Chương 31: Trong vạn phần niềm vui

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong vạn phần niềm vui, đâu đó một hạt mầm lo âu, khổ đau. Chẳng ai biết lúc nào nó sẽ nảy mầm.

Trải qua đại nạn, cuối cùng thì Ngọc Sương và Tú Dĩnh cũng coi như có cái kết hạnh phúc. Khoảng một tháng sau đó, Tú Dĩnh và Ngọc Sương thành thân ở tư gia của Tú Dĩnh. Ngọc Sương được rước vào phủ trung tán đường hoàng, ngay cả mẹ của Ngọc Sương cũng được Tú Dĩnh đón vào trong phủ để tiện bề chăm sóc. Trong buổi tiệc rượu tân hôn Tú Dĩnh mang rượu đến tận nơi để cảm ơn tôi. Đương nhiên tôi đâu thể từ chối. Lúc hắn nâng ly tôi còn dặn:

"Tú Dĩnh tôi nói anh nghe, tôi giao Ngọc Sương lại cho anh, sau này anh phải đối xử với cô ấy thật tốt nghe chưa?"

Hắn gật gù.

"Còn nữa, một đời này anh có dám đảm bảo chỉ lấy mình Ngọc Sương làm vợ không?"

Tú Dĩnh hơi khựng lại một chút nhưng ngay sau đó nở nụ cười tươi rói:

"Dám! Có gì mà không dám!"

"Được, nếu sau này anh mà dám năm thê bảy thiếp tôi... tôi sẽ đến mang Ngọc Sương về. Anh ức hiếp cô ấy tôi sẽ đánh cho anh không còn cái quần nào luôn."

Mọi người xung quanh buổi tiệc rượu nghe tôi nói thì nổi trận cười. Lúc đó trong người đã có chút rượu nên tôi cái gì cũng nói ra được. Đến cuối buổi, ngấm men rượu tôi lảo đảo ra về. Cũng may có Tiểu Ninh đi cùng, hắn tốt bụng dắt tôi về tận cung Quan Triều nếu không tôi cũng không biết mình đi bao giờ mới về tới nơi.

Thời tiết mùa xuân cũng sắp đi qua, mặt trời mỗi ngày đều lên sớm hơn và lặn muộn hơn. Nhiều lúc tôi chỉ ước có một chiếc quạt điện để có thể xua tan nóng bức của mùa hè sắp tới. Cứ nghĩ đến thời tiết nóng nực nhưng đến một cây quạt, một ngụm nước đá cũng không có là tôi thấy sợ hãi.

Sau đám cưới của Ngọc Sương chưa đầy nửa tháng, một ngày nọ Trần Tử Thuyên bất ngờ đề nghị tôi xuất cung đi đến phủ trung tán thăm Ngọc Sương.

"Quan gia, anh... ổn đấy chứ? Cho tôi xuất cung đi chơi ư?"

"Đúng vậy. Chê à?"

"Không không, không chê. Tôi chỉ thấy lạ thôi."

"Hôm nay Đoàn trung tán sẽ xuất phát đi Chiêm Thành. Chuyến đi sứ này chưa biết thời gian nào trở lại. Hắn nhờ trẫm cho cô đến bầu bạn với Đoàn phu nhân."

"Hả? Đi sứ? Nhưng hai người họ vừa mới thành thân..."

Sau đó tôi được một mình xuất cung đi đến chỗ của Ngọc Sương. Trên đường đi tôi không thể không nghĩ đến mấy lời của Trần Tử Thuyên. Hắn nói rằng chuyện này là điều tất nhiên, là việc mà Tú Dĩnh phải làm. Từ trước đến nay Tú Dĩnh luôn là đề tài của nhiều đám buôn chuyện, đàm tiếu trong cung. Một thư sinh mặt non nớt lại ngồi vào chỗ mà bao người trầy trật lăn lộn nhiều năm cũng không với tới được. Công trạng của Tú Dĩnh cũng chưa có gì gọi là vẻ vang, ấy thế mà hết lần này đến lần khác được Trần Tử Thuyên nâng đỡ. Thế cho nên sự đố kỵ ghen ghét trong nội bộ quan lại triều đình là không thể tránh khỏi. Việc hắn bất ngờ đi sứ là cái giá mà hắn phải trả cho việc có được tình yêu mà mình mong muốn.

Tôi chỉ buồn cho Ngọc Sương, mới thành thân chưa lâu lại phải một mình gồng gánh công việc của nhà chồng. Mà chuyến này Tú Dĩnh đi sứ lại chưa định ngày trở lại. Trần Tử Thuyên nói có thể là ba tháng, sáu tháng, một năm, thậm chí là hai năm, ba năm.

Trái lại với lo lắng của tôi, Ngọc Sương vô cùng vui vẻ lạc quan. Đối với cô ấy có thể gả cho người mình yêu thương, chuyên tâm vì hắn chăm sóc cha mẹ, vì hắn mà chờ đợi cũng chẳng có gì quá đáng.

"Nếu rảnh thì cô xin quan gia tới đây chơi nhé!"

"Được, cô nên làm nhiều đồ ăn ngon đãi tôi đấy trung tán phu nhân."

----------

Thời gian gần đây Trần Tử Thuyên rất ít ra ngoài cung. Hắn bận rộn công việc suốt ngày. Tôi quanh quẩn trong cung Quan Triều, thỉnh thoảng ngồi nói chuyện nhảm với Tấm - con chim vàng anh được đem về cung từ mấy tháng trước. Nó nhảy qua nhảy lại trong lồng buồn chán không kém tôi. Nhiều hôm tôi định liều mở cửa thả nó bay đi nhưng lại sợ khi Trần Tử Thuyên hỏi đến hắn sẽ tức giận.

Hôm nay Văn Hạnh đặc biệt tự mình xuống bếp làm cơm cho Trần Tử Thuyên. Không biết là có dịp gì, nhưng nghe người trong cung kháo nhau rằng quan gia đến giờ vẫn không chịu phong Văn Hạnh làm hoàng hậu khiến cho Văn Hạnh nóng ruột. Trên triều cha của Văn Hạnh cũng là thân vương còn liên tục tỏ thái độ thăm dò với Trần Tử Thuyên. Hắn không biết đang nghĩ cái gì, cứ giả câm giả điếc trước việc này.

Văn Hạnh và Trần Tử Thuyên đang dùng thiện thì đột nhiên Văn Hạnh bụm miệng nôn ói làm ai nấy đều lo lắng. Cô ấy cứ ăn vào mấy miếng lại bắt đầu khó chịu. Trần Tử Thuyên ngay lập tức cho truyền thái y vào bắt mạch. Vị thái y sau khi bắt mạch kỹ lưỡng liền tươi cười rạng rỡ nhìn Trần Tử Thuyên nói:

"Chúc mừng quan gia, hoàng phi đã có hỉ rồi ạ."

Tôi nghệt mặt ra nhìn vị thái y lớn tuổi đang phấn khởi xem xét lại mạch trên cái cổ tay trắng nõn của Văn Hạnh. Văn Hạnh không hề giấu được niềm vui trong đáy mắt, khuôn miệng được tô son đỏ hồng của cô ấy cũng cười rạng rỡ chưa từng thấy. Chuyện này là điều dĩ nhiên, sớm muộn gì cũng đến. Tôi đã biết trước từ lâu nhưng vẫn không thể dối lòng rằng bản thân cảm thấy trống rỗng, có cảm giác trong lồng ngực bị đục đi một lỗ. Tôi quay sang nhìn phản ứng trên gương mặt Trần Tử Thuyên, hắn ngồi đối mắt với Văn Hạnh, không quá hồ hởi nhưng rõ ràng là vui vẻ và dịu dàng hiếm thấy.

Nghe thái y nói xong Trần Tử Thuyên còn nghiêm mặt bắt ông ta xem mạch mấy lần nữa. Đương nhiên ai nấy đều cảm thấy vui mừng hân hoan với cái tin tức này. Trần Tử Thuyên nhẹ nhàng căn dặn Văn Hạnh về nghỉ ngơi cẩn thận, sai người đến tận cung Sương Hoa để chăm sóc, không quên ban cho cô ấy thêm hàng tá những thứ quý giá mà trước giờ tôi mới nghe chứ chưa từng thấy.

Tôi lặng lẽ thở dài trong vô thức. Lý trí mách bảo tôi phải giữ khoảng cách với Trần Tử Thuyên. Dù sao hắn cũng là người có gia đình, bây giờ còn là ông bố trẻ. Vạch rõ ranh giới chủ tớ là điều tốt cho tôi. Trần Tử Thuyên cũng nhìn ra sự e dè của tôi, hắn còn hỏi:

"Đừng có tỏ ra như thế nữa, trẫm thấy khó chịu đấy."

Hắn cũng thấy không thoải mái. Thật ra bản thân tôi ngoài việc là một cung nữ bình thường, trong lòng không biết từ khi nào đã mặc định mối quan hệ giữa tôi và hắn không đơn thuần là chủ tớ. Giống như một người bạn thân thiết, một người có thể nói chuyện phiếm cùng lúc không có người ngoài. Hắn cũng thường dạy tôi đàm luận văn thơ, nói những lý tưởng của hắn về giang sơn. Có lần hắn nói mộng ước của hắn là đi ngao du đến cùng trời cuối đất, là đem bờ cõi của Đại Việt kéo dài đến mãi tận chân trời.

"Chân trời thì xa quá, nhưng Đại Việt nhất định sẽ rộng lớn hơn nữa."

Tôi tự tin nói với hắn.

"Cô tin trẫm sẽ làm được?"

"Tất nhiên rồi. Thật sự bờ cõi của Đại Việt sẽ dài rộng đến mức anh không ngờ tới đâu. Cảnh đẹp thiên nhiên trùng trùng, rừng vàng biển bạc, con người xinh đẹp hiền lương. Anh sẽ cảm thấy tự hào về một Đại Việt trong tương lai đấy."

Hắn nghe tôi nói thế chắc là nghĩ tôi đang nịnh bợ, chỉ cười phớ lớ một cách vui vẻ.

Đó là chuyện của thời gian trước. Bây giờ hắn ngày nào cũng đến thăm Văn Hạnh, ngày nào cũng bận rộn chính sự. Buổi tối cũng ghé lại cung Sương Hoa nghỉ ngơi. Tôi chẳng muốn quẩn quanh bên chân hắn nữa. Tôi tự hỏi không biết bao nhiêu năm nữa mới được nghỉ hưu mà ra khỏi nơi này đây?

Thật đúng là trời không phụ lòng người. Khi tôi đang muốn đi đâu đó thật xa để giải tỏa thì cơ hội lại tìm đến cửa. Khi Văn Hạnh mang long thai đến tháng thứ ba thì cứ ốm cảm liên miên, tình trạng không được tốt. Tuyên hoàng phi đề nghị đưa Văn Hạnh lên một ngôi chùa ở Yên Bang. Nơi đó yên tĩnh, trong lành, lại có nhiều thầy thuốc có tiếng trong dân gian, tốt cho cô ấy tịnh thai ở chùa cho đến lúc hạ sinh. Đương nhiên là Trần Tử Thuyên không từ chối. Lúc Tuyên hoàng phi nói muốn xem xét đưa những người tốt nhất đi theo Văn Hạnh tôi liền chớp thời cơ xung phong đi cùng.

Quả nhiên, uy tín công việc của tôi ở hoàng cung không tồi, Tuyên hoàng phi rất hài lòng với tôi, vì thế Trần Tử Thuyên dù có nửa phần không vừa ý cũng phải gật đầu.

Vậy là tôi chuẩn bị đồ đạc đi Yên Bang cùng Văn Hạnh. Trong lúc tôi đang ngồi nói chuyện với Tấm lần cuối thì Trần Tử Thuyên lù lù xuất hiện phía sau.

"Tại sao lại muốn đi Yên Bang?" - Hắn cất giọng hỏi, gương mặt đầy mơ hồ khó hiểu.

"Quan gia ngài cũng nghe Tuyên hoàng phi căn dặn mà, phải chọn những người tốt nhất để đi hầu hạ hoàng phi."

"Mấy lời đó cô tưởng trẫm sẽ tin? Nói đi, rốt cuộc vì sao dạo này cô lại luôn tỏ ra xa cách và né tránh trẫm như thế?"

Tôi cũng chẳng biết phải nói rõ với hắn thế nào. Mọi chuyện trong đầu tôi như đám tơ vò rối rít không tìm được đầu mối.

"Quan gia, nô tỳ vẫn rất tận tâm hầu hạ ngài mà."

Hắn bực mình:

"Cô biết trẫm không phải muốn nghe thứ này. Cái trẫm muốn nghe là suy nghĩ thực sự trong lòng cô."

Hắn thở dài buông xuôi, có vẻ là không muốn ép tôi nữa.

"Thôi được, nếu cô muốn ra ngoài hít thở không khí một thời gian cũng không sao. Nhưng đừng quên rằng cô vẫn là cung nữ của trẫm đấy. Đừng nghĩ đến chuyện bỏ trốn, cung nữ bỏ trốn không phải là tội nhỏ đâu."

"Ngài yên tâm, nô tỳ vẫn muốn sống thêm mấy chục năm nữa."

Ngay buổi sáng hôm sau tôi cùng với đoàn xa giá của Văn Hạnh khởi hành đi Yên Bang. Vì Văn Hạnh đang mang long thai nên con đường đi chậm hơn so với bình thường. Thời gian di chuyển từ kinh thành đến Yên Bang kéo dài mất gần hai tuần. Chúng tôi ở lại một ngôi chùa nhỏ nằm ở chân núi tên là Như Viên trang. Thực ra nói đây là một ngôi chùa cũng không đúng, vì không có thờ phật mà chỉ có những người ăn chay tu dưỡng ở đây. Nghe nói rằng đây vốn là tư gia của một vị thân vương đời trước, vì muốn tách khỏi thế gian ồn ào đã xây dựng nên. Sau khi vị thân vương từ quan thì trở về Như Viên trang sống ẩn dật thong dong.

Văn Hạnh sức khỏe yếu, về đây được chăm sóc tận tình. Nhưng có vẻ phương pháp dưỡng thai của người thời đại này hơi thiếu khoa học. Văn Hạnh cả ngày không đi đâu, mỗi lần ra ngoài đều không quá mười phút, vận động rất ít. Tôi không dám nói nhiều, chỉ nói với cô nữ quan thân cận của Văn Hạnh rằng cho phu nhân vận động nhiều một chút, chỉ cần không quá mạnh là được. Nhưng bà ta cũng đâu có nghe, cho rằng tôi nói vớ vẩn. Cho đến khi vị thái giám theo hầu đi tìm và mời được Kiều ông, người có tiếng là thầy thuốc giỏi nhất vùng Yên Bang đến thăm khám cho Văn Hạnh.

Kiều ông xem mạch có vẻ rất ưu phiền. Ông chỉ kê thêm thuốc bổ và dặn phải chăm vận động hơn giúp thai nhi khỏe mạnh, không nên ngồi trong phòng quá nhiều. Vị nữ quan kia nghe xong có vẻ xấu hổ vì lúc trước một mực chê tôi, bà ta thẹn quá hóa giận, không tin lời Kiều ông nói. Xong còn đuổi ông thầy lang đi với lý do chẳng được tích sự gì. Đúng là chẳng ra làm sao.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro