Pháp Cú 356,357,358,359: Truyện phúc báu bố thí

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Cỏ làm hại ruộng vườn

Tham làm hại con người

Bố thí giúp hết tham

Nên được quả báo lớn."

(XXIV-Phẩm Tham Ái, Pháp Cú 356)

"Cỏ làm hại ruộng vườn

Sân làm hại con người

Bố thí giúp hết sân

Nên được quả báo lớn."

(XXIV-Phẩm Tham Ái, Pháp Cú 357)

"Cỏ làm hại ruộng vườn

Si làm hại con người

Bố thí giúp hết si

Nên được quả báo lớn."

(XXIV-Phẩm Tham Ái, Pháp Cú 358)

"Cỏ làm hại ruộng vườn

Dục làm hại con người

Bố thí giúp hết dục

Nên được quả báo lớn."

(XXIV-Phẩm Tham Ái, Pháp Cú 359)

Tích Pháp Cú: Lần đó Đức Phật lên cõi trời Đao Lợi để thuyết pháp cho thân mẫu Ma-gia. Khi Phật đến đó thì Chư thiên hội tụ đông nghẹt cõi trời Đao Lợi. Trong số các Chư thiên đó có 2 vị Phi Thiên Dạ Xoa cõi thần Asura. Một vị tên là In-đa-ca, một vị tên là An-cu-ra.

Hai vị đó đến sớm trước tiên và hầu hạ Phật. Khi Chư thiên khác kéo về đông nghẹt thì In-đa-ca vẫn ngồi yên cạnh tòa sen của Phật. Còn An-cu-ra thì lùi dần về sau để nhường chỗ cho các Thiên tử khác.

Các Chư thiên hào quang sáng chói nên An-cu-ra cứ lùi về sau để nhường chỗ hoài cuối cùng ông cách Phật mấy giao tuần. Đến khi Chư thiên hội tụ ổn định chỗ ngồi xong thì An-cu-ra thấy mình đã cách Phật quá xa. Thế rồi ông hơi buồn mà nghĩ rằng:

"In-đa-ca khi mới đến hầu Phật thì cũng giống ta. Thế nhưng khi Chư thiên đến thì ông ta vẫn ngồi đó cạnh đài sen của Phật. Còn ta thì bị động tâm cứ phải lùi về sau nhường chỗ. Nay ta đã cách Đức Thế Tôn quá xa mất rồi".

Đức Phật ngồi trên đài sen ở xa xa nhưng biết tâm của An-cu-ra buồn rầu. Thế nên Phật dùng thần thông truyền âm nói riêng cho An-cu-ra nghe:

- Này An-cu-ra, ông đừng buồn phiền vì sự chênh lệch này. Bởi vì phúc của ông và In-đa-ca là hoàn toàn sai biệt. Khi ở trần gian lúc Ngài A Lậu Lâu Đà (A-lu-ru-đa) chứng Thiên nhãn thì In-đa-ca đã thường xuyên cúng dường Tôn giả. Còn An-cu-ra lại không quan tâm lắm đến việc cúng dường A-la-hán mà ông thích giúp ích lợi cho đông đảo nhiều người.

- Phúc đó đến nay tạo thành quả báo khác nhau. Phúc giúp lợi ích cho số đông mọi người không bằng phúc cúng dường bậc A-la-hán. Tuy vậy cũng nhờ hạnh bố thí đó nên nay An-cu-ra được sinh cõi trời.

Sau đó Phật đọc bài kệ:

"Cỏ làm hại ruộng vườn

Tham làm hại con người

Bố thí giúp hết tham

Nên được quả báo lớn."

(XXIV-Phẩm Tham Ái, Pháp Cú 356)

"Cỏ làm hại ruộng vườn

Sân làm hại con người

Bố thí giúp hết sân

Nên được quả báo lớn."

(XXIV-Phẩm Tham Ái, Pháp Cú 357)

"Cỏ làm hại ruộng vườn

Si làm hại con người

Bố thí giúp hết si

Nên được quả báo lớn."

(XXIV-Phẩm Tham Ái, Pháp Cú 358)

"Cỏ làm hại ruộng vườn

Dục làm hại con người

Bố thí giúp hết dục

Nên được quả báo lớn."

(XXIV-Phẩm Tham Ái, Pháp Cú 359)

Bài học kinh nghiệm

Bài học 1: Chọn nơi đất tốt mà gieo hạt

Ta thấy cùng là bố thí cúng dường giúp đời, nhưng In-đa-ca thì cúng dường bậc thánh A-la-hán còn An-cu-ra thì chọn làm lợi ích số đông như đắp đường, đắp đê, làm cầu.

Nếu trong thời không có ai chứng A-la-hán thì việc lợi ích số đông như xây dựng: Điện - Đường - Trường - Trạm là ích lợi lớn nhất. Bởi chỉ cần làm 1 con đường thôi thì bao nhiêu người được đi lại thuận tiện. Đến như Thiên Chủ Đế Thích được làm Thiên Chủ cũng là nhờ khi còn là ông hoàng Xác Ca thì ông đã làm đường cho dân. Thế nên làm đường là có phúc lớn.

Nhưng khi có các vị A-la-hán trên đời thì phúc cúng dường bữa ăn cho A-la-hán lớn đến mức 500 Thiên tử đứng hàng dài mong được cúng cho Tôn giả Ma-ha Ca Diếp. Nhưng Tôn giả "khổ hạnh đệ nhất" đó không nhận đồ ăn cõi trời. Ngài đi đến nhà vợ chồng nghèo khổ ven đường xin đồ thí thực. Đến khi vợ chồng đó xới cơm vào bát cho Tôn giả thì mùi hương bay khắp trời đất. Tôn giả định tâm nhìn lại hóa ra Thiên Chủ Đế Thích và vợ Thiện Sanh hóa ra.

Vậy vì sao phúc báu giúp đỡ số đông mọi người lại không bằng phúc cúng dường A-la-hán?

Bởi vì một vị A-la-hán có phúc vĩ đại, đạo đức tuyệt đối, tâm không nhiễm ô, tập khí, kiết sử. Một vị A-la-hán xuất hiện làm thay đổi vận khí quốc gia đó.

Ví như Phật Hoàng Trần Nhân Tông lãnh đạo dân Đại Việt đánh bại quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần 2, 3. Mỗi lần quân Nguyên Mông kéo sang nước ta 50 vạn quân. Tổng 2 lần là hơn 1 triệu quân. Thế nên mới có thành ngữ "Đông như quân Nguyên". Thời đó diện tích Đại Đế Quốc Mông Cổ là 35 triệu km2 còn Đại Việt là 100.000 km2. Tức Đại Đế Quốc đó rộng gấp 350 lần Đại Việt. Phật Hoàng Trần Nhân Tông khi viên tịch hỏa thiêu có 3000 viên Ngọc Xá Lợi Ngũ Sắc là minh chứng cho sự đắc đạo.

Vậy nên khi một vị A-la-hán xuất thế thì một vùng, một đất nước, một dân tộc đều được hưởng thái bình hạnh phúc. Phúc Đức của A-la-hán vô cùng lớn. Ngoài ra các vị A-la-hán còn dạy Chánh pháp và đạo đức cho đời. Hoặc các Ngài âm thầm cảm hóa tâm dân chúng khiến muôn dân đều đạo đức lương thiện.

Khi dân chúng có đức thì tự làm thiện tích phúc mà có được quả báo hạnh phúc. Giúp cho dân biết đạo đức và hiểu Chánh pháp chính là giúp dân được hạnh phúc từ gốc rễ.

Còn ta làm đường, làm cầu, xây trường học cho dân chỉ là ngọn. Nếu dân không có phúc để hưởng thì ta làm mà dân không không có số để hưởng. Ví dụ ta làm xong thì thiên tai, lũ lụt phá tan thành quả của ta. Hoặc chiến tranh, dịch bệnh, mất mùa đói kém khiến dân bỏ xứ đi nơi khác.

Thêm nữa, nếu xã hội mà thiếu đạo đức, kẻ ác nhiều mà ta giúp đỡ người ta lại mang tội. Giống như kẻ làm đường bắc cầu cho đạo quân Phát Xít đi xâm lược thế giới thì đâu có phúc. Kẻ đó là đồng lõa tiếp tay cho tội diệt chủng nhân loại đó chứ?

Bài học 2: Làm phúc vị tha và tùy duyên

Có câu rằng "Làm phúc quá tay ăn mày chẳng kịp"

Đầu tiên ta cần biết rằng Ta và Người đều là những chúng sinh trong Luân hồi. Ta giúp người thì có phúc nếu người là thiện lương đạo đức. Ta giúp nhầm kẻ ác độc phạm tội thì ta mang tội. Nếu ta là người đạo đức. Ta giúp ta được bình an có sức khỏe có điều kiện làm thiện nghiệp thì cũng tích phúc.

Ta hi sinh hết tất cả tài sản sức khỏe của ta để giúp đời là sai lầm. Hoặc ta quá tham lam ích kỷ bòn rút, tranh cướp tài sản của thế gian về cho ta cũng sai lầm. "Thái quá bất cập" là vậy. Ta hãy hài hòa, phù hợp giữa ta và người mà tùy duyên làm phúc.

Đặc biệt làm phúc phải hướng đến giải quyết tận gốc nỗi khổ chúng sinh. "Chúng sinh bị khổ bởi tâm có tham, sân, si và không biết Nhân Quả". Vậy làm phúc lợi ích nhất, vĩ đại nhất là mang đạo đức, Luật Nhân Quả dạy đời. Nếu ta không có đủ Chánh kiến, không có điều kiện nói pháp thì ta tìm cách hỗ trợ các thầy dạy đạo đức hay các giảng sư chân chính. Đó là làm phúc tận gốc nỗi khổ của chúng sinh.

Bài học 3: Làm phúc không mong cầu quả báo đời này và đời sau

Nếu ta làm phúc mà cân đong đo đếm, tính toán nhiều ít để hi vọng quả báo lành đến cho ta hưởng là sai lầm nguy hiểm. Vì sao lại nguy hiểm?

Bởi làm phúc mà mong cầu quả báo lành tới để hưởng là Tham Vọng. Khi phúc tới thì "Cầu được ước thấy". Ta sẽ hưởng phúc báu đó trong dục lạc thế gian và dừng không làm phúc nữa. Bởi mục tiêu của làm phúc là giàu có quyền lực. Nay đã giàu có quyền lực rồi là ta toại nguyện mà dừng lại. Khi đó phúc sẽ không tạo thêm mà tiêu phúc vào dục lạc thế gian thì càng ngày càng nhiều. Đến khi phúc hết ta bị đọa vào cõi Súc sinh. Nếu trong thời gian hưởng thụ ta còn tạo tội thì đọa Địa ngục.

Chỉ có làm phúc hướng đến mục tiêu "Cứu giúp chúng sinh thoát khổ" thì mục tiêu đó sẽ mãi mãi không bao giờ đạt. Và ta sẽ đi mãi trên con đường làm thiện tích phúc không dừng lại. Đó mới là vĩ đại.

Bài học 4: Kém phúc tự dưng bị hèn, thần vía yếu

An-cu-ra kém phúc nên thần vía yếu. Nếu là người thì gọi là "Hèn". Vị đó bị những vị phúc lớn, quyền uy và có thần lực mạnh át mất hồn vía. Thế nên vị đó cứ phải lùi lại nhường chỗ cho Chư thiên phúc lớn đến sau.

Giống như kẻ nghèo hèn mà đứng cạnh kẻ giàu sang quyền quý thì tự dưng khúm lúm, rụt rè, sợ hãi. Dù rằng tâm họ không cố tình làm vậy nhưng vì kém phúc sẽ bị kẻ phúc lớn "lấn át mất thần vía".

Nên "Giàu" luôn đi đôi với "Sang trọng quý phái". Dù không cố gắng thì sự sang trọng quý phái đó do phúc của kẻ giàu tự hiện ra. "Nghèo" thì luôn đi đôi với "Hèn hạ yếu mềm". Dù không cố gắng thì sự hèn hạ yếu mềm đó là do thiếu phúc của kẻ nghèo tự xuất hiện. Ma Y Tướng Pháp gọi đó là: "Thần thái" và là Thượng Thừa Tướng Pháp.

Bài học 5: Bố thí diệt tham, sân, si, dục

Bởi tâm ta có tham, sân, si, dục nên lời nói và hạnh động của ta tạo Ác nghiệp. Đến khi đủ duyên thì Ác nghiệp tạo thành quả báo khổ hại đời ta tan nát. Giống như cỏ dại mọc ở vườn không cho các loại cây trồng lương thực phát triển. Cuối cùng khi các cây lương thực chết thì ta cũng chết.

Bố thí tích phúc báu để tương lai có quả báo hạnh phúc là lợi ích 1. Lợi ích 2 là: "Hành động bố thí giúp ta diệt tham, sân, si, dục". Tham là thèm khát vật chất. Sân là thèm khát danh vọng. Si là ngu si vì tâm có tham danh lợi. Dục là bản chất cõi Dục giới.

Ta bố thí cho người vật chất thì diệt Tham. Ta bố thí cho đi để danh vọng ta bé lại thì diệt Sân. Ta bố thí giảm tham danh lợi thì diệt Si. Ta bố thí đi lên làm thánh nên vượt thoát cõi Dục Giới và giảm ham muốn tình dục thì diệt Dục.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#lvt