.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mẹ tôi là một người mù. Bà vốn là một đứa trẻ mồ côi sống trong trại Kamil - trại dành cho người khuyết tật lớn nhất của vùng ngoại ô California. Người ta kể lại rằng, vào một buổi sớm ướt sương, họ tìm thấy mẹ trong một bãi rác trước cửa. Hốc mắt của bà bao phủ chi chít bởi những con kiến to đùng. Sau này, nó co rút lại, thành ra đôi mắt bà nhìn như hai sợi chỉ quăn queo. Bất chấp điều đó, mẹ tôi vẫn là người phụ nữ đẹp và kiên cường. Mẹ học chữ nổi, học viết. Đến năm 7 tuổi, bà đã đọc được hầu hết những cuốn sách trong thư viện của trại. Một gia đình làm nghề may đến chơi, quyết định nhận mẹ làm con nuôi. Họ dạy mẹ thêu thùa, đan lát, may những chiếc đầm sặc sỡ. Đến năm 20 tuổi, ông ngoại dành dụm vốn liếng, mở cho mẹ một cửa hàng may nho nhỏ. Cuộc sống dần ổn định và lặng lẽ qua đi. Bà chưa từng dám nghĩ đến cái gọi là tình yêu. Vì vậy, 29 tuổi, mẹ vẫn cô đơn.

Cha là một thầy giáo. Một chàng trai cũng mồ côi như mẹ. Cha dạy chữ nổi và ngôn ngữ khiếm thính cho những người khuyết tật. Cha vốn là một người lính. Chiến tranh kết thúc, cha trở về quê hương, với vài vết sẹo nhăn nhúm, xấu xí vĩnh viễn không thể xoá bỏ trên gương mặt. Tuy vậy, ẩn sau đó là một tâm hồn vô cùng tình cảm và nhẹ nhàng. Công việc của một người giáo viên đã khiến trái tim cha thấy chốn bình yên của nó, cha bảo tôi vậy.

Cha gặp mẹ vào một chiều mùa thu tháng 8 rực rỡ. Khi ấy, mẹ đang ngồi bên khung cửa sổ của khu thư viện dành cho những người khuyết tật, đôi bàn tay mềm mại lần sờ những chấm tròn đặc trưng trên những trang sách. Còn cha, cha đang lang thang trong những kệ sách dài vô tận, lòng nặng trĩu vì những tâm tư chẳng thể nói ra. Bất chợt, cha nghe thấy một giọng nói thật êm

"Tôi đã yêu em lặng thầm, không hy vọng,

Bị giày vò khi thì bởi sự rụt rè, khi thì bởi nỗi hờn ghen..."

Giọng nói trong trẻo cùng bài thơ nồng nàn cha vô cùng thích của Pushkin đã
thu hút cha một cách thật tình cờ. Cha vội đi về phía cất lên tiếng nói, nơi một người con gái với mái tóc vàng rực rỡ, đang ngồi thì thầm những vần thơ qua khung cửa sổ...

Kể từ ngày hôm ấy, ngày nào cha và mẹ cũng gặp nhau để nói chuyện về thi ca, về sách. Đối với cha, đây là lần đầu tiên mà ông có thể gặp được một người thấu hiểu ông đến thế. Và mẹ cũng vậy, chưa bao giờ biết đến một chàng trai thật tinh tế, nhìn sâu vào trái tim của mẹ đến vậy...

Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, tình cảm của hai người họ đã không còn là sự thân thiết đơn thuần. Cha kể rằng, không biết bao nhiêu lần cha đã thức trắng chỉ để viết nên những lá thư nồng nàn với vài câu thơ Pushkin cuối thư, để rồi sau đó lại cất chúng vào một ngăn tủ, úa vàng như lá cây buổi chiều mùa thu tháng 8 ấy. Và mẹ cũng tâm sự rằng, hồi đó, mẹ tự tay may cho mình những chiếc áo đầm thật rạng rỡ, thật xinh đẹp, nhưng chúng vẫn rụt rè nằm yên trong chiếc tủ gỗ mun, vì mẹ chỉ dám ướm lên một chút, rồi lại lặng lẽ gập vào...

Những tưởng rằng, chuyện tình của cha và mẹ sẽ mãi chỉ như cánh hoa quỳnh toả hương trong đêm. Nhưng rồi, một ngày định mệnh đã thay đổi cuộc đời bọn họ. Đó là ngày 12/4 của hơn hai mươi bảy năm về trước. Một buổi chiều chớm hè, nắng nhoà mặt đường. Cha dẫn tay mẹ trên con đường nhỏ vào thị trấn. Từ ngày quen nhau, thi thoảng, cha lại dẫn mẹ vào trong thị trấn, để mẹ có thể nghe thấy những âm thanh nhộn nhịp. Khi đi dọc trên những con đường, cha sẽ kể cho mẹ nghe về những điều xảy ra mà mẹ không thể thấy. Đó có thể là một hội chợ nhộn nhịp, một đoàn xiếc tưng bừng ngang qua, một lễ diễu hành nghiêm trang, hay chỉ đơn giản là những bông hoa đang vươn lên từ kẽ nứt từ một bức tường...

Hôm ấy thì khác. Cha quyết định dẫn mẹ vào một cửa hàng bán đồ lưu niệm. Trong một phút chốc, tay mẹ chạm vào một vật gì đó rất mềm và nhỏ. Một con búp bê. Một con búp bê làm từ vải. Bằng cảm nhận cùa một người thợ may, mẹ biết con búp bê đó hẳn phải được làm thủ công từ một bàn tay khéo léo. Mẹ gọi cha, và bảo cha miêu tả về con búp bê đó. Tôi chưa bao giờ có thể được chiêm ngưỡng con búp bê đó, nhưng tôi vẫn được nghe cha kể lại về nó vào ngày 12/4 hàng năm. Đó là con búp bê với mái tóc vàng rực, nụ cười tươi rói, đôi mắt nhắm tít thành hai sợi chỉ, khoác trên người chiếc váy trắng thật đáng yêu. "Trông nó rất giống mẹ con..."

Kể từ ngày đó, mỗi dịp được vào thị trấn, mẹ lại đòi cha đưa mẹ vào cửa hàng kia. Và mặc dù mẹ không nói ra, nhưng cha hiểu rằng, mẹ thật sự rất yêu con búp bê đó. Nhưng mẹ chưa bao giờ có ý muốn mua nó. Toàn bộ số tiền mẹ có hàng tháng, mẹ đều đưa cho ông bà và chỉ giữ lại cho mình đủ sống. Và có lẽ mẹ cũng chỉ nghĩ rằng: "Chỉ là một con búp bê thôi mà...". Mỗi khi thấy mẹ lần lần chạm vào lớp vải, cha lại khẽ nắm chặt tay lại. Bảy mươi đô la, hồi đó là một món tiền khổng lồ. Nhưng khi thấy niềm khát khao không giấu nổi của người mình đang thương, cha đã biết, mình phải làm gì.

Từ ngày hôm đó, ngoài việc dạy học, cha quyết định có một công việc part time. Một phần cũng là vì cha có ý định từ trước, nhưng khi biết được tình yêu của mẹ với con búp bê lớn đến thế nào, cha mới đủ quyết tâm để thực hiện. Ông vào làm trong một cửa hàng ô tô với một đô la mười lăm xu một giờ. Và từ đấy, chàng trai sáng cầm những trang sách chi chít dấu chấm, tối cầm đục, cầm dũa làm việc không ngơi nghỉ. Có lẽ, khi ấy cha không đơn giản chỉ muốn mang về cho mẹ con búp bê xinh đẹp đó, mà còn là mang về một niềm hạnh phúc dịu dàng cho cuộc đời vốn lắm gian truân của mẹ.

Ngày qua ngày, cha cũng tích đủ số tiền để mang con búp bê về cho mẹ. Nhưng khi cha trở lại cửa hàng, tất cả những gì ông nhận được chỉ là một cái lắc đầu và ánh mắt cảm thông. Con búp bê cuối cùng đã được bán cách đó hai ngày. Thất vọng, buồn bã, cha quyết định tìm cho mẹ một con búp bê khác. Nhưng tất cả cha tìm được, là những con búp bê nhựa hay rơm khô cứng. So với cảm giác mềm mại của thứ vải kia, cái cứng nhắc của nhựa làm một người đàn ông như cha cũng cảm thấy lành lạnh, và cha lại thở dài.

Rồi một hôm, cha vào cửa hàng may của mẹ. Ông nhìn thấy những mảnh vải thừa lăn lóc, và chợt nảy ra suy nghĩ "Tại sao mình không may một con búp bê? Dù sao đó cũng là một con búp bê thủ công mà." Cha biết, bàn tay mình không hề khéo léo, thậm chí là vụng về. Những vết chai từ ngày xưa, cộng với những ngón tay thô to, khiến cha cảm thấy có chút bất lực. Nhưng lúc ấy, cha không quan tâm. Cha bắt tay vào làm, và hy vọng con búp bê "giả" đó có thể làm cho một ngày nào đấy của mẹ, được sống lại tuổi thơ hồn nhiên một lần nữa.

Việc làm búp bê chẳng đơn giản tí nào. Cha không kể chi tiết, nhưng khi nhìn vào một vết sẹo nho nhỏ trên đầu ngón tay vì bị kim khâu đâm, tôi hiểu cha đã cố gắng biết bao. Con búp bê dần hoàn thành từ niềm hi vọng, nỗi khấp khởi, và cả một tình yêu đã nở bung rực rỡ trong tim chàng trai ấy.

Và rồi, cũng đến ngày cha làm xong con búp bê. Nó chẳng giống lắm so với con búp bê mẹ ao ước, nhưng đó là tất cả trái tim của cha. Khi thứ vải mềm mại chạm vào tay mẹ, mẹ đã cười như một đứa trẻ. Cha vui vẻ bảo mẹ rằng, nó được giảm giá đấy. Cha giấu mẹ việc con búp bê thật đã bán hết, giấu luôn cả việc đó là con búp bê cha làm. Cha sợ mẹ nghĩ. Sợ mẹ lo. Và cha sợ nhất rằng, mẹ sẽ vì áy náy, mà không ở bên cha.

Cuối cùng, câu chuyện cổ tích cũng có một cái kết có hậu. Cha và mẹ cưới nhau. Và tôi ra đời. Một đứa con gái may mắn được thừa hưởng cả sự dịu dàng của cha và khéo léo của mẹ. Càng lớn, tình yêu của hai người thực sự khiến tôi ngưỡng mộ. Vì nó âm thầm, giản dị, và chưa bao giờ nguội lạnh. Con búp bê năm xưa ấy vẫn trang trọng nằm trong tủ kính nhà tôi, như để nhắc cho tôi điều gì là quan trọng nhất.

Rất nhiều năm sau, một người khách đến nhà, thấy vải đã sờn, bèn hỏi sao anh không vứt nó đi?

Cha im lặng.

Lôi từ trong giá sách một mảnh giấy.

Là lá thư của mẹ trước khi bà mất.

"James yêu quý

Cả cuộc đời của chúng ta, em nghĩ chắc không còn điều gì để hối tiếc. Nhưng em nghĩ mình sẽ nói ra sự thật này. Anh nói dối về con búp bê và em cũng vậy. Thật ra, ngay từ đầu, em đã biết đó không phải là con búp bê trong cửa hàng. Giống nhau ở chất liệu vải nhưng em chỉ cần sờ đường may là biết ngay. Đường may của anh xấu tệ đi ấy. Tuy nhiên, em chỉ khao khát kiếp sau có thể có một con búp bê như vậy một lần nữa, chỉ cần đó là anh.

Yêu anh

Lily."

Ngày hôm ấy, nước mắt lại lần nữa ướt đẫm trang thư.

#Cỏ
21.29, 16/3/2020
một món quà hậu valentine trắng gửi tới các cậu với tình yêu chân thành nhất ❤️

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro