Chương 19: Dọn chuồng heo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Việc đầu tiên của thử thách ở rể là Nhất Bác phải chặt chuối cho heo ăn, tắm heo và lau rửa chuồng heo cho ông út. Sau đó, là đi theo mấy anh hai Dư đi ra đồng lùa vịt về, còn những việc khác thì sáng ngày hôm sau làm tiếp.

Ông út thấy Nhất Bác chạy xuống nhà sau, liền gọi anh hai Dư ở ngoài bè vào giao việc khác:

- Dư! Nhà mình có đứa tới hỏi cưới thằng Chiến, nó ở nhà mình một tháng. Thành thử ra, lóng rày bây mần cái gì thì bây bày cho nó mần đi. À nhớ canh chừng nó cho kĩ nghe chưa, ông ngoại không có tin tưởng thằng nhóc này chút nào hết.

Anh hai Dư mặc dù không hiểu ý của ông Út, nhưng cũng gật đầu chắc nịch:

- Con biết rồi ngoại.

Nói xong, anh hai lật đật chạy xuống bè dặn mấy người tới mua cá giống vài câu, rồi ba chân bốn cẳng chạy ra chuồng heo làm người giám sát Nhất Bác. Cái gì thì cái, chứ đang yên đang lành có đứa nhào vô xin làm việc giúp mình ngu gì mà anh không chịu. Tắm heo, cho heo ăn... mệt le lưỡi chứ đùa sao.

Nhất Bác cầm cây dao chặt chuối đi theo bác sáu ra đồng, đến bụi chuối của ông bà Út, bác sáu bảo anh đốn hai cây, rồi hái rau muống mọc theo mép ruộng, để một lát mang vào bằm nhuyễn trộn chung với cám và hèm cho heo ăn. Tụi heo khoái cái món này lắm, nên con nào cũng tròn quay.

Bụi chuối tuy ít cây, nhưng cây nào cũng to bằng mấy cột điện ở trên Sài Gòn, nên Nhất Bác chỉ đốn có hai cây và hái khoảng hai bờ rau muống mang vào nhà bằm nhuyễn trộn cám hèm cho mấy cái máy bào kêu ụt ụt ăn.

Vào tới trong nhà, Nhất Bác thấy đứng ngay chuồng heo có một người nam trạc tuổi mình đang pha xà bông và rượu chuẩn bị lau rửa chuồng. Trong đầu anh bắt đầu xuất hiện một dấu chấm hỏi to đùng đoàng:

- Ủa? Mọc đâu ra thằng cha này lạ hoắc lạ huơ vậy ta. Không lẽ là người tới hỏi cưới Tiêu Chiến giống mình, mà cũng không đúng. Cái mặt giống hệt nhóc con thì làm sao là đối thủ của mình được. Là ai vậy ta?

Nhất Bác còn đang bận suy nghĩ người trước mặt mình là ai, thì người thanh niên kia cầm cây chổi ráng đưa cho anh và nói:

- Xà bông tui pha với rượu xong rồi, ông cho heo ăn xong nhớ rửa chuồng heo, chuồng bò dùm tui nghe. À còn nữa, bà ngoại tui có nuôi bầy vịt, chừng hai trăm con à, lát ông rửa chuồng heo xong rồi theo tui đi ra đồng lùa bầy vịt của bà ngoại về. Tui ra võng ngủ cái, buồn ngủ quá. Nhớ kêu tui đó nghe.

Không để cho Nhất Bác nói thêm câu nào, anh hai múc gáo nước rửa chân xong rồi chạy cái vèo vào nhà làm một giấc. Bỏ lại một nạn nhân đáng thương đang đứng đực mặt giữa trời trưa nắng chang chang muốn đen cả da ở sân sau.

Nhìn cái chuồng heo giống một chục con, lại thêm cái chuồng bò năm con, thì sốc muốn độ quỵ. Cái chuồng heo mười con mà còn kèm theo chuồng bò mười con nữa, vậy thì rửa chừng nào xong. Đã vậy mà con nào con nấy bự tổ bà nải. Dọn xong thêm cái chuồng bò chắc nằm bẹp mấy ngày.

Mặc dù rất oải với đám heo, bò của ông bà út, nhưng Nhất Bác vẫn quần vo ống vận, cầm cây chổi ráng và thùng nước xà bông bước vào chuồng heo bắt đầu công việc chà rửa lau chùi. Vì sự nghiệp cưới được vợ, nên có cực khổ mấy cũng phải vượt qua. Tình yêu chiến thắng tất cả.

Cầm chổi đi vào bắt tay vệ sinh chuồng trại hùng hổ là vậy, nhưng khi gom mấy đống rơm bỏ vào xe đẩy, thì Nhất Bác nhìn thấy trong chuồng hộc nào cũng có phân bò. Nhờ không có mùi nên anh vẫn có thể dọn dẹp bình thường và mang số phân chôn xung quanh gốc cây ăn trái trong sân nhà của ông bà Út.

Dọn xong chuồng bò, thì Nhất Bác bắt đầu xách chổi và bàn chải sang rửa chuồng heo, nhưng khổ một chỗ cứt heo không chỉ thúi mà còn khai. Chỉ cần không cẩn thận để nước rửa chuồng văng lên mình, thì khẳng định có tắm hết ba kí xà bông Sài Gòn vẫn còn mùi.

Tắm heo xong việc tiếp theo là Nhất Bác phải vào nhà gọi anh hai thức đậy dẫn mình ra đồng lùa vịt. Tìm dáo dác một hồi, anh thấy anh hai đang nằm vắt vẻo ngủ trên võng, mới đi đến gần khều chân anh hai:

- Thức dậy. Tui rửa chuồng heo với chuồng bò xong rồi, dẫn tui ra đồng lùa vịt về nhanh lên. Chiều rồi.

Anh hai đang ngủ ngon lành, bị Nhất Bác khều chân, liền dụi mắt mấy cái rồi nói:

- Ờ...ờ...đi...tui với ông đi ra đồng lùa vịt vô nhà cho ngoại...

Vật lộn cả buổi chiều với bầy heo giống mười con của ông út để tắm cho tụi nó, khiến cho Nhất Bác mệt phờ cả người. Đã vậy anh còn phải theo anh hai Dư đi ra đồng lùa bầy vịt giống hơn hai trăm con của bà út về chuồng, đến khi vào trong nhà thì trời đã sụp tối.

Bà út dọn cơm lên bàn thấy Nhất Bác và anh hai cả người ướt nhẹp, mồ hôi mồ kê nhễ nhại từ ngoài ruộng đi vào, liền ngoắc hai người lại gần và nói:

- Bây làm xong rồi hả? Xuống nhà sau tắm, rồi lên ăn cơm.

Nghe lời bà út, Nhất Bác và anh hai rủ nhau xuống sông tắm cho trôi mùi mồ hôi. Ông bà có giai thoại mẹ chồng nàng dâu, thì cũng có chuyện anh vợ em rể. Vì anh hai không muốn Tiêu Chiến lấy một người lập nghiệp ở Sài Gòn, nói cách khác không muốn gả cậu đi xa, nên hoàn toàn không có thiện cảm với Nhất Bác.

Còn Nhất Bác thấy mặt anh hai đăm đăm khó chịu với mình thì cũng không mấy thích gì. Đường đường hai thằng trạc tuổi nhau, mà phải kêu bằng anh thì đúng là đau hơn bò đá, nhưng mà phải nhịn. Có cưới được heo sữa hay không đều phụ thuộc vào sự nhẫn nhịn của bản thân.

Mặc dù không có thiện cảm gì với Nhất Bác, nhưng anh hai vẫn cố gắng nói chuyện với anh cho lịch sự:

- Ông qua đây ở mấy ngày.

Nhất Bác cũng chẳng thích thằng anh vợ này của mình tẹo nào, nhưng đã mở miệng hỏi thì anh phải trả lời:

- Ở một tháng. Tại ông út nói nhà đang vô mùa gặt, mà ông út chưa kiếm được người, nên kêu tui ở lại tiếp.

Anh hai gật gù mấy cái như đã hiểu rồi nói:

- Vậy tối nay ông ngủ sớm đi. Mai theo tui ra đồng, rồi tui chỉ công chuyện cho mần. Tháng này ba cái đồng án đăng đăng đê đê, mình tui mần cũng không nổi, có ông tiếp cũng dễ. Thôi lên nhà ăn cơm, đói quá. Ngâm một hồi là có hai cái thây chết trôi à.

Hai anh em lặn hụp thêm mấy cái cho thỏa thích cái thú vui tắm sông, rồi kéo nhau lên nhà ăn cơm chiều. Loay hoay với bây vịt cả buổi chiều, nên thằng nào cũng đói meo. Bây giờ mà nằm xuống nệm là ngủ luôn, khỏi cần ăn cũng không biết đói.

Lên tới nhà trên, Nhất Bác thấy ngoài ông bà út và Tiêu Chiến, thì còn hai người phụ nữ và một người đàn ông ước chừng năm mươi tuổi. Mặc dù không biết ba người náy có vai vế thế nào, nhưng anh vẫn lễ phép khoanh tay lại chào.

Bà út ngoắc Nhất Bác lại rồi chỉ vào cái ghế còn trống kế bên Tiêu Chiến và nói:

- Thôi! Ngồi xuống ăn cơm đi con. Cứ tự nhiên như ở nhà nghe.

Nhất Bác dạ một tiếng, rồi cầm đũa lùa cơm vào miệng rồi với tay gắp khứa cá lóc chiên. Thế nhưng người sống ở vùng quê, thì nấu cơm rất khô và ăn rất mặn, khiến anh nhai cơm muốn trẹo cả quai hàm. Chỉ riêng món canh chua và rau muống xào là ngon không thể nào bàn cãi.

Ông út thấy Nhất Bác ăn cơm có vẻ nuốt không vô, nên đã lên tiếng dò hỏi:

- Cơm bà út nấu không ngon hả con? Hay là ông bà đổi món khác cho con nghe.

Nhất Bác nghe xong câu hỏi của ông út mồ hôi rịnh ra như tắm, lật đật lùa cơm liên tục vào miệng và nói:

- Dạ không có. Tại lâu lắm rồi con mới ăn rau muốn xào mỡ tỏi, nên ăn chậm để thưởng thức, chứ bà út nấu ngon lắm.

Ông út dù không tin lắm, nhưng cũng gật gù cho có, rồi tiếp tục ăn vừa ăn cơm vừa nói:

- À...buồng thằng Dư còn dư ra một cái giường, tối nay con ngủ với nó nghe. Thằng Chiến ngủ giường bà nội.

Nghe ông út nói xong, Tiêu Chiến thì hí hửng ra mặt, vì đã lâu rồi cậu mới được ngủ chung với ông bà nội. Chỉ riêng Nhất Bác là mặt chảy dài như con chó pull Pháp. Ông út đi nước cờ này, anh không đoán trước được. Quả nhiên là gừng càng già càng cay.

Mặc dù không cam tâm, nhưng Nhất Bác vẫn không dám lên tiếng phàn nàn, chỉ biết âm thầm chấp nhận. Vì chỉ cần tỏ ra một thái độ gì gọi là khó chịu, là con đường mất vợ hiện ra trước mặt, nên nam tử hán đại trượng phu muốn làm việc lớn là phải nhịn.

Ông út nhìn vẻ mặt méo xẹo của Nhất Bác, mà phải lãng sang chủ đề khác để không bị anh chọc cười ra tiếng. Tưởng ông cho ngủ chung phòng với cháu nội cưng của ông sao. Đâu có dễ vậy, ông phải đề phòng cháu nội cưng của mình bị đóng dấu chứ. Cái gì không lo xa, chứ cái này là phải cẩn thận. Mấy đứa nôn nóng nó dễ làm liều lắm.

Ăn cơm xong, Nhất Bác phụ bà út dọn mâm chén xuống bếp rồi tranh phần rửa chén, sau đó mới đi vào phòng anh hai Dư tìm chỗ ngủ. Hì hục ngoài ruộng cả buổi chiều mệt phờ cả người, nên vừa nằm xuống giường là anh ngủ luôn, cái chân dài ngoằn như cây sào thòng xuống đất như thẳng chỏng chết trôi.

Nửa đêm đang ngủ ngon lành, Nhất Bác bị tiếng thở rò rò kế bên lỗ tai. Mặc dù hai thằng nằm hai gường, nhưng giữa đêm khuya thanh vắng mà anh hai lại ngáy như xe lam, thì đúng là không tài nào ngủ được.

Trời vừa hừng sáng, gà còn chưa gáy, Nhất Bác ngáp dài ngáp ngắn lăn qua lăn lại trên giường một chút, sau đó mới theo anh hai Dư đi xuống sàn múc nước đánh răng rửa mặt, rồi ru rê nhau ra đồng cắt lúa.

Trước khi đi đồng, anh hai Dư đưa cho Nhất Bác một cây chổi và nói:

- Quét sân lát cắt lúa vô phơi.

Nhất Bác ngạc nhiên trợn mắt nhìn anh hai và nói:

- Lúa chưa chín mà cắt chi sớm vậy cha?

Anh hai thở khì ra một hơi và nói:

- Cha ơi! Đồng đồng làm cốm dẹp nó mới ngọt. Hỏi nhiều quá, quét lẹ đi còn ra đồng cắt lúa nữa. Ra trễ quá người ta  cho thuê máy hết bây giờ.

Nhất Bác cầm cây chổi vừa quét vừa ngáp, như lên đồng. Tối qua vừa lạ chỗ ngủ không được đã đành, lại còn nằm gần đường ray xe lửa thì đúng là thảm họa, nhưng mà anh đâu có dám làm gì đâu, lạng quạng là mất vợ chứ giỡn sao.

Mặc dù tối qua cay lắm, nhưng Nhất Bác vẫn cố gắng làm cho mình thật tỉnh táo để quét cho sạch cái sân, để một lát còn mang lúa vào trải ra phơi. Anh cũng biết đây chỉ là khởi đầu thôi, màn khó khăn khổ ải còn ở ngoài sau kìa. Nhưng mà thôi, có công mài sắt có ngày nên kim. Muốn cưới được vợ là phải chịu khổ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro