Chương 6. Yến tiệc Nhạc Thiện điện (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

_Khi xưa Điêu Thuyền hại Đổng Trác, Lữ Bố đâm chém lẫn nhau, Tây Thi hại Ngô Phù Sai mất nước, Dương Quý Phi khiến Đường Minh Hoàng long đong ngôi báu...suy cho cùng cũng do bản tính háo sắc của đàn ông. Đàn ông dù thống trị cả giang sơn, cũng phải chịu thua trước sắc đẹp của phụ nữ, phụ nữ lại ham mê quyền lực. Lấy Dương Quý Phi làm ví dụ điển hình, ta cảm thấy tiếc cho những người phụ nữ bị quyền lực làm loá mắt, cuối cùng thì trèo cao té đau, chết đi một cách tủi nhục - Kỳ Dương Y bình tĩnh đáp lời Tống quý nhân, tưởng chừng như đang kể chuyện xưa, thực ra là mũi tên trúng ngay tim đen Tống Tiên Đạo, lời nói vừa thốt ra, khiến Đại chiêu viên và Hoàng chiêu nghi có hơi chột dạ.

***
Ánh chiều tà phủ khắp thành đô, vầng dương cuối cùng luyến tiếc vài tia sáng, điểm tô cho mây chút sắc hồng. Mây trời hôm nay vốn nhiều lắm, tầng tầng lớp lớp ẩn hiện như vảy cá, khuất sau dãy núi non trùng điệp chim bay mỏi cánh. Cảnh sắc cuối ngày như khiến người ta lâng lâng, lòng không khỏi nảy sinh ước muốn thiết tha được phiêu du cùng gió, cùng mây, để hồn trần không vương đầy khói bụi, để tận sâu tâm hồn không vướng sầu nhân gian. Có phải chăng, tất cả sầu thương vạn cổ chất đầy trong hồn chiều? Cái thời khắc giao thoa giữa ngày và đêm, tuy ngắn ngủi lại mang chút ưu buồn, nhưng xinh đẹp hơn bao giờ hết. Phong cảnh trước mắt như hiện rõ từ ngòi bút đậm chất trữ tình của các thi sĩ, như hiện thân của một bản tình ca muôn phần trác tuyệt.

Nhạc Thiện uyển nằm phía Tây hoàng cung. Cùng phía mặt trời lặn, nên ngắm hoàng hôn ở đây là tuyệt nhất. Chút ánh sáng cuối cùng vờn nhẹ trên mái ngói lưu ly, trông dịu dàng hơn hẳn.

Cấu trúc Nhạc Thiện uyển bao gồm một điện nhỏ gồm có hai tầng, trông như một nhà thuỷ tạ nằm bên hồ. Tầng một của Nhạc Thiện to hơn tầng hai một chút, có thềm đá ngọc trắng, có tường lan can, trụ cột. Cứ cách ba bước chân là xuất hiện một cột. Cột hình trụ, cao thẳng tắp tầm hai trượng, sơn màu vàng sáng, trên thân có chạm khắc hoa văn cách điệu uốn lượn quanh cột, khảm đá hổ phách và lục bảo. Giữa hai cột treo một chiếc đèn lồng. Lan can trông ra hồ Thuỷ Quang, ngay phía mặt trời lặn. Xung quanh lan can còn được chiếu cố trồng thêm nhiều hoa đẹp, là nơi dừng chân ong bướm. Trong điện trải thảm nhung đỏ, bốn phía giăng đầy mành lụa trắng mỏng như có như không. Trần vẽ hình rồng bay phượng múa, treo ba ngọn đèn thuỷ tinh lớn. Đèn thuỷ tinh được cắt tinh xảo, dưới ánh sáng ban ngày trở nên lấp lánh đủ màu sắc, một ngọn đèn thuỷ tinh ban đêm có thể thắp sáng một trăm cây nến. Giữa điện bài trí một bàn dài bằng gỗ lim, trải khăn trang trọng, tương đương một trăm chỗ ngồi.

Tầng trên bài trí có hơi đơn giản hơn. Mái nhọn bằng lưu ly có hình rồng. Hai bên treo bốn ngọn đèn thuỷ tinh nhỏ, mỗi đèn thắp sáng được năm mươi cây nến. Không bài trí bàn tiệc, chỉ có một gian rộng lớn thông với lan can. Lan can trông ra hồ nước sóng sánh, thấy đàn cá lội tung tăng, nếu phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy thấp thoáng đỉnh Ly Sơn. Nơi đây không trồng hoa, chỉ có nhánh thuỳ liễu rũ xuống hai bên, phất phơ trước gió.

So với kiến trúc cung điện nhà Nguyên, Cao Ly có kiến trúc mang hơi hướm đơn giản hơn, nhưng tuyệt đối không tuỳ tiện. Mỗi vật trang trí đều đặt đúng chỗ, đều bài trí có nguyên nhân, vừa mang tính phong thuỷ, lại sở hữu nét hoàn hảo của tỉ lệ vàng.

Hôm nay, Cao Ly lại tổ chức dạ tiệc. Từ sớm, cung nhân nô nức đi đi lại lại. Người châm đèn, kẻ đốt nến, người bày thức ăn, kẻ chuẩn bị đàn hát... Chẳng mấy chốc, Nhạc Thiện điện như bừng sáng giữa vườn ngự uyển, sẵn sàng cho buổi tiệc đêm nay.

Bàn tiệc bày cơ man nào là của ngon vật lạ, sơn hào hải vị phần lớn được tiến cống, điển hình như cá Anh Vũ hấp, thịt sâm cầm, bào ngư, súp tổ yến, canh nấm kim châm cùng rong biển, cháo nấm linh chi, trứng cá hồi đen, trứng cá tầm, thanh long, dưa hấu đen, bánh quy phết mứt,... và đầy đủ các loại trà như trà Ô Long, trà hoa nhài Tô Châu, trà Phổ Nhĩ, Huệ Minh, Hoàng Sơn Mao Phong, Kính Đình Lục Tuyết, Hương Phiến,...rượu Phúc Bồn Tử, Soju, Maeshilju, Baeseju,...

Trên bàn tiệc, Vương Đạo ngồi ở vị trí chủ toạ, bên trái là hoàng hậu Cung Nguyên cùng thừa tướng Trương Yên, chư vị quan lại; bên phải là hoàng đế Nguyên quốc cùng quân sư Thoát Thoát, thừa tướng Bách An, kế đó là Bất Tái Nhân hãn* Y Nhi hãn quốc, Bạt Đô hãn Kim Trướng hãn quốc (Khâm Sát), Sát Hợp Đài hãn Sát Hợp Đài hãn quốc. Một dọc phía sau là chư vị phi tần Cao Ly* ngồi ngay ngắn uống trà một cách nhàn hạ.

_Được ngồi ngắm trăng thanh gió mát cùng chư vị phi đây, lại được thưởng thức trà ngon, quả là thú vui thật tao nhã đối với Tiên Đạo ta - người vừa cất tiếng nói thanh thoát kia là Tống Tiên Đạo quý nhân, đặt chén trà xuống bàn, vừa nói vừa đảo mắt nhìn các vị phi tần ngồi xung quanh. Tiên Đạo hôm nay diện bộ hanbok* màu xanh biển, áo khoác ngoài xanh dương đậm có hoa văn cách điệu thêu bằng chỉ trắng cùng váy dài bằng gấm có màu xanh nhạt thêu hoạ tiết sóng biển bằng chỉ bạc vô cùng tinh xảo, trên đầu cài trâm ngọc xanh biển cùng trang sức bằng vàng hình chim công đính đá đủ màu sắc. Mỗi cử động của Tống quý nhân phải thật nhẹ nhàng, nếu không lại khiến người khác nơm nớp lo sợ đống trang sức trên đầu rớt xuống đè chết ả ta.

Tống quý nhân xuất thân hào môn thế gia, là con gái của tả thừa tướng Tống Ân Quang đã qua đời. Gia thế thuộc dạng quý tộc hệ liệt, vốn không phải dạng tầm thường nên việc được phong quý nhân là dễ hiểu. Trước đây, vì tự hào gia cảnh và địa vị bản thân, quý nhân họ Tống không ngừng tỏ ra kiêu căng ngạo mạn, nhưng từ khi Tống Ân Quang mất, Tống Tiên Đạo mất đi một thế lực chống đỡ, không ít người trong hoàng thất quay lưng lại với ả, khiến ả tỏ ra vô cùng bất mãn.

_Tống quý nhân nói phải, được ngồi ở Thiện Nhạc điện, uống trà Bích Loa Xuân* cùng chư phi, Đại chiêu viên cảm thấy rất thư thái tâm hồn - Một nữ nhân thanh tú lên tiếng đáp lời, người vận bộ hanbok gấm trắng viền lụa cam, phục sức tuy chỉ bằng bạc chế tác đơn giản nhưng khi khoác lên người đẹp lại mang một đẳng cấp khác, Đại Huyền Vân gật đầu tán thưởng. Nàng ta tuy chỉ là con gái của một quan nhỏ, địa vị tạm thời thấp nhất trong các phi tần, nhưng rất biết cách ăn nói sao cho hợp tình hợp ý, đẹp lòng người nghe.

Tống Tiên Đạo im lặng mỉm cười, cảm thấy nãy giờ chỉ mình ả ta lên tiếng, ả liếc mắt nhìn Hoàng chiêu nghi và Kỳ thục nghi.

Hoàng Khuê nhàn hạ nhấp một ngụm trà, trên môi ẩn hiện ý cười nhàn nhạt. Nàng ta xuất thân cao quý, là tiểu thư của trưởng sử phủ Hoàng Viêm. Con người này tính lãnh đạm, ít nói thâm trầm, tuy không thể hiện sự đanh đá ra bên ngoài như Tống quý nhân, nhưng lòng dạ thâm sâu đến đâu không ai đoán được. So với Tống Tiên Đạo và Đại Huyền Vân thì vẻ đẹp của nàng ta trông dịu dàng hơn, tóc dài và óng mượt một cách vừa phải, mắt to, mi cong vừa phải, mũi cao vừa phải, môi mỏng vừa phải, làn da trắng mịn vừa phải,...tất cả đều vừa vặn và cân đối, tạo cảm giác bình yên đến lạ cho người nhìn.

Kỳ Dương Y thì đang chống cằm, phóng tầm mắt về phía đám nữ nô bên kia, chẳng ai hiểu nàng đang nhìn cái gì mà lại tỏ ra chăm chú như thế.

Tống Tiên Đạo cố tằng hắng vài cái, ả dùng giọng nói đủ lớn để chắc rằng cả bốn người đều nghe thấy.

_Nếu các nàng không từ chối, chi bằng hôm nào sang điện Phúc Liên của ta, chị em mình vừa thưởng thức trà Bích Loa Xuân vừa nhỏ to tâm sự. Hoàng chiêu nghi, Kỳ thục nghi, hai người thấy thế nào?

Hoàng chiêu nghi đặt chén trà xuống, đáp lời Tống Tiên Đạo vô cùng nho nhã.

_Nếu Tống quý nhân không phiền, ta rất sẵn lòng.

_Hoàng chiêu nghi nói gì lạ đời vậy? - Tống quý nhân lấy tay áo che miệng, cất tiếng cười khanh khách - Ta không hề thấy phiền, chúng ta đều là chị em, đều là người một nhà! - đoạn ả quay sang nói với Kỳ Dương Y - Thục nghi, còn nàng, nàng có thích uống trà không?

_Tất cả loại trà ta đều thích, nhất là Bích Loa Xuân này đây - Kỳ Dương Y đáp lời.

Đại chiêu viên cười khúc khích, lên tiếng.

_Ra vậy. Ta cảm thấy trà này rất hợp với nàng đó.

Chẳng biết Đại Huyền Vân vô tình hay cố ý nói lời như thế, Tống Tiên Đạo thừa nước đục thả câu, ngay tắp lự liền tung hứng câu nói của Đại chiêu viên.

_Kỳ thục nghi của chúng ta quả thực thông minh và xinh đẹp như Bích Loa* vậy, thảo nào bệ hạ lại sủng ái nàng như thế. Nhưng ta thật tiếc cho số phận của nàng Bích Loa, đúng là "hồng nhan hoạ thuỷ"*.

(Phần này nói bóng gió, vô cùng ý tứ, đến cuối truyện mình sẽ giải thích cho các bạn).

Hoàng chiêu nghi nghe xong, không nói không rằng mà cười nhẹ. Chẳng hiểu nàng ta cười câu nói của Tống Tiên Đạo hay chế giễu Kỳ Dương Thị.

Lời nói phun ra từ mồm mép của Tống quý nhân quả thực luôn độc địa. Kỳ Dương Thị cũng hiểu được ý tứ câu nói đó. Đám người này quan tâm đến việc dạo gần đây nàng được Vương Đạo sủng ái, lại không cam lòng phải nói móc.

_Khi xưa Điêu Thuyền hại Đổng Trác, Lữ Bố đâm chém lẫn nhau, Tây Thi hại Ngô Phù Sai mất nước, Dương Quý Phi khiến Đường Minh Hoàng long đong ngôi báu...suy cho cùng cũng do bản tính háo sắc của đàn ông. Đàn ông dù thống trị cả giang sơn, cũng phải chịu thua trước sắc đẹp của phụ nữ, phụ nữ lại ham mê quyền lực. Lấy Dương Quý Phi làm ví dụ điển hình, ta cảm thấy tiếc cho những người phụ nữ bị quyền lực làm loá mắt, cuối cùng thì trèo cao té đau, chết đi một cách tủi nhục - Kỳ Dương Thị bình tĩnh đáp lời Tống quý nhân, tưởng chừng như đang kể chuyện xưa, thực ra là mũi tên trúng ngay tim đen Tống Tiên Đạo, lời nói vừa thốt ra, khiến Đại chiêu viên và Hoàng chiêu nghi có hơi chột dạ.

Nhưng người tức điên nhất phải là Tống quý nhân, thực sự trong lòng ả khói đã bốc lên cao. Không ngừng nghĩ thầm "À à, con tiện nhân này đang muốn nói ta dùng sắc đẹp để quyến rũ đàn ông, lại còn khéo cảnh cáo ta không nên trèo cao té đau, cố ý tranh ngôi hoàng hậu của ả đây mà".

Vừa may cùng lúc đó, có tiếng người cắt ngang dòng suy nghĩ của chư phi...

***

Hãn (khan, han, đôi khi xan): trong tiếng Mông Cổ và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là một tước hiệu có nhiều nghĩa, ban đầu có nghĩa là "thủ lĩnh" một bộ tộc. Một hãn kiểm soát một lãnh thổ gọi là hãn quốc. Đôi khi cũng có thể dịch là hoàng đế. Ngày nay các hãn chủ yếu còn ở Nam và Trung Á.

Phi tần Cao Ly: ở đây chia ra gồm các cấp bậc như sau:
Chính nhất phẩm: Tần.
Tòng nhất phẩm: Quý nhân (Song Seon Do).
Chính nhị phẩm: Chiêu nghi (Hwang Kyu).
Tòng nhị phẩm: Thục nghi (Ki Yang Yi).
Chính tam phẩm: Chiêu dung.
Tòng tam phẩm: Thục dung.
Chính tứ phẩm: Chiêu viên (Dae Hyeon Woon).
Tòng tứ phẩm: Thục viên.

Hanbok: trang phục truyền thống của Triều Tiên (bao gồm cả Cao Ly) được phân loại thành trang phục mặc hằng ngày, lễ phục và trang phục đặc biệt. Lễ phục được chia thành lễ phục trong dịp lễ tết, sinh nhật, lễ cưới hoặc lễ tang. Trang phục đặc biệt thường là hanbok dành cho vương tộc và các vị quan lại trong triều. Dù được mặc trong hoàn cảnh nào thì hanbok đều có những phần cơ bản sau: áo jeogori (áo khoác ngoài), áo heoritti (áo bên trong) và váy chima (với phụ nữ) hay quần (với đàn ông).

Bích Loa Xuân: loại trà bắt nguồn từ Trung Quốc, khi uống nước đầu màu nhạt chước sắc đạm, mùi thơm, tươi mát, nước thứ hai xanh biếc, thơm, vị thuần khiết, nước thứ ba xanh ngọc bích, hương mùi thơm nồng, quay về vị ngọt, quý như trân bảo.

Bích Loa: ý Song quý nhân muốn nhắc đến nhân vật Bích Loa trong truyền thuyết Bích Loa Xuân trà. Truyền thuyết như sau:

Cách đây rất lâu, trên núi Động Đình ở phía tây Thái Hồ, có một cô gái tên Bích Loa, nàng thông minh, xinh đẹp, hát hay, múa giỏi, người trong làng đều rất yêu mến nàng.

Mùa xuân một năm nọ, dưới Thái Hồ xuất hiện một con rồng dữ, đòi nhân dân Thái Hồ phải cúng lễ cho nó quanh năm suốt tháng, ngày nào cũng phải cúng, nó còn đòi cưới nàng Bích Loa làm Thái Hồ phu nhân. Nhân dân Thái Hồ không chịu, nó liền sinh sự, làm ra sóng to dập nát thuyền đánh cá, nổi lên gió mạnh, quét sạch hết mùa màng, cây cối, nhà cửa, khuấy phá đến nỗi Thái Hồ đêm ngày không yên. Trên phía đông núi Động Đình có một chàng trai tên A Tường, từ nhỏ đã đánh cá để kiếm sống. Chàng ta thân thể cường tráng, lại rất giỏi võ nghệ. Trong lòng chàng tha thiết yêu nàng Bích Loa, rất thích nghe nàng hát, chàng cảm thấy rằng nghe được tiếng hát của nàng là hạnh phúc lớn nhất của mình.

Con rồng dữ tàn hại nhân dân Thái Hồ, đòi bắt cóc nàng Bích Loa, chuyện thế này làm sao A Tường không lo sao được ? Chàng nhảy xuống hồ, đánh nhau với con rồng dữ bảy ngày bảy đêm, cuối cùng chàng giết được con rồng dữ, nhưng bản thân chàng cũng bị trọng thương. Mọi người khiêng người anh hùng vì dân trừ hại này về nhà, chữa trị vết thương cho chàng. Nhưng thời gian trôi qua từng ngày, bệnh tình của A Tường trức sau vẫn không có biến chuyển tốt. Nàng Bích Loa mỗi ngày đều đến thăm chàng. A Tường nói : "Cảm tạ bà con trong lòng, e rằng tôi không sống được nữa. Trước khi mất, tôi chỉ mong sao có thể mỗi ngày nghe được tiếng hát của Bích Loa là tôi cảm thấy thỏa mãn rồi". Sau đó, chàng đem nỗi lòng yêu thương nàng Bích Loa ra kể cho mọi người nghe.

Nàng Bích Loa nghe xong, vô cùng cảm động, nàng nhờ người trong làng khiêng A Tường đến nơi ở của nàng, quyết tâm trị lành thương tích cho chàng. Nhưng các loại thuốc đều đã dùng qua, vết thương vẫn không hề bớt, sức khỏe càng ngày càng kém đi. Mọi người đều lo lằng vô cùng, nàng lại càng buồn bã, đi khắp nơi để tìm thuốc mới.

Một hôm nàng đi đến chỗ A tường giết con rồng dữ, phát hiện ở đó có một cây trà con, phát triển rất khỏe, thế là nàng liền dời cây trà ấy lên núi chỗ nàng ở. Lúc đó mùa đông vừa qua đi, thời tiết còn lạnh, nàng hằng ngày dậy sớm, lần lượt ngậm từng chồi non trên cây trà cho chồi cây trà thêm một chút hơi ấm, để nó mau lớn. Vài tháng trôi qua, cây trà ra một lá non đầu tiên. Cũng trong thời gian ấy, vết thương của A Tường càng nặng hơn, không thể ăn cơm, cũng không uống thuốc, mỗi ngày chỉ có thể uống một hai ngụm nước chín. Trong lòng nàng Bích Loa có nỗi đau khó nói nên lời, nóng lòng không biết phải làm sao. Nàng nghĩ : "Những chồi trên cây này đều được ta ngậm vào, ta dùng cái miệng biết hát này cắn đứt nó rồi đem pha trà đó cho A Tường uống, để tỏ hết tấm lòng của ta vậy"

Lạ lùng thay ! Chén trà này vừa bưng đến kề bên miệng A Tường, một làn hương thơm liền theo mũi xông thẳng vào tim, A Tường cảm thấy sảng khoái tinh thần, chàng sung sướng nói : "Thơm quá !"

Nàng Bích Loa cười nói : "Thơm thì chàng uống vào một tí đi." Thế là A Tường liền uống một hơi cạn hết chén trà.

Chuyện kì lạ đã xuất hiện, từ đó trở đi, vết thương A tường dần dần lành lặn, thân thể càng cứng cáp hơn trước. Nhưng từ đó, nàng Bích Loa lại càng ngày càng gầy đi, mang bệnh nặng, chẳng bao lâu nàng đã lìa bỏ cõi đời.

Trước khi Bích Loa chết, nàng nắm tay A Tường nói : "A Tường ơi, chàng khôi phục được sức khỏe là điều sung sướng lớn nhất của em. Sau khi em chết, chàng hãy chôn em trên triền tây núi Động Đình, cho em mãi mãi không rời cây trà ấy."

A Tường và người trong làng vô cùng đau buồn đem nàng Bích Loa đi chôn. Cây trà nhỏ do nàng Bích Loa vun xới dần dân lớn lên. Mấy năm sau, những cây trà trên cả phía đông và tây của núi Động Đình càng ngày càng xum xuê, trở thành những cánh rừng trà rộng lớn.

Thương nhớ nàng Bích Loa, người ta đặt tên cho thứ trà sản xuất ở đây là trà "Bích Loa Xuân".

Ở đây một mũi tên trúng hai con nhạn, Song Seon Do muốn ví Yang Yi là Bích Loa, Wang Yoo là A Tường. Ý nói rằng Yang Yi nếu chìm trong tình yêu với Wang Yoo sẽ không có kết quả tốt đẹp, chỉ mang hoạ vào thân.

Hồng nhan hoạ thuỷ: sắc đẹp là mầm của mọi tai hoạ. Tai hoạ được xếp từ cao xuống thấp : Thuỷ, hoả, đạo, tặc. Nghĩa là chiến tranh còn xếp sau cùng. Hồng nhan được ví với hoạ thuỷ, là cái hoạ lớn nhất. Ngoài ra còn tiềm ẩn một ý nghĩa, "thuỷ" bao giờ cũng mềm mại, thân cận, không có những biểu hiện đáng sợ như lửa, trộm cướp và chiến tranh, nhưng hậu quả tàn phá thì vô cùng ghê gớm.

***
Tác giả: mình xem lại mấy tài liệu thì Cao Ly không có tài nhân hay tiệp dư gì hết, chắc do mình nhầm lẫn bên Trung Quốc, nên mình đã sửa lại Ki Yang Yi là thục nghi. Mình thêm mấy phi tần kia vô làm cho hệ thống nhân vật thêm phong phú, quả thật viết cổ trang hoàng cung mà không có cung đấu thì là thiếu sót lớn, nên mình sẽ viết cung đấu luôn.
Chương này chia ra nhiều phần vì diễn biến hơi chậm. Chương này có thêm câu chuyện thì lên đến hơn 3000 chữ rồi, đành dừng tại đây vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro