Chương 34: Niệm Yên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 Tôi không biết có phải do mình có vài phần giống với con gái của Nghi Dương phu nhân nên khiến bà ấy vui vẻ hơn hay không nhưng Lê Liêm bảo rằng từ ngày tôi tới điền trang sức khỏe của Nghi Dương phu nhân liền khởi sắc. Mỗi ngày tôi đều cùng phu nhân đi dạo trong điền trang, vừa đi vừa nghe bà ấy kể nhiều chuyện về người con gái yểu mệnh của bà. Có lẽ là vừa được vận động vừa được giải tỏa tâm trạng nên Nghi Dương phu nhân có phần khỏe hơn khoảng thời gian trước đó.

Hôm nay Nghi Dương phu nhân đặc biệt vui vẻ, bà ấy gọi tôi đến nói muốn về trấn Thanh Hà. Bà ấy cảm thấy mình đã khỏe hơn rất nhiều nên muốn về phủ Nhân Duệ vương thăm con trai.

"Mấy tháng rồi ở đây dưỡng bệnh, hôm qua ta nhận được thư từ nhà nói vương gia đi Vân Đồn cũng sắp trở về. Thế nên nhân dịp này ta muốn làm bữa cơm đoàn viên. Ngươi có muốn đi cùng ta về phủ không?"

Tôi chần chừ. Quả thật là tôi không muốn vào trong trấn, cũng không muốn gặp gỡ ai trong hoàng thất vì sợ rằng họ sẽ có thể nhận ra tôi. Tôi muốn ở đây trả ơn cứu mạng cho Nghi Dương phu nhân rồi tìm một nơi yên tĩnh, kiếm một công việc sống thật yên lặng.

"Dạ thưa bà, con... con..."

Tôi chưa biết mở lời thế nào thì bị Nghi Dương phu nhân cắt ngang:

"Ta biết, ngươi luôn muốn rời đi có phải không? Nếu là vì trả ơn cứu mạng cho ta thì ngươi trả đủ rồi. Ta cũng không nỡ giam cầm ngươi, ngươi chẳng phải gia nô của ta, cũng chẳng có lý do gì để giữ ngươi ở lại."

Bà ấy không nhìn tôi, gương mặt rầu rĩ thở dài nói tiếp:

"Ngươi đi đi."

Tôi chẳng biết nói gì nữa đành lẳng lặng trở về phòng. Tôi vốn muốn thu dọn một chút đồ dùng cơ bản rồi đến tạm biệt phu nhân để rời đi. Thế nhưng lúc tôi đến cửa phòng bà thì bị dì Chín chặn lại. Bà ấy nhìn tôi bằng ánh mắt cầu cứu.

"Cô nương, tôi biết yêu cầu này có phần quá phận. Nhưng tôi không thể cứ nhìn phu nhân sống mãi trong đau khổ thế này. Chắc cô cũng nhận ra rằng phu nhân chúng tôi ốm đau quanh năm, chủ yếu là vì nỗi thống khổ trong lòng người nhiều năm nay. Ấy thế mà khi gặp được cô, phu nhân đã như được hồi sinh từng chút từng chút một. Nếu bây giờ cô quyết tâm rời đi, thì phu nhân nhà chúng tôi phải làm sao? Xin cô nương hãy nghĩ đến ân tình của phu nhân mà nán lại thêm thời gian nữa. Xin cô hãy thương cho một người mẹ mất con."

Tôi không nghĩ rằng bản thân có thể chữa lành vết thương của một ai đó, điều này dường như quá sức. Nhưng nghe những lời thỉnh cầu này tôi lại không nỡ rời đi, nhưng cũng không muốn nán lại.

"Tôi đâu phải con gái ruột của phu nhân. Cũng chẳng thể thay thế tiểu thư được. Tôi..."

Rầm! Một tiếng động lớn từ trong phòng của Nghi Dương vọng ra khiến cả tôi và dì Chín đều giật mình. Dì Chín nhanh chân chạy vào trước. Nghi Dương phu nhân bị ngã nằm ngất trên sàn. Tôi vội chạy tới kiểm tra. Bàn tay của bà lạnh ngắt, mồ hôi lại đổ ra trên thái dương. Chúng tôi nhanh chóng đưa phu nhân lên giường. Có vẻ là bị tụt huyết áp. Bà ấy vẫn thỉnh thoảng chóng mặt ngất xỉu như thế này. Dì Chín nói tôi chăm sóc cho phu nhân rồi chạy đi tìm Lê Liêm.

Nghi Dương phu nhân chầm chậm mở mắt. Tôi liền đỡ bà ấy ngồi dậy kề vào miệng một chén nước đường. Bà mấp máy môi gọi:

"Con gái, con về rồi à? Mẫu thân xin lỗi, ta không đuổi con đi nữa..."

Tôi thấy lòng mình trùng xuống. Mấy năm trước, Nghi Dương phu nhân từng vì tiểu thư nghịch ngợm ham chơi mà đánh đòn, trong cơn tức giận đã đuổi ra khỏi nhà. Lúc ấy tiểu thư mới mười tuổi. Chẳng ai ngờ đó lại là lần cuối bà ấy nhìn thấy con gái, sau đó tiểu thư được người ta tìm thấy bên hồ. Cô bé mười tuổi đuối nước rồi qua đời, bảy năm qua bà ấy vẫn cứ dằn vặt mãi. Nỗi thống khổ trong lòng khiến bà ấy chưa từng được ngủ ngon.

Tôi ở lại chăm sóc Nghi Dương phu nhân đến tận tối. Lúc bà ấy tỉnh dậy nhìn thấy tôi liền mỉm cười:

"Ngươi chưa đi hả?"

"Phu nhân con không đi nữa. Con ở lại chăm sóc bà."

Bà ấy mỉm cười nhưng trong khóe mắt lại chảy ra hai hàng lệ.

"Cảm ơn con."

Từ sau hôm đó Nghi Dương phu nhân nhận tôi làm con gái nuôi, đặt cho tôi cái tên Niệm Yên, nghĩa là nhớ đến Yên, chữ Yên nằm trong tên chữ mà bà vốn định đặt cho con gái mình. Ban đầu tôi cũng nghĩ chỉ là ở lại làm kẻ ở trong phủ, ấy thế nhưng Nghi Dương phu nhân vẫn nhất quyết đòi nhận tôi làm con gái khiến tôi khó xử vô cùng.

Thật ra vì tôi chưa từng có mẹ cho nên cảm giác có một người mẹ để gọi có chút kỳ lạ. Nghi Dương phu nhân thậm chí còn tự mình xuống bếp nấu cháo đậu xanh hạt sen cho tôi.

"Phu nhân bà không cần làm thế đâu, con biết tự nấu mà."

"Gọi là mẫu thân. Nào ăn đi."

Tôi đón lấy bát cháo, trong lòng xôn xang cảm động. Từ ngày xuyên không tới thời đại này lần đầu tiên không phải hầu hạ người ta.

"Sao thế?" - Nghĩa mẫu hỏi.

"Dạ không sao. Con chỉ thấy không quen, trước kia toàn là con hầu hạ người ta, chưa từng được ai chăm sóc."

Bà ấy mỉm cười dịu dàng rồi tới ôm tôi vào lòng. Hóa ra lưu lạc đến bước đường này vẫn còn có người đối tốt với mình. Tôi thấy sống mũi cay cay.

"Từ bây giờ con có ta rồi, có gia đình, không cần đi hầu hạ ai cả."

Ít lâu sau tôi theo nghĩa mẫu đến trấn Thanh Hà. Thật lòng mà nói tôi cũng vô cùng bối rối. Đột nhiên trở thành nghĩa nữ của vương gia thật không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng có vẻ vì Nhân Duệ vương hay bận rộn công việc ở nhiều nơi, lại vô cùng sủng ái phu nhân nên khi nghe bà nhắc đến tôi ông cũng không có gì khó chịu. Thậm chí còn rất vui vẻ vì tôi khiến cho tâm tình và sức khỏe của phu nhân trở nên khởi sắc.

Nhân Duệ vương thực chất cũng không phải là quan hệ máu mủ với hoàng thất mà là do có tài cầm quân nên lập nhiều công lao, từng được thượng hoàng nhận làm nghĩa nam. Có điều tính cách của người này có phần cổ quái, từng lời qua tiếng lại với Trần Tử Thuyên ở trên triều. Trần Tử Thuyên từng nói ông ấy là một trong những vị vương gia khiến hắn đau đầu nhất. Công thì lớn nhưng tật cũng nhiều không kém. Phủ vương gia ở trấn Thanh Hà giàu có một phương không chỉ vì bổng lộc triều đình mà còn là vì Nhân Duệ vương Trần Dung còn rất biết cách làm ăn buôn bán. Điều này thì Trần Tử Thuyên không thích chút nào.

Tôi nghĩ ngợi một hồi về vị nghĩa phụ của mình lại thành ra nghĩ đến tên máu lạnh vô tình Trần Tử Thuyên. Mong rằng đời này không còn gặp lại hắn nữa.

Nghĩa mẫu là chính thất của vương gia, ngoài ra còn có một phu nhân được người trong phủ gọi là bà hai. Nghĩa mẫu có hai người con một trai một gái, nhưng tiểu thư thì qua đời cách đây hơn bảy năm. Bà hai cũng có một người con trai, năm nay mới chỉ là một cậu nhóc mười ba tuổi.

Tôi yên ổn ở phủ Nhân Duệ vương với thân phận của Niệm Yên, hay còn có một cái tên nghe sang trọng hơn là Yên Nhiên quận chúa. Lần này là được làm một quận chúa tử tế. Nghĩ lại thì cuộc đời tôi có vẻ giống như chuyện cổ tích, khổ tận cam lai chăng? Mặc dù là quận chúa nhưng tôi không phải kiểu người thích ăn không ngồi rồi. Sau mấy lần được tôi giúp đỡ quản lý sổ sách chi tiêu trong phủ, bà hai thấy tôi được việc nên thường xuyên đem sách vở đến nhờ cậy tôi. Lâu lắm rồi mới làm toán. Cũng may tôi vẫn thuộc bảng cửu chương, vẫn có khả năng tính toán khoa học của một người hiện đại. Vì thế mà giúp được không ít việc. Dần dần địa vị trong phủ của tôi cũng được nâng lên một chút, ấy chỉ là một chút thôi, vì tôi cảm nhận được người trong phủ không còn coi thường tôi như ngày mới đến. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ coi tôi là một quận chúa lá ngọc cành vàng thực sự.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro