-Chiếc cốc nứt-

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lam.

Vào những năm cấp hai, tôi đã gặp một cô bạn kì lạ.

"Hôm nay là ngày đầu tiên mình đi học, mình có thể ngồi đây không?"

"Mình là Đan, rất vui được làm quen với bạn."

Không để tôi nói một câu nào, cô bạn với gò má bầu bĩnh cam mọng lấm tấm những nốt tàn nhang ẩn hiện đằng sau chiếc khăn ống màu xanh rêu to sụ, có khi còn to gấp đôi khuôn mặt nhỏ nhắn của cô nàng tuôn ra một tràng, rồi điềm nhiên xách cặp ngồi phịch xuống cái ghế trống bên cạnh tôi. Một lúc sau, tôi mới bắt đầu cảm thấy đồng ý để Đan ngồi đó là một quyết định hết sức sai lầm.

Tiết học thêm mà Đan vào lớp là tiết Toán. Xui cho tôi, lại là môn cô bạn chẳng hiểu tí gì.

Đan nói nhiều khủng khiếp, thành ra tôi chẳng nghe ra nổi trên trên bảng cô đang giảng đến đâu nữa. Cuối cùng, sau gần nửa tiếng ghi chép như một cái máy, tôi không cưỡng lại nổi cám dỗ quay ra tiếp chuyện Đan.

Đan nói chuyện rất có duyên, chỉ một câu chuyện bình thường nhạt thếch của tôi cũng trở nên hết sức hài hước qua cách cô ấy kể, qua những ngón tay thon dài gõ gõ trên mặt bàn nâu, qua tiếng cười giòn và đôi mắt cười cong như vầng trăng bỏ quên giữa bầu trời mùa hạ. Tôi thích Đan cũng có lẽ một phần bởi sự lạc quan nơi cô – thứ mà tôi vẫn luôn tìm kiếm ở chính bản thân mình. Những câu chuyện mà tôi tự ngán ngẩm gán cho nó một cái nhãn tồi tệ và bỏ dở nó, Đan lại luôn nắm tay tôi đi xuyên qua bóng đêm ấy, chỉ cho tôi thấy ánh sáng tươi mát của những ngôi sao.

Hậu quả là sau tiết đó, và rất nhiều tiết sau đó, sau đó nữa, tôi và Đan trở thành tội đồ của lớp vì chúng tôi ngồi sổ đầu bài quá nhiều do mất trật tự. Cứ thế, lạ lùng và nhẹ nhàng như vậy, cô bạn thản nhiên chen ngang cuộc sống của tôi. Và cũng thật lạ là tôi chẳng thấy phiền về điều đó cho lắm. Mãi về sau này tôi mới biết, buổi sáng ngày đầu tiên ấy, trông tôi nghiêm túc và tĩnh lặng quá, nên Đan mới "phịa" ra những câu chuyện không đầu không đuôi để thu hút sự chú ý của tôi. Không ngờ tôi lại trả lời. Cũng không ngờ chúng tôi hợp nhau đến thế.

Tôi rất thích đến nhà Đan. Ngôi nhà nhỏ thôi, nhưng ấm cúng với một mảnh sân con con với rất nhiều loài cây không mọc theo hàng lối. Có những cây xù xì gai góc, nằm im lìm trông thật ù lì và cục mịch bên những cành hoa uyển chuyển, rực rỡ và đầy kiêu hãnh dưới những giọt nắng lấm tấm nhỏ qua những tán lá đan dày xanh thẫm. Chúng tôi thường lấy cớ học nhóm để được ở riêng, nhưng vừa đợi ba mẹ Đan đi khuất là hai đứa lại ra ngoài cái ban công nơi có hàng lan can gỗ sơn trắng của phòng Đan, ngồi trên hai cái ghế gỗ, đôi lúc còn để chân trần lên bàn. Tôi sẽ ôm con mèo tham ăn béo ú đen mượt nhà cô ấy, nheo mắt ngắm nhìn mảnh vườn nhỏ, mặc cho nắng cháy trên da và gió lùa tung mái tóc, cùng cười đùa về những câu chuyện mà Đan sẽ kể. Những buổi chiều cùng Đan và ngôi nhà nho nhỏ của cô ấy đã vẽ nên một thanh xuân không thể nào quên của tôi.

Giờ đây, mỗi khi nhớ về Đan cùng ngôi nhà ấy, tôi bỗng chợt cảm thấy, dường như Đan là một thiên thần được gửi tới để cứu vớt tôi khỏi những ngày tháng vô định dài đằng đẵng, để dẫn lối cho tôi tìm đến những ước mơ đã đánh mất của mình. Và như một câu chuyện cổ tích viết trong những trang sách ngả màu của bà nội, một thiên thần sau khi hoàn thành nhiệm vụ được trao sẽ lại bay đi, với đôi cánh màu trắng và đôi mắt màu đồng, đem đến ánh sáng cho những mảnh đời khác.

Tôi vẫn nhớ chiều ngày hôm đó, Đan trầm tư hơn thường lệ. Vốn ít khi là người mở lời trước, tôi không biết hỏi thăm thế nào cho phải, không khí im lặng đến mức nghe thấy cả tiếng gừ gừ khoan khoái của con mèo to béo trong lòng tôi.

"Này" – Đan nói, mắt vẫn không nhìn tôi lấy một lần.

"Đang nghe đây" – Lần đầu tiên nói chuyện với Đan mà tôi có thể chậm rãi hoàn thành câu nói của mình mà không bị giọng nói lanh lảnh của cô bạn cắt ngang, không khỏi cảm thấy hơi trống vắng.

"Việt Nam, hay Nhật Bản, cậu nghĩ tớ nên đi đâu thì hợp nhỉ?"

Tôi đơ ra như phỗng, không thốt ra được tiếng nào. Dường như tôi nghe thấy Đan cười chua chát. Và lần đầu tiên, tôi được nghe Đan kể về gia đình của cậu ấy, không còn là những tiếng cười và những câu chuyện không đầu đuôi về những bữa cơm hay những cuộc họp gia đình, Đan đã kể cho tôi nghe những câu chuyện thực sự. Gia đình Đan không được hạnh phúc như những mẩu chuyện thoáng qua mà Đan  hay kể cho tôi. Tuổi thơ của Đan gắn với ánh sáng từ cái tivi, những con búp bê mắt xanh và bốn bức tường phòng. Bố Đan là con người của công việc. Ông thường ra khỏi nhà từ tờ mờ sáng và thường trở về khi phố đã tắt đèn. Mẹ Đan cũng đi công tác liên miên, chẳng mấy khi ở nhà. Bà nói đó là đặc thù của công việc. Từ bé, Đan đã phải tự tìm niềm vui cho mình. Đó cũng là lý do ngày đầu đi học Đan chọn ngồi cạnh tôi, bắt chuyện với tôi. Đan nhìn thấy sự cô đơn của cô ấy trong đôi mắt mỏi mệt của cô gái tóc đuôi sam bàn cuối hôm ấy. 

"Gặp cậu, được cùng nhau nói chuyện, cùng nhau chơi đùa, thật sự giúp tớ nhiều lắm. Giúp tớ lấp đầy những lỗ hổng, thôi tan những bữa cơm một mình nguội lạnh bên trong cái lồng bàn. Tớ đã nghĩ rằng "Thật tuyệt, mình có thể sống mãi như thế này". Nhưng, Lam ạ, hóa ra mọi thứ không bao giờ đơn giản như tớ nghĩ".

Đan thoáng ngập ngừng, lần đầu tiên tôi thấy Đan khóc. Vậy hóa ra, những thiên thần cũng khóc, nhưng không phải là những giọt pha lê hay kim cương châu báu, chỉ đơn giản là một giọt nước mặn chát chậm rãi bò qua gò má đã phai mất sắc cam kì lạ, chỉ còn một màu trắng xanh nhàn nhạt với những lấm tấm tàn nhang bật lên nhức mắt. 

 "Mấy ngày gần đây, bố tớ phát hiện ra mẹ tớ có một người khác bên ngoài thì tất cả mọi thứ trong căn nhà này thật sự vụn vỡ. Như một giọt nước tràn ly, bố mẹ tớ ly dị."

"Thế đấy" – Đan lại cười, đôi mắt tối và sâu thăm thẳm – "Nhưng mà tớ lại thấy thật nhẹ nhõm. Như thể cậu cầm trên tay một cốc nước nứt vậy, cứ luôn lo lắng không biết khi nào nó sẽ vỡ ra, và tất cả nước trong cốc sẽ ào ra ngoài. Nhưng một khi cái cốc đã vỡ rồi, cậu sẽ không còn gì phải lo lắng nữa".

Và từ sau ngày hôm ấy, Đan vẫn cười đùa, vẫn vui vẻ, chỉ có tôi là nghe được những mảnh vỡ rơi xuống, leng keng trong giọng cười ấy. 

"Tuần sau tớ sẽ đi. Bố tớ sẽ về Nhật định cư với ông bà nội. Tớ quyết định sẽ ở với bố."

Đan tuyên bố, vẫn là một tràng dài không để tôi chen vào lấy một câu, thản nhiên như lúc cô ấy đến. Hôm nay đã là thứ sáu, nghĩa là tôi chỉ còn hai ngày được nhìn thấy Đan. Tôi cố bắt chuyện, nhưng Đan không nói thêm gì nữa, cũng không mượn thước kẻ hay bút chì của tôi. Tôi bàng hoàng chợt nhận ra Đan sắp biến mất khỏi cuộc sống của tôi, cũng đột ngột như cách cô ấy bước vào.

Bỗng tiếng cười của Đan thoáng qua tâm trí tôi. Tôi chợt nhận ra tôi nhớ nụ cười ấy biết nhường nào.

Đan.

Chuông đồng hồ báo thức reo inh ỏi. Ngày cuối cùng của tôi ở đây đã bắt đầu.

Hôm nay gió mùa Đông Bắc, lạnh. Mà có sao đâu, cũng đâu thể lạnh bằng căn nhà này.

Tôi thay quần áo và ngồi đợi tiếng chuông cửa vang lên.

Lam là một cô gái đầy những nguyên tắc và luôn luôn đúng giờ. Trước giờ đi học đúng mười lăm phút, cậu ấy sẽ đứng trước cửa nhà tôi, nhấn chuông đúng hai lần, mỗi lần cách nhau 30 giây. Tôi biết, bởi vì tôi rất thích đứng đằng sau cánh cửa nhà đếm đến 30 để nhìn đôi lông mày hơi cau lại sau cặp kính tròn của cậu ấy. 

Bảy giờ.

Bảy giờ mười lăm.

Bảy giờ ba mươi.


Thật lạ là cái con người nguyên tắc ấy hôm nay không đúng giờ, và cũng không hề báo trước. Tôi xách cặp đứng lên, ngày cuối cùng ở đây - cũng có lẽ là cả của những ngày sau đó khi tôi sang Nhật, đều khởi đầu với việc đi học một mình. Và tiếp theo đó là ngồi một mình. Lam không đi học hôm nay. Tiết sinh hoạt, cô chủ nhiệm đã quyết định dành ra để tôi chia tay với cả lớp. Lần đầu tiên tôi được trở thành trung tâm của sự chú ý. Các bạn cùng lớp vây quanh tôi, tặng những món quà lưu niệm nho nhỏ, ôm những cái ôm thật chặt, và ôn lại những kỉ niệm, có cả nụ cười và cả nước mắt. Tôi xúc động, không ngờ tới tình cảm của những người bạn mới học cùng tôi một khoảng thời gian ngắn ngủi. Nhưng không biết tại sao tôi cứ ngóng mãi ra phía cửa, nhưng cuối cùng, người tôi đợi vẫn không xuất hiện. Tiếng trống hết giờ vang lên. Mọi người lục tục tạm biệt và rời đi. Có vài người muốn đi cùng tôi về, nhưng tôi từ chối, vậy nên không lâu sau đó, chỉ còn mình bóng tôi trải dài trên nền gạch lát sáng bóng. Xách ba lô lên, tôi nhìn lại ngôi trường một lần cuối trước khi rời đi. Chợt, tôi thấy Lam.  Từ đầu kia hành lang – kể từ lần đầu tiên từ khi tôi biết Lam, cậu ấy chạy nhanh đến thế.

Như một cơn gió, Lam đến trước mặt tôi. Mái tóc dài màu sợi đay của cậu ấy không tết đuôi sam như thường ngày mà rối tung, bết cả vào má. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên sống mũi cao, trên vầng trán rộng và lăn dài xuống cổ. Lam thở không ra hơi, nhưng chưa bao giờ tôi thấy đôi mắt của Lam lấp lánh đến thế.

"Lam.."

"Đan, nghe mình nói đã".

Lam ôm chiếc ba lô đã sờn của cậu ấy, khuôn mặt nhỏ hơi nghếch lên một chút, mỉm cười.

"Đây là quà tạm biệt của Lam".

"Chiếc cốc kia của Đan có thể đã không cách nào hàn gắn lại được, nhưng cậu có quyền chọn lựa, hoặc là mãi mãi ôm tiếc nuối tổn thương với chiếc cốc vỡ, hoặc là cậu có thể chọn một khởi đầu với một chiếc cốc mới" – Lam lém lỉnh rút từ balo ra một đôi cốc gốm được nặn hơi vụng, mà tôi đoán chắc là lời giải thích cho sự biến mất cả tối qua và sáng nay – "Trong trường hợp thứ hai, tớ sẽ cùng cậu giữ cho nó không nứt nữa, nhé?"

Giây phút đó, tôi biết, tôi đã tìm lại được nụ cười lạc mất của mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro