Chương 171 - 175

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 171: Thử

Editor: Heo Con

Nguồn: Congchuakhangiay

Ngụy Đình Trân hơi hoảng, vội hỏi vú hầu kia:

- Người nhà họ Đậu còn nói những gì?

- Chẳng biết nên nói bà ta thành thật quá hay là hiền quá nữa! Hỏi ba câu mới trả lời một câu. Nhưng những lời ấy đều là do bà ta buột miệng nói ra.

Ngụy Đình Trân khẩn trương, cùng mẫu thân bàn bạc chuyện này.

Điền thị cũng rất bất ngờ.

- Không phải chứ? Không lý nào Đậu gia không chuẩn bị của hồi môn cho Đậu Chiêu! Hơn nữa còn có của hồi môn do Triệu thị để lại, sao có thể đến khi xuất giá mới chạy đến kinh thành làm áo cưới?

- Cho nên con mới thấy chuyện này rất kì quái! Con nghĩ chúng ta phải phái người đi điều tra kỹ càng...

Điền thị do dự nói:

- Như vậy không tốt lắm đâu! Dù của hồi môn nhiều thì liên quan gì đến chúng ta...

- Mẫu thân! - Ngụy Đình Trân cắt lời Điền thị. 

- Chúng ta chỉ tìm hiểu về của hồi môn của Đậu Chiêu chứ đâu phải muốn chiếm nó đâu. Ai mà chẳng muốn dệt hoa trên gấm chứ! Nếu Đậu Chiêu có thể mang thêm nhiều của hồi môn về đây thì mẫu thân đỡ phải trợ cấp. Nếu Đậu Chiêu có thể để lại chút sản nghiệp cho cháu chắt của mẫu thân thì bọn trẻ sẽ sống thoải mái hơn. Nhà chúng ta neo người, nhà họ Đậu đông người. Nếu Đậu Chiêu và nhà mẹ đẻ thân thiết, em sẽ có nhiều người giúp đỡ. Nếu Đậu Chiêu và nhà mẹ đẻ bất hòa thì mối hôn sự này còn ý nghĩa gì nữa?

Điền thị bị con gái thuyết phục, nói:

- Vậy con giúp ta tìm hiểu đi?

Ngụy Đình Trân chán nản đáp vâng rồi phái vú Kim đi dò hỏi chuyện của Đậu Chiêu.

Hồng Cô mang một bụng lo lắng trở về cửa hàng bút mực, vừa vào cửa đã kéo Trần Khúc Thủy ra nói chuyện: 

- Tôi đã nói theo lời ngài dặn... Nhưng nếu nhà họ Ngụy hiểu lầm tiểu thư không có của hồi môn, khinh thường tiểu thư thì phải làm sao...

Trần Khúc Thủy không đợi bà nói hết đã nghiêm mặt: 

- Bà nói cái gì thế! Chẳng lẽ tiểu thư có của hồi môn thì nhà họ Ngụy gia kia sẽ vội vàng cưới về, không có của hồi môn thì sẽ từ hôn sao? Nếu nhà họ Ngụy là người như vậy thì không cưới còn hơn! Tôi bảo bà đi là muốn bà thăm dò xem rốt cuộc người nhà họ Ngụy thế nào? Nam sợ lấy nhầm vợ, nữ sợ cưới nhầm chồng. Thất lão gia không quan tâm gì hết, Thất phu nhân càng khỏi phải bàn, ngay cả chuyện của con gái ruột còn rối rắm. Tóm lại là chẳng thể trông cậy vào hai người họ. Nếu bây giờ chúng ta không để ý giúp tiểu thư, chẳng phải sau này tiểu thư sẽ lâm vào cảnh khốn khổ ư? Giờ biết thái độ của Ngụy gia, chúng ta cũng dễ bề nghĩ cách, không thể để tiểu thư chịu ấm ức được!

Những lời này khiến Hồng Cô tỉnh ngộ, cảm thấy mình có trách nhiệm lớn lao, chủ động kể với Trần Khúc Thủy: 

- Ngụy phu nhân kia rất hiền lành, đối xử với tối rất khách sáo. Nhưng mà vú hầu của Ngụy phu nhân thì... Ánh mắt bà ta như có kim. Người thử tôi chính là bà ta.

- Đấy! Bà thấy rồi đấy! Chẳng phải đã có kết quả rồi ư? - Trần Khúc Thủy thẳng lưng, nói một cách hiên ngang lẫm liệt.

- Mẹ chồng tương lai của tiểu thư là người lương thiện nhưng người hầu của bà ấy lại muốn thăm dò bà. Điều này chứng tỏ bà ấy quản người dưới không nghiêm, là người dễ nịnh nọt. Thế chẳng khác gì Diêm Vương dễ gặp, tiểu quỷ khó chơi. Nếu tiểu thư nhà chúng ta muốn được mẹ chồng yêu thích thì chuyện đầu tiên phải làm là lấy lòng đám người hầu của mẹ chồng.

Hồng Cô thấy Trần Khúc Thủy nói đúng lắm, gật gù không thôi.

Đậu Chiêu ở nhà là chủ nhân đáng kính, giờ gả đến nhà người ta, không những phải nhìn sắc mặt Ngụy phu nhân mà còn phải nhìn sắc mặt người hầu của Ngụy phu nhân. Bà thật sự cảm thất bất công và khổ sở thay cho Đậu Chiêu, xót xa nói:

- Như vậy thì tiểu thư quá ấm ức rồi!

Trần Khúc Thủy thở dài, nói:

- Thế nên mới nói cô nương ở nhà chính là châu ngọc, gả đến nhà người ta thì thành mắt cá! Có cô nương nào mà chẳng như vậy!

Hồng Cô im lặng một hồi lâu rồi khẽ hỏi: 

- Vậy bây giờ tôi phải làm gì đây?

Bộ dáng như sẵn sàng phối hợp với Trần Khúc Thủy để làm việc.

Trần Khúc Thủy thầm gật đầu, nói: 

- Ngày mai, chúng ta đi vấn an Thất lão gia, cùng Thất lão gia bàn bạc về chuyện đồ cưới của tiểu thư. Tuy trên danh nghĩa tiểu thư có một nửa tài sản Tây Đậu nhưng nếu đưa hết cho nhà họ Ngụy như vậy... Bà cũng thấy đó! Ngụy phu nhân không phải là người có thể quán xuyến gia đình. Ai biết sẽ xảy ra chuyện gì? Có câu chung hoạn nạn thì dễ, chung phú quý thì khó. Nếu nhà họ Ngụy có ý đồ với tài sản của tiểu thư thì sẽ hại tiểu thư. Chúng ta phải xin ý kiến của Thất lão  gia, xem Thất lão gia quyết định chuyện của hồi môn thế nào. Sau đó, bà có thể thoải mái thăm thú kinh thành. Chẳng phải khó lắm mới dịp lên kinh ư? Nếu có ai hỏi gì, bà cứ nói thẳng ra, miễn sao không để lộ những gì Thất lão gia nói với chúng ta.

Hồng Cô khẽ thở phào, người cũng nhẹ nhõm hơn hẳn. Bà sống nửa đời người nhưng chưa từng lừa dối ai, nay nói dối cũng vì đồng ý với Trần Khúc Thủy. Nhưng đúng là họ đến kinh thành chuyến này để cùng Thất lão gia bàn bạc về của hồn môn của tiểu thư.

- Trần tiên sinh yên tâm! Lời của chủ nhân không thể nói linh tinh với người khác. Tôi rất rõ đạo lí này. Ngoài bà Thôi, tôi sẽ không nói cho bất kì ai! - Hồng Cô cam đoan.

Trần Khúc Thủy vui vẻ gật đầu.

Hôm sau, Trần Khúc Thủy và Hồng Cô đến ngõ Tĩnh An tự.

Ngõ này rất xứng với hai chữ "tĩnh an."

Cùng những bức tường trắng và đại thụ xanh um tươi tốt, con ngõ lặng im không một tiếng động, phong thái cổ xưa tự nhiên như tháng năm lắng đọng ấy khiến cho người bước vào bất giác thả chậm bước, thở sâu đều đều.

Đậu Thế Anh ở trong thư phòng tiếp Trần Khúc Thủy và Hồng Cô.

Biết ý định của họ, ông gãi gãi đầu hỏi:

- Thọ Cô nói sao?

Trần Khúc Thủy thầm đếm từ một đến mười rồi mới mở miệng đáp:

- Ý của tứ tiểu thư là ngoài đồ Triệu phu nhân để lại cho tiểu thư thì những cái khác vẫn do Tú Tam gia quản lí, sau khi thành thân, xem cô gia thế nào rồi mới tính.

Chồng quản được vợ là chồng giỏi. Nếu hai người hạnh phúc, sản nghiệp lớn như vậy giao cho trượng phu quản lí là chuyện đương nhiên. Nhưng nếu Ngụy Đình Du không tôn trọng Đậu Chiêu, Đậu Chiêu cũng chẳng cần nể mặt hắn.

Đậu Thế Anh nghe ra ngụ ý của Trần Khúc Thủy, ông sảng khoái nói:

- Vậy cứ làm theo ý tiểu thư đi!

Điều này cũng nằm trong dự kiến của Đậu Chiêu và Trần Khúc Thủy. Trần Khúc Thủy đáp vâng rồi đưa danh sách của hồi môn của Đậu Chiêu cho Đậu Thế Anh:

- Lúc tiểu thư cập kê, cữu phu nhân viết cái này, bà Thôi thêm mấy thứ, Lục phu nhân thêm mấy thứ. Lão gia xem có cần thêm bớt gì không?

Đậu Thế Anh liếc qua rồi trả lại cho Trần Khúc Thủy.

- Nếu cữu phu nhân, bà Thôi và Lục phu nhân đều đã xem thì chắc không có gì sai sót. Các người cứ theo đó mà làm.

Ông nghĩ gì đó rồi nói tiếp:

- Chỗ ta còn có mấy bức tranh, chắc Thọ Cô sẽ thích, đến lúc đó đưa hết cho nó làm của hồi môn đi!

Thứ được Đậu Thế Anh sưu tầm đương nhiên đều là đồ tốt. Trần Khúc Thủy vội thay Đậu Chiêu cảm ơn Đậu Thế Anh.

Đậu Thế Anh cảm thấy mình có thể nhận lễ này, thoải mái tiếp nhận rồi dặn dò Trần Khúc Thủy:

- Về phần của hồi môn mang theo cái gì, ông cứ bàn bạc với Lục phu nhân.

Sau đó lại giữ Trần Khúc Thủy và Hồng Cô ở lại.

Trần Khúc Thủy kính cẩn đáp:

- Vì tiểu thư sắp thành thân nên cửa hàng phải nhanh chóng sửa sang lại. Hồng Cô được bà Thôi phó thác đi mua một số đồ cưới cho tiểu thư, ở cửa hàng sẽ tiện đi lại hơn. Chờ mấy ngày nữa làm xong chuyện, chúng tôi lại đến quấy rầy Thất lão gia.

Đậu Thế Anh không phải là người câu nệ tiểu tiết, cảm thấy Trần Khúc Thủy nói cũng có lí, hỏi sang tình hình ở nhà. Hồng Cô trả lời từng việc rõ ràng.

Mắt thấy đã đến bữa trưa, Trần Khúc Thủy đứng dậy cáo từ:

- Còn phải tới ngõ Miêu Nhi nữa! Tiểu thư còn nhờ tôi đưa mấy thứ cho Lục phu nhân.

Trong lòng Đậu Thế Anh, nhà Đậu Thế Hoành và nhà ông như hai mà một. Ông không để bụng, còn dặn dò bọn họ:

- Nếu Thọ Cô phải gả đến kinh thành, ông cũng có thể thay nó đến thăm hỏi nhà Ngũ lão gia.

Trần Khúc Thủy mừng thầm, cung kính đáp vâng.

Đậu Thế Anh bảo Cao Thăng tiễn hai người ra cửa.

Trần Khúc Thủy lại cương quyết ép Cao Thăng đi vào.

- Người một nhà không cần khách sáo. Tôi không khách sáo với cậu, cậu cũng cần không khách sáo với tôi, nếu không chẳng khác gì người ngoài.

Bọn họ đúng là người một nhà.

Cao Thăng dừng bước, nhìn theo bóng Trần Khúc Thủy và Hồng Cô rời đi.

Trần Khúc Thủy và Hồng Cô dùng tạm bữa trưa ở một quán ăn bên ngõ Tĩnh An tự rồi đến ngõ Miêu Nhi.

Lục phu nhân kéo tay Hồng Cô không buông, ngay cả chuyện Đậu Chiêu ăn gì mỗi ngày cũng hỏi cho rõ ràng rồi mới hỏi Hồng Cô đến kinh thành làm gì.

Hồng Cô chỉ nói là đến bàn bạc chuyện của hồi môn với Đậu Thế Anh, chuyện khác không nhắc nửa lời.

Lục phu nhân nghe âm đoán nhạc, trò chuyện với Hồng Cô một lát thì gia nhân phụng mệnh Trần Khúc Thủy đến mời Hồng Cô đi.

Hồng Cô đứng dậy cáo từ:

- Thất lão gia đã dặn chúng tôi thay tiểu thư đi vấn an Ngũ lão gia.

- Hai người biết nhà không? Đã chuẩn bị quà gì chưa? - Lục phu nhân tự mình đưa Hồng Cô ra cửa, còn quan tâm hỏi han.

Trần Khúc Thủy nói danh mục quà tặng cho Lục phu nhân:

- Quà cho Ngũ lão gia là một chiếc chặn giấy bằng ngọc khắc sư tử, còn Ngũ phu nhân là chuỗi phật châu bằng gỗ quý...

Lục phu nhân biết mọi thứ đều chuẩn bị chu đáo thì mới an tâm, dặn hai người một số điều phải chú ý rồi bảo vú Vương tiễn hai người ra ngoài.

Trần Khúc Thủy và Hồng Cô lại đến ngõ Hòe Thụ mà Đậu Thế Xu ở.

Đậu Thế Xu không ở nhà. Ngũ phu nhân nghe nói người hầu của bà Thôi đến vấn an thì vô cùng ngạc nhiên. Bà nghĩ nghĩ rồi ra phòng khách gặp Hồng Cô.

Hồng Cô đã nghe kể về vị Ngũ phu nhân này từ lâu. Ngũ phu nhân là con gái của Phàn Tuấn Minh – giám khảo chủ trì khi Ngũ lão gia thi cử nhân, không chỉ xuất thân quan lại thế gia mà còn khôn khéo, tài giỏi, là hiền thê của Ngũ lão gia. Vợ nhờ phúc chồng, giờ Đậu Thế Xu là các lão, lúc gặp Ngũ phu nhân, bà khá là sợ, ngay cả đầu cũng không dám ngẩng lên chứ đừng nói là lắm lời.

Ngũ phu nhân nghe nói Hồng Cô là thay mặt Đậu Chiêu đến vấn an thì thoáng an tâm.

Từ sau khi Đậu Thế Xu vào nội các, nhà đông như trẩy hội, đa phần là có việc muốn nhờ cậy. Mà vị Đậu Tứ tiểu thư này dù bà chưa gặp nhưng nghe danh đã lâu, mỗi lần làm gì cũng gây nên một hồi sóng gió. Bà thực sự sợ Đậu Chiêu có chuyện muốn nhờ mình giúp. Mẹ chồng bà là Nhị thái phu nhân đã dặn dò bà, phàm là chuyện liên quan đến Đậu Chiêu thì đều phải thông qua mẹ chồng. Đương nhiên, vì bà là thê tử của Đậu Thế Xu nên đã biết rõ nguyên nhân tại sao phải như vậy.

Chương 172: Sai lầm

Ngụy Đình Trân nhận được tin trong một ngày Trần Khúc Thủy và Hồng Cô đi hết từ ngõ Tĩnh An Tự sang ngõ Miêu Nhi và ngõ Hòe Thụ thì lòng lạnh toát.

- Tức là Trần Khúc Thủy và Hồng Cô kia vẫn còn ở cửa hàng? Hơn nữa, lúc đến ngõ Tĩnh An tự, thậm chí Đậu đại nhân còn không giữ họ ở lại dùng cơm trưa?

-Vâng ạ! Không chỉ có thế thôi đâu! Họ còn không được gặp Thất phu nhân. - Kim ma ma gật đầu quả quyết:

- Tại sao có thể như vậy? - Ngụy Đình Trân nhíu chặt đôi mày.

Vú Kim từng bị Đậu Chiêu khiển trách chẳng chút lưu tình nên giờ khá hả hê, đương nhiên là mong Đậu Chiêu càng không hay ho càng tốt. Bà đảo mắt, khẽ nói với Ngụy Đình Trân:

- Lúc bọn họ ra khỏi nhà Đậu các lão, tay cầm mấy hộp điểm tâm, trông như lũ ăn mày.

Sắc mặt Ngụy Đình Trân càng khó coi. Nàng nghĩ nghĩ rồi đi đến phủ Tế Ninh hầu.

Điền thị nghe tin này thì trợn mắt há mồm, hiển nhiên là không ngờ Đậu Chiêu ở Đậu gia lại vất vả như vậy, hồi lâu sau mới ngập ngừng nói:

- Thế thì có cách gì? Chẳng qua là thêm đôi đũa thôi mà, Coi như ta nuôi thêm một đứa con gái.

Ngụy Đình Trân không phục, nói:

- Mẫu thân! Mẫu thân nghĩ mà xem! Vương thị là mẹ kế, ghét con gái của vợ trước cũng là chuyện bình thường, có thể hiểu được. Nhưng vì đồ cưới của Đậu Chiêu mà vị tiên sinh phòng kế toán kia phải đi xin hết nhà này đến nhà khác, ấy thế mà ai cũng chỉ qua loa cho xong việc. Điều ấy chứng tỏ cái gì? Chứng tỏ không chỉ mình mẹ kế không thích Đậu Chiêu. Chưa biết chừng Đậu Chiêu kia có vấn đề về phẩm hạnh. Đình Du nhà ta có tướng mạo, có gia giáo. Từ khi em còn nhỏ, nhà ta đã mời tiên sinh về dạy dỗ em nên người, lớn lên lại sợ em giao du với những kẻ ăn chơi trác táng, mời sư phụ dạy em bắn tên, chẳng biết đã tốn bao nhiêu tâm huyết? Nhìn khắp kinh thành này được mấy người như Đình Du nhà ta? Có danh môn thục nữ nhà nào mà không xứng? Dựa vào cái gì phải chịu thiệt như vậy? Em là bảo bối được nhà ta nâng niu trong lòng bàn tay đó!

Điền thị nghe vậy thì khóc òa:

- Thế con nói phải làm sao bây giờ? Còn có thể hủy hôn được ư? Muốn trách thì cứ trách ta đi! Nếu ta không nhiều chuyện chạy tới thăm Triệu thị thì sẽ chẳng có mối hôn sự này... Ta vốn tưởng Tây Đậu ít người, Đậu Chiêu là trưởng nữ, kiểu gì Đậu Vạn Nguyên kia cũng không bỏ bê nó. Ai biết lại thành ra thế này?

Ngụy Đình Trân chợt nảy ra một suy nghĩ. Nàng ngồi xuống cạnh mẫu thân, lấy khăn tay đưa cho mẫu thân lau nước mắt rồi hỏi nhỏ:

- Hay là chúng ta hủy hôn đi?

Điền thị như nghe thấy sét đánh ngang tai, xua tay lia lịa:

- Không được! Không được! Đình Du chịu tang, Đậu Chiêu đã đợi nó ba năm. Huống chi, hôn sự này được giành từ tay Hà gia về, cứ thế hủy... Biết ăn nói thế nào? Vả lại Đậu Chiêu chẳng làm gì sai...

- Mẫu thân! Mẫu thân hãy nghe con nói đã.

Ngụy Đình Trân nắm tay mẫu thân để Điền thị ổn định lại, lắng nghe con gái nói chuyện.

- Chuyện trong thiên hạ phụ thuộc vào miệng người đấy thôi. Mẫu thân xem thế tử Tống Mặc của phủ Anh quốc công đó. Hắn giết nhiều người như vậy, ai chẳng biết nhà bọn họ xảy ra chuyện gì. Nhưng hai cha con họ ra khỏi cửa vẫn thân thiết yêu thương nhau, có người hỏi đến chuyện Tống Mặc giết người thì một mực khẳng định đám hộ vệ đó là đạo tặc, ngay cả hoàng thượng hỏi đến cũng không lộ nửa lời, kiên quyết cho qua việc này. Còn hai ba tháng nữa là Đình Du trừ phục rồi, chẳng phải nó và Cố Ngọc, Tống Mặc đang bận làm ăn ư? Đến lúc đó, chúng ta chỉ cần nói là bận bịu công việc, muốn kéo dài hôn kì. Đậu Chiêu ở nhà không được đối xử tử tế như vậy, chắc chắn có người không thích nàng ta gả cao. Người khác thì khó nói chứ còn Vương thị kia...

Nàng nhướn mày.

- Chúng ta chỉ cần nghĩ cách gặp Vương thị rồi làm thân với Vương thị. Vương thị là tiểu thiếp được phù chính, sao lại không động lòng chứ? Sau đó thông qua Vương thị tìm được sai sót của Đậu Chiêu. Mẫu thân, chuyện này chỉ cần có lòng thì nhất định sẽ làm được!

- Nhưng như vậy sẽ hại Đậu Chiêu. Nó ở nhà đã không sung sướng gì, nếu bị hủy hôn thì làm gì còn đường sống nữa...

Ngụy Đình Trân nhẹ nhàng khuyên nhủ:

- Mẫu thân nghĩ thế là sai rồi! Ngũ bá phụ của Đậu Chiêu là các lão, không biết bao nhiêu người đọc sách muốn kết thân với nhà họ Đậu. Con cháu thế tộc không được nhưng chẳng lẽ đám con cháu của những nhà kém hơn cũng không được sao? Có khi hủy hôn với nhà ta, nàng ta lại tìm được người môn đăng hộ đối, sống hạnh phúc ấy chứ.

Điền thị vẫn không đành lòng.

Ngụy Đình Trân tức giận:

- Mẫu thân! Vì sao lúc trước con lại được gả đến nhà họ Trương? Nếu mẫu thân để em lấy Đậu Chiêu kia về thì con sẽ thế nào đây?

Nghĩ đến mấy năm chịu bao tủi nhục ở nhà họ Trương, Ngụy Đình Trân lại nức nở:

- Nhà chúng ta vốn không có gia sản gì, nay em được Tống Mặc tiến cử, mắt thấy sẽ đến ngày kiếm được tiền về, muốn lấy danh môn thục nữ nhà ai mà chẳng được! Con đã thế này rồi, em còn không được mối duyên lành thì con sống có ý nghĩa gì nữa? Cuộc đời có hi vọng gì?

Nói rồi ôm mặt khóc òa.

Điền thị bị chọc trúng chỗ đau, cũng ôm Ngụy Đình Trân khóc òa.

Phòng Điền thị nhất thời biến thành vùng sông vũng nước.

※※※※※

Lúc Vương Ánh Tuyết nhận được danh thiếp của Ngụy Đình Trân thì vô cùng kinh ngạc, nói với vú Hồ:

- Chẳng lẽ nàng ta không biết việc trong nhà đều do vợ Cao Thăng quản lý ư?

Lúc nói lời này, vẻ mặt hiện lên sự trào phúng.

Vú Hồ bưng đĩa mận đã rửa sạch cho Vương Ánh Tuyết, cười nói:

- Tứ tiểu thư sắp xuất giá, đâu thể nói trước mặt xui gia là giờ phu nhân không cai quản chuyện nhà.

- Giờ muốn ta giữ thể diện cho họ thì sao lúc trước còn làm thế! - Vương Ánh Tuyết cười khinh, quẳng thiếp lên sập, nói với a hoàn đến bẩm báo:

- Không tiếp!

Vú Hồ ra dấu với a hoàn kia rồi khuyên Vương Ánh Tuyết:

- Chắc chắn là Tứ tiểu thư sẽ xuất giá từ ngõ Tĩnh An tự. Lúc ấy, Ngũ phu nhân và Lục phu nhân sẽ sang giúp. Đó chính là cơ hội của phu nhân. Phu nhân cần gì phải so đo chút chuyện cỏn con với Tứ tiểu thư? Ngũ tiểu thư đã mười ba tuổi, đến tuổi làm mai mối...

"Nếu người nhà họ Đậu muốn đè ép mình, việc trong nhà bị truyền ra ngoài thì còn nhà giàu có môn phong trong sạch nào chịu lấy Đậu Minh nữa?

Vương Ánh Tuyết lại rơi nước mắt:

- Tại Đậu Thế Anh quá độc ác! Đậu Chiêu là khuê nữ của hắn còn Minh thư nhi thì không phải ư? Nếu năm đó không vì hắn thì ta đâu đến nỗi rơi vào kết cục này.

Sau đó lại oán trách đại tẩu Cao thị.

- Lúc phụ thân gặp chuyện, ta đối xử với nàng ta quá tốt, Nam ca nhi bệnh nặng, nếu không có ta thì nó đã chết non rồi. Nay nàng ta có cuộc sống thoải mái, có trượng phu làm đại quan biên giới thì quay đầu không nhận người thân. Ta chỉ muốn nàng ta tìm giúp Minh thư nhi mối lương duyên trong đám con cháu nhà họ Cao mà nàng ta lại ra sức từ chối, cứ như sợ ta bám lấy Nam ca nhi, vội vàng giúp Nam ca nhi đính ước với cháu gái Cao Minh Châu...

Vú Hồ im lặng.

Sau khi Vương Ánh Tuyết bị tước quyền quản lý gia đình, nhà họ Vương và Vương Ánh Tuyết dần xa cách. Cách mấy ngày là Vương Ánh Tuyết lại nói những lời này một lần. Không phải trách Cao thị thì cũng là mắng mỏ Bàng thị, không thì lại than lúc trước bị Đậu Thế Anh lừa gạt làm thiếp như thế nào...

Đâu còn vẻ phóng khoáng như năm đó đi buôn bông... Chẳng khác gì oán phụ của nhà hào môn!

Nghĩ đến đây, chính vú Hồ cũng hoảng hốt. Bà cẩn thận nhìn lại Vương Ánh Tuyết. Khuôn mặt khô vàng, thần sắc ủ rũ, lải nhải oán hận... Mặc kệ có người nghe hay không, Vương Ánh Tuyết vẫn tự nói tự nghe.

Vú Hồ xót xa, không nhịn được cắt lời Vương Ánh Tuyết:

- Thất phu nhân! Phu nhân là người thông minh, trước cảnh khó khăn ngày ấy mà phu nhân vẫn có thể mở ra cục diện mới thì cửa ải này đã là gì?

Vương Ánh Tuyết ngẩn ra, ánh mắt vô thần dần sáng ngời lại, khóe miệng mấp máy, định nói gì đó thì lại có tiểu a hoàn xông vào:

- Thưa Thất phu nhân, Thất lão gia đến ạ.

- Hả!

Vương Ánh Tuyết quay sang nhìn vú Hồ.

Đậu Thế Anh nhanh chóng đi đến. Ông vẫn mặc triều phục, thái độ khẩn trương, chắc là vừa nhận được tin đã vội trở về.

- Nghe nói cô nhà Tế Ninh hầu muốn gặp nàng. Đó là chị chồng của Thọ Cô. Ta đã dặn Cao Thăng tiếp đón chu đáo. Đến lúc đó, nàng cũng phải nhiệt tình, phải làm cho chị chồng của Thọ Cô cảm thấy như đang ở nhà!

Vương Ánh Tuyết nhìn Đậu Thế Anh. Đậu Thế Anh đối đãi với mình vẫn bằng vẻ mặt ôn hòa, thái độ tôn trọng.

Trong lòng pha tạp đủ mọi cảm xúc. Bà cứ tưởng Đậu Thế Anh đối xử dịu dàng với mình nhưng giờ mới hiểu, đây chính là tính cách của hắn. Hắn đối xử với ai cũng đều như vậy.

Thủ đoạn mềm dẻo áp lên người bà, bà nghĩ sẽ không đau nhưng nào biết nó có thể tra tấn đến chết.

Vương Ánh Tuyết rất muốn hắt ly trà đầy nước vào mặt Đậu Thế Anh. Nhưng nghĩ đến Đậu Minh và hôn sự của con, bà chỉ có thể nắm chặt tay rồi lại buông lỏng ra, mấy lần lặp lại như thế.

Bà nghe thấy mình dùng ngữ khí hiền dịu đáp lời Đậu Thế Anh:

- Thiếp biết rồi, tuyệt đối sẽ không làm mất mặt Tứ tiểu thư.

Đậu Thế Anh hài lòng gật gật đầu, rời đi không lâu thì vợ Cao Thăng bưng một cái hộp đến.

Vương Ánh Tuyết mở ra.

Bên trong là quần áo đẹp đẽ, chiếu rọi khắp căn phòng.

- Phu nhân phải tiếp khách nên Thất lão gia bảo Khẩu Tử nhà tôi đến Ngọc Bảo Hiên mua chỗ trang sức và quần áo này.

Vợ Cao Thăng mặt như trăng rằm, cười tươi vui mừng. Mẹ con Khẩu Tử là người thông minh, tuy quản lí việc trong nhà nhưng vẫn đối xử cung kính với Vương Ánh Tuyết, khiến Vương Ánh Tuyết không thể bới lông tìm vết.

Nàng nhún chân hành lễ rồi lui ra ngoài.

Vương Ánh Tuyết đóng sầm nắp hộp lại, mặt xanh mét.

- Thế này là sao? Ta giúp Đậu Chiêu nâng cao thể diện?

Vú Hồ thầm thở dài.

Trong thư phòng ở Di Chí đường, Nghiêm Triều Khanh và Liêu Bích Phong đang hỏi chuyện Trần Hạch, thái độ rất kinh ngạc.

- Trần Khúc Thủy đến kinh đô từ bao giờ? Ông ta định làm cái gì?

Trần Hạch cung kính đáp:

- Nghe nói là vì hôn sự của Tứ tiểu thư. Cửa hàng của Tứ tiểu thư cần kiểm tra lại, còn phải bàn bạc với Thất lão gia về chuyện xuất giá từ đâu. Chỗ Ngũ lão gia, Lục lão gia cũng phải đi thông báo một tiếng... Coi bộ còn rất nhiều việc.

Liêu Bích Phong đang ở đây nên Trần Hạch tỉnh lược đi họ nhà Đậu Chiêu.

Chương 173: Mất mát

Tống Mặc gật đầu, nói:

- Vừa khéo ngày mai ta có việc phải đến nông trang Đại Hưng. Ngươi viết cho Trần Khúc Thủy một thiếp mời đi!

Cả phòng đều sửng sốt.

Vừa rồi bọn họ còn đang thương lượng đi gặp Tam phò mã Thạch Sùng Lan. Sao trong nháy mắt Tống Mặc lại thay đổi quyết định rồi?

Liêu Bích Phong vừa mới đến, tự nhận còn chưa hiểu rõ tính tình Tống Mặc, quay sang nhìn Nghiêm Triều Khanh, thấy Nghiêm Triều Khanh cúi đầu uống trà không nói gì, hắn cũng chẳng hé môi. Trần Hạch đáp lời rồi lui ra.

Liêu Bích Phong lại tiếp tục đề tài khi nãy: 

- Dù quốc công gia muốn tục huyền nhưng thế tử gia đã đến năm đi học, nhị gia cũng qua tuổi tóc trái đào, nhà có gia thế chắc gì đã chịu gả con gái. Nhà kém một chút lại không với đến, vô ích với cục diện hiện tại. Lần này, quốc công gia từ chối con gái của Đô chỉ huy sứ Bành Phong vệ Tuyên Châu, muốn lấy em út của Trường Hưng Hầu, từ đó có thể thấy được suy tính của quốc công gia. Công tử chớp lấy thời cơ đi gặp Tam phò mã để cho nhà họ Thạch biết thế tử gia có chí lớn. Dựa vào cách hành sự nhất quán của nhà họ Thạch, phân nửa sẽ không đồng ý với lời cầu hôn của quốc công gia. Tóm lại là một ý kiến hay.

Nghiêm Triều Khanh khẽ gật đầu, cũng tán dương: 

- Nhà họ Thạch luôn trọng lợi khinh tình, thích kết thân với hào môn quyền quý, không thì Thạch Sùng Lan đã chẳng lấy được công chúa. Quốc công gia muốn lấy cô nương nhà họ Thạch cũng vì lý do đó. Nếu chúng ta chứng minh cho nhà họ Thạch thấy hôn sự này không thể đem lại lợi lộc gì cho bọn họ, thậm chí còn đắc tội với thế tử gia thì chắc chắn sẽ không đồng ý.

Chốn quan trường không thiếu những thiếu niên lang. Thiếu niên lang chính là người có khả năng vô hạn, chưa biết chừng ngày nào đó sẽ trở thành quý tộc. Huống chi, Tống Mặc khí thế mạnh mẽ, nếu Thạch Sùng Lan đồng ý gả muội muội cho Tống Nghi Xuân thì sẽ không còn đường cứu vãn, đứng ở mặt đối diện với Tống Mặc.

Tống Mặc không lên tiếng, có vẻ bất an.

Liêu Bích Phong nghĩ Tống Mặc phiền não vì hôn sự của Tống Nghi Xuân, nghĩ mâu thuẫn giữa Tống Mặc và Tống Nghi Xuân. Hắn bèn hạ thấp người, đưa ra chủ ý cho Tống Mặc: 

- Thế tử gia, quý phủ không có người quán xuyến, quốc công gia muốn tục huyền là chuyện bình thường, không ai có thể ngăn cản. Nhưng nếu thế tử gia thành thân thì lại khác – Phu nhân của quốc công là vợ kế, phu nhân của thế tử là nguyên phối, một lớn nhỏ, một đích thứ, chuyện quản lý trong phủ về tay người nào thì phải xem xuất thân của ai hiển hách hơn. 

Nói tới đây, hắn lại nhìn Nghiêm Triều Khanh rồi nói ra quyết định hai người đã bàn bạc lúc trước: 

- Muội muội của thế tử Uông Thanh Hoài nhà Duyên An hầu, thứ nữ Tôn cữu gia nhà thái phu nhân... Còn có công chúa Cảnh Nghi do hoàng hậu sinh đều đến tuổi thành thân. Tháng một sang năm, thế tử gia trừ phục, lên kế hoạch trước sẽ nắm được tiên cơ!

Tống Mặc cười nhạo: 

- Chỉ sợ phụ thân ta cũng có ý này.

Liêu Bích Phong cười trừ.

Tống Mặc lại nói: 

- Chuyện này để nói sau đi. Trước cứ khiến ông ấy gặp khó khăn với nhà họ Thạch đã.

Lời tuy là vậy nhưng nhà họ Thạch vẫn chưa từ chối Anh quốc công một cách thẳng thừng, mối hôn sự này vẫn có thể thành công. Liêu Bích Phong vội hỏi: 

- Vậy chỗ Tam phò mã?

- Để ngày kia đi! - Tống Mặc thản nhiên nói.

Liệu có quá muộn không?

Liêu Bích Phong vừa định khuyên nhủ Tống Mặc thì lại cảm thấy ống tay áo bị giật giật rồi nghe được giọng nói của Nghiêm Triều Khanh: 

- Một khi đã vậy, chúng tôi xin cáo từ trước. Thế tử gia cũng nghỉ ngơi sớm để sáng mai tới nông trang

Tống Mặc ừ một tiếng.

Nghiêm Triều Khanh và Liêu Bích Phong đứng dậy cáo từ.

Vừa ra khỏi nhà chính, Liêu Bích Phong lập tức thấp giọng hỏi Nghiêm Triều Khanh: 

- Trần Khúc Thủy kia là người nào? Sao thế tử gia lại khách sáo với y như vậy. Nghe giọng điệu của thế tử gia thì hình như y đang làm phụ tá cho nhà ai đó. Sao không mời y đến đây?

Nghiêm Triều Khanh không tiện trả lời hắn.

Muốn giải thích Trần Khúc Thủy là ai thì phải nhắc đến Đậu Tứ tiểu thư... Mà điều thế tử gia lo lắng nhất bây giờ là làm liên lụy đến Đậu Tứ tiểu thư. Nhưng cũng không thể không nói rõ thân phận của Trần Khúc Thủy với Liêu Bích Phong – giờ Liêu Bích Phong là phụ tá của thế tử gia, nếu không biết gì về chuyện của thế tử gia thì có nguy cơ phán đoán sai. Đó chính là điều không tốt!

Đậu Tứ tiểu thư sắp thành thân, dù thế tử gia và Ngụy Đình Du thân thiết thì hai người cũng không thể có mối quan hệ như bây giờ. Thế tử gia quen Đậu Tứ tiểu thư ra sao, về sau vẫn còn cơ hội nói rõ cho Liêu Bích Phong!

Nghiêm Triều Khanh nhanh chóng nghĩ ra lí do thoái thác: 

- Trần Khúc Thủy tên Ba, trước là phụ tá của tuần phủ Phúc Kiến Trương Giai đã bỏ thành mà chạy, sau về quê cũ Chân Định, làm tiên sinh phòng kế toán cho nhà họ Đậu ở Bắc Lâu, rất được Đậu Thất đại nhân coi trọng, giúp đỡ chăm sóc trưởng nữ của Đậu Thất đại nhân để lại Chân Định. Lúc thế tử gia gặp chuyện không may, vừa khéo ông ấy đang ở kinh thành, vì từng chịu ơn của Định quốc công nên giúp đỡ thế tử gia. Lại vì nhà họ Đậu thu nhận ông ấy lúc sa cơ lỡ vận nên ông ấy nhớ ơn cũ, không muốn từ biệt, vẫn ở lại nhà họ Đậu. Nếu ông ấy đến kinh thành, chắc chắn là thế tử gia muốn tiếp đãi chu đáo.

Liêu Bích Phong lại cảm thấy lời của Nghiêm Triều Khanh có sơ hở. Nếu thực sự như thế, thế tử gia nên quan tâm Trần Khúc Thủy ở Đậu gia sống thế nào mới chứ? Nhưng hình như thế tử gia lại rất để ý hôn sự của vị tiểu thư nhà họ Đậu kia.

Nghĩ đến đây, vẻ mặt đăm chiêu của Tống Mặc lại hiện lên trong suy nghĩ của Liêu Bích Phong. Hắn giật thót. Chẳng lẽ thế tử gia... Nhưng hắn nhanh chóng chôn vùi suy nghĩ này xuống đáy lòng. Hắn không cùng thế tử gia trải qua trường kiếp nạn kia, muốn được thế tử gia và tâm phúc của thế tử gia chấp nhận thì cần thêm thời gian.

Chuyện này không vội, dần dần sẽ điều tra ra được.

Liêu Bích Phong hỏi Nghiêm Triều Khanh về việc Tống Mặc đến nông trang: 

- Có cần tôi đi theo không?

- Để xem thế tử gia định thế nào đã! Dù sao Trần Khúc Thủy cũng là người làm thuê, xem ông ấy đi được không rồi hãy tĩnh.

Nghiêm Triều Khanh cũng nhìn ra tâm tư của Tống Mặc, sợ xuất hiện lời đồn không hay quyết định không cho Liêu Bích Phong cùng đi.

Liêu Bích Phong đổi đề tài, sau đó về dặn thư đồng của mình chú ý xem có thiếp của Trần Khúc Thủy gửi đến không. Chiều hôm sau, thư đồng đến đáp: "Không thấy thiếp của Trần Khúc Thủy."

"Chẳng lẽ Trần Khúc Thủy này từ chối ý tốt của thế tử gia?"

Liêu Bích Phong không nhịn được mà lầm bầm trong lòng.

Cùng lúc đó, Trần Khúc Thủy đã đến nông trang Đại Hưng.

Sao ông có thể lấy danh nghĩa của mình để hồi đáp Tống Mặc chứ? Thế chẳng phải là tự bại lộ thân phận của mình với Anh quốc công ư?

Nếu không thể từ chối lời mời của Tống Mặc thì mình cứ đến thẳng chỗ của hắn là được.

Tống Mặc thấy ông thì phấn khởi, mời ông phẩm trà.

Hàn huyên đôi câu, đề tài lại chuyển về hôn sự của Đậu Chiêu.

Trần Khúc Thủy bội phục khả năng nhìn người của Đậu Chiêu.

Ngày đó ở nông trang, thấy Đậu Chiêu cẩn thận hết mực, thậm chí là kính sợ tiễn Tống Mặc đi, ông còn không cho là đúng. Nhưng từng chuyện xảy ra về sau đã chứng tỏ sự sáng suốt của Đậu Chiêu khi ấy.

Ông cho rằng giữ khoảng cách với Tống Mặc là hoàn toàn cần thiết, cho nên không định nói cho Tống Mặc biết mục đích mình đến kinh thành lần này. 

- Lúc cữu phu nhân trở về, đồ cưới của tứ tiểu thư cũng đã chuẩn bị đầy đủ rồi, chỉ đợi cô gia qua ngày trừ phục. Bà Thôi phái chúng tôi đến hỏi Thất lão gia xem tiểu thư xuất giá từ Chân Định hay từ kinh thành? Mời ai làm người toàn phúc*? Con gái chốn kinh thành gả đi phải chú ý điều gì? Bên tiểu thư còn cần chuẩn bị thêm gì không?... Rất nhiều chuyện, nói hai khắc thời gian không hết, càng khỏi cần bàn chuyện phải làm.

Ông cười khổ, bộ dáng như không thể làm gì hơn, cảm thán:

- Thành thân phiền toái quá mà!

- Vậy ư?

Sau khi Đậu Chiêu thành thân, trong lòng Đậu Chiêu sẽ chỉ có Ngụy Đình Du... Nếu hắn gặp nàng, dù nàng bình thản, Ngụy Đình Du không để ý nhưng cũng là thất lễ!

Hắn đột nhiên cảm thấy mất mát, hứng thú tan biến, nghĩ mình cần phải đến phủ Tam phò mã ngay.

Kỷ Vịnh biết Trần Khúc Thủy đến kinh thành thì cũng rất hưng phấn. Hắn hỏi Tử Tức: 

- Tin này chính xác chứ?

Tử Tức vỗ ngực, nói:

- Đúng thế ạ! Ông ấy ở lại cửa hàng của Tứ tiểu thư, hai ngày trước còn đi thăm mấy vị lão gia Giang Đông, hôm nay đến Đại Hưng thăm bạn thì bị chúng tôi nhìn thấy.

Kỷ Vịnh tò mò hỏi: 

- Điều tra được bạn của Trần Khúc Thủy là ai chưa?

- Rồi ạ! Người này họ Nghiêm, tên Vân, tự Triều Khanh. Là phụ tá của thế tử gia phủ Anh quốc công.

Kỷ Vịnh rất ngạc nhiên: 

- Phụ tá của thế tử gia phủ Anh Quốc công... Chắc là quen biết từ khi còn ở Phúc Kiến...

Hắn nhớ đến tin tức liên quan đến phủ Anh Quốc công mới nghe được mấy hôm trước, không khỏi trầm ngâm: 

- Biết Trần Khúc Thủy đến kinh thành làm gì không?

- Nghe nói là để bàn bạc về hôn sự của Đậu Tứ tiểu thư. Hai tháng nữa, Tế Ninh hầu sẽ trừ phục.

Kỷ Vịnh bĩu môi, nói: 

- Chẳng lẽ Đậu Chiêu thật sự định lấy tên họ Ngụy đấy ư?

Tử Tức đổ mồ hôi, vội hỏi: 

- Hôn sự này được đính ước từ khi Đậu Tứ tiểu thư còn nhỏ. Đậu Tứ tiểu thư không lấy Tế Ninh hầu thì có thể lấy ai ạ? Chẳng phải nhà họ Đậu đã lấy cái cớ ấy để từ chối nhà họ Hà ư?

Kỷ Vịnh lại tự lẩm bẩm: 

- Ta vẫn cho rằng Đậu Chiêu lấy tên họ Ngụy đấy thì sẽ rất mệt...

Hắn đột nhiên thấy khó chịu, như thể có hạt bụi vương lên tà áo trắng tinh của Đậu Chiêu vậy, chẳng qua chỉ là hạt bụi rất nhỏ nhưng không gạt nó đi thì luôn thấy khó chịu.

Hắn vỗ vỗ vạt áo, nói: 

- Đi! Chúng ta đi gặp Trần Khúc Thủy.

Tử Tức nhảy dựng lên, vội ngăn Kỷ Vịnh lại.

- Chuyện này... Chuyện này không ổn đâu! Trần tiên sinh đến để bàn chuyện hôn nhân của Đậu Tứ tiểu thư. Người lấy cớ gì để gặp Trần tiên sinh... 

Nếu công tử lại "gặp chuyện bất bình chẳng tha", làm hỏng chuyện của người ta thì nguy to!

Nhưng hắn chưa kịp khuyên xong thì Kỷ Vịnh đã khinh bỉ lườm hắn, dõng dạc nói:

- Ta là biểu huynh của Đậu Chiêu. Chẳng lẽ không được quan tâm hôn sự của muội ấy?

Biểu huynh kiểu gì chứ!

Tử Tức cảm thấy trời đất tối sầm, vội nói: 

- Hay là hỏi cô phu nhân? Trần tiên sinh vừa đến vấn an cô phu nhân, Tứ tiểu thư từ nhỏ đã được cô phu nhân nuôi lớn, có khi cô phu nhân còn rõ hơn Trần Khúc Thủy...

Nhất định phải ngăn được Kỷ Vịnh rồi hắn mới an tâm đi mật báo cho phu nhân

Chương 174: Uống rượu

Nhưng Tử Tức ngăn Kỷ Vịnh bằng cách nào chứ!

Kỷ Vịnh nghênh ngang đi xuyên qua hành lang đến tiền viện.

Đối diện là một đám người đang vây quanh một cụ già.

Cụ già kia có vóc dáng bình thường, râu tóc bạc phơ, sắc mặt hồng hào, mặc áo lụa suông màu xanh ngọc chẳng cũ chẳng mới, bên hông là ngọc bội bằng mã não đỏ. Đôi mắt cụ rất sáng và toát ra vẻ tươi trẻ như một thiếu niên.

Vừa gặp Kỷ Vịnh, cụ đã cười lớn: 

- Kiến Minh, sao con biết cụ đến? Cụ còn cố ý dặn bọn nó không được nói cho con biết đấy. Nghe bảo con thể hiện rất tốt ở viện Hàn Lâm? Nào! Lại đây cho cụ xem, xem đã tiến bộ hơn chút nào chưa!

Kỷ Vịnh trợn tròn mắt, quay đầu lườm Tử Tức như thể đang trách: "Sao ngươi không nói cho ta biết."

Tử Tức vội rụt cổ, nói:

- Hai vị lão gia dặn dò, bảo đây là ý của lão thái gia, muốn cho công tử một niềm vui bất ngờ nên chúng nô tài mới không dám nói.

- Bất ngờ thì có nhưng niềm vui thì chưa thấy đâu!

Kỷ Vịnh phụng phịu đi qua, hành lễ với Kỷ lão thái gia.

- Con chào cụ!

Kỷ lão thái gia cười tủm tỉm khen ngoan, định xoa đầu Kỷ Vịnh nhưng nhận ra Kỷ Vịnh đã không còn là cậu thiếu niên ngày nào, bây giờ cao hơn cụ một cái đầu, phải vươn tay lên cao mới chạm đến đầu Kỷ Vịnh. Cảnh tượng có vẻ hơi buồn cười

Kỷ Tụng và Kỷ Kỳ cúi đầu, coi như không nhìn thấy gì. Mọi người cũng quay đầu đi.

Miệng Kỷ Vịnh giật giật.

Kỷ lão thái gia lại nắm tay Kỷ Vịnh, vừa đi vừa nói chuyện với hắn: 

- Con định đi đâu thế? Lâu lắm mới có dịp mọi người cùng tề tụ, con đừng đi chơi, ở nhà với cụ già này đi. Cụ mang theo mấy chiếc nghiên mực từ Giang Nam đến, là Đại bá phụ của con hiếu kính cho cụ. Trong đó có một chiếc nghiêm mực dịch thủy, một chiếc nghiên mực long vĩ. Con cầm giúp cụ.

Nói xong thì quay đầu nhìn đám cháu chắt đằng sau, bảo: 

- Lát nữa, mỗi đứa lấy một chiếc về mà dùng.

Đám đường huynh của Kỷ Vịnh đều hớn hở cảm tạ Kỷ lão thái gia. Có người cười đùa:

- Có nghiên mực nhưng không có mực thì dùng thế nào? Hay là lão thái gia làm người tốt đến cùng, thưởng cho chúng con mấy thỏi mực tùng yên đi!

Kỷ lão thái gia tỏ vẻ đau lòng, nói:

- Biết thế đã không nói gì, vừa nói là mất máu mà! Muốn nghiên mực thì có đấy, còn mực thì không có đâu. Các con có cần không đây?

Mọi người đều thích Kỷ lão thái gia như lão ngoan đồng này.

- Đương nhiên là nghiên mực cũng thích mà mực cũng cần.

Đoàn người cười hỉ hả đi vào phòng.

Kỷ Vịnh mím môi, cắn răng đi theo Kỷ lão thái gia.

Nếu là người khác, khỏi cần đá cũng chạy lấy người. Nhưng đối mặt vơi Kỷ lão thái gia từ nhỏ hắn đã không thể thẳng, ngoài trưởng bối hậu bối hữu biệt, hắn còn có sự tôn kính với người, tuy lòng không muốn nhưng vẫn cùng Kỷ lão thái gia ngồi xuống.

Kỷ lão thái gia nghiêng người nói với Kỷ Vịnh: 

- Dương đại nhân của con khen con không ngớt lời, còn viết thư cho ta, khen con am hiểu việc đồng áng, người đọc sách bình thường không thể sánh bằng. Hắn đánh giá cao con như thế, nếu cụ đã đến đây, nhất định phải gặp hắn. Ngày mai, con cùng cụ đi bái kiến Dương đại nhân. Chúng ta đều là người Nam Trực, bà con xa không bằng láng giềng gần, con rảnh rỗi thì nên năng thỉnh giáo hắn.

Có gì hay mà đi?

Mỗi lần đi đều nói đến chuyện đồng áng, hại hắn phải chạy đôn chạy đáo tìm quản gia lo việc đồng áng để hỏi, thế mới không đến mức bị chê cười...

Kỷ Vịnh rầu rĩ đáp vâng.

Kỷ lão thái gia cười tươi như hoa nở, không để ý đến Kỷ Vịnh nữa, quay sang trò chuyện với Kỷ Tụng và Kỷ Kỳ.

Đương nhiên là chuyện đi tìm Trần Khúc Thủy phải gác lại đó.

Không chỉ như vậy, Kỷ lão thái gia còn nay kéo Kỷ Vịnh đi chơi chỗ này, mai kéo hắn đi thăm người nọ, nói hay là muốn giới thiệu bạn già cho Kỷ Vịnh. Đương nhiên Kỷ Tụng và Kỷ Kỳ toàn lực ủng hộ cụ. Thành ra Kỷ Vịnh ngoài đến viện Hàn Lâm thì thời gian còn lại đều phải đi theo Kỷ lão thái gia.

Chớp mắt đã đến giữa hè, Kỷ lão thái gia vẫn chưa có ý định trở về, thậm chí càng đi càng hưng phấn, muốn thăm lại hết những nơi tuổi trẻ từng đi qua, nơi chưa đi qua thì phải đến để bù lại tiếc nuối, càng phải đi!

Có người đến bẩm với hắn, nói rằng mấy ngày nữa Trần Khúc Thủy sẽ về Chân Định rồi.

Kỷ Vịnh thấy vô cùng phiền não, không muốn đi cùng Kỷ lão thái gia nữa.

Kỷ Kỷ giận đến mức nổi gân xanh đầy trán, dạy dỗ hắn: "Nhân lúc cụ vẫn có thể ăn có thể uống, chúng ta là con cháu không hiếu kính, chẳng lẽ đợi cụ xuống lỗ mới hiếu kính à? Nếu con dám hỗn láo với cụ thì đến từ đường quỳ cho ta!"

Từ đường Kỷ gia ở Nghi Hưng.

Kỷ Vịnh lập tức quỳ gối dưới bức họa tổ tông họ Kỷ trong Phật đường. Kỷ Kỳ giận gần chết, chạy khắp nơi tìm chổi lông gà đòi đánh Kỷ Vịnh.

Hàn thị cũng thấy Kỷ Vịnh quá đáng,  nhờ Kỷ Tụng khuyên can: "Trăm sự lấy hiếu làm đầu. Nếu ngay cả điều này mà nó cũng không hiểu thì đánh chết cho xong."

Kỷ Tụng thở dài.

Kỷ Kỳ đánh Kỷ Vịnh mấy cái.

Kỷ Vịnh nói: "Con không muốn ngày nào cũng chạy khắp nơi với cụ!"

Nghe vậy, Kỷ Kỳ không nói được gì nữa.

Kỷ Vịnh nghiến răng, quyết phải đi tìm Trần Khúc Thủy.

Trần Khúc Thủy không ở cửa hàng. Điền Phú Quý tiếp Kỷ Vịnh với thái độ ân cần hết mực: 

- Thất lão gia mời Trần tiên sinh qua nói chuyện, chắc sẽ về muộn. Không biết Kỷ đại nhân tìm Trần tiên sinh vì chuyện gì? Cần tôi truyền lời không? Hay để tôi nói với ông ấy là đại nhân đã đến tìm, bảo ông ấy mai đến gặp ngài?

Hay là mình nhanh chân đến xem chỗ cô thế nào?

Kỷ Vịnh suy nghĩ, bất an ra khỏi cửa hàng.

Một xe ngựa dừng lại bên cạnh hắn, người bên trong vén màn lên, gọi: 

- Kỷ Kiến Minh, ngươi đến đây làm gì?

Kỷ Vịnh ngẩng đầu, thấy Hà Dục với dáng vẻ xa hoa đang ngồi trong xe ngựa.

Sau trận đánh nhau ở Túy Tiên lâu ngày đó, Hà Dục cảm thấy tính cách Kỷ Vịnh rất hào sảng, Kỷ Vịnh cảm thấy Hà Dục cũng có trách nhiệm. Thế là hai người trở nên thân thiết. Kỷ Vịnh ghi danh bảng vàng, Hà Dục tặng quà mừng; Hà Dục thành thân, Kỷ Vịnh đến uống rượu mừng.

- Không có chuyện gì, đi dạo xung quanh thôi. - Theo bản năng, hắn không muốn để Hà Dục biết đây là cửa hàng của Đậu Chiêu.

Hà Dục cũng không để ý, gật gật đầu, nói: 

- Ta đang đến Túy Tiên lâu uống rượu, ngươi muốn đi cùng không? Khách là Trần Trạch Tây. Mấy người Từ Chí Ký, Dương Vân Tiêu và cả Thái Cố Nguyên cũng đến.

Trần Trạch Tây là đô cấp sự ở bộ Lễ, năm nay mới ba mươi hai tuổi, là cháu của nguyên đại học sĩ Trần Viêm, là anh tài nổi danh trong triều đình. Hà Dục là lấy đường muội của Trần Trạch Tây.

Tù Chí Ký và Dương Vân Tiêu chính là đồng liêu ở viện Hàn Lâm với Kỷ Vịnh, tuổi không quá lớn. Kỷ Vịnh vốn đang không thoải mái, nghe nói Thái Nguyên Cổ lúc nào cũng lé mắt nhìn mình cũng ở đây thì lập tức hứng thú, nhảy thẳng lên xe ngựa.

- Vậy quấy rầy rồi!

Hà Dục thích nhất ở Kỷ Vịnh là sự kiêu ngạo này, cười ha hả rồi cùng Kỷ Vịnh đến Túy Tiên Lâu.

Nếu Kỷ Vịnh ngoa ngoắt thì đúng là không mấy ai chống đỡ nổi. Còn chưa uống được bao nhiêu rượu mà mặt Thái Cố Nguyên đã xanh mét.

Từ Chí Ký và Dương Vân Tiêu cố lắm mới không bật cười.

Trần Trạch Tây thấy vậy thì nháy mắt với Hà Dục, ý bảo Hà Dục và Kỷ Vịnh về trước.

Hà Dục cũng chẳng muốn ngồi đây với Thái Cố Nguyên tẻ nhạt này, lén nói với Kỷ Vịnh đôi câu. Hai người uống thêm mấy ly rượu rồi đứng dậy cáo từ. Lúc đi ra, hắn tỏ vẻ bất mãn: 

- Không phải bảo hắn tài trí hơn người ư? Ta thấy cũng bình thường...

Đang yên lặng không nói gì, một người ở phòng bên cạnh đột nhiên xông ra, suýt thì đâm vào Hà Dục. Hà Dục nhanh tay đẩy người nọ.

Người đấy uống nhiều, lảo đảo suýt ngã xuống đất, nhất thời thẹn quá hóa giận, quát: 

- Mẹ kiếp! Ngươi không có mắt à!

Hà Dục sao chịu bỏ qua, lập tức tóm vạt áo người kia, mắng lại: 

- Con mẹ nó! Ngươi đang nói ai đấy? Giỏi thì nhắc lại lần nữa xem! Ta không đánh cho ngươi răng rơi đầy đất thì ta không phải người họ Hà!

Người kia sửng sốt, khuôn mặt say khướt nhanh chóng nở ra nụ cười nịnh nọt: 

- Ôi Kỷ đại nhân! Không ngờ lại gặp ngài ở đây?

Kỷ Vịnh ói ra rượu, đang vui vẻ ở bên xem kịch, chẳng ngờ đối phương lại nhắc đến mình. Hắn ngạc nhiên hỏi: 

- Ngươi là ai thế?

Người nọ đứng thẳng dậy, cười nói: 

- Tại hạ là Trịnh Triệu Khôn, là ti lại ở bộ Công. Lúc Kỷ đại nhân đỗ thám hoa, tại hạ từng đến quý phủ chúc mừng, có gặp Kỳ đại nhân.

Làm sao Kỷ Vịnh nhận ra hắn được chứ!

Nhưng nhớ lại bá phụ là thị lang bộ Công bộ, hắn lập tức đoán rằng người này muốn nịnh bợ bá phụ nên mới mượn cớ mình thi đỗ để tặng lễ.

Kỷ Vịnh à một tiếng dửng dưng.

Hà Dục cũng chẳng tiện tính sổ với người kia nữa, cáu kỉnh nói: 

- Thôi đi! Ngươi xin lỗi ta thì chuyện này bỏ qua!

Trịnh Triệu Khôn vội cúi đầu xin lỗi, cũng nhiệt tình mời mọc:

- Hà công tử, Kỷ đại nhân, mời gặp không bằng tình cờ gặp, xin cho một cơ hội để tại hạ có thể kính hai vị một chén.

Hà Dục bật cười, nói:

- Chẳng nhìn ra ngươi lại là người cơ trí như thế.

Hắn vừa dứt lời thì cửa phía sau Trịnh Triệu Khôn mở toang, tiếng đàn sáo và tiếng con gái cười đùa vang ra. Một người đi ra, hắng giọng gọi Trịnh Triệu Khôn nhưng vừa ngước mắt lên đã thấy Trịnh Triệu Khôn ở phía trước. Y vỗ vai hắn thật mạnh, nói với giọng đã ngà ngà say: 

- Con mẹ nó! Ngươi rơi vào hố xí rồi à?

Kỷ Vịnh và Hà Dục nhìn vào trong phòng, lập tức thấy ở ghế chủ là một thiếu niên thanh tú còn hơn cả con gái.

Bên cạnh thiếu niên đó có hai cô gái vô cùng xinh đẹp. Một người đang rót rượu cho hắn, một người lại trêu đùa với nam tử hơn hai mươi tuổi trông anh tuấn cao ráo, mày kiếm mắt sáng ở bên cạnh. Nam tử ấy có vẻ không thoải mái với điều này, mặt mày vừa xấu hổ vừa miễn cưỡng.

Cảm giác được có người nhìn, thiếu niên kia ngẩng đầu lên, nhìn bọn họ bằng ánh mắt cợt nhả, thái độ khinh thường. 

Hà Dục nhíu mày, khẽ nói với Kỷ Vịnh: "Đó là Cố Ngọc."

Tiểu bá vương kinh thành, cháu của Vạn hoàng hậu, trưởng tôn của Vân Dương bá Cố Toàn Phương.

Kỷ Vịnh từng nghe nói qua.

Nhưng ánh mắt của hắn lại rơi vào nam tử anh tuấn bên cạnh Cố Ngọc. Ánh mắt hắn chợt lóe lên tia sáng sắc lạnh.

- Trịnh đại nhân đã có thịnh tình mời mọc, chúng ta không uống hai chén thì không nể mặt Trịnh đại nhân rồi. - Kỷ Vịnh thản nhiên nói, đi vào phòng.

Hà Dục ngạc nhiên, cũng đành theo vào.

Chương 175: Ngẫu nhiên

Bàn tiệc được bày lại, đàn sáo lại vang lên.

Trịnh Triệu Khôn giới thiệu hai bên với nhau, đầu tiên chỉ về phía Cố Ngọc, sau đó lại giới thiệu người mặc áo anh có tướng mạo bình thường nhưng khí chất ôn hòa ngồi đối diện Cố Ngọc, cuối cùng chỉ sang nam tử anh tuấn ngồi cạnh Cô Ngọc.

- Vị này là Cố công tử của phủ Vân Dương bá. Vị này là thế tử gia phủ Duyên An hầu. Vị này là Tế Ninh hầu.

Hà Dục rất đỗi ngạc nhiên. Hắn biết vị hôn phu của Đậu Chiêu là Tế Ninh hầu nhưng vì lòng tự tôn, hắn chưa bao giờ tìm hiểu nên không hề biết mặt Ngụy Đình Du. Không ngờ hai người lại gặp nhau trong tình huống này. Thảo nào trông vẻ mặt Kỷ Vịnh vừa nãy khá kỳ lạ.

Hà Dục liếc nhìn cô gái phong trần đang ôm chặt cánh tay Ngụy Đình Du. Cô ả gần như đã ngả cả người lên Ngụy Đình Du. Sau đó, hắn nhìn sang Uông Thanh Hoài. Quan văn và quý tộc không cùng một thế giới, đôi khi gặp nhau cũng chỉ chào hỏi qua loa. Dù vậy, hắn đã từng nghe về vị thế tử của phủ Duyên An hầu nổi danh hào sảng trượng nghĩa. Nhưng tại sao y lại cùng ngồi với Cố Ngọc nhỉ?

Hắn bất giác nhìn Uông Thanh Hoài thêm lần nữa.

Trịnh Triệu Khôn đã quay ra giới thiệu Kỷ Vịnh và Hà Dục với đám người Cố Ngọc.

- Vị này là tân khoa Thám Hoa Kỷ Kiến Minh, hiện đang làm biên tu ở viện Hàn Lâm viện, bá phụ là cấp trên của tôi, Kỷ Thị Lang. Phụ thân của ngài ấy chính là tả thông chính của ti Thông Chính, tri phủ Hoài An là cửu thúc của Kỷ biên tu.

Hắn cười hì hì, giọng điệu hơi đùa cợt nhưng không khiến người ta cảm thấy bị mạo phạm mà ngược lại còn có vẻ thêm thân thiết.

Ánh mắt Uông Thanh Hoài chợt sáng lên. Vụ đào kênh lần này, Hoài An cũng nhận một đoạn. Tuy nói hắn không có quan hệ gì với Cố Ngọc nhưng phủ tổng binh Thủy vận nằm ở Hoài An, nếu muốn tham gia làm ăn về thủy vận hoặc muốn gầy dựng sự nghiệp làm ăn ở Giang Nam thì không thể không kết giao với tổng binh thủy vận. Tri phủ Hoài An cũng là một nhân vật không thể bỏ qua.  

Uông Thanh Hoài không thể không đánh giá cao sự thấu tình đạt lý, khéo cư xử của Trịnh Triệu Khôn.

Trịnh Triệu Khôn nào biết tâm tư của Uông Thanh Hoài, chỉ cho rằng đám người Cố Ngọc đã nhận việc đào kênh thì quen biết thêm mấy quan viên phụ trách việc trị thủy cũng tốt. Mọi tâm tư hiện giờ của hắn đều đang để vào Hà Dục.

Khi nãy, hắn và Hà Dục nảy sinh xung đột, Kỷ Vịnh chỉ khoanh tay đứng nhìn, qua đó thấy được công tử tự xưng họ Hà này không phải người dễ chọc. Ở kinh đô, họ Hà, ngoại hình lại tuấn mỹ như vậy... Hắn chợt nghĩ tới tiểu công tử của Hà các lão... Khi giới thiệu người khác thì phải có thứ tự trước sau theo bậc lớn nhỏ. Đáng lý ra, Kỷ Vịnh xuất thân là tiến sĩ hai bảng, lại có danh Thám Hoa, là biên tu của viện Hàn Lâm, so với người không có công danh như Hà công tử thì đúng là một trời một vực. Nhưng chuyện trên thế gian này chính là vô lý thế đó! Càng là người không có bản lĩnh thì càng sợ bị khinh thường, càng thích hư vinh. Vị Hà công tử cũng không thể đụng vào!

Trịnh Triệu Khôn đành giả vờ hồ đồ, chắp tay với Hà Dục rồi giới thiệu với mấy người Cố Ngọc: 

- Vị này là bạn của Kỷ đại nhân.

Nói rồi quay lại nhìn Hà Dục.

- Vẫn chưa thỉnh giáo xưng hô thế nào?

Hà Dục thản nhiên cười đáp:

- Tại hạ là Hà Dục, bạn của Kiến Minh.  

Ngoài ra không nói gì thêm.

Uông Thanh Hoài đứng dậy đón tiếp bọn họ. Thái độ nhiệt tình vừa phải, rất dễ gây cảm tình tốt cho người khác. Cố Ngọc thì khác, vừa bóc lạc nhắm rượu vừa cười khẽ cắn tai cô gái ngồi bên cạnh, cử chỉ ngang ngạnh, trái ngược hẳn với Ngụy Đình Du cẩn trọng, kìm dục.

Hà Dục nhíu mày. 

Sao tên họ Ngụy này lại cổ hủ thế! Cứ cho là không thoải mái thì cứ ứng phó cho xong đi, việc gì phải e dè như vậy? Thật tiếc cho Đậu Tứ tiểu thư... Quả là minh châu bị bụi phủ... Vợ khôn lấy phải chồng khờ...

Hắn còn đang nghĩ xem có cần nói mấy câu với Ngụy Đình Du để họ Ngụy bớt ngại ngùng không thì thấy Kỷ Vịnh nâng chén đầu tiên kính hắn ta: 

- Tế Ninh hầu, tính ra thì chúng ta cũng được coi là bà con đó!

Lời của Kỷ Vịnh khiến cả phòng kinh ngạc không thôi, ai cũng tò mò.

Kỷ Vịnh giải thích:

- Đậu Tứ tiểu thư mất mẹ từ nhỏ, được cô của ta nuôi lớn. Muội ấy thường qua nhà chúng ta, hai bên rất gần gũi. Xét thứ tự thì ngươi nên gọi ta hai tiếng 'biểu huynh' mới đúng!

Ngụy Đình Du giật mình, vội nâng chén đứng dậy, vô cùng cung kính gọi 'biểu huynh'.

Kỷ Vịnh cười lớn, uống một hơi cạn chén rượu.

Mấy người Trịnh Triệu Khôn reo hò, khen tới tấp: "Kỷ đại nhân thật là phóng khoáng". Mấy cô gái phong trần bồi rượu thì thi nhau rót rượu cho Kỷ Vịnh.

Kỷ Vịnh mỉm cười nhìn Ngụy Đình Du.

Ngụy Đình Du đã uống không ít nhưng nếu không uống thì... hơi thất lễ. Hắn nghiến răng uống một hơi cạn sạch.

- Được! 

Kỷ Vịnh vỗ tay, chỉ vào chén rượu của Ngụy Đình Du.

- Rót đầy vào! Ta và Tế Ninh hầu uống thêm một chén!

Cô gái ngồi bên cạnh Ngụy Đình Du lập tức rót rượu rồi lại ngả vào lòng hắn. Ngụy Đình Du đẩy cô ả ra, liếc Uông Thanh Hoài. Uông Thanh Hoài cũng biết hắn đã uống nhiều, sợ thất thố nên cười cười nâng chén rượu lên nói: 

- Chén này để tôi uống cùng Kỷ đại nhân nhé?

Nói xong thì uống cạn.

Cô gái ngồi với Kỷ Vịnh cười lẳng lơ, đưa chén rượu đến môi Kỷ Vịnh. Hắn coi như không thấy cô ả, giằng lấy chén rượu của mình rồi đặt lên bàn, che miệng cười đáp lời Uông Thanh Hoài: 

- Việc nào ra việc ấy chứ! Nếu chén này là huynh kính ta thì ta cung kính không bằng tuân mệnh, không liên quan đến Tế Ninh hầu.

Sau đó nâng chén của mình lên, ra hiệu cho Trịnh Triệu Khôn.

- Rót đầy cho ta, chén này là ta uống cùng Tế Ninh hầu! 

Vừa nói vừa đá chân Hà Dục.

Hà Dục mỉm cười. Hắn nghĩ đến khi người nhà họ Trần đến xem mặt, Đại cữu huynh đưa ra liên tiếp mười vế đối, thấy hắn đối lại rất suôn sẻ thì sắc mặt mới khá lên chút. Chắc là Kỷ Vịnh muốn chuốc cho Ngụy Đình Du không dậy nổi đây!

Hắn là con út, vợ cũng là con thứ, do vậy thường nằm trong đội bị chuốc rượu. Hiếm mới có dịp chuốc rượu người khác như này nên hắn vô cùng phấn khích, nâng chén kính Uông Thanh Hoài: 

- Đã nghe đại danh của thế tử phủ Duyên An hầu từ lâu mà nay mới gặp mặt lần đầu, ta xin kính thế tử một chén.

Nói rồi mặc kệ Uông Thanh Hoài phản ứng ra sao, uống cạn một hơi luôn, xong lại ra hiệu cho cô gái bên cạnh: 

- Rót đầy cho thế tử gia!

Cô ả tươi cười rót rượu cho họ Uông. Uông Thanh Hoài đành ứng chiến.

Hà Dục lôi cả Cố Ngọc vào. Một tiếp hai nên không phải uống nhiều lắm. Nhưng rượu vào thì sẽ nói mãi mấy chuyện phong nguyệt mà uống nhiều thì lại hăng máu.

Có điều vẫn kém xa Kỷ Vịnh và Ngụy Đình Du ly nào cũng cạn. Chẳng mấy chốc đã thấy bảy, tám chai rỗng nằm lăn lóc. Ngụy Đình Du càng uống càng đờ đẫn, ai hỏi gì cũng trả lời.

Hà Dục giờ mới biết hóa ra bọn Cố Ngọc nhận việc đào kênh, bộ Công phụ trách tính tiền. Mà bộ Công nào dám ép giá bọn họ. Đám Uông Thanh Hoài bèn mời mấy người chủ sự thường giúp việc kết toán đi uống rượu hoa, mấy chủ sự đó chẳng sướng quá...

Hắn chợt cảm thán. Thảo nào ai cũng nói Uông Thanh Hoài rất đáng kết giao. Chỉ riêng việc chiêu hiền đãi sĩ này đã đủ thấy năng lực của y ra sao. Hà Dục thật sự nảy sinh tâm ý muốn uống với Uông Thanh Hoài.

Rượu uống dần chậm, lời ra càng nhiều.

Cố Ngọc bắt đầu chán, lại thấy Ngụy Đình Du đã uống đến độ không còn biết gì nữa, còn mấy chủ sự của Công Bộ thì đang cười đùa trêu ghẹo mấy cô gái ngồi bên, quần áo rơi rụng gần hết. Hắn ném vỏ lạc lên bàn, đứng dậy nói: 

- Hôm nay đến đây thôi! Khi khác chúng ta lại tụ tập.

Ngụy Đình Du lờ đờ gật đầu.

Quản gia của Uông Thanh Hoài đứng ra tiếp đãi đám Trịnh Triệu Khôn ăn uống chơi đùa.

Mấy người Cố Ngọc tỏ vẻ say rượu.

Kỷ Vịnh nói: 

- Lão thái gia nhà ta đến kinh thành. Khó lắm ta mới chuồn ra ngoài được, chẳng biết bao giờ mới đến lần sau! Hay là chúng ta đến chỗ Triệu Tử Xu uống tiếp đi!

Triệu Tử Xu là một trong những đào kép đếm trên đầu ngón tay ở kinh thành. Hắn ở tại ngõ Thiên Phật tự, đình viện ba dãy, dọn dẹp rất ngăn nắp, dẫn theo mấy đồ đệ mi thanh mục tú, mời đầu bếp nổi tiếng của kinh thành đến tận nhà nấu ăn. Người thường không vào được cửa.

Hà Dục tinh thông âm luật, giỏi viết từ thoại, được Triệu Tử Xu coi như thượng khách. Hắn đã năm lần bảy lượt mời Kỷ Vịnh đến ngõ Thiên Phật tự nghe hát nhưng Kỷ Vịnh không mấy quan tâm. Lần này Kỷ Vịnh chủ động nhắc đến, đương nhiên là Hà Dục luôn miệng ca ngợi. Uông Thanh Hoài đang muốn kết thân với Kỷ Vịnh nên cũng hưởng ứng. Cố Ngọc là người thích náo nhiệt, thấy Uông Thanh Hoài đã đồng ý thì cũng thuận theo. 

Kỷ Vịnh lập tức khoác vai Ngụy Đình Du lên xe ngựa. Cả đoàn người cùng đến ngõ Thiên Phật tự.

Triệu Xử Tu vội ra nghênh đón.

Ngụy Đình Du vừa nhìn thấy Triệu Tử Xu thì đờ ra. 

Dáng người mảnh dẻ, nước da nõn nà, mặt mày tựa hoa, nói cười phòng khoáng, ánh mắt lúng liếng quyến rũ vô tận.

Hắn bất giác liếm đôi môi hơi khô, khẽ hỏi Kỷ Vịnh: 

- Y là trai hay gái đấy?

Kỷ Vịnh liếc hắn, đáp: 

- Ngươi đã gặp đào kép nữ bao giờ chưa?

Ngụy Đình Du hơi ngượng nhưng cũng thấy nhẹ nhõm, cùng đám người Kỷ Vịnh vào nhà.

Đèn lồng đỏ ẩn hiện trên tàng cây xanh làm cho đình viện tĩnh mịch này có vẻ mờ ảo quyến rũ.

Triệu Tử Xu bày tiệc chiêu đãi đoàn Hà Dục ở phòng khách.

Cùng lúc đó ở phủ Cảnh quốc công, trong dãy nhà của Ngụy Đình Trân lại đèn đuốc sáng rực.

Ngày mai là pháp hội mỗi năm một lần của chùa Đại Tướng Quốc, trụ trì của chùa sẽ đích thân giảng giải phật pháp ở thiên điện. Khi ấy, không chỉ những quý phụ nhân thờ phụng đạo Phật mới đi mà cả nữ quyến quan lại cũng tới.

Trong phòng, các a hoàn và vú hầu đang chuẩn bị đồ ăn cái mặc cho ngày mai.

Vú Kim nhìn chiếc áo đỏ thêu đủ loại hoa mà Ngụy Đình Trân đang cầm, giở giọng nịnh nọt: 

- Chiếc áo này đẹp quá! Phu nhân hãy mặc bộ này đến chùa Đại Tướng Quốc đi!

Ngụy Đình Trân không đáp mà hỏi vú Lã đứng bên: 

- Bà thấy sao?

Vú Lã thưa: 

- Tôi thấy mặc đồ nhạt màu vẫn đẹp hơn. Đã giữa hạ rồi, màu bạc, màu xanh ngọc đều là những màu rất đẹp.

Ngụy Đình Trân gật đầu rồi bảo a hoàn lấy bộ váy vải Hàng Châu màu bạc thêu hoa văn lá trúc.

A hoàn vâng dạ rồi đi làm.

Vú Lã đắc ý nhìn vú Kim. Vú Kim mắng thầm trong bụng.

Từ lúc mụ này nói cái gì mà bát tự của Đậu Tứ xấu, lúc nhỏ khắc chết mẫu thân, lại không được ông nội và phụ thân dạy dỗ thì phu nhân coi trọng mụ ta hơn hẳn. Biết thế trước kia mình đã ác hơn, cũng nói Đậu Tứ tiểu thư như vậy. Giờ hối hận không kịp rồi!

Phu nhân lúc nào cũng bao che cho mụ ta, nếu mình tranh chấp với mụ ta thì khác nào tự rước nhục. Xem ra chỉ có thể tranh thủ thời cơ ngày mai ở chùa Đại Tướng Quốc.

Nghĩ vậy, vú Kim mới thấy dễ chịu đôi chút.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro