Truyền thuyết hoa bỉ ngạn (P6)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thuở xưa trên thiên giới có một cặp tình nhân yêu nhau thắm thiết. Chàng trai vốn là võ tướng tên Hoa, cô gái là công chúa tên gọi Châu Nhi. Vốn hai người đã định xin Thiên đế ban hôn, nhưng vì lúc đó xảy ra loạn lạc, Hoa đành phải gác tư tình sang bên, cầm quân đánh giặc.

Khi trở về, chàng biết tin Thiên đế muốn đem gả Châu Nhi cho Tiên tôn để kết tình hữu nghị. Hoa bèn vào cung thỉnh cầu, ngờ đâu Thiên đế nghe xong thì nổi trận lôi đình, giam chàng vào ngục.

Châu Nhi lén vào thăm Hoa, hai người bàn kế vượt ngục. Hoa vốn dòng Thiên tướng, pháp thuật tinh thông, rốt cục đã vượt ngục thành công, dẫn theo Châu Nhi chạy trốn.

Thiên đế biết chuyện, giận dữ phái thiên binh thiên tướng đuổi giết. Hoa và Châu Nhi lâm vào tình cảnh ngặt nghèo, tiến lui đều không có lối. Giữa lúc tuyệt vọng, hai người vì muốn trọn đời bên nhau không chia cắt, Hoa thi triển bí thuật, tự biến hai người thành một loài hoa. Châu Nhi hóa thành nụ hoa trắng trong tinh khiết, Hoa biến thành tán lá xanh mịn màng ôm lấy nụ hoa. Đám thiên binh thiên tướng đuổi giết thấy thế ngỡ ngàng, bèn đặt tên loài hoa này là Mạn Châu Sa Hoa.

Mọi việc tưởng đến thế thì kết thúc, nào ngờ Thiên đế lòng dạ hẹp hòi, muốn cho đôi tình nhân vĩnh viễn phân ly, bèn trớ chú cho loài hoa này một trớ chú vô cùng độc ác: "Mạn Châu Sa Hoa, hoa ngàn năm nở, ngàn năm rụng, lá ngàn năm sinh ra, ngàn năm chết đi. Hoa lá vĩnh viễn không thể gần nhau, dù cùng sống trên một thân cây."

Thời gian cứ thế trôi qua ... Cả ngàn vạn năm sau, lời trớ chú cũng trở nên yếu ớt trước ái tình đằm thắm khắng khít của hai người. Cuối cùng hoa lá cùng bung nở trên thân cây, đôi tình nhân chung thủy sắt son rốt lại vẫn có thể tương kiến giữa con sông dài thời gian chia lìa sinh tử.

Thế nhưng trớ chú cũng bị thời gian bào mòn, vậy mà lòng hẹp hòi của Thiên đế vẫn không thay đổi. Sau khi y biết Mạn Châu Sa Hoa bừng nở, liền sai binh tướng đuổi giết, bắt về.

Mạn Châu Sa Hoa sau khi cùng nở cùng sinh, pháp lực khôi phục, vội vàng chạy trốn. Trời đất bao la nhưng không chốn dung thân, Mạn Châu Sa Hoa cuối cùng đành phải trốn xuống địa ngục.

Thiên binh thiên tướng đuổi sát không tha. Chính thái độ hống hách tàn ác của chúng đã khiến cho người Ma vực nổi lòng oán ghét, lại thêm câu chuyện tình Mạn Châu Sa Hoa càng khiến họ nổi mối thương tâm, cuối cùng người Ma vực đứng ra bênh vực cho Mạn Châu Sa Hoa, dẫn đến một trường Thần Ma đại chiến.

Trong khi hai bên chiến đấu, máu tươi của binh sĩ hai bên chảy tràn mặt đất, không ngờ lại bị hút hết vào cây Mạn Châu Sa Hoa. Máu tươi nhiều đến nỗi nụ hoa vốn trắng trong tinh khiết cũng trở thành đỏ tươi như máu, yêu dị và diễm lệ vô cùng.

Cả Mạn Châu Sa Hoa cũng không hay biết chuyện gì xảy ra, đột nhiên huyết quang từ cây hoa xông vọt lên tận trời, tất cả binh sĩ hai bên đang chiến đấu thảy đều bị biến thành tro bụi.

Biến cố đột ngột này oanh động cả tam giới, Thiên đế, Ma vương, Quỷ vương, Tiên tôn đều tự thân đến xem xét. Thiên đế vẫn không cam lòng, quyết bắt Mạn Châu Sa Hoa trở về, bất quá thông qua Thiên nhãn kính cả 4 người bọn họ đều biết Mạn Châu Sa Hoa đã vượt khỏi tam giới, siêu thoát ngũ hành, không chịu câu thúc của các quy tắc thông thường nữa.

Vì Mạn Châu Sa Hoa tiền thế đã chịu nhiều oan ức, lại thêm oán khí chưa tan, thích hợp để dẫn độ các vong linh lầm lạc trở lại luân hồi, cho nên cuối cùng 4 người quyết định để Mạn Châu Sa Hoa lại bên Nại Hà, suối Hoàng Tuyền hầu dẫn độ vong hồn oán khí trên thế gian.

Từ đó, bên bờ Hoàng Tuyền, dưới cầu Nại Hà, cây hoa đỏ rực, yêu dị diễm lệ vô cùng cứ bừng nở, sinh sôi, dẫn đường cho các đôi tình nhân chia cắt, cho những vong hồn còn nhiều oán khí quay lại luân hồi, nhận lấy nhân quả mà số phận chú định. Đời sau gọi loài hoa này là hoa bỉ ngạn.

Rồi có một ngày Phật đi ngang qua đây, thấy một gốc cây hoa trên mặt đất có khí độ phi phàm, đỏ rực như lửa, Phật liền đi tới trước mặt nó xem xét tỉ mỉ, chỉ vừa mới xem đã có thể nhìn thấu được huyền bí trong đó. Phật cũng không bi thương, không phẫn nộ, ông đột nhiên ngửa mặt lên trời cười dài ba tiếng, đưa tay rút hoa này ra khỏi mặt đất. Phật cầm hoa ở trong tay, cảm khái nói:

Kiếp trước các ngươi đã thề không thể gặp lại nhau, sau bao nhiêu lần luân hồi, yêu nhau lại không thể nào tay trong tay, cái gọi là phân phân hợp hợp bất quá chỉ là duyên sinh duyên tẫn mà thôi, trên người của ngươi đã có lời nguyền của thiên đình, khiến các ngươi dù duyên tẫn cũng không tán, duyên diệt cũng không phân, ta không thể giúp ngươi cởi bỏ lời nguyền này được, chỉ có thể mang ngươi đi tới miền cực lạc, cho ngươi tha hồ nở rộ ở đó a.

Trên đường đi tới miền cực lạc, lúc đi ngang qua sông Vong Xuyên trong địa phủ, Phật không cẩn thận để nước sông làm ướt quần áo của mình, mà nơi bị ướt kia lại chính là chỗ Phật cất gốc cây hoa đỏ nọ, chờ tới khi Phật tới được bờ bên kia Vong Xuyên rồi, cởi gói đồ của mình ra nhìn lại, liền phát hiện đóa hoa đỏ rực ấy đã biến thành màu thuần trắng, Phật trầm tư chỉ trong chốc lát, liền cười to nói:

Đại hỉ không bằng đại bi, khắc ghi không bằng quên lãng, đúng đúng sai sai, sao có thể phân rõ được chứ, hoa tốt, hoa tốt nha.” Phật đem đóa hoa này trồng ở miền cực lạc, gọi nó là Mạn Đà La hoa, bởi vì nở ở miền cực lạc (Bỉ Ngạn), nên còn được gọi là Bỉ Ngạn hoa.

Thế nhưng Phật không biết rằng, khi ông ở trên sông Vong Xuyên, hoa bị nước sông làm phai màu đã đem tất cả màu đỏ của nó để lại dưới nước, suốt ngày khóc thét không ngừng nghỉ, khiến kẻ khác nghe thấy mà bi thương. Bồ Tát Địa Tạng thần thông phi thường, biết được hoa Mạn Đà La đã sinh trưởng, liền tới bên bờ Vong Xuyên, ném một hạt giống vào giữa lòng sông, chỉ trong chốc lát, một đóa hoa càng đỏ tươi hơn trước đã bay ra khỏi nước, Địa Tạng bắt lấy nó giữ trong tay, thở dài nói:

Ngươi thoát thân đi, còn được tự do tự tại, vì sao phải đem hận ý vô tận này để lại trong chốn địa ngục vốn đã khổ hải vô biên chứ? Để ta cho ngươi làm sứ giả tiếp đón, chỉ dẫn linh hồn đi về phía luân hồi, nhớ kỹ màu này là màu của ngươi, cực lạc đã có Mạn Đà La hoa rồi, vậy ta gọi ngươi là Mạn Châu Sa hoa vậy.

Bồ Tát Địa Tạng: Một vị Bồ Tát chuyên cứu độ sinh linh trong Địa ngục và trẻ con yểu tử. Có khi Địa Tạng cũng là người được xem là chuyên cứu giúp lữ hành phương xa. Đó là vị Bồ Tát duy nhất được diễn tả với bạch hào, lông trắng xoáy nằm giữa hai mắt, sa trên trán, một trong ba mươi hai tướng tốt của một vị Phật. Địa Tạng hay cầm Như ý châu và Tích trượng có sáu vòng, biểu hiện của sự cứu độ chúng sinh của Bồ Tát trong Lục đạo (sáu đường tái sinh).

Từ nay về sau, trong thiên hạ chỉ có hai loại Bỉ Ngạn hoa hoàn toàn bất đồng, một loại sinh trưởng ở miền cực lạc, một loại sinh trưởng ở ven bờ Vong Xuyên. (lưu ý: cả bờ Vong Xuyên và miền cực lạc đều nằm ở bờ bên kia = bỉ ngạn, nên đều là hoa Bỉ Ngạn)

Bỉ Ngạn hoa từ đó về sau nở ở bên bờ Vong Xuyên. Người chết thường bước theo con đường hoa này mà đi đến cầu Nại Hà, ngửi mùi hương hoa sẽ nhớ tới mình kiếp trước. Một mảnh đỏ thẫm này, như máu, mỹ lệ, yêu diễm. Ba ngày trước và sau xuân phân (khoảng 20, 21 tháng 3), và ba ngày trước và sau thu phân (22, 23, 24 tháng 9), chính là thời khắc hoa nở chuẩn nhất. Hoa nở, tại bờ bên kia của sự sống và cái chết. Mọi người tuy nhìn nó đến mê muội nhưng lại càng sợ hãi, vì vậy mới xem nó là loài hoa của tai họa, của cái chết và chia lìa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro