bói

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Em Nhiếp nay nhét trong túi mấy tờ tiền, một mình đạp xe tới nhà thầy bói ở làng bên kia. Chả là Nhiếp sắp thi đại học, mà bạn bè cứ rỉ tai nhau hay đi ngó xem thầy khuyên gì, biết đâu chọn đúng ngành mà học, đúng vía mà thi. Nhiếp vốn cũng chẳng phải người thích tin mấy chuyện tâm linh thế này, nhưng mẹ cũng ậm ừ đồng ý, thế là em cũng muốn thử một phen xem thế nào.

Nhà thầy ở tận đằng ruộng, xung quanh cứ bao la là lúa, thỉnh thoảng mới có bóng dáng mấy cô chú ra xem lúa, làm Nhiếp dần bớt cái vẻ xông pha ban đầu. Sống lưng lại gai gai, một tí gió đầu xuân cũng làm Nhiếp sởn da gà. Nhà thầy cuối ngỏ, có ánh đèn lập loè, cửa thì mở toang hoác, rõ là rờn rợn. Sau cùng thì cái bóng người cao cao chắc nịch đang lởn vởn sau ô cửa sổ cũng khiến lòng Nhiếp yên hơn một tí, nên em nhanh chóng bước qua con đường nhỏ, thầm khấn trời mau cho qua chuyện này nhanh nhanh chút.

"Dạ, thầy có nhà không ạ?" Nhiếp nuốt khan, khẽ khàng lên tiếng đánh động khi bước qua ngưỡng cửa. Cửa buồng trong mở đến cạch một cái, bước ra là một... thầy? Chú? Anh? Đại từ nhân xưng trong đầu Nhiếp cứ giảm dần theo độ tuổi. Người này trẻ măng, em không ngờ là có người làm thầy bói ở độ tuổi thế này đấy. Mắt Nhiếp tròn xoe như mắt mèo, thỉnh thoảng còn chớp chớp. Môi hồng hơi mím lại, và má cũng ưng ửng vì tiếp xúc với luồng khí ấm bất chợt trong gian nhà. Hoặc là do... ừm... thầy đẹp trai quá. Trần đời Nhiếp chưa thấy ai có cái mã mà làm Nhiếp đơ người ra như thế này hết. Nhiếp cũng đẹp trai, cái này ai chả biết, nhưng mà có vẻ thầy này đẹp nhất vùng mất. Mà thầy còn ăn mặc rất là "trai phố", nhìn ngầu đét, oách xà lách luôn. Cho đến khi người kia húng hắng vài tiếng, Nhiếp mới hoàn hồn tỉnh táo.

"Dạ con xin lỗi thầy, con vừa ở ngoài lạnh nên hơi ngơ ạ. Thầy giúp con coi đường học hành của con với, năm nay con thi đại học ạ."

Người kia làm dấu chỉ sang căn phòng bên cạnh, làm Nhiếp ngơ ngác bước theo. "Bắt đầu sờ sợ rồi đó nhe." Nhiếp đâm chợn, thầm nghĩ. "Lỡ bị ám sát rồi ném xác chôn xuống ruộng thì sao bây giờ? Mà ruộng này trồng gạo tám thơm à? Ơ thế chết mà vẫn còn được nhìn lúa chín thì có thơ mộng không nhỉ?"

"Này." Thầy gõ lên cái ghế đẩu trong phòng, ánh đèn lập loè càng làm Nhiếp đổ mồ hôi lạnh. Em ngồi xuống, mắt mèo quét đủ các góc phòng, tia người kia từ trên xuống dưới. Chắc thầy này có tầm có tiếng, ngay lập tức cảm nhận được ánh mắt lạ đặt lên mình, quay sang nhìn em, làm Nhiếp giật nảy người, phải đánh mắt qua nơi khác cho đỡ ngượng. Thầy ngồi xuống, hạ giọng trầm trầm.

"Tên tuổi thế nào?"

"Dạ thưa thầy, con tên Hưởng Nhiếp, mới tròn mười tám, nhà dưới thôn Đông, học ở trường Trung học huyện mình ạ."

"Xem đường học hành hả? Còn xem gì nữa không?"

"Dạ nay con xem mỗi đường học hành thôi ạ. Con đang mông lung về ngành nghề sắp tới, trăm sự nhờ cả vào thầy."

Không, trăm sự là nhờ Nhiếp chứ nhờ gì thầy, nhưng Lai đã xúi em nói vậy, mà Lai đã nói sai bao giờ đâu (Lai mà nói sai thì coi như Lai chưa nói gì là được).

Nhiếp dè dặt đặt mấy tờ tiền xanh đỏ lên đĩa, nhưng thầy lắc đầu phẩy tay, ý bảo không cần lễ. Từ đó, chính thức trong em bừng nắng hạ, cầu vồng chấm hỏi vút ngang qua? Càng lúc cái linh cảm thầy này là thầy giả càng lớn, bởi lũ bạn hay tung hô rằng giọng thầy nghe tâm linh lắm, nghe câu nào cứa câu đấy, rất hùng hồn chắc nịch, mà thầy cũng thấp cơ, chứ ai lại cao hơn cả Nhiếp thế này. Nhưng quả giọng này tuy không hùng hồn nhưng chắc cũng tâm linh, tại Nhiếp nghe mà cứ như bị bỏ bùa ấy. Em lại vô thức mím môi, tay cầm tiền đặt trên đùi bối rối. Em không nhìn thấy ánh mắt thầy giấu sau cặp kính đen, nếu nhìn được thì đã nhanh chóng chuồn lẹ rồi, bởi người đó đang nhìn em với trạng thái u mê khó dứt được.

Có tiếng xe vọng lại từ đằng xa rồi gần lại. Thầy đang im lặng bỗng cất tiếng làm Nhiếp hú hồn:

"Thế có người yêu chưa?"

"..."

"..."

"Dạ bẩm thầy, con chưa có." Nhiếp trả lời như người mộng du. Sau này không bao giờ em làm nhà gần ruộng, sức mạnh tâm linh lớn quá rồi.

"Đưa bàn tay trái đây, thầy xem nào." Nhiếp chìa tay ra, thầy cúi đầu xuống, một tay đỡ tay Nhiếp, tay kia dùng ngón trỏ đưa dọc theo đường chỉ tay em, làm Nhiếp thấy nhồn nhột. Bất chợt, thầy ngẩng lên hốt hoảng, làm Nhiếp sợ theo. Thầy thở hắt ra, phán một câu xanh rờn, làm mặt em chuyển từ trạng thái xinh tươi qua xanh lét như tàu lá chuối:

"Số này là con phải làm bồ thầy rồi."

"Ô thế anh xem phải thầy dởm à?" Lai hốt hoảng nói, tay kia bám rịt lấy tay Nhiếp để hỏi cho ra lẽ. Hách ngó em nghi ngờ, miệng mấp máy mấy câu kiểu: "Bị ngốc hay gì mà không nhận ra là thầy dởm?". Nhiếp thở dài bất lực, ai mà ngờ được thầy (thật) đánh anh kia dữ quá, làm cả làng bên lẫn làng này biết chuyện, lại còn đồn Nhiếp giấm giúi với anh kia, đến là khổ.

"Anh ấy vô phòng nghịch đồ của thầy, xong giả làm thầy đó..." Nhiếp lí nhí, giải thích buổi chiều hôm đó lần thứ hai chục. Lai gõ đầu em, mắng: "Ngố ơi là ngố, anh theo em chục năm rồi mà vẫn bị người ta lừa là sao?"
"Theo em thì mới bị lừa đó! Em cũng bị lừa thành bồ thằng Nguyên đó thôi? Nó mới nói em mấy câu mà em đã đổ rồi!" Nhiếp đốp lại, làm Lai nín họng.

"Cũng không hẳn là lừa mà... Anh Nguyên tốt với em lắm."

"Rồi rồi không cần thuyết minh lại sự thật đâu." Em bĩu môi, nằm dài ra triền đê ngát cỏ. Hách lăn đến bên cạnh em, và Lai ngồi cạnh, để gió trời vờn quanh tóc mai đen nhánh.

Nhiếp lại để tim mình dẫn theo suy nghĩ về người đó. Nông thôn có một lợi ích lớn vừa vừa, ấy là chuyện nhà cũng như chuyện xóm, chuyện làng cũng ra chuyện xã. Có hai tiếng sau khi Nhiếp thấy người ấy lần đầu tiên, em đã biết chục câu chuyện bên lề về anh. Anh tên Ngô Ngọc Hưng, cái tên chắc là đẹp nhất cái làng đó rồi, vì ở quê làm gì có ai đặt tên con vừa dài vừa kêu thế. Nhiếp cứ lẩm nhẩm hàng chữ đó, làm Hách nhăn mặt kì thị, tự động nhích người xa ra. Hưng, người đó có sống mũi cao, mắt thì sáng trong và khóe miệng cong lên khi cười duyên, đường cằm cũng thật đẹp, trông ngầu vô cùng. Cứ như Nhiếp vừa thấy diễn viên trong phim tài tử Hồng Kông mẹ hay xem hàng ngày đập cái hộp vô tuyến bước ra vậy, đẹp đến em nghi là ảo giác luôn đó. Lúc anh bị thầy bắt xin lỗi Nhiếp, giọng anh nhẹ nhàng ấm áp như nắng đầu xuân, làm tim Nhiếp nổi trống ầm ầm, ngơ người ra mà lặp lại mấy lời kiểu "Không sao đâu ạ, dạ thui thầy đừng đánh anh nữa..." Anh Hưng đã là sinh viên được hai năm, hôm đó anh về thăm cha thăm mẹ rồi gói đồ lên tỉnh học tiếp, ai ngờ ngẫu hứng làm trò bị phát hiện rồi bị đánh bờm đầu, thật là xấu hổ quá đi mà. Thầy cầm cán chổi đuổi anh Hưng quanh ngõ làm Nhiếp vừa thương vừa cười. Em tự thấy mình dở hơi, ai mà biết chuyện này chắc bị ghẹo cho thối mũi mất, không có chỗ nào mà chui. Lai cười cười, như thể nhìn thấu tâm tư của Nhiếp hiện giờ.

"Anh thích anh Hưng à?"

"L-Lai khùng hả, anh có biết anh ấy là ai đâu mà... thích..." Em lắp bắp, tim hẫng mất mấy nhịp. Hách chép miệng, rắc mấy cánh hoa đồng nội lên đầu Nhiếp, hát lớn: "Đám cưới đám cưới về trên đồng quê..."

"Cưới kiếc cái gì, anh đánh em đó Hách!" Nhiếp cào lên người cậu em như mèo, nhưng chỉ đủ cho hai người kia cười sằng sặc. Má em giờ ửng lên một màu hồng rực, nguyên do chắc chắn không phải là do tiết trời đẹp đẽ hôm nay.

"Nhiếp ơi, anh Hưng gọi anh. Chậc chậc, tí tuổi đầu." Lai gõ lên vách nhà, giả bộ lắc đầu với vẻ không thể chấp thuận được, dù tay Lai đang cầm cái bánh với bó hoa dại còn tươi nguyên mà ngày nào Nhiếp cũng thấy thằng Nguyên hái cho nó. Nhà Nguyên bán tạp hóa nên dư bánh kẹo dữ lắm, nhưng lúc nào cũng chỉ béo Hách với Nhiếp, còn Lai chỉ ngồi miết mấy bông hoa nhạt màu. Nhiếp ngừng nghĩ khi thấy bóng dáng anh Hưng đang ngồi tư lự bên giếng làng. Sắp Tết nên anh được nghỉ học về quê, thế mà anh dám nói anh trèo tường trốn học về đây vì nhớ Nhiếp quá, chắc tưởng em ngốc lắm vậy. Anh Hưng cứ hở tí là lại bắt đầu mấy câu ghẹo em, làm em bực mình lắm, nên mặt cứ đỏ lên không kiểm soát, rồi anh lại dỗ em bằng bim bim nhà thằng Nguyên, rồi dắt em lên đê vừa làm bài tập vừa hóng gió. Anh Hưng trông cợt nhả dở dở vậy mà học giỏi kinh khủng, môn Toán với Lý khó nhai vậy mà anh giảng cho Nhiếp không sót một chữ. Anh Hưng còn dạy em nói tiếng Anh nữa, nhưng Nhiếp chỉ thích nghe tiếng anh thôi, chứ chẳng thích tiếng Anh tí nào. Lúc em nói với anh điều đó, anh Hưng chắc cũng bực mình giống như Nhiếp, tại mặt anh đỏ lựng lên như trái cà chua chín, rồi anh lắp bắp mắng em chẳng tập trung gì cả.

"Nay mình đi đâu hả anh?" Nhiếp ghé người xuống nói với anh, người hiện giờ đang tập trung đến độ không nhận ra em đã tới gần. Anh Hưng giật nảy người, cau mày nhìn em:

"Lần sau đến thì gọi là được rồi, em làm thế anh giật mình ngã lộn cổ xuống giếng thì sao?"

Nhiếp thấy ánh mắt anh nghiêm trọng quá, vội vàng nói xin lỗi. Nhưng đúng là anh Hưng trung thành với lối sống cợt nhả.

"Anh mà ngã thì tiếp tục yêu em kiểu gì? Biết làm vậy là ác lắm không hả? Hưởng Nhiếp là để một mình anh yêu thôi."

"... Bó tay với anh luôn á." Nhiếp chống nạnh, song cũng xòe tay ra mà cầm con tò he xinh xinh mà anh Hưng đang chìa ra cho mình.

"Nay mình ra phố sắm đồ Tết ha, em học cả tuần rồi, đi đổi gió chút cho đỡ căng thẳng." Anh Hưng kéo tay Nhiếp đi về phía cái xe đạp cà tàng anh dựng bên vách tường, rồi hai người cùng vi vu trên con đường làng. Nhiếp nhìn tóc anh đen nhánh bay theo chiều gió, muốn đưa tay chạm nhưng ngượng ngùng lại thôi. Em chợt thấy má mình nóng sực, vì hương bồ kết ở anh làm em thấy yêu quá. Nhiếp chẳng ngại ngùng gì thừa nhận là em thích anh Hưng nhiều, em thừa nhận với cả làng, nhưng không thừa nhận với anh. Cô Tư nói yêu mấy thằng nhà quê lên tỉnh, tính chúng nó lông bông lắm, yêu vào là khổ trăm đường, làm Nhiếp thấy chột dạ. Nếu hai mình không thành bồ nhau thì làm bạn tốt cũng được, chỉ là bạn tốt thì không được thơm má nhau thôi, Nhiếp nghĩ bụng, cũng tiếc lắm chứ bộ.

"Em nghĩ gì mà im lặng thế, đường còn dài, nói chuyện với anh chút đi?" Anh Hưng nói, và Nhiếp lại được mạch kể. Em kể sao em lại học lớp tự nhiên, dù em thích lớp xã hội; em kể sao Lai lại yêu thằng Nguyên. Thành cười nắc nẻ, giờ mà không vướng việc lái xe đạp là anh cũng thò tay ra véo đôi má bánh bao sữa đang liến thoắng ở yên sau rồi. Có Nhiếp là lòng anh phơi phới hơn cả Tết đến xuân về, mà khổ nỗi, anh có Nhiếp làm bạn chứ chưa có Nhiếp làm bồ. Nghĩ đến là lại xót xa. Ấn tượng đầu đã không được tốt, xong thỉnh thoảng (đúng hơn là thường xuyên), anh thấy Nhiếp đáng yêu quá, không nhịn được mà ghẹo em, làm em xem chừng khó chịu lắm. Đường vào tim Nhiếp, ôi chao ơi là băng giá. Xuân ấm lên rồi mà Hưng hẵng còn lạnh buốt đôi tay vì Nhiếp không cho nắm, tuổi hai mươi thật đắng mề làm sao!

Chợ xuân nức hoa nức quả, tiếng người tràn từ lỗ tai này qua lỗ tai khác, Nhiếp và Hưng chẳng nghe thấy nhau nói gì, đành nắm tay nhau cho đỡ lạc vậy. Âu cũng may, kẻo tiếng tim đập thình thịch của cả hai đứa chắc vọng cả cái phố huyện mất. Nhiếp hiếm khi được đi chợ, em kéo anh Hưng lượn từ chỗ này qua chỗ kia, "lì xì" anh một bông hoa cẩm chướng trắng. Hưng hơi sững sờ, rồi cũng đưa tay nhận lấy cành hoa tươi. Hai đứa đi qua đi lại, xem người ta diễn trò ở giữa chợ, xong dắt nhau ra về. Nhiếp cười toét miệng, tay cầm tập thơ Nguyễn Bính đã cũ mà ông cụ ở tiệm sách ngoài chợ tặng em, vì hỏi em chút văn thơ mà em đáp trôi chảy hết. Hai đứa về tới giếng làng khi trời đã đổ màu lòng đỏ trứng. Hưng thấy em đang vui nên tự nhiên nghĩ liều, sau này nhớ lại chỉ thấy phục bản thân vì đã không phụ công bố mình - tự nhiên được rèn cho cái thói nghĩ gì làm luôn.

"Nhiếp." Hưng đưa nhành hoa cẩm chướng đỏ nãy giờ giấu kín trong áo khoác cho em, làm em hơi ngạc nhiên.

"Em lì xì anh mà, đâu cần sòng phẳng vậy chứ." Nhiếp mỉm cười xua tay, nhưng anh dúi hoa vào tay em, nên đành cầm. Anh hơi ngập ngừng, song cũng nhanh nói:

"Nhiếp biết hoa cẩm chướng mang ý nghĩa gì không?"

Em đưa mắt nhìn ra phía xa, khẽ nói có. Biết chứ, Nhiếp yêu hoa vì ý nghĩa mà chúng mang kia mà. Nhiếp trao anh cành hoa trắng muốt ấy vì nó mang trọn suy tư của em dành cho anh kia mà. Em trao đi, không hi vọng anh hiểu, càng không mong anh hồi đáp. Nhưng ấy là một nhành cẩm chướng đỏ khác, tức là...

"Em cũng thích anh sao...?" Hưng rụt rè hỏi, giày cọ cọ vào nhau xem chừng bối rối lắm. Nhiếp bẽn lẽn gật đầu, đưa mắt nhìn anh, người đang trợn mắt há hốc mồm trông dở hơi thế nào ấy, nhưng mà em vẫn thích chết đi được. Anh Hưng cười ngớ ngẩn khi thấy má Nhiếp hây hây hồng, vì lòng em giờ cũng chộn rộn lắm. Nhưng Nhiếp vẫn phải hỏi một câu nguyên thủy sau mỗi cuộc tỏ tình của loài người:

"Sao anh lại thích em?"

"... Tại vì em, đáng yêu! Ngay lần đầu gặp mặt, xin lỗi vì đã sỗ sàng mà trêu em, nhưng ý anh muốn nói là thật."

"Là em làm bồ anh đó hả?" Nhiếp cười, khóe miệng xinh cong cong như thỏ. Hưng gật đầu "Vì em đẹp nữa, không biết em nghĩ thế nào, chứ nhìn em như hoàng tử bé trên kênh truyền hình ấy. Đáng có thể quan sát dải ngân hà trong mắt em thay vì ngồi nghiên cứu vũ trụ qua kênh chữ thì anh chả phải học lại rồi."

"Dở hơi thế!" Nhiếp khẽ đánh vào vai anh, nhưng cũng tủm tỉm cười thích thú. Anh Hưng dẻo miệng thật, nhưng mà dẻo miệng với mỗi em, chứ nói chuyện với chị Phương Bình hoa khôi làng bên, với cả tiếp chuyện cô Phương Anh xinh xắn đầu ngõ, anh nhìn khó gần dễ sợ.

"Rồi em tốt bụng, em chăm chỉ, em có tài nữa. Em thỉnh thoảng hơi ngại ngùng, nhưng thực ra em truyền năng lượng cho người khác nhiều lắm. Anh thích nhiều thứ ở em, giờ kể ra thì lâu lắm, muốn nghe thì qua nhà anh, anh kể hết đêm cho."

"Trời, hổng có vụ đó đâu nghe."

"Ừm, vậy là, hai mình bồ nhau rồi hả?" Nhiếp nghe anh hỏi, rồi gật gù. Dở hơi với nhau hai tháng, rồi thành bồ nhau rồi đó. Hưng trao em một cái thơm má nhanh như chuồn chuồn đạp nước, rồi Nhiếp cũng trả lại anh một nụ cười ngượng ngùng, và cả cái thơm má thật kêu. Hai đứa có thể đến với nhau hơi nhanh quá, nhưng chắc chẳng sao đâu, vì em muốn tiếp tục thích anh trong những tháng ngày dài hơn nữa, trong khi chắc chắn rằng, anh cũng sẽ thích em thật nhiều, trong cùng những tháng ngày sau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro