Interlude Chapter: Kẻ chủ mưu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có người nhận định rằng, quan hệ Đại Việt và Chiêm Thành càng gắn bó thì càng sản sinh ra nhiều xung đột. Cách suy nghĩ này không hẳn là sai, trong một vài trường hợp nó lại được coi như là ý trời buộc mọi sinh linh làm theo mà không đường nào trái được, nhất là khi có kẻ đứng ra chủ mưu mọi chuyện. Tôi nói điều này để làm gì? Không mục đích nào khác ngoài tiếc thương cho hai quốc gia kề cận nhau không thể tếp tục gắn bó, hạt giống hữu nghị của những vị vua đã ngày đêm vun đắp không thể nào nảy mầm. Lịch sử thật tàn nhẫn, tình hữu nghị giữa hai bên bị rạn nứt nghiêm trọng, sụp đổ trong chính giai đoạn hoàng kim trong quan hệ hai bên.

Khi Vijaya, tiểu quốc thuộc vương quốc Chiêm Thành, nhìn thấy ánh mắt xa cách của vị bằng hữu Đông A, y đã đau đớn chấp nhận rằng mọi thứ đã sụp đổ.

Năm 1390, sông Hải Triều, Đại Việt.

Thuyền của Vijaya vừa vào đến khúc sông này đã chạm phải vài tấm ván thuyền, vải vụn trôi ngổn ngang trên mặt nước. Rải rác trên khúc sông là những cột buồm xanh đỏ mục rữa nhô lên như tay người chết đuối nỗ lực giành lấy sự sống lần cuối cùng. Dưới đáy sông, những cái xác lạnh tanh vận binh phục đã bắt đầu nổi, phân hủy đã đến mức các bộ phân trên cơ thể lìa ra. Khúc sông nhuộm đen màu cái chết, mùi tử khí lẫn lộn trong không khí, đánh thẳng vào thần trí của những con người qua lại vô tình chứng kiến. Ngọ nguậy giữa cái bãi chiến trường này là lũ ruồi nhặng bẩn thủi, thêm cả bọn muỗi từ đâu xuất hiện đáp bên những vũng máu tanh tưởi đang đến hồi đông đặc.

Vijaya lấy tay che nửa khuôn mặt, ánh mắt y thu lại không dám nhìn xa thêm. Người đồng hành của y bên cạnh bỗng ho sặc sụa vì cảnh tan thương, vì mùi kinh tởm, cô lấy chiếc khăn tay vắt ngang hông ra mà che miệng, vội quay vào trong như muốn trốn tránh hiện thực tàn khốc. Nhưng cô làm sao mà được tự do di chuyển, chiếc thuyền này không mang màu cờ sắc áo của vương quốc Chiêm Thành, lại càng không có nhiệm vụ đưa tiễn đơn thuần, đây là phương tiện giải giáp của Đại Việt, tuân lệnh Trần gia đến tận thành Đồ Bàn đòi cho bằng được Vijaya phải đến nói chuyện với ngài. Hai người lính Đại Việt trên thuyền lạnh lùng bắt chéo thanh gươm chắn trước mặt người con gái ấy, hành động thay lời đe dọa: là tù binh thì đừng đi lại lung tung.

Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, Vijaya vội chạy đến đỡ cô gái kia, dẫn cô ấy lại nơi hai người đứng ban đầu.

- Tiền bối Panduranga, Người thấy khó chịu ở đâu sao?

- Ta xin lỗi ngươi, Thần vương Vijaya.

Panduranga lấy tay quệt đi dòng lệ bên khóe mắt, khổ tâm không dám nhìn thẳng vào y.

- Nếu như ta có thể thuyết phục được họ lui quân thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Thần vương đã không bị nhốt ở địa lao. Cả Kirata và Indrapura cũng sẽ không bị bắt làm con tin. Khốn khổ! Ta mong chúng không hề hấn gì!

- Tiền bối đừng lo lắng. Ta biết tính Đông A, hắn sẽ không nhẫn tâm đến mức hành hạ bọn họ đâu. Ta sẽ chuộc họ về, ta hứa.

Lời này nói ra chính Vijaya cũng không chắc chắn. Nhưng là vì chuyện gì chứ? Là cảm xúc của Trần gia, y sợ rằng ngài đã bị tổn thương. Cuộc chiến này không phải do y đốc thúc, mà là do những tiểu quốc khác thống nhất chinh phạt mà ra. Vương quốc Chiêm Thành không giống như Đại Việt và Đại Minh ở phương Bắc, không phải Trung ương luôn có đủ quyền hạn cai trị địa phương. Vương quốc này được cấu thành từ nhiều tiểu quốc khác nhau, vua đứng đầu tiểu quốc là Tiểu vương, có toàn quyền tại địa phương vương nắm giữ. Trong các tiểu quốc sẽ chọn ra một tiểu quốc được vinh dự đặt kinh đô của toàn vương quốc, vua tại nơi này được gọi là Thần vương. Tuy nhiên, dù có là Thần vương thì vương chỉ có thực quyền tại địa phương đặt kinh đô, còn những tiểu quốc khác vẫn được các Tiểu vương cai trị, nói cách khác, Thần vương là danh hiệu đại diện cho toàn vương quốc Chiêm Thành khi đối ngoại, không phải là người nắm mọi quyền quyết định.

Vijaya thời này cũng vậy, mang danh Thần vương nhưng y cũng chẳng có bao nhiêu tiếng nói trong vương quốc. Ngay khi biết được ý định gây hấn với Đại Việt của các tiểu quốc còn lại, y là người đứng ra can ngăn. Quan hệ hai nước đang vô cùng tốt đẹp, tình hữu nghị kề vai sát cánh chống Nguyên Mông còn đó, không thể vì một nàng công chúa mà làm càn. Nhưng y nào biết mối thâm thù của các tiểu quốc kia với Đại Việt không chỉ đơn giản là chuyện của Huyền Trân Công chúa, mà là sự tiếc ghẻ hai vùng lãnh thổ là Châu Ô và Châu Lý đã được Thần vương Chế Mân dâng cho Đại Việt như sính lễ cầu hôn. Sự kết giao của hai nước bề ngoài tưởng chừng như vui vẻ ấy thế mà bên trong nội bộ vương quốc Chiêm Thành dấy lên bất bình, suy cho cùng thì Đại Việt chỉ thân thiết với một mình Vijaya, các tiểu quốc kia không có nghĩa vụ phải yêu mến bằng hữu của Thần vương họ. Nói không được, can dự cũng không xong, cuối cùng Vijaya bị các tiểu quốc khác tống vào địa lao, họ mặc kệ y và theo chân Thần vương mới của Vijaya là Chế Bồng Nga chinh phạt Đại Việt.

Trận Hải Triều kết thúc cuộc chiến tranh khốc liệt giữa hai bên. Trần gia bắt được tiểu quốc Kirata và Indrapura làm con tin, đề nghị phía vương quốc Chiêm Thành đưa Vijaya đến nói chuyện với ngài nếu không thì tính mạng hai tiểu quốc này chưa chắc được đảm bảo. Trong địa lao, Panduranga đưa tối hậu thư cho Vijaya, khóc lóc kể rằng Trần gia sẽ không khoan nhượng. Lời lẽ trong thư vô cùng nặng nề, mọi trách nhiệm Trần gia đều đổ lên đầu Vijaya, với cương vị là người đại diện vương quốc, y chấp nhận lãnh mọi hậu quả. Tuy nhiên, có lẽ Trần gia đã trách lầm y, cho rằng chính y là người phát động chiến tranh khiến dân chúng hai nước oán thán. Vijaya không giận hờn Trần gia, y biết bây giờ ngài đang bị tổn thương vì thực tế phũ phàng nói cho ngài rằng chính vị bằng hữu đáng quý đã nhân cơ hội ngài yếu đi đã rút gươm đâm sau lưng ngài. Mong rằng hai bên có thể thấu hiểu được nhau để quan hệ hai nước nói chung và tình bằng hữu của hai người nói riêng không phải đổ sông đổ bể.

Nhưng mọi hi vọng của Vijaya như ánh nến leo lắt trước gió đông, buồn bã tất ngấm khi đối diện với Trần gia. Ngồi trong lều lớn, khuôn mặt của ngài không còn rạng rỡ như thường ngày mà chỉ độc một vẻ tiêu điều mệt mỏi, quần mắt có nét thâm, ánh nhìn mất đi sự năng nổ như trời đông khi mất đi ánh nắng. Hòa lẫn trong vẻ kiệt quệ kia lại là biểu hiện lạnh lẽo của một bạo quân, như muốn nhắm đi đôi mắt ân cần với mọi cảm xúc trên đời mà mặc kệ chém giết vì lợi ích quốc gia. Xa lạ quá, Vijaya không muốn phải đối mặt với ngài lúc này. Y biết ngài đang mệt mỏi vì triều chính, lại bị tổn thương vì bằng hữu phản bội, nhưng chính mắt thấy người bạn thân nhất của mình trở thành thế này, Vijaya còn đau đớn hơn rất nhiều.

- Đông A...

Vijaya kêu tên ngài, cái tên thân mật mà chỉ có y dám bật ra thành tiếng.

- Gọi bằng quốc hiệu đi, Chiêm Thành.

Trái tim của y như có gì đó bị bóp chặt lại, không ngờ mọi chuyện lại nghiêm trọng đến mức này.

- Hãy để ta giải thích, Đông-. Xin lỗi, Đại Việt, ngươi nghe ta nói có được không?

Trần gia nghiêng đầu, chống cằm nhìn y như thể nhìn một kẻ xa lạ.

- Giải thích gì nữa hả, Chiêm Thành? Ngươi dám xua quân đến phá nát kinh đô của ta, dùng mưu hèn kế bẩn giết chết Hoàng đế Trần Duệ Tông. Thật sự ta cũng không muốn tin là nhà ngươi lại dám làm như vậy.

Trần gia siết chặt tay, ánh mắt thu về đầy đau khổ. Suốt cuộc đời của mình, ngài luôn hết lòng vì bạn bè, kẻ dưới, người trên, nhưng hôm nay lại bị chính tri kỷ của mình bội phản, không chỉ trái tim thấm đậm tình cảm mà là cả bộ óc duy lý của ngài cũng không biết phải xử lý làm sao. Vijaya cũng như Trần gia, y thật sự không nỡ thấy người mà mình hết mực yêu quý lại vì mình mà đau khổ. Trái tim thúc giục, y vô thức bước tới mong được hóa giải mọi xung đột, hiềm khích giữa hai bên.

- Ngươi nên biết vị trí của mình đi, Chiêm Thành.

Hồ gia, tay phe phẩy chiếc quạt, bất thình lình xuất hiện từ trong bóng đêm. Đứng trên đài cao cạnh bên Trần gia, thân ảnh cao lãnh nhìn xuống kẻ trước mặt, chiết phiến sang trọng che nửa mặt, mọi cảm xúc giờ đây được thể hiện qua ánh mắt. Đó không phải là ánh nhìn giận dữ, buồn bã hay thất vọng như Trần gia, mà đó lại mang một sự hài lòng, hả hê đến kỳ lạ. Hồ gia luôn là một kẻ khó đoán, chính Vijaya cũng không hề biết hắn đang có dự định gì nhưng mọi giác quan đang muốn gào thét với y hãy cẩn thận tên cáo già trước mặt. Dù vậy, y cũng không muốn tin hắn lại có mưu đồ với hai người bọn họ, cả ba đã là một đội khăng khích, lẽ nào hắn lại chẳng niệm tình xưa nghĩa cũ mà hãm hại hay sao?

Nụ cười ý tứ nở trên khuôn mặt Hồ gia, giấu sau chiết phiến ưa thích, mãn nguyện như vừa mới một tay phá nát tình cảm của hai người còn tiện thể khiến cả hai bị suy yếu nghiêm trọng. Hồ gia lệnh cho thuộc hạ đem người lên.

- Mang chúng ra đây.

Lính canh lôi hai người đang bị trói cứng ra, thuận tay ném xuống dưới đất như mấy bó lúa ngoài đồng. Chứng kiến hai tiểu quốc thân quen như anh em trong nhà bị đối xử như vậy, dù có giận đến thế nào thì cũng không cam lòng, Vijaya vội trách móc.

- Ngươi nể mặt ta ở đây nhẹ nhàng với họ không được à?

- Vijaya! Cứu ta!

Vừa thấy Vijaya, Kirata đã khóc lóc ỉ ôi, cô bé lăn lộn trên sàn kêu cứu ầm ĩ đến nhức cả đầu. Indrapura bên cạnh không chịu được bèn đạp cô bé một cái thay cho lời đe dọa.

- Im lặng đi, con bé này! --- Rồi ngóc đầu lên nói với Vijaya.--- Thần vương! Có ngươi ở đây, ta với ngươi tả xung hữu đột phá nát bản doanh của quân Đại Việt! Ta sẽ cho chúng biết thế nào là sức mạnh của vương quốc Chiêm Thành! Phải trả thù cho Thần vương Chế Bồng Nga! Chết tiệt, chúng trói chặt quá!

- Đã là tù binh thì cũng nên biết ý tứ một chút. --- Hồ gia liếc nhìn hai người họ, kiêu ngạo buông lời nhắc nhở. --- Nếu còn quậy phá như vậy, e rằng bọn ta sẽ phải dùng đến biện pháp mạnh khiến các ngươi biết sợ mà cúi đầu.

- Ngươi đừng có làm bậy. --- Vijaya nhíu mày.

- Nếu như ban đầu phía các ngươi đừng gây hấn thì cớ sự đâu có tệ hại đến nhường này! --- Trần gia giận dữ thét lên. --- Tội giết vua, ta phải sang bằng cả kinh đô của các ngươi mới phải đạo.

Nói rồi Trần gia đứng phắt dậy, xoay lưng về phía Vijaya. Dù đã tổn thương đến cùng cực, nỗi thất vọng không thể nào nguôi ngoai nhưng kỳ thực ngài vẫn không nỡ xuống tay với tri kỷ của mình, chỉ đành buông đôi câu trách phạt.

- Bọn họ, ngươi đem về đi. Lần sau đừng có bước sang biên giới Đại Việt nữa. Khi triều cống, gọi ai cũng được nhưng người đừng sang. Ta không muốn nhìn thấy ngươi.

- Đông A, ta--

- Đừng có gọi ta như thế nữa!

Trần gia nén nỗi xúc động xuống, phất áo rời đi. Chạy trốn khỏi kỷ niệm đẹp đẽ của hai người, bỏ rơi tình bằng hữu cao đẹp mà nhiều người từng phải ghen tị. Trên tọa còn lại Hồ gia, hắn vuốt ve chiếc ghế gỗ nơi Trần gia đã từng ngồi, sau một hồi đi đi lại lại cũng quyết định thả mình trên chiếc ghế quyền lực kia. Vijaya thấy vậy thì nhíu mày, ánh mắt thể hiện sự bất phục, y không vừa lòng khi thấy kẻ nô bộc như hắn lại dám chuyên quyền thế chỗ cả chủ nhân. Hồ gia không màng tới cái nhìn hằng học mà cả thế giới dành cho hắn, bây giờ quyền lực đã đến thời điểm chính muồi, không có kẻ nào dám thách thức hay nghi kỵ sức mạnh của hắn nữa. Chiết phiến mở rộng trên tay, phe phẩy từng luồng đê mê mang tên "quyền lực" thổi tan hết những tình cảm thật lòng mà Trần gia và Vijaya dành cho hắn, sau cùng hắn cũng gập chiếc quạt lại và đối đáp với Vijaya.

- Chuyện của hai nước hãy theo ý của chúa công ta. Tuy nhiên, đừng tưởng chuyện như vậy đã rồi, chiến phí các ngươi vẫn phải trả, cống phẩm các ngươi vẫn phải nộp. Còn chuyện đất đai, dù chúa công không nỡ nhắc đến nhưng sau này nếu còn dám động binh, quấy nhiễu biên cương, chính ta sẽ dẫn quân đến chiếm.

--------------------------------------

Chiến tranh giữa hai phiên thuộc quốc Đại Việt và Chiêm Thành khiến Đại Minh lo lắng. Hắn không lo cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng đến hắn mà là nhọc lòng sợ rằng quan hệ giữa các phiên thuộc quốc sẽ xấu đi. Cả An Nam*, Chiêm Thành, thêm cả Triều Tiên (Joseon) nữa, cả ba là những phiên thuộc quốc đầu tiên của hắn nên quốc tông chủ có vẻ rất quý ba người. Từ những ngày đầu mở triều, hắn đi khắp nơi gọi bốn phương xưng thần nhưng kỳ thực chỉ có ba quốc gia này dám mặc mối họa từ Mông Cổ mà về phe hắn.

[*Các triều đại Trung Hoa không gọi hẳn quốc hiệu là Đại Việt mà gọi nước ta là An Nam (chỉ phiên thuộc quốc) hoặc Giao Chỉ (chỉ quận thuộc Trung Quốc).]

Có nô bộc bảo rằng khi ấy hắn vui đến mức khóc lóc suốt ba ngày ba đêm.

Bởi vậy, ngay khi nghe tin hai phiên thuộc quốc có chiến tranh, hắn liền lập tức sai sứ giả đi khuyến dụ hai nước thôi binh mà bắt tay làm hòa. Tuy nhiên mọi nỗ lực của hắn dường như không mang lại kết quả, khi mà hai nước vẫn đánh nhau như thường còn hắn lại bất lực khuyên giải đến hết cả hơi. Dù cứ rêu rao với bốn phương rằng mình là "Thiên hạ chủ", gánh vác sứ mệnh "trị loạn chống nguy" nhưng kỳ thực lại không có biện pháp hữu hiệu nào ngăn cản xung đột của các phiên thuộc quốc. Đây cũng coi là bi kịch của hắn đi.

Dù sao thì sau khi biết tin chiến sự hai nước đã rồi, Đại Minh ngay lập tức cho sứ giả gửi thư gọi cả hai đến Bắc Kinh bàn chuyện, tiện thể mời thêm cả Triều Tiên đến giúp hắn giải vây phòng trường hợp tình hình có chuyển biến đến hồi căng thẳng.

Cuộc gặp gỡ có chút gượng ép giúp Đại Minh nhìn ra vết nứt giữa An Nam và Chiêm Thành, dù không muốn tin nhưng chứng cứ do mắt thấy tai nghe không thể nào gạt hắn. Tống sử và Nguyên sử đều có nhắc đến quan hệ tốt đẹp của hai nước, tuy vậy hôm nay ngồi đây hai nước lại không nhìn nhau lấy một lần khiến Đại Minh thấy có chút xa lạ, trong lòng tự dưng lại buồn phiền đôi chút.

- Thực tình. --- Đại Minh thở dài. --- Hai nước các ngươi khi không hành hạ nhau, trên thì trời trách phạt, dưới thì lòng dân oán thán, có đáng hay không?

- Quốc tông chủ nói phải đấy. --- Triều Tiên lo lắng nhìn hai người. --- Ngài đã từng nhiều lần kêu gọi các ngươi bãi binh mà các ngươi không nghe, dẫn đến cơ sự hai vương của hai nước tử trận. Mong các ngươi nghĩ kỹ về bi kịch này.

Trần gia và Vijaya không nói gì, Đại Minh vì thế mà sốt ruột hơn. Hắn kỳ thực là có ý tốt, hai nước sống hòa thuận với nhau không chỉ có dân chúng hai bên được nhờ mà cả uy danh của hắn cũng được phất lên. Các nước nhỏ xung quanh khi thấy sống dưới bảo hộ của hắn được hòa bình, ấm no sẽ tự khắc theo về, bây giờ Đại Minh mới chỉ ở giai đoạn đầu của triều đại, thật sự cần uy quyền để lấn át tàn dư nhà Nguyên ở Mông Cổ, chính vì vậy hắn càng phải tỏ ra nhẹ nhàng, giải quyết các vấn đề khu vực bằng "lòng nhân", nếu thành công thì tính chính danh của hắn sẽ được khẳng định.

- Ta không hài lòng chút nào đâu, An Nam, Chiêm Thành. --- Đại Minh day day trán. --- Thôi thì không trách mắng nữa, bây giờ đến lượt hai ngươi giải quyết đi. Thỏa thuận sao cho hai bên cùng vui mừng mà dừng mọi xung đột, không thì ta phải ra tay dàn xếp đấy.

- Ý của Quốc tông chủ là do lòng nhân luyện thành. Hạ quốc xin cảm tạ ơn lo lắng của Người. --- Trần gia đáp. --- Về chuyện hòa giải với phía Chiêm Thành, hạ quốc cũng đã có ý định riêng của mình.

Lời tiếp theo là do Hồ gia bày ra cho ngài, mặc dù không nỡ nói ra nhưng sau cùng cũng phải buộc miệng. Ánh mắt dán chặt vào tách trà ấm, Trần gia nhọc lòng thốt ra những lời cay đắng:

- Để có thể ngăn mọi xung đột có thể xảy đến trong tương lai, hạ quốc cho rằng cả hai nước đừng nên có can hệ gì tới nhau nữa, quan hệ chỉ nên dừng ở triều cống giữa hai nước với nhau. Phía Chiêm Thành thấy thế nào?

Ánh mắt Vijaya đau đớn nhìn Trần gia nhưng y cũng không dám phản bác. Nếu điều này có thể giúp Trần gia đỡ nhọc lòng thì y sẽ chọn cách rời đi, mang theo những kỷ niệm chôn vùi vào quá khứ.

- Vậy thì chuyện sau này cứ theo dự liệu của bên Đại Việt mà làm.

Cuộc gặp mặt không khiến Đại Minh vui vẻ hơn mà trái lại khiến hắn thêm rầu rĩ. Nhanh chóng, sự rầu rĩ ấy lại thay bằng nóng giận khi nghe tin phế lập trong nội bộ An Nam. Trần gia bị kẻ tày trời nào đó đầu độc chết, Hồ gia lên nắm toàn quyền trong tay, trong triều xảy ra những vụ tranh chấp quyền lực, phế vua, giết vua, còn giấu Đại Minh chuyện đổi vua khiến hắn điên tiết. Ai cũng biết, Đại Minh ghét nhất là chuyện triều đại sau giết triều đại trước để chiếm trọn giang sơn, hắn thù Đế quốc Mông Cổ cũng là vì lẽ đó. Mông Cổ đã là ngoại bang lại trực tiếp giết Đại Tống những hai lần, đến nơi Tống và Kim quốc đang trú ngụ hạ sát Bắc Tống, diệt Nam Tống ở hải chiến Nhai Sơn, trọng tội này Đại Minh không dung thứ nổi. Chính vì vậy mà Đại Minh luôn đay nghiến Đế quốc Mông Cổ và không bao giờ chấp nhận con trai gã là Đại Nguyên đứng trong hàng ngũ của những triều đại chính thống Trung Hoa, thực tế hắn cũng chưa từng gọi đúng quốc hiệu Đại Nguyên mà chỉ gọi Mông Nguyên. Bây giờ nghe tin trong nội bộ phiên thuộc quốc lại diễn ra cuộc tranh đấu quyền lực như vậy, hắn cho rằng điều đấy là trái lại đạo hiếu trung, ra lệnh tuyệt triều cống.

Nhưng đó vẫn chưa phải là biến số tệ hại nhất xuất hiện trong quan hệ hai nước. Minh Hồng Vũ năm thứ 29 (1396), Thổ quan Quảng Tây tâu lên triều đình rằng phía An Nam xâm chiếm đất biên, thỉnh cầu ban sắc lệnh trừng phạt. Đại Minh biết rõ vùng đất tranh chấp ấy đã thuộc An Nam từ thời Mông Nguyên nhưng để vỗ yên lòng Thổ quan cùng lúc là thăm dò thực lực của triều đại sắp tới ở An Nam nên một thời gian sau liền cho sứ sang An Nam gọi đích danh Hồ gia đế tiếp kiến. Không ngoài dự đoán của Đại Minh, Hồ gia này là một kẻ cố chấp, không chịu nhượng bộ.

- Quốc tông chủ cho rằng hạ quốc phớt lờ đạo lý, ngoan cố không biết tôn ti, quấy nhiễu biên cương rồi tự chuốc họa vào thân. Nhưng thưa Quốc tông chủ, từ đầu triều Nguyên đất ấy đã là của hạ quốc. Giờ đây người của phủ Tư Minh lại bảo "cuối đời Nguyên nhiễu loạn, vượt cột đồng hơn 200 dặm để xâm chiếm năm huyện trong đó có Khâu Ôn. Xem vậy những lời của người Tư Minh không đủ để tin"[1].

Hồ gia lại liên tục chỉ ra những lập luận hổng trong lời cáo buộc của phía Đại Minh, cho rằng cột đồng từ thời khởi nghĩa Hai Bà Trưng đến nay đã hơn 1350 năm, "dưới một ngàn năm gò lũng đã biến đổi, ai mà biết cột đồng nằm ở đâu?" [2]. Chưa hết, hắn còn chỉ trích Thổ quan phủ Tư Minh lấy người trong phủ ra để làm chứng, đều đã cùng một phe thì lời lẽ không tin được. Sau cùng, Hồ gia kết luận.

- "Nếu hạ quốc xâm chiếm thì trả lại có khó gì! Nay không xâm chiếm lấy gì mà thoái hoàn. Năm huyện này là của hạ quốc, đời nối truyền lại; đất để lại giữ vững, đâu dám đem đất đai của tổ tiên mà giao cho Tư Minh" [3].

Ngữ khí lớn, kiêu ngạo vượt khuôn phép giữa đại quốc và tiểu quốc khiến hoàng đế nhà Minh là Minh Thái Tổ rất không hài lòng. Quan viên trong triều cho rằng hành động này kháng cự đối nghịch triều đình, đáng chinh phạt, ngoan cố bất phục rồi sẽ rước họa vào thân. Dù vẫn chỉ là nghi ngờ của Đại Minh nhưng hành động thí chết triều đại trước của Hồ gia khiến Đại Minh giận vô cùng, nay thêm câu trả lời ngông cuồng như vậy, hắn không thể bỏ qua. Tuy vậy hắn lại đặt ra nghi vấn, tại sao một ngụy triều như Hồ gia lại dám to gan trước mặt Đại Minh như vậy, hẳn tên đó phải dựa vào cái gì đó mới dám ngước mặt lên đầy ngạo nghễ. Bí mật quốc gia? Vũ khí hiện đại? Đại Minh ngay lập tức cho người thâm nhập vào An Nam điều tra cho rõ.

Ngồi trên đài cao nhìn xuống Hồ gia, Đại Minh nở một nụ cười không hề thân thiện.

- Thôi được, nếu như ngươi đã ngoan cố như vậy thì chuyện này không thế giải quyết ngày một ngày hai. Chi bằng hai bên nên gặp mặt trao đổi thêm để giải quyết chuyện đất đai khó xử này. Ngươi có thể về. Nhưng mà...

Hồ gia cũng cảm thấy có chuyện không lành, nuốt vội nước bọt trong cổ họng xuống và nhìn thẳng vào mắt Đại Minh.

- Ngươi nên nhớ rằng, không phải vì ta không thể phát binh đánh chết ngươi, chỉ là hiện tại ta không có hứng.

--------------------------------------

Phần chú thích:

[1]. Minh Thái Tổ thực lục, Hồng Vũ tam thập niên dị nguyệt Giáp Thìn, quyển 250, tr.3622. (Bản dịch tiếng Việt của Hồ Bạch Thảo, Minh thực lục - quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII, quyển 1, tr.138).

[2]. sđd, tr.3622. (Hồ Bạch Thảo, sđd, tr.141)

[3]. sđd, tr. 3625. (Hồ Bạch Thảo, sđd, tr.141)

--------------------------------------

Thông báo:

1. Sắp tới mình sẽ có một chuyến đi thực tế theo tiến trình lịch sử Việt Nam, mình sẽ tận dụng cơ hội này để hiểu biết thêm để sau này viết về lịch sử Việt Nam không sạn như trước kia nữa.
(*꒪ヮ꒪*)

2. Sẽ có một cuốn truyện khác về lịch sử Việt Nam, nhưng đây chỉ là chuyện ngắn gồm nhiều câu chuyện khác nhau. Để có thể viết xong một phần hoàn chỉnh sẽ khá là lâu vì lần này mình sẽ viết thật cẩn thận.

Thông báo đến đây là hết, cảm ơn mọi người đã luôn ủng hộ mình trong thời gian qua.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro