Chương 42 - Bị đuổi khỏi thành Khâu Từ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vừa hết Tết Nguyên Đán là đến tiết Lập Xuân. Mùa xuân vừa đến cũng chính là thời điểm con đường tơ lụa sẽ sôi nổi trở lại, vậy là tôi đã có thể chuẩn bị lên đường đến Trung Nguyên. Kumarajiva đã giúp tôi sắp xếp với một đoàn lái buôn đáng tin cậy, bọn họ sẽ lên đường sau ba ngày nữa. Cậu ta cũng đã tặng tôi rất nhiều thứ. Chỉ là những ngày này, tôi lại cảm thấy rất sợ khi phải đối mặt với anh em bọn họ.

Rajiva còn đỡ vì cậu ấy lúc nào giữ thái độ bàng quang trước mọi thức. Chỉ thỉnh thoảng tôi mới bắt gặp được vẻ mặt ủ rũ của Rajiva khi nhìn tôi. Pusyseda thì lại khóc lóc, van nài tôi hãy ở lại. Mỗi lần như vậy, tôi lại tưởng rằng như đây sẽ là một cuộc chia ly sinh tử, dù cho tôi liên tục hứa rằng mình sẽ nhất định quay lại đây....

Nhưng tôi vạn lần lại không ngờ rằng khi bản thân còn chưa chủ động rời khỏi nơi đây thì tôi đã bị bắt đi ra khỏi thành Khâu Từ. Sự việc đã diễn vào một ngày trước buổi Pháp hội, cũng chính là ngày sinh nhật của tôi.

Vào buổi chiều hôm đó, một chú tiểu sa di của chùa Vương Tân tìm tôi, nói rằng Rajiva đã nhờ cậu đến đưa cho tôi một thứ. Mở chiếc hộp ra, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy bên trong là một chiếc khăn lụa thêu hình thoi khổ dài với các màu sắc đỏ, vàng, xanh da trời đan xen.

Đây là chiếc khăn lụa Atala, Atala có nghĩa là loại tơ lụa được làm ra bằng kỹ thuật xoắn sợi tơ dọc và nhuộm đồng thời, đây cũng là loại vải dùng để may quần áo phổ biến nhất của phụ nữ Tân Cương ngày nay. Tơ lụa Khotan là thương hiệu nổi tiếng nhất. Lụa, ngọc và thảm được mệnh danh là ba "quốc bảo" của Khotan. Đến tận thế kỷ XXI, người Khotan vẫn sử dụng những phường nhuộm nguyên thủy với chiếc máy dệt cồng kềnh, cao hơn năm mét, được xây đắp bằng đất và gỗ. Chiếc khăn lụa này không chỉ là một món quà sinh nhật mà nó còn là một di tích văn hóa vô cùng quan trọng, một phẩm vật có thể chứng minh rằng kỹ thuật tơ lụa đã lan truyền đến các vùng Tây Vực vào thế kỷ thứ IV.

Dưới đáy hộp có một phong thư, tôi liền mở ra xem thử. Bên trong là giấy mời tham dự buổi Pháp hội cùng lá thư, trong đó cậu ấy nói rằng bản thân mình muốn tạo ra kỳ tích vào buổi Pháp hội. Bữa đó, họ sẽ thả ra một con quái thú, nên mong tôi có thể dùng súng gây mê để giúp cậu.

Chẳng trách cậu ta cứ mãi do dự khi nói chuyện với tôi vào đêm hôm đó. Với tính cách của cậu ta, hẳn sẽ không bao giờ muốn làm chuyện như vậy, nhưng Rajiva còn quá trẻ, không dễ dàng thu phục nhân tâm. Và nếu tôi có thể giúp đỡ cậu ấy, thì mọi chuyện có lẽ sẽ dễ dàng hơn. Sự do dự của Rajiva có thể xuất phát từ sự lo lắng rằng tôi sẽ không đồng ý. Mặc dù viện trưởng Lý và giáo sư Quý đã nhiều lần cảnh cáo tôi không được can thiệp vào cuộc sống của người cổ đại, nhưng Kumarajiva thì khác. Đã cùng cậu trải qua biết bao nhiêu chuyện, Rajiva giờ đây không chỉ đơn giản là thần tượng cao quý trong lòng tôi. Chỉ cần cậu ấy mở miệng, tôi đều sẽ cố gắng hết sức mình để giúp cậu.

Tôi cho phong thư vào trong tay áo và vuốt ve chiếc khăn lụa trong niềm vui sướng. Pusyseda mở cửa đi vào, hỏi:

- Ai tặng vậy?

Tôi quàng chiếc khăn lên cổ, vui vẻ nói:

- Tôi tự mua đó

Đứng dậy, khoác balo lên vai, tôi bước ra khỏi cửa. Pusyseda vội vã chạy theo:

- Cô định đi đâu?

- Ngày mai là buổi Pháp hội. Tôi đi gặp đại ca cậu xem đã chuẩn bị thế nào rồi

Thực ra tôi chỉ muốn tìm cơ hội để nói lời cảm ơn mà thôi. Vừa đi tôi vừa nghe được tiếng lầm bầm của Pusyseda phía sau lưng:

- Hừ, huynh ấy chuẩn bị thế nào, cần gì cô phải đi xem?

Tôi không để ý đến cậu, tiếp tục bước đi. Cậu ấy quả nhiên đi theo phía sau. Tôi khẽ cười. Đứa trẻ này, thật giống như một miếng cao dính, không cách nào gỡ ra được.

Đột nhiên, mới đi được nửa đường thì phát sinh chuyện! Một vài tên lính chặn tôi lại, bọn chúng hỏi:

- Cô là Ngải Tình?

Tôi nghi ngờ gật đầu. Một tên trong đám đó bỗng khoác tay, ngay lập tức, hai tên phía sau bước tới giữ chặt hai bên trái phải của tôi. Pusyseda nhanh chóng kéo đám binh lính đang giữ chặt tôi và hét lớn:

- Dừng tay! Thật hỗn xược, cô ta là người của phủ Quốc Sư, các ngươi muốn rơi đầu hết sao?

Tên cầm đầu không dám vô lễ với Pusyseda, cung kính đáp:

- Thỉnh tiểu công tử đừng làm khó tiểu nhân. Chúng tôi chỉ làm theo mệnh lệnh mà thôi, là đem cô nương Ngải Tình này ra khỏi thành Khâu Từ, không bao giờ cho phép quay trở lại.

Pusyseda ngạc nhiên:

- Mệnh lệnh? Là mệnh lệnh của ai? Tại sao phải đuổi cô ta?

Hắn ta chỉ nói đó là quân lệnh, rồi lôi tôi đi tiếp. Pusyseda cố gắng vùng vẫy một cách tuyệt vọng nhưng cũng không thể nào địch lại nổi bọn họ. Tôi cố gắng quay đầu nói với cậu ta:

- Mau đi tìm đại ca cậu!

Mặc dù bị lôi kéo một cách thô bạo, nhưng tay tôi về cơ bản vẫn có thể tự do hoạt động. Súng gây mê đang ở trong tay áo, hoàn toàn có thể rat ay với bọn chúng. Nhưng đây lại đang ở trong thành Khâu Từ, ngày mai sẽ có buổi Pháp hội rất quan trọng đối với Rajiva. Vì vẫn chưa nắm rõ tình hình hiện tại nên tôi không thể hành động theo ý muốn được, hơn nữa những tên lính này lại không hề làm tôi bị thương. Thế là tôi cứ để mặc bọn chúng lôi kéo mình ra khỏi thành.

Sau khi quân lính đi khỏi, tôi đứng dậy phủi bụi trên người. Vừa bước tới cổng thành thì đã nghe một tiếng đóng sập mạnh mẽ. Tôi hiểu. Bây giờ tôi đã bị liệt vào danh sách 'những người không được chào đón ở Khâu Từ', chỉ sợ mọi cửa thành giờ này đều 'bế quan tỏa cảng'. Không biết lần này đã đắc tội thần thánh phương nào, mà lại buộc tội rời khỏi Khâu Từ vội vã như vậy. Cũng may là chỉ đuổi đi chứ không muốn mạng của tôi. Tôi đeo balo lên người rồi rời đi.

Ngắm nhìn hoàng hôn dần trôi, tôi phải tìm chỗ nghỉ chân đêm nay mới được. Dù thế nào đi nữa, tôi phải tìm cách đi đến Pháp hội của Rajiva vào sáng ngày mai, cậu ấy đang cần sự giúp đỡ của tôi mà.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro