mà anh cũng đi theo dù chả quen biết gì! Cuối cùng, cô khẽ gật đầu.

"Ừ đúng rồi, nhưng gọi là chị thôi, không phải gọi là cô đâu! Em tên gì? Em cũng ở làng này đúng không? Sao chị chưa gặp em bao giờ nhỉ?"

Thằng bé bỏ cục đất trên tay xuống, phủi tay qua loa rồi quay Hiểu Phương lễ phép đáp:

"Không được đâu cô ơi, cậu Sơn, dì San với mẹ con bảo con phải gọi bằng cô ạ. Con cũng chưa gặp cô Phương bao giờ, mới chỉ nghe cậu Sơn kể thôi ạ! Con tên Mùi ạ."

Hiểu Phương à một tiếng, giờ cô nhớ Sen là ai rồi. Chị cả Sen, con trai giữa Sơn và em gái San. Gia đình bác La có mấy người con như trên. Trước khi đổi mới, gia đình nhà bác là con sen con ở hầu hạ, giúp việc cho nhà cụ Kim. Đến bây giờ tuy mọi thứ đã thay đổi, đã khác tầm hơn mươi mười năm trước nhiều nhưng nhà bác La vẫn có đứa con làm giúp việc cho nhà cụ. Phần vì biết ơn cưu mang năm xưa, nể tình nghĩa cũ, có lẽ phần nữa là do gia đình cũng vẫn đang khó khăn.

"Ừ được rồi, mà sao chưa gặp bao giờ mà con nhận ra ngay chị vậy?"

"Cậu Sơn với dì San có kể đó cô. Cậu Sơn bảo cô cả rất xinh đẹp nên con đoán là cô."

Được khen xinh mà là con từ miệng của trẻ con, trần đời đúng là không có gì sướng bằng. Hiểu Phương nhìn cậu Tuấn, mặt mày vênh lên ngất ngưởng trời xanh. Nói đâu đâu một câu gì đó:

"Cậu nghe thấy chưa? Trẻ con thì không biết nói dối nhé!"

"Nó nịnh cô đó! Có vậy mà cũng tin!"

Nói xong, cậu Tuấn quay người chuồn ngay sang góc khác trước khi bị tẩn. Dạo này anh đúng là bị ngứa đòn quá.

Trời xanh ngắt, trong veo, gió thổi nhè nhẹ. Sau cơn mưa đợt mưa lớn ở miền Bắc mấy hôm trước, phải công nhận rằng ở đâu thời tiết đều tốt lên thật. Hiểu Phương và cậu Tuấn bắt đầu những ngày hè vô tận bằng cách làm quen đám trẻ con kia trong làng. Vì có lẽ tụi nhỏ thông thạo vùng quê và một số trò nghịch ngợm nhiều hơn hai người chán. Thế là hai cái đầu lớn tướng ra nhập vào hội nhi đồng.

À nhưng không phải chỉ cần làm quen với mỗi đám trẻ con, Hiểu Phương cũng phải gặp lại người quen cũ và chào hỏi cả họ hàng mới. 

Ví dụ, như mẹ Sen, cậu Sơn và dì San trong câu chuyện trên của cu Mùi.

Để nói kỹ hơn về việc này, ta phải quay về quá khứ từ tầm hai mươi năm trước hoặc hơn. Hồi đó vẫn còn chế độ gia nô, nhà ông cụ Kim - tức ông nội của mấy đứa Văn Khuê, Hiểu Phương, khi đó giàu nứt đố đổ vách, gia nô chạy qua lại trong nhà, ruộng đất thênh thang cả khu. Hiểu Phương chưa ra đời lúc ấy nên chẳng biết ra sao, nhưng nghe Văn Khuê kể lại thì có vẻ giàu kinh khủng lắm. Và trong đám gia nô nhà cụ, có một người tên La, bác trai này là người theo hầu lâu nhất trong đám gia nô, tận gần ba mươi năm trời. Lâu như thế, dần dà, con cháu của ông cũng theo cùng hầu hạ cho nhà cụ. Bốn anh chị em Sâm, Sen, Sơn, San đều từng là gia nô của nhà cụ Kim.

Chị Sen, chị hơn Văn Khuê hai tuổi và giờ hình như đã lấy chồng, nếu cu Mùi là con trai chị thật thì nhóc gọi Hiểu Phương bằng cô là phải.

Anh Sâm, à không, phải là chú Sâm, chắc tầm hơn cả tuổi chú Trường và không kém bố cô là bao tuổi. Chú đã hy sinh trong chiến tranh từ gần hai mươi năm trước rồi, Hiểu Phương chưa gặp chú Sâm bao giờ. Nếu anh Sơn không kể, có khi cô còn chẳng biết họ có anh trai.

Tiếp đến mới là Sơn và San, hai anh em này chỉ sàn sàn tuổi Hiểu Phương thôi. Hồi cô còn ở đây và được hai người họ theo hầu hạ, ba người cũng có chơi gọi là thân thiết với nhau, nhất là cô bé San bằng tuổi Hiểu Phương. Nhưng khi đó, dù có chơi với nhau thân mấy cũng vẫn phải xưng hô giống chủ tớ. Bây giờ không còn chuyện nô bộc, nô lệ nữa thì ba người là bạn tốt, xưng hô bằng vai phải lứa. Thế là có vẻ đã ổn thỏa.

Nhưng đó là câu chuyện của bốn, năm năm trước, bây giờ thì Hiểu Phương không chắc cô đủ tự tin gặp gỡ mọi người ở cái làng quê này. Cô đã biến mất khỏi nơi đây, đã quá lâu không về thăm nơi này. Vậy nên, thật sự sẽ khá là ngại ngùng nếu gặp lại những người bạn từ thuở nhỏ, cô không biết họ sẽ phản ứng ra sao hay nói gì về mình.

Nhưng Hiểu Phương hình như nghĩ hơi quá, lo hơi xa. Ngay hôm đầu tiên đó, sau khi khách chịu về hết rồi, cậu Tuấn với Hiểu Phương trốn chui trốn lủi ở đâu mãi đến giờ cơm trưa mới chịu về. Ha người liền bị em gái nói cho chừa mặt cái tội thích trốn việc, hai cô cậu lớn đầu, đến tuổi lấy vợ, lấy chồng mà mỗi việc tiếp khách cũng trốn, chả khác gì mấy đứa trẻ con long nhong ngoài kia là bao.

Cũng may, sau khi nghỉ trưa, mới đầu buổi chiều không có khách nào đến thăm. Ở nhà không có việc gì làm mà đi ra ngoài đường lúc trưa chiều như thế cũng kỳ cục, Hiểu Phương mới lôi bộ quần áo hôm qua mặc trong tủ, cùng với mấy tấm chăn ga cũ của bà mang ra ngoài vườn để múc nước rồi giặt. Nhưng giặt đến nửa chừng chỉ cần xả nước một lần nữa cho sạch xà phòng thì nước lại hết mất tiêu có tức không chứ. Cậu Tuấn chắc vẫn đang nằm ngửa mặt ngủ trưa, Bích Khuê chắc chẳng khác gì mấy, còn bà thì già rồi, không lẽ lại nhớ bà đi gánh nước chắc?

Tức thật nhỉ, mới ngày đầu về quê đã gặp bất tiện đầu tiên - thiếu nước. Quả thật đúng là không có gì tức bằng việc đang tắm giặt mà hết nước. Ở dưới thành phố, Hiểu Phương chưa bao giờ chịu cảnh bị thiếu nước cả, vì thằng bé Quang lúc nào cũng đi kiểm tra bể nước, cứ với đi hơn nửa là nó chạy đi đổ thêm. Còn việc giặt giũ, phơi phóng này Hiểu Phương cũng hiếm khi làm vì có mẹ rồi, bây giờ cô mới hiểu vì sao anh Văn Khuê với cậu Tuấn bảo cô vẫn 'tiểu thư' lắm! Mới chịu khổ có tí đã bắt đầu thấy bực dọc.

Hiểu Phương thở dài, đứng dậy toan đi tìm cái xô để tự đi ra chỗ giếng gánh nước về. Cô cố gắng chịu khổ chút, chỉ còn mấy tháng thôi là ở Paris sẽ có nước máy nóng lạnh với tiệm giặt là rồi, khỏi phải vất vả như này nữa. Nhưng cô mới chỉ đứng dậy, còn chưa kịp bước chân đi thì đã có cứu tính xuất hiện, với nét mặt đó, dáng nguời đó, Hiểu Phương nhìn là biết ngay ai. Cô ú ớ chút, xong mới mở lời trước, làm bộ làm tịch như chưa nhớ ra.

"Anh Sơn... Đúng không nhỉ?"

"Sáng nay anh thấy nhà đông người quá, nên cũng ngại mang nước vào thay cho bà. Bây giờ anh mới qua đổ nước được, xin lỗi em nhé!"

Hiểu Phương vội vã xua tay, lắc đầu:

"À không không, sao anh lại xin lỗi, em mới phải cảm ơn chứ! May có anh giúp, em đỡ phải đi gánh nước xa."

Nghe xong cậu Sơn chỉ cười trừ, mắt vẫn đang chú ý vào tay cầm chiếc thùng nước kề trên miệng bể. Anh đáp:

"Có gì đâu mà, bình thường anh vẫn hay làm vậy mà."

"À ờ... ờm..."

Hiểu Phương đáp qua loa cho xong vì giờ cô chẳng biết nói gì, cô thấy khá ngại khi gặp lại anh Sơn. Đã lâu lắm rồi không gặp, Hiểu Phương cảm giác có chút hơi xa lạ. Trái với thái độ rụt rè của Hiểu Phương, anh Sơn vô cùng niềm nở, như gặp được người bạn đã lâu không thấy.

"Lâu lắm rồi không thấy em về, lần này em ở lại lâu không? Em lớn quá, càng lớn càng xinh mới chết!"

"Anh cứ nói trêu linh tinh!"

"Anh nói thật đấy chứ! Mà em về phải qua thăm anh với bạn San chứ, San nó biết tin em về chắc vui lắm. Chỉ tội là dạo đây nó cứ ở mãi dưới thị xã có việc ấy!"

Hiểu Phương nghe cũng chỉ gật gật đầu, ỡm ờ:

"Được rồi, nào rảnh em qua thăm nhà với hai bác luôn."

Nghe thế, anh Sơn nở nụ cười hiền hậu, sau đó anh chào Hiểu Phương và xách đồ đi về. Hiểu Phương ngó nhìn thấy bóng anh biến mất khỏi cửa nhà, xong mới tiếp tục quay lại với thau đồ. Anh tốt thật đấy! Bà nội già rồi, bà không tự làm được nhiều thứ nên anh sang giúp đỡ, dù có lẽ sẽ không được trả công cao như những chỗ thuê khuân vác khác. Theo bà từng kể, anh cũng hay giúp đỡ nhiều người trong xóm nữa, thậm chí không lấy công, thế là ai cũng quý, cũng trêu nhận làm con rể. Đúng thôi, ngoại hình tương đối, chăm chỉ, tốt tính, hiền lành, như thế ai chả thích. Còn nghèo thì hầu như ai chả nghèo như nhau.

Cuối cùng, sau gần nửa tiếng vật lộn, Hiểu Phương đã giặt xong quần áo. Chỉ còn đọng chút nước nên cô đang phải vắt nốt rồi mới phơi. Lúc này, ông cậu trẻ từ đâu mới tiến đến trước mặt cô, vuốt cái mặt ngái ngủ vài cái, mắt nhắm mắt mở hỏi:

"Ai vậy?"

"Ai là ai? Giờ cậu mới ngủ dậy đấy hả?"

"Người cô vừa nói chuyện ấy."

"Bạn cũ của tôi."

"Cô thoáng nhỉ, làm bạn với cả đàn ông luôn!"

Tự nhiên bị tra hỏi vớ vẩn khiến Hiểu Phương có chút khó chịu, cô quàu quạu, nhăn nhó:

"Bố mẹ tôi còn không ý kiến, anh ý kiến gì! Thế bây giờ tôi nghỉ chơi với anh cho bớt thoáng nhé?"

"Thôi thôi, đùa tí. Cô giặt xong chưa, đưa đây tôi đi phơi cho nào!"

Cậu Tuấn cúi xuống giật phăng thau đồ mang đi luôn, không đợi cô đáp xong hay chưa. Thế là Hiểu Phương đành phải vội vã quẳng hết chậu nhôm với mấy thứ đồ chà rửa vào một góc, chạy theo sau cậu. Phơi quần áo thì phơi trên dây ngoài hiên một lúc là xong, nhưng cái chăn của bà lại không có chỗ. Hiểu Phương bèn phải kéo cậu Tuấn đi ra chỗ nhà ông Định xin phơi nhờ. Nhà ông buôn vải, dây thép căng kín cả sân tha hồ mà phơi, chỉ tội phải bỏ vài đồng ra để nhờ trông hộ. 

Căng phơi chăn mền xong xuôi, hai người phủi tay, thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành nhiệm vụ của buổi chiều. 

Hiểu Phương ngỏ lời:

"Ta đi thôi nhỉ?"

"Ừ đi, trời nóng quá, tôi muốn uống gì ghê!"

Nghe anh than, Hiểu Phương bật cười một tiếng:

"Anh uống nước sấu đá không? Tôi còn tiền, lát đi qua quán bà Dần tôi mời anh. Coi như trả công hôm nay anh giúp đỡ!"

Cậu Tuấn cũng cười, đáp trả không khách khí:

"Giàu quá nhỉ, cô mời thì tôi không ngại đâu!"

Chỉ là cuộc nói chuyện bình thường, đùa cợt như hàng ngày mà không hiểu sao hai người tự nhiên cười nhiều đến lạ. Thật ra đều cùng không biết cuộc nói chuyện buồn cười ở chỗ nào, nhưng dạo đây, có lẽ chỉ cần việc nói chuyện qua loa hay nhìn thấy nhau cũng khiến cả hai đều tự nhiên muốn nhếch khóe miệng lên cười. Như thể bị cưỡng ép hay có thế lực nào đó khiến hai người buộc phải cười như vậy. Dạo này Hiểu Phương không kiểm soát nổi cơ mặt thì phải, cô luôn bất giác cười như vậy khi nói chuyện với cậu Tuấn. Có lẽ việc được gặp gỡ, quen biết nhau là cơ duyên kỳ lạ của cả cô và cậu Tuấn. Mỗi lần được bước đi bên nhau, được trò chuyện đều khiến cho vạn vật, bầu trời xung quanh như trở thành thiên đường hạnh phúc nhất thế gian.

Nhưng rồi, lúc này có một tiếng nói khác xen vào cô và cậu Tuấn, khiến cho cái nụ cười ban nãy nào kia bỗng tắt ngóm.

"Anh gì ơi, anh qua đây giúp em căng cái màn với được không?"

Một giọng nữ ngọt như đường cát cất lên lảnh lót gọi cậu Tuấn, tất nhiên là gọi anh rồi vì không thấy thằng con trai nào khác đang lang thang gần đây cả. Hiểu Phương và cả cậu Tuấn cùng ngước ra sau xem cô gái đã gọi anh. Thấy mặt cô gái ấy, sắc mặt Hiểu Phương bỗng chốc xám ngoét, biểu cảm không mấy vui vẻ nữa.

"Ôi, anh này là người quen của Phương đó sao? Lâu quá rồi không gặp cậu, nghe người trong làng truyền nhau cậu về sáng nay, mà giờ mình mới được gặp cậu ở đây đấy! Thật tốt ghê!"

Trước lời chào nghe là biết thảo mai hơn cả ông bố của cô, Hiểu Phương hít một hơi sâu, cô trả lời:

"Ừ, mình chỉ mới về hôm qua thôi. Anh giúp bạn ấy đi, nhanh rồi chúng mình về."

"Tôi... tôi á? Vậy cũng được sao, cô đợi được không?"

"Được."

Hiểu Phương trả lời cộc lốc, sau đó cô ra chỗ khác gần phía ngoài góc sân đứng chờ. Cậu Tuấn nuốt nước bọt, đã vài tháng rồi anh mới nói chuyện với một cô gái trẻ khác với tư cách là một thằng con trai ngoài hai chị em nhà Phạm.

Cô gái niềm nở:

"Anh kéo giúp em lui sang đằng bên trái nhé. Tại đầu này có cái cành cây, em sợ bị rách mất!"

"À... vâng..."

Mặc dù cậu Tuấn bối rối đến độ luống cuống cả chân tay, cô gái kia lại rất bạo dạn. Cô hết hỏi này bảo nọ, xong lại bắt sang chuyện khác:

"Anh tên gì vậy, anh đẹp trai quá! Nghe bảo Phương sắp cưới, anh là người yêu cậu ấy sao?"

Cậu Tuấn cười, nửa ngại nửa sướng muốn chết, thì ra trông hai người giống một đôi đến vậy luôn! Sáng ra mấy chú bác gọi anh lại cũng vì tưởng anh là giống như vậy mà. Anh trả lời:

"Cô cứ gọi tôi là Tuấn. Còn về chuyện kia thì không phải đâu! Đúng là Phương sắp cưới, nhưng cưới người khác. Tôi với Phương trông có chút thân thiết nhưng không phải kiểu đó đâu, chúng tôi là người quen, là bạn tốt thôi!"

Nghe thế, cô gái cười tươi rói:

"Thế tốt thật! Mà anh cứ gọi là em đi, xưng tôi sao mà nghe khách sáo quá! Em tên Huyền, Ngọc Huyền. Sau này chắc chạm mặt nhiều trong làng, anh phải nhớ tên em đấy!"

"À vâng, tôi... à anh sẽ nhớ. Tên với người đẹp như này sao lại quên chứ!"

Hai người nhìn nhau, cười ngại ngùng. Cậu Tuấn thấy cô gái tên Huyền này cũng thật hay, cô trái ngược hẳn với Hiểu Phương. Trong khi cái cô Phương dù xinh đẹp mà suốt ngày càu cạu, khó ở khó chiều, sáng nắng chiều mưa lại còn nói năng cộc cằn. Ngọc Huyền tuy không xinh đẹp bằng Hiểu Phương, nhưng nói năng vô cùng nhẹ nhàng, hiền dịu, điệu đà như một nhành hoa giấy. Tiếp xúc với cô khiến anh cảm thấy một làn gió mới thoáng qua giữa chiều hè oi ả.

Cách đó đằng sau hai bức màn vải, Hiểu Phương đứng đó, bực dọc. Cô đã nhìn thấy cảnh chim chuột này. Cô nóng cả mắt, vừa lo sợ vừa có chút tức giận. Trong một cuộc tình, dù là song phương hay đơn phương, có thể người trong cuộc không để ý nhưng người ngoài nhìn phát có thể thấy xuyên hết mọi thứ. Ta có thể che giấu tình cảm, nhưng ánh mắt thì không biết nói dối. Với biểu cảm đó... Nụ cười ấy của cậu Tuấn, liệu rằng có phải anh...

Thôi bỏ đi, chuyện của cậu, cô đâu cần nên quan tâm.

Hiểu Phương toan bước chân đi khỏi sân để đỡ phải nghe hay nhìn thấy, nhưng chẳng hiểu nghĩ thế nào mà cô dợm chân, tiếp tục đứng nhìn qua kẽ hở giữa những bức màn để theo dõi cuộc trò chuyện.

"Được, vậy hôm nào đó anh với em gặp sau nhé!"

Đó là câu cuối cùng cậu Tuấn nói với Ngọc Huyền, rồi định rời đi. Khi đó gió thoảng qua, mấy bức màn, bức vải xung quanh bay phất lên. Hiểu Phương nhìn xuyên qua, thấy rõ mồn một cảnh hai người đang cười đùa với nhau. Cô bỏ đi, mắt lại nóng lên.

Hiểu Phương thấy hậm hực ghê gớm. Cô không phải ích kỷ, vớ vẩn tới nỗi cảm thấy ghen tức khi cậu Tuấn cười với người khác hay chỉ vì anh bảo cô là người duy nhất anh thân quen nên giờ anh có người khác khiến cô thấy khó chịu. Nhưng đây là Ngọc Huyền, vì cô gái ấy là Ngọc Huyền nên Hiểu Phương mới khó chịu. Cô cầu nguyện, làm ơn đi, rằng cậu Tuấn gặp cô nào chả cười như thế chứ không phải riêng gì Ngọc Huyền. Làm ơn đấy, không phải... rằng anh đã có chút gì đó trước Ngọc Huyền rồi chứ?...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro