Phần IV: 2.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi tôi đến sảnh khách sạn thì tôi thấy chú Tuấn lại ngồi trầm ngâm hút thuốc, trên bàn bày bừa nào là cà phê, nào là trà. Cảm giác như thể người chú cấu thành từ chúng, không có những thứ chất một ngày là chú không chịu được. Tôi chào chú; chú chào tôi. Tôi hỏi chú vì sao chú lại dậy sớm; chú trả lời rằng do quen rồi, thành lệ. Tôi trêu chú là vì sao ông chủ sao mà ngồi uống cà phê tiếp khách không; chú trả lời rằng chú ngồi đây để có những phút giây tịnh tâm. Tôi thắc mắc; chú trả lời là do khách sạn không chỉ đơn thuần là lo chỗ ở, trả lương mà còn thêm cái nhà hàng ở dưới nữa, không tính khách sạn còn hằng sa số thứ cần tính toán và nhập xuất cùng những mối quan hệ với bên lữ hành và du lịch. Tôi gật gù; chú tâm sự thêm làm cái nghề này cũng như nhiều nghề khác có những cái cực từ ngoài nhìn vào không bao giờ thấy. Chú hỏi chuyện tôi tối hôm qua thế nào; tôi đáp là ổn. Chú hỏi lại vì chú thấy nàng vừa về vừa khóc tối hôm qua; Tôi khẳng định với chú là có, giải thích vì đó là do chúng tôi chia tay. Chú ngạc nhiên, nhưng như thể chú vừa xâu chuỗi được điều gì, mặt chú giãn ra. Chú chuyển đề tài, hỏi tôi hôm nay có tính đi đâu không; Tôi hơi tư lự rồi hỏi chú nên đi đâu. Chú nói rằng bên khách sạn có tour đi thăm quan nội ô lẫn ngoại ô thành phố; Tôi nhún vai nói rằng mình muốn tự do, muốn đi xe máy khám phá những ngóc ngách bí ẩn của Dala. Chú trầm ngâm một chú, rít một hơi thuốc, xong chú hỏi tôi rằng hôm qua tôi có đi đâu chơi chưa; Tôi đáp rằng chỉ chạy xe vòng vòng khu trung tâm, dọc theo những con hẻm nhỏ hẹp, đâm xuyên những con dốc, chứ chưa vào một địa điểm nào để tham quan. Thế là chú liệt kê cho tôi hàng loạt địa điểm: Nhà ga, Trường Sư Phạm, Đường nhiều hoa, Thiền viện, Thung lũng, hứng chí thì tôi có thể chờ đến đêm để tham quan chợ, đi bar, hay chỉ đơn giản là lượn vòng vòng Dala cho đến khi hết xăng và kiệt sức thì qua lại đây với những món ăn thơm ngon; Tôi lắng nghe chăm chú, nhấm cho mình ngụm trà cho thấm giọng. Khi chú kể dứt, tôi chìm vào những suy nghĩ trong đầu để mà quyết định đi đâu. Chú thấy thế bèn chìm vào những suy nghĩ của riêng chú. Dẫu vậy tôi chợt thấy suy nghĩ của mình chỉ toàn về đồ ăn nên tồi đ1ưng dậy chào chú mà đi xuống dưới nhà hàng; Chú gật đầu chào tôi.

Dala sương vẫn dày, có lẽ tại tôi dậy sớm quá. Quán không đông lắm: Lác đác vài ba bàn có người ngồi, và tất cả đều uống cà phê sáng, không cà phê đen thì cà phê sữa, ít ly là nước hoa quả của những em nhỏ. Tôi gọi phần ăn và kiên nhẫn chờ đợi, câu hỏi đau đáu trong đầu vàng lên:" Đi đâu?" Dala này rộng lắm, nhưng sẽ đi đâu, làm gì, hay lại hoài phí một ngày nữa như từ trước đến nay vẫn mãi phí hoài? Tôi mím môi lại, xoa xoa hai bàn tay cho đỡ cóng. Dù gì đã ở Dala hai đêm một ngày, nên cái lạnh của Dala tôi cũng thích nghi được phần nào - Nó đã ngưng thấm vào các thớ thịt mà bị giữ lại ở lớp da. Không có gì để làm, tôi bắt đầu ngó nghiêng xung quanh: Một gia đình, tôi đoán thế, đang ngồi ăn gồm bố, con trai và con gái - một thiếu nữ xinh xắn và cậu thanh niên khỏe mạnh; Hai ông bác già với mái tóc bạc cùng những đồi mồi, một người để râu và một người để ria; Một anh chàng người nước ngoài không rõ quốc tịch rám nắng - chắc là dân du lịch, vừa lướt tay trên điện thoại vừa ăn vừa uống cà phê vừa cười. Gia đình ăn khá lặng lẽ, không nói với nhau câu nào: Người bố cúi mặt vào phần ăn sáng của mình mà ăn lấy ăn ăn để, dù mỗi lần ông xúc đồ ăn thì chỉ xúc một phần nhỏ xíu; Người anh khi thoảng ho, ăn từ tốn hơn người bố - cậu có một vết sẹo dài trên mặt, kéo từ mí mắt trái xuống đến tận cằm, và khi thoảng cậu ngắm bố mình trong một giây rồi lại ngắm cô em; Cô bé vừa ăn vừa nghịch điện thoại, và cũng giống anh tây, vừa lướt vừa cười vừa kệ hai người ngồi cùng - hai người yêu cô nhất. Hai bác già thì chỉ ngồi im lặng ở bên hành lang có ghế sa lông - Hai người chìm trong im lặng, hút thuốc và uống cà phê bên cái gạt tàn đầy, sương mù từ ngoài đường nhẹ nhàng trôi lãng đãng vào, quấn quanh hai người như thể cô thiếu nữ đon đả mời gọi họ trôi vào miền phiêu lãng xa xôi nào đó, mà tôi nghĩ người đó đáng lí ra nên là tôi. Còn anh tây - Tóc xoăn tít lại như Ronaldinho, buộc thành chùm, cơ thể nom nhanh nhẹn khỏe mạnh, làn da rám nắng, có thể là người gốc Mĩ La Tin - Hình như đang livestream hay gọi video, thinh thoảng anh lại giơ điện thoại lên và quét một vòng xung quanh quán. Tôi đảm bảo tôi có lạc vào những khung hình của anh. Nhìn mãi cũng chán, tôi chìm vào tiếng kèn saxophone vang lên từ những cái loa ở bốn góc phòng. Thật sự tôi rất hay nghe nhạc, tôi không thích im lặng vì nó đáng sợ do nó không cho tôi có lí do gì để trốn tránh những sự thật ào ạt tuông ra từ trong tim mỗi khi nhắm mắt lại trước khi chìm vào giấc ngủ. Có hai cách phản ứng khi ta gặp đau khổ, một là quên nó đi, hai là chấp nhận nó và chịu đựng nó. Người ta còn sống nên người ta sợ đau, nên người ta chạy, nên người sầu mà uống rượu, mà dùng chất kích thích. Tôi là kẻ đã chết nên tôi chấp nhận, chào nó mỗi sáng, chúc nó có bữa trưa vui vẻ, rạp người kính cẩn mỗi tối và chúc nó ngủ ngon. Mòn mỏi trong ảo tưởng không đau vì cứ nghĩ mình đã quá đau như thế, tôi bỏ qua những suy nghĩ về sự tự sát trong đầu, về những ràng buộc trói chặt tôi, đớn hèn cúi đầu như thế liên tục bảy năm chỉ vì cái kênh kiệu của tuổi trẻ bị giật đổ chỉ trong bằng một vài lời nói nhẹ nhàng bâng quơ. Rồi sau đó tôi học đại học, làng nhàng, làng sàng, lan man chẳng cần biết đầu đuôi, vô trách nhiệm, thoải mái vô lo. Và khi ra trường thì bị ngừng chu cấp và phải đi làm: tự lập, thống khổ, bơ vơ, một mình trong cái vòng lặp vô hạn định của sự đều đều, của sự bình ổn; Về cơ bản đi làm cũng giống khi tôi học đại học mỗi tội nhiều trách nhiệm hơn một chút và ít sự quan tâm từ bố mẹ hơn một chút. Rồi nàng bị ném vào vòng tròn ấy, cho tôi hưởng màu hường và mật ngọt của tình yêu trong vòng vài tuần, để rồi nàng tự biến mình thành một thành phần nhàm chán của cuộc đời tôi. Thế nào là một người trẻ? Mười Tám? Hai Mươi? Hai Mươi Lăm? Ba Mươi? Hay người ta trẻ khi tâm hồn người ta trẻ? Liệu tôi có thể giúp tâm hồn tôi trẻ lại được không, hay sau chuyến đi Dala này nó quyết định tự dìm mình xuống, tự tan biến để tái sinh dưới dạng một dạng khác - Chết và mục rỗng?

Bỗng bụng lại réo lần nữa: Đồ ăn! Các tế bào trong người tôi có dòng điện chạy qua khi chúng biết cơ đói sắp được thỏa mãn. Lần này tôi gọi mì trứng: Tô mì ấm nóng, nghi ngút khói tỏa lên hương thanh của hành và giá được đựng trong một chiếc tô sứ tròn với những hoạ tiết xinh đẹp; Đũa và muỗng inox cầu kỳ nằm gọn trong dĩa trơn dùng để lót; Và khi cậu phục vụ răng khểnh vui vẻ cười với tôi cậu đặt tô mì xuống, tôi thiếu chút nữa đã vục mặt vào tô mì mà húp lấy húp để - Tô mì đượm, tôi đoán họ dùng mì loại xịn chứ không phải loại mì tôm hai ngàn một gói, miếng trứng ốp la với lòng đỏ căng mọng chỉ chực vỡ ra, tràn thứ chất béo ngậy thơm ngon vàng đậm hòa vào nước mì, Với lòng trắng trơn và trông xốp như bơ. Xoa tay cho ấm, tôi run rẩy cầm đũa đế bắt đầu gắp từng đũa ngon lành - tô mì ngon nhất kể từ thời sinh viên. Khi mà tôi cắn quả trứng ốp la chiên vừa tay, lỏng đỏ ngập tràn từng núm vị giác nơi lưỡi ngậy ngậy thơm thơm với lòng trắng giòn một mặt và xốp mặt bên kia; cảm giác ấm nóng lan tỏa trong miệng; sợi mì dai chắc nuốt rồn rột, trôi tuồn tuột vào bao tử trống rỗng đang kêu gào được lắp đầy; nước mì hòa lòng đỏ tạo thành một hỗn hợp nước súp ngon và đậm đà. Quá đã! Loáng cái, tôi chén sạch bát mì và húp gần hết nước khiến cái bụng tôi cành ra, cảm giác buồn ngủ và lười biếng dâng trào. Khi no ấm người ta khó có thể nghĩ chuyện tiêu cực - Trong cái đê mê thỏa mãn ấy não tôi bắt đầu lang thang để nhặt nhạnh những mẩu kí ức tươi đẹp của tôi. Tính ra quãng thời gian làm sinh viên của tôi là sướng nhất vì tôi có cái tự do nhất thời do học xa nhà: Tôi tự chủ lịch học, tôi tự chủ lịch chơi, tôi tự chủ mình sẽ tiếp xúc với ai, sẽ đi đâu, sẽ ra khỏi phòng trọ lúc mấy giờ, sẽ về lúc mấy giờ. Có lẽ cái niềm vui được kiểm soát cộng cái thứ được gọi là nhiệt huyết tuổi trẻ ấy đã giúp tôi quên đi sự thật rằng tôi luôn có người giám sát, tôi luôn phải về hà hai tuần một lần, tôi phải các bài đăng facebook ở chế độ công khai, tôi là người ít tiếng nói nhất trong đám bạn. Chỉ đơn giản là bó cỏ may lăn theo chiều gió, lang thang, lạc loài, cố bấu víu vào bất kì thứ gì có thể để có cảm giác thuộc về. Hai mươi tôi đi Dala lần hai, nhưng đi chung với lũ bạn, chúng đi đâu tôi theo đó. Tôi ngó nghiêng đây đó, làm vài kiểu dáng tạo hình để chụp, cười nói - đơn thuần là cưỡi ngựa xem hoa trong hai ngày ngắn ngủi. Cứ tìm cách ồn ào vội vã như thể tôi và lũ bạn vẫn đang ở Sago vậy. Chúng tôi lên Dala để thay đổi không khí nhưng chính cái vội vã của Sago đã ăn vào máu của chúng tôi, thành ra lần thứ hai ấy chỉ để lại trong tôi một ấn tượng duy nhất về nàng rằng Dala lạnh, nhiều sương mù và đẹp. Chỉ là ngắm nàng thôi, chứ chẳng tâm tình hỏi han nhau được tẹo nào. Khẽ lướt qua nhau, nhìn nhau trong tiếc nuối lặng thầm, vấn vương đau khổ, khóc thầm trong đêm. Nhưng lần này tôi lên Dala một mình, hay ít ra là phần lớn thời gian là một mình: Tôi đã nhìn thấy nàng thay đổi vẻ ngoài, tôi cũng hiểu rằng con người nàng cũng thay đổi vài phần bên trong, có điều sau tất cả nàng vẫn là nàng, vẫn là Dala yêu thương của tôi. Tôi đã chìm vào những đáy sâu tụ đầy sương mù, những hố thẳm tối đen mịt mùng, ngó lên phía trên với đôi mắt mở hờ như muốn khép lại, chỉ để thu vào những hình ảnh trần phòng buồn chán, được soi bởi thứ ánh sáng lờ đờ thiếu sức sống của đèn huỳnh quang. Tôi nghĩ cái ý nghĩ ám ảnh về Dala, về sự nuối tiếc với chính cuộc đời tôi chính là thứ khiến tôi đau, nhắc nhở tôi vì sao tôi còn sống, còn thở, còn tồn tại. Ừ thì tôi luôn tự nhận mình là kẻ đã chết rồi. Tôi nói dối đấy! Tôi muốn sống! Tôi thèm khát được sống! Tôi không muốn phải sống mòn sống phí sống hoài như thế này thêm một ngày nào nữa!

Tôi bật khóc ngay giữa quán. Tôi biết ai cũng nhìn mình nhưng tôi kệ. Tôi đang muốn tháo những sợi xích đang quấn chặt và kiềm kẹp trái tim tôi từng giây từng phút. Tôi muốn thoát ra. Tôi cứ thún thín như thế tầm hai phút rồi thôi. Dù sao cũng chẳng có bao nhiêu nước mắt để chảy, chỉ còn nỗi buồn đọng lại, chất chồng và xếp cao như núi trong lòng tôi. Tôi lấy khăn giấy để sẵn trên bàn ăn để quệt nước mắt, xì mũi. Tôi nhìn quanh thấy mọi người đã thôi nhìn mình, chỉ còn mỗi chị phục vụ và cậu răng khểnh đang lo lắng cho tôi từ đằng sau quầy. Tôi mỉm cười cho họ biết rằng tôi vẫn ổn, rằng không có gì phải lo lắng đâu. Thẩn thờ, tôi đi lên lại sảnh. Chú Tuấn đã không còn ngồi ở đó nữa. Hỏi chị lễ tân thì được cho hay là chú đi công chuyện. Ổn thôi. Tôi cũng cần đi. Chẳng ai đứng mãi một chỗ cả, như tôi thì tôi cũng đứng mãi một chỗ bảy năm rồi. Tôi phải đi.

Đi đâu?

Câu trả lời nằm đó, rõ ràng: Trường Sư Phạm.

Ừ đi trường Sư Phạm ngó trời ngó đất ngó mây, ngó cảnh đẹp, ngó các bạn trẻ khác vui vẻ chụp hình, ngó cái cổ kính cũ kĩ đầy muộn phiền nhưng thơ mộng.

Ngó để tự nhắc bản thân mình cũng đã từng trẻ, dù chỉ trẻ một phần. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro