11. "Màu nắng hay là màu mắt em."

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Anh Tuấn, sao anh tránh mặt em? Anh..."

"Tôi đã nói là đừng tìm tôi nữa mà!"

Cậu Tuấn tức giận, anh gạt tay Ngọc Huyền ra.

"Nhưng anh chả nói rõ với em, cứ bảo thế là không gặp nữa luôn à? Sao anh lại như vậy? Con Phương đúng không, nó ton hót, nói xấu gì em với anh à?"

"Hai người lằng nhằng quá! Ra chỗ khác mà cãi nhau!"

Bảo San nhăn nhó, nó khó chịu từ nãy, giờ mới lên tiếng ngắt quãng cuộc đẩy đưa. Cậu Tuấn được đà, liền xua Ngọc Huyền:

"Nghe thấy chưa? Cô đi ra ngoài đi, hôm nay tôi bận lắm, đừng làm phiền tôi!"

Nói rồi anh bỏ vào nhà, nhưng con ả kia vẫn không buông tha:

"Anh Tuấn, Anh đừng có nghe lời con Phương nó nói! Nó nói dối hết đấy! Ít nhất anh cũng phải nói rõ lý do không muốn gặp em nữa chứ? Anh không ở lại nói chuyện với em, là em cứ ăn vạ ở đây đấy!"

Ngọc Huyền cứ giãy nảy cả lên, vì thậm chí anh còn không thèm quay lại nhìn cô ta lấy một cái mà đi thẳng vào nhà. Thấy thế, Bảo San nhếch mép, bỏ cho cô ả một câu trước khi đi vào:

"Đáng lắm cho mày chừa! Bố tổ sư con điên!"

"Mày nói cái gì?"

"Có gì đâu, bâng khua mấy câu, ai nghe thì nghe, không thì thôi!"

Nói xong, Bảo San cảm giác thoải mái trong lòng ghê. Cô cũng ghét con Ngọc Huyền, không kể đến việc Bảo San chung phe với Hiểu Phương thì cũng đã ghét cái tính của nó rồi. Lúc nào cũng cứ đòi gì phải được nấy, làm như nó là công chúa không bằng.

Sau đó, cô đuổi theo cậu Tuấn kia và bảo anh trai đi an ủi Hiểu Phương. Gạt được Ngọc Huyền, cậu Tuấn đi ra vườn sau nhà dù chẳng hiểu vì sao mình lại ra đây, tay vẫn còn cầm túi mận ban nãy.

Anh thở dài, anh chỉ nói chuyện có vẻ hơi vui vui quá xíu, thành ra bị hiểu nhầm là đang tán tỉnh cô ta. Thế có chết không!... Có lẽ do anh lại hơi quên đi mất là có sự khác biệt rất lớn giữa tư tưởng của người lớn lên ở Mỹ và của người lớn lên ở đất nước khép kín như này.

"Này anh kia!"

Cậu Tuấn giật mình, tỉnh khỏi suy ngẫm vơ vẩn của bản thân:

"Cô gọi tôi à?"

Bảo San, bạn của Hiểu Phương.

"Đúng vậy! Anh có vẻ cũng là bạn bè có chút thân thiết của Hiểu Phương, mà không hiểu anh nghĩ gì lại đi qua lại với cái con tu hú đấy? Định thành quạ nuôi tu hú à?"

Nghe thế, cậu Tuấn ngơ ngác:

"Tú hú nào? Tôi có nuôi chim chóc gì đâu?"

Bảo San chẹp một tiếng, nhăn mặt:

"Ý tôi là con Huyền ấy. Cái tính nết nó thế mà thích được, lạ thật thôi!"

Hình như "tu hú" là một kiểu so sánh mang ý ẩn dụ gì đó. Đại loại nó giống kiểu từ lóng nên cậu Tuấn hơi ngơ chút. Nhưng bỏ qua phần đó, anh cũng đã bắt nhịp được cuộc nói chuyện với Bảo San.

Anh liếm môi:

"Tôi không thích cô đó. Tôi chỉ nói chuyện vui thôi mà! Cô với cô Phương hiểu lầm rồi!"

"Không chỉ tôi với Phương, ai nhìn vào chả hiểu lầm cái kiểu nói chuyện như anh! Thôi bỏ đi, anh đúng là..."

Bảo San nói vài câu rồi định đi vào nhà, miệng vẫn lẩm bẩm nói gì đó, hoặc là đang chửi rủa. Nhưng chưa bước được hết ba bước, cậu Tuấn đã gọi cô lại.

"Nhưng mà này, tại sao nếu tôi thân thiết với Hiểu Phương thì không được quen cô Huyền?"

Câu hỏi này thật sự quá đúng ý Bảo San rồi. Cô biết thế nào anh ta cũng tò mò mà!

Thế là Bảo San ngồi xuống, bắt đầu kể câu chuyện quá khứ cho cậu Tuấn nghe. Về cái hồi mà cô và anh trai vẫn phải cúi đầu trước những kẻ quan lớn, bề trên. Về cái hồi nhà ông Kim vẫn vô cùng giàu có ở Hà Thành.

Ông cụ Kim ngoài mặt là người ủng hộ phe bọn Pháp và Nhật, nhưng khổ, hai thằng con trai của ông đã ghi danh vào Đảng Cộng Sản, trở thành chiến sĩ Cách mạng. Dù không muốn, ôngcụ cũng phải đành che giấu, giúp đỡ cho chúng nó. Ngoài người trong gia đình, không ai biết chuyện này cả. Kẻ làm, người ở tại gia ai dám hó hé vớ vẩn ra ngoài, lập tức bị giết diệt khẩu ngay. Ông Kim vốn nổi tiếng là người không nương tay với ai, trong nhà ông còn cất cả súng, mấy đứa hầu nghe thế có đứa nào mà không sợ cho nổi.

Việc che mắt thiên hạ rất ổn, hai con trai ông lần lượt lấy vợ và sinh con sinh cháu như những thiếu gia nhà giàu khác. Gần như không có vấn đề quan trọng gì dẫn đến việc sẽ bị lộ cả.

Nhưng có một vấn đề ở chỗ này, vợ của con trai cả đến từ một gia đình thuần quan chức ủng hộ bọn Pháp.

Con trai cả của ông Kim chính là bác Lương, bố anh Văn Khuê. Và người phụ nữ đến từ gia đình theo Pháp kia chính là mẹ anh.

Trong một lần về thăm nhà ngoại một mình, mẹ Văn Khuê đã kể chuyện ở nhà chồng và vô tình làm lộ bí mật động trời kia. Cha của bà thường muốn lấy lòng bọn quan phủ ấy, nên ngay lập tức đã báo lên cho chúng biết. Sau khi hay tin, lính Pháp đã làm một phen náo loạn cả Hà Thành khi dám khám xét nhà ông Kim và ra lệnh truy nã hai thiếu gia trên toàn nước.

Bác Lương đã kịp thời trốn đi Trung Quốc. Ông Kỳ - bố của Hiểu Phương thì không may mắn thế. Ông đã bị bắt khi đang ở Vinh và bị đưa về nhà tù Hỏa Lò. Gia đình ông Kim từ đây bắt đầu chao đảo.

Con dâu cả bỏ trốn sau khi gây nên tội lớn. Gia đình thì loạn lạc, đứa ở nước ngoài, đứa ở trong tù. Vào một ngày cuối thu, ông lão viết một bức thư phân chia tài sản và dặn dò con dâu thứ - tức mẹ của Hiểu Phương. Sau đó, ông tự hạ độc bản thân và nhắm mắt xuôi tay, bỏ lại tất cả phía sau.

Mọi người trong gia đình đã chia nhỏ ra theo ý ông. Bà hai và con út ở nhà riêng như đã được cấp. Bà cả và các cháu về quê. Mẹ Hiểu Phương phải ở lại thành phố để lo toan nốt mọi thứ, dẹp bán các loại cửa tiệm của gia đình và giải quyết lương bổng với gia nô trong nhà, cho họ đi tìm cuộc sống mới sau chục năm trung thành.

Còn Hiểu Phương và Văn Khuê, hai đứa trẻ thành phố lần đầu sống ở nông thôn nghèo khó và học ở trường nên hòa nhập hơi khó. Trước khi về đây, hai đứa đều chỉ học tại gia với ông giáo Lâm đến dạy. Không biết Văn Khuê đã như nào, nhưng để có thể hòa nhập với lớp, Hiểu Phương đã nghe lời và làm mọi thứ để được kết bạn với mọi người. Cho dù người ta có quá đáng đến đâu, thậm chí đòi lấy đồ vật yêu thích của cô, cô vẫn đồng ý. May mắn lúc đó em gái của Hiểu Phương còn nhỏ nên ở nhà với bà, không đi học chữ. Nếu không thì con bé sẽ không thể trụ nổi mất.

Hiểu Phương đã rất nghe lời, đã làm rất tốt để sinh tồn trong hoàn cảnh như thế. Cho đến khi ở dưới thành phố truyền lên tin bố của Hiểu Phương cùng nhiều tù nhân chính trị khác đã vượt ngục, và tất cả đang bị truy nã.

Những ngày tiếp theo quả là địa ngục đối với một cô bé tám tuổi khi đó. Tất cả lũ trẻ con còn quá nhỏ để hiểu mọi thứ, nên chỉ biết tin trong lớp có đứa bố đi tù, chúng nó nói móc mỉa, tẩy chay "a xít" người bạn đáng thương đó. Con Ngọc Huyền - cái đứa mà từng tự nhận là bạn thân nhất của Hiểu Phương ấy lại là đứa đầu têu bắt nạt cô bé. Gọi cô là con nhà phản quốc, nhà Việt gian nên mới phải tù tội, đã vậy còn phải nhục nhã trốn đi. Đó là lý do vì sao Hiểu Phương ghét Ngọc Huyền đến vậy, người khác nhìn vào còn thấy quá đáng, nói gì cô phải trải qua mọi thứ như thế.

Nhưng có lẽ đây cũng là lý do khởi nguồn cho việc Hiểu Phương ghét bố mình, ghét ông Kỳ. Vì ông mà cô đã bị chúng nó đối xử như vậy. Cho dù sau này mọi thứ được sáng tỏ rồi, Hiểu Phương vẫn không thể thôi bỏ cái ác cảm với cha đó được. Có thể cô không yêu quý cha mình như trước, nhưng không ai được phép xúc phạm ông hay gia đình cô với cái từ gọi là 'biệt danh' đó. Hồi ấy ông Kỳ đã phải chịu khổ sở và vất vả cùng cực cho đất nước có được ngày hôm nay, trên bắp tay trái ông vẫn còn vết sẹo cũ cho thấy dấu vết từng bị giặc tra tấn. Ấy thế mà con Ngọc Huyền dám gọi người đã hy sinh vì Tổ Quốc nhiều như vậy là Việt gian, là phản quốc thì Hiểu Phương chả tát cho cái.

Vậy nên Hiểu Phương không hề đáng trách hay là có tính cách tệ bẩm sinh, cô cũng không phải là một người mắc bệnh tiểu thư nên không có bạn bè vì tính cách của bản thân. Qua bao nhiêu chuyện như thế, cậu Tuấn đã hiểu được vì sao Hiểu Phương lại khó gần và không muốn mở lòng với mọi người như hiện tại. Chưa kể đến việc, lớn lên chuẩn bị lấy chồng thì bị hôn phu phản bội mà phải cắn răng chịu.

"Đấy, tôi kể rồi. Tôi không phải vậy thế để làm xấu hình tượng Ngọc Huyền của anh đâu, tất cả đều là sự thật. Hồi đó, cứ mỗi lần tôi sang đây để sắp xếp sách vở và gấp quần cho Hiểu Phương là lại nghe cô ấy kể chuyện bị nó bắt nạt như nào, nghe mà thương lắm. Vì vậy không phải Hiểu Phương xấu tính, hay nổi nóng nên đụng tay đụng chân với con Ngọc Huyền đâu, mọi chuyện đều có lý do đằng sau cả! Thế nên đừng có trách bạn tôi đấy, nhé!"

Bảo San nói nốt câu kết cho câu chuyện, sau đó đứng dậy, phủi mông đi vào nhà.

Nghe xong câu chuyện của Bảo San kể, cậu Tuấn vẫn ngồi đó, anh trầm ngâm, suy ngẫm.

Nếu như chuyện Bảo San vừa kể là quá khứ của gia đình nhà ông Kỳ thật, thì việc anh đi chơi, nói chuyện cùng với Ngọc Huyền đúng là một việc không nên. Anh cũng ghét cha mình, nhưng dù vậy, có thằng loi choi nào dám ăn nói mất dạy, xúc phạm đến ông, anh cũng sẽ đấm cho nó phát. Sau ngần ấy năm mà Ngọc Huyền vẫn giữ thói quen xấu, ăn nói kiểu đó, bị Hiểu Phương đánh cho như vậy cũng chẳng sai.

Nhưng cái khiến anh hối hận nhất là không để ý đến ánh mắt của Hiểu Phương khi quen Ngọc Huyền, hẳn là cô đã suy nghĩ rất nhiều khi nhìn thấy anh như thế. Đã vậy, lúc nãy anh lại còn lỡ trách lầm cô.

Càng nghĩ, cậu Tuấn càng thấy áy náy, anh cứ thở dài, tay vuốt tóc liên hồi. Nhưng ngồi nghĩ một lúc, anh quyết định sẽ khắc phục lỗi lầm, anh đi lên gian trước, bước ra cửa nhà.

"A, Anh Tuấn, đấy em bảo mà. Con Phương nó chỉ toàn..."

"Ngọc Huyền này."

"Sao anh?"

"Từ giờ, cô đừng có tìm tôi, hay bám theo tôi nữa. Tôi sẽ nói thật hết những gì tôi nghĩ cho cô hài lòng."

Cuối cùng, cậu Tuấn lựa chọn làm rõ mọi việc và cắt đứt với Ngọc Huyền một cách rõ ràng. Anh không muốn Hiểu Phương phải chịu đựng thêm những điều làm cô khó xử nữa. Vì anh thích cô mà. Giờ cậu Tuấn chỉ muốn Hiểu Phương luôn vui vẻ thật nhiều và hạnh phúc như cái cách cô đã khiến cho tâm trạng một ngày của anh tốt lên thôi.

Nhưng anh quên mất rằng, anh với cô chưa nói chuyện lại.

Bữa tối hôm đó Hiểu Phương vẫn tỏ ra như mọi thứ đang bình thường, cô chỉ không trò chuyện và cười vui vẻ với cậu Tuấn như hôm trước. Ánh mắt cô nhìn anh đến là lạnh lùng, vô hồn như nhìn một người xa lạ đang đi lướt qua. Buồn nhất là khi cô vẫn nói chuyện và tươi cười với bà nội, với em gái nhưng coi cậu Tuấn như đã vô hình.

Mà buồn hơn, cậu Tuấn thấy vậy cũng chẳng dám lên tiếng gì. Anh vẫn còn thấy có lỗi với Hiểu Phương nên không dám đòi hỏi hay nói gì xa xôi. Hiểu Phương thì đã tránh nói chuyện với anh từ sáng. Thế là cả hai cứ vậy mà im lặng, coi nhau như không xuất hiện trước mắt.

Bữa tối không có gì quá đặc biệt. Chỉ có lời bà nội hỏi han mấy đứa nhỏ ăn có ngon miệng không, sống ở đây có quen không, có gì bất tiện không. Cuối cùng là thông báo rằng ngày mai bà sẽ phải vắng nhà tầm chục ngày đi lên thị xã và đi Yên Bái lễ lộc gì đó. Mấy đứa cháu có thể về thành phố hoặc ở lại quê chơi, trông nhà cho bà. Mà với cái tình hình giữa Hiểu Phương và Nghĩa như vậy, chắc chắn cả ba đứa phải chọn ở lại rồi, vì có không chọn thì anh Văn Khuê cũng sẽ bắt chọn như vậy. Dạo này anh kêu anh bận lắm, không có thời gian rảnh mà thăm mấy đứa thì làm sao về để đón lên thành phố được.

Khi bà đang nói, Bích Khuê có phát hiện ra điều gì đó.

Hình như, cậu Tuấn và chị gái cô đang cãi nhau ấy nhỉ?

Bích Khuê cắn đũa, hết liếc cậu Tuấn rồi Hiểu Phương. Không ngồi cạnh nhau trong bữa cơm, không nói chuyện cười đùa vui vẻ như thường ngày. Chỉ qua một bữa ăn, Bích Khuê đã đoán ra được điều mờ ám đang diễn ra.

Nhưng cô không lựa chọn khuyên nhủ như trước, cô có cách khác để hai người này xích lại gần nhau hơn một cách khéo léo. Không hiểu làm sao, Bích Khuê cứ thấy chị gái cô khi đứng cùng người đàn ông lạ lùng này còn đẹp đôi hơn khi đứng cùng Nghĩa cơ. Có lẽ là do tướng, do trời sinh ra cả mất rồi! Cái ánh mắt, cái tình cảm cậu Tuấn dành cho chị cô

Sau những gì bà căn dặn, buổi tối hôm ấy đã kết thúc như vậy. Ngày mai bà sẽ sang nhà mẹ của Ngọc Huyền để đi cùng mấy người bà con trong xóm nữa, và mai cũng là sinh nhật Hiểu Phương rồi.

Sáng sớm hôm sau, bà lão dậy sớm chuẩn bị lại tem phiếu, lương thực trong nhà. Hai đứa cháu gái của bà vẫn đang say giấc nồng, những chàng trai trẻ kia lại đã dậy. Bà bèn gọi anh ra để dặn.

Xong xuôi, bà đưa cho cậu Tuấn một chiếc hộp bé xíu, ghé tai nói nhỏ:

"Đây là quà sinh nhật của Phương. Bà sợ đợi nó dậy để đưa thì muộn giờ xe đi. Bà nhờ cậu đưa cho nó, hai đứa cũng nói chuyện nhiều mà đúng không? Giúp bà nhé!"

Nói rồi bà lão dúi hộp vào tay anh, nhanh chóng rời đi khỏi nhà ngày. Cậu Tuấn cầm hộp quà trên tay mà dở khóc dở cười. Chắc bà không biết, vừa mới hôm qua thôi, anh và cháu gái yêu của bà đã không còn "nói chuyện" nhiều nữa rồi.

Cậu Tuấn thở dài, anh vào phòng mình ở - căn phòng chuyên dành cho khách trong nhà, sau đó anh mở cặp táp ra và xem cuốn sổ trong đó.

Ngày mùng hai tháng Bảy dương lịch, anh phải lên tàu đi từ Sài Gòn đến Tokyo để bay về San Francisco. Nghĩa là thời gian anh ở miền Bắc Việt Nam chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa.

Có lẽ, lần chiến tranh lạnh này của anh và Hiểu Phương chính là kết thúc cho mối quan hệ của hai người. Đặt dấu chấm hết cho tình yêu chóng vánh của anh dành cho bông hồng xứ lạ. Dù cậu Tuấn chưa từng tỏ tình, Hiểu Phương chưa từng từ chối, nhưng khỏi cần một trong hai phải lên tiếng, sự lặng im kia như đã thay cho câu trả lời về mối quan hệ giữa hai người.

Cậu Tuấn đưa tay chạm nhẹ, khẽ vuốt chiếc áo sơ mi trắng được gấp gọn gàng và nằm dưới đáy cặp của anh. Đó là chiếc áo mà Hiểu Phương từng giặt cho cậu Tuấn. Sau lần đó, anh không mặc nó thêm lần nào. Vì nếu anh mặc lên và nó bẩn đi rồi, Hiểu Phương cũng sẽ không giặt nó thêm lần nào nữa cho anh.

Biết trước cuộc gặp gỡ định mệnh này chắc chắn sẽ hợp rồi lại tan, nhưng không hiếu sao cậu Tuấn vẫn thấy nặng lòng.

Đang thở dài thườn thượt, buồn bã, bỗng cậu Tuấn để ý thấy vật quen thuộc thuộc ở góc phòng mà anh đã mang lên đây từ đầu nhưng chưa đụng tới lần nào cả - chiếc đàn ghi-ta mượn của Khải.

Nhắc đến những thứ liên quan đến âm nhạc, cậu Tuấn chợt nhớ ra một bản nhạc anh đã chép được khi đi chơi lang thang xung quanh khu vực gần Sài Gòn. Đây là một bản nhạc dễ thương mà anh đã nghe được từ một người bạn lạ, một người nhạc sĩ tình cờ gặp gỡ ở Đà Lạt trước khi đi Hà Nội. Cậu Tuấn lật trang cuối cuốn sổ ra và tìm thấy tờ giấy chép nhạc kẹp ở đó, bài hát đó tên Nắng Thủy Tinh.

Màu nắng hay là màu mắt em

Mùa thu mưa bay cho tay mềm

Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm

Rồi có hôm nào mây bay lên.

Lùa nắng cho buồn vào tóc em *

...

'Em' được miêu tả trong lời bài hát trên có lẽ là nàng thơ của người sáng tác, nàng thơ của người đó hiện lên với vẻ đẹp tươi sáng tựa màu nắng. Vẻ đẹp ấy cũng gợi cậu Tuấn nhớ về nàng thơ đang quanh quẩn trong tâm trí anh bấy lâu nay.

Cô ấy là một cô gái sang trọng, luôn kiêu hãnh và có chút đanh đá, có lẽ đây là khí chất vẫn sót lại từ khi còn là một tiểu thư Hà Thành nhà giàu. Em có mái tóc đen dài ngang lưng, dáng người mảnh mai, hơi cao, đôi mắt tròn to và long lanh. Khóe miệng duyên dáng, mỗi khi cười lên là rạng rỡ cả một vùng như ánh mặt trời. Em khó mở lòng với người khác, không thích sự ồn ào, không thích đám đông và sống nội tâm, kín đáo. Giống như một chú mèo lang thang chảnh chọe, khó ưa, sẵn sàng cào bất kỳ ai. Cho đến khi có người kiên nhẫn chăm sóc, lắng nghe, mèo con mới dần mở lòng, để lộ ra mặt yếu đuối của mình.

Đấy, chỉ qua đặc điểm, chưa cần nhắc tên, cậu Tuấn đã nghĩ ngay được cô ấy là ai.

Sau tất cả, có lẽ cũng vì nụ cười xinh rạng rỡ như ánh nắng hôm ấy mà trái tim anh mới bắt đầu thổn thức đến vậy.

Ngẫm nghĩ một hồi, cậu Tuấn lấy cây đàn ghi-ta đó ra. Khi chạm vào dây đàn, chạm vào những nốt nhạc, anh dường như đã cảm nhận được một điều gì đó đã rất lâu không thấy.

Có lẽ đó là tình yêu, là tuổi trẻ. Thanh xuân và những năm tháng trẻ rực rỡ của anh đều có dấu ấn của âm nhạc và thơ ca, tranh ảnh, văn vở để lại. Đã rất lâu rồi, anh không có cảm nhận được nguồn năng lượng tươi trẻ như hồi ấy nữa.

Tay anh đánh đàn, đánh ra những điệu nhạc ngọt ngào nhưng đưa anh về những ký ức buồn.

Nhiều năm trước, khi còn đang học trung học, cậu Tuấn chỉ thích những thứ như âm nhạc, hoa lá cỏ cây, nhiếp ảnh, hội hoa, văn thơ, những điều lãng mạn và đẹp đẽ. Anh ao ước sau này trở thành nhà văn hoặc nhà báo, hoặc một nhiếp ảnh gia cũng được. Nhưng khi bố anh phát hiện ra sở thích này, ông đã bảo thích những thứ 'vô dụng' như thế khiến con trai ông trở nên 'ẻo lả, lông bông' và thế là cuối cùng cậu Tuấn đã phải vào trường quân đội cho nó 'nam tính' theo ý gia đình. Học ngành anh ghét, làm công việc anh không hề có thích thú gì hết. Bắt đầu từ đây, những thứ gọi là nhiệt huyết đam mê và tình yêu cuộc sống của anh dần dần biến mất theo năm tháng. Và vào ba năm trước, anh đã quyết định để nó biến mất thật sự. Hồi ấy, cậu Tuấn đã tiến gần đến ngưỡng cửa hôn nhân, suýt chút nữa anh đã ổn định cuộc sống và cưới một cô gái tóc vàng, mắt xanh, gương mặt có đốm tàn nhang đúng kiểu người da trắng điển hình tên Estella.

Khi đó, cậu Tuấn vừa ra trường và mới nhận công việc phục vụ trong quân ngũ được hơn một năm gì đó, Estella thì vẫn là sinh viên đại học. Hai người đã có dự định kết hôn.

Estella muốn được cầu hôn và lập gia đình với cậu Tuấn. Anh đã nghĩ rằng anh cũng yêu Estella và muốn lập gia đình với cô. Nhưng không hiểu sao, trước khoảnh khắc định cầu hôn cô, anh đã thay đổi dự định và nói chia tay, dù thậm chí trên tay anh còn đang cầm hộp nhẫn rồi.

Đứng trước ngã rẽ hôn nhân, anh bỗng nghĩ về gia đình, anh nghĩ về cái gia đình tan hoang của anh.

Sau khi mẹ anh mất, bố anh vẫn cố gắng chăm sóc cho con trai mình bằng cách kiếm tiền và vứt cho nó. Có lẽ ông nghĩ nó sẽ tự ăn cái tiền đó mà no được hay sẽ tự đắp cái tiền đó lên chân khi chạy chơi ngã chảy máu. Ông gọi là cũng có trách nhiệm, nhưng lại chẳng chăm sóc, để tâm mảy may gì đến đứa con đang lớn của mình. Và cậu Tuấn đã phải lớn lên từ những bữa cơm ở quán ăn người Hoa. Hồi ấy căn bếp nhà anh luôn sạch sẽ, bởi không có ai ăn uống hoặc nấu nướng ở đó cả.

Sự vô tâm của cha, thiếu đi tình thương của mẹ đã khiến sau này khi lớn lên, anh đã tìm và có rất nhiều 'tình yêu'. Anh từng điên cuồng hẹn hò, điên cuồng tìm kiếm tình yêu cho bản thân để tự trấn an. Anh thường theo đuổi các cô gái xinh đẹp, ăn chơi, may mắn là anh cũng được sinh ra với bản mặt đẹp đẽ nên việc hẹn hò có vẻ thuận lợi, chưa thất bại bao giờ vì gần như chẳng có cô nào từ chối anh cả. Có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân việc anh thường có mới nới cũ vì luôn có đối tượng hẹn hò hấp dẫn ở xung quanh. Quen nhau một năm rưỡi với Estella chính là mối quan hệ duy nhất lâu dài anh từng có, anh đã nghĩ cô chính là tình yêu cuối cùng, sâu đậm, mãnh liệt nhất đời anh.

Nhưng rồi, cũng vì sự vô tâm và thiếu thốn tình cảm từ gia đình, anh đã chọn từ bỏ con đường bước tới hôn nhân.

Cứ nhớ lại những ngày ngồi trong quán cơm của người Hoa vừa ăn vừa khóc, những ngày tốt nghiệp chuyển cấp một mình bản thân không có người nhà đến, hay lúc chơi bóng rổ bị ngã gãy tay nằm bệnh viện hai ngày trời bố cũng không biết; anh lại chùn một bước chân tiến tới hai chữ 'gia đình' ở phía trước.

Lỡ đâu khi lập gia đình, chẳng may Estella qua đời, anh sẽ lại giống bố mình thì sao? Chẳng phải những đứa con của anh sẽ phải sống một cuộc đời giống bố nó từng trải qua sao?

Khoảnh khắc đó anh nhớ tới mẹ mình, hình ảnh bà như chiếm lấy tâm trí của anh. Những ký ức về mẹ vào lúc bà chết trong căn nhà đang bốc cháy ngùn ngụt lửa hồi anh năm tuổi lặp đi lặp lại trong giấc mơ cả tuần trời trước ngày định cầu hôn. Nó như muốn bảo rằng anh đừng kết hôn, đừng lập gia đình vì mẹ chết cũng bởi sự vô tâm của bố anh và anh rồi cũng sẽ giống bố mình. Thế nên tốt hơn cả là đừng yêu ai nữa, đừng mong sẽ có một gia đình hạnh phúc nữa. Anh không xứng đáng có được điều đó. Cộng thêm việc anh luôn sợ hãi khi nghĩ đến khoảnh khắc mình sẽ là một người chồng, một người cha mà lại không thể hoàn thành nổi trách nhiệm bổn phận đó. Cuối cùng cậu Tuấn đã chia tay Estella vào cái lúc cả hai tưởng như sắp về chung một nhà. Anh không muốn lập gia đình nữa, và anh tự thề rằng sẽ không kết hôn, không yêu thêm ai, không hẹn hò với ai cả.

Ba năm qua, cậu Tuấn đã nhất quyết sẽ không dính tới tình yêu, nếu nó đến thì anh trốn, nhất định tránh xa hai chữ đó bằng mọi giá. Nhưng khi gặp Hiểu Phương ở một hoàn cảnh bất đắc dĩ mà không thể trốn được như thường, anh lại để bản thân lơ là và một lần nữa dính vào hai chữ đáng chết đó.

Nghĩ đến đây, cậu Tuấn thở dài, anh dừng tay thôi không đàn nữa. Tình yêu đúng là bể khổ. Có thể anh đã từng yêu nhiều người, yêu không quá lâu dài nhưng không hiểu sao, cứ mỗi lần yêu là cậu Tuấn luôn yêu hết lòng, đến khi phát khóc và chán thì mới thôi được. Một phần do bản tính muốn chinh phục, muốn sở hữu kỳ quái của anh. Nếu theo đuổi ai đó hoặc một cái gì không thành, anh sẽ thấy khó chịu và có những thứ khiến anh ám ảnh luôn. Đây mới là điểm khiến chính anh cũng thấy mệt mỏi về chính bản thân.

"Tôi không biết là cậu Tuấn biết chơi đàn đấy."

Cậu Tuấn giật mình, anh ngẩng đầu lên, nhìn ra phía cửa phòng.

"À..."

"Anh ăn sáng chưa?"

"Tôi chưa, hôm nay Hiểu Phương dậy sớm hơn thường ngày đấy."

"Tại vì tự dưng nghe thấy tiếng đàn của anh đấy! Chúng ta ra ăn sáng đi!"

"Tôi... Tôi xin lỗi, tôi không hề cố ý làm phiền cô..."

Cậu Tuấn đặt cây đàn xuống giường, sau đó nhanh chóng đứng dậy toan cất đàn lại vào túi để thể hiện thái độ thành khẩn, lập tức dọn dẹp sai lầm của mình. Nhưng Hiểu Phương can:

"Không sao mà, anh đừng cất đàn đi, để đó lát chơi."

"À ừ, được rồi."

Nghe lời Hiểu Phương, cậu Tuấn liền dừng tay và đi ra ngoài phòng. Trái ngược thái độ hôm qua, hôm nay cô rất dịu dàng và có vẻ như chưa từng có chuyện gì xảy ra giữa cả hai. Thấy thế, cậu Tuấn được đà, nói thêm:

"Ăn sáng xong, cô có muốn nghe tôi đàn không?"

Ấy thế mà Hiểu Phương lại gật đầu thật, cô còn cười tươi:

"Tôi cũng thích đàn hát, âm nhạc kiểu vậy nhưng mà lâu rồi tôi không được nghe đàn hay hát hò gì. Hồi xưa tôi có đàn dương cầm đấy!"

Cậu Tuấn nghe thế bật cười theo, những suy nghĩ buồn bã vẩn vơ về quá khứ, về tương lai sắp tới của anh bỗng dưng tan biến hết đi chỉ trong phút chốc. Nụ cười của Hiểu Phương có ảnh hưởng tích cực đến anh như vậy đấy, nó xoá đi tất cả sự đau buồn trong lòng anh một cách nhanh chóng và thay vào đó là sự hạnh phúc vô bờ.

Nhìn Hiểu Phương bên cạnh, trong đầu cậu Tuấn bắt đầu ngân nga lên lời bài hát Nắng thủy tinh. Nàng thơ của anh, cô ấy cũng đẹp y như cô gái xuất hiện trong ca khúc này vậy. Nhất là cùng với đôi mắt long lanh cùng nụ cười tỏa nắng như kia.

Bàn tay xanh xao đón ưu phiền

Ngày xưa sao lá thu không vàng

Và nắng chưa vào trong mắt em

Em qua công viên bước chân âm thầm

Ngoài kia gió mây về ngàn

Cỏ cây chợt lên màu nắng

Em qua công viên mắt em ngây tròn

Lung linh nắng thủy tinh vàng

Chợt hồn buồn dâng mênh mang

Chiều đã đi vào vườn mắt em... *

...




Chú thích: Dòng chữ in nghiếng và có * ở cuối là lời bài hát Nắng Thủy Tinh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro