Không Tên Phần 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một.

Lần cuối cùng tôi gặp cậu thời tiết cũng như thế này: tiết trời đầu xuân vừa lạnh vừa ẩm, mưa phùn rả rích suốt ngày đêm tràn vào khung cảnh trắng mờ. Thời tiết ảm đạm, nét mặt cậu cũng ảm đạm. Cậu đứng trước mặt tôi, mi mắt trĩu nặng những hạt mưa. Chúng tôi lẳng lặng đi cạnh nhau, không ai nói câu nào. Con đường từ đông thị trấn đến tây thị trấn ngắn ngủi, chúng tôi chia tay ở ngã tư trung tâm, nhà tôi đi về hướng những ngọn núi còn nhà cậu đi về hướng những cánh đồng, mỗi đứa một phương. Trước khi quay đầu bước đi, cậu nói với tôi: "Gặp lại Dương sau."

"Gặp lại sau." Tôi đáp.

Ba chữ 'gặp lại sau' tôi nói theo quán tính, lòng chẳng nghĩ ngợi gì, chúng tôi vẫn hẹn gặp sau những giờ tự học, sau một cuộc gặp gỡ vô tình trong cái thị trấn nhỏ này, ở cổng chợ, ở cửa tiệm hàng lưu niệm, ở sân vận động huyện,... khiến chuyện tạm xa nhau trở nên quá đỗi bình thường, chỉ như một tích tắc.

Chỉ không ngờ thời gian cho đến lần gặp tiếp theo của buổi tạm biệt ngày hôm ấy lại kéo dài suốt sáu năm trời.

Sáu năm là khoảng thời gian dài biết chừng nào? Đủ để đứa trẻ hàng xóm mới sinh cạnh nhà tôi nay vào lớp một, đủ để cây sấu tự tay bố và tôi trồng trong sân giờ cao qua cả mái nhà. Đủ để gương mặt Quân trở thành thứ gì đó lờ mờ trong kí ức. Nhiều lúc đột nhiên nhớ về cậu, tôi vẫn hay cố hình dung ra từng đường nét trên khuôn mặt Quân. Đã có lúc tôi chỉ cần nhắm mắt lại là ánh mắt, nụ cười, từng cái chớp mi, từng nhịp thở đều đều của cậu đã ùa về, sắc nét như một bức tranh HD, chân thật đến mức tôi cứ nghĩ là mình đưa tay ra sẽ có thể chạm tới. Nhưng dạo gần đây, thời gian để Quân xuất hiện trong tâm trí tôi ngày một dài. Khi tôi cố gắng, đầu tiên chỉ có mái tóc mềm, lúc chải thẳng mái dài qua lông mày một chút, sau đó là đường nét lờ mờ của quai hàm, vầng trán. Phải mất đến vài phút tiếp theo cố gắng tập trung, tôi mới lại hình dung được hàng mi dài thẳng, cái mũi cao, và bờ môi của Quân. Không phải lúc nào sự tưởng tượng về cậu cũng thành công. Đôi khi, trong quá trình khó nhọc ấy, cái chậu tưởng kí của tôi bị nhiễu loạn bởi một vài suy nghĩ bất chợt khác, có thể nỗi lo lắng về bản thảo chưa hoàn thành hay sự khó chịu nơi bờ vai đã bắt đầu có dấu hiệu đau thường xuyên (tôi ngờ rằng chứng đau xương khớp đã được di chuyền từ bố tôi, bố tôi cũng thường xuyên đau vai từ ngày còn trẻ). Mỗi lần như thế, khuôn mặt của Quân đang chầm chậm được tô vẽ trên mặt nước giống như bị ai đó ném vào một hòn đá, loang dần, loang dần rồi biến mất.

Tôi đồ rằng nếu thời gian cứ trôi qua phũ phàng như thế, rồi cũng có một ngày tôi quên tiệt Quân, cậu sẽ chỉ còn là những mảnh vụn kí ức, dải rác suốt thời trẻ thơ và niên thiếu, và đâu đó trong quãng ngày xuân trẻ của tôi.

Chớp mắt một cái chúng tôi đã xa cách sáu năm.

Lúc này, Quân lại đứng trước mặt tôi giống như ngày hôm đó, tôi thoáng tưởng rằng tôi và cậu đang ở trong cái lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau sáu năm về trước khi cả hai còn là sinh viên năm thứ tư đại học, dưới làn mưa phùn nhẹ, cậu cười với tôi. Tôi cũng mỉm cười với cậu, trong lòng không rõ đang buồn hay vui. Chúng tôi đều nhìn chăm chú vào đối phương, nhưng tâm trí lại miệt mài theo đuổi những cảm xúc riêng, những suy nghĩ riêng của mình, dù rằng ngay cả cái gọi là 'suy nghĩ riêng và cảm xúc riêng' trong tôi ấy cũng chỉ luẩn quẩn hướng về Quân.

Đôi lúc chúng ta chẳng hay như vậy đó sao? Ở ngay trước một người nhưng không tập trung vào người ấy mà lại tập trung vào suy nghĩ của bản thân về người ấy. Tôi cho rằng, sở dĩ mình như vậy vì tôi có thể điều khiển được suy nghĩ của tôi, thậm chí tự thêm thắt vào một số chi tiết hoặc điều chỉnh những chuyện tôi muốn thay đổi, còn đối với Quân đứng trực tiếp trước mặt tôi, tôi lại không sao năm bắt được, vì thế tôi trốn chạy vào trong thế giới riêng của chính mình.

Tôi cứ ngỡ dáng dấp cậu đã bị thời gian làm mờ nhạt, thế mà chỉ cần nhìn qua cũng nhận ra Quân cao lên so với ngày đó, tóc gọn gàng hơn, trên người mặc âu phục chỉnh tề dáng dấp lịch sự, nhã nhặn, không còn đi giày thể thao và mặc áo thụng quần bò như năm ấy. Cậu vẫn là Trần Anh Quân của tôi, nhưng lại không còn là Trần Anh Quân nữa.

Trong một giây, tôi thật sự hối hận vì đã đồng làm phù dâu cho Vân. Làm phù dâu đối với một cô gái đã 28 tuổi quả là điều chẳng dễ chịu, hơn nữa, lại còn bị ép mặc đồng phục màu hồng chấm bi có đuôi xòe và viền đăng ten quấn một vòng từ ngực cho đến đầu gối. Thứ trang phục lố bịch đến phát sợ!

Tôi là người 'già' nhất trong đám phù dâu. Ba phù dâu còn lại đều là mấy cô bé sinh viên năm đầu đại học em họ của cô dâu chú rể, cái loại trang phục phù dâu nhí nhảnh như tôi vừa miêu tả hình như đã không còn hợp với mình, trong khi trên người những phù dâu khác tạo cảm giác tươi mới, thì tôi lại tự thấy bản thân thật kệch cỡm.

Tôi nghĩ cách trang điểm của mình cũng kệch cỡm nữa. Phấn mắt và phấn má hồng phấn cùng tông váy, mi giả thì quá nặng. Mấy tiếng rồi đứng đón khách, tôi không có thời gian soi gương, cũng lười nhìn lại mình, nhưng tôi dám đảm bảo lớp trang điểm ấy đang lem nhem vì thời tiết ẩm.

Thực ra đã lâu lắm rồi tôi không còn tự ti về ngoại hình của mình. Ngày còn trẻ, tôi vẫn trẻ, nhưng cái ngày còn trẻ hơn ấy, thi thoảng tôi cũng tự ti rằng da mình không đủ sáng hoặc vòng ba mình hơi quá lép, nhưng không phải mấy năm gần đây nữa. Tôi đã chấp nhận rằng mình không còn hứng thú với việc điệu đà. Thế mà, giờ phút này, cảm giác tự ti đột nhiên tràn về, giống như ngày mới lớn ấy. Tôi thấy mình lôi thôi, xấu xí không thể tả. Còn người đứng trước mặt tôi lại quá đỗi chỉnh tề, tự tin.

Ngày Vân gọi điện thông báo cho tôi là sẽ cưới ba tháng trước, tôi không ngạc nhiên. Dù sao Vân và Hùng – chú rể tương lai đã yêu nhau hơn mười năm, từ ngày chúng tôi còn là những học sinh cấp ba nghịch ngợm ném phấn vào nhau giờ ra chơi. Tôi từng đọc ở đâu đó rằng người mà chúng ta yêu khi còn niên thiếu là người mà chúng ta yêu nhất vì tình yêu khi đó chẳng màng cơm áo gạo tiền, cũng chẳng có lý do gì đặc biệt. Giữa trăm ngàn người ta gặp, lại chỉ có một mình người đó, yêu đơn giản là yêu. Hai người bạn của tôi đã xuất phát với tình cảm trong sáng như thế, ba năm cấp ba, bốn năm đại học, bốn năm đi làm, vẫn có thể kiên trì ở bên cạnh nhau rồi cho ra được một cái kết cuối cùng, quả là điều đáng ngưỡng mộ.

Vân nói: "Làm phù dâu cho tớ."

"Ừ." Tôi trả lời đơn giản ngắn gọn. Dù cũng phải hai năm rồi không gặp lại cô bạn, nhưng tình bạn thời cấp ba lúc nào cũng là cái gì đó thật ý nghĩa, không dễ phai mờ. Thời gian khiến chúng tôi trưởng thành và bận rộn với cuộc sống của người trưởng thành, không còn gặp nhau thường xuyên, nhưng chỉ cần nghe thấy giọng Vân, cảm giác thân thiết lại xuất hiện như thể chỉ vừa mới hôm qua chúng tôi còn mặc áo đồng phục ngồi học cạnh nhau, cùng nhau nhặt những cánh hoa phượng đỏ rực rơi lả tả về xếp thành con bướm rồi ép vào cuốn sổ chép đầy những thơ tình của Nguyễn Bính, Vũ Đình Minh hoặc lời bài hát của Đan Trường hay Quang Vinh. Ôi cái thời học sinh xa lắc xa lơ ấy!

Nhiều năm rồi mà cô ấy còn có thể không ngần ngại vô tư trao cho tôi trọng trách quan trọng trong ngày lễ của mình. Thế nên tôi cũng không ngại ngần mà đồng ý.

Tôi mừng cho Vân vì nói gì thì phụ nữ 28 tuổi cũng không còn là nhỏ, nhất là ở một thị trấn miền núi nhỏ nơi chúng tôi lớn lên, nơi thế hệ ba mẹ đa phần đều kết hôn vào những năm tháng mới chớm 20. Mẹ tôi lúc gọi điện cho tôi giục chuyện chồng con, vẫn thường nói: "Bằng tuổi mày mẹ đã có hai đứa học cấp 1 rồi."

Tôi vẫn cười chống chế bằng cách kéo dài giọng gọi mẹ, ý rằng tôi không muốn tiếp tục chủ đề này nữa.

Hôn lễ của cô ấy cũng nhắc nhở tôi rằng tôi là đứa cuối cùng trong đám bạn thân chưa ổn định. Và một hai năm nữa cũng không có vẻ gì là sẽ ổn định. Tức là những lời giục cưới, ca thán của bố mẹ và họ hàng sẽ còn đẩy tôi vào cái vòng lúng túng thêm vài năm nữa.

Thật ra vừa thấy dáng Quân qua khóe mắt, khi cậu mới bước từ sâu trong bãi đỗ xe bên kia đường hướng về phía này, tôi đã biết đó là Quân.

Tim tôi hẫng mất một nhịp vì ý thức điều ấy. Và như thể để bù cho cái nhịp bị hẫng kia, tim tôi bắt đầu đập một cách không kiểm soát được. Tôi thấy tay mình đẫm mồ hôi, ly rượu trong tay trở nên trơn tuồn tuột. Tôi hớp một ngụm rượu vang trắng đắng chát, khuôn mặt thì vờ vĩnh hướng về câu chuyện của một vị khách đang chào hỏi cô dâu và chúng tôi, khóe miệng cũng cười vờ vĩnh trước điều gì đó đáng buồn cười mà mọi người đang cười. Nhưng sâu trong lòng, tôi chỉ để ý đến một người đang điềm đạm bước tới. Nhìn cậu thì chậm rãi nhưng thực ra bước chân lại rất dài. Từng bước, từng bước một hướng về phía tôi.

Dù biết là Hà nội quá rộng lớn và đông đúc còn chúng tôi thì quá bé nhỏ và vô duyên nhưng tôi vẫn không nguôi khát vọng được tình cờ gặp cậu đâu đó, và trong mọi viễn cảnh ấy tôi đều mong mình xuất hiện xinh đẹp. Có lẽ là mặc chiếc váy voan mỏng thướt tha nào đó, trên tay nên cầm vài quyển sách cho thơ mộng, khuôn mặt thì trang điểm nhẹ nhàng, tinh tế. Chứ không phải là với vẻ bề ngoài trông như một con búp bê lỗi thế này.

Có một điều buồn cười là, trước lúc Quân đứng trước mặt tôi, tôi cho rằng cậu đang hướng thẳng tới tôi, rằng tôi là lý do mà cậu bước về phía này. Chỉ khi Quân đến và nói với Vân 'Chúc hạnh phúc trăm năm' tôi mới nhớ ra, đây là đám cưới bạn tôi, cũng là bạn Quân. Vân mới là nhân vật chính, không phải tôi. Và vì dẫu thế nào, một người khách cũng luôn đến để chào hỏi cô dâu. Có lẽ, tôi chỉ tình cờ đứng đó.

Không hiểu sao, ý nghĩ ấy lại khiến tôi thấy nhẹ nhõm. Rằng Quân không chú ý đến tôi nhiều tới mức tôi tưởng tượng, lại khiến tôi thấy nhẹ nhõm. Dù sao cũng nhiều năm rồi, nước chảy đá mòn, có lẽ cậu không còn bận tâm đến quá khứ nữa.

Vân cười bắt lấy tay Quân: "Ôi trời Quý hóa ghê cơ, tưởng bác sĩ danh giá như cậu không đến đươc cơ chứ!"

"Tớ làm sao bỏ lỡ được ngày của cậu với Hùng!" Quân cười đáp.

Vân cứ nhìn nụ cười của Quân, không biết là cố tình hay vô tình, mà liếc sang tôi. Nương theo ánh mắt của Vân, Quân cũng nhìn sang tôi. Ánh mắt cậu chăm chú, điềm nhiên. Tại sao cậu lại có thể điềm nhiên như thế trong khi tôi đang bối rối đến thế này? Tôi bỗng đâm ra hơi bực tức nhưng rồi lại cố gắng đè nén cái cảm giác buồn cười ấy luôn, mình trẻ con quá.

"Chào Quân."

Tôi lấy hết sức bình sinh, nói được đúng hai chữ như thế. Chỉ mong, sự run rẩy đừng làm giọng nói cũng run rẩy. Chẳng mấy chốc sẽ ba mươi tuổi mà vẫn còn thẹn thùng như một cô thiếu nữ, có đáng xấu hổ không cơ chứ.

"Dạo này Dương thế nào?" Quân hỏi tôi.

Đến cả chất giọng cậu bây giờ cũng trở nên xa lạ. Trầm hơn, điềm đạm hơn, không còn dịu dàng và chút vội vã như ngày trước. Chưa kịp đợi nghe câu trả lời, Vân lấy cớ chào hỏi khách, lỉnh đi chỗ khác. Bỏ lại hai chúng tôi đứng đối diện nhau.

"Vẫn khỏe, lâu lắm không gặp cậu."

"Ừ, lâu quá rồi."

Phải, lâu đến mức mà chuyện cũ trở nên mờ nhạt, tình cảm cũng nhạt phai. Sáu năm trời khiến kí ức xa xôi đến mức có nhiều lần giật mình tỉnh ngủ, mơ về chuyện cũ mà tôi không biết là nó có thật hay chỉ là một giấc mơ dài.

Tôi không biết nói gì thêm, hình như cậu cũng thế. Vừa hay có ai đó từ đằng xa gọi Quân. Quân nhìn người bạn đang gọi mình phía sau, rồi lại nhìn tôi, vẻ mặt rõ nhẹ nhõm: "Tớ phải đi rồi. Nói chuyện sau nhé."

"Nói chuyện với cậu sau."

Thế rồi Quân quay người bước thật nhanh, mưa phùn lất phất sau lưng cậu. Lần trước chúng tôi nói 'gặp lại sau' đã mất sáu năm trời, lần này lại 'nói chuyện sau' không biết là phải mất bao nhiêu năm nữa.

Tôi cứ đứng đó, quay người sang hướng khác để lỡ Quân có quay đầu lại cũng không thấy được dáng vẻ thẫn thờ của mình, không còn hơi sức đâu mà chào hỏi khách khứa. Chân tôi trĩu nặng, đế giày cao gót khiến mắt cá chân đau run rẩy. Tôi không biết là cậu đi rồi trong lòng cảm thấy vui vẻ hay buồn bã. Có biết bao điều tôi với cậu đáng ra phải nói với nhau, nhưng lại chẳng có ai thốt ra lời nào. Tôi nửa muốn níu tay áo cậu, trò chuyện thêm một chút nữa, nửa muốn quay người chạy thật xa để cho trái tim bình tâm lại.

"Chị mệt à?" Một cô bé phù dâu hỏi tôi.

Tôi nhìn lên cười: "Không có gì, hơi đau chân thôi."

Không ngờ cái vẻ mâu thuẫn cùng cực của tôi lại lộ liễu như thế, đến một cô bé nhìn cũng ra.

"Nếu chị mệt thì vào trong ngồi một lúc đi, chút nữa còn phải đi theo cô dâu làm lễ. Bên ngoài này có bọn em rồi."

Tôi cảm động vì sự chu đáo của cô bé, cũng không khách sáo nổi nữa, đành trốn vào phòng thay đồ. Tôi cởi giày, quay mặt vào tường, tôi nhìn bức tường, còn bức tường chỉ đáp lại tôi bằng một màu trắng lạnh lẽo. Bên tai tôi tiếng chuyện trò của khách khứa và tiếng nhạc trộn và nhau, lúc to lúc nhỏ, đặc quánh vào không khí, hết sức khó chịu.

Đến giờ làm lễ, người phụ trách tổ chức vào tìm tôi, thấy tôi thì chê tôi nhợt nhạt, bắt tôi dậm lại son, đánh lại phấn để theo cô dâu ra ngoài làm lễ. Tôi nhìn hai tròng mắt giăng đầy tơ máu vì đêm hôm trước không ngủ chuẩn bị cho lễ cưới, dưới bọng mắt lấm tấm vụn marcara, thấy mệt mỏi vô cùng. Khi môi đã đậm son và mặt đậm phấn, tôi xỏ lại chân vào đôi dày cao gót, xách váy ra ngoài.

Phù dâu và phù rể xếp thành hai hàng trước cổng lễ, cô dâu đi trước theo lời của người tổ chức, tôi khoác tay một phù rể nào đó theo sau. Cậu ta trẻ hơn tôi nhiều, lại cao hơn cả cái đầu.

Nhạc bắt đầu nổi lên, tất cả ánh sáng tập trung vào con đường trải thảm đỏ rắc đầy hoa trước mặt.

Tôi bước ngay đằng sau Vân. Cô ấy mặc bộ váy cưới trắng muốt thướt tha, tất cả khách khứa đều đổ dồn ánh mắt về phía này. Bước vào lễ đường là một trải nghiệm có lẽ không cô gái vào có thể quên trong đời. Vân đi trước tôi, đầu ngẩng cao, vai thẳng, bước từng bước thật chậm. Bộ váy trắng muốt của cô ấy dưới ánh đèn trở nên sáng lấp lánh, tôi nhìn mà nhớ đến những ngôi sao trên trời. Mấy năm sống ở Hà Nội, tôi tuyệt nhiên chẳng mấy khi còn nhìn được sao nữa, nhưng ngày còn nhỏ, bầu trời mùa hạ là cả một thế giới lấp lánh sáng rực rỡ mà lúc này Vân chính là thứ ánh sáng mê hoặc ấy, cô ấy là ngôi sao, là mặt trời của toàn dải ngân hà, vạn vật xoay quanh cô ấy.

Trong thoáng chốc, tôi cũng bị cuốn theo nhịp xoay của trung tâm vũ trụ, tai tôi mờ đi bởi tiếng nhạc lễ đường, giai điệu trầm bổng du dương và mắt mờ đi bởi vô số những tiểu ngân hà xung quanh mình.

Rồi tôi thấy Quân đứng điềm nhiên lẫn trong khách khứa, xung quanh là những người bạn học cấp ba mà tôi cũng quen thuộc. Nhưng những gương mặt ấy đều nhạt nhòa chỉ có cậu là sáng rõ, nom như một bức ảnh kĩ thuật số mà Quân là nhân vật chính còn tất cả những thứ không quan trọng đều bị làm mờ đi. Cậu đã cởi áo khoác ngoài chỉ còn mặc chiếc sơ mi trắng. Quân hơi ngả người người ra đằng sau, hai tay đút túi quần, khuôn mặt cậu lúc sáng rõ lúc mờ ảo sau những cánh hoa hồng và pháo bông đang rơi lả tả. Tôi không nhận ra mình đã nhìn chằm chằm cậu cho đến khi đi qua chỗ Quân, cổ tôi lại vô tình cứ ngoái lại, nhìn cậu thêm chút nữa.

Đi tới cuối lễ đường, phù dâu phù rể tách ra, cô dâu thì đi lên bục làm lễ. Vân Và Hùng tuyên thệ yêu nhau đến cuối đời, chúng tôi vỗ tay, tôi đưa dao cắt bánh cho cô ấy, hai người trao nhẫn, nhìn nhau say đắm. Bạn thân thời cấp ba của tôi nhìn vào chồng mình, cười như thể cuộc đời cô ấy lúc này là hạnh phúc nhất.

Tôi đã xong nhiệm vụ, lẳng lặng quay người đi thay bộ váy phù dâu sang một bộ váy đơn giản hơn. Tôi cũng bóc cả mi giả, rửa thật sạch mặt.

Lúc quay lại thì mọi người đã bắt đầu ăn uống. Tôi ngồi vào bàn của mình, hầu hết tất cả đều là bạn cấp ba. Bạn tôi đã cưới chồng gần hết, nhiều người mang cả con nhỏ tới, không khí rất vui vẻ. Cũng vì là cùng bạn cấp ba nên Quân ngồi ngay bàn bên cạnh, chỉ cần khẽ nghiêng đầu là tôi có thể thấy được cảnh cậu đang trò chuyện với bạn bè. Cậu không nói nhiều lắm, chủ yếu là người khác nói, cậu chỉ nghe, thi thoảng cười, thi thoảng gật đầu, thi thoảng nâng li rượu lên rồi nhấp môi một cái.

"Bây giờ Dương làm gì rồi?" Một bạn học cũ đột nhiên quay sang hỏi tôi.

"Tớ làm trong nhà xuất bản." Tôi đáp.

Công việc chán chết trong nhà xuất bản. Tôi làm ở bộ phận biên tập, hàng ngày ngồi chữa lỗi chính tả và sắp xếp lại câu văn cho người khác. Không phải tôi không thích công việc của mình, cũng có những phần mà tôi yêu thích ví như cà phê miễn phí mỗi sáng dù rằng tôi còn thậm chí chẳng mấy khi uống café và tất cả nhân viên sành uống đều không thích thứ café pha sẵn ở máy đó, nhưng tôi thích mùi hương nồng nàn, trầm ấm của café cứ luẩn quẩn trong không khí đến tận trưa. Ngoài ra thi thoảng chúng tôi cũng nhận được những bản thảo khá thú vị, ngờ nghệch đến mức không thể ngờ nghệch hơn và tôi vẫn làm một chuyện cực kì xấu tính đó là đem những đoạn văn ngây thơ ấy đọc cho cả phòng và cùng cười.

Nếu tôi làm việc chăm chỉ thì lương vừa đủ để sống và thi thoảng sắm sửa chút đồ cho cuộc sống cá nhân còn tẻ nhạt hơn cả công việc lần của tôi.

"Thế bao giờ cậu mới định cho bọn này ăn cỗ hả? Con gái cả lớp còn mỗi cậu thôi đấy."

Câu này tôi nghe nhiều rồi. Không chỉ bạn bè mà bố mẹ, họ hàng mỗi lần gặp đều hỏi thế. Phía bên kia bàn đột nhiên Quân ngẩng đầu lên nhìn tôi giống như là cậu ấy cũng đang chờ đợi câu trả lời. Tôi chỉ cười nhẹ thay cho lời đáp.

Vừa hay, Vân và chú rể đến chúc rượu. Sự chú ý của mọi người lập tức đổ dồn trở lại về hai nhân vật chính. Chúng tôi hò hét, chúng mừng, ai cũng bị uống mấy li. Đến lúc tàn cuộc tôi đã cảm thấy lảo đảo. Tửu lượng của tôi không được tốt, nếu không nói là thấp đến thảm hai. Chỉ hai chén rượu thôi mà cơ thể tôi nóng bừng bừng, mặt mày đỏ gắt. Tạm biệt mấy người bạn cũ xong tôi đi đến phía cổng nơi cô dâu chú rể đang chào khách khứa. Vân nhìn tôi, cười: "Hôm nay cậu vất vả nhiều rồi, cảm ơn nhé. Nhớ về nghỉ ngơi đấy!"

"Mệt làm sao bằng cậu, tự lo cho bản thân đi!" Tôi cũng cười đáp.

Tối hôm qua tôi thức, Vân cũng thức cả đêm bồn chồn lo lắng, tôi nhớ cô ấy chẳng chợp mắt được mấy, cứ đi loanh quanh trong nhà kiểm tra mọi thứ đã đâu vào đó chưa. Hơn nữa cô ấy đi một vòng mời rượu uống nhiều hơn tôi là cái chắc. Chắc chắn Vân mệt hơn tôi nhiều lắm. Tôi xiết cô ấy một cái thật chặt, thì thầm: "Hạnh phúc nhé."

Vân không đáp, chỉ có những ngón tay là bấu mạnh vào bả vai tôi.

Lễ cưới kết thúc tốt đẹp như thế.

Tôi đứng trước trước nhà hàng, ngửa cổ lên nhìn trời, bật ô rồi lại cất ô đi. Trời vẫn mưa nhẹ nhưng không khí thì ấm hơn lúc sáng.

Tôi rất thích mưa. Từ mưa phùn mùa xuân cho đến mưa rào, thậm chí là giông bão. Tôi không biết mình thích mưa từ khi nào, nhưng hồi nhỏ có một lần anh trai tôi nói anh ấy ghét mưa vì mưa rất bẩn, bà tôi đã mắng anh ấy bảo: "Mưa là lộc của trời đất làm cây cối sinh xôi và nảy nở rau quả, con phải biết ơn chứ."

Không biết có phải là do những lời của bà tôi mà ngày đó thi thoảng tôi vẫn đứng dưới mưa, không mũ áo gì, ngửa mặt lên trời cảm thấy những hạt mưa vỡ tan trên lớp da trần của mình, tưởng tượng mình là một cái cây, lạnh nhưng thật sảng khoái.

Rất nhiều năm rồi tôi không làm thế nữa. Cũng chẳng hiểu sao lại nhớ về chuyện này. Hình như là do vì uống rượu, cả cơ thể nóng hầm hậm nên tự dưng sinh ra tha thiết với những hạt mưa mát lạnh như kim châm chạm vào làn da. Nhưng lúc này, giữa chốn đông người tôi không còn cái can đảm làm những gì mình thích mà không để ý đến xung quanh như ngày còn nhỏ nưa.

"Cậu đi bộ à?" Đột nhiên có tiếng người vang bên tai.

Tôi giật mình, ngửi thấy một mùi thơm nhẹ, giống như mùi thảo mộc, vừa hắc, vừa trầm. Quân đứng cạnh tôi trong chiếc áo sơ mi trắng, cũng đang nhìn về phía bầu trời mờ mịt.

"Ừ." Tôi đáp. Nhà tôi gần nơi tổ chức hôn lễ lại còn mặc váy vóc nên không thích hợp đi xe máy.

"Để tớ đưa Dương về." Quân quay sang tôi, đề nghị.

"Không cần đâu." Tôi đáp không do dự, cười với Quân một cái, lần cuối chúng tôi gặp nhau trong tiết trời như thế này tâm trạng đã nặng nề không tài nào kể xiết, tôi không muốn nhớ lại cảm giác ngày ấy, và chắc là cậu cũng không. "Tớ về đây. Gặp lại Quân sau nhé."

Những câu nói kiểu như 'gặp lại sau', 'nói chuyện sau' tôi với cậu đã nói không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần nói ra, trong lòng tôi đều có cảm giác đó là những lời cuối cùng chúng tôi có thể trò chuyện với nhau. Nếu có cái gọi là duyên số, thì duyên số của tôi và cậu đã đứt đoạn từ nhiều năm về trước, tốt nhất là không nên gặp lại nữa.

Vì thế tôi đi bộ về nhà một mình. Bỏ lại sau lưng là Trần Anh Quân và làn mưa lất phất.

Lúc tôi về đến nhà, mẹ tôi đang ở sau vườn rau nhặt cỏ. Nhà tôi mấy năm trước đã xây lại nhưng kết cấu vẫn là theo kiểu nhà cũ: Một phòng khách lớn với hai phòng phụ ở hai bên, trước mặt là một mảnh sân có lợp mái tôn và trát xi măng, mé bên phải kéo dài và nở rộng ra ở đằng sau là vườn tược.

Mẹ tôi là mẫu người phụ nữ chăm chỉ, tần tảo điển hình của thời ngày xưa. Bà luôn dậy sớm, làm các công việc nhà, nấu cơm ngày ba bữa cho bố tôi. Cả bố và mẹ tôi đều không phải người ở thị trấn này. Bố tôi thì mồ côi từ nhỏ, từ rất sớm đã theo người ta lên núi khai thác than, còn gia đình mẹ tôi thì chạy loạn thời chiến tranh những năm 50 của thế kỉ trước, từ đồng bằng lên tận nơi khỉ ho cò gáy ấy. Nên khi nói về Quê hương, cha mẹ tôi luôn ngẩn ngơ nghĩ về một chỗ xa xôi nào đó dưới đồng bằng, còn tôi sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, quê tôi lại vĩnh viễn là cái thị trấn miền núi nhỏ này.

Mẹ tôi đội cái nón đã cũ mềm để che mưa, bàn tay thoăn thoát làm việc. Tôi cũng thay quần áo, ra nhổ cỏ với mẹ. Ngày tôi còn bé, để tăng thêm thu nhập thi thoảng mẹ tôi cũng ra chợ bán nông sản, nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu hơn nữa số tiền lương hưu của bố tôi và trợ cấp hai anh em gửi về mỗi tháng cũng đủ để bố mẹ sống thoải mái nên nông sản bây giờ chủ yếu để gia đình ăn. Vườn nhà tôi trồng rất nhiều thứ: cà chua, bắp cải, xu hào đủ loại, tuần nào cũng gửi cho tôi một thùng vì sợ rau trên thành phố ăn không đảm bảo sức khỏe. Cũng có thời tôi mơ ước trở thành bác nông dân, mơ ước sẽ trồng ra những hạt gạo thơm ngon nhất, những trái dưa chuột to nhất, những quả cà chua đỏ nhất. Mơ ước đó hình như từ ngày tôi còn bé xíu chưa học lớp một, được nuôi dưỡng bởi bà ngoại là một nông dân thực thụ và những buổi chiều chạy nhảy vô tư trên đồng ruộng, không biết là đã tắt lịm từ bao giờ.

Cả hai chúng tôi cứ yên lặng nhặt cỏ. Mãi lâu, mẹ tôi mới lên tiếng: "Tối lại đi luôn à? Sao không ở nhà thêm mấy hôm?"

"Con đã nghỉ làm hai hôm rồi, sao nghỉ nhiều quá được."

Mẹ tôi chẳng nói gì nữa, nhưng tôi cảm thấy sự thất vọng của mẹ tràn sang cả tôi. Thực ra tôi không phải một đứa con tốt. Cả tôi và anh tôi sau khi đi học đều ở lại thành phố. Tôi ở Hà Nội, còn anh tôi ở Thái Nguyên, nhà chỉ còn bố mẹ. Cả hai đều không thường xuyên về thăm nhà, mỗi lần về thăm đều rất miễn cưỡng. Tôi không biết lý do của anh tôi là gì. Nhưng tôi biết rõ lý do của mình. Mỗi khi vô tình xem một quảng cáo nói về tình cảm gia đình hoặc nghe ai đó nói con nhà người ta bất hiếu, tôi đều chột dạ nghĩ về bản thân, sau đó luôn tự nhủ có dịp sẽ về thăm cha mẹ nhiều hơn, cuối cùng vẫn đâu lại hoàn đấy. Tuy bố mẹ không bao giờ trách nửa câu nhưng cả hai anh em đều âm thầm cảm nhận được sự không bằng lòng của họ.

Tôi bèn chuyển chủ để: "Mẹ nhớ nhắc bố uống thuốc đều nhé, bao giờ hết con lại gửi lên."

Bố tôi bị đau xương khớp từ lâu, cứ mỗi lần thời tiết ẩm ướt như này là đi lại khó khăn. Cũng nhiều lần tôi với anh trai đưa bố về bệnh viện lớn, thuốc tây tàu gì cũng thử qua mà không có tác dụng. Không biết lần năm ngoái anh tôi nghe ngóng được ở Hà Nội có chỗ cắt thuốc nổi tiếng, lại gần nơi tôi sống vì thế giao nhiệm vụ mua thuốc cho tôi, không ngờ uống vào lại có hiệu quả.

Xe của tôi sẽ xuất phát lúc 6 giờ chiều, khoảng 11h đêm thì lên đến Hà Nội. Buổi chiều tôi ăn cơm sớm rồi lại sắp xếp đồ đạc lên thành phố. Ngoài cha mẹ tôi, Oanh cũng tranh thủ mấy phút rảnh dỗi đến tiễn. Cô ấy cũng như tôi học đại học ở Hà Nội, sau đó làm việc và sống ở Hà Nội nhưng nghe nói bố mẹ chồng muốn kết hôn xong cũng phải ở nhà mấy ngày.

Ngày trước tôi, Vân và một người nữa chơi với nhau thân như chị em. Thị trấn này vốn nhỏ, chúng tôi quen biết nhau từ ngày còn bé tí, đứa nào đứa nấy chân trần bắt chuồn chuồn trên những cánh đồng ngô, trải qua hai mươi năm, cuộc sống đổi khác, chỉ có sự quan tâm dành cho nhau là vẫn còn. Chúng tôi nói chút chuyện phiếm về cuộc sống.

Thế rồi, Vân hỏi tôi: "Quân cũng về tối nay, cậu ấy không đưa cậu xuống Hà Nội à?"

"Sao Quân phải đưa tớ đi?" Tôi vẫn tiếp tục gấp quần áo bỏ vào vali, hỏi lại.

Vân yên lặng một lúc, nhìn tôi: "Chuyện đã qua nhiều năm rồi, tại sao các cậu còn không tha thứ cho nhau?"

Tôi không trả lời, tôi không muốn nhắc lại chuyên cũ, trong lòng rối bời. Thực ra tôi tha thứ cho Quân, tôi lúc nào cũng tha thứ cho cậu ấy, tôi chỉ không thể tha thứ cho chính mình. Tôi không thể nào gặp cậu mà không thấy hổ thẹn, vì thế, chúng tôi tốt nhất là nên quên nhau đi. Chẳng qua việc quên cậu tôi đã cố gắng làm suốt sáu năm, chưa bao giờ thành công.

Hai.

Khi tôi về tới bến xe Mĩ Đình đã quá 11 giờ đêm. Hành lí tôi thì chẳng có nhiều, một bộ đồ dùng cá nhân và ít quần áo, đủ để nhét vào chiếc ba lô màu đỏ hơi sờn mép vải mà tôi đã dùng từ ngày còn sinh viên. Có lẽ cái dáng điệu của người từ quê lên chưa bao giờ phai nhạt trong tác phong của tôi, vì thế mà vừa xuống xe, rất nhiều xe ôm và tài xế tắc xi đã vây kín lấy tôi cũng như vây kín các hành khách khác, liên tục hỏi về đâu. Tôi phải giữ thật chặt chiếc ba lô cũ của mình vì có nhiều lần có người đã rất vô tư giật hành lý của tôi để chất lên xe họ.

Có lẽ ai mà không quen gặp phải tình huống này sẽ sợ lắm đấy. Tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác khiếp đảm của mình khi lần đầu tiên đặt chân xuống Hà Nội học, vừa xuống xe đã bị một đám người bu tới, liên tục kéo đẩy hỏi mình sẽ về đâu. Cho đến bây giờ, việc đi lại đã diễn ra hàng trăm lần thì mỗi lần bị xô đẩy thế này vẫn khiến tôi khó chịu. Không hiểu sao nó lúc nào cũng khiến tôi liên tưởng đến cảnh hãi hùng trong một bộ phim kinh dị tôi xem từ ngày còn nhỏ xíu, khi mà một đám kền kền bâu lại tranh nhau rỉa xác thú rừng, mà trong đó tôi là cái xác còn kền kền là các tài xế taxi và xe ôm kia.

Tôi từ chối tất cả rồi đi bộ ra bắt chuyến xe bus muộn. Đổi tuyến hai lần, dù con đường có vẻ dài như bất tận và sau một ngày quá dài như thế này tôi đã kiệt sức thì cuối cùng vẫn về đến nhà.

Mấy năm nay tôi ở trong một căn chung cư mini nhỏ. Tiền thuê chiếm một khoản lớn tiền lương nhưng an ninh khá đảm bảo. Mẹ tôi lúc nào cũng lo lắng tôi thân con gái còn trẻ lại sống một mình trên thành phố.

Căn hộ của tôi rộng chưa tới bốn mươi mét vuông, nhưng tiện nghi thì rất đầy đủ. Phòng khách, bếp, phòng ngủ và phòng vệ sinh đều đủ cả, thậm chí còn có cả một ban công nhỏ để tôi tha hồ trồng các loại cây cảnh nhỏ. Tôi có mấy chậu nha đam, xương rồng, kim tiền và cả một giàn hoa giấy đã leo quá nửa khung sắt. Chi tiêu tuy không thoải mái lắm nhưng cuộc sống như thế này đã là quá tốt so với những năm đại học chia tám người chia nhau một phòng kí túc nhỏ xíu, ăn mì tôm qua ngày.

Mấy ngày hôm nay mưa nên không phải tưới cây, tôi bỏ quần áo bẩn ra chậu để hôm sau giặt rồi leo lên giường đi ngủ.

Người ta vẫn nói mệt thì ngủ rất ngon. Nhưng mệt đến một mức độ nào đó thì ngay cả trong lúc ngủ, cơ thể cũng không hoàn toàn yên giấc. Cả đêm tôi hơi mơ mộng mị, giật mình tỉnh dậy hai lần. Vì thế sáng hôm sau đi làm, cả thể xác lẫn tinh thần đều kiệt quệ.

Thấy khuôn mặt xám ngoét của tôi, Vi cười: "Cậu đi ăn cưới về mà trông như kiểu đi đánh trận ấy nhỉ?"

Vi là đồng nghiệp của tôi cùng làm trong phòng biên tập. Cô ấy vào làm sau tôi một năm, dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt cũng rất xinh xắn. Hồi Vi mới đi làm, đồng nghiệp nam trong công ti vẫn lén lút gọi Vi là hoa khôi, dáo diết săn đón giúp đỡ. Săn đón cả mấy tháng trời, cuối cùng cũng có một chàng dũng cảm mời cô ấy đi uống nước. Thật ra tôi không có ý tọc mạch, chỉ là cảnh đó diễn ra ngay trước mắt tôi. Tôi nhớ rõ Vi đang chăm chú làm việc, nghe xong câu mời mọc của nam đồng nghiệp thì ngẩng đầu lên, hai mắt mở to nhìn anh ta chớp chớp: "Để em hỏi ý kiến chồng em đã nhé!"

Thế là cả công ti mới té ngửa ra là hoa khôi đã có chồng rồi. Không chỉ chồng, đến con cũng đã có một đứa. Ngày đó tôi là trợ lý biên tập, còn cô ấy mới là thực tập viên. Cho đến giờ cả hai đã là biên tập chính thức, mỗi lần nhắc lại chuyện cũ đều buồn cười.

"Chẳng đi đánh trận còn gì nữa, gần ba mươi đi ăn cưới thật ra đều giống như đi cực hình hết đấy." Tôi cười đáp. "Người chưa tốt nghiệp đại học đã kết hôn như cậu làm sao hiểu được áp lực của gái ế."

Nhiều năm không có bạn trai và nhiều năm bị tra hỏi về vấn đề bạn trai tôi nảy sinh ra một tâm lý hoang tưởng rằng hễ bạn cũ hoặc cha mẹ nhìn một cái, cũng nghĩ là trong lòng họ đang muốn hỏi tôi bao giờ thì kết hôn.

Nghe nói Vi với chồng hiện tại yêu nhau từ khi học năm thứ nhất, sau gần bốn năm thì Vi mang bầu thế là cưới luôn. Lúc cô ấy kết thúc luận văn tốt nghiệp xong được hai tuần thì đi sinh em bé, cuộc sống hạnh phúc viên mãn cho tới bây giờ.

Những chuyện tình như thế thật hạnh phúc, giống như Oanh, người mà tôi vừa đi dự lễ cưới, có thể gặp nhau từ ngày còn trẻ, yêu đương điên cuồng, cùng trải qua những khó khăn, giúp đỡ nhau, sau đó có một kết thúc hạnh phúc. Mấy năm nay đi đến đâu cũng xa xả chuyện chồng con, thành ra một đứa lạnh nhạt như tôi cũng phải thi thoảng tự hỏi, kết thúc của tôi đang chết dẫm ở nơi nào.

Chẳng có mấy thời gian để buôn chuyện, chúng tôi bắt đầu chúi mũi vào làm việc. Sắp hết quý một của năm, khá nhiều sách cần in và nộp lưu chiểu, rồi các loại báo cáo nộp lên lãnh đạo, thời gian này phải nói là bận khủng khiếp.

Trong buổi họp trước giờ nghỉ trưa, tôi đột ngột bị điều sang làm mảng sách chuyên ngành. Trước giờ tôi vẫn làm sách thương mại, là mấy cuốn tiểu thuyết hiện đại tương đối dễ nhằn. Thế mà Phó tổng biên tập thản nhiên như không nói: "Đợt này công ti đang hợp tác với sở y tế tái bản bộ sách tài liệu về khoa thần kinh học để lưu trữ và làm tài liệu giảng dạy, số lượng in không nhiều nhưng nội dung thì cần chỉnh lý khá nhiều. Bên nhân sự đề nghị biên tập Dương sang mảng sách chuyên nghành nhé, thứ hai là có văn bản chính thức."

Nghe tin này tôi không biết phải buồn hay vui, còn Vi thì vui ra mặt cho tôi, lúc gặp nhau ở căng-tin giờ ăn trưa cô ấy vui vẻ nói: "Chúc mừng nhé, có người sắp lên chức rồi."

"Lên chức gì đâu, tớ chuyển ban công tác mà." Tôi ngại ngùng.

Vi vừa gắp dưa chua vào khay, vừa nói: "Công ti mình chẳng có truyền thống cứ ai được biên tập sách chuyên ngành là đều lên chức hết còn gì."

Thực ra Vi nói không sai, trong lòng tôi cũng khấp khởi hi vọng. Nhưng có câu 'nói trước bước không qua' cô ấy cứ huỵch toẹt ra khiến tôi hơi bất an. Là một nhân viên, hầu hết mọi biến động trong công ti tôi đều có thể cảm nhận được. Mấy tháng trước một vài lãnh đạo cấp cao chuyển công tác, công ti mẹ của nhà xuất bản lại mới mua thêm mấy công ti truyền thông nhỏ khác. Việc trống mấy vị trí ấy gây ra một hiệu ứng 'domino lên chức' ngay cả loại tôm tép như chúng tôi cũng được thơm lây. Tuần nay trong phòng biên tập đã lén lút bàn tán không biết là ai sẽ được thăng chức. Bây giờ lại chuyển tôi sang làm công việc chuyên ngành, giống như là có ý cất nhắc.

Tôi biết rõ điều ấy, nhưng không muốn bàn chuyện này với Vi ở nơi công cộng trong công ti, tìm cách chuyển chủ đề. Chỉ có điều Vi dường như chẳng buồn quan tâm sự dè chừng của tôi. Cô ấy nói: "Ngoài cậu ra chẳng còn ai thích hợp hơn đâu. Dám cá là phòng mình chẳng ai có ý kiến gì."

Cũng chẳng phải tôi có năng lực xuất chúng trong công việc gì hết. Chỉ là tôi làm việc trong nhà xuất bản đã lâu, trước giờ lại tương đối cẩn thận, không gây ra lỗi lầm nào. Hơn nữa tôi cũng là khá lớn tuổi trong số các biên tập, tuổi tác tuy không có nhiều tác dụng nhưng vẫn nhận được tôn trọng ở mức nào đó từ đồng nghiệp. Sáu năm làm việc mà mới đến được vị trí này thực ra không phải nhanh.

Tôi cười với Vi: "Hình như là đỏ bạc đen tình đấy!"

Vi nhìn tôi bĩu môi: "Đen đâu mà đen. Cậu không biết gì thật ấy hả?"

Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của tôi, Vi đập đánh 'cạch' một phát đôi đũa lên bàn: "Chịu luôn ấy, cậu ngố thế này làm sếp thế nào hả?"

Cô ấy càng nói tôi càng không hiểu. Vi mất hết kiên nhẫn, thấp giọng nói: "Tớ nghe thấy bảo chính Duy đề cử cậu đấy!"

Duy chính là phó tổng biên tập của chúng tôi, hơn tôi bốn tuổi. Nếu như Vi chính là nữ thần (tiếc là đã kết hôn) trong lòng các đồng nghiệp nam, thì Duy lại là thần tượng của các nữ nhân viên trong công ti (đáng tiếc là đa số nữ nhân viên trong công ti cũng đã kết hôn, bị cuộc sống bận rộn hàng ngày vắt kiệt, không hơi đâu mà thầm mến sếp nữa), được mấy thực tập viên mới ra trường rất hâm mộ.

Duy là sếp, ngoại hình lại khá, ngay cả tôi với Vi cũng hay lén lút bàn tán về anh ấy khó trách mấy cô bé thực tập cũng vậy.

Duy không thể nói là đẹp trai rạng ngời, chỉ là được được mà thôi. Anh ấy (nghe nói) cao hơn một mét bảy, không phải là cao lắm, nhưng cũng là khá so với đàn ông Việt Nam, khuôn mặt không có gì đặc biệt. Chỉ có lúc cười (nghe nói) là thu hút.

Tôi vẫn nhớ có lần tôi với Vi cùng nhau đến công ti, hồi đó anh ấy còn chưa lên phó tổng biên tập, vô tình gặp Duy trong hành lang, đi ngược chúng tôi. Tôi cười coi như chào hỏi, anh ấy cũng cười một cái. Lúc Duy khuất tầm nhìn rồi, Vi mới quay sang tôi nhận xét: "Không ngờ trưởng phòng kế hoạch cười cũng đẹp trai đấy, giống hệt Tom Hardy!"

Tôi chẳng biết Tom Hardy là ai, cũng không thấy có gì đẹp trai nhưng vẫn gật đầu ra vẻ đồng tình: "Ừ, răng đều đấy, chỉ tiếc là không được trắng lắm!"

Vi á khẩu, từ đó không thấy cô khen ai cười đẹp trước mặt tôi nữa.

Vi có một loại hoang tưởng rằng Duy đặc biệt để ý tới tôi. Tôi cũng không hiểu lý do tại sao cô ấy lại khăng khăng thế, nhưng tôi chắc chắn rằng không phải là tôi ngốc mà là cô ấy hoang tưởng. Có lần rất lâu rồi Duy mua café cho cả phòng, Vi nhìn cốc café của tôi tôi nghiên cứu sau đó phán rằng thực ra Duy thấy tôi có vẻ buồn ngủ, muốn mua café cho tôi nhưng không biết làm cách nào để hợp lý hóa chuyện ấy, đành mua cho cả phòng. Đáng tiếc tôi không thích café, tôi khiếp đảm trước trí tưởng tượng quá mức xa xôi của cô ấy hỏi tại sao Vi nghĩ thế. Cô ấy nói: "Nhìn ánh mắt Duy nhìn cậu là tớ biết!"

Ánh mắt á, cho tôi xin, đây cũng không phải phim truyền hình Hàn Quốc, nhìn một cái là thích, cười một cái là yêu. Trước vẻ mặt nghi ngờ của tôi, Vi còn lấy dẫn chứng: "Thật đấy tớ không sai đâu. Ngày xưa chồng tớ liếc tớ một cái, tớ biết luôn lão ấy có vấn đề."

Lúc này tôi giơ tay lên ngăn Vi lại: "Thôi nhé, cậu bắt đầu hoang tưởng thay cho tớ rồi đấy!"

Vi càng thấy tôi đỏ mặt, càng được đà trêu tôi, tôi phải dọa đuổi cô ấy đi ăn trưa với các thức tập viên mới thôi.

Thực ra tôi rất muốn tin tưởng vào nhãn lực thần thông quảng đại của cô ấy, nhưng tôi cũng biết mình với Vi không giống nhau, ít nhất là về ngoại hình. Ngoại hình tôi thì bình thường, Vi lại vô cùng xinh đẹp, đàn ông nhìn cô ấy không nảy sinh tình cảm mới lạ. Bằng chứng là tôi ế mốc ế meo đến bao nhiêu năm trời chưa từng có người đoái hoài đến, còn Vi vừa tốt nghiệp đại học đã có người hỏi cưới. Không những có người hỏi cưới, lại còn là mẫu người mơ ước của tất cả chị em phụ nữ.

Nhớ ngày trước khi mới vào làm, tôi và Vi cũng thường xuyên hẹn nhau cùng đi ăn trưa. Mặc dù cuộc sống sinh viên đã tôi luyện tinh thần thép trong tôi rồi, nhưng trình độ nấu ăn khiếp đảm của đầu bếp khi ấy cũng khiến tôi chùn bước. Trong khi đó, Vi ăn liền hai xuất, tốc độ cực kì nhanh mà dáng ăn vẫn điềm đạm. Thấy ánh mắt kính nể của tôi, Vi lau miệng cười cười: "Ăn nhiều rồi sẽ quen. Tớ là sinh viên tỉnh lẻ, ăn uống thế này đã là thịnh soạn rồi. Hồi đi học có khi còn không có tiền mua nước lọc uống ấy."

Tôi vì những lời này mà tưởng Vi hoàn cảnh lắm, trong lòng vừa thương xót vừa hổ thẹn. Giờ nghĩ lại cảm xúc của mình khi đó, không khỏi xấu hổ với bản thân. Nếu Vi mà được gọi là 'hoàn cảnh' thì tôi chính là ăn mày chính hiệu! Cho nên lần đầu khi cô ấy bảo tôi mời cơm (dịp gì thì tôi cũng không nhớ rõ) tôi rất vui vẻ đồng ý, còn hào phóng cho cô ấy chọn địa điểm.

Cuối cùng, Vi dắt tôi vào một nhà hàng bốn sao, là chỗ cô ấy hay tới ăn. Tôi nhìn cô ấy ăn súp hải sâm mà thấy được thực ra thứ Vi đang nhai không phải là súp, mà là những tờ tiền polime của mình. Ăn uống no say xong, tôi nước mắt ngắn nước mắt dài, bảo: "Tớ với cậu có thù oán gì với nhau à?"

Lúc ấy Vi mới giật mình hỏi tôi: "Sao? Giá tiền đắt đến thế cơ à?"

Tôi lắc đầu, không đắt. Chỉ bằng nửa tháng lương của tôi thôi. Thế rồi Vi dứt khoát giật lấy tờ hóa đơn trong tay tôi, đếm mấy số không mỏi mắt xong, ngẩng đầu lên, vẻ mặt cực kì ngạc nhiên: "Có một tí đồ ăn mà đắt như thế à?"

Tôi không biết nên cười hay nên khóc: "Cậu nói cậu thường đến đây ăn mà không biết giá cả thế nào à?"

Cô ấy rất thành thực lắc đầu: "Không biết."

"Thế bình thường cậu thanh toán kiểu gì?"

"Tớ chỉ cần quẹt thẻ thôi."

Tôi không biết phải nói sao, nắm lấy vai Vi lắc lắc: "Này, nói cho tớ biết cậu nghèo khổ là đùa hay thật?"

Cô ấy trả lời một cách rất thành thật: "Tớ nghèo thật mà, nghèo mà."

Nói xong còn rút trong túi sổ lương bốn triệu rưỡi của mình ra cho tôi xem. Trước ánh mắt vẫn nghi ngờ của tôi, Vi cười cười, gãi đầu: "À, nhưng mà, hình như chồng tớ có tiền. Tớ toàn dùng thẻ của anh ấy."

Lúc ấy tôi tra khảo xong mới biết, thì ra chồng Vi là giám đốc công ti xây dựng liên doanh với Hàn Quốc. Là đại gia chính hiệu.

Hồi trước tôi cũng hay mơ mộng lấy được một người nhiều tiền như chồng Vi, sau đó sống an nhàn, thoải mái. Nhưng hai tám tuổi đầu rồi, ước mơ về một người đàn ông đã phai nhạt trong tôi, giờ tôi chỉ mong có sức khỏe để làm việc chăm chỉ, đủ nuôi sống bản thân, không còn thần tượng mấy cấp trên ở chỗ làm nữa.

Công việc đã đủ mệt. Tôi không cãi lại nổi Vi, vội vàng ăn nốt mấy miếng thịt kho trong bát rồi mang bát đĩa đi rửa.

Đến giờ làm buổi chiều, thái độ giữa các đồng nghiệp với tôi hơi khác. Cũng không hẳn là khác, nhưng dè dặt hơn hẳn. Tôi mất khoảng hai ngày để bàn giao hết các công việc bên tủ sách thương mại cho đồng nghiệp rồi nhận chỉ đạo từ bên tủ sách chuyên ngành. Đến cuối ngày gọi điện cho bên thư viện mượn mấy cuốn sách mà tôi chuẩn bị chịu trách nhiệm tái bản. Bên thư viện báo còn sách, hẹn tôi chiều thứ sáu lên nhận sách.

Nhận sách rồi tôi mới biết mình vớ phải cục than. Sách viết cho người trong nghành, toàn thuật ngữ y học, có thuật ngữ tra từ điển không ra lại phải lên mạng tìm kiếm. Thế là hai quyển hơn 500 trang giấy ngón hết cuối tuần của tôi mà vẫn chưa hiểu hết nhiều chỗ.

Cũng may là không phải biên tập lại toàn bộ nổi dung mà chỉ chỉnh lý và hoàn thiện nội dung của những nghiên cứu mà thời điểm in sách mấy năm trước chưa hoàn thành, hơn nữa bên xuất bản cũng sắp xếp mấy chuyên gia giúp đỡ, qua gần hai tháng chật vật làm việc nội dung đã hòm hòm. Tôi cho in thử vài cuốn và bắt đầu gửi cho các chuyên gia trong nghàn để xin ý kiến.

Cả ngày tôi chỉ viết mail cho các tiến sĩ, giáo sư y học, không có hồi âm thì gọi điện làm phiền.

Không biết may mắn thế nào, trưởng khoa thần kinh bệnh viện Bạch mai lại đồng ý cho ý kiến chi tiết về cuốn sách, hẹn sáng thứ bảy gặp mặt. Tôi biết các bác sĩ rất bận rộn, nhất là tại một bệnh viện lớn như Bạch mai, những góp ý thu được chắc chắn rất quý giá, bèn chọn ra một thực tập sinh cùng đi kèm với tôi và một biên tập giàu kinh nghiệm khác, chuẩn bị cả máy ghi âm, sổ tay, máy ảnh đủ thứ để làm bài phỏng vấn.

Đúng giờ hẹn, chúng tôi xuất hiện tại phòng nghỉ của các bác sĩ ở bệnh viện. Thời tiết hôm đó nắng một cách bất thường so với thời tiết của cuối xuân, nắng mới nên không khí rất uể oải. Chúng tôi được dẫn vào phòng nghỉ riêng của trưởng khoa. Trong phòng nổi bật nhất là tủ sách cao đến trần nhà, tôi đọc qua gáy sách thấy toàn sách chuyên nghành, nội dung khá đa dạng.

Đang mải xem xét thì một người đàn ông ngoài ngũ tuần bước vào. Ông nở nụ cười tươi nhìn chúng tôi. Đó là một vị bác sĩ nom rất điển hình với cái chán cao, mái tóc hoa dâm lốm đốm những sợi bạc, áo blu trắng tinh lúc nào cũng sắn tay đến khửu, trên vai đeo tai nghe tim và một số dụng cụ hình thù kì lạ, tôi cũng chẳng biết là cái gì.

Thực ra tôi đã lên mạng tìm trước thông tin về bác sĩ Hòa, trưởng khoa khoa thần kinh bệnh viện Bạch Mai. Thông tin ít ỏi nhưng đủ để nhận ra người trước mặt chính là người chúng tôi sẽ phỏng vấn. Sau khi bắt tay chào hỏi, ông mời chúng tôi ngồi xuống, rót nước chè. Mùi chè tươi thơm ngát bốc lên, lập tức át đi mùi thuốc tẩy lành lạnh trong không khí, tôi cảm thấy dễ chịu hẳn.

Bác sĩ hòa hỏi tôi mấy chuyện linh tinh quanh việc tái bản sách, tôi trả lời cẩn thận rồi bắt đầu phỏng vấn.

Câu hỏi tôi và biên tập đã soạn sẵn, chỉ cần bật máy ghi âm lên, hỏi theo thứ tự. Sau khi về sẽ biên tập lại nội dung nào có thể thêm vào trong sách. Mọi chuyện thuận lợi như thế nên đầu óc tôi không tập chung lắm, cứ lang thang về một nơi nào đó xa tít tắp. Tôi biết như thế là không phải, theo lời phật dạy chẳng là chúng ta nên sống với thực tại đó sao, nghĩa là phải để tâm vào những chuyện mình đang làm, nhưng lắm khi tôi cũng không thể điều khiển nổi những suy nghĩ xa xôi của mình.

Được khoảng nửa tiếng, giữa lúc trưởng khoa đang trả lời về cách chữa trị các chứng hoang tưởng bằng phương pháp thôi miên thì có tiếng gõ cửa.

"Vào đi!" Bác sĩ Hòa nói.

Cánh cửa mở ra, một chàng trai cũng mặc áo blue trắng bước vào. Sự xuất hiện của cậu đột ngột như những cơn mưa bóng mây trong kí ức của tôi ngày nhỏ. Giống như bầu trời đang cao vô tận, trong vắt đến nỗi tôi có thể nhìn rõ hình thù của những đám mây trắng thì đột nhiên mọi thứ tối sầm lại, và những hạt mưa xuất hiện một cách bí ẩn bắt đầu trút xuống.

Trái tim tôi trước sự có mặt của Trần Quân bị mưa rơi tơi tả.

Hóa ra, hình dáng cậu ở bệnh viện là như thế này. Người ta hay đồn thổi về một thứ gọi là khí chất, mơ hồ đến mức chẳng ai cắt nghĩa được, nhưng nó nôm na giống như một ánh hào quang bao phủ cơ thể. Có điều rõ ràng là không phải ai cũng có khí chất. Ngoại hình không hẳn là yếu tố để đánh giá xem một người có khí chất không. Mà khí chất phải toát ra trong thần thái, trong cử chỉ, mỗi người một khác.

Nếu nói như vậy, Trần Anh Quân của tôi đích thị là một người có khí chất. Từ rất lâu tôi đã nhận ra rồi. Cậu đã luôn không giống với những cậu trai xung quanh mà lúc nào cũng có một vẻ điềm đạm, đĩnh đạc. Bây giờ mặc trên người bộ blu trắng, phong thái tự tin, cái khí chất điềm đạm ấy lại rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tôi vô thức hít vào một hơi thật sâu, mới biết thì ra từ nãy tới giờ mình đang nín thở.

"Đây là Trần Quân, bác sĩ nội trú khoa thần kinh của bênh viện." Trưởng khoa của bệnh viện đưa tay về phía cậu mà giới thiệu.

Chúng tôi đứng dậy, phỏng chừng hai nữ đầu nghiệp của tôi cũng cảm nhận được cái gọi là khí chất ở cậu giống như tôi, tỏ ra bối rối, khuôn mặt đỏ bừng lần lượt bắt tay cậu. Vì tôi là người đứng trong cùng, nên là người cuối cùng bắt tay cậu bàn tay to lớn, mạnh mẽ, ấm áp. Quân nhìn thẳng vào tôi, cười rất khẽ, khẽ đến mức đó không hẳn được gọi là một nụ cười, khóe môi cậu đâu có cong lên, chỉ có ánh mắt là người sáng.

Bắt tay xong, cậu quay đầu lại về phía ba chúng tôi, cúi đầu: "Xin lỗi mọi người nhé, trong khoa có việc gấp cần xin chỉ thị của trưởng khoa."

Hai biên tập đi cùng tôi thi nhau nói không sao, không sao. Còn tôi chỉ đứng trân trân ra đấy.

Tôi nghĩ, ồ, có gì mà ngạc nhiên. Đâu phải tôi không biết Quân là bác sĩ và làm việc tại Bệnh viện Bạch mai. Gặp cậu, có lẽ cũng không ngạc nhiên.

Suốt sáu năm trời, cuối cùng lại có một lần chúng tôi tình cờ gặp nhau như thế này.

Tôi đã mong đợi chuyện này xảy ra biết bao lâu. Cảm giác, hóa ra là như thế này.

Cậu làm ở bệnh viện Bạch Mai, tôi làm ở Nhà xuất bản Hà Nội, cách nhau chưa đầy 4km cuối cùng cũng tình cờ gặp được nhau một lần.

Trong đầu tôi cứ nghĩ như thế. Mắt nhìn theo cậu mang báo cáo đến cho trưởng khoa. Trưởng khoa thì ngồi trên ghế xem tài liệu, cậu thì hơi nghiêng người, thi thoảng chỉ vào tài liệu rồi nói gì đó khẽ bên tai trưởng khoa. Ánh sắng từ khung cửa đằng sau hắt vào khiến chiếc áo trắng càng thêm trắng.

Giống hệt như nhiều năm về trước.

Nhiều năm quá tôi không thể nhớ rõ là khi nào, chỉ nhớ đâu đó quãng cuối năm cấp hai, khi tôi và Quân còn học chung lớp. Thi thoảng giáo viên hay gọi cậu lên, chỉ cho cậu chỗ sai trong bài tập. Cậu cũng đứng hơi nghiêng người như thế này. Tay đôi lúc chống lên bàn, đôi lúc đặt sau lưng, chăm chú nghe giáo viên giảng giải.

Ngày đó xa quá rồi, tôi không còn nhớ nhiều chuyện nữa.

Trần Anh Quân.

Chúng tôi cùng nhau lớn lên ở một thị trấn. Thị trấn rất nhỏ, nhỏ đến mức tôi có thể đi bộ vòng quanh đó. Nhà cửa thì được xây xung quanh con đường cái, đằng sau những ngôi nhà là những cánh đồng. Đi sâu vào phía trong một chút là khu chợ, nằm chếch về phía đông là một cái hồ, trường cấp hai của chúng tôi chính là nằm cạnh cái hồ ấy. Chỗ ngồi của tôi đối diện với bàn giáo viên và bên cạnh cửa sổ, như vậy khi đầu tôi hướng thẳng có thể nhìn thấy giáo viên đang giảng bài cho cậu, quay đầu sang trái thì là hồ nước xanh đến mức bất bình thường do phản chiếu những tầng lá dày đặc của cây cối được trồng xung quanh. Còn nếu quay đầu sang phải, xuyên qua đám bạn bè thì lại thấy được dãy núi chính của thị trấn, gần đến nỗi tôi thấy được cả hình dáng của cây cổ thụ mọc trên đỉnh.

Tôi chẳng rõ là biết cậu từ khi nào, chỉ đơn giản là biết. Học cùng Quân cấp một, cấp hai, rồi cấp ba rồi lại học đại học ở cùng một thành phố. Đã từng có thời gian mà không ngày nào chúng tôi không gặp nhau, thế mà cậu lại xa lạ đến nhường này.

Đột nhiên Quân ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt tôi. Ánh mắt cậu... quá thẳng thắn, quá khó nắm bắt. Tôi vội vàng cụp mi xuống, nhìn chằm chằm vào tài liệu trên tay.Thế giới xung quanh tôi vì một ánh mắt cậu mà bỗng dưng trở nên rối rắm quá chừng. Tôi đếm từng nhịp thở của mình, đếm đến không biết bao lâu thì trưởng khoa ngừng nói, Quân đứng thẳng lưng dậy, hình như đã xong việc. Cậu đang định ra ngoài thì bác sĩ Hòa bảo: "Quân ở lại đi. Thầy đang trả lời mấy câu hỏi chuyên ngành cho phía sách, em ngồi lại nghe xem có gì dùng được cho đồ án không."

Cậu ấy 'vâng' một tiếng rồi ngồi vào chiếc sô-pha đối diện tôi. Quân chỉ ngồi yên lặng lắng nghe, còn chúng tôi thì tiếp tục công cuộc phỏng vấn.

Trưởng khoa trả lời xong một câu hỏi, tôi lại máy móc hỏi câu tiếp theo trong đề cương đã soạn sẵn, từ ngữ trôi ra khỏi môi cứ như một cái máy phát thanh: "Thế còn về hiệu quả của việc dùng thuốc 'ảo' thì sao ạ? Có rất nhiều nghiên cứu lâm sàng đã cho kết quả về việc bệnh nhân tự hồi phục sau khi tin rằng loại thuốc mình uống có khả năng chữa bệnh trong khi những viên thuốc đó hoàn toàn không có dược tính. Giáo sư nghĩ sao về vấn đề này?"

"Khả năng tự chữa bệnh của cơ thể là một điều vẫn chưa thể khám phá hết, ít nhất là với trình độ khoa học của thế kỉ này. Đối với chúng ta mà nói, nó dường như thuộc về một lĩnh vực khác, thần thánh chứ không còn chỉ là y học đơn thuần. Tôi không những không nghi ngờ mà thậm chí còn rất tin tưởng vào kết quả của những nghiên cứu lâm sàng nêu trên, nhưng với trí óc hạn hẹp của mình, để đào sâu và giải thích được ảnh hưởng của tinh thần đến việc chữa các căn bệnh khác thì cá nhân tôi vẫn phải học hỏi thêm."

Buổi phỏng vấn kéo dài thêm gần một tiếng nữa thì kết thúc. Tuy có đôi chỗ vẫn chưa hiểu thấu đáo nhưng tôi chắc chắn tài liệu mình đang nắm trong tay sẽ giúp ích cho cuốn sách rất nhiều. Chúng tôi bắt tay thêm một lần nữa và hứa sẽ gửi tận tay trưởng khoa ấn phẩm của loạt sách sau khi phát hành rồi xin phép ra về.

"Xin lỗi mọi người, việc trong khoa bề bộn không tiễn đến nơi đến chốn được, đành nhờ Quân tiễn các bạn biên tập ra về nhé." Trưởng khoa lịch sự nói với chúng tôi và Quân.

"Thầy yên tâm ạ." Quân đáp rồi ra mở cửa giúp chúng tôi. Được cậu tiễn về, khuôn mặt của hai người đi cùng tôi hồ hởi hẳn.

"Đi đường này." Cậu nhắc nhở chúng tôi rồi rảo bước đi trước.

Mấy tòa nhà trong bệnh viện trông giống nhau, Bạch Mai lại rộng khủng khiếp, các khu xen kẽ rối rắm như mê cung, nếu để chúng tôi tự tìm đường chắc cũng phải mất kha khá thời gian.

Tôi cứ tưởng cậu chỉ đường xuống khỏi tòa nhà thôi, ai ngờ Quân còn nhiệt tình dẫn chúng tôi đến tận nhà để xe. Trên đường đi, cậu với cô bé thực tập đi trước còn tôi với người biên tập đi sau. Đồng nghiệp của tôi rõ là hơi thẹn thùng, không ai nói câu nào.

Để lấp đầy không khi yên lặng, tôi hỏi cậu: "Quân làm việc ở đây lâu chưa?"

Cậu gật đầu: "Từ khi còn học đại học mình đã thực tập ở đây, sau đó may mắn được giữ lại. Tính ra cũng khoảng 5 năm rồi."

Chà, năm năm là quãng thời gian dài lắm đấy. Gần bằng số năm chúng tôi không gặp nhau, tôi nhẩm tính.

Tôi thắc mắc tại sao cậu ấy lại gọi trưởng khoa là thầy, mà không phải cách xưng hô bình thường. Quân cười: "Ừ, Bác sĩ Hòa là giáo sư hướng dẫn cho mình, mình đang làm nghiên cứu để trở thành bác sĩ chuyên ngành. Bình thường toàn gọi là thầy, thi thoảng cũng gọi là trưởng khoa."

Tôi vừa nghe cậu huyên thuyên nói, vừa ngẩng khẽ đầu ngước nhìn hàng cây xà cừ phải tới mấy trăm tuổi dọc hai bên đường. Lúc này là cuối xuân, trời đã bắt đầu có nắng. Nắng không xiên nổi qua những tán lá dày, trước mắt tôi chỉ là những đốm màu xanh ngọc phù kín, thi thoảng lay động theo làn gió.

"Chà, anh Quân còn trẻ mà giỏi ghê ấy nhỉ, đã sắp trở thành bác sĩ chuyên nghành rồi." Thực tập viên nhanh mồm nhanh miệng khen.

Quân cười một tiếng hơi ngượng ngùng thay cho lời đáp.

Con đường chỉ mấy trăm mét, rất ngắn ngủi.

Chúng tôi ba người tới đây bằng xe máy, bé thực tập viên chở tôi, còn biên tập viên kia đi một mình nên hai người vào trong nhà gửi xe lấy xe. Còn tôi đứng ngoài đợi.

Lúc trước có bốn người đi cùng nhau không khí đã yên lặng, giờ chỉ còn hai người càng yên lặng hơn.

Tôi không nói gì nữa, Quân cũng trở nên trầm ngâm.

Mãi sau, cậu vẫn không nhìn tôi, nói: "Dương này, hôm nào gặp nhau nhé."

Hôm nào gặp nhau nhé. Đó không phải là câu nói mà bạn vẫn lịch sự nói với bạn bè đó sao. Tôi nghĩ, Quân chỉ là lịch sự nên nói thế, đấy đâu phải một cái hẹn theo đúng nghĩa. Tôi lại nghĩ, có phải rằng cậu đang có ý muốn gặp tôi nữa, rằng cậu thực sự muốn gặp tôi nhiều hơn.

Ba.

Rất lâu rồi, Quân từng nói với tôi giống hệt như thế.

"Dương à, hôm nào tớ với cậu gặp nhau nhé."

Ngót nghét cả chục năm về trước rồi, khi tôi với cậu vẫn là những sinh viên năm nhất, chân ướt chân dáo xuống Hà Nội học.

Đúng thế, năm đó tôi thi được 18 điểm, vừa đủ để học khoa Văn học, còn cậu thi được 26 điểm, đỗ ngay khoa danh giá nhất của trường đại học danh giá nhất. Mãi về sau, Quân vẫn là huyền thoại được các thầy cô trong trường nhai đi nhai lại làm tấm gương cho các thế hệ sau, đâu phải ngày nào cũng có học sinh của huyện đỗ được trường danh tiếng như Y Hà Nội cơ chứ. Chúng tôi học cùng cấp ba, có quen biết qua, sau buổi chia tay cuối cùng ở trường, tôi với Quân chưa từng gặp lại.

Trường cậu nhập học trước nên Quân lên Hà Nội trước tôi một tuần. Ngày đó chúng tôi không có điện thoại, phương tiện liên lạc chủ yếu là Yahoo chat. Nhà tôi có máy tính nhưng không có mạng, trước ngày xuống thành phố cầm ba ngàn đồng ra quán net tra cứu thông tin. Tôi chủ yếu tìm hiểu thông tin về trường của mình và các chuyến xe bus, sau đó vào bản đồ gõ 'Đại học y Hà Nội'. Một niềm hạnh phúc ngắn ngủi, đáng thương chợt lóe lên khi tôi nhận ra rằng hai trường cách không xa nhau lắm.

Lúc tôi đăng nhập vào Yahoo vừa hay thấy nick Quân sáng. Tôi vẫn còn nhớ Avatar của cậu khi đó là hình một Ninja mặt che kín chỉ lộ đôi mắt đỏ rực kì lạ, nghe nói là Sasuke trong Naruto, còn avatar của tôi là một chùm hoa bưởi. Về sau tôi vẫn thường dùng hoa bưởi làm ảnh đại diện tất cả các trang cá nhân và blog trên mạng, có lần Vân cười bảo: "Cậu thật đúng là nhà quê, thích hoa hòe hoa sói thì cũng chọn loại hoa nào mĩ miều một chút. Cẩm chướng, hải đường, đỗ quyên không chọn, lại đi thích hoa bưởi!"

Sở thích của tôi có lẽ bắt nguồn ở cây bưởi đằng sau nhà, mỗi mùa xuân đều nở hoa rất nhiều. Những năm mưa nhiều hoa rụng đến độ trắng cả một góc vườn, đứng cách đó mấy trăm mét cũng ngửi được mùi thơm mát. Mẹ tôi hay nhặt những bông hoa rụng ấy cho vào một chiếc túi vải để đầu giường đuổi muỗi cho hai anh em.

Dù sao tôi với Quân cũng quen biết, cậu ấy lại coi như có kinh nghiệm đi trước nên tôi BUZZ cậu một cái, gõ: "Hà Nội thế nào?"

Để cho thêm phần sinh động tôi còn thêm vào biểu tượng cảm xúc cười nham nhở. Những biểu tượng khi ấy chỉ gói gọn trong cái đầu vàng trọc lốc của yahoo, kinh điển đến mức thế hệ trẻ bây giờ vẫn dùng.

Vốn dĩ tôi nhà quê, mà nói nhà quê không hẳn, dân tộc miền núi mới đúng. Thị trấn của tôi nằm ở gần dãy Hoàng Liên Sơn cơ mà. Những đứa trẻ miền núi như chúng tôi chẳng mấy đứa có dịp xuống miền xuôi thăm thú. Nơi xa xăm và hiện đại với tôi lắm cũng chỉ là thành phố tỉnh cách đó mấy chục cây số. Hà Nội nghe cứ như thứ gì cao vời vợi và thần thánh lắm. Từ nhỏ tôi sống cùng ba mẹ, được yêu thương chăm sóc, khó tránh cảm giác sợ sệt bất an.

Quân trả lời ngay lập tức: "Cậu không phải lo gì đâu. Sắp xếp đăng kí kí túc rồi đúng không?"

"Ừ."

Mọi chuyện thực ra đã đâu vào đấy, tôi biết rõ sự lo sợ của mình lúc đó không gì hơn chỉ là hiểu biết còn thiếu sót của bản thân. Cả đời tôi chưa từng xa rời khỏi vòng tay của bố mẹ đùng một cái lại tới một thế giới xa lạ, sống một cuộc sống xa lạ, gặp gỡ những người xa lạ. Tôi đồ rằng về sau chúng tôi thân thiết, phần lớn lý do là vì ở một nơi hoàn toàn xa lạ như thế, tự dưng cái sự 'quen biết qua' của tôi với Quân lại trở thành niềm an ủi lớn. Chúng tôi như những cái cây trơ trọi, cố gắng đan cành lá vào nhau để vượt qua nỗi cô đơn cùng cực khi mới xa nhà ấy.

Chúng tôi trao đổi thông tin thêm một lúc nữa thì Quân nói rằng cậu bận rồi. Vì mới xuống thành phố nên rất nhiều việc phải làm, chỉ tranh thủ rảnh là nhắn tin về cho gia đình.

Cậu nói chuyện với tôi vẫn luôn lạnh nhạt, thế mà lần này trước khi đăng xuất, Quân gõ một dòng: "Dương này, hôm nào tớ với cậu gặp nhau nhé!"

Tôi gửi cho cậu một cái biểu tượng cảm xúc mà nhân vật đang gật đầu như bổ củi, sau đó nhìn cái chấm vàng nho nhỏ bên cạnh ninja Sasuke chuyển sang xám xịt, không hiểu sao bỗng nhiên cảm thấy Hà Nội chẳng còn đáng sợ nữa.

Phòng kí túc năm nhất của tôi có 6 người, cuộc sống tập thể nhiều chuyện phức tạp nhưng cũng nhiều chuyện vui. Khác biệt văn hóa mới đầu khiến cho tôi ngỡ ngàng, lại khiến cho tôi nhân ra cuộc sống rất đa dạng còn mình cái gì cũng không biết. Phòng tôi có người lặn lội từ miền Trung ra tận Hà Nội học, mở miệng lúc nào cũng 'tau, mi, chúng bay, cái chi, cái mô' khiến loại ngố rừng là tôi chẳng hiểu gì hết. Cô ấy đến từ Huế, có thói quen ăn ngọt đến phát sợ. Có lần cả phòng lén lút úp mì tôm, nhân lúc mọi người đứng ở cửa canh giám thị, cô ấy cho vào nồi phải tới nửa cân đường khiến tôi vẫn không quên được nước mì tôm năm ấy ngọt hơn cả coca-cola!

Có người thì ở quê lên thành phố, phát âm chữ 'e' lúc nào cũng thành 'ie', mới đầu tôi nghe không quen về sau quen rồi thì thi thoảng cũng phát âm giống như thế.

Trong số bạn cùng phòng thì tôi thân thiết nhất với Oanh, một cô bạn cùng khoa quê ở Lạng sơn. Cùng chung ngành học, lại cùng là dân tỉnh lẻ miền núi, có lẽ chúng tôi nhiều điểm chung nên gần gũi với nhau hơn cả.

Ấn tượng của tôi về Oanh là cô ấy có mái tóc thật dài. Không phải là chỉ dài bình thường, mà nó dài khủng khiếp, dài qua cả kheo chân. Phòng chúng tôi lúc nào cũng đầy những sợi tóc dài lê thê của cô ấy, khi chúng tôi hỏi đến, Oanh đều tự hào kể: "Tớ chưa cắt tóc kể từ ngày học cấp một!"

Mỗi lần cô ấy gội đầu, ngồi chải tóc khổ sở đến sợ. Hình ảnh Oannh ngồi bên giường, một tay cầm lược, một tay kéo mớ tóc như người ta quăng chài câu tôm vẫn ám ảnh tôi đến giờ này (cũng may là ngay đầu năm thứ hai Oanh đã cắt tóc, từ ngang đầu gối đến còn ngang lưng).

Ngoài mái tóc ra thì ngoại hình Oanh khá bình thường. Thật ra con gái chúng tôi ngày ấy có lẽ cô nào nhìn cũng bình thường như thế, nào có lắm trò thẩm mĩ, trang điểm, quần áo như bây giờ. Cô nào cũng có làn da trắng vừa phải (dù có trắng thì cũng trắng vàng đặc trưng của phụ nữ Đông Nam Á chứ không chắng muốt do tắm trắng như bây giờ), ăn mặc dịu dàng kín đáo, bình thường để mặt mộc đi học, chỉ có đi chơi mới thoa chút son gió. Trái ngược với vẻ ngoài nết na của mình, Oanh khá hướng ngoại. Cô ấy hay cười đùa pha trò cho cả phòng, tính tình thẳng thắn rất dễ mến.

Ấn tượng thứ hai là cô ấy sao mà chịu lạnh giỏi thế. Mùa đông lúc nào cũng chỉ mặc một cái áo len mỏng, bên ngoài khoác áo gió, rồi tung tăng chạy khắp nơi. Trước sự kính nể của cả phòng, cô cười: "Thế này đã là gì, quê tớ còn có băng ấy."

Quả thật thời tiết ở quê Oanh tuy lạnh không đủ để tạo thành tuyết, nhưng chuyện băng đóng đầy hai bên đường là bình thường. Núi ở quê tôi thấp hơn, tôi vẫn nghe người lớn nói là trên đỉnh núi của tôi cũng có băng. Có lần trời trở gió, trước đó về quê mẹ tôi dặn tôi mang áo khoác lên, nhưng tôi chê trời còn nóng, bước bỉnh không chịu. Đùng một cái không khí lạnh tràn về Hà Nội, không có cái gì mặc. Tôi đi học thể dục cùng Oanh, mặc mỗi cái áo sơ mi, môi tím bầm lại hai răng đánh vào nhau lập cập.

"Cậu lạnh à?" Oanh hỏi tôi.

Tôi gật đầu: "Mẹ tớ chưa kịp gửi áo lên."

Oanh không ngần ngại cởi áo giớ đang mặc đưa cho tôi: "Cầm lấy này, mấy hôm nữa thi mà cậu bị cảm là tớ không có ai để chép bài đâu."

Tôi bị cô ấy làm cho cảm động. Cảm động không phải vì cái áo, cảm động vì tính cách vô tư, thoải mái giúp đỡ bạn bè của Oanh.

Từ sau đó cô ấy với tôi gần như ở với nhau cả ngày. Do cùng lớp nên chúng tôi cùng đi học, rảnh rỗi cùng lên thư viện đọc sách, trưa cùng chia nhau xuất cơm thịt rang mười ngàn dưới căng tin, tranh nhau miếng thịt nạc hơn, hoặc là cùng nhau lén lút úp mì gói trong kí túc.

Có một buổi sáng cuối tuần tôi trở về từ phòng sinh hoạt đoàn trường, thấy Oanh đang nằm trên giường, mải mê đọc tiểu thuyết của Lisa Keypark. Năm đó luật xuất bản còn nghiêm khắc, do tiểu thuyết phương Tây thường xuyên có những đoạn văn nóng nên ấn phẩm hầu như toàn được in lậu. Bây giờ đối với giới trẻ, hàng hóa 'lậu' đồng nghĩa với những thứ kém chất lượng, còn với tôi năm nhất đại học, thì cứ cái gì 'lậu' mới là tốt. Quyển tiểu thuyết ấy không biết ai kiếm về, truyền tay cho cả phòng đọc, đọc đến mức bìa đã ngả vàng, những trang giấy rách lởm chởm. Những buổi tối trường thông báo cắt điện luân phiên để tiết kiệm năng lượng, chúng tôi vẫn nằm la liệt ra hành lang, đọc cho nhau nghe những đoạn văn thô tục, vừa ngại ngùng, vừa tò mò, vừa buồn cười. Đến những đoạn cao trào, cô bạn đọc truyện sẽ ngập ngừng rồi cười khúc khích, bắt chúng tôi phải lên cơn tò mò không chịu được, liên tục hỏi: "Rồi sao nữa? Rồi sao nữa?"

Cuốn tiểu thuyêt này tôi đã xem mấy lần rồi, Oanh hình như cũng đã đọc không ít lần, chỉ là không có việc gì làm nên ngồi gặm lại.

Tôi đắn đo suy nghĩ một lúc ngồi xuống cạnh cô ấy, cuối cùng nói: "Đi cùng tớ ra đây nhé."

Cô ấy chẳng nghĩ ngợi đồng ý.

Thế là giữa cái chớm lạnh của mùa thu Hà Nội, hai đứa chúng tôi bắt mấy tuyến xe bus, sang đại học y Hà Nội.

"Kinh à nha, cậu có bạn trai mà sao kín tiếng thế!"

Lúc tôi nói với Oanh lý do tôi rủ cô ấy lặn lội sang đây là để xem người quen đá bóng, Oanh đã cười trêu tôi như thế. Tôi nhăn mày: "Đừng nói linh tinh, tớ với người ta chỉ là bạn thôi."

"Bạnnnn cơ đấy!" Oanh nhại lại tôi, ra điều chẳng tin.

Nhưng mà sự thật là thế. Tôi với Quân cho tới ngày hôm đó, và cả sau này vẫn luôn là bạn. Chuyến đi này cũng không phải là hẹn hò hay đại loại thế, chỉ là trong mấy cuộc trò chuyện đứt quãng qua Yahoo của chúng tôi, Quân kể rằng đội bóng khoa cậu được vào trung kết toàn trường, hỏi tôi có muốn đi xem không. Tôi trả lời là muốn, dù sao cuối tuần cũng không có việc gì để làm.

Lúc chúng tôi đến nơi trận đấu đã bắt đầu được một lúc rồi, sân bóng chật kín người, tôi với Oanh đứng ở chỗ khá xa. Thật ra tôi không thích đá bóng cũng không am hiểu đá bóng, đến tiền vệ với hậu vệ còn không phân biệt được, tôi chỉ muốn thay đổi không khi ngột ngạt và buồn tẻ bằng cái gì đó phấn khích hơn.

Tôi nhìn chăm chú các cầu thủ trên sân, nhận ra Quân mặc áo số bảy, đội màu trắng. Tôi chỉ cho Oanh: "Bạn tớ đấy!"

Oanh gật đầu, lập tức hét lên: "Đội trắng cố lên!"

Giọng oanh rất vang, câu cổ vũ lại hơi lạc đàn, lập tức khiến mọi người xung quanh chú ý, ngay cả mấy cầu thủ hình như cũng liếc về phía chúng tôi. Tôi vừa xấu hổ vừa buồn cười: "Cậu điên nó vừa thôi."

"Điên cái gì, đợi chút nữa đội trắng ghi bàn tớ cho cậu biết thế nào là điên."

Trận bóng hôm ấy, tôi xem thì ít mà cười thì nhiều. Cứ khi có đội ghi bàn, Oanh không những gào hét còn nhảy nhót như thể cô ấy là người hâm mộ thật, khiến những người xung quanh cũng không dám đứng gần. Đó là điểm mà tôi luôn yêu mến ở Oanh, cô ấy dường như có một nguồn năng lượng vô tận, một thứ can đảm làm mọi chuyện mình muốn không cần để ý đến xung quanh, giống hệt như một người bạn khác của tôi.

Kết quả hôm ấy đội của Quân thua hai bàn, đám cầu thủ ai nấy mặt mày ủ rũ. Dòng người tản dần đi, tôi đi tới chỗ cậu đang uống nước chào hỏi.

Tôi chỉ vừa an ủi Quân được mấy câu (dù cậu trông cũng không đến mức giống như là cần an ủi lắm) thì không hiểu sao tin đồn bạn gái Trần Quân tới đã lan đi toàn đội bóng, các cầu thủ khác xúm lại, mội người một câu trêu ghẹo. Ngày đó tôi còn nhỏ tuổi, dễ ngượng ngùng, cứ liên miệng giải thích: "Không phải, không phải, em với Quân chỉ là bạn thôi."

Oanh thấy tình huống khổ sở của tôi, chen vào giải cứu: "Mất công em cổ vũ rõ nhiệt tình mà lại để thua nhé!"

"Em chính là cái người hét to nhất hội đấy à?" Một đồng đội của Quân mà về sau tôi biết là đàn anh khá thân thiết, học trước Quân một khóa hỏi.

Mọi sự chú ý lập tức từ tôi chuyển sang Oanh, thanh niên những năm hai mươi tuổi ngày ấy đó mà, thấy các bạn gái là cuống quýt hẳn. Oanh dễ thương, lại chưa có bạn trai (mọi người cứ tự cho rằng tôi và Quân là một cặp) trở thành mục tiêu hàng đầu. Tôi lập tức bị gạt ra ngoài.

Lúc ấy Quân mới cười nhìn tôi: "Không ngờ cậu đến thật."

"Thế là sao, cậu mời thì tớ phải đến chứ, giờ nói thế rõ là không thành ý."

"Đâu có, Dương tới tớ vui lắm."

Xem Quân đá bóng tớ cũng vui lắm, chỉ có điều câu này tôi dám nghĩ, nhưng không dám nói.

Người ta vẫn nói quãng thời gian mười chín hai mươi là quãng thời gian dễ yêu, dễ rung động, đến một ngày Oanh đột ngột hỏi tôi một câu, tôi liền nhận ra có vấn đề. Cô ấy hỏi: "Bạn Quân của cậu có chơi thân với anh Trung không?"

Mới đầu tôi còn không nhớ nổi anh Trung cô ấy nhắc tới là ai, mãi mới biết đó chính là cái người trong đội bóng mà để ý rằng Oanh là người hét to nhất đó. Tôi lắc đầu, cũng không rõ quan hệ của Quân với người kia. Oanh lấy từ sau gối ra một lá thư của Trung, mang cho tôi đọc.

Đến bây giờ nghĩ lại, mặc dù thấy viết thư tay quá tốn thời gian và sến sẩm, nhưng những lá thư ấy dường như lại là điều đẹp nhất trong những năm ấy. Ngày đó chúng tôi không có điện thoại, yahoo thì bữa đực bữa cái, chỉ có viết thư là đều đặn.

Nét chữ của Trung rất ngay ngắn, anh ấy chỉ hỏi những chuyện như là học hành thế nào, thời tiết bên ấy ra sao (giống thời tiết bên đó, anh quên là hai trường cách nhau chỉ vài km thôi sao?) cuối thư ngỏ ý muốn được tiếp tục liên lạc trao đổi với Oanh.

Đối với thế hệ chúng tôi mà nói, những chuyện đó đã đủ để bắt đầu một cuộc tình. Oanh cũng bẽn lẽn thư từ qua lại. Tôi không nén nổi tò mò, nhắn tin yahoo hỏi Quân: "Trung là người thế nào?"

Cậu ấy chỉ trả lời ngắn gọn: "Tớ thấy được."

Tôi lại rất tin tưởng vào Quân, chỉ cần ba chữ đó thôi cũng tin tưởng phó mặc bạn mình cho Trung.

Tết dương lịch năm ấy, Oanh bảo tôi: "Trung có ý mời tớ đi xem ăn cơm. Nhưng mà nhận lời thì có dễ dãi quá không?"

"Dễ dãi gì chứ, chỉ là một bữa cơm thôi cậu nghĩ nhiều quá!"

Oanh vẫn do dự, bỗng nảy ra một ý tưởng: "Hay là cậu đi cùng tớ đi?"

Tôi vội từ chối: "Trung mời cậu đi ăn tớ đi cùng làm gì, vô duyên chết được."

"Rủ cả Quân nữa, nhé? Không thì một mình tớ không dám đi đâu. Được không? Để tớ nói Trung rủ cả Quân nhé!"

Cuối cùng dưới sự năn nỉ không ngừng nghỉ của Oanh, tôi gật đầu đồng ý.

Hôm ấy Oanh mặc chiếc váy màu xanh bạc Hà, chúng tôi vụng về tô son và kẻ lông mày cho nhau, phải xóa đi kẻ lại không biết bao nhiêu lần. Lúc trang điểm xong nhìn Oanh, tôi thực lòng không rõ là cô ấy có xinh đẹp lên hay không nhưng chắc chắn là bắt mắt hơn hẳn. Tôi cũng xoa một chút son gió, buộc cao tóc lên.

Khi tôi và Oanh ra khỏi cổng trường thì đã thấy Trung và Quân đứng đợi ở đó. Quân cao vừa phải, còn Trung thì phải nói là cao vô cùng. Hai người đứng đó nổi bật hẳn lên so với xung quanh. Vừa thấy chúng tôi, cả hai đã bước tới.

Chào hỏi nhau xong không khí bỗng rơi vào ngượng ngập. Hai người kia có tình ý với nhau lại mới hẹn hò lần đầu, ngượng ngùng là đúng, nhưng tôi với Quân biết nhau từ nhỏ mà cũng bị không khí kì quặc khiến cho không biết phải nói gì. Chúng tôi theo hai người bọn họ đi lấy xe, Hùng tất nhiên là chở Oanh, còn Quân thì đèo tôi. Chiếc xe đạp màu đỏ đã cũ không biết Quân mượn đâu ra ấy thi thoảng gặp đi qua đoạn đường sóc lại kêu lên lạch cạch. Tôi nhìn tấm lưng to lớn, vững vàng của Quân, trong lòng tự nhiên có một loại xúc động không gọi nổi tên. Hình như, cô gái nào được bạn chở đều có suy nghĩ như thế. Tôi quay sang bên kia, thấy hai tay Oanh đang rụt rè nắm lấy áo Trung. Cô ấy ngồi nghiêng một bên, tóc khẽ bay, cười đến là thẹn thùng. Tôi bị nụ cười của Oanh ảnh hưởng, cảm thấy vui vẻ hẳn lên, cũng cười theo. Đúng lúc Quân quay đầu lại: "Cậu đang cười gì thế?"

"Hình như có một đôi sắp yêu nhau rồi." Tôi đáp.

Chúng tôi ăn lẩu trên đường Hoàng Hoa Thám. Trong bữa ăn, cuộc nói chuyện trở nên dần dần tự nhiên. Tôi với Quân ý thức được rõ trách nhiệm vun vén cho nụ hoa tình yêu đang bắt đầu nảy nở nào đó, cứ nói được vài câu lại hướng sự chú ý về hai nhân vật chính.

Ví dụ tôi nói: "Ồ thịt bò ở đây ngon quá. Oanh cũng thích ăn thịt bò lắm đấy anh Trung ạ."

Tôi tự thấy câu nói của mình không có vấn đề gì. Còn Oanh với tâm hồn nhạy cảm của thiếu nữ đang yêu, đá vào chân tôi một cái đau điếng. Về sau mới biết Oanh dở hơi, cô ấy lột xác từ táo bạo trở nên hiền thục, cho rằng nói về ở thích ăn uống là không nữ tính lắm.

Ngoài mấy chuyện vô thưởng vô phạt như thế, câu chuyện của chúng tôi đa số liên quan tới chuyện trường lớp. Quân thì không kêu ca gì, nhưng Trung than thở về đống bài tập chất như núi, nhiều đến phi lí ở trường. Quả thật bắt đầu đi học đại học tôi mới biết nó không chỉ là một quãng thời gian ăn chơi ngủ nghỉ như truyền thuyết, thậm chí với những đứa sinh viên xa nhà như chúng tôi, cuộc sống còn khó khăn hơn nhiều.

Ăn xong, bốn người đi dạo quanh khu vực đường thanh niên. Hai người con gái thì đi bộ, hai người con trai dắt xe. Thấy Oanh cứ chần chừ, tôi đẩy cô ấy về phía trước đi cạnh Trung, còn tôi với Quân bước chậm lại một chút tạo không gian cho bạn.

Tôi với Quân hầu như chẳng nói gì. Trước nay Quân không phải người nói nhiều, tôi cũng thế, cứ yên lặng bước cạnh nhau. Trên người cậu có một mùi gì đó trầm trầm thoang thoảng như mùi thảo mộc. Gió từ hai bên hồ thổi vào khiến tôi lạnh nổi hết cả da gà, lạnh nhưng rất sảng khoái, nhẹ nhõm. Biết tôi là lần đầu tiên đến đây, Quân bảo: "Con đường này nhìn buổi tối không đẹp lắm, để hôm nào tớ dẫn cậu đi vào lúc mặt trời lặn mới thấy được."

"Trông như nào?" Tôi hỏi, vì dù trí tưởng tượng bay cao, tôi vẫn bị màn đêm sâu thẳm của phía bên kia hồ Tây nuốt trọn, không thể tưởng tượng được cảnh vật lúc tràn ngập ánh sáng ra sao.

"Trông như đường lên thiên đàng." Quân chỉ nói thế.

Còn tôi bị cách ví von sến sẩm của cậu làm cho bật cười. Quân cũng cười theo. Kể lại chuyện cũ thấy nhạt nhẽo, nhưng trong lòng tôi lúc ấy, đó chính là điều vui vẻ, đáng cười nhất.

Từ buổi đi chơi ngày hôm ấy, tôi biết bạn tôi bị bỏ bùa mất rồi. Cả ngày cô ấy bồn chồn, học cũng không tập trung, chỉ mong ngóng thư từ của Trung. Tôi không nói thì mối tình mới chớm nở của Oanh cũng nhanh chóng bị bạn cùng phòng phát hiện. Vì Oanh là người đầu tiên trong đám có bạn trai, nên vô tình trở thành đối tượng bị trêu chọc. Nga là người đùa dai nhất trong phòng, mỗi khi đi đâu về cô ấy thường rất nghiêm túc: "Oanh ơi có thư này!"

Bất kể lúc đó Oanh đang làm gì, đều vội vàng ngồi dậy: "Thư đâu?"

Nga không trả lời, đứng đó gắng gượng một lúc tới khi không nhịn nổi, bật cười ha hả. Oanh biết mình bị trêu đùa, tức tối hét lên: "Đồ xấu xa, cậu chết chắc rồi nhé." Sau đó hai người đuổi nhau quanh phòng, ném gối vào nhau, ồn ào tới mức phòng chúng tôi suốt ngày bị nhắc nhở.

Tình yêu những năm hai mươi giống như một thánh địa, tôi vẫn thường xuyên thấy Oanh đọc thư của Trung, đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhiều đến mức tôi chắc rằng cô ấy phải thuộc đến từng chữ. Cô ấy cứ cười thầm cả buổi, mặt mày lúc nào cũng rạng rỡ, có thể vì một câu nói mà vui vẻ hoặc suy nghĩ cả ngày. Tôi đột nhiên thấy sợ, sợ mình cũng yêu say đắm một người như cô ấy. Nếu người ấy cũng yêu tôi thì tất nhiên nó là điều hạnh phúc. Nhưng lỡ người đó không phải là người nên yêu, chẳng phải sẽ đau khổ lắm sao?

Có lần, Oanh hỏi tôi: "Cậu với Quân không phải là thích nhau à?"

Khi đó tôi đang làm bài tập, ngòi bút dừng khựng lại.

Nhiều năm quen biết, tôi chưa bao giờ suy nghĩ kĩ càng về tình cảm của mình dành cho Quân. Nhưng câu trả lời thì tôi luôn biết. Tôi lắc đầu: "Không phải."

Oanh hỏi tôi: "Tại sao? Hai cậu đẹp đôi thế cơ mà. Mới đầu tớ cứ tưởng..."

"Không phải đâu, bọn tớ chỉ là bạn thôi." Tôi ngắt lời cô ấy.

Oanh cũng biết tôi không muốn nói về chuyện này, không gặng hỏi thêm nữa.

Chuyện cũ đã rất nhiều năm. Kể ra thì dài dòng, tôi cũng cứ tưởng mình đã quên hết sạch, không ngờ lại nhớ rõ đến từng chi tiết nhỏ nhặt.

Lúc này tôi đứng trước sân bệnh viện Bạch Mai, Quân không còn là chàng sinh viên năm nào, nói với tôi: "Dương à, hôm nào bọn mình gặp nhau nhé."

Tôi gật đầu: "Ừ."

Ừ, hôm nào gặp cậu. Chỉ là một buổi gặp gỡ, có gì mà không được?

..............

Cuốn sách của tôi trải qua giám định chuyên môn hơn một tháng, thuận lợi xin cấp phép, thuận lợi in. mọi việc nhìn chung khá là suôn sẻ. Vì không phải sách thương mại nên in xong gần như là xong việc. Tôi gửi một trăm cuốn cuối cùng đi đến các thư viện lưu trữ, thở phào nhẹ nhõm.

Sang đến tháng năm thì trong nội bộ lan truyền thông tin tôi được lên chức trưởng phòng biên tập, tôi mắt nhắm mắt mở cố không nghĩ về chuyện đó, chờ đợi mãi cuối cùng có thông báo bổ nhiệm chính thức.

Tôi được chuyển vào phòng làm việc riêng, tuy căn phòng khá nhỏ nhưng so với ô bàn bên ngoài thì đã rất thoải mái. Lúc bên kĩ thuật đến hỗ trợ chuyển đồ xong, Vi ghé qua tặng tôi một chậu cây kim tiền nhỏ, nghe nói là cây sẽ mang đến tài lộc. Vi nói với tôi: "Tớ định mua cây kim 'tình' cho cậu cơ, nhưng người bán hàng nói chỉ có cây kim tiền thôi!"

"Lên sếp rồi, coi như là có sự nghiệp rồi, còn lấy chồng nữa là xong nhỉ."

"Bao giờ cậu mới định tìm bạn trai rồi kết hôn đi? Định làm bà cô sếp già khó tính thật ấy hả."

Cô ấy cứ những câu như thế suốt khiến tôi đau cả đầu: "Cậu có muốn bị trừ lương tháng này không hả? Nói giống hệt mẹ tớ."

Tôi biết Vi chỉ lo cho tôi thôi. Đâu phải tôi không muốn có bạn trai, chỉ là không tìm được ai phù hợp, chưa tìm được ai phù hợp.

Thực ra mấy năm trước cũng có người theo đuổi tôi, tôi muốn mở lòng mình nên chấp nhận đi ăn uống hẹn hò mấy lần. Nhưng càng hẹn hò, càng cảm thấy gượng ép. Cuối cùng vẫn là không đến được với nhau. Người ta nói với tôi: "Không sao, rồi sẽ có người hoàn hảo dành cho em thôi."

Tôi lại nghĩ, có thể tôi chưa gặp hoặc là đã từng gặp được người hoàn hảo rồi, vì thế mà đứng trước mặt tôi, trừ người ấy ra, ai cũng thiếu sót, ai cũng nhạt nhẽo.

Buổi chiều, tôi nhận được điện thoại từ bạn cũ: "Nghe nói cậu lên trưởng phòng rồi hả? Phải khao một chầu nhé, lâu lắm rồi không gặp nhau."

Người bạn cũ ấy chính là Oanh, ngày trước chúng tôi cùng học nghành nghiên cứu nên sau này ra trường tuy không cùng chung công ti nhưng vẫn cùng chung một nghành xuất bản. Chúng tôi không mấy khi gặp gỡ nhưng bây giờ công nghê hiện đại, có thể cập nhật tin tức bạn bè trên trang cá nhân mạng xã hội.

Chắc là có vài người chúc mừng trên đó nên Oanh biết được, gọi điện cho tôi.

"Ừ lâu lắm rồi, hôm nọ tớ cũng vừa mới nghĩ tới cậu xong. Cuối tuần café nhé!"

Chúng tôi hẹn địa điểm xong thì chào tạm biệt nhau.

Chỉ cần nghe giọng Oanh, quá khứ lại đột ngột trở về.

Oanh và Trung gặp nhau nửa đầu năm thứ nhất, qua tết âm lịch, tức là mùa xuân thì đã chính thức trở thành một cặp. Đến khi đó tôi cũng đã dần quen với cuộc sống sinh viên ở Hà Nội, rảnh rỗi thường bỏ thời gian ra đi thăm thú thủ đô. Thời tiết ưa thích của tôi chính là mùa xuân ẩm ướt ấy, tôi vẫn thường bắt đại một chuyến xe bus, đi lang thang khắp nơi cả ngày. Địa điểm yêu thích của tôi chính là những con đường Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, chỉ cần ngẩng mặt lên là thấy một màu xanh tươi rợp kín trời.

Quân thường nói: "Sở thích của cậu kì lạ thật đấy."

Sở thích đi bộ một mình dưới trời lất phất mưa ấy đến tôi cũng thấy kì lạ. Quân hỏi tại sao.

Tôi cười: "Vì bọn mình lớn lên ở rừng cơ mà. Nhìn thấy cây cối giống như đang ở gần nhà."

Tôi lại hỏi: "Cậu có nhớ nhà không?"

Quân chỉ im lặng, không trả lời.

Bốn.

Quãng thời gian đó, tôi cũng bắt đầu để ý một sinh viên khóa trên cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ Võ tên là Quang, anh ấy quê ở Thanh Hóa. Một người trên rừng, một người dưới biển.

Tôi nhớ nhất là giọng nói của Quang, do đặc trưng vùng miền nên anh ấy không phát âm được dấu ngã, nghe vừa đáng yêu vừa dịu dàng. Tôi không còn nhớ lý do tại sao mình lại đăng kí vào câu lạc bộ võ thuật, chỉ nhớ lúc biết chuyện ấy, Oanh nhìn tôi cười: "Cậu vào đó là muốn có bạn trai đúng không?"

Nghĩ mà xem, câu lạc bô võ, đầy các anh khóa trên, tính tình thân thiện, thân hình rắn chắc. Bạn cùng phòng tôi cũng đã bắt đầu rục rịch yêu cả rồi, trong lòng tôi có lẽ là cũng ngứa ngáy không yên.

Vì thế, tôi bỏ ngoài tai lời dặn dò học hành chăm chỉ của cha mẹ, thích một người con trai.

Chuyện tình của tôi kể ra thì chẳng có gì lãng mạn lắm. Quang là người thường xuyên hướng dẫn tôi đứng tấn và xoạc chân. Có lần chúng tôi tập hơi muộn, Quang hình như cũng cảm nhận được tình ý của tôi, đề nghị: "Anh đưa em về nhé."

Nghe thì to tát, thực ra quãng đường từ phòng tập đến kí túc của tôi chỉ chưa đầy năm trăm mét. Trên đường về chúng tôi nói toàn những chuyện linh tinh. Tôi biết Quang không ở trong kí túc trường, khi đi qua nhà để xe hỏi anh: "Anh để xe ở đâu?"

Anh ấy lắc đầu: "Không để chỗ này."

"Anh không đi xe đạp hả?" Trường tôi có hai bãi để xe, một bãi để xe đạp, một bãi để xe máy. Mấy năm nay, chuyện sinh viên đi xe máy là rất bình thường, nhưng thời tôi chưa có điều kiện, nhất là sinh viên tỉnh lẻ chúng tôi thì gia đình phải rất khá giả mới có xe máy đến trường.

Quang cười, bảo: "Anh cũng không đi xe máy đâu."

Tôi 'ồ' một tiếng, không biết có nên hỏi tiếp hay không thì Quang nói: "Anh đi ô tô, nhưng tài xế chưa đến đón."

Tôi nuốt ực nước miếng trong miệng, không nén nổi kinh ngạc quay sang nhìn Quang, Quang vẫn cười nhẹ, dáng vóc cao dáo, mái tóc hơi ướt mồ hôi. Xe ô tô lại còn tài xê riêng! Đa số ước mơ của sinh viên chúng tôi chỉ là chiếc xe đạp thống nhất gắn giảm sóc! Trong trường tôi có nhân vật như thế mà chẳng ai hay biết.

Tôi còn chưa kịp bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình, Quang đã cười: "Trông mặt em kìa, ý anh là anh đi xe bus ấy!"

Chiều tối ấy, tôi đã cười dữ dội đến mức gập cả bụng lại. Chúng tôi trao đổi yahoo, viết thư qua lại, anh ấy tiếp tục đi bộ cùng tôi quãng đường ngắn ngủi về phòng. Cuối cùng chuyện gì cũng đến cũng phải đến. Trong một lần đang nói chuyện qua yahoo, Quang nói với tôi: "Nếu em muốn đi hội chợ thì để cuối tuần anh đưa đi, bạn anh hẹn lần sau cũng được."

"Nhưng như thế có sao không?" Tôi hỏi lại, nhớ đến một câu nói nổi tiếng trong phim kiếm hiệp ngày ấy 'phụ nữ như quần áo, anh em là tay chân'. Hồi đó phong trào kiếm hiệp nở rộ, mấy thanh niên lên mạng tham gia diễn đàn thường xuyên truyền bá tư tưởng không được 'trọng sắc khinh bạn' đó mà.

Quang trả lời rất nhanh: "Không sao đâu, vì em là người đặc biệt mà."

Tôi bị ba chữ 'người đặc biệt' làm cho tim đập thình thịch trong lồng ngực.

Quang nói tiếp: "Bởi vì anh thích em mà. Mà không, hình như anh yêu em rồi đó."

Câu tỏ tình năm đó của bạn trai đầu tiên của tôi có lẽ là không còn phù hợp, quá thẳng thắn, quá sến sẩm, lại còn là tin nhắn và vẫn xen kẽ vào đó những kí tự teencode. Nhưng một đứa con gái ngây thơ như tôi, làm sao chẳng rung động.

Chuyện tình của tôi và Quang kéo dài suốt sáu tháng, sang đến cả năm thứ hai.

Năm thứ hai đó, trong vòng một năm mà có vô vàn chuyện xảy ra, những chuyện khiến cả đời tôi cũng không thể quên được.

Đầu tiên là chuyện tôi chuyển ra khỏi kí túc xá. Mặc dù kí túc thì rẻ hơn trọ ngoài nhiều nhưng lại vô cùng bất tiện, khiến nhiều chi phí phát sinh. Chúng tôi không được nấu ăn trong phòng, không được thậm chí là đun nước, một phòng lại có quá nhiều sinh viên, sinh hoạt vô cùng bất tiện. Hơn nữa kí túc thường xuyên điểm danh, có giờ giới nghiêm, tôi lại đang muốn tìm một công việc làm thêm.

Tôi và Oanh rủ nhau chuyển ra ngoài, chúng tôi cùng thuê một phòng trọ nhỏ, sắm sửa ấm siêu tốc, nồi cơm điện đầy đủ. Bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn tự chủ.

Sau khi đi phỏng vấn ở rất nhiều nơi, tôi nhận công việc bưng bê trong một tiệm phở đêm, lương tháng vừa đủ để trả tiền thuê nhà và tiêu vặt, ăn uống vẫn phải xin trợ cấp của gia đình.

Ngày đó tôi còn non nớt, cuộc sống vô cùng vất vả. Năm hai việc học bắt đầu nhiều lên, cả ngày tôi học ở trên trường, sinh hoạt vội vàng, tối lại làm cho đến rất khuya, không còn mấy thời gian đi chơi bời, yêu đương nữa. Mặc dù học chung một trường nhưng chẳng mấy khi tôi có thời gian gặp Quang, mà kể có thời gian, tất cả những gì tôi muốn làm chỉ là nằm vật ra giường ngủ cho đã.

Chúng tôi bị khoảng cách, trở nên xa dần xa dần. Vào thời điểm thi đầu năm, có một buổi chiều tôi đang ôn thi, Oanh mặt mũi tối sầm đi vào phòng, kéo lấy tay tôi: "Cậu phải đi cùng tớ!"

"Có chuyện gì à?" Tôi cũng hốt hoảng, hỏi.

"Tớ vừa gặp bạn trai cậu đấy."

Nét mặt của Oanh khiến tôi lờ mờ biết được có chuyện không hay, tôi không cần mở lời, cô ấy đã nói tiếp: "Tớ gặp anh ta đi ngoài đường với cô nào đấy, nắm tay rõ tình tứ, chắc chắn không phải bạn bè bình thường đâu. Mấy hôm nay tớ cũng nghe phong phanh trên lớp, nhưng còn không biết có phải hay không nên không dám nói với cậu."

"Lần này cậu đi với tớ, hỏi cho ra nhẽ!"

Tính tôi vốn hiền lành không muốn rùm beng mọi chuyện, nhưng bị Oanh thuyết phục mãi, cuối cùng cũng theo cô ấy và một cô bạn cùng phòng khác, lập hội đi 'bắt quả tang'. Câu chuyện về sau cũng không có gì ngoài dự đoán lắm, tôi đến phòng trọ của Quang, bắt gặp anh ấy đang ở cùng một cô gái khác.

Chúng tôi cãi nhau một trận, tôi khóc bù lu bù loa, hỏi: "Anh có còn là bạn trai em không?"

Quang cười giận: "Bạn trai cơ à, suốt mấy tháng cuối cùng em cũng nhớ ra là em có bạn trai hả? Yêu đương gì mà cả tháng không gặp gỡ, cũng không nhắn nổi một cái tin, lúc nào cũng 'em bận', 'em bận'."

Chúng tôi cứ thế, cuối cùng chia tay. Tôi gắng gượng bình thản thi hết các môn xong, cảm giác trong lòng không từ gì có thể miêu tả ngoài hai chữ 'trống rỗng'. Mối tình đầu tiên, khi tan vỡ hình như đều đau khổ như thế. Mặc dù tôi biết mình vô tâm, không quan tâm Quang đủ nhiều, nhưng cảm giác bị phản bội, câu anh ấy nói anh ấy thương tôi vẫn còn rất mới lại khiến tôi tổn thương.

Tôi vật vờ trong phòng đến ngày thứ ba, quần áo cũng không thay, báo nghỉ ốm. Cả ngày chỉ nằm trên giường đờ đẫn, đờ đẫn chán lại xem tiểu thuyết của Thạch Lam, tâm trạng càng não nề hơn.

Trong tập truyện ngắn của Thạch Lam ấy, cũng có một câu chuyện tình yêu tên là 'tình xưa' kể về một cậu thanh niên đi học ở xã sau đó có tình cảm với cô con cả chủ nhà trọ. Truyện chẳng có cao trào, chỉ kể lại quá trình hai người nảy sinh tình cảm, rồi phai nhạt tình cảm, đến cuối cùng chàng trai chuyển đi. Chẳng hề giống chuyện của tôi nhưng tôi đọc đi đọc lại, thấy vô cùng đồng cảm, ngồi ôm cuốn tiểu thuyết khóc đến trời long đất lở, nước mắt nước mũi giàn dụa.

Chuyện cũng chẳng có gì đáng kể nếu Quân không xuất hiện vào cái lúc tôi thê thảm nhất ấy. Hình như là Oanh mở cửa cho cậu ấy vào. Trước nay Quân chưa bao giờ đến thăm phòng trọ của chúng tôi, cậu cũng là người ý tứ, lịch sự, thế mà Quân đi thẳng đến giường tôi, lấy gối đẩy vai tôi: "Còn sống không đấy?"

"Cậu đi chỗ khác đi." Tôi úp mặt vào gối, nói bằng giọng nghẹt mũi. Tôi cứ tưởng mình đã đau khổ đến tê liệt rồi, không ngờ tôi vẫn còn biết ngại ngùng, biết rằng mình đang tàn tạ, xấu xí, cơ thể hôi hám bốc mùi, không biết là Quân có ngửi thấy mùi gì không.

Cậu không hỏi tôi có chuyện gì xảy ra, không hỏi tôi cảm thấy thế nào. Sau một lúc yên lặng, chỉ nói: "Đi ăn kem đi, tớ dẫn cậu đi ăn kem Tràng tiền."

Nghe đến kem Tràng Tiền, trái tim tôi hờ hững còn bụng tôi thì hưởng ứng, cuối cùng trước sự dọa dẫm rằng sẽ mang chuyện tôi bỏ bê học hành yêu sớm kể cho bố mẹ tôi, tôi đành đồng ý. Quân xuống nhà đợi tôi, còn tôi tắm rửa thay quần áo. Lúc nhìn vào mình trong gương, tôi mới biết trông tôi giống hệt như quỷ dạ xoa. Hai mắt sưng húp, đỏ ửng, tóc tài bù xù, xấu không thể tả. Thế mà Quân không chê một tiếng.

Quân chở tôi trên chiếc xe đạp cũ đi mượn của cậu, chiều nắng lòa xòa. Tóc cậu bị nắng nhuộm thành một màu vàng đồng, cái cổ cao, bờ vai rộng.

Tôi ăn kem vị ca cao, cậu ăn kem vị dừa. Ăn xong, tâm trạng tôi cũng khá lên hẳn. Tôi chẳng nói gì mấy, còn Quân cứ huyên thuyên kể mấy chuyện vớ vẩn trên lớp của cậu, kể chuyện cậu học kết cấu cơ thể, kể chuyện phải giải phẫu tử thi, kể chuyện cậu phải thi lại, toàn những chuyện rõ linh tinh.

Ăn kem xong trời vẫn còn sớm, chúng tôi không biết đi đâu nữa, Quân ngẩng mặt lên trời, đột nhiên nét mặt sáng bừng như vừa mới nhớ ra chuyện gì đó.

"Bọn mình ra đường Thanh niên đi."

Tôi gật đầu đồng ý, nghĩ đến cậu từng nói sẽ đưa tôi đi ngắm đường thanh niên khi mặt trời lặn.

Quãng đường từ hồ Gươm ra tới Hồ Tây không phải là ngắn. Trời khi ấy khá nóng, lưng Quân ướt đẫm mồ hôi, tóc cậu cũng ướt đẫm mồ hôi. Một tay tôi che chán, một tay nhấc áo sơ mi của Quân lên, lớp vải đang dính ướt vào da cậu lập tức bị gió thổi phồng. Quân giật mình: "Cậu đang làm gì thế."

Tôi cười: "Hong cho khô áo."

Quân yên lặng một lát, hình như không biết phải nói gì, sau đó bảo tôi: "Đồ dở hơi."

Tôi hong áo cho cậu, lại bị mắng dở hơi, tức mình đáp: "Cậu mới dở hơi"

"Dương dở hơi."

"Quân dở hơi."

"Dương dở hơi, nặng như lợn."

"Quân dở hơi phải chở lợn."

Hai đứa chúng tôi cứ nói chuyện như những đứa trẻ thiểu năng ấy suốt, còn tôi chỉ mong cho con đường cứ dài mãi, dài mãi như thế này. Cậu vĩnh viễn đèo tôi trên chiếc xe đạp, nắng vĩnh viễn lấp lánh trên mái tóc cậu, cậu cứ vĩnh viễn gọi tên tôi như thế.

Chúng tôi đến đường Thanh Niên vừa lúc đẹp nhất. Khung cảnh đẹp tới mức tôi không thốt nổi nên lời. Mặt trời thấp dần từ phía bên kia hồ, Hồ tây lúc đó rộng lớn như đại dương, nước óng ánh phản chiếu ánh sáng, bóng của cây cối ngả rạp trên mặt đất. Màu xanh của lá và màu vàng của nắng trộn vào nhau, thi thoảng rung động theo làn gió, tôi cứ nhìn khung cảnh ấy, còn Quân cứ nhìn vào tôi. Ánh mắt thật dịu dàng. Chúng tôi không ai nói với ai câu nào, chỉ lặng yên ngồi cạnh nhau ngắm cảnh. Ghế đá thì lạnh, nắng thì ấm, không gian bình yên như thế.

Lúc ra khỏi nhà với cậu, tôi mang tâm trạng như thể thế giới đang sụp đổ, còn khi về lại tươi sáng rạng rỡ. Tôi cũng không ngờ rằng tình cảm của mình lại thay đổi nhanh như thế.

Oanh thấy tôi về, nở nụ cười rất chi là đểu giả: "Thế nào rồi hả cô nàng thất tình?"

"Tớ biết thừa là cậu gọi Quân đến không xin phép tớ. Liệu hồn đấy nhé."

Cô ấy tỏ ra đáng thương: "Ai bảo tớ hết cách rồi, cậu có biết là mấy ngày tớ lo cho cậu thế nào không?"

Tôi không trả lời. Ngồi dịch vào cô ấy. Tôi yên lặng, Oanh cũng yên lặng. Lấy hết can đảm, tôi nói: "Cảm ơn cậu nhé."

Lần thất tình ấy, chính là lần Oanh khiến tôi cảm động nhất, cảm động đến mức tôi tự hứa với lòng mình, dù sau này có chuyện gì xảy ra, tôi nhất định cũng sẽ giúp đỡ cô ấy nhiều như thế.

Có điều lời tôi tự hứa trong lòng ấy chưa từng có cơ hội thực hiện. Oanh và Trung vẫn còn bên nhau sau tám năm trời, cô ấy lúc nào cũng kiên cường, mạnh mẽ.

Ngay cả Oanh ngồi trước mặt tôi lúc này, vẫn là cô gái năm nào.

Chúng tôi gặp nhau ở một quán café trên đường Nguyễn Chí Thanh. Lúc tôi đến nơi, cô ấy đang ngồi bên cạnh cửa sổ dưới dàn hoa giấy, một tay giữ cuốn sách trước mặt, một tay khuấy đều li café nâu đá.

"Tớ tưởng cậu không thích uống café chứ?" Tôi tiến đến, cười thật tươi, đập nhẹ tay vào vai Oanh. Oanh giật mình, ngẩng đầu lên, vẻ mặt phấn khích thiếu điều nắm tay nhau nhảy cẫng lên.

"Ngồi xuống đây nhìn cái nào." Oanh kéo tôi ngồi cạnh cô ấy, nhìn tôi thật kĩ: "Sao cậu cứ trẻ trung như thế? Mấy năm mà chẳng thay đổi gì cả vẫn giống cô sinh viên!"

Phải, tôi thì không thay đổi. Vẫn để một kiểu tóc từ ngày đi học, trình độ trang điểm cũng không khá lên so với ngày tập tọe kẻ mắt cho Oanh đi hẹn hò. Còn cô ấy thì khác rất nhiều. Tôi không còn thấy được dáng dấp cô sinh viên miền cao hơi ngờ nghệch lúc mới xuống học. Oanh bây giờ làm ở công ti truyền thông, hình ảnh rất quan trọng nên cô ấy chú trọng nhiều tới vẻ bề ngoài, ăn mặc sành điệu, tóc nhuộm theo xu hướng mới nhất.

"Bao lâu rồi bọn mình không gặp nhau ấy nhỉ?" Oanh nghiêng người, hỏi tôi.

"Hai năm." Tôi đáp không cần nghĩ ngợi. Lần cuối chúng tôi gặp nhau là trong đám cưới của Oanh và Trung hai năm về trước.

Oanh gật đầu: "Đúng rồi, nhanh dã man luôn ấy."

"Thế bao giờ mới định cho tớ lên chức mẹ nuôi hả?" Tôi cười hỏi.

Nhớ ngày xưa trò chuyện với nhau, tôi và Oanh từng bàn luận xem con chúng tôi sẽ đặt tên con là gì. Tôi muốn sinh bốn đứa con gái, đặt tên lần lượt là Trúc, Mai, Hà, Phương. Oanh chê tôi đẻ như lợn, nói rằng cô ấy sinh một trai một gái, còn cho tôi làm mẹ nuôi.

Oanh nghe thế, lập tức lắc đầu nguây nguẩy: "Tớ còn chưa nghĩ đến đâu, công việc chưa đâu vào đâu hết, sinh con làm sao mà nuôi nổi?"

"Người lớn hai nhà không giục cậu hả?"

"Giục chứ." Oanh cười. "Tuần nào cũng gọi điện hỏi một lần, nhưng mà tớ kệ ấy."

Oanh bị giục sinh con đến phát chán rồi, không muốn tiếp tục chủ đề này nữa, bèn chuyển hướng câu chuyện: "Thế còn cậu thì sao? Bao giờ cho tớ ăn cỗ?"

Hình như phụ nữ khi đã sắp sửa ba mươi tuổi đầu, câu chuyện lúc nào cũng chỉ loanh quanh về gia đình con cái. Tôi mới nghe đến thế da gà đã nổi đầy tay: "Không nói chuyện này đâu, nhưng mà cậu xem có anh nào được được giới thiệu cho tớ đi."

"Cậu phải hạ tiêu chuẩn xuống một chút đi, xung quanh tớ toàn người bình thường, không có thể loại như cậu muốn đâu." Oanh cười.

Bạn cũ lâu không gặp lại, có không biết bao nhiêu chuyện để nói, chúng tôi nói mấy tiếng liền, càng nói càng hăng say, chỉ có điều điện thoại Oanh reo liên tục. Cô ấy mở chiếc iphone đời mới nhất ra, xem qua màn hình rồi cất ngay: "Lại lão chồng của tớ ấy mà, tớ cứ đi đâu là gọi điện loạn cả lên."

"Nhìn cậu như thế này anh Trung không lo giữ mới là lạ ấy."

"Như thế này là như thế nào." Oanh vừa cười vừa mếu: "Bây giờ có tuổi rồi, không phấn son á có mà mặt tớ đầy vết chân chim, mắt cũng đầy khóe nhăn. Cậu khai nhanh, bí quyết trẻ lâu của cậu là gì đấy?"

"Sống độc thân." Tôi thật thà đáp.

Oanh đang định nói gì đó, điện thoại lại reo lên.

"Cậu nghe máy đi chứ." Tôi giục.

Cô ấy đành trượt phím nghe, áp điện thoại lên tai trả lời.

"Lát nữa em về, đang ngồi với Dương này."

Tôi nghe rõ được tiếng Trung vang lên, rõ mồn một: "Dương nào hả em?"

Tôi giả bộ trợn mắt nhìn Oanh. Ngày xưa hai người này đến được với nhau nhờ không ít công lao của tôi, nếu mà dám quên tôi, tôi sẽ ăn vạ cho mà xem.

"Dương bạn cùng phòng đại học em đó, bạn anh Quân Bạch Mai đó!"

Nghe Oanh nhắc đến Quân, trống ngực tôi đập thình thịch, một cảm giác bâng khuâng ùa đến. Hình như Oanh không nhận ra sự khác thường của tôi, vẫn tiếp tục nói chuyện điện thoại. Tai tôi như ù đi, chỉ còn âm thanh nặng nề trong lồng ngực. Mãi đến lúc Oanh bỏ điện thoại xuống, nói với tôi, tôi mới giật mình trở lại. Cô ấy nói: "Lão già nhà tớ muốn đến, lão bảo muốn mời cậu ăn cơm."

"Được thôi, may quá trưa tớ vẫn chưa ăn gì. Nghe nói mấy phòng nha khoa của chồng cậu làm ăn tốt lắm hả? Hôm nay không nể tình đâu nhé!"

Khoảng nửa tiếng sau, Trung xuất hiện thật. Vì tôi ngồi đối diện với cửa kính nên có thể nhìn rõ lúc anh ấy vào. Anh ấy mở cửa kính, tiếng chuông gió treo trên cửa kêu leng keng. Không ngờ, theo sau Trung còn có một người nữa. Trần Anh Quân.

Có lẽ vì mặt tôi đờ đẫn hẳn ra, Oanh nhìn theo ánh mắt tôi, ngoái cổ lại, thấy chồng mình và Quân thì vô cùng vui vẻ, vẫy tay rối rít.

"Sao cả anh cũng đến đây?" Oanh hỏi Quân.

Cậu ấy chưa trả lời, Trung đã nói: "Lúc anh gọi điện cho em là đang ở phòng khám với Quân, tiện rủ đi luôn cho vui ấy mà. Giống hệt hồi đại học ấy nhỉ."

Phải, giống hệt hồi đại học. Tôi nhìn Quân, mỉm cười: "Chào cậu."

Quân cũng cười ngồi xuống. Cậu gọi một cốc sữa nóng, vẫn giống hệt hồi đó. Quân có thói quen uống sữa. Sáng nào cũng uống, có lần hồi năm hai tôi nhìn cậu uống sữa mà đến phát sợ, hỏi: "Mấy tuổi rồi mà còn uống sữa tươi tiệt trùng thế?"

Quân chỉ cười không đáp, về sau cậu ấy kể với tôi rằng ngày nhỏ hay bị ốm, mẹ cậu ấy lúc nào cũng dỗ dành Quân uống sữa đi rồi sẽ khỏi, cuối cùng thành thói quen đến tận bây giờ.

Chuyện đã rất lâu rồi, không ngờ Quân vẫn giữ thói quen ấy.

Qua câu chuyện của ba người, tôi biết hóa ra họ vẫn thường xuyên giữ liên lạc, hóa ra Quân và Trung còn góp cổ phần mở phòng khám, vẫn thân thiết với nhau như ngày xưa.

Có mỗi tôi hình như là tách hẳn khỏi cuộc sống thời đại học.

Lâu không gặp, Trung hỏi tôi rất nhiều chuyện, hỏi từ công việc cho đến chuyện đời tư, tôi toát cả mồ hôi hột, cười: "Em nhớ ngày trước anh có nhiều chuyện thế này đâu nhỉ?"

"Không phải lỗi tại anh, tại hoàn cảnh xô đẩy đấy. Ai bảo anh lấy phải mụ vợ nói rõ nhiều, thành ra cũng phải nói nhiều theo mới tồn tại được."

"Dám gọi em là mụ, anh chán sống rồi à?" Oanh nghe thế, véo bắp tay Trung.

Trung cười cười dỗ dành vợ xong lại quay sang tôi: "Anh đợi mãi thiệp mời của cô mà không thấy động tĩnh gì là sao hả?"

Tôi ngượng ngùng đưa tay lên vờ che mặt: "Lại động vào nỗi đau của em rồi, đến bạn trai còn không có nói gì đến chuyện lấy chồng."

"Giống thằng Quân hả? Hai cô cậu lập lời thề giữ gìn hay sao mà bao nhiêu năm rồi anh chẳng thấy đứa nào có người yêu người đương gì hết thế?"

Trung vừa dứt lời, không khí trở nên vô cùng kì lạ. Tôi vô tình liếc mắt nhìn Quân, thấy cậu cũng đang nhìn mình. Chúng tôi chẳng ai hẹn ai, vội vàng quay đi.

Vẫn là Oanh nhận ra tôi với Quân không được tự nhiên lắm, lên tiếng giải cứu: "Thôi đi ăn thôi ha? Em đói gần chết rồi đây!"

Vì thế là chúng tôi lục tục lôi nhau đi ăn. Sau một hồi bàn bạc, quyết định đi ăn lẩu dê. Bàn cho bốn người, Oanh ngồi cạnh Trung nên Quân phải ngồi cạnh tôi, mỗi lần gắp thức ăn, cùi chỏ cậu lại khẽ chạm vào cánh tay trái của tôi. Chúng tôi đều tránh nói về thời gian còn đi học, câu chuyện chủ yếu xoay quanh công việc hiện tại.

"Bạn ơi cho mình thêm ớt nhé." Quân nói với người phục vụ.

Sau đó, khi phục vụ mang ớt ra, không biết cố tình hay vô ý cậu lại đẩy đĩa ớt về phía tôi. Tôi nhìn đĩa ớt lại nhìn khuôn mặt thản nhiên cuả Quân, có lẽ là mình tự nghĩ quá nhiều chuyện rồi. Chẳng là, ngày trước tôi thích ăn ớt. Ăn cái gì cũng thế, không cay không vui. Mỗi lần đi ăn cùng Quân đều khiến cậu hoảng sợ: "Cậu ăn uống thế này có ngày hỏng dạ dày đấy!"

Tất nhiên là tinh thần bác sĩ mọi lúc mọi nơi của Quân chẳng thể thay đổi được khẩu vị của tôi. Tôi vẫn ăn cay đến mức mặt đỏ gắt, mồ hôi chảy ròng ròng, môi lưỡi sưng cả lên nhìn cậu cười.

Thói quen ăn uống đó, không rõ là có phải Quân còn nhớ hay không. Nhưng dù sao, nhiều năm rồi tôi không còn ăn cay nữa. Bát ớt cậu gọi ra, tôi không động tới, cậu cũng không động tới.

Bữa ăn đó đáng ra rất vui vẻ, tôi lại tự mình phá hỏng nó bằng tâm trạng nặng nề của bản thân. Tôi cho rằng mình điên nặng rồi, lúc nào cũng ra cái vẻ ưu thương, đau khổ ấy, trong khi tất cả mọi chuyện đều là do tôi tự lựa chọn.

Oanh có lẽ cũng cảm thấy tôi không được bình thường, ăn xong, nhân lúc hai chúng tôi vào phòng vệ sinh, hỏi tôi: "Có chuyện gì à?"

Tôi nhìn Oanh, lắc đầu rồi lại gật đầu.

"Có phải bọn tớ không nên gọi Quân đến không?"

Tôi gật đầu. Oanh hơi dựa người vào tường, cứ nhìn tôi chăm chú. Yên lặng một lúc, cô ấy nói, giọng rất khẽ: "Thực ra tớ luôn thắc mắc tại sao cậu và Quân không đến bên nhau. Bọn cậu, rõ ràng là có tình cảm cơ mà."

"Cậu hỏi thời đại học hay hỏi bây giờ?"

"Cả hai."

Tôi nhìn cô ấy, cười nhẹ: "Bây giờ thì do xa nhau quá lâu rồi. Còn thời đại học..."

Tôi ngừng lại một lúc, không biết tìm từ gì cho thích hợp.

"Thời đại học, là do Quân có bạn gái rồi mà."

Nói xong, tôi lau tay, bước ra trước.

Tôi với Oanh vốn đi taxi, Trung và Quân thì đi xe của Quân tới. Do đó chúng tôi bốn người cùng lên xe đi về. Ngồi lên chiếc Camry màu đen bóng loáng, tôi nói chẳng hề suy nghĩ: "Chà, bác sĩ đúng là nghề hái ra tiền đấy nhỉ!"

Oanh lập tức hưởng ứng: "Thế cậu nghĩ tại sao tớ nhất quyết bám chặt lấy lão nhà tớ?"

"Hóa ra em không thương anh thật lòng, anh... anh khóc nhé!" Trung giả bộ mè nheo.

Vì nhà hai người gần chỗ ăn hơn nên Quân đưa Oanh và Trung về trước sau đó mới đưa tôi về. Tiễn hai người bạn xong trên xe trở nên rộng rãi hẳn. Chúng tôi không ai nói gì nên Quân vặn to nhạc lên để không gian đỡ trống trải.

Đó là bài 'Close to you' của The Carpenter.

Bài hát này lâu lắm rồi, nhưng chưa bao giờ hết hay.

"Just like me, they long to be, close to you."

Giống như em, những vì sao cũng muốn, được gần bên anh.

Tôi lẩm bẩm theo bài hát cũ. Đột nhiên một giọt nước mắt lăn xuống. Tôi vội vàng quay mặt ra cửa sổ, nhìn những ánh đèn đường vụt về đằng sau.

Bỗng nhiên, ở ghế bên cạnh Quân cất tiếng: "Cậu còn dùng số cũ không?"

"Vẫn còn." Tôi đáp.

Năm hai đại học cũng là năm mà điện thoại di động trở nên phổ biến. Tôi tự mua cho mình một chiếc nokia bằng tiền đi làm thêm dành dụm được. Điện thoại của tôi chủ yếu dùng để gọi điện về cho ba mẹ và chơi trò rắn đến phát chán, vì thế lúc biết Quân cũng mới có điện thoại, rất vui vẻ trao đổi số. Tôi phát hiện cậu ấy lưu tên mình chỉ là Dương, hết sức, hết sức nhạt nhẽo bèn tự đổi thành 'Sunny kut3 l0v3ly' cho giống với nick yahoo. Sunny là tên tiếng anh của tôi, Minh Dương, ánh sáng mặt trời.

Nghe nói tên tôi như vậy là do tôi sinh ra đúng vào tháng sáu, đúng lúc nắng trở nên gay gắt nhất. Có lần tôi đứng dưới nắng, chẳng nghĩ ngợi gì về chuyện giữ gìn làn da, nói với Quân: "Tớ ở khắp mọi nơi. Bao giờ cậu muốn gặp tớ, chỉ cần thò tay ra ngoài cửa sổ."

Đến tôi cũng thấy nhiều lúc đầu óc mình suy nghĩ kì quặc, nên Quân thấy tôi kì quặc cũng là điều bình thường. Cậu ấy không mặn mà gì, bảo tôi: "Đồ dở hơi."

Tôi tụt cảm xúc, đi về nhà, đến tối mới nhắn tin cho cậu ấy: "Cậu mới là đồ dở hơi!"

"Minh Dương, cậu không sợ tốn tiền điện thoại à? Nhắn tin vớ vẩn làm gì đấy."

"Tiền của tớ chứ tiền của cậu à mà phải lo!"

"Cậu nhắn tin làm tớ cứ phải trả lời, lại không tốn tiền à?"

"Ai bắt cậu trả lời?"

"Thế thì đừng nhắn tin cho tớ nữa!"

"Thế thì đừng trả lời nữa."

"Ừ."

"Ừ? Bảo đừng trả lời nữa!"

Chúng tôi cứ nhắn tin qua lại, không đầu không cuối, dở hơi như thế cả ngày không biết mệt. Nhưng cũng có lúc câu chuyện trở nên nghiêm túc hơn. Ví dụ như có lần cậu nhắn tin hỏi tôi: "Tớ muốn học tiếng anh, bây giờ phải bắt đầu từ đâu?"

Tiếng anh của tôi thực ra cũng không phải dạng cao siêu gì hết, nhưng ngày thi đại học tôi vốn thi khối D, điểm tiếng anh ở trường mấy năm nay cũng ổn, ít ra là hơn sinh viên trường y như cậu.

Cuối tuần đó tôi hẹn gặp Quân ở thư viện trường y, mang một xấp đề cho cậu test thử.

Trần Anh Quân, huyền thoại thông minh xuất chúng của trường cấp ba quê tôi, niềm tự hào của các thầy cô, không ngờ lại dốt tiếng anh đến mức không thể chấp nhận được. Cậu ấy làm đề xong, bẽn lẽn đưa cho tôi. Mới đầu tôi còn không hiểu tại sao cậu ấy lại cười bẽn lẽn như thế, lúc kiểm tra đáp án mới hiểu. Quân chỉ đúng 20/80 câu trình độ sơ cấp, hơn nữa, một nửa số câu đúng là do khoanh bừa.

Tôi không có lời nào để diễn tả, hỏi: "Chín năm học tiếng anh phổ thông của cậu đi đâu rồi hả?"

Quân cúi đầu: "Tớ là học sinh khối B cơ mà."

Vì vậy tôi phải dạy lại cậu những thứ rất căn bản, từ cách chia thì cho tới cách phân biệt từ loại. Cậu vốn là người nghiêm túc, học rất chăm chỉ, tôi ngồi bên cạnh học bài của tôi, cậu làm bài của cậu, ngẩng đầu lên là có thể thấy khuônmặt nhìn nghiêng của Quân.

"Tại sao tự nhiên lại muốn học tiếng anh?" Tôi hỏi.

Quân đang viết bài nghe thế thì dừng lại. Cậu nghĩ một lúc, khẽ trả lời: "Nghe nói sinh viên năm cuối thường có cơ hội ra nước ngoài thực tập. Nếu tớ giỏi tiếng anh thì có thể xin được học bổng rồi."

Cậu cũng bảo: "Bố mẹ bắt đầu có tuổi rồi, đâu thể nuôi bọn mình mãi được. Nuôi không mấy năm đại học đã vất vả, đừng nói đến chuyện đi nước ngoài tốn rất nhiều tiền."

"Ừ."

Quân không nói gì nhưng cậu cũng không viết bài nữa, nét mặt đầy bâng khuâng giống như là đang chìm vào sâu trong những suy nghĩ của chính mình.

Tôi lại hỏi: "Tại sao cậu muốn trở thành bác sĩ?"

Quân nhìn tôi, chưa bao giờ nét mặt cậu lại ảm đạm đến thế. Cậu cứ nhìn tôi cho tới lúc tôi nghĩ rằng Quân không muốn nói về chuyện này, thì cậu bắt đầu kể: "Hồi lớp mười ấy, bố tớ mất. Sau này tớ mới biết, thực ra khi bố tớ bị đột quỵ, nếu trong gia đình có ai biết cách sơ cứu rồi mang gấp đi bệnh viện thì sẽ cứu được. Tớ nghĩ, giá mà mình có kiến thức sớm một chút thì tốt biết mấy. Cứ nghĩ thế, cuối cùng chọn thi y."

Cả tôi và Quân đều cảm nhận được câu chuyện của cậu nặng nề quá. Cậu bèn quay sang hỏi tôi: "Thế còn cậu? Sao lại muốn học văn?"

Lý do của tôi đơn giản hơn của cậu nhiều. Bởi vì tôi thích đọc sách. Từ nhỏ đã thích. Vớ được cái gì tôi cũng đọc, từ nhãn mác trên chai dầu gội cho tới tờ báo của bố. Ngày ấy sách truyện làm gì có nhiều, tôi thường nhịn ăn sáng làm thẻ thư viện lên đó đọc sách. Lúc đó đọc mấy thể loại truyện cổ tích là chủ yếu, rồi đọc thơ truyện của A-pu-skin, thậm chí đến sách giáo khoa môn khoa học và xã hội, môn văn học, lịch sử tôi đều đem ra đọc thuộc làu làu. Ngày đó tôi có để ý rằng đằng sau mỗi quyển sách đều có một dòng nhỏ như thế này: "Sách nhà nước tài trợ cho thiếu nhi các trường tiểu học vùng sâu vùng xa". Khi ấy còn không hiểu vì tôi lớn lên ở huyện miền núi ấy từ nhỏ, còn chưa từng biết rằng thế giới bên ngoài rộng lớn vô cùng.

Tôi nói xong, Quân cười nhìn tôi: "Cậu dở hơi thật đấy."

Tôi cứ chìm trong những kí ức xa lắc xa lơ của mình, không nhận ra chiếc xe đã dừng lại dưới chung cư nhà tôi từ khi nào. Chàng thiếu niên từng ngồi cạnh tôi trong thư viện những buổi chiều đó, bây giờ cũng ngồi cạnh tôi.

Quân nghiêng người, tháo dây an toàn cho tôi, đầu cậu cách chóp mũi tôi chỉ một khoảng, tôi ngửi được cả mùi dầu gội đầu của cậu.

Trong một giây trong lòng tôi nảy sinh ra cái ham muốn được quàng tay qua cổ quân, để đầu mình tựa vào vai cậu, được lắc nghe nhịp tim của cậu. Bao lâu rồi tôi đã không còn được có ai đó làm chỗ dựa? Cảm giác cô đơn nổi lên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tôi cảm thấy rất mâu thuẫn, nửa muốn thời gian ngừng lại, nửa muốn chạy thật nhanh ra khỏi xe.

"Cảm ơn cậu, tớ về nhé."

"Ừ."

"Gặp cậu sau."

"Ừ."

Buổi gặp gỡ của chúng tôi kết thúc như thế.

Năm.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro