Ngoại truyện 3 [Đồng Nhạn Thanh]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi quen Bùi Án Đồng vào năm 1932, năm ấy, tôi ba mươi bốn tuổi, anh ba mươi chín tuổi.

Chúng tôi dường như chỉ hận vì đã gặp nhau quá trễ, nhưng may mà không có nỗi đau bởi vì "Người sinh tôi chưa sinh, tôi sinh người đã già".

Năm đó, tôi và mẹ cùng theo vợ chồng cô Tư tới Mỹ, đi nương tựa chỗ Đại thiếu gia nhà họ Diệp. Trong ấn tượng của tôi, Đại thiếu gia Diệp Côn từng là một kẻ vô cùng lạnh lùng, trong ánh mắt lộ ra khí lạnh, khóe miệng hơi hơi cong xuống giống như miệt thị hết thảy mọi người vậy, dù cho anh ta có cười thì cũng chỉ là nụ cười đối phó, tuyệt đối không phải là thật tâm.

Bởi vậy, khi mà anh ta giúp tôi tới Nam Kinh tìm công việc, trốn thoát khỏi gia đình tù túng bó buộc tôi biết bao năm qua thì tôi vẫn không thể nào nghĩ tới anh ta lại có thể dành ra chút tâm sức này. Đương nhiên, mãi về sau tôi mới biết được, nguyên nhân chủ yếu trong chuyện này là vì anh hai tôi, là vì quan hệ giữa hai người bọn họ.

Bọn họ luôn ở 'bên nhau'.

Có đôi khi tôi sẽ nghĩ có phải tôi và Bùi Án Đồng chẳng có được phần may mắn như họ hay không, quen biết nhau sớm hơn vài năm, sau đó liền bên nhau nửa đời người.

Nhưng có thời điểm tôi lại nghĩ, tôi và Bùi Án Đồng thật sự rất may mắn, bởi vì tuy chúng tôi không biết nhau sớm, giữa chừng lại có quãng thời gian chia ly, nhưng dẫu sao chúng tôi cũng coi như một mạch đi đến tận hôm nay.

Giống như hiện tại, cái gã đàn ông nói tiếng Anh vẫn mang theo khẩu âm Italia, nói tiếng Trung lại mang theo khẩu âm người Mỹ đang vừa xem TV vừa lẩm bẩm cằn nhằn điều luật nào đó không hợp lý, sau đó khi tôi nhịn không được mà phì cười thì anh lại nhún vai, chộp lấy cây gậy ba-toong vốn dĩ đâu cần thiết, đi ra khoảnh vườn trồng cà chua sau nhà.

Tôi thích ngắm nhìn anh dọn dẹp chăm chút mảnh vườn bé xinh ấy, đeo cặp kính lão cẩn thận kiểm tra mỗi một phiến lá, mỗi một quả cà đỏ mọng. Anh gần như có một loại cố chấp với chủ nghĩa khoa học hoàn mỹ, mặc kệ là hiện tại đối đãi với đám cà chua hay là đối với chuyện làm ăn năm đó. Mà lúc này anh chỉ mặc một cái quần yếm, đội mũ rộng vành, cúi người dưới ánh nắng đầu hạ ấm áp, nheo mắt lại, hàng mi dài đặc trưng của người phương Tây phản chiếu cái bóng hờ trên mí mắt trông thật đáng yêu, càng khiến tôi nhớ lại vài thập niên trước, anh đứng trong tiệm tạp hoá của chúng tôi, cũng cúi người như vậy, nheo mắt lại cẩn thận kiểm tra hàng hóa trên kệ có đặt chỉnh tề hay không. Khi ấy ánh nắng cũng xuyên thấu qua cửa sổ thủy tinh chiếu lên gương mặt anh, chiếu lên hàng mi cong dài đầy quyến rũ của anh như lúc này.

Đầu hạ năm 1932, anh mặc quần tây nhạt màu, sơ-mi trắng xắn cao hai ống tay, mái tóc màu nâu xám bị tia sáng sáng sủa chiếu lên càng như rực rỡ hơn, giống như vị caramel ngọt ngào trong ly cà phê thơm lừng.

Ngày đó, tôi đến tìm anh để may quần áo.

Anh ấy và Diệp Côn đầu tư rất nhiều cửa hàng, trong đó có một nơi chuyên phục vụ cho may mặc. Tôi nhận được lời mời của anh nên mới chuẩn bị tới đó cắt may vài bộ âu phục.

Khi còn ở Nam Kinh, tuy tôi là văn thư cho người thuộc quân đội nhưng lại chưa từng mặc đồ tây, dù sao tôi vẫn nghĩ thân ở Trung Quốc, thân là người Hoa, một bộ áo dài chính là thứ trang phục tốt nhất, giày da quần tây chung quy cứ như cố tình ra vẻ vậy. Nhưng hôm nay thân ở trời Tây, tựa hồ không mang một thân quần tây áo sơ-mi thì thật khó tới nhiều nơi sang trọng.

Lại hoặc là nên nói, vì tôi gặp Bùi Án Đồng, thậm chí chính là khoảnh khắc nhìn thấy anh ấy thì mới giật mình bị cuốn hút bởi loại trang phục cắt may vừa người như vậy.

Anh mặc một thân quần áo kiểu Ý, hầu như là ôm sát vào cơ thể, càng tôn lên vóc dáng cao lớn của mình. Khi anh cởi mũ xuống cúi đầu mỉm cười chào, trong lòng tôi bất giác run lên, tuy rằng tôi ép bản thân bối rối đùa giỡn với anh ấy, nhưng bộ quần áo phẳng phiu của gã đàn ông ngoại quốc đầy sức hấp dẫn trước mặt lại vẫn thuyết phục tôi ngay lập tức.

Mà đợi đến khi anh mang tôi tới trong tiệm, lấy số đo xong, hẹn luôn cả ngày nhận đồ, rồi lại thật sự một lần nữa theo giúp tôi mặc thử quần áo thì tôi mới phát hiện hóa ra tôi cũng là có thể bận bộ trang phục xa lạ ấy rất đẹp, giống như anh hai của tôi vậy.

"Nếu so sánh giữa cậu và Nhạn Linh tiên sinh thì cậu càng hợp với những gam màu nhạt hơn." Anh giúp tôi sửa sang lại vạt áo comple, rũ mắt xuống, khóe môi nhếch lên nụ cười của quý ngài mà rất nhiều năm về sau tôi vĩnh viễn chẳng thể kháng cự được.

"Anh gọi anh tôi là 'Nhạn Linh', phía sau lại thêm chữ 'tiên sinh', không cảm thấy như thế rất quái dị sao?" Tôi hỏi.

"Quái dị?" Anh ấy giương mắt nhìn tôi.

"Một loại cảm giác... như thể muốn thân mật mà lại vẫn cố giữ khoảng cách."

"Thật hả?"

"Đúng vậy."

"Được rồi." Lại cười lên, anh khẽ gật gật đầu, rốt cuộc nói lời thật, "Thực ra trước kia tôi đều gọi cậu ấy là 'Đồng tiên sinh' nhưng cậu cũng là 'Đồng tiên sinh', tôi không muốn dùng cách như vậy để gọi hai người."

"Vậy anh có thể tiếp tục gọi anh ấy là 'Đồng tiên sinh', sau đó trực tiếp gọi thẳng tên tôi mà." Tôi đáp.

"Nếu vậy thì số lượng từ và cách thức lại không giống nhau nữa."

"Đây là..... một loại bệnh của anh sao?" Nhìn dáng vẻ anh ấy nhíu mày chăm chú suy nghĩ, rốt cuộc tôi bật cười thành tiếng.

"Bệnh? Bệnh sao? Thật hả?" Mày anh ấy nhăn càng chặt hơn, trên mặt xuất hiện vẻ xấu hổ bối rối, nhưng thấy tôi cười, cuối cùng lại vẫn cong khóe miệng, sau đó anh ấy nói, thực ra hai chữ Nhạn Linh này anh ấy cũng chỉ ngầm gọi như vậy thôi, ở trước mặt Kellan dù có thế nào cũng không thể gọi được.

"Vì sao?" Tôi hỏi anh ấy.

"Bởi vì.... Kellan cho rằng chỉ có cậu ta mới có thể gọi hai chữ này. Người khác dù thân thiết bao nhiêu thì nhiều lắm cũng chỉ có thể gọi là 'Đồng' mà thôi." Nhún vai, Bùi Án Đồng cũng không nói ra bí mật ẩn sâu hơn, nhưng lúc ấy tôi lại không tính toán cứ thế cho qua.

"Đó là bởi vì anh hai tôi là người của Đại thiếu gia, mà Đại thiếu gia là kẻ bá đạo nhất thế gian này, đúng không?"

Có lẽ vì tôi nói quá trực tiếp nên đã chọc cho tên tín đồ Thiên Chúa giáo này lâm vào thế khó xử, nhưng vì tính cách trầm ổn thế nên anh cũng không biểu hiện ra quá nhiều cảm xúc.

"Cậu vẫn gọi Kellan là Đại thiếu gia sao?" Anh ấy mỉm cười nói sang chuyện khác.

"Anh ấy có ơn với tôi, tạm thời tôi không định sửa xưng hô." Lắc đầu, tôi tự cài hết cúc áo comple, "Có lẽ về sau sẽ sửa, nhưng hiện tại thì không được."

Nói xong, tôi phủi phủi vạt áo, ngẩng đầu nhìn gương, đồng thời cũng nhìn bóng dáng Bùi Án Đồng đang rơi vào trầm mặc.

Tôi hỏi thế nào, anh nghĩ ngợi mấy giây bèn đáp, không nghĩ tới, tôi cũng sẽ có một mặt nghiêm túc như vậy, vốn tưởng rằng trời sinh tôi là người trái ngược với "Nhạn Linh tiên sinh", là một người có tính cách 'naughty'. Mà hai anh em chúng tôi là cặp song sinh có ngoại hình giống nhau nhất nhưng tính cách khác biệt hoàn toàn nhất mà anh ấy từng gặp qua.

"Các cặp sinh đôi khác là cùng một linh hồn chia đôi, tôi với anh hai cũng là cùng một linh hồn tách ra, chẳng qua không phải chia đều, mà là hai mặt tương phản tách biệt." Đây là đáp án mà tôi đã đáp lại.

Sau đó, chúng tôi liền cùng bật cười thành tiếng.

Ở bên Bùi Án Đồng, tôi cảm giác rất thoải mái, rất vui vẻ.

Mà dần dần, thứ tôi nhận được từ trên người anh ấy không chỉ là thoải mái và vui vẻ nữa.

Anh còn mang đến cho tôi cảm giác an toàn.

Mùa xuân năm 1933, anh mang tôi về nhà.

Lần ấy cũng không phải chỉ là gặp mặt đơn thuần, mà là chân chính tham gia bữa tiệc của gia tộc.

Khi những người anh chị em của anh ấy dẫn theo vợ, chồng, người yêu, bạn thân của họ tới tham dự thì bên cạnh anh ấy lại là tôi.

Tôi nghe không hiểu đối thoại giữa những người nhà của anh, tôi chỉ có thể cảm thấy đó là cuộc trò chuyện dùng tiếng Anh xen lẫn tiếng Ý. Thế nhưng tôi nhận thấy được có không ít tầm mắt tập trung trên người tôi, bao gồm cả hành vi chỉ trỏ âm thầm mà họ cho rằng tôi không thấy được.

Bùi Án Đồng một mực ở bên cạnh tôi, che chở tôi, phiên dịch cho tôi mỗi một câu trò chuyện quan trọng.

Anh ấy khiến tôi cảm thấy an toàn, khiến tôi không còn một lòng trông mong bữa tiệc này mau chóng kết thúc nữa.

"Đó là bác Celio, chú Enzo, cậu Gustavo, còn đây là em ba của tôi Gino, em họ Paulo, ngồi ở nơi đó là bác Lucia, còn cả chị họ Rosa nữa, họ đều là những người có tiếng nói nhất trong nhà." Đè thấp âm lượng, anh ấy giới thiệu từng nhân vật có máu mặt trong gia tộc Perrotta cho tôi, rồi sau đó, khi anh thấy nụ cười gượng gạo trên mặt tôi thì khẽ vỗ vỗ vai bảo tôi đừng lo lắng, bọn họ biết tôi là bạn của Kellan thì sẽ kính trọng tôi.

"Nhưng tôi không muốn bởi vì cái danh 'là bạn của Kellan' nên mới được coi trọng." Khe khẽ đáp lại một câu, tôi bưng ly rượu lên uống một ngụm vang đỏ có hương vị rất đậm.

Nhiều năm sau, rất nhiều năm sau đó, trong một lần dính men say ở bữa tiệc mừng năm mới, Bùi Án Đồng mới đến gần bên tai tôi, nói cho tôi biết, lúc trước, chính bởi vì câu nói kia của tôi mà anh ấy đã yêu tôi, vĩnh viễn không thể quay đầu.

"Cậu và anh hai cậu rất khác nhau. Cậu ta đa số lúc nào cũng khẽ cúi, ánh mắt rũ xuống, còn cậu thì trái ngược, lúc nào cũng nâng cao đầu." Đây là lời mà anh ấy bổ sung.

Tôi biết, nếu so sánh tôi với anh hai thì ít nhất xét từ bề ngoài sẽ có sự khác biệt như vậy. Anh tôi sẽ rũ mi, ánh mắt dịu dàng khiêm tốn, tôi thì lại là kẻ thích gây chuyện thị phi, dễ cười, dễ giận. Nhưng sâu trong thế giới nội tâm thì tôi lại chẳng có được sự kiên cường cố chấp như anh trai mình, thật nhiều năm qua, tôi chỉ tùy ý tùy hứng mà sống, chỉ lo nhìn đường trước mắt nhìn người bên cạnh, nhưng anh tôi thì có thể thấy được toàn cục, ổn định được tâm tính. Anh tôi có thể để cho người khác dựa vào, mà tôi lại chỉ luôn hi vọng có thể có một ai đó cho tôi chỗ dựa.

Chúng tôi thật sự trái ngược nhau.....

Và có lẽ là ngoại trừ gương mặt tương đồng thì chúng tôi đều thích đàn ông và cũng đều được đàn ông yêu mến.

Hẳn là trên đời này mọi chuyện đều là tất nhiên.

"Anh hai, sao anh không nói sớm cho em biết?" Tôi từng hỏi anh tôi như vậy.

"Chuyện này...." Anh ấy bắt đầu mặt đỏ, sau đó liền không nói thêm gì nữa.

"Cũng đâu phải là gì ghê gớm. Chỉ là 'chuyện ấy' rốt cuộc là làm như thế nào..... anh có thể nói cho em biết được không?" Trước tiên dùng âm lượng cực thấp hỏi anh ấy một câu, sau đó tôi gồng hết dũng khí cười ngây ngô hai tiếng, rồi im lặng theo dõi anh ấy. Nhưng anh tôi chỉ cau mày trừng tôi, dùng ánh mắt cực kỳ đáng yêu chẳng đủ hung dữ, thậm chí còn có vài phần bối rối, vài phần bất đắc dĩ, vài phần thẹn quá thành giận mà trừng.

Tôi nghĩ Đại thiếu gia nhất định cũng từng bị anh ấy trừng bằng ánh mắt này rồi, nhất định Đại thiếu gia sẽ càng cảm thấy anh tôi đáng yêu gấp mười gấp trăm lần so với tôi.....

Tôi và Bùi Án Đồng có tiếp xúc thân mật là trong một lần mập mờ gần một năm sau.

Anh dạy tôi cưỡi ngựa, dạy tôi lái xe, dạy tôi đánh bi da. Dù những thứ này đều không cần tiếp xúc gần gũi gì, tay cầm tay, đứng cạnh nhau chỉ dạy, thế nhưng chúng tôi đều cảm giác được hô hấp quấn quanh mơ hồ không rõ của đối phương.

"Còn giẫm lên chân anh nữa thì tôi liền tự nhận mình chẳng có thiên phú thôi, không học nữa." Trong căn phòng đơn sơ mà tôi thuê, anh dạy tôi nhảy điệu Waltz, lần thứ ba giẫm lên đôi giày da sạch sẽ không dính một hạt bụi của anh ấy, tôi chỉ đành thở dài kết luận như vậy.

"Tôi cũng đâu có đau." Anh cười rồi ôm lấy eo tôi, giống như sợ tôi sẽ tùy thời mà chạy mất, "Cậu nhẹ như vậy cơ mà."

"Tôi chẳng nhẹ tẹo nào...... Luận dáng người, tôi còn béo hơn anh hai tôi một chút đấy......"

"Nhưng vẫn rất gầy."

"Chỗ nào mà gầy?"

"Ở đây này." Ngẫu nhiên khó thấy được lúc anh ấy bắt đầu học xấu, anh chọc chọc sườn eo tôi, sau đó khi tôi đang hoảng sợ vội vàng né tránh thì liên tục chọc thêm mấy cái, "Chỗ này nữa, chỗ này cũng thế......"

"Anthony! Đừng nghịch!" Dưới tình thế cấp bách, tôi hô lớn một tiếng. Động tác của anh ấy ngừng lại, sau đó bàn tay nghịch ngợm kia cũng được thu về.

"Đây là lần đầu tiên cậu gọi tôi là Anthony." Anh ấy cười thật khẽ.

"Chẳng phải anh thích tôi gọi anh là Bùi Án Đồng sao?"

"Thích, đều thích cả." Anh mỉm cười đáp nhẹ, chậm rãi vùi mặt vào bên gáy của tôi.

Tôi nghĩ, khoảnh khắc ấy trái tim nhộn nhạo trong lồng ngực không chỉ là cảm giác, có lẽ nó cũng chẳng thua kém gì tâm hồn thiếu nữ mới biết yêu lần đầu là bao.

Tôi thậm chí đã quên chúng tôi ma xui quỷ khiến thế nào mà hôn môi nhau. Đàn ông và đàn ông, người Hoa và người Ý, tại một đất nước xa lạ, trong khung cảnh đầy ắp điệu Waltz du dương, nơi phòng khách của căn hộ nhỏ hẹp mà ấm áp, ôm nhau, siết lấy nhau, hôn môi nhau.

Có lẽ tôi nên nghe theo luân thường, có lẽ anh ấy nên tuân theo giáo lý của mình. Nhưng một khi tình đã sinh, dục đã nảy, chúng tôi lại chỉ là người trần mắt thịt, mấy ai mà có thể chân chính nghe lời, tuân theo được đây?

Chúng ta bại bởi tình và dục, chúng ta bại bởi đối phương, cũng bại bởi chính mình.

"Cùng một gương mặt, vì sao anh lại thích em? Nếu anh hai em không mang kính thì tụi em sẽ giống nhau như đúc, nếu vậy, anh còn nhận ra em nữa không?" Khi gắt gao ôm chặt lấy nhau ngã vào trên giường, tôi đã hỏi anh như vậy, vấn đề vừa ra khỏi miệng thì tôi liền hối hận, tôi cảm giác mình cứ như là đang cố tình gây sự, đang làm mình làm mẩy, nhưng mà tôi thật sự rất muốn biết đáp án.

Anh cũng đã cho tôi câu trả lời hoàn mỹ nhất.

"Nhận được, em là người trong ánh mắt có ánh lửa nồng đượm."

Lúc ấy trái tim tôi đập dữ dội cỡ nào, chỉ có trời mới biết.

"Người Ý các anh trời sinh chính là cao thủ tán tỉnh......" Làm kiêu một câu, tôi hít hà hương nước hoa trên thân thể anh, nhắm hai mắt lại.

Ngày đó, anh ở lại trong khu nhà nhỏ của tôi.

Nhưng chúng ta chỉ hôn môi, chỉ ôm nhau, chứ không làm đến bước cuối cùng.

Anh bảo, muốn cho mỗi người chúng tôi có thể suy nghĩ nhiều hơn một chút, chín chắn hơn một chút. Chuyện này đối với anh ấy là một sự kiện rất trọng đại, anh không muốn nó chỉ như một trò đùa.

Tôi đã suy nghĩ cả một đêm, rồi sau đó vào sáng ngày hôm sau chờ anh ấy tỉnh lại, tôi nói cho anh biết, Bùi Án Đồng, em nghĩ kĩ rồi, em muốn anh.

Khi đó anh ấy đã lộ ra ánh mắt và vẻ mặt thế nào nhỉ?

"Giống như một kẻ cô đơn lâu lâu lắm rồi, đột nhiên lại nhận được rất nhiều thiệp chúc mừng sinh nhật từ khắp mọi nơi trên thế giới." Đây là miêu tả cuối cùng của tôi.

Mà anh ấy cứ duy trì ánh mắt, vẻ mặt như vậy, một tay chống Thái Dương, một tay nắm lấy đầu ngón tay tôi, từng câu từng từ cho tôi câu trả lời.

"Anh cũng muốn em, không cần bất kì ai khác, chỉ cần em thôi." Anh nói bằng chất giọng êm dịu.

Tôi lặng im không nói một lời, ngơ ngẩn ngắm ánh nắng rực rỡ trong đôi mắt anh, cứ có cảm giác giờ khắc này hoàn mỹ đến mức khiến con người ta hít thở không thông, khiến trong lòng người mơ hồ phiếm ra chua xót, thậm chí là đớn đau. Sau đó tôi chậm rãi nghiêng người, hôn lên cánh môi mềm mại, mỏng manh trước mặt.

Tôi nghĩ, người khi rơi vào ái tình thật sự là đang nhắm mắt, ít nhất là thuở ban đầu, nhiệt tình sẽ khiến chúng ta trở nên mù quáng. Chúng ta sẽ quên đi cái tôi của mình, quên hết ảnh hưởng của bên ngoài, chúng ta sẽ cho rằng chúng ta sẽ làm được tất cả, cái gì cũng có thể.

Nhất là sau lần đầu tiên giao cả thân thể cho đối phương.

Rốt cuộc thì tôi cũng đỏ mặt hỏi từ chỗ anh hai tôi xem "chuyện kia" thì cần làm gì, tôi chủ động mua thuốc bôi trơn, tự an ủi xây dựng lý mấy ngày, cuối cùng vào một đêm nào đó đi tới bước cuối cùng với Bùi Án Đồng.

Thực ra hiện tại ngẫm lại, có phải chuyện này hơi buồn cười không nhỉ? Vào cái lúc cảm xúc thăng hoa, những người trẻ tuổi như phát điên mà vứt bỏ hết thảy truyền thống, mà chúng tôi ở những năm 1933 xa xôi ấy, đối đãi tình yêu giống như dâng hiến cho thánh thần. Chúng tôi hệt như những kẻ đói khát rốt cuộc được nếm quả ngọt, mang theo lo sợ và kinh hãi nuốt vào, rõ ràng là tu thành chính quả lại vẫn có vài phần xúc động được vụng trộm nếm trái cấm.

Lần đầu tiên, anh ấy làm tôi đau, rất đau, nhưng tôi không cự tuyệt, cũng không đẩy anh ra. Tôi biết sẽ có thống khổ, thế nhưng tôi chờ mong hạnh phúc từ trong đó, chờ mong niềm hạnh phúc có thể khiến cho cả người cả lòng mình đều bị đốt thành tàn tro.

Mà khi anh ôm siết lấy tôi, dùng thanh âm trầm thấp lặp đi lại câu "Ti amo" bên tai, tôi cảm giác dù cho thân thể có đớn đau nhường nào đi chăng nữa thì tim của tôi đã thật sự hạnh phúc hóa thành tro tàn mất rồi, sau đấy sẽ có thể niết bàn sống lại từ trong lửa rực.

Sau khi làm xong mọi chuyện, anh ấy đã khóc.

Đến hiện tại tôi vẫn có cảm giác, giữa chúng tôi có thể buông những lời ái ân và trêu chọc cả một đời. Đau là tôi, nhưng khóc là anh ấy.

Tôi không hỏi vì sao anh rơi lệ, tôi chỉ ôm anh, hôn anh và nói với anh, thần của anh sẽ tha thứ cho anh, có lẽ người sẽ không chúc phúc cho hai gã đàn ông nhưng em đã xem qua Kinh Thánh rồi, không có một điều nào ngăn cấm một người yêu phải một người.

Anh lắc đầu, ôm chặt lấy tôi rồi bảo, chuyện giữa chúng ta từ khi bắt đầu đều không liên quan gì tới Chúa.

Tôi nghĩ, Chúa của anh nhất định không biết, có lẽ cũng sẽ không vui vẻ gì nếu biết, khi nghe được câu nói kia tôi đã vô cùng vui sướng.

Tóm lại, một năm ấy, chúng tôi ở bên nhau, mang theo liều lĩnh điên cuồng mà bên nhau. Khi đó cả anh và tôi đều không suy xét gì chuyện tương lai, chỉ đơn thuần là muốn được ở bên người kia, muốn cho người mình yêu mọi thứ tốt nhất trên đời, giống như hết thảy những kẻ si tình lần đầu tiên biết yêu trên đời này.

Loại tình yêu ấy thật ngây thơ, ngọn lửa tình hừng hực còn mãnh liệt hơn cả lò luyện đan, nó cứ như ma chướng thiêu đốt tất cả, mang theo khí thế lan tỏa nồng đượm dường như không thể ngăn cản, nhưng mà khi mưa lạnh rơi xuống, thứ bị dập tắt đầu tiên vĩnh viễn lại là ngọn lửa đượm nhất ấy.

Mẹ qua đời là tia sét xé trời ập xuống, tùy hứng của tôi và yếu đuối của anh là cơn mưa lạnh giá theo sát mà đến, tưới tỉnh hai kẻ cho rằng có thể cả đời say sưa trong lò luyện thẳng đến khi bị đốt thành đá quý, vĩnh viễn vĩnh viễn ngưng kết thành một thể.

Nhắc tới, thật sự rất đáng cười không phải sao?

Khi đó tôi ba mươi bảy tuổi, anh ấy cũng qua tuổi bốn mươi, đã đi qua một nửa của cuộc đời rồi, ấy vậy mà vẫn có thể mụ đầu mụ óc, yêu đến kịch liệt, chia tay cũng đầy quyết tuyệt.

Tôi cho rằng anh không muốn đợi tôi giữ đạo hiếu ba năm là vì anh ích kỷ, anh ấy lại cho rằng tôi bắt anh chờ đợi là vì tôi vô tình. Chúng tôi chính là bởi cái sự "Ích kỷ" và "Vô tình" ấy mà buông tay nhau, lạnh lùng buông lơi câu từ biệt.

Chỉ có thể nói rằng người rơi vào tình yêu mù quáng thật sự, thật sự, thật sự chịu không nổi bất kỳ một chút khuyết điểm nào. Cảm tình không thể phá vỡ đều là do chúng tôi tự cao, lại không biết tình cảm quá mức nóng cháy sẽ sớm thiêu đốt nội tâm yếu mềm, chống đỡ không nổi, chấp nhận không được một chút bối rối và khúc khuỷu của hiện thực.

Chúng tôi chia tay, sau đó là ba năm hoàn chỉnh dùng để lắng đọng lại.

Từ 1935 đến 1938.

Nói thật lòng thì tôi không dám chờ mong duyên phận có thể nối lại.

Càng chưa từng nghĩ tới sau khi nó nối lại thì có thể kéo dài cho tới tận hôm nay.

"Chúng ta bên nhau bao lâu rồi nhỉ?" Còn nhớ rõ không lâu trước, sau khi bữa tiệc gia đình tụ hội kết thúc, anh hỏi tôi như vậy.

"...... Nếu tính bắt đầu từ năm 33 thì ngót nghét ba mươi bảy năm rồi."

"Ba mươi bảy năm, 5 tháng 12 ngày." Vừa đi, vừa nói, anh ngẩng đầu nhìn bầu trời đen thăm thẳm.

"Anh biết rồi còn hỏi em?" Tôi hơi giận, anh lại dùng cặp kia thâm thúy sâu thẳm nhìn tôi, dùng nụ cười quý ngài vĩnh viễn cũng không bị tuổi tác ảnh hưởng, dùng thứ phong tình đáng chết của đàn ông Ý khiến của cơn giận của tôi chẳng thắp lên nổi.

Ba mươi bảy năm.

Tôi không biết sau này chúng tôi sẽ còn bao nhiêu năm tháng nữa, nhưng tôi tin tưởng, ngày tháng sau này chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục cùng bước.

Từng trải qua phân phân hợp hợp, từng bị hiện thực áp bức, tủi hờn, từng lắng đọng lại ở trong tịch mịch, mỗi người đều lột xác, cả tôi và anh cứ như vậy rực rỡ hơn, trưởng thành hơn.

Chúng tôi biết chấp nhận khuyết điểm của đối phương, có thể bảo vệ điểm yếu của người kia, sẽ suy xét vì lẫn nhau và vì tương lai sau này, sẽ bao dung, sẽ tha thứ, sẽ giúp đỡ, bình thản, thành thục giữ lấy tình yêu, khiến khung xương chống đỡ nó mãi luôn ấm áp, từng chút từng chút trải qua rèn luyện, không để ngọn lửa cuồng nộ quét sạch tất cả, không còn miệng cọp gan thỏ mà là mỗi ngày đều tăng lên sự dẻo dai bền bỉ, cuối cùng biến thành căn cơ thâm hậu vĩnh viễn chẳng gì phá vỡ.

Tôi dùng ba mươi bảy năm ngộ ra đạo lý sống chung giữa những người thương, tôi nghĩ hẳn anh ấy cũng vậy.

Khi đã sáu mươi tuổi, anh bắt đầu rời khỏi vị trí tuyến đầu của công ty. Tôi cũng sớm đã không còn là thư ký cho ngài Tạ nữa, chúng tôi mua căn nhà nhỏ ở ngoại ô, trải qua những ngày tháng thanh tĩnh chân chính trên ý nghĩa.

Căn nhà không lớn thế nhưng kiên cố chất phác, tựa như chúng tôi bây giờ vậy.

Sân sau có một mảnh nhỏ để trồng rau, anh ấy gieo giống cà chua, cách đó không xa tôi lại trồng xuống một cây bạch đinh hương. Anh bảo, trong sân tại hòn đảo Sicily xinh đẹp của anh ấy cũng trồng giống cà chua này, tôi thì cười đáp, trong sân nhà cũ ở Bắc Kinh của em cũng là một cây đinh hương như vậy. Lời nói vừa dứt, chúng tôi cùng nhau cười ra tiếng, rồi sau đó giống hai ông già mãi chẳng chịu lớn, lấy bùn đất vội vội vàng vàng cọ lên má đối phương.

Mà lúc bốn mắt nhìn nhau trong đầu tôi nghĩ tới cảnh tượng năm 1938 khi anh ấy trở về sau ba năm xa cách, một lần nữa ánh mắt chân tình ấy lại gắt gao bắt lấy tôi.

Khi đó, người khóc là tôi.

"Nhạn Thanh, em còn muốn anh không?" Người đàn ông phong trần mệt mỏi run giọng hỏi tôi như vậy.

"Muốn, em không cần ai hết, chỉ cần anh thôi." Cả người tôi đâm vào trong lòng anh, nước mắt không kìm nén được vỡ òa lăn xuống, thấm ướt ngực áo anh.

Từ sau đó, chúng tôi không chia lìa nữa.

Trải qua chiến tranh, trải qua khúc chiết, trải qua qua vài thập niên không yên ổn, nhưng chúng tôi không hề chia lìa.

Ngay cả luân thường hoặc là giáo lý có chấp nhận hay không, chúng tôi đã chẳng còn để ý nữa. Thế gian này chung quy mãi là như vậy, không hẳn nhất định phải lấy cứng đối cứng đi đấu tranh, nhưng ít ra có thể bình an vô sự. Giáo lý thì sao? Đến cuối cùng thì tôi cảm thấy, vào giờ phút tôi ngồi bên cửa sổ nhìn bóng dáng người đàn ông mái tóc hoa râm bước ra khỏi mảnh vườn cà chua, vỗ vỗ đất bụi bám trên ống quần, lấy tay khẽ chỉnh vành nón, nhìn thấy tôi liền nở nụ cười đong đầy tận khóe mắt, hoặc vào cái giây phút mà chúng tôi luôn ấm áp, quấn quýt bên nhau thì Chúa của anh ấy sớm đã chấp nhận và ban lời chúc phúc cho tình yêu này rồi.

Nhất định chính là như vậy!

Tháng 6 năm 1970

Ngoại ô thành phố New York

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#dammy