Chương 33: Cái chết của Thanh An

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Con đường đi đày ải đúng là như đi xuống địa ngục. Chúng tôi bị đưa đi cùng một số tội nhân khác. Một đoàn người được trói vào nhau, tay đeo gông cứ như thế đi bộ triền miên qua từng loại địa hình. Khi mệt cũng không được nghỉ, mỗi ngày chỉ dừng lại hai lần, tới tối nếu tìm được quán trọ thì chúng tôi sẽ được gông lại với nhau ở đâu đó gần chuồng ngựa hoặc khấm khá hơn là kho củi. Căn bản là không thể nằm, càng không thể ngủ. Trong đầu tôi luôn nhắc nhở bản thân tỉnh táo để tìm cơ hội thoát khỏi nơi khủng khiếp này. Nhưng cũng có lúc muốn buông xuôi, nước mắt ứa ra, chỉ muốn biến mất khỏi thế giới này ngay lập tức. Đến ngày thứ ba tôi chẳng còn sức lực nào nữa, mệt quá cứ tựa đại vào đâu đó mà chợp mắt.

Vân là cô bé cung nữ nhỏ nhất trong chúng tôi. Đi được ba ngày là nó bắt đầu đổ bệnh. Đêm đó con bé sốt cao, mồ hôi đầm đìa và nói mớ. Tôi gọi mấy tên lính áp giải nhưng chúng chẳng quan tâm cho lắm, chỉ vứt cho tôi một bát nước. Những người khác không dám ho he với chúng vì sợ chúng vụt roi mây vào người. Một chị cung nữ khác vì muốn xin ít thuốc cảm cho Vân mà bị chúng đánh bầm dập cũng đổ bệnh luôn. Tôi không thể cứ trơ mắt ra nhìn họ bị bắt nạt, nhưng cũng chẳng làm được gì khác ngoài việc chăm sóc cho họ.

Vân ốm ngày một nặng hơn, cả người nằm co ro. Nó không sốt nữa nhưng miệng thì không ngừng kêu lạnh. Tôi đắp thêm rơm và áo của mình cho Vân nhưng không có tác dụng. Vân bắt đầu có biểu hiện của bệnh tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa và mất nước đến rạc cả người. Ở thời hiện đại không nói làm gì nhưng ở thời đại này không được điều trị sẽ dễ mà mất mạng. Nhưng dù tôi có nói bỏng cổ họng thế nào mấy tên lính áp giải cũng không thèm chau mày một cái. Chúng nghĩ tôi đang làm trò.

Hôm sau Vân không sức lực để đi nữa, cuối cùng bọn lính để cho một gã đàn ông cao to trong số các tội nhân cõng Vân đi. Nhưng con bé mất nước liên tục, nôn uế quá chừng khiến bọn lính kinh hãi.

"Tôi xin mấy người đi tìm thầy lang giúp con bé nếu không nó chết mất. Các người muốn bị quan trên truy tội phải không?"

Sau cùng bọn họ cũng gọi đến một thầy lang. Trông ông ta chẳng ra làm sao, đến hộp thuốc cũng không mang theo. Bắt mạch xong ông ta lắc đầu bảo:

"Không cứu được. Người này là mầm bệnh. Nếu không đêm xử lý sớm thì sẽ gây ra dịch bệnh kinh khiếp. Trong sách có chép rồi, bệnh này...."

"Ông im đi. Đừng có nói với vẩn. Thầy lang mà ông không cứu người mà nói linh tinh cái gì?"

Tôi gào vào mặt tên thầy lang dởm. Thế nhưng mọi người xung quanh kể cả những tội nhân cũng nhìn tôi và Vân bằng ánh mắt sợ hãi. Bọn lính áp giải thì thầm với nhau một lúc, sau đó chúng đến đòi đem Vân đi. Con bé vẫn nằm lả đi trên tay tôi.

"Mấy người định làm gì?"

Tôi bị một tên lính giằng ra, ngã dúi dụi. Quả thực là chân tay tôi không còn nhiều sức lực nữa. Tôi chống cự mãi rồi bị hắn dùng con dao găm chém một đường bên bắp tay trái khiến máu bật ra. Tôi đau quá chỉ còn biết dùng tay còn lại bịt vết thương.

Một tên lính nói:

"Nó chắc sắp chết rồi. Tìm chỗ nào rậm rạp chôn xuống, như vậy mới sạch sẽ."

"Không được. Con bé chưa chết!!!!"

Tôi cố gào lên. Một tên khác chỉ vào tôi nói:

"Chôn luôn cả nó được không? Nó là đứa chăm sóc cho con bệnh này, có thể bị nhiễm bệnh rồi cũng nên."

Bọn nó xác nhận ánh mắt với nhau. Một tên lo lắng nói:

"Nhỡ bị quan trên hỏi thì sao?"

"Thì nói dọc đường nhiễm phong hàn chết rồi. Nó chết bệnh chứ có phải tại chúng ta đâu."

Nói xong bọn chúng sấn tới xốc tôi lên. Hai tên khác tìm được một chiếc xe kéo, chúng đặt Vân nằm lên xe và trói tôi lại lôi đi cùng. Vết thương trên cánh tay tôi tiếp tục rỉ máu. So với nỗi đau trên cánh tay tôi biết mình đang tiến gần cái chết hơn. Vân vẫn nằm thở thoi thóp. Tôi sợ nó không trụ được với tình trạng mồm nôn trôn tháo này. Bọn lính đưa chúng tôi đi sâu vào rừng, chúng dừng lại ở một đám đất bằng phẳng rồi bắt đầu đào đất. Tôi điên cuồng tìm cách tháo sợi dây thừng trên tay. Cổ tay bị siết mất ngày đều đã tróc da, lúc này lại càng tróc hơn nữa, có lẽ là đã bắt đầu chảy máu.

Chúng rất nhanh đào được một cái hố vừa một người nằm không quá sâu. Một tên lính ngồi xuống đất nghỉ mệt, hắn nói:

"Đủ chôn đứa kia rồi. Nó chắc không qua khỏi đêm nay. Nhưng còn đứa này, chúng ta... chốn sống?"

Hai từ "chôn sống" như sét đánh ngang tai tôi.

"Các người dám? Các người không sợ trời phạt hay sao quân giết người! Ta có làm ma cũng sẽ không buông tha cho các người!" - Tôi gào lên trong tuyệt vọng, cổ họng bỏng rát đau đớn.

Hai tên lính có vẻ nhát gan thì thầm to nhỏ với nhau:

"Mày dám không?"

Cả hai tên giằng co nhau bằng lời nói, cuối cùng vẫn là không dám chôn người sống.

"Cứ trói nó vào gốc cây này, năm bảy bữa không chết đói cũng làm mồi cho hổ."

Tên con lại gật đầu đồng ý. Bọn chúng bắt đầu di chuyển Vân, tôi hét lên:

"Dừng lại!!! Con bé chưa chết. Các người đang giết người đấy có biết không? Dừng lại!!!"

Tôi vừa kêu thét vừa giãy giụa. Chúng có lẽ cũng bị lời tôi nói làm cho lung lay, không dám tiếp tục chôn nữa.

"Hay vứt cả hai đứa nó ở đây?"

Trong lúc cả hai còn đang đắn đo thì từ đâu một mũi tên bay vút đến cắm thẳng vào thân cây chỗ tôi ngồi. Hai tên lính hoang mang nhìn xung quanh. Một mũi tên nữa bay ra cắm thẳng vào bắp chân một tên khiến hắn đau đớn rú lên. Là ai? Trống ngực tôi đập thình thịch. Tên lính bị thương miệng tru tréo rú lên, tên còn lại cầm dao lùng sục xung quanh. Trong bụi rậm một bóng đen lao nhanh ra ngoài. Một tên lính lập tức chạy đuổi theo bóng đen. Tên còn lại đi cà nhác tới gần bụi rậm phía sau lưng tôi xem xét. Vì bị trói nên tầm nhìn của tôi hạn chế, chỉ nghe được dường như có ai đó đã đánh tên lính kia và lôi đi. Không biết đó là ai, thổ phỉ hay thần thánh phương nào nhưng hắn đã cứu tôi và Vân một mạng.

Tôi bắt đầu kêu cứu. Rừng rậm chỉ nghe tiếng hú của gió, tiếng các loài chim, thỉnh thoảng có tiếng kì dị nào đó vang lên không rõ là loại động vật nào. Vật lộn một hồi thì tôi tự cởi được dây thừng. Vân vẫn nằm thở yếu ớt trên đất. Tôi xé chiếc thường đang mặc băng vết thương trên cánh tay để cầm máu. Nhìn hai tấm áo rách có thêu chữ "tội nhân" to ở ngay chính giữa cả hai mặt áo của tôi và Vân, tôi không chần chừ xé toạc rồi ném vào bụi rậm. Vậy là trên người chỉ còn độc một chiếc áo giao lĩnh chéo thô sần. Sau đó tôi đặt Vân lên chiếc xe kéo khi nãy lần theo dấu của bánh xe đi ra khỏi khu rừng rậm. Nhưng tìm được đường ra không phải dễ, tôi đi thêm một lúc thì đoán rằng mình có lẽ là bị lạc rồi. Từ hôm qua tôi không ăn tử tế, nước chỉ uống được một ngụm. Vì sợ ăn đồ ăn bẩn sẽ bị bệnh giống Vân nên tôi đã không ăn uống gì. Bây giờ cả người đều không còn sức lực.

Tôi dừng lại ở một gốc cây tựa lưng vào nghỉ. Tôi thầm nghĩ có khi mình không sống qua nổi hôm nay. Không chết đói thì đêm xuống cũng thành mồi cho thú dữ. Có lẽ sinh mạng mà Thanh An cho tôi cũng không giữ được nữa rồi. Tôi cứ ngỡ cuộc đời mình là nữ chính trong một câu chuyện cổ tích, ấy thế mà. Cô Tấm mồ côi ở với bà mẹ kế rồi cuối cùng chẳng có đôi giày nào vừa chân. Chẳng có ông bụt nào xuất hiện.

Trong lúc tôi mơ hồ nửa tỉnh nửa mê thì nghe có tiếng người đến gần. Lẽ nào là hai tên lính kia quay lại rồi? Sau đó tôi chẳng thể chống đỡ thêm, từ từ lịm đi.

Một mùi thơm nồng nàn, bầu không khí xung quanh như được đốt bằng than khiến tôi cảm thấy cả người ướt đẫm mồ hôi. Tôi mang máng nhớ rằng mình được đặt lên xe kéo và kéo đi. Sau đó cũng không biết bản thân được đưa đi đâu. Đầu óc tôi dần tỉnh táo và chắc chắn rằng đây không phải thiên đường hay địa ngục. Một căn phòng đơn sơ rất ít đồ đạc, tôi nằm trên chiếc giường nhỏ. Ở giữa phòng có một chậu than không biết là đang đốt thảo dược gì, tạo ra một làn khói mỏng và hương thơm nồng. Đây chắc chắn là lý do khiến tôi đổ mồ hôi như tắm. Tôi đẩy cửa bước ra ngoài.

Một người phụ nữ đi chân đất mặc y phục màu nâu nhạt nhìn thấy tôi liền đi tới vồn vã hỏi:

"Cô nương đã khỏe hơn chưa? Sao lại vội ra bên ngoài như vậy?"

Tôi nói như thì thầm:

"Là quý nương đã cứu tôi ư?"

"Không phải. Là phu nhân nhà chúng tôi."

"Vậy ngoài tôi ra còn một cô bé nữa, cô ấy sao rồi?"

Người phụ nữ khẽ thở dài chầm chậm nói:

"Tiểu cô nương đó mặc dù đã được thầy lang xem bệnh nhưng đêm đó đã không qua khỏi. Phu nhân chúng tôi đã cho người đưa ra sau núi an táng rồi."

"Chết... chết rồi?"

Tôi không biết vì sao mình lại bất thần rơi nước mắt. Tôi với Vân vốn dĩ không thân thích, thậm chí còn rất ít khi nói chuyện. Tôi là khóc cho Vân hay đang khóc cho chính mình? Người phụ nữ ngồi xuống cạnh tôi an ủi:

"Cô nương nén đau buồn."

Người cứu tôi từ trong rừng là một thầy lang, ngày hôm đó đang vào núi tìm thuốc thì vô tình tìm được tôi. Vốn dĩ thầy lang này là người của điền trang Nghi Dương, đang đi tìm thảo dược cho Nghi Dương phu nhân. Nhưng nếu như vậy thì mũi tên khi đó rốt cuộc là do ai bắn ra, ai đã dụ hai tên lính đi mất? Thầy lang đưa tôi về phủ riêng ở điền trang của Nghi Dương phu nhân. Bà ấy là phu nhân của Nhân Duệ vương. Lúc tôi nghe thấy tên của Nhân Duệ vương thì giật mình chột dạ. Tôi từng gặp qua Nhân Duệ vương vài lần, đa số là do ông ấy được Trần Tử Thuyên gọi vào cung để diện kiến. Cũng may là tôi chưa từng trực tiếp đối diện ông ấy lần nào. Tôi chỉ nhớ Trần Tử Thuyên thường hay khó chịu với Nhân Duệ vương vì hai người họ nhiều bất đồng trong quan điểm.

Nghi Dương phu nhân đang trong thời gian dưỡng bệnh nên ở tạm tại điền trang. Điền trang nằm ở chân núi gần dòng sông Văn Úc, nơi đây giống như một ngôi làng nhỏ được bao quanh bởi núi và sông vô cùng yên tĩnh. Sau khi tôi tỉnh dậy thì được người phụ nữ ban nãy - dì Chín dẫn đến gặp Nghi Dương phu nhân. Nghi Dương phu nhân có gương mặt hơi gầy, nước da xanh, đôi mắt có nét mệt mỏi vô cùng rõ ràng. Thế nhưng ấn tượng đầu tiên của tôi khi nhìn thấy bà ấy lại là một người phụ nữ trung niên xinh đẹp nền nã. Chắc hẳn khi còn trẻ bà ấy cũng từng là một mỹ nhân.

Nghi Dương phu nhân dịu dàng hỏi tôi:

"Cô nương tên gì? Nhà ở đâu? Sao lại lưu lạc đến tận đây?"

Tôi đâu thể nói rằng mình là tội nhân trên đường đi đày. Đúng là trong cái rủi có cái may, bước đến quỷ môn quan rồi nhưng vẫn có thể quay đầu về nhân gian. Tôi đắn đo một chút rồi mới trả lời:

"Tôi... tôi tên là Thương. Thương Thương. Không cha không mẹ, không nhà cửa, trôi dạt đến tận nơi này cùng một người bạn, nhưng không may trên đường đi gặp phải thổ phỉ, suýt nữa thì bỏ mạng. Cảm tạ ơn cứu mạng của phu nhân."

Nghi Dương phu nhân mỉm cười:

"Tới gần đây cho ta xem."

Tôi nghe lời bà ấy nhanh chóng tới gần. Nghi Dương phu nhân đột nhiên xúc động, hai mắt rưng rưng.

"Đôi mắt giống quá!"

Tôi bối rối vì không biết tại sao bà ấy lại xúc động như vậy. Bà ấy nắm lấy tay tôi nhỏ nhẹ nói:

"Cô nương có đôi mắt thật giống con gái ta. Nếu nó còn sống nhất định cũng tầm tuổi cô bây giờ. Năm nay cô bao nhiêu tuổi?"

"Dạ thưa phu nhân, tôi mười bảy ạ."

Bà vẫn chưa hết xúc động, tay vẫn nắm chặt tay tôi.

"Tốt, rất tốt."

Từ hôm đó tôi ở lại điền trang hầu hạ cho Nghi Dương phu nhân như một cách cảm ơn. Nghi Dương phu nhân vì thấy tôi có đôi mắt giống như người con gái đã mất của bà nên đối xử với tôi vô cùng tốt.

Ở điền trang của Nghi Dương phu nhân tôi còn gặp lại người đã cứu được mình ở trong núi. Hắn tên Lê Liêm, là một thầy lang trẻ tuổi, chỉ mới hai mươi lăm, nhanh nhảu hoạt bát, thoạt đầu tôi còn tưởng hắn là một tên nhóc.

"Anh Liêm, cô phải gọi bằng anh, xưng bằng em. Cô nhỏ tuổi như thế sao cứ một 'tôi' hai 'tôi' thế?"

Hắn vừa nói vừa cười, tay cầm cái quạt mo nhỏ phe phẩy cái bếp than đang đun thuốc. Thấy tôi không phản ứng gì hắn liền cau có.

"Thương Thương! Sao đấy? Có việc gì muộn phiền à? Từ ngày cứu được cô đến nay chưa thấy cô cười lần nào. Có chuyện gì cần anh trai giúp đỡ thì cứ nói, đừng xấu hổ."

Tôi xua tay:

"Cảm ơn anh, chẳng có việc gì đâu."

Hắn dẫu môi không tin tiếp tục hỏi:

"Thế cô nói xem trước khi đến đây cô làm gì? Tôi để ý thấy cô làm việc rất cẩn thận, tỉ mỉ, chăm sóc phu nhân rất chu đáo cứ như là được dạy dỗ rồi ấy. Có phải không?"

Tôi cười nhạt:

"Anh tinh mắt đấy. Trước kia tôi cũng là một nha hoàn thôi, hầu hạ người ta quen rồi. Ấy thế mà bị chính người mình ngày đêm chăm sóc vứt ra đường, đến mức suýt chết trong núi."

Lê Liêm cười khanh khách vỗ vai tôi nói:

"Chết đâu mà chết, có Lê Liêm tôi ở đây cơ mà. Tôi nói cô nghe tôi mặc dù là thầy thuốc nhưng từng giáp mặt với hổ dữ, đánh nó chạy tít vào sâu trong núi không dám quay đầu."

"Chém gió à?"

"Hử? Chém gió là sao? Tôi chém hổ."

Tôi bật cười.

"Được được, anh chém hổ."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro