Chương 66 - 70

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 66: Bầu bạn

Editor: Heo Con

Nguồn: Congchuakhangiay

Đậu Minh tuyệt thực. Đậu Thế Anh đến thương lượng với Đậu Chiêu:

- Con nói xem nên làm gì?

Trưởng nữ tuy rằng còn nhỏ tuổi nhưng thái độ nói chuyện tự tin chắc chắn thường khiến Đậu Thế Anh rất tin tưởng.

Đậu Chiêu cũng không biết phải thế nào mới tốt cho Đậu Minh. 

Ở lại bên nhị thái phu nhân thì không tránh được những lời lạnh nhạt. Còn nếu đến kinh thành ở với nhà họ Vương, kiếp trước Đậu Minh đã bị Vương phu nhân dạy hư, cuối cùng còn hại cả Vương Nam.

Nàng đau đầu nói:

- Hay là phụ thân đi hỏi phu nhân đi? Phu nhân là mẹ đẻ của Đậu Minh.

Có Vương Ánh Tuyết ở đây, không ai tiện can dự, dù là muốn tốt cho Đậu Minh nhưng mẹ con giống nhau, chưa biết chừng còn bị Đậu Minh ghi thù.

Đậu Thế Anh do dự.

Một tiểu a hoàn chạy vội vào, thấy Đậu Thế Anh ở đó thì lại rón rén định lui xuống.

Đậu Thế Anh quát:

- Chuyện gì?

Tiểu a hoàn nhìn Đậu Chiêu xin giúp đỡ.

Đậu Chiêu không nghĩ ra mình có chuyện gì cần giấu Đậu Thế Anh, gật đầu với tiểu a hoàn kia.

Tiểu a hoàn kia bẩm:

- Thất phu nhân đang dọn đồ, còn nói là muốn dẫn ngũ tiểu thư lên kinh thành.

Đậu Thế Anh giận tím mặt, vội vàng qua đó.

Đậu Chiêu gọi Hải Đường vào:

- Lấy khăn thêu mấy hôm trước ta làm ra, lại chuẩn bị thay xiêm y cho ta, chúng ta đi thăm cửu đường tẩu.

Tháng hai năm nay, Đậu Hoàn Xương lấy Hoàng thị.

Mối hôn nhân này được quyết định khi đại bá phụ còn sống. Tổ phụ của Hoàng thị và đại bá phụ là đồng niên. Hoàng thị còn có một người chú họ đang làm quan trong Đại Lý tự.

Hoàng thị bằng tuổi Đậu Hoàn Xương, có dung mạo đoan trang, tính tình đôn hậu, cũng rất giỏi nữ công gia chánh, được đại bá mẫu rất yêu thương. Đại bá mẫu đã khen con dâu mình trước mặt mọi người rất nhiều lần.

Cùng là con dâu Giang Nam gả đến, mọi người thường hay so sánh nàng với Kỷ thị.

Kỷ thị nhàn tĩnh, Hoàng thị hiền dịu, cả hai đều có vẻ lịch sự, tao nhã của vùng sông nước Giang Nam.

Nhị đường tẩu trêu chọc:

- So với lục thẩm và cửu đệ muội thì đám người chúng ta chỉ như mấy vú hầu trong bếp.

Kỷ thị và Hoàng thị đương nhiên lại khiêm tốn một hồi nhưng vì thế mà cả hai rất thân, cũng từ đó mà Hoàng thị gần gũi với Đậu Chiêu hơn mọi người.

Trước đó mấy ngày, tin Hoàng thị có thai được truyền ra.

Đậu Chiêu đã nghĩ ra nơi trốn cho mình. Đại bá mẫu ở góa, Hoàng thị còn chưa được ba tháng, bình thường sẽ không có ai đến quấy rầy đại phòng.

Có người làm bạn, lại là Đậu Chiêu vô cùng tinh tế, tỉ mỉ, đương nhiên Hoàng thị vui vẻ đón chào.

Đậu Chiêu ở đại phòng đến buổi chiều, ăn tối xong thì mới về Tây Đậu.

Vừa vào cửa nàng đã thấy gia nhân trông ngựa đang ngồi đó gõ bánh xe.

Đậu Chiêu khẽ thở dài.

Xem ra phụ thân đã đồng ý cho Đậu Minh lên kinh thành.

Dựa vào kinh nghiệm từ kiếp trước, Vương Hứa thị chỉ cần thấy Đậu Minh là sẽ giữ Đậu Minh ở lại nhà họ Vương.

Nàng về nhà chính. Phụ thân đang đứng cầm sách, trông có vẻ không vui.

- Nghe nói con đến chỗ Tập Hinh. Thế nào, có thu hoạch gì không? Đậu Thế Anh hỏi con gái.

Tập Hinh là tên tự của Đậu Hoàn Xương.

- Cửu đường tẩu dạy con thêu mắt chim nhỏ.

Đậu Chiêu vào nhà thay đồ, rửa mặt chải đầu rồi cùng phụ thân ngồi bên sập nói chuyện:

- Con cảm thấy không khác kỹ xảo vẽ tranh là mấy. Chẳng trách Lục bá mẫu hay thêu thùa, vẽ tranh.

Nói chuyện một hồi, tâm trạng của Đậu Thế Anh đã tốt lên rất nhiều, nhắc đến Đậu Minh:

- ...Người lớn còn thích cảnh tượng phồn hoa huống chi là đứa trẻ con. Con muốn cùng Đậu Minh lên kinh thành chơi mấy ngày không?

Sau đó để nàng hành lễ với người nhà họ Vương?

Thôi dẹp đi!

Đậu Chiêu đáp:

- Nó nhớ ngoại tổ mẫu của nó thì con cũng không muốn rời Thôi bà cô của con.

Đậu Thế Anh bật cười, suy tư một hồi rồi hỏi dò:

- Con và Thôi bà cô ở nhà một mình có sợ không?

Đậu Chiêu phấn khích.

Xem ra phụ thân chuẩn bị lên kinh thành cùng Vương Ánh Tuyết và Đậu Minh.

Có lẽ vì không còn oán hận nên cảm xúc của nàng bây giờ rất bình thản. Không như kiếp trước, mỗi thấy phụ thân và Vương Ánh Tuyết, Đậu Minh, Đậu Hiểu ở bên nhau là nàng lại nổi giận, giận đến chết.

Giờ phút này, trong lòng nàng chỉ có tổ mẫu,

- Nói vậy là phụ thân đồng ý cho con đón Thôi bà cô về ở một thời gian?

Đậu Chiêu hỏi phụ thân.

- Ta không đồng ý hồi nào?

Đậu Thế Anh cười, sau đó sắc mặt hơi buồn.

- Ta chỉ nghĩ rằng cho dù không có Thôi bà cô thì Bàng gia cũng sẽ không dám mò tới nữa.

Cho nên mới dỗi không lên kinh bổ khuyết?

Đậu Chiêu không biết nên khóc hay cười.

Cũng may chuyện đã được giải quyết. Nàng không muốn tranh luận tiếp đề tài này, hỏi bao giờ phụ thân lên đường.

- Ngày kia đi! Ngày mai chúng ta đi đón Thôi bà cô của con!

Đậu Chiêu gật đầu lia lịa, thương lượng với phụ thân:

- Không phải Đông Khóa viện vừa mới sửa lại sao? Hay là để Thôi bà cô ở lại Thanh Sảng hiên của Đông Khóa viện đi? Nơi đó cây cối xanh um, rất mát mẻ.

- Được! Chúng ta qua nhìn xem.

Phụ thân hưng phấn đứng dậy.

Hai người không ăn tối, đi vòng quanh Thanh Sảng hiên một lượt, bài trí đồ đạc, sắp xếp chỗ ở cho a hoàn xong xuôi thì mới quay về nhà chính, sáng hôm sau dậy sớm lên xe ngựa đến nông trang.

Vú Hồ đang thu dọn hòm xiểng với Vương Ánh Tuyết lo lắng nói:

- "Mời thần thì dễ, tiễn thần thì khó". Phu nhân thấy...

Vương Ánh Tuyết nghe vậy thì lại bực bội.

Nàng biết cái chết của Triệu Cốc Thu là khúc mắc cả đời của Đậu Thế Anh. Nhưng người chết cũng đã chết, người sống vẫn phải sống. Mình đã khéo léo chiều chuộng, hy vọng rằng vướng mắc rồi cũng sẽ được tháo gỡ.

Ai ngờ...

Nhiều năm đã qua, Đậu Thế Anh không chỉ không quên Triệu Cốc Thu mà còn càng ngày càng xa cách mình, hai người không thể thân thiết như ngày đầu được nữa.

Cơ hội chỉ dành cho những người đã có chuẩn bị.

Tựa như nỗi đau lòng của Đậu Minh.

Ở Chân Định, ở Đậu gia, Đậu Minh không rõ là con của thiếp hay con của vợ cả. Bởi vì nàng vĩnh viễn là tiểu thiếp được phù chính.

Nghĩ vậy, nàng nghiến răng hạ quyết tâm. Nàng và Đậu Thế Anh phải bắt đầu lại từ đầu.

Kinh thành là nơi dân cư đông đúc, chẳng ai biết rõ quá khứ của ai. Bọn họ lên kinh thành, Đậu Thế Anh vào triều làm quan, lại có Đậu Thế Xu và thân thích họ Vương, bọn họ hoàn toàn có thể định cư ở kinh thành, không bao giờ quay về Chân Định. Mà Đậu Minh cũng có thể sống thoải mái rồi tìm được một mối duyên lành.

- Giờ không phải là lúc so đo chuyện này.

Vương Ánh Tuyết khẽ nói:

- Thất gia đang tuổi tráng niên, có về Chân Định cũng là chuyện mấy chục năm nữa. Chẳng lẽ Thôi bà cô sống được đến lúc đấy?

Nhưng có thể ở lại kinh thành lâu dài hay không thì Vương Ánh Tuyết cũng không dám chắc chắn, không dám nói trước.

Vú Hồ thấy có lý thì bật cười:

- Lão nô nghĩ nhiều quá rồi!

- Làm gì có? Nếu mấy năm nay không có bà ở bên thì sao ta có thể chống đỡ được.

Vương Ánh Tuyết nắm tay vú Hồ, chân thành nói.

- Phu nhân nói quá rồi!

Vú Hồ vội khiêm tốn.

Hai chủ tớ tâm tình một hồi. Vú Hồ đỡ Vương Ánh Tuyết vào phòng thì lại thấy Đậu Minh đang ôm gối, ngơ ngác nhìn ra ngoài, các a hoàn và vú hầu đang thu dọn đồ, nhưng nàng như không trông thấy.

Vương Ánh Tuyết hoảng hốt, chạy tới lay con gái:

- Minh thư nhi, Minh thư nhi!

Đậu Minh quay đầu, đôi mắt cũng dần sáng lại.

Vương Ánh Tuyết thở phào, vội cùng nàng nói chuyện:

- Con mau xem còn thứ gì cần mang theo...

- Không cần gì cả! Giọng của Đậu Minh vô cùng chói tai, sắc nhọn:

- Ngoại tổ mẫu đã mua hết cho con rồi. Con không cần gì cả.

Mắt Vương Ánh Tuyết đỏ hoe. Nàng nghẹn ngào ôm con gái vào lòng.

※※※※※

Tổ mẫu mời Đậu Thế Anh vào nhà ngồi, tự mình rót trà cho hắn, hoang mang hỏi:

- Con muốn đón ta vào thành ở mấy ngày tới ư?

Đậu Thế Anh xấu hổ, nhắc khéo đến chuyện Bàng Ký Tu và Ô Thiện.

Tổ mẫu cười nói:

- Nhà có con gái được nhiều người mến mộ, Thọ Cô chúng ta vừa xinh đẹp lại dịu dàng, về sau con phải đau đầu rồi.

Sau đó thoải mái sai Hồng Cô đi thu dọn đồ đạc.

 Chuyện thuận lợi khiến cho Đậu Thế Anh và Đậu Chiêu thoáng giật mình. Đậu Chiêu tự hỏi: "Nghe được mưu đồ của Bàng Ký Tu mà tổ mẫu vẫn có thể cười như vậy, không biết là lòng quá đơn thuần hay vì sớm đã nhìn thấu sự đời?"

Quay về Chân Định mới là giờ Dậu.

Vương Ánh Tuyết đứng ở cửa đón tổ mẫu, Đậu Thế Anh và Đậu Chiêu.

Đậu Thế Anh hỏi:

- Minh thư nhi đâu?

Vương Ánh Tuyết vội nói:

- Nó hơi mệt, hình như là vì quá nóng. Thiếp cho nó uống Hoắc hương chính khí lộ, nó vừa ngủ rồi. Thiếp tính lát nữa mời đại phu đến xem sao.

Tổ mẫu nghe vậy thì nói sẽ qua thăm Đậu Minh.

Vương Ánh Tuyết vội nói:

- Thời nóng bức, người đi lại vất vả, vẫn nên nghỉ ngơi cho khỏe đã.

Tổ mẫu mỉm cười, cũng không gượng ép, đi theo Đậu Chiêu đến Thanh Sảng hiên.

Trong vườn trồng hoa tử đằng. Bậc thang phủ lớp rêu dài. Bên tường đá có những đóa hoa nhỏ không biết tên nở rộ.

Tổ mẫu rất thích.

Buổi tối, Đậu Chiêu chuyển đến đây ở cùng tổ mẫu.

Hải Đường thì thầm với nàng:

- Thất gia đang dạy dỗ phu nhân và ngũ tiểu thư.

Bọn họ muốn ầm ĩ thì cứ tự nhiên, miễn sao quấy rầy cuộc sống của nàng là được.

- Đừng để tổ mẫu biết.

Đậu Chiêu dặn Hải Đường.

Hải Đường gật đầu.

Đậu Chiêu bảo Cam Lộ bổ dưa hấu rồi mang lên.

※※※※※

Hôm sau, phụ thân cùng tổ mẫu, nhị thái phu nhân về Bắc Lâu tế tổ rồi dẫn Vương Ánh Tuyết và Đậu Minh lên kinh thành.

Nhị thái phu nhân mời tổ mẫu qua dùng bữa tối.

Tổ mẫu hỏi ý kiến Đậu Chiêu:

- Con nói xem nên đi hay thôi?

Kiếp trước, tổ mẫu như ngọn núi che chở cho nàng. Kiếp này đổi lại là nàng che gió chắn mưa cho tổ mẫu. Đậu Chiêu cảm thấy vô cùng mới mẻ, lại hơi ngạo nghễ như được gánh vác trọng trách vĩ đại.

- Con cùng người qua đó. Dù sao họ hàng trong nhà cũng phải chào hỏi gặp gỡ. Thích thì thường xuyên qua lại, không thích thì ít đến là được rồi. Hơn nữa, chúng ta cũng không ở chung với họ.

Tổ mẫu thấy có lý, cùng Đậu Chiêu qua dùng bữa.

Bữa cơm chỉ có đại bá mẫu ngồi cùng. Mọi người ăn cơm xong, cắn hạt dưa và trái cây, nói chút chuyện cũ rồi giải tán.

Tổ mẫu rất thích ở Thanh Sảng hiên, buổi sáng dậy đi bộ bảy, tám vòng quanh núi giả, mãi đến khi toát mồ hôi mới lại về ngủ.

Đậu Chiêu thấy vậy thì hoảng hốt, ngày nào cũng theo hầu tổ mẫu.

Ban đầu là tổ mẫu đi hai vòng thì nàng đi một vòng, sau đó tổ mẫu đi một vòng, nàng cũng đi theo một vòng. Mới đầu nàng còn thấy nhức mỏi, bước chân rất nặng nề nhưng dần dần lại thoải mái, chân tay linh hoạt.

Tổ mẫu không nhịn được gật đầu:

- Trông gương mặt nhỏ nhắn hồng hồng này rất tinh thần!

Đậu Chiêu mím môi cười.

Đến mùa thu, nàng phát hiện váy may từ mùa xuân đều đã ngắn, để lộ ra đôi hài màu vàng nhạt.

Chương 67: Cứu vãn

Tổ mẫu nói: "Thọ Cô của chúng ta phải may đồ mới rồi". 

Đậu Chiêu lại òa khóc ôm tổ mẫu. Mùa hè trôi qua, tổ mẫu vẫn khỏe mạnh bình an bên nàng.

Phải chăng chỉ cần cố gắng thì có thể thay đổi một số việc?

Đậu Chiêu muốn lên chùa dâng hương.

Tổ mẫu gợi ý:

- Vậy đến chùa Đại Từ đi! Đồ chay ở đó không tệ.

Đậu Chiêu đã ở nhà cùng bà cả một mùa hè. Bà tưởng Đậu Chiêu bị nhốt trong nhà lâu nên muốn ra ngoài chơi.

Chùa Đại Từ là một am ni cô. Khi còn sống, mẫu thân thường đến đó lễ Phật.

Đương nhiên là nàng đồng ý.

Đậu Chiêu cùng tổ mẫu xem lịch chọn ngày. Đầu tiên nàng phái người đi báo cho trụ trì chùa Đại Từ rồi mới dẫn theo a hoàn, vú hầu, gia nhân tiền hô hậu ủng đến chùa Đại Từ,

Chùa Đại Từ có cổ thụ che kín trời, cây xanh vờn quanh, cảnh sắc thanh tĩnh. Chính điện đặt bức tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay cao hơn một trượng, lá vàng lấp lánh xung quanh, ở dưới thì hương nhang nghi ngút. Cả đại điện vô cùng hoành tráng.

Đậu Chiêu và tổ mẫu thành tâm lễ bái, dập đầu lạy ba cái.

Ra khỏi đại điện, gió thổi qua rừng cây khiến lòng người khoan khoái.

Trụ trì mời Đậu Chiêu và tổ mẫu đến hậu điện ngồi nói chuyện. Một người đến hỏi tiệc bày ở đâu?

- Bày ở đây luôn đi!

Từ nhỏ tổ mẫu đã có tính tự lập nên rất ngại làm phiền người khác.

Sư phụ tiếp khách bảo người dưới làm theo.

Hải Đường vui vẻ đi vào:

- Thưa Thôi bà cô, tứ tiểu thư! Chính thập nhất gia, Đức thập nhị gia, tứ thiếu gia, ngũ thiếu gia, lục thiếu gia và Ô tứ gia nghe nói tiểu thư đến đây lễ Phật nên qua đây vấn an tiểu thư.

- Đúng là đến sớm không bằng đến đúng lúc.

Tổ mẫu cười rất vui vẻ, mời bọn họ vào:

- ... Cũng không có ai khác, không chê thì cùng dùng cơm trưa đi?

Hải Đường cười đi truyền lời.

Đám Đậu Chính Xương tươi cười đi vào, hành lễ với tổ mẫu và chào Đậu Chiêu, bảy miệng tám lưỡi cảm ơn tổ mẫu thưởng cơm, trong phòng náo nhiệt như chợ vỡ.

Đậu Chiêu hỏi Đậu Khải Tuấn:

- Sao mọi người biết chúng ta đến chùa Đại Từ?

Đây là am ni cô.

Đậu Khải Tuấn đáp:

- Chúng con đến chùa Đại Phương ngắm mặt trời mọc, nghĩ cơm chay của chùa Đại Từ ngon nên định qua đây xin bữa, không ngờ hai người cũng ở đây.

Chùa Đại Từ được Đậu gia cung phụng. Tuy rằng nam nữ không giống nhau nhưng chỉ cần con cháu Đậu gia đến thì đều được mời cơm.

Đậu Chiêu cười lớn:

- Đúng là đến sớm không bằng đến đúng lúc.

Đậu Khải Tuấn tranh công:

- Nếu không phải con thúc giục mọi người đi nhanh thì sao có thể gặp được tứ cô.

Đậu Đức Xương nháy mắt với Ô Thiện.

Ô Thiện không còn ồn ào trước mặt Đậu Chiêu như trước. Hắn trầm mặc lùi ra sau như thể muốn giấu mình trong đám đông.

Đậu Chiêu ngạc nhiên nhưng vẫn thoáng đoán được.

Giờ Ô Thiện vẫn chỉ là một thiếu niên đôn hậu, lương thiện. Ngày đó hắn nóng vội vạch trần ý đồ của Bàng Ký Tu khiến Đậu Chiêu ít nhiều bị ảnh hưởng. Hắn thấy có lỗi với nàng nên nay gặp lại mới xấu hổ, không dám đối mặt.

Hiểu rõ tâm tư của Ô Thiện, Đậu Chiêu bắt đầu lo lắng.

Thật ra chuyện này cũng không liên quan gì đến Ô Thiện, là nàng muốn đuổi Bàng Ký Tu, muốn để Ô Thiện hết hi vọng nên mới làm chuyện một mũi tên trúng hai đích...

Kể từ đó nàng không gặp lại Ô Thiện, cũng không biết hắn sống thế nào.

Nghĩ đến đây, Đậu Chiêu không thể không nhìn lại Ô Thiện.

Ô Thiện mặc áo thêu lá trúc, tóc đen búi lại bằng chiếc trâm bằng trúc tương phi, bên hông đeo ngọc bội trắng. Người đã cao hơn rất nhiều, cũng gầy đi rất nhiều. Khuôn mặt thanh tú bớt đi sự non nớt và thêm sự sắc bén của thiếu niên. Hắn như mầm nhỏ đầu xuân nháy mắt đã đâm cành trổ lá, trưởng thành đến bất ngờ.

Đậu Chiêu thầm cảm thán.

Mà Ô Thiện thấy Đậu Chiêu nhìn mình thì vừa mừng vừa sợ.

Bao người đứng trước mặt nhưng Đậu Chiêu vẫn nhìn đến mình. Hắn đã làm ra chuyện như vậy mà Đậu Chiêu còn để ý đến hắn ư?

Có lẽ chuyện không nghiêm trọng như hắn nghĩ...

Ô Thiện suy nghĩ, định bước tới nói mấy câu với Đậu Chiêu. Ai ngờ hắn còn chưa mở miệng thì Đậu Chiêu đã nói: 

- Ô tứ ca! Thì ra mấy người thập nhất ca muốn đến nhà huynh tống tiền!

Chùa Đại Phương ở huyện Tân Nhạc.

Ô Thiện nhất thời kích động.

Lúc Đậu tam thái gia qua đời, hắn từng đến chùa Đại Phương cầu bùa bình an cho Đậu Chiêu.

- Không phải, không phải!

Hắn bối rối nói:

- Không phải đến tống tiền! Chỉ có huynh ngày nào cũng ở trong nhà lục thẩm, lục thẩm đối xử với huynh như thập nhất ca và thập nhị ca...

Đậu Đức Xương nghe vậy thì cười lớn, thì thầm với hắn:

- Cuối cùng ngươi cũng nhận ta là thập nhị ca của ngươi!

Mặt Ô Thiện đỏ bừng.

Hắn lớn hơn Đậu Đức Xương ba tháng.

Trừ phi là xếp theo Đậu Chiêu, không thì không có chuyện hắn gọi Đậu Đức Xương là "ca ca".

Đậu Khải Thái không hiểu nên tò mò hỏi:

- Sao mặt Ô tứ cữu đỏ thế? Chó chuyện gì à?

Ô Thiện không sợ người khác chê cười nhưng lại sợ Đậu Chiêu ghét mình cợt nhả.

Hắn cuống cuồng, mồm miệng lắp bắp:

- Đậu thập nhi! Ngươi còn dám nói lung tung thì đừng trách ta không khách sáo.

- Này này! Đến lượt Đậu Đức Xương sốt ruột:

- Tiểu nhân thường hay lo lắng ưu sầu, quân tử lòng trong sáng vô tư...

- Cái này thì liên quan gì đến quân tử, tiểu nhân? Đậu Chính Xương mơ hồ nhìn em trai, ngạc nhiên hỏi:

- Đệ giấu mọi người gì đấy?

- Không có, không có!

Ô Thiện và Đậu Đức Xương không hẹn mà cùng la toáng lên:

- Không có chuyện gì giấu mọi người hết!

Đậu Chính Xương không tin.

Tổ mẫu cười lớn.

Bọn trẻ như ánh bình minh tràn ngập sức sống khiến người ta nhìn thôi cũng thấy phấn chấn.

Đậu Đức Xương, Ô Thiện khiến bà thấy rất thú vị.

- Được rồi! Được rồi!

Bà bảo Hồng Cô xếp chỗ:

- Đã không còn sớm nữa, nếu các con không ngồi xuống là đồ ăn nguội đó.

Đậu Đức Xương và Ô Thiện vừa lườm nhau vừa sóng vai ngồi xuống khiến mọi người lại cười ầm lên.

Lúc ăn không nói chuyện, lúc ngủ không nói chuyện.

Con cháu hai nhà họ Đậu, họ Ô đã được dạy bảo cẩn thận từ nhỏ. Bữa trưa chỉ có tiếng bát đũa khe khẽ va chạm.

Hồng Cô dẫn Hải Đường, Thu Quỳ bưng trà vào cho mọi người súc miệng.

Tổ mẫu hỏi chuyện học hành của Đậu Khải Tuấn:

- ... Có khó không? Tiên sinh dạy dễ hiểu không? Sau này còn thi nữa chứ?

Cách hỏi khác hoàn toàn với các trưởng bối khác. Tuy rằng vấn đề đơn giản nhưng thể hiện rõ sự dịu dàng, ân cần.

Ban đầu Đậu Khải Tuấn chỉ lễ phép đáp lời, sau dần nghiêm mặt, giọng nói tràn ngập sự kính cẩn như lúc đáp lời nhị thái phu nhân.

Đậu Chiêu mỉm cười.

Giọng nói nhẹ nhàng như gió sớm mai của Ô Thiện vang lên:

- Chuyện hôm đó, huynh không cố ý...

Hắn lẩm bẩm, ngữ khí dồn dập.

- Ý huynh là chuyện gì?

Đậu Chiêu ra vẻ không biết, nhỏ giọng đáp lời hắn.

- Là chuyện Bàng Ký Tu...

Ô Thiện thoáng do dự, giọng nói hơinặng nề:

- Huynh xin lỗi muội...

- Huynh xin lỗi vì chuyện đó ư? Vì sao muội phải trách huynh? Nếu không nhờ huynh thì muội cũng không biết nên nói với mọi người trong nhà thế nào. Muội nên cảm ơn huynh mới đúng...

Đậu Chiêu đáp. Ô Thiện há hốc miệng.

Đậu Chiêu mỉm cười với hắn.

Khuôn miệng mở lớn của Ô Thiện dần cong cong, để lộ ra hàm răng trắng như tuyết, trông thật ngây ngô.

Đậu Chiêu nhịn cười quay mặt đi.

Ô Thiện càng cười vui vẻ hơn.

Đậu Đức Xương ngồi đối diện nhìn chằm chằm hai người.

Đậu Chiêu hỏi Ô Thiện:

- Thập nhị ca làm gì mà bị huynh bắt thóp?

Ô Thiện nhìn Đậu Đức Xương, cười cười:

- Hắn chọi gà với người ta, thắng được lục công tử nhà họ Trần một ngàn lạng bạc.

Đậu Chiêu hoảng hốt. Ô Thiện vội nói:

- Muội đừng lo lắng. Ta không đánh bạc cùng hắn. Ta chỉ là cho thập nhị vay một trăm lạng bạc làm vốn.

Đúng là cho chút màu thì đòi mở phường nhuộm.

Nàng thấy Ô gia không tỏ thái độ nên cũng không cần cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Ô Thiện, bình thường vẫn làm gì thì giờ vẫn làm vậy. Ai ngờ Ô Thiện lại nói "Muội đừng lo lắng"...

Đậu Chiêu nhất thời cảm thấy như đứng đống lửa, như ngồi đống than.

Sớm biết vậy thì đã không nói chuyện với hắn.

Đậu Chiêu cười cười, sau đó ngồi nghiêm chỉnh nghe tổ mẫu và Đậu Khải Tuấn nói chuyện.

Ô Thiện lại tưởng nàng đang giận nên vô cùng hối hận. Hắn ngẫm lại đoạn nói chuyện khi nãy, cảm thấy mình có giải thích gì thì cũng không thoát được hiềm nghi, đành phải nhìn Đậu Chiêu chăm chú, mong Đậu Chiêu có thể quay sang nhìn, cũng tiện cho hắn xin lỗi Đậu Chiêu.

Dưới ánh mắt như mặt trời ngày hè của Ô Thiện, Đậu Chiêu mất tự nhiên vô cùng

Nàng nhớ lại kiếp trước.

Sao chưa từng có người đối xử với mình như vậy?

Nếu kiếp trước gặp được một người như này, liệu nàng còn chịu lấy Ngụy Đình Du nữa không?

Nhất thời, suy nghĩ trong đầu nàng như con ngựa thoát cương, miên man chạy dày.

Bên kia, tổ mẫu nghe Đậu Khải Tuấn nói thì vỗ tay tán thưởng:

- Tương lai của con nhất định sẽ rất rộng mở. Người đời đều nói phải học hành giỏi giang nhưng cơ thể không khỏe mạnh thì sao có thể nhớ được những gì trong sách viết? Sao trụ được qua những kì thi kéo dài ba ngày ba đêm? Khi còn trẻ phải đi khắp nơi, thăm thú mọi miền, vừa hiểu biết về đời sống, cũng có thể hiểu việc ruộng đồng, chờ đến khi lớn thêm một chút thì chuyên chú đọc sách, văn viết ra mới sống động, chân thực, làm quan lớn mới hiểu được lòng dân...

- Đúng vậy, đúng vậy!

Đậu Khải Tuấn hưng phấn như thể tìm được tri kỷ đời mình, thao thao bất tuyệt:

- Mỗi khi thấy huyện lệnh vừa rời khỏi sư gia là đã không biết mùa màng năm nay thế nào thì con lại ngỡ ngàng - Ấy chẳng phải là bị phụ thuộc vào người ta? Oai nghiêm của một vị quan phụ mẫu còn đâu? Cho nên con quyết định bỏ ra một năm đi khắp Chân Định, thăm thú xem Chân Định rộng cỡ nào? Có bao nhiêu nhà nông? Hàng năm thu hoạch được bao nhiêu? Thuế thu về bao nhiêu?

Tổ mẫu gật đầu, quay sang hỏi Đậu Chiêu:

- Thọ Cô, giờ Cẩu Thăng đang làm gì? Từ nhỏ nó đã lớn lên từ ruộng vườn, việc này rất quen, lại thông minh. Hay là để nó theo Bá Ngạn...

Đậu Chiêu nghĩ bụng: "Cẩu Thăng người ta giờ đã đổi tên thành Triệu Lương Bích, khó lắm mới từ một gia nhân ngoi lên đến chức quản gia cấp hai, thành quản gia trẻ tuổi, có tiền đồ nhất Đậu gia, sắp được đi làm chưởng quầy rồi mà người còn định bắt hắn đi làm gia nhân cho Bá Ngạn. Sau này cửa hàng của con sẽ do ai trông coi đây?"

Chương 68: Gặp gỡ

- Chuyện này nên tìm người biết viết, biết tính.

Đậu Chiêu đáp:

- Cẩu Thăng chỉ biết viết tên mình. Con thấy không bằng để Thôi Thập Tam đi giúp Bá Ngạn. Chẳng phải nó đang đi học trên huyện sao?

Nàng biết tổ mẫu không thích người họ Thôi dính vào chuyện Đậu gia, sợ người khác nói Thôi gia được một tấc lại tiến thêm một bước, hưởng lợi lộc của Đậu gia. Nhưng so với Triệu Lương Bích, Thôi Thập Tam thích hợp với chuyện này hơn nhiều.

Huống chi, kiếp này nàng đã quyết chí không lập gia đình nên nhất định phải tìm đường khác cho Thôi Thập Tam.

Quả nhiên tổ mẫu nghe nàng nói vậy thì do dự.

Đậu Khải Tuấn là người tinh ý, vừa nhìn đã biết Đậu Chiêu đang muốn cất nhắc người họ Thôi Hắn cười nói:

- Vậy cứ thế đi! Mấy ngày nữa phiền tứ cô sai người dẫn Thôi Thập Tam đến chỗ con. Qua Trùng Dương (ngày 9 tháng 9), con sẽ bắt tay vào làm chuyện này.

Đậu Chiêu đồng ý.

Tổ mẫu phản đối thì có vẻ hẹp hòi nên bà không nhắc đến chuyện này nữa. Mọi người lại kể lại lúc đến chùa Đại Phương ngắm mặt trời mọc:

- ... Nửa đêm bị tiếng chiêng trống làm cho bừng tỉnh. Một người nọ dẫn theo đám trẻ con xướng "Hàn Kỳ vương" ở đại điện. Chúng con và các sư phụ trong chùa, khách hành hương cùng nhau đến xem, lúc trời sáng lại cùng người nọ đến tháp Song Nhạn ngắm mặt trời mọc nhưng đến khi xuống tháp thì đã chẳng thấy người kia đâu, nếu có thể cùng kết giao thì thật tốt.

Đậu Khải Tuấn vô cùng tiếc nuối.

Ô Thiện lại không nghĩ vậy:

- Người nọ ăn mặc hoa mỹ, mang theo trẻ nhỏ, con hát. Ta thấy không có gì tốt cả, không quen còn hơn.

Đậu Khải Tuấn lại nói:

- Người đó nói chuyện khôi hài, cao nhã, cử chỉ tiêu sái. Ta thấy là một người trong sạch.

- Được rồi, được rồi! Cần gì phải cãi cọ vì một người không quen. Ngày mai chúng ta có đến chùa Pháp Nguyên không?

Đậu Chính Xương khuyên can.

Đậu Chiêu ngạc nhiên hỏi:

- Mọi người đến chùa Pháp Nguyên làm gì?

Đậu Chính Xương nói:

- Chùa Pháp Nguyên có cây quế già trăm năm, năm trước bị hỏa hoạn đốt trụi, nghe nói mấy ngày gần đây lại nảy ra cành mới. Chúng ta muốn đi xem.

Đậu Chiêu cười nói:

- Hôm trước, Bá Ngạn bốc phét với phụ thân là mọi người đang ở nhà buộc tóc lên xà nhà. Hóa ra là để đối phó với người lớn!

- Mấy hôm trước đúng là ở nhà đọc sách. Đỗ phu tử ra ngoài gặp bạn mấy bữa nay nên mới cho chúng ta nghỉ bảy ngày. Mọi người tranh thủ đi đây đi đó. Ô Thiện vội nói.

Đậu Chiêu rất hâm mộ.

Tổ mẫu nói:

- Hay ngày mai chúng ta cũng đến chùa Pháp Nguyên đi?

- Chùa Pháp Nguyên xây ở tận trên đỉnh núi. Từ dưới núi lên đến đại điện là 999 bậc thang. Nếu ngày mai người muốn đi thì để con thuê kiệu cho người.

Ô Thiện vội nói. Tổ mẫu cười hiền lành:

- Không cần, không cần! Chẳng qua chỉ là 999 bậc thang thôi mà. Ta đi được.

Đám người Đậu Khải Tuấn nửa tin nửa ngờ, hôm sau vẫn gọi hai cỗ kiệu theo sau.

Đậu Chiêu theo tổ mẫu đến đỉnh núi rồi mà mấy người Ô Thiện vẫn còn thở hổn hển trên đường.

Nàng không khỏi cười lớn.

Tiếng cười thanh thúy như ngọc trai rơi xuống khay ngọc khiến phương trượng Đồ Ấn đang đứng chờ ở đại điện cũng phải nhìn Đậu Chiêu đôi lần.

Người đứng bên cạnh phương trượng "Ơ!" một tiếng.

Đậu Chiêu quay lại nhìn, thấy một thiếu niên ước chừng mười lăm, mười sáu tuổi, mày kiếm, mắt sáng, mặt như quan ngọc, mặc bộ cẩm bào vô cùng hoa lệ, đầu cài trâm bạch ngọc, hông cài bảy, tám chiếc túi đủ các loại. Y đứng lẳng lặng ở đó, phong thái bất phàm.

Theo sau là hai tiểu đồng không quá mười hai, mười ba tuổi, mặt mày thanh tú, trông có vẻ cũng là người có học thức khiến người ta không dám khinh thị.

Thấy Đậu Chiêu nhìn qua đây, hắn mỉm cười chắp tay hành lễ, khí độ ung dung.

Hắn bình thản như vậy, Đậu Chiêu cũng mỉm cười, gật đầu chào hắn.

Tổ mẫu hơi tức giận.

Đồ Ấn vội nói:

- Hôm qua lúc nhận được thư của quý phủ thì vị công tử này đã ngủ lại đây rồi.

Ý là không tiện đuổi người đi.

Cũng may tổ mẫu không phải là người hà khắc, không nhắc tới nữa, cùng Đậu Chiêu đứng đó chờ đám người Đậu Khải Tuấn.

Vị công tử kia hỏi phương trượng Đồ Ấn:

- Không biết gốc quế trăm năm tái sinh là ở chỗ nào?

Thì ra hắn cũng đến để xem gốc quế đó.

Đậu Chiêu dỏng tai nghe.

- Ngay sau điện Đại Hùng, để bần tăng sai người dẫn thí chủ qua.

Phương trượng Đồ Ấn cười nói.

Công tử nói tiếng cảm ơn rồi cùng hai thư đồng đi theo sư phụ tiếp khách ra sau điện.

Đám người Đậu Khải Tuấn khom người chống lưng đi lên.

- Con nhận thua Thôi bà cô ngày ngày làm ruộng nhưng tứ muội bình thường không ngồi thêu hoa thì cũng ra bàn học viết chữ, sao cũng đi nhanh thế? Đậu Đức Xương thắc mắc.

Đậu Chiêu đắc ý cười:

- Huynh tưởng thêu thùa, may vá, viết chữ thì không tốn sức sao?

Trong lòng lại cảm kích tổ mẫu đã kéo nàng đi bộ cùng.

Đương nhiên là bọn Đậu Đức Xương không tin.

Đậu Chiêu cười nói:

- Vậy rốt cuộc mấy người định đi xem cây quế không? Khi nãy đã có người đến trước chúng ta rồi đó.

- Ai thế?

Mấy người Đậu Chính Xương bàn tán:

- Có thể nghĩ giống chúng ta thì chắc chắn không phải là người phàm tục. Hay là mời hắn cùng ăn trưa luôn?

Bọn họ tự dẫn theo cả đầu bếp làm đồ ăn chay lên núi.

Ô Thiện nói:

- Còn tứ muội nữa mà!

Mọi người đều ỉu xìu.

Đậu Chiêu cũng thấy hơi mất hứng.

Đậu Khải Tuấn nói:

- Tứ cô cũng theo chúng ta đi ra ngoài, không bằng cải trang thành gia nhân đi!

Đậu Chiêu động lòng, vội liếc tổ mẫu một cái.

Tổ mẫu như không nghe thấy, cười dài đứng đó nhìn gốc cây tùng xanh biếc ở bên.

Đậu Chiêu hận không thể xông lên ôm chặt lấy tổ mẫu.

Đoàn người ra sau điện Đại Hùng.

Giữa gốc cây tàn có một cành mới đang vươn lên. Cành lá xanh biếc dạt dào sức sống đã bắt đầu có những nụ hoa vàng nhạt. Chùa trồng mộc lan làm hàng rào vây quanh nhưng lại chẳng thấy một ai.

- Không phải muội nói có người đến trước chúng ta sao?

Đậu Đức Xương nhìn quanh rồi hỏi Đậu Chiêu.

Đậu Chiêu cũng ngạc nhiên:

- Nếu huynh không tin thì có thể hỏi Thôi bà cô.

Phương trượng Đồ Ấn giải thích:

- Có lẽ vị đó đã men theo đường mòn ở kia xuống núi rồi.

Bấy giờ, Đậu Chiêu mới phát hiện bên điện có một con đường mòn.

Người này coi như là biết lễ.

Nàng thầm nghĩ trong lòng rồi cùng đám người Đậu Đức Xương nghe phương trượng giảng giải lai lịch của gốc cây này.

※※※※※

Đi du ngoạn hai ngày ở bên ngoài, tuy rằng tinh thần tổ mẫu rất tốt nhưng Đậu Chiêu vẫn không thôi lo lắng, không tham gia du ngoạn trên hồ với bọn họ nữa mà cùng tổ mẫu nghỉ ở nhà.

Tổ mẫu do dự hỏi:

- Thật sự để cho Thôi Thập Tam đi theo Bá Ngạn sao?

- Cũng đâu có gì to tát! Bá Ngạn lại là người có chí hướng. Thôi Thập Tam có thể gây dựng quan hệ với nó thì rất có lợi.

Đậu Chiêu nói tiếp:

- Bá Ngạn chỉ có năm lạng bạc để tiêu vặt hàng tháng. Thôi Thập Tam theo nó, chưa biết là ai giúp ai đâu!

Con cháu Đậu thị thành thân rồi thì tiền tiêu hàng tháng mới được tăng lên nhiều.

Tổ mẫu cười lớn.

Đậu Chiêu gọi Thôi Thập Tam vào phủ, nói chuyện này ra cho hắn.

Lúc ấy, mắt Thôi Thập Tam sáng bừng lên, hỏi khi nào có thể gặp Đậu Khải Tuấn.

Đậu Chiêu kêu a hoàn đi hỏi xem Đậu Khải Tuấn có ở nhà không, để Thôi Thập Tam và tổ mẫu nói chuyện với nhau.

Lát sau a hoàn về báo:

- Ngũ thiếu gia đi chơi hồ còn chưa về nhưng đã dặn hạ nhân rằng nếu Thôi Thập Tam đến thì bảo hắn chờ một lát, thiếu gia sẽ về trước bữa tối.

Đậu Chiêu nghĩ dù sao Thôi Thập Tam cũng là cháu của tổ mẫu, chuyện này lại do mình đề nghị, tiễn Phật tiễn đến Tây Thiên, không bằng mình đi cùng Thôi Thập Tam một chuyến để đám vú hầu nhìn vào đó mà kiêng dè. Nàng cũng nhân dịp này qua thăm lục bá mẫu. Trước khi phụ thân đi, nàng đang theo lục bá mẫu học vẽ, bởi vì lo lắng cho tổ mẫu nên ngừng việc học, giờ đã vào thu, cũng phải bắt đầu lại thôi.

Nàng dẫn Thôi Thập Tam sang phủ Đông.

Vú hầu đang trực ở cửa bên thấy xe ngựa của Đậu Chiêu thì chạy lên đón.

- Tứ tiểu thư, suốt cả mùa hè không thấy tiểu thư qua đây. Mấy vị phu nhân trong phủ đều nhớ tiểu thư lắm đó. 

Nàng ta ân cần giúp Đậu Chiêu lấy thang, ngẩng đầu lên lại nhìn thấy Thôi Thập Tam, thấy hắn mặc áo dài không giống gia nhân thì cười nịnh:

- Ôi, vị tiểu ca này là ai vậy?

Đậu Chiêu mỉm cười, lời ít ý nhiều:

- Hắn là Thôi Thập Tam. Ngũ thiếu gia mời hắn đến giúp việc.

Mắt vú hầu kia trợn lên.

Họ Thôi?

Người nhà  của Thôi bà cô bên phủ Tây?

- Tôi còn tưởng là ai? Trông tuấn tú lịch sự thế này, hóa ra là Thôi tiểu ca!

Vú hầu nịnh hót.

Đậu Chiêu đi vào trong.

Thôi Thập Tam theo sau nàng, cúi người nói:

- Bình thường thấy tiểu thư âm thầm lặng lẽ, không ngờ ở Đậu gia lại có địa vị cao như vậy.

Đậu Chiêu không nói gì.

Nàng được nhị thái phu nhân "yêu quý", ai dám không nịnh bợ nàng?

Tiếc rằng nàng không định chỉnh đốn lại phủ Tây, không thì xưng vương xưng bá ở phủ Tây sẽ càng tiêu dao, thoải mái hơn bây giờ. 

Nghĩ đến cảnh nhiều người ăn cơm của phủ Tây nhưng lại nịnh hót bên phủ Đông, nàng lại có một toan tính.

Hay là mình nhanh chóng tiếp quản nông trang giúp tổ mẫu, từ đó dễ dàng sắp xếp cho người của mình.

Kiếp trước, nàng và Cam Lộ, Tố Quyên cùng nhau lớn lên, tuy rằng danh phận là chủ tớ nhưng tình cảm lại như chân tay, sau khi tổ mẫu qua đời thì nương tựa vào nhau, cùng nhau vùng vẫy khỏi đau khổ để có được những ngày tươi sáng. Song kiếp này nàng lớn lên ở Đông Đậu, lúc tìm được Cam Lộ và Tố Quyên thì hai người đều đã thoáng am hiểu sự đời, tuy rằng làm việc tận tâm nhưng dù nàng đối xử thân thiết với họ cỡ nào thì hai người vẫn không dám quá phận. Đôi khi nàng nói thâm sâu, bọn họ còn thoáng sợ hãi, đâu còn sự gần gũi của kiếp trước.

Nhưng nàng hiểu có được thì sẽ có mất!

Trong lúc miên man suy nghĩ, nàng đã đến tam phòng.

Tam đường tẩu đích thân ra cửa đón nàng.

- Sao muội lại đến đây? Không phải nói muốn ở cùng Thôi bà cô sao? Có chuyện gì sai người qua nói một tiếng là được rồi, còn tự mình chạy đến đây.

Nàng cười khanh khách kéo tay Đậu Chiêu.

- Là Bá Ngạn dặn dò.

Đậu Chiêu nói qua mục đích đến rồi hỏi:

- Thục thư nhi đâu?

- Con bé đang cùng Nghi thư nhi đến chỗ cửu đệ muội học thêu rồi!

Tam đường tẩu và Đậu Chiêu ngồi xuống sập bên cửa sổ.

- Hai đứa nó không còn nhỏ nữa. Nhị thái phu nhân nói rằng trong nhà đã có sẵn sư phụ, đâu cần phải mời người ngoài, chắc gì họ đã giỏi bằng cửu đệ muội.

Đậu Chiêu ngầm hiểu.

Nghi thư nhi, Thục thư nhi và nàng đều đã mười hai tuổi, theo quy tắc của những danh gia thì các nàng đã đến tuổi đính hôn rồi.

Chương 69: Cúc yến

Đậu Chiêu cố nhớ lại hôn sự của Nghi thư nhi và Thục thư nhi. Ở kiếp trước, hai người đều gả cho người đọc sách, hình như một người họ Tôn, một người họ Ngô nhưng con đường công danh của hai người này không có gì nổi bật.

Không biết là hai nhà thế nào.

Nàng đến chỗ lục bá mẫu.

Kỷ thị cũng đang đau đầu vì việc học của Đậu Chiêu. Nàng nói với Đậu Chiêu:

- Đọc sách, viết chữ không thể vội, vội cũng không được gì, mỗi ngày đọc sách nửa canh giờ, viết chữ nửa canh giờ thì sẽ dần tiến bộ. Ta chỉ lo chuyện thêu thùa may vá, quản gia, tính toán sổ sách của con. Hoàng thị sắp sinh rồi, cũng không thể để con qua đó được. Con theo ta học thêu thùa may vá dù không so được với những người giỏi nhưng những thứ thiết yếu sẽ không cần nhờ ai hết. Còn quản gia, tính toán sổ sách thì không thể nói suông. Tốt nhất là con theo nhị tẩu. Tẩu ấy lo liệu việc trong nhà, con đứng cạnh nghe mới có thể học được. Chỗ ta chỉ có mấy việc chẳng đáng là bao, muốn chỉ cho con nhiều hơn thì cũng không có ví dụ thực tiễn, sợ là càng nói càng hồ đồ.

Lục bá mẫu lo toan mọi chuyện cho nàng khiến Đậu Chiêu rất xúc động.

Nhưng những điều lục bá mẫu lo lắng thì lại là thế mạnh của nàng, còn những thứ lục bá mẫu cảm thấy nàng có thể học từ từ thì lại là cái nàng thiếu nhất, mong có thể giỏi hơn nữa.

Nàng cười nói:

- Con vẫn nên chăm chỉ đọc sách thôi! Không phải người vẫn nói đọc sách nhiều thì sẽ thông minh sao? Con đọc sách giỏi thì lúc học thêu thùa, quản gia sẽ đỡ tốn công.

Trước sự lạc quan và ngây thơ này của Đậu Chiêu, Kỷ thị chỉ có thể cười khổ trong lòng, nhớ lại mấy năm trước Đậu Chiêu cũng từng học qua thêu thùa từ mình.

- Hay là thế này đi! Cứ đến giờ Thìn mỗi ngày, con qua đây đọc sách một canh giờ, viết chữ một canh giờ, buổi chiều từ giờ Mùi đến giờ Dậu thì học thêu thùa may vá. Còn chuyện quán xuyến gia đình, ta xem Nghi thư nhi và Thục thư nhi thế nào rồi để cho ba đứa học cùng nhau.

Đậu Chiêu không dám thêu thùa trước mặt Kỷ thị. Nàng chỉ là định bắt chước bọn Nghi thư nhi, vụng về qua loa vài đường kim nhưng ở trước mặt Kỷ thị thì sẽ lò đuôi.

- Hay là buổi sáng con theo người đọc sách viết chữ, buổi chiều ở nhà thêu thùa. Bên phủ Tây cũng có vú hầu thêu đẹp lắm.

Đậu Chiêu cười nói.

Kỷ thị đồng ý.

Đậu Chiêu bắt đầu những tháng ngày đi đi về về giữa Đông Đậu và Tây Đậu.

Không lâu sau có thư của Đậu Thế Anh gửi về. Trong thư viết ông nhậm chức kiểm thảo ở Hàn Lâm viện.

Tổ mẫu hỏi Đậu Chiêu:

- Kiểm thảo là làm gì?

Đậu Chiêu biết đây chỉ là chức quan nhỏ thất phẩm, cười nói:

- Đại khái là giống như quan lại trong huyện nha.

Tổ mẫu cảm thán:

- Chẳng trách tổ phụ con không muốn làm quan! Ông ấy cũng từng làm kiểm thảo ở Hàn Lâm viện.

Nhị thái phu nhân lại rất vừa lòng với điều này, cười nói:

- Cùng chỗ với Trung Trực, hai huynh đệ có thể chăm sóc lẫn nhau.

Nhân cơ hội này, Kỷ thị nhắc đến Đậu Chiêu:

- ... Nói là muốn đi theo Nghi thư nhi, Thục thư nhi đến chỗ Hoàng thị học may vá nhưng con thấy Hoàng thị không tiện nên không đồng ý. Bọn trẻ trong nhà cũng đã lớn dần, chúng ta nên có dự tính càng sớm càng tốt. Mẫu thân thấy để Thọ Cô học cùng đám Nghi thư nhi được không?

- Chuyện này để tính sau đi.

Nhị thái phu nhân nói. Nay đã đầu tháng chín, sắp đến tiết Trùng Dương.

- ... Ta tính mời chủ mẫu các nhà đến nhà ta ngắm cúc. Trùng Dương không ngắm cúc thì sao giống Trùng Dương.

Kỷ thị không tiện dây dưa mãi nhưng Đậu Chiêu đã theo nàng từ nhỏ, nàng lại không có con gái nên coi Đậu Chiêu như con gái mình, cầm kỳ thi họa đều đã dạy qua, dù không thể tính là tinh thông nhưng giao tiếp với văn nhân nhã sĩ hẳn sẽ không đến mức luống cuống. Mắt thấy chỉ cần học thêm chút nữ công gia chính là sẽ hoàn hảo nhưng lại không tìm được người giỏi để dạy con bé. Thứ nữ nhân cần nhất là phải biết quán xuyến gia đình, không thì những vất vả lúc trước đều công cốc.

Nàng chưa từ bỏ ý định, nói tiếp:

- Năm trước thất thúc trồng mặc cúc, nghe nói năm nay còn nở nhiều hơn năm trước. Người thấy có nên chuyển đến đây mấy chậu cho đẹp không?

Đậu Thế Anh đi rồi, hoa cỏ của hắn giao lại cho Đậu Chiêu.

Nhị thái phu nhân gật đầu, nói:

- Một chuyện không phiền hai chủ. Hoa năm trước do con mượn thì năm nay cũng để con chuyển đi!

Kỷ thị đáp lời.

Nhưng không nắm bắt được ý tứ của nhị thái phu nhân.

Nếu muốn giúp Đậu Chiêu thì tại sao không để Đậu Chiêu theo bà học quản gia? Còn nếu muốn chèn ép Đậu Chiêu thì tại sao lại chuyển hoa mặc cúc do Đậu Chiêu trồng về làm hoa khôi trong hội thưởng cúc để các chủ mẫu trong huyện Chân Định đều sẽ biết tiếng Đậu Chiêu?

Vú Vương biết Kỷ thị đi gặp nhị thái phu nhân vì chuyện của Đậu Chiêu. Thấy vẻ mặt hoảng hốt của phu nhân nhà mình lúc về thì bà cũng lo lắng theo, vội hỏi:

- Sao vậy? Nhị thái phu nhân nói gì?

Kỷ thị đón lấy chung trà từ tay vú Vương, nhấp một ngụm rồi mới kể lại.

Vú Vương kinh hãi:

- Chẳng lẽ nhị thái phu nhân muốn giữ tiểu thư ở nhà mãi ư?

- Cũng không đến mức đó! Cho dù nhị thái phu nhân muốn thì cũng không thể giữ được. Kỷ thị nói.

Vú Vương trầm ngâm:

- Thập tam tiểu thư nhà chúng ta lúc gả đi đều đem theo người của cửu phu nhân. Kết quả là thập tam tiểu thư và cô gia... đều phải nhìn sắc mặt của các vú hầu. Thập tam cô gia trong cơn nóng giận đã nâng thông phòng thành di nương. Thập tam tiểu thư ngậm đắng nuốt cay, ngại không dám nói. Nếu không phải di nương kia sinh thứ trưởng từ thì nhà ta vẫn chẳng hay biết gì.

Kỷ thị biến sắc, hoảng hốt tới độ đi đi lại lại trong phòng, hồi lâu sau mới tỉnh táo lại.

Nàng bảo vú Vương:

- Bà mài mực cho ta, ta viết thư cho Trung Trực.

Vú Vương do dự:

- Lục gia nóng tính. Sao phu nhân không viết thư cho thất gia?

- Bên cạnh thất gia có Vương thị, sợ là không giải quyết được mà ta cũng thành cái đích cho mọi người chỉ trích.

Kỷ thị bất đắc dĩ nói. Vú Vương thở dài.

Đậu Chiêu không biết nỗi lo của Kỷ thị, buổi sáng nghe Kỷ thị giảng "Kinh thi", buổi chiều luyện chữ một canh giờ, sau đó cùng tổ mẫu đi dạo trong Đông Khóa viện.

Nàng bàn bạc với tổ mẫu:

- Lục bá mẫu giảng xong "Kinh thi" thì con sẽ không cần qua chỗ bá mẫu đọc sách nữa.

Tổ mẫu vui mừng nói:

- Thế có nghĩa là con đã học xong rồi!

- Học thì sao hết sách được?

Đậu Chiêu đáp:

- Lục bá mẫu nói rằng chỉ có tiên sinh mới có thể giảng "Sử ký", "Tả truyền", bá mẫu từng nghe giảng với anh em trong nhà, máy móc thì có thể nói chứ nếu giảng sâu thì không thể.

Tổ mẫu tiếc nuối. Đậu Chiêu nói:

- Bá mẫu hỏi chúng ta có thể mời một lão tiên sinh đến nhà dạy con được không?

Tổ mẫu chần chừ:

- Phụ thân con nói sao?

- Nếu người đồng ý thì con sẽ viết thư cho phụ thân. Mọi chuyện đều không thành vấn đề! Chỉ sợ là bên nhị thái phu nhân không cho thôi.

Đậu Chiêu nói.

- Ta thiệt thòi cũng vì không được học hành. Con viết thư cho phụ thân con đi. Nếu nó không đồng ý thì chúng ta về nông trang. Chẳng lẽ bọn họ còn bám đuôi đến tận đó?

Tổ mẫu trầm giọng nói.

Lúc tổ mẫu chuyển về nông trang, tổ phụ đã viết khế ước cho tổ mẫu nông trang để làm nơi dưỡng lão, tổ mẫu qua đời thì Đậu gia mới có thể lấy lại.

Đậu Chiêu vô cùng phấn khích.

Nàng biết bất kể nàng làm gì thì tổ mẫu cũng sẽ ủng hộ nàng vô điều kiện.

Đậu Chiêu kéo tổ mẫu về phòng viết thư cho phụ thân.

Vừa mới đặt bút thì Thu Quỳ đã vào bẩm báo, nói Kỷ thị đến.

Đậu Chiêu cùng tổ mẫu ra ngoài đón.

Kỷ thị vội tạ tội với tổ mẫu:

- Sao có thể để người ra đón được!

Tổ mẫu lại cười nói:

- Tôi rất cảm kích phu nhân vì đã chăm sóc Thọ Cô từ nhỏ. Phu nhân đừng khách sáo với tôi làm gì.

Từ khi gả đến Đậu gia, tuy rằng năm nào Kỷ thị cũng gặp tổ mẫu, nói cười đôi câu nhưng lại không biết gì về tổ mẫu. Mãi đến khi Đậu Chiêu muốn đón tổ mẫu về nhà thì Kỷ thị mới sai người hỏi han kỹ càng rồi yên tâm để Đậu Chiêu sống với bà. 

Kỷ thị khách sáo mấy câu rồi đi thẳng vào mục đích.

Tổ mẫu nghe nói là đến mượn mặc cúc thì lập tức nhiệt tình cùng Kỷ thị đến vườn hoa:

- Khi nào thì phu nhân cần? Tôi sẽ cho chuyển qua trước một ngày. Hoa này phải được hứng sương sớm thì mới đẹp.

Kỷ thị hỏi:

- Thọ Cô trồng hoa đẹp thế này là được người chỉ dạy phải không?

- Là Thọ Cô thông minh.

Trong giọng nói của tổ mẫu tràn ngập sự tự hào:

- Lúc trước tôi bảo nó đốt cá khô để đuổi muỗi, nó thấy hoa không nở được lâu thì ném hai con cá khô xuống dưới gốc hoa. Tôi bất ngờ lắm!

Kỷ thị cười lớn.

Tổ mẫu lại chỉ vào cát thu sa, nhạn lai hồng, lão thiểu niên* đang nở rực rỡ:

- Phu nhân nhìn những loại hoa đó kìa. Chúng nở thật đẹp! Sau đó lại đưa một chậu thu hải đường cho Kỷ thị:

- Khắp nơi đều là hoa cúc thì nên có chút màu sắc khác.

Kỷ thị nhìn đóa hải đường mềm mại, những phiến lá xanh biếc xếp dày, chưa qua mưa gió mà đã thật thướt tha thì rất thích. Nàng hỏi:

- Thọ Cô, chỗ con còn những hoa gì?

Từ khi đến kinh thành, Đậu Chiêu không còn lo việc đồng áng. Sau này gả vào phủ Tế Ninh hầu, mỗi lúc phiền chán là nàng lại thích trồng hoa, còn từng tự tay trồng được mẫu đơn hai màu. Những loại hoa cỏ bình thường có là gì với nàng.

Nàng đáp:

- Người muốn hỏi cho cúc yến dịp tết Trùng Dương sao? Chỗ con còn có bồn hoa lan kiếm* đang nở, tuy là loại tầm thường nhưng đặt trong sảnh để đón khách cũng không tệ đâu.

Kỷ thị tròn mắt nhìn Đậu Chiêu:

- Không ngờ con còn biết trồng hoa?

Đậu Chiêu xấu hổ, vội nói:

- Chẳng qua là to gan, không ngại phiền phức, năm nay trồng không tốt thì năm sau thử lại thôi mà.

- Thất bại nhưng không nản chí rất đáng được khen ngợi .

Kỷ thị không ngừng tán dương Đậu Chiêu. Tổ mẫu càng nghe càng mừng, lại chỉ cho Kỷ thị một gốc sơn trà trồng trong bồn sứ tím:

- ... Nghe nói có thể nở ra rất nhiều màu hoa.

Kỷ thị kinh ngạc:

- Thập bát học sĩ?

Đậu Chiêu khiêm tốn đáp:

- Con mới thử trồng năm trước, năm nay còn chưa nở hoa. Không biết có thể nở ra được mười tám đóa hoa không?

Kỷ thị vội dặn đám hầu già:

- Các ngươi cẩn thận đấy! Lại hỏi Đậu Chiêu:

- Trồng thế nào?

- Tốt nhất là đặt ở trước cửa sổ, hai ba ngày tưới nước một lần, nước không được nhiễm bụi, phải gạn sạch mới được.

Nói rồi Đậu Chiêu lại cảm thấy có rất nhiều chuyện cần lưu ý.

- Không phải sáng nào cũng con qua chỗ bá mẫu sao? Cứ để con chăm giúp bá mẫu cho.

- Thế thì còn gì bằng! Vừa khéo ta cũng học được cách chăm thập bát học sĩ này. Tổ phụ ta thích nhất là hoa sơn trà, nhà mẹ đẻ ta ở Nghi Hưng trồng đủ loại sơn trà, một năm bốn mùa lúc nào cũng có hoa nở.

Hoa trà khác với các loại hoa khác, không có mùa hoa cố định. Đậu Chiêu nghe thôi cũng có thể tưởng tượng ra cảnh sắc rực rỡ đó.

Chương 70: Xin giúp đỡ

Đôi khi, quan hệ giữa người và người thật kì diệu. Đậu Chiêu tự nhận là đã nhìn thấu sự đời, làm người tỉnh táo, Kỷ thị thận trọng từng lời ăn tiếng nói, làm việc cẩn thận, là trưởng bối lại được Đậu Thế Anh ủy thác việc chăm sóc Đậu Chiêu, trước mặt Đậu Chiêu không khỏi nghiêm túc, quan hệ của hai người lúc trước dù rất tốt nhưng lại không thể nói là thân mật. Nhưng từ khi bồn hoa thập bát học sĩ kia, Kỷ thị nhìn Đậu Chiêu bớt đi mấy phần thận trọng, thêm vài phần thân thiết, hợp ý.

Mỗi lần học xong, nàng đều giữ Đậu Chiêu lại nói mấy câu:

- Con kiếm được thập bát học sĩ này từ đâu?

- Lần trước phụ thân sửa Đông Khóa viện thì phái người đến Giang Nam chọn hoa. Có người mang chậu hoa này đến rao giá cao, con thấy có vẻ là thật nên mua về.

Kiếp trước bên cạnh nàng đều là người thích ngắm hoa, cài hoa chứ không có ai thích trồng hoa. Kiếp này khó khăn lắm Đậu Chiêu mới gặp được người có cùng sở thích. Nàng phấn khích kể:

- Con còn nhờ hắn ta tìm cho con hai gốc lục giác đại hồng, một gốc xích đan, một gốc phấn đan, một gốc trà mai.*

Lại nói:

- Lục bá mẫu thích lan kiếm không? Con còn bảo hắn tìm giúp con mấy mầm cây đến.

Kỷ thị mở lớn hai mắt:

- Con còn trồng được lan kiếm?

Bấy giờ, Đậu Chiêu mới biết mình lỡ lời, vội nói:

- Con không biết trồng lan nhưng trong phòng phụ thân con có một quyển sách về lan, con đọc thấy rất hay nên dựa vào đó trồng thử mấy chậu lan kiếm xem thế nào.

Sau đó cười duyên dáng:

- Không thử thì làm sao biết được? Chưa biết chừng có thể trồng ra được lan kiếm Đậu thị đó!

Kiếp trước nàng rất thích lan kiếm, nhất là loại tố tâm kiến lan. Nàng thấy nó rất đẹp, rất tao nhã, lại dễ trồng, chỉ cần bỏ chút công chăm sóc là được hai, ba mùa hoa rồi.

Kỷ thị rất muốn đọc quyển sách về lan này nhưng lời đến miệng lại vội nuốt về. Hoa lan quý giá, nhiều nhà trồng lan coi kỹ thuật trồng lan như nghề gia truyền, thậm chí chỉ truyền cho nam, không truyền nữ. Ai biết cuốn sách về lan ở Tây Đậu từ đâu mà có? Thà rằng để Đậu Chiêu tặng mình mấy chậu hoa lan chứ mình không thể mặt dày vô sỉ đòi xem cuốn sách ấy được.

- Bá mẫu chờ Đậu thị kiến lan của con. Chỉ là đến lúc đó đừng quên tặng cho bá mẫu mấy nhánh nha! Nàng cười nói.

Đậu Chiêu thấy Kỷ thị không gặng hỏi chuyện trồng lan nữa thì thở phào nhẹ nhõm, gật đầu cam đoan:

- Nhất định, nhất định rồi.

Kỷ thị và nàng nhìn hai chậu kiến lan còn đang nở kia.

- Con chăm thế nào mà nó có thể nở lâu như vậy?

Đậu Chiêu không dám khoe khoang:

- Con chỉ thử trồng nó trong nhà kính, không ngờ có thể nở đến tận bây giờ, cũng không biết vì sao nở lâu được vậy. Con đã sai a hoàn theo dõi sát sao, ghi lại sự biến hóa từng ngày. Chắc là có thể tìm được nguyên do?

Kỷ thị khen ngợi:

- Lúc trước chỉ thấy con chuyên tâm đọc sách, không ngờ con còn tốn nhiều công sức trồng hoa như vậy.

- Dù gì cũng đã tốn công, sao không cố hết sức để làm tốt nhất? Đậu Chiêu đáp.

Kỷ thị gật đầu, sự tán dương hiện rõ trên mặt.

Một tiểu a hoàn hớt hải chạy vào:

- Lục phu nhân, tứ tiểu thư, Hoàn cửu phu nhân sinh rồi.

Đậu Chiêu và Kỷ thị đều mừng rỡ, đồng thanh hỏi tiểu a hoàn kia:

- Sinh tiểu thư hay là thiếu gia? Hoàn cửu phu nhân vẫn bình an chứ?

Tiểu a hoàn vội bẩm:

- Hoàn cửu phu nhân sinh được một công tử, mẹ tròn con vuông ạ.

Hai người không hẹn mà cùng chắp tay niệm A di đà Phật.

Niệm xong lại nhìn nhau bật cười.

Kỷ thị đề nghị Đậu Chiêu tặng một chậu kiến lan làm quà mừng.

- Đây là cháu trai trưởng, kiểu gì cũng có rất nhiều người đến mừng. Chưa biết chừng nhà họ Hoàng ở Hoài An cũng tới. Người Giang Nam rất yêu lan.

Đậu Chiêu rất bất ngờ.

Kỷ thị luôn khiêm tốn nhưng mấy ngày nay rất lạ, chuyện gì cũng đẩy nàng lên trước.

Mãi đến tối sắp đi ngủ nghe được Hải Đường lẩm bẩm: "Quần áo mùa đông của tứ tiểu thư lại phải may mới toàn bộ" thì mới vỡ lẽ.

Mình cũng đến tuổi làm mai rồi.

Cuối cùng nàng chỉ tặng mấy miếng vải gấm.

Kỷ thị giận nàng nhưng thầm nghĩ lại: "Chính mình đã dạy con bé như vậy!"

Vú Vương nói:

- Tứ tiểu thư có thể chín chắn như vậy, phu nhân phải vui mới đúng chứ!

- Đúng thế! Nó càng như thế, ta càng không nỡ để nó bị mai một đi! Kỷ thị chán nản đáp.

Kỷ thị vẫn dẫn Đậu Chiêu theo mình tham gia yến cúc, đôi khi sẽ để Đậu Chiêu rót trà, mang khăn cho một số vị đức cao vọng trọng.

Đậu Chiêu biết Kỷ thị muốn làm gì nhưng tính cách trời sinh mạnh mẽ khiến nàng không thể tự tay hủy đi thanh danh của mình. Nàng chỉ có thể mỉm cười nhận những lời khen "thông minh lanh lợi", "tinh tế mà vẫn phóng khoáng". Nghi thư nhi và Thục thư nhi còn bị mọi người đem ra so sánh với nàng, một người quá mạnh bạo, một người quá chất phác.

Nhị thái phu nhân ở bên không nói gì.

Vú Liễu thì thầm:

- Ta có nên nhờ lục phu nhân xem lại vị trí đặt những chậu cúc kia không? Lục phu nhân là người Giang Nam, kiến thức sẽ hơn chúng ta.

Nhị thái phu nhân rất mất hứng nhưng Kỷ thị là con dâu của bà, cho dù vú Liễu là lão bộc tri kỉ nhất thì bà cũng không muốn để Kỷ thị mất mặt.

- Đây là bản lĩnh của Thọ Cô.

Nhị thái phu nhân liếc vú Liễu một cái rồi nói:

- Muốn trách thì trách bọn họ đã không dạy dỗ Nghi thư nhi, Thục thư nhi tử tế.

Vú Liễu cúi đầu vâng dạ.

Nhị thái phu nhân vịn tay tam đường tẩu đến phòng khách ngắm hoa.

Bình thường đều là lục bá mẫu đỡ nhị thái phu nhân.

Đậu Chiêu thấy gương mặt bình thản của Kỷ thị thì thở dài trong lòng.

Trước cảnh chiến tranh lạnh không khói súng giữa nhị thái phu nhân và Kỷ thị, Đậu Chiêu không muốn nhận ra dụng ý của nhị thái phu nhân cũng không được.

Dù sao phụ thân cũng là nam tử. Nhà họ Vương lại không được can dự vào hôn sự của nàng. Nhà họ Triệu thì ở xa ngàn dặm, không thể gả nàng đến Tây Bắc. Nàng nhắm mắt cũng đoán được hôn sự của mình sẽ do Đông Đậu quyết định. Nay nhị thái phu nhân không muốn nàng nổi bật hơn Nghi thư nhi, Thục thư nhi chứng tỏ bà không muốn gả nàng đi.

Nàng cũng từng là dâu trưởng nên có thể hiểu được sự lo lắng của nhị thái phu nhân. Thay vì từ chối bà mai rồi đắc tội với các nhà khác, chẳng thà lặng lẽ gả nàng cho người có lợi với Đậu gia hoặc giữ nàng ở lại Đậu gia, cung phụng nàng, dỗ dành nàng chia tài sản đó lại cho con cháu.

May mắn thay, nhị thái phu nhân có kế Trương Lương* của bà thì nàng cũng có thang trèo tường của mình. Kỷ thị sẽ không phải khó xử khi bị kẹp giữa hai người.

Sau khi tiễn khách, Đậu Chiêu đến nói chuyện với nhị thái phu nhân:

- ... Con muốn là người có học thức uyên bác giống lục bá mẫu, lục bá mẫu cũng nói được. Bởi vậy, con đã viết thư cho phụ thân, xin phụ thân mời tiên sinh về phủ Tây để con có thể học tiếp. Đến giờ phụ thân còn chưa hồi âm, con sợ thất phu nhân ở giữa ngăn cản...

Nhị thái phu nhân thấy được sự kinh ngạc trong mắt Kỷ thị. Bà cười nói:

- Con còn nhỏ, đúng là lúc nên chăm chỉ đọc sách. Con yên tâm đi. Ta sẽ đứng ra đảm bảo, Vương thị sẽ không dám làm gì.

Đậu Chiêu mừng rỡ tạ ơn nhị thái phu nhân.

Kỷ thị thở dài, khẽ vỗ vỗ tay nàng rồi đích thân tiễn nàng ra xe ngựa.

Nhị thái phu nhân không muốn công khai chuyện này, chưa đợi Đậu Thế Anh hồi âm thì đã sai Đậu Thế Bảng bí mật tìm thầy dạy cho Đậu Chiêu:

- ... Không được là người quanh Chân Định, học vấn nhất định phải tốt, có thể khiến Thọ Cô có hứng thú học hành.

Đậu Thế Bảng khó hiểu:

- Thọ Cô đâu cần thi trạng nguyên.

Nhị thái phu nhân nói:

- Chúng ta bỏ tiền ra chẳng lẽ để thuê kẻ bất tài? Người ngoài biết thì thể diện của Đậu gia biết giấu đi đâu?

"Nhưng cũng không cần mời một người như thế chứ?"

Đậu Thế Bảng vẫn không hết băn khoăn nhưng không dám hỏi nhiều, cung kính đáp rồi kêu mấy quản gia giúp Đậu Chiêu tìm thầy.

Cho dù là vậy thì tiếng lành về Đậu Chiêu vẫn truyền xa.

Không lâu sau đã có người đến cầu hôn.

Nhị thái phu nhân lấy cớ "tuổi còn nhỏ, ít nhất cũng phải chờ đến cập kê" để từ chối.

Tổ mẫu nghe vậy thì lo lắng, lén nói với Hồng Cô:

- Đợi đến lúc cập kê thì có phải quá muộn rồi không? Sợ là những công tử trạc tuổi đã đính hôn rồi.

Hồng Cô an ủi tổ mẫu:

- Thọ Cô nhà chúng ta xinh đẹp tài giỏi như vậy, sợ gì không kiếm được nhà chồng tốt. Huyện Chân Định không có, chẳng lẽ kinh thành cũng không có?

- Cũng đúng!

Tổ mẫu thoáng an tâm.

Đậu Chiêu nghe vậy thì cười thầm.

Hình như không ai nhắc đến Ngụy Đình Du.

Nếu có thể lấy lại thư đính ước đang trong tay cữu cữu thì tốt rồi... Như vậy thì hôn sự của nàng và Ngụy gia sẽ hoàn toàn thất bại.

Đậu Chiêu lại nhớ đến con gái mình.

Trong trí nhớ của nàng, con bé vĩnh viễn dừng ở cái tuổi mười bốn, mười lăm.

Tâm trạng của nàng bỗng trở nên nặng nề.

Trên đường đến chỗ Kỷ thị, Đậu Chiêu uể oải dựa vào gối trên xe ngựa.

Xe ngựa đang đi bỗng nhiên dừng gấp trong tiếng la hét. Đậu Chiêu và đám Hải Đường, Thu Quỳ đều lảo đảo, va cả vào nhau. 

Giọng nói run run của một cô nương vang lên:

- Đậu tiểu thư, xin tiểu thư hãy cứu phụ thân con!

Đậu Chiêu sửng sốt.

Nếu mở miệng nói "cứu" tức là tình huống rất nguy hiểm.

Dân chúng an phận thủ thường thì có thể gặp nguy hiểm gì?

Nếu đã không quen, nàng cũng không muốn mua việc vào người.

- Bảo xa phu mau chạy đi, đừng làm trễ giờ học.

Hải Đường truyền lời Đậu Chiêu cho xa phu.

Xa phu giơ roi định chạy đi.

Tiểu cô nương kia lại dang hai tay, đứng ở giữa phố.

Xa phu đành phải dịu giọng khuyên tiểu cô nương kia:

- Cô nương có oan tình gì thì đến công đường đánh trống kêu oan. Tiểu thư nhà tôi còn chưa cập kê, chuyện của mình còn phải nhờ trưởng bối trong nhà thì giúp cô nương thế nào được.

Tiểu cô nương kia vẫn kiên quyết đứng đó.

Vú hầu nhảy xuống kéo tiểu cô nương kia đi.

Tiểu cô nương kia vẫn không nhúc nhích.

Vú hầu mặt đỏ bừng, gọi người đến giúp.

Xa phu và một người nữa cùng xuống xe.

Tiểu cô nương kia nhìn về phía xe ngựa, van nài:

- Tứ tiểu thư! Tôi cầu xin tiểu thư! Phụ thân tôi bị oan. Bọn họ nói chúng tôi cấu kết với thổ phỉ nhưng phụ thân tôi thật sự không biết người đó. Bạn bè của phụ thân đến chơi đều là tôi ngâm trà hâm rượu bưng lên. Tôi nhớ mặt tất cả bạn bè của phụ thân. Tứ tiểu thư, tôi cầu xin tiểu thư!

Nói rồi nàng dập đầu thật mạnh. Ba người kéo thế nào cũng không đứng lên.

(*)Kế Trương Lương: Trương Lương là người giỏi dùng mưu kế, từng phò tá Hán Cao Tổ Lưu Bang, có câu nói "Mưu Trương Lương, kế Hàn Tín".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro