Đất Nước

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Các nhà văn, nhà thơ thường dùng hình ảnh thiêng liêng, kì vĩ để nói về cội nguồn Đất Nước. Như Lý Thường Kiệt đã từng viết trong bài "Nam quốc sơn hà":
"Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư"
Hay Nguyễn Trãi đã từng viết trong "Bình Ngô đại cáo"
"Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác"
Ở đây, Nguyễn Khoa Điềm có xu hướng bình dị hóa Đất Nước. Trên con đường đi tìm nguồn gốc hình thành Đất Nước, nhà thơ đã phát hiện ra một điều thú vị: Đất Nước hiện hữu ngay trong cuộc sống bình dị của mỗi gia đình.
"Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi"
Đại từ "ta" mang một ý nghĩa rất rộng, đó là mỗi người dân trên đất nước Việt Nam, đó là ông cha ta từ nghìn năm trước, là chúng ta hôm nay, anh và em, là con cái ta mai sau. Cụm từ "Khi ta lớn lên" khiến lời thơ vang lên như một lời kể, lời tâm tình thủ thỉ. Không biết Đất Nước hình thành từ bao giờ, chỉ biết là khi ta lớn lên đã thấy sự hiện hữu của Đất Nước. Bốn chữ cuối của câu thơ vang lên đầy tự hào "Đất Nước đã có rồi". Đó là lời khẳng định chắc nịch về sự hình thành, trường tồn của Đất Nước qua mấy nghìn năm lịch sử. Qua đó nhà thơ thể hiện niềm tự hào về bề dày lịch sử của Đất Nước.
Ở câu thơ tiếp theo, nhà thơ diễn tả cụ thể về sự ra đời của Đất Nước:
"Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa" mẹ thường hay kể"
Nói về lịch sử mấy ngàn năm của Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm không dùng những con số chỉ niên đại, thế kỉ hay những triều đại lịch sử mà dùng cụm "ngày xửa ngày xưa". Đó là motip quen thuộc trong truyện cổ dân gian, qua đó nhà thơ khẳng định rằng Đất Nước có từ thuở ngày xửa ngày xưa, Đất Nước có từ rất lâu rồi. Trong những câu chuyện cổ mẹ thường hay kể là những bài học đạo lí, cách đối nhân xử thế ở đời,...Những bài học đó đã nuôi dưỡng tâm hồn con người từ thuở ấu thơ, giúp mỗi người trưởng thành và khôn lớn. Ta cũng bắt gặp quan niệm này trong thi phẩm "Truyện cổ nước mình" của Lâm Thị Mỹ Dạ:
"Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa mặn nồng"
Không chỉ vậy, Đất Nước còn có trong những truyền thống tốt đẹp mà ông bà ta cất công gìn giữ:
"Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn"
Hình ảnh "miếng trầu" gợi ta một phong tục đẹp của người Việt, gợi đến sự tích Trầu cau, một câu chuyện cổ tích vào loại xa xưa nhất trong kho tàng văn học dân tộc ta. Ngoài ra hình ảnh này còn là biểu tượng cho sợi dây tơ hồng kết duyên đôi lứa, tình cảm và sự gắn kết mối quan hệ vợ chồng son sắt, bền chặt, thủy chung. Hai tiếng "bắt đầu" khiến người đọc liên tưởng đến câu tục ngữ "Miếng trầu là đầu câu chuyện". Qua đó ta hiểu rằng khởi nguyên, khởi thủy của Đất Nước là những phong tục đẹp, là vẻ đẹp trong tâm hồn nhân dân Việt Nam.
Và một Đất Nước không thể nào thiếu đi truyền thống, và một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta chính là đánh giặc cứu nước:
"Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc"
Hình ảnh "cây tre" gợi nhớ người đọc đến truyền thuyết Thánh Gióng với hình ảnh chàng trai làng Phù Đổng đã nhổ bụi tre làng làm vũ khí để chống giặc ngoại xâm. Từ đó, tác giả ca ngợi về truyền thống yêu nước, căm thù giặc của nhân dân Việt Nam. Không biết từ bao giờ, hình ảnh cây tre đã trở thành biểu tượng của những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam: kiên cường, bất khuất, đoàn kết, yêu thương; căm thù giặc sục sôi và lòng yêu nước nồng nàn. Hai tiếng "lớn lên" tóm tắt cả một quá trình phát triển, trưởng thành và lớn mạnh của Đất Nước. Quá trình ấy gắn liền với truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường và bất khuất của nhân dân.
Bên cạnh truyền thống về lòng yêu nước, tác giả Nguyễn Khoa Điềm còn nhắc đến những hình ảnh mang đậm vẻ đẹp thuần phong mỹ tục giản dị của con người Việt Nam:
"Tóc mẹ thì bới sau đầu"
Câu thơ gợi ra vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, thuần hậu, nữ tính của người phụ nữ Việt Nam. Đất Nước hiện hữu trong những thứ nhỏ bé, đời thường mà lại kết tinh ở đó những thói quen, những tập quán tốt đẹp của nhân dân. Ta bắt gặp vẻ đẹp này trong câu ca dao:
"Tóc ngang lưng vừa chừng em bới
Để chi dài cho bối rối lòng anh"
Đất Nước trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm còn lớn lên từ lối sống chan đầy tình yêu thương của cha mẹ dành cho nhau, dành cho con cái:
"Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên"
Hình ảnh "gừng cay muối mặn" từng xuất hiện trong câu ca dao:
"Tay bưng chén muối đĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau"
Qua đó nhà thơ khẳng định rằng lối sống tình nghĩa, thủy chung đã trở thành truyền thống ngàn đời của dân tộc. Gừng càng già càng cay, muối càng lâu năm càng mặn, con người càng gắn bó với nhau thì tình nghĩa lại càng đong đầy. Câu thơ "Cái kèo, cái cột thành tên" đã gợi lại tục làm nhà cổ của người Việt: làm nhà sử dụng kèo, cột giằng giữ vào nhau cho ngôi nhà vững chắc. Ngôi nhà đã trở thành mái ấm gia đình. Trong tổ ấm đó, con người yêu nhau và sinh con đẻ cái, và tục đặt tên là cái kèo, cái cột cũng ra đời từ đó. Đây là một nét đẹp trong lối sống của con người Việt.
Ngoài những phong tục tập quán và tình yêu thương của con người, Nguyễn Khoa Điềm còn nhắc đến Đất Nước với truyền thống lao động sản xuất của nhân dân:
"Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng"
Mở đầu câu thơ là hình ảnh "hạt gạo" khiến ta liên tưởng đến nền văn minh lúa nước đã có từ bao đời. Kết hợp với nó là các động từ "xay", "giã", "giần", "sàng" và việc sử dụng thành ngữ "Một nắng hai sương". Qua đó gợi ra quá trình lao động của những người nông dân để làm ra hạt gạo. Thấm vào trong từng hạt gạo bé nhỏ là mồ hôi, sự nhọc nhằn, vất vả của bao người dân lao động. Nhà văn từ đó mà ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam: cần cù, chịu khó trong lao động.
Từ tất cả các yếu tố trên, nhà thơ khẳng định:
"Đất Nước có từ ngày đó..."
"Ngày đó" là ngày nào, chúng ta không biết, tác giả cũng không thể biết. Chỉ biết rằng từ khi có những phong tục, tập quán tốt đẹp, hình thành nên văn hóa của dân tộc Việt là có Đất Nước. Vì vậy, ở đoạn thơ này, ta bắt gặp mạch nguồn văn hóa dân gian thấm vào trong từng hình ảnh, từng chi tiết nghệ thuật và thấm vào chiều sâu tư tưởng của nhà thơ. Đất Nước hiện hữu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, gắn với những phong tục tập quán tốt đẹp, gắn với vẻ đẹp trong tâm hồn của nhân dân.

Thể thơ tự do, thơ văn xuôi - phù hợp với mạch cảm xúc của nhà thơ kết hợp với bút pháp tự sự, trữ tình. Ở chín câu thơ đầu của đoạn trích, ta thấy được những nét riêng độc đáo của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Đất Nước trong thơ ông được cảm nhận bằng chiều sâu, truyền thông văn hóa, lấp lánh các thi liệu văn hóa, văn học dân gian. Qua các hình ảnh như phong tục ăn trầu, tục búi lệ tóc, truyền thống đánh giặc ngoại xâm, truyền thống làm nông và các câu ca tục ngữ, ca dao, những câu chuyện cổ vào loại xa xưa nhất trong lịch sử văn học dân tộc...cùng với ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, lời thơ nhẹ nhàng và giọng thơ thủ thỉ, tâm tình lại vừa chiêm nghiệm suy tư, tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã trả lời câu hỏi về cội nguồn của Đất Nước với cái nhìn mới mẻ. Qua cảm nhận của nhà thơ, Đất Nước là những gì gần gũi, thân thuộc, gắn bó với nhân dân, là những gì nhỏ bé, dung dị trong đời sống và trong tâm hồn mỗi người.

Đoạn thơ mở đầu đoạn tích đã thể hiện cái nhìn độc đáo rất riêng của Nguyễn Khoa Điềm về nguồn gốc hình thành Đất Nước. Nhà thơ đã đề cho đất nước hiện hữu trong cuộc sống sinh hoạt bình dị, hàng ngày của nhân dân, hiện lên trong những phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông...Nguyễn Khoa Điềm đã bình dị hóa đất nước. Để rồi, điểm quy tụ mọi cái nhìn độc đáo về cội nguồn Đất Nước là tư tưởng: "Đất Nước - Nhân Dân". Ta thấy được tình yêu, tinh thần dân tộc, ý thức công dân của người cầm bút, thấy được tài năng, phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm, một nhà thơ trữ tình - chính luận.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#okay