Chương 64 - Đồng hương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Người vừa lên tiếng hỏi tôi là một vị tăng nhân. Nói chính xác hơn đó là hai vị tăng nhân trẻ người Hán. Vóc dáng bọn họ không cao, ngũ quan bình thường như bao người, nhưng thái độ rất lịch sự. Bọn họ vui vẻ chắp tay chào tôi:

- Người Hán ở Khâu Từ không nhiều, không ngờ rằng có thể gặp được đồng hương tại nơi đây.

Tôi xoa xoa bàn tay của mình nhằm giảm cơn đau, cẩn thận cất lại đoạn thước dây vào túi, mỉm cười đáp lại:

- Hai vị sư phụ đây cũng là người Hán ư, thật là trùng hợp.

Nhà sư trẻ hơn lên tiếng:

- Bần đạo pháp hiệu Tăng Thuần, còn đây là sư huynh của bần đạo – Đàm Sung

Tôi chau mày suy nghĩ:

- Tăng Thuần? Đàm Sung? Sao nghe quen quen...

Bọn họ nhìn tôi với vẻ hoài nghi. Sư huynh Đàm Sung bèn nói:

- Hai sư huynh đệ bọn ta chỉ là những người vô danh ở Trường An, nay tìm đến Khâu Từ để xin nghe giảng đạo. Nữ thí chủ đây sao lại biết đến tên của bọn ta?

Tôi chợt nhớ ra, hóa ra là bọn họ

Tăng Thuần và Đàm Sung! chính là hai vị sư này đến Khâu Từ học đạo, sau đó trở về Trung Nguyên tấu trình với vua nhà Tiền Tần khi ấy là Phù Kiên rằng 'Kumarajiva là vị pháp sư tài trí hơn người, là người đã truyền bá sâu rộng kinh văn Đại Thừa, tiếng tăm vang khắp vùng Tây vực'. Một nhà sư nổi tiếng ở Trung Nguyên là Thích Đạo An, nghe danh Kumarajiva đã lâu, cũng thuyết phục Phù Kiên mời Rajiva đến Trường An. Khi Phù Kiên quyết định tấn công Khâu Từ, nhà vua đã nói với Đô đốc Lữ Quang rằng: "Trẫm nghe nói Tây Quốc có Kumarajiva, thông hiểu pháp tướng, giỏi luận âm dương, là một bậc kỳ tài trong thiên hạ. Trẫm lấy làm ngưỡng mộ. Nhân tài là báu vật của quốc gia. Vậy, sau khi chiếm được Khâu Từ, khanh hãy lập tức đưa Kumarajiva về đây".

Câu chuyện này đã được các tín đồ Phật giáo ngày sau truyền tụng khắp nơi. Họ cho rằng Phù Kiên phát động chiến tranh với Khâu Từ là vì muốn có được Kumarajiva. Giống như việc các cô gái tin rằng cuộc chiến thành Troy là vì nàng Helen xinh đẹp, hay Ngô Tam Quế bán đứng nhà Hán cho triều đình Mãn Thanh là vì nàng kỹ nữ Tô Châu – Trần Viên Viên. Một cuộc chiến tranh quy mô lớn đã nổ ra và cướp đi tính mạng của mấy chục nghìn người, chỉ vì muốn đoạt lấy một người thôi ư, những câu chuyện như thế mới hấp dẫn làm sao! Tôi là người nghiên cứu lịch sử, tất nhiên, tôi không tin Phù Kiên phát động chiến tranh chỉ vì muốn có được một vị cao tăng. Liệu Phù Kiên có thực sự hiểu rõ Kumarajiva sẽ mang lại lợi ích gì cho ông ta hay không? Nhà vua muốn có Kumarajiva chỉ vì cậu ta thông tỏ âm dương ngũ hành? Một người tài trí cao vời như Giả Nghị, lẽ nào Hán Văn Đế cũng chỉ vì muốn ông ta coi bói cho mình?

- Nữ thí chủ, có chuyện gì vậy?

Tôi giật mình thoát khỏi dòng suy tư, vẫy tay rồi cười:

- Ah, không có gì. Tôi tên Ngải Tình. Không cần gọi tôi là thí chủ gì đó.

Đàm Sung chỉ ra phía ngoài cửa, vui vẻ:

- Cô nương xem, đó chính là sư tôn của chúng tôi, pháp sư Kumarajiva.

Khi nhìn theo hướng chỉ tay, không chỉ có Rajiva mà còn cả có Côn Sa. Rajiva lẽ ra phải đưa Côn Sa đi nơi khác mới đúng chứ. Tôi vừa định bỏ đi nhưng bọn họ nào chịu để tôi rời khỏi:

- Ngải Tình cô nương, hay cô cùng với chúng tôi qua kia bái kiến pháp sư. Tuy ngài ấy còn trẻ nhưng những kiến thức về Phật pháp cực kỳ thâm sâu.

Tôi vừa cười vừa lùi bước:

- Không cần, không cần, tôi có chuyện gấp cần phải đi ngay.

Tăng Thuần đến trước mặt hòng ngăn tôi lại:

- Ai nấy đều mong có được một cơ duyên để gặp pháp sư. Hôm nay thật may mắn vừa có dịp, cô nương đừng ngại, hãy cùng chúng tôi đến bái kiến ngài.

Không biết có phải do bọn họ quá vui khi gặp được đồng hương hay chỉ vì quá sùng bái cậu ấy nên mới buộc tôi phải gặp Rajiva cho bằng được? Vì không muốn để bọn họ thu hút hoàn toàn sự chú ý của Côn Sa, tôi đành phải chầm chậm bước ra phía ngoài gian điện thờ

Trong lúc Rajiva và Côn Sa đang bước đi, Đàm Sung và Tăng Thuần liền bước đến trước mặt và chắp tay chào:

- Sư tôn!

Rajiva gật đầu chào đáp lễ. Tăng Thuần quay đầu tìm tôi, nhìn thấy tôi đang nấp sau một cái cây, kêu lớn:

- Cô nương, cô làm gì ở đó vậy?

Rajiva nhìn theo hướng ánh mắt của Tăng Thuần, nhìn thấy tôi đang trốn nơi đó. Vẻ mặt cậu lập tức thay đổi, nhanh chóng dùng thân mình chắn lại tầm nhìn của Côn Sa đồng thời cũng làm động tác tiễn khách:

- Tướng quân, xin thứ lỗi vì Rajiva chỉ có thể tiễn đến đây thôi.

Côn Sa hỏi:

- Pháp sư không thể nghĩ lại lần nữa hay sao?

Rajiva chắp tay, giọng nói nhẹ nhàng nhưng đầy kiên định:

- Nhờ tướng quân chuyển lời đến vương cửu, Rajiva một lòng hướng phật, không muốn vướng bận chuyện tranh quyền đoạt vị của thế gian.

Mặc dù đang sau thân cây nhưng tôi vẫn có thể nghe rõ cuộc trò chuyện giữa bọn họ. Có vẻ như Côn Sa đến tìm Rajiva và truyền đạt ý muốn nào đó của Bạch Chấn, tiếc thay cậu ấy lại từ chối. Sau khi nghe câu trả lời của Rajiva, Côn Sa tức giận bỏ đi. Tuy nhiên, chỉ mới đi được vài bước thì liền quay đầu nhìn lại, tôi vội vàng càng nép chặt người vào trong thân cây. Mãi cho đến khi bóng dáng của Côn Sa biến mất ở lối ra vào của ngôi đền, tôi mới bước ra khỏi đó.

Tăng Thuần chỉ vào tôi và nói với Rajiva:

- Sư tôn, đây là nữ thí chủ từ Trung Nguyên đến đây, chúng tôi đưa cô nương này đến bái kiến ngài

Tôi lúng túng mỉm cười với Rajiva, cậu ấy hỏi hai người bọn họ:

- Hai vị làm sao gặp được cô ấy?

Đàm Sung kinh ngạc:

- Sư tôn biết cô nương này?

Rajiva bình tĩnh đáp:

- Đây là sư phụ dạy tiếng Hán của Rajiva.

Ngay khi nghe câu nói này của Rajiva, cả Tăng Thuần và Đàm Sung đều ngạc nhiên, riêng tôi thì cảm thấy thật xấu hổ. Mười năm trước, cậu ấy giới thiệu tôi là sư phụ dạy tiếng Hán, khi đó tôi hơn tuổi cậu ấy, người khác sẽ không có suy nghĩ gì. Nhưng hiện tại, tuổi tôi cũng trạc tuổi Rajiva, cậu ấy lại giới thiệu tôi như vậy sẽ không khỏi khiến người khác nghi ngờ. Tôi tuy không quan tâm ánh nhìn của mọi người nhưng tôi càng không muốn Rajiva phải gánh chịu bất kỳ sự kỳ thị nào cả.

Đêm đó, cũng như thường lệ, Rajiva đến để thay thuốc cho tôi, tôi nói với cậu:

- Cậu không cần giới thiệu với đệ tử tôi là sư phụ của cậu. Thật ra trình độ tiếng Hán của cậu hiện nay đã không cần tôi chỉ dạy nữa rồi.

Rajiva lấy ra từ trong tay áo cuốn 'Sử ký':

- Ai bảo không cần? Trình độ tiếng Hán của Rajiva tuy hiện tại có thể nói chuyện lưu loát, nhưng viết chữ vẫn còn rất nhiều khó khăn. Cô yêu thích cuốn 'Sử ký' này, chắc hẳn đã thuộc lòng nội dung của nó, cô có thể dạy lại cho tôi được không?

Đôi mắt màu xám nhạt nhìn tôi chăm chăm đầy vẻ mong đợi. Mặc dù đang rất do dự, nhưng sâu trong tim tôi lại vang lên hàng vạn tiếng hét: 'Hứa với cậu ấy, hứa với cậu ấy đi.'

Tôi có thể đưa ra rất nhiều lý do để đồng ý cậu:

1. Pháp hội Quan Âm phải nửa tháng sau mới bắt đầu, đó cũng chính là cơ hội để tôi lấy lại khẩu súng gây mê của mình
2. Vết thương trên cánh tay tôi vẫn chưa lành, tôi không thể tự mình băng bó vết thương được
3. Tôi cũng không thể mặt dày cứ ăn không ở không tại chỗ cậu ấy được.
4. ...

Kết quả, tôi đã tự thuyết phục bản thân mình bằng n lý do và đồng ý tiếp tục dạy cậu ấy tiếng Hán.

Buổi sáng, tôi đến chùa Tước Li để khảo sát, đo đạc và vẽ tranh. Rajiva đã căn dặn các sư sãi trong chùa, từ người giữ công, người trông coi Phật điện, đến người quản lý tàng kinh các để tôi được tự do tiến hành công việc của mình. Khách thập phương đến chùa Cakra, ngôi chùa lớn nhất Tây vực thời đó sẽ bắt gặp cảnh này: một cô gái người Hán trong trang phục Khâu Từ tay cầm một cuốn tập, dùng một thứ bút kì lạ tô tô vẽ vẽ trên cuốn tập đó. Chốc chốc lại lôi từ trong túi ra một chiếc thước cuộn hình thù kì dị đo chỗ này, ướm chỗ kia. Và vị sư trụ trì chùa, đại pháp sư Kumarajiva nổi danh khắp Tây vực đã yêu cầu tất cả hòa thượng sư tăng trong chùa tạo mọi điều kiện và không gây trở ngại cho công việc của cô gái đó.

Khi tôi đo đạc, khi tôi vẽ tranh, tôi thường xuyên nhìn thấy Rajiva. Đây là lần đầu tiên tôi được quan sát công việc thường ngày của cậu ấy ở trong chùa. Lúc thì trò chuyện, đàm đạo với các đệ tử về kinh Phật, lúc thì bận rộn tiếp đón các tăng sĩ, hòa thượng đến xin học đạo từ các quốc gia lân cận, thậm chí từ các khu vực thuộc Trung Nguyên xa xôi. Rajiva cũng thường xuyên ra ngoài, thâm nhập vào đời sống của quần chúng để thuyết giảng và truyền bá những giáo lý kinh văn Đại Thừa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro