Chương tám: Thương người, người chẳng thương ta.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Rồi cuộc tình mồ côi
Đành nghe lòng xót xa thôi
Một ai đó đã nói buồn lòng tôi
Trách chi người ta đã bỏ thật rồi
Trách chi một người đã ở nơi rất xa..."

o0o

Lẽ sống, lẽ tồn tại trên đời không phải đơn giản là ngày một ngày hai. Đường đời thật dài, nếu sự sống của chúng ta trên đời chỉ đơn thuần là tồn tại cho có, thì con người đã chẳng phải cố gắng để vươn lên từng ngày. Chấp nhận sống, là chấp nhận mọi hoàn cảnh, dù cho có thế nào, ngày hôm nay có thất vọng đến ê chề thì sáng ngày mai, khi mở mắt dậy, bầu trời lại sáng lên một sắc tươi vui và ta lại tiếp tục cố gắng thật nhiều. Con người ta phải sống, phải gắng thật nhiều vì niềm khát khao, để có được những gì ta muốn, tất cả yêu cầu ta phải tự mài giũa bản thân cho thật tốt. Dẫu cho địa vị xã hội ban đầu có lắm thấp hèn, dù cho ta không được số cao sang mà chỉ là một người tới từ những miền xa xôi. Ta không có quyền quyết định cuộc đời của bản thân sẽ được vẽ lên bởi những mảng màu nào, nếu biết chúng ta sinh ra có điều kiện và vất chất đầy đủ, đôi khi người ta chỉ cần cố gắng có một. Còn những người sinh ra trong cái khốn khó, thiếu thốn thật nhiều, nhưng với một lòng lạc quan và tin tưởng vào lẽ sống, họ vẫn tiếp tục trên con đường bền bỉ của chính mình. Họ cố gắng vì nhiều điều cao cả, vì gia đình, vì trí tuệ bản thân, và cuối cùng, họ dành tất cả vì hai từ hạnh phúc. Mùa đông năm ấy, anh mới bước qua tuổi đôi mươi.

Anh họ Hà, tên Ngưu, cái dáng người nhỏ bé khiến anh như lọt dưới dòng người giữa phố. Sớm mùa đông, anh chẳng có gì ngoài chiếc xe đạp lọc cọc màu xanh mà anh dành tiền mua tạm. Chiếc khăn quàng cổ quấn một cách vụng về, anh đưa tay lên miệng, hai bàn tay tím lại và lạnh buốt. Anh nhẹ nhàng thổi vào đó một làn hơi mỏng, may ra lòng bàn tay như muốn đông cứng của anh có thể ấm hơn được chút. Kim Ngưu là một sinh viên tại đại học y Hà Nội, vốn dĩ anh là người dân tộc, nhưng không như bao nhiêu trai bản khác với dáng người cao lớn và rắn rỏi đến khó bì, người ta ấy, tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Anh này, nào đâu dám, anh chỉ là một cậu trai người Thái ham học, bản cho anh món quà để anh xuống Hà thành học làm bác sĩ, mơ ngày về bản chữa bệnh cho dân mình. Ngày anh đi, nhìn dáng anh mà trong bản chẳng ai tin anh sẽ làm bác sĩ cả, người ta tin bác sĩ phải cao, phải khỏe, sức vóc thật nhiều kia. Nhưng bản vẫn thương anh, cho anh chút đồng tiền để học hành cho đủ, mẹ cũng hi vọng vào anh thật nhiều.

Gió cắt da, bàng rơi, màu đỏ quạnh và khô lại, trên những cành khô, lơ thơ những lộc non hé mắt trông trời xanh ngắt. Xuân cũng sắp về rồi, năm nay ban nở trắng đồi, cánh hoa trắng muốt, đậu trên những cành, những mái nhà ngập trong sắc trắng ban sơ. Tết này, lại chẳng về được, anh cũng nhớ nhà lắm, nhưng độ xuân người về đông, có khi chẳng còn xe đưa anh về bản. Vậy là điện về cho mẹ khỏi chờ trông thôi, biết làm sao được. Anh đưa mắt lên cao, những ô cửa sổ thật thơ, nắng ngọt lành xoáy vào đáy mắt anh. Anh nhớ một thời ở bản, nhớ cái độ gần xuân nhộn nhịp. Độ ấy, chị La hay cười, trong cái đêm ngồi hơ tay bên bếp lửa. Chị cười sao anh đẹp như con gái, một vẻ đẹp thanh thoát đơn thuần, gương mặt nhỏ, dài dài và mái tóc ánh nâu. Đôi mắt vẫn trong như nước sông, có nét buồn ngây dại, hiền hòa. Chợt, anh giật mình quay đi, đưa vội miếng bánh cuốn gọn gàng vào miệng, nuốt vội. Chị lại đến rồi, hoa khôi của trường anh, người anh mê luyến thầm trong tim. Hai vành tai anh đỏ ửng, dù biết chị đã có người thương trong lòng, nhưng không chỉ anh đâu, ai nhìn chị cũng vậy, ngẩn ngơ. Chị đẹp lắm, Song Tử của trường Y. Cơ mà anh vốn là người nhát như thỏ, chỉ dám trông chị từ xa, dù trong tâm bao lần bối rối. Đưa bát lên gần mặt, anh ăn, rồi nuốt, lại ăn, lại nuốt thật nhiều. Đĩa bánh cuốn trong cơn ngại ngần nhanh chóng hết bay. Hết rồi, mà anh vẫn ngồi đó, ngơ ra như kẻ mất hồn, để rồi giật mình đưa vội vài tờ tiền lẻ, lên xe đạp đi vội. Trời ạ, làm sao ngăn nổi gương mặt đỏ ửng này bây giờ! Vọng đằng sau, một tiếng cười quen thuộc lại vang lên hí hửng:

- Ôi trời, "cậu đẹp" biết ngại kìa! Gớm, thằng này nhìn sao vẫn thấy nó xinh, xinh ghê gớm! Cơ mà nó đâu có mê gì tao đâu... Nó mê mày gần chết đấy Song Tử ạ, thấy mày là đỏ rực cả người lên. Nó vừa biến luôn rồi đấy! - Nhân Mã đưa tay quơ gọn túi bánh cuốn thật nhanh, việc này với cô đã quá quen, đến nỗi dọc chợ Khâm Thiên, chẳng hàng nào mà cô chưa biết mặt, chẳng hàng nào là Mã chưa từng "chinh chiến" qua.

Nhưng cái tình cờ kỳ lạ biết bao, dạo gần đây, bên khu trọn lão An lại có người mới đến, một cậu trai bản, nghe nói qua từ Tây Bắc, lại cùng trường với ai kia. Chiều buổi nọ, khi đang cùng Thiên Yết trốn bữa cơm chiều để sực một miếng bò khô thật lớn, bên chén rượu cho men say thấm nhuần đến bí tỉ. Chợt, cái tiếng lọc cọc lạ kỳ khiến cho Mã tò mò ngó qua, và thoáng cười thầm trong bụng. Kim Ngưu, một cậu trai, không phải mang cái vẻ ngoài láu lỉnh, bụi bặm của Thiên Yết, mà là một vẻ đẹp khác hẳn, trong sáng đến lạ lùng. Không đúng, không phải chỉ là đẹp, mà phải gọi là xinh, xinh như con gái! Người gì đâu, cái vẻ trắng trẻo và ngơ ngẩn khi thấy cậu ghé qua hàng mua chút dưa chua, đã đập ngay vào ánh mắt của cô nàng. Mã đưa chén rượu lên, uống một hơi thật đầy, rồi đưa tay huých vai Thiên Yết một cái thật mạnh khiến cậu chàng suýt chụp ếch dưới sàn. Yết ngó qua, nhìn thật lâu, như cuốn vào người ấy, gật gù cảm thán. Để rồi tất cả một buổi rượu chè chuyển thành một chầu no bụng đã con mắt, cậu chàng trẻ măng mơn mởn này, đúng là thu hút không chỉ nữ, mà cả nam.

Ai cũng có nhu cầu ngắm cái đẹp cả thôi, và suy cho cùng, cái đẹp khiến ta say mê và thư giãn lắm, nó khiến ta ngơ ngẩn và đôi khi quên cả thế gian. Thực sự, cậu trai đó đẹp đến kỳ lạ, khiến cho hôm ấy, trong mâm cơm, cả Nhân Mã và Thiên Yết đều như kẻ mất hồn, bát kề đến miệng lại buông đũa nhìn nhau, nở nụ cười đầy hớn hở. Chẳng ai hiểu hai đứa nó nhìn thấy cái gì to lớn, kỳ vĩ lắm, chỉ biết hôm đó, khi xối nước rửa vội mấy chiếc bát sứ, hai người lại rục rịch cười điều gì như vui lắm. Quái lạ, ngày ngày chẳng vỡ trận cũng nổ bom, ấy vậy mà hôm nay được thấy cảnh đẹp vô cùng, khiến lòng người chao đảo quên cả chuyện trò to nhỏ, chẳng còn nỗi lòng nào mà gây sự cùng nhau. À, hóa ra là thế ấy, một vẻ đẹp cảm hóa lòng người là đây! Song Tử càng nghĩ càng thấy có gì đó không đúng, làm sao tưởng tượng một ngày, sau bữa cơm tối, hai con người ấy lại thanh thản chia nhau dùng chung cái vô tuyến để xem "Hoàng Châu Cách Cách". Lãng mạn còn chẳng có, ai đời bày đặt đi xem phim bao giờ? Lại còn thơ thẩn lẩm bẩm với nhau, đúng là không đẹp bằng người đó, người nào, người đâu?

- Này, hôm nay bọn mày cho tao xem Tom và Jerry bản đặc biệt à? - Song Tử ngó vào trong qua ô cửa sổ, trố mắt dòm trông. Trời ạ, ai đời mèo chia cho chuột bánh đa, hai người gặm lấy gặm để mà xem phim. Một khung trời êm ấm đến lạ kỳ, thật chưa bao giờ ta thấy được nền hòa bình thế giới tại khu tập thể này, nhưng hôm nay là ngoại lệ. Cái sự yên bình quá đáng này khiến Song Tử cảm thấy thật ngột ngạt, bầu không khí chẳng thể hiểu nổi.

Song Tử nghĩ vậy họa chăng cũng phải thôi, vì vốn dĩ chưa bao giờ Nhân Mã và Thiên Yết có thể hòa thuận quá một ngày. Đó là hai sắc thái, hai thái cực đối lập nhau, tưởng chừng như có rất nhiều điểm chung, nhưng khi vỡ ra lại chẳng có cái chung nào sất. Khu A là khu ít người trẻ, có đúng ba mặt người, nhìn nhau nhiều cũng phát ngán. Cái sự hiền lành và chân thật của Nhân Mã chỉ là cái mở đầu cho những sự bùng nổ, ban đầu, độ Thiên Yết bước vào Văn Chương khi anh mới mười chín tuổi, Nhân Mã đúng thật ra rất đỗi ân cần. Chẳng ai tin một cô nàng ngoài đời máu mặt lại sẵn sàng bê thúng đồ đi giặt, đơn thuần chỉ để tránh ác cảm với người đời. Nhưng con người, thật chẳng dễ dàng mà giấu đi những bản chân muôn thuở, dù có cố tỏ ra mình là một thiếu nữ đoan thục, nhưng trong bữa cơm hôm ấy, khi Thiên Yết mười chín tuổi than phiền về việc cái quần đùi của cậu bị vò mạnh đến bục chỉ. Thì ôi thôi, tất cả những ánh mắt dán chặt vào Nhân Mã khiến chị ta hận đời sao không cho mình một cái rọ để chui vào cho đỡ nhục thân. Cái mối thù thâm thúy này khiến cho Nhân Mã chẳng thể ưa nổi anh, dù cho anh vẫn hồn nhiên coi cô như một người bạn, người chị mà trêu đùa. Mã đã thề không bao giờ động vào cái thúng giặt dù chỉ một lần, loài khốn nạn! Thực tâm, ta có thể nói Nhân Mã chẳng khác nào một quả bom nổ chậm, nó phát sinh một cách từ từ, âm ỉ và khi cần, nó sẽ phát nổ thật lớn. Đáng lẽ, quả bom ấy cần là một khoảng không gian bình lặng và an yên cho tâm hồn, nhưng không, cạnh quả bom là một mồi lửa cháy phừng phừng, dù biết là sẽ phát nổ, nhưng ngọn lửa luôn lờn vờn quanh quả bom và khiến nó phát điên. Đúng, ngọn lửa này tên là Yết, hay cá bống. Sự hòa thuận của hai con người này hiếm có khó tìm như sao chổi Halley, có khi chỉ xảy ra trên bàn nhậu, khi những miếng bò khô được đặt trên bàn. Giữa cái khoảng lặng của một chớm đông, men rượu nồng khiến ta nửa mơ nửa tỉnh mà quên đi tất thảy.

- Trời trời trời trời! Hôm nay, mày biết tao gặp gì không? Yết, đúng không, hiếm có khó tìm! - Nhân Mã hào hứng vỗ tay đen đét, cái ánh mắt sáng trong và thích thú vô cùng. Nhân Mã lúc nào cũng vậy, cứ thô như thế thôi, tuy chẳng quan tâm đến vẻ ngoài của bản thân, nhưng có chuyện gì đất trời đều biết. Nhân Mã hứng thú với mọi thứ, tuy chẳng quan tâm đến dung nhan của mình nhưng dung nhan của người là luôn luôn say mê đến bất tận. Cảm hứng của một nhà báo trẻ như Nhân Mã có thể đến từ bất cứ đâu, nhờ cái thói quen nhìn đời phiêu diêu cũng có thể xuất khẩu thành thơ ấy. Cái thú vui ngắm tình đời, ngắm dòng xe xuôi ngược, trong cơn men nồng mụ mị đầu óc, chẳng rõ sự tình nhưng cái đẹp trong mắt vẫn luôn sáng trong đến tất thảy. Nhân Mã là người đam mê sắc đẹp, cô yêu và say những gì đẹp đẽ, tất cả cái đẹp đôi khi khiến cô rung động và mỉm cười, khiến cô vui cả ngày và lòng lâng lâng như mới trượt chân và rớt từ cung trăng. Nhân Mã, suy cho cùng không phải loại người ham say gì nhậu nhẹt, chỉ đơn thuần uống rượu đôi chút trong khi đưa mắt dọc theo những con phố xa xa, những vạt nắng lắng đọng trên cành bàng và người xe qua lại. Ra phố, có thiếu gì người đẹp đâu? Và cũng thật may mắn làm sao, khi sự chú ý của Mã đã va phải vào Kim Ngưu, một vẻ đẹp của một cậu thanh niên, sáng trong và thanh thuần. Khác hẳn so với Thiên Yết cùng gương mặt dài ngây ngốc của cậu, Kim Ngưu toát ra một vẻ tinh anh trong đáy mắt. Hỏi han người qua kẻ lại, cô biết được tên của cậu, biết cậu đang trọ tại nhà ai.

- Đúng! Trời, thật chứ chẳng đùa đâu. Bà không đi với tôi và mẹ Cám, sao mà biết được. Nay tôi đã nhìn thấy, một thằng con trai rất đẹp, nghe nói nó là khách trọ mới nhà lão An đó. Tên...là gì nhỉ? À à, Kim Ngưu!

Thiên Yết, ừ đấy, nói chung cũng chẳng mê gì sắc vóc như ai kia đâu, từ độ bị người tình phụ bạc, một bước tiến lên làm chị dâu, Yết coi tình đời như một thoáng phù du nhạt nhẽo. Thôi, đừng mơ tưởng chi nhiều chuyện tình duyên cho lòng thêm nặng. Cơ mà đúng là thấy người đẹp thì ai cũng chẳng lay động rung rinh như vậy thôi, nhưng để mơ mộng đến chuyện xa xôi là cả một thời gian dài. Cơ mà thật kỳ lạ làm sao, lần đầu tiên Yết thấy mình hồ hởi khi nói về vẻ ngoài của một thằng nhóc con. Thật sự lòng anh chưa bao giờ có cảm giác với đàn ông con trai, nhưng loại nhan sắc kỳ cục này khiến anh thực sự ngơ ngẩn đến ngây ngốc. Chẳng hiểu sao anh cảm thấy mắt nhìn và tâm tưởng có cái gì đó sai sai, cộng thêm cái hào hứng của Nhân Mã cũng khiến lòng anh lâng lâng và như được bế lên những tầng cao vợi. Không, khoan, làm sao lại có thể như vậy, làm sao có thể say mê nhan sắc của một thằng con trai? Trời ạ, lúc kêu lên cái câu nói đó cũng là lúc Yết nhận ra cái không bình thường của mình, dù thường ngày thực sự anh là người rất rất bình thường, nhưng chỉ vì thằng Ngưu mà phá vỡ cái bình thường mà trở thành không bình thường dù thực sự anh phải là một con người bình thường. Đầu óc rối loạn, thật sự rối loạn, anh ngại ngùng, mái tóc xoăn bù xù như một con chó nhỏ, anh với lấy cái mâm đồng rửa vội, khẽ lẩm bẩm:

- Này...đừng tưởng tôi là cái loại mê trai tám vía! T...tôi chỉ là thích cái đẹp thôi. Như bà Mã vậy!

Song Tử tựa vào bờ tường, nàng đưa mắt hướng lên những ánh đèn mờ tỏ phía trên cao, đôi mắt sâu như in lấy những cành bàng, mảng trăng trôi dịu dàng qua khung cửa, in xuống sân. Đúng, nàng biết cậu trai đó là ai, một con người nhỏ bé, hiền lành như một cục đất vô tri với đôi mắt buồn xa xôi lắm. Nàng cũng bắt gặp cậu nhiều lần, trên giảng đường, dưới bóng nắng, cậu đẹp như một con se sẻ, lọt giữa dòng người qua, chẳng ai hay thấu. Chiều rọi qua những ô cửa trên cao, dọc theo phố về, quán trà đá nơi ấy, lại thấy cậu thanh niên ôm mộng ngồi ngẩn ngơ, cuốn sách còn dang dở trên tay. Chẳng biết vì sao ánh mắt của cậu luôn thật kỳ lạ, cậu chìm giữa biển người, tưởng như không ai thấy, nhưng trong mắt nàng, cậu lại rực rỡ, một vẻ đẹp ngây ngô của tuổi thiếu thời. Có hay chăng lòng cậu đơm bông, đã tự bao giờ hướng về người con gái ấy, một thứ tình cảm lặng thầm, là yêu hay chỉ đơn thuần là mến mộ? Điều đó không ai biết cả, trái tim cậu lặng thầm tựa như vạt trời lặng gió, có muốn hiểu, cũng chẳng ai hiểu được. Chỉ biết, độ ấy, ánh mắt của cậu trong trẻo đến vô ngần, nhưng luôn hướng về một phía, tựa như cái đoạn tình lặng thầm ấy dù hay cũng chẳng được đáp lại. Cậu biết nàng đã có người thương, hạnh phúc lắm, chỉ đợi ngày nàng thành y sĩ, sẽ cũng là ngày nàng lên xe hoa. Cậu cứ như vậy, tựa như đóa hoa quỳnh lặng lẽ nở, đợi tình như hoa đợi sương, để rồi lại lụi tàn vào màn khuya lạnh ngắt. Vẻ đẹp của ai sưởi ấm trái tim cậu, để rồi tình chưa đến đã vội tàn. Song Tử biết chứ, biết cậu thương mình, biết cậu chuyển về trọ gần đây chỉ để nhìn thấy bóng người thương mà an ủi tâm cô độc. Nhưng nàng vẫn thờ ơ, nói chuyện cũng chẳng nhiều, đôi khi lướt qua nhau như chiếc bóng vô hình. Một người thương, nhưng chẳng thương lại. Mà dầu nếu như Song Tử có đơn côi gối chiếc, nàng cũng chẳng dám hạ mình để yêu người kém mình đến ba tuổi như vậy. Nàng thở dài, nhẹ nhàng vịn tay vào cửa, mái tóc mềm buông trên vạt áo:

- Kim Ngưu? Cậu trai đó, cũng học cùng trường y...với tao... Mà, Mã ạ, Yết ơi... - Nàng nhỏ giọng, hệt như một làn gió nhẹ thoảng qua, nhưng cũng đủ để ai đó thoáng giật mình mà thảng thốt - T...tao, cũng rối lắm... Nhưng cái Thùy bảo, hình như nó thương thầm tao. Có mấy độ, ghé qua sân trường, cậu chàng cứ trông tao suốt. Cái nhìn ấy, lạ lắm, nó buồn đến ghê gớm, chẳng biết lý giải sao được. Như thể Ngưu muốn nói gì nhiều, bày tỏ gì nhiều, cơ mà... Cuối cùng lại chẳng dám nói.

Nhân Mã đặt chiếc bát sứ vào rổ, ánh mắt thoáng vẻ băn khoăn lắm. Chẳng hiểu cô nghĩ gì, chỉ biết trong lòng như thể có một mớ bòng bong rối ren, xoắn lại thành cụm dày, phải chăng cô đã hiểu lý do vì sao Kim Ngưu quyết thuê trọ ở gần đây, ngày ngày lui tới chợ khi mảng nắng đầu tiên rọi xuống thềm nhà. Thiên Yết định cất lời, nhưng rồi lại thôi, anh biết nói gì được, chẳng ai lại giãy nảy lên mà kêu rằng tại sao một thằng nhãi ranh mới hăm hai lại đi tương tư người đã quá mình ba cái xuân xanh như vậy được. Anh phủi nhẹ vạt áo, đưa tay khỏi làn nước trong, nước rơi long tong trên tay anh xuống nền sân gạch. Yết lắc đầu, lẳng lặng đứng lên, anh cầm rổ bát đĩa để gọn sang một bên, hong cho sáng mai khô. Nhân Mã ban đầu cũng khó hiểu lắm, nhưng sau khi nhìn thấy Song Tử, tưởng như vỡ ra và hiểu nhiều hơn thế. Có lẽ Kim Ngưu tượng trưng cho một nỗi buồn, nỗi buồn vô tận chẳng biết bao giờ được hồi đáp, cứ đợi mãi, trông hoài trong vô vọng. Có một người lướt qua đời anh, dù người chẳng thấu, nhưng lòng anh đơm bông, bông tưởng như nở mãi, nhưng chẳng thấy người ghé qua đến độ mấy cũng tàn. Cậu như một chiếc bóng, âm thầm bám theo nắng. Chẳng hay nắng đi đâu, rong chơi hoài, đi mãi theo mây, để lại cái bóng lập lờ mãi. Nhân Mã lẳng lặng đứng lên, chưa bao giờ cô thấy bối rối thay cho người khác như vậy. Song Tử vốn đã có người thương kẻ nhớ, Kim Ngưu chắc chắn biết vậy, nhưng ánh mắt ấy xốn xang, mang nét buồn nhiều lắm. Nó không mang cái ghen tị, không có cái hờn dỗi như bao chàng trai khác khi thấy người mình thương đã bên ai mất rồi. Chỉ có sự câm lặng hoài, và một ánh mắt như cuốn sâu hút vào tâm. Nhân Mã nhét hai tay vào túi, cô hất cằm, Thiên Yết biết điều lên lầu mà chẳng thêm câu gì. Khi mảng trăng mờ dần, Mã mới thở dài một hơi:

- Này, kể tao nghe...về cái cậu đó đi. Biết là mày có người thương rồi, cơ mà sao... cảm tưởng nó cứ tồi tội thế nào.

o0o

Lại một đợt mưa, mưa ẩm, lất phất hòa vào không gian, một lớp bụi mờ trắng xóa, vây tựa màn sương. Lá lại rơi, trước cửa bệnh viện, lá đổ xuống, xoáy vào những vũng nước mưa như những chiếc thuyền lá nhỏ. Nước đọng trên những tán lá xanh lơ, rơi lộp độp lên những mái hiên, nơi cửa sổ, nào trắng xóa những giọt nước trong ngần, cảm tưởng như có thể lấy tay và vẽ lên đó những nét nguệch ngoạc. Cái hơi ấy bốc lên, cái mùi nước khử trùng nồng nặc như muốn xoáy vào sâu trong não, mà in vào tim đến nỗi ngộp thở. Em ngồi đó, ánh mắt ngây ngốc vấn hướng về phía cửa sổ ngập trong mưa, tưởng như ẩn chứa một nỗi buồn vô tận. Bàn tay em lạnh ngắt, bé nhỏ, những đợt xạ trị khiến toàn thân em ê ẩm. Nhưng em chẳng dám kêu, chẳng dám khóc, biết làm gì được, từ bản xa, mẹ bán ngôi nhà nhỏ, bán con trâu, con bò, ruộng nương, để theo em về miền xuôi trị bệnh. Dưới mưa, em đợi nắng, qua những làn nước bay hoài đậu xuống đường, em thấy bên kia một gương mặt thật hồn nhiên, thật trong veo tựa như một ánh nắng mai. Một cô bé chơi dương cầm bên cửa sổ, một căn nhà nhỏ gần bệnh viện, hòa trong nắng, cô bé ấy như cuốn lấy trong hồn em những giấc mơ sâu thẳm, về niềm tự do, về một thế giới nơi em có thể thoải mái chạy nhảy mà chẳng hay gì đau đớn nữa. Em muốn khóc thương cho số phận của mình, nhưng em làm gì được nữa. Em cũng mơ được nuôi tóc dài, được mặc váy thật xinh, nhưng cơn bệnh khiến em vụt mất tất cả những điều ước ao, chôn vùi một tuổi thơ trên giường bệnh mà đáng ra em phải có được.

Kim Ngưu mở cửa phòng, anh đặt chiếc ô ẩm lên bàn, áo anh ướt mất một mảng vai, có lẽ do anh chạy vội trong mưa tới đây. Anh đặt chiếc ba lô xuống, một chiếc ba lô chẳng đúng nghĩa, đúng hơn nó giống một chiếc túi vải chắp vá nhiều phần với hai cái quai đeo. Kim Ngưu chẳng giỏi giang gì chuyện vá may, tự anh làm cái túi đi học, đi làm, đi đâu anh cũng kè kè mang theo như bảo bối của mình. Mặc cho người ta đôi khi chọc anh, đưa mắt tò mò dòm anh, với cái túi vá dọc ngang đến lạ thường, anh chỉ biết cúi mặt xuống, cười gượng gạo. Mà cũng chỉ độ năm nhất thôi, cho đến bây giờ hăm hai tuổi, người ta đã quen với anh chàng bé tẹo con hay vác theo cái túi vải lạ lùng ấy, có khi người ta thấy, hoặc cũng chẳng mấy ai hay. Anh cứ vậy mà lọt vào dòng người, như ảo ảnh lu mờ, chẳng biết tự bao giờ anh chìm nghỉm vào khoảng không ấy, anh giữa một giảng đường, một phố phường huyên náo, mình anh chậm rãi lắng nghe từng dao động của dòng người. Nay, nghe nói cô Lý dắt bé Thêm từ bản xuống Hà Nội, lại một tháng xạ trị. Khổ thân cô bé ấy, vẫn trong sáng vậy thôi, chín tuổi, nhưng đã phải chịu đau đớn quá nhiều. Người ở bản có ốm có đau biết làm sao được, anh vẫn cố học, cố sao thành tài về cứu người, để nơi xa chẳng còn ai mang bệnh. Anh mơ lắm, anh biết người trong bản kì vọng thật nhiều, anh rồi cũng phải cố mà vươn mình thôi. Loay hoay mở túi ra, anh cầm ra một túi bánh, cũng chẳng to lớn gì, nhưng thấy cô bé ấy đưa ánh mắt từ cửa sổ ra ngó trông đầy hạnh phúc, lòng anh cũng vui lây.

- Thêm ơi, anh mua bánh cho này. Bánh ngon lắm đấy!

Anh lúc nào cũng vậy, cũng hiền lành và ân cần như thể điều đó đã ăn sâu vào da thịt. Anh cười, trong đáy mắt hiện lên hình ảnh đứa trẻ ngây thơ ngồi trong vòng tay mẹ, ăn bánh trông mưa đổ ngoài thềm, tưởng như cái chết hóa hư vô, xa mờ ngàn dặm. Phải chăng khi ta biết thế gian ta từng ngóng trông, từng chờ đợi sẽ sớm hóa hư vô và tan dần như ảo ảnh, ta chẳng biết gì nữa là đau, là sợ hãi. Chỉ biết ngày nay là ngày hạnh phúc, sau này dù có về với mây trời, cũng sẽ thật nhẹ nhàng và chẳng còn biết gì là đau đớn nữa. Thêm cũng đã từng buồn, em cũng từng khóc và tưởng rằng sẽ chẳng có ngày em được nuôi tóc dài, được chạy nhảy trên những triền đồi xanh, những dòng sông đổ xuống thành thác nước. Trong những giấc mơ chập chờn bướm đậu, em mong hết bệnh mà về bản làng. Em vẫn tin rằng lạc quan lên, em sẽ qua mọi đớn đau bệnh tật, em vẫn tin rằng Kim Ngưu sẽ sớm thành bác sĩ và chữa bệnh cho em, cho người nơi bản ấy. Nhưng em đâu hay, ung thư là căn bệnh quái ác vô cùng, chẳng ai chống lại được, chẳng ai hủy diệt đi. Chấp nhận là điều duy nhất ta có thể làm, lạc quan chỉ là một thứ thuốc kéo dài mạng sống của ta thêm vài ngày ngắn ngủi. Nhưng vẫn là tốt hơn so với những người bi quan, những người biết rằng bản thân chẳng còn bao lâu nữa. Những người mang bệnh vào trạm dừng chân cuối cùng của cuộc đời, cảm thấy rốt cuộc mọi sự cũng đã quá đủ rồi:

- Ông ơi, mai phẫu thuật rồi, ông cố ăn chút gì đi cho khỏe chứ ông? Ông đừng như thế, con buồn lắm...

Kim Ngưu ngơ ngác nhìn sang bên cạnh, có lẽ là một cô cháu gái, một người con gái rất đẹp, nhưng ánh mắt ấy như buồn biết bao, và dường như thất vọng. Lần đầu anh gặp nàng, nhưng vô tình để lại trong lòng anh biết bao xuyến xang đến kì lạ. Cụ ông ngồi trên giường, cụ cứ ngồi im đó, như thể chẳng còn điều gì phải chờ mong, tưởng như chẳng còn hi vọng. Cô gái bất lực thở dài, đặt xuống bàn tô cháo còn ấm nóng. Ông cụ có một khối u ngày mai sẽ phải cắt bỏ, nhưng chẳng biết vì sao cụ không còn thiết tha gì cả. Tội cô ghê, tưởng như cô sắp khóc vẫn phải cố giữ lòng. Anh thấy mắt cô đỏ hoe lên, tưởng như muốn khóc, và hiện lên nơi cô một vẻ đẹp thật buồn, trong chiếc áo xanh, cô cứ ngồi ở đó, nhìn cụ ông đang quay lưng về phía mình mà chẳng biết phải làm thế nào cả. Người ta nói người già rồi cũng như con trẻ, họ cũng sẽ giận dỗi, cũng muốn, cũng cần ta quan tâm, che chở. Tự nghĩ nếu một đứa trẻ có thể tiếp tục sống mà chẳng màng gì đến tương lai, hay như bé Thêm vậy, em vẫn hồn nhiên, vẫn tươi cười dù biết ngày em đi sẽ sớm thôi, biết đường đời còn ngắn hạn. Dù ở chặng đầu, hay chặng cuối, ta vẫn phải đi chứ, phải đặt niềm tin. Chỉ cần sáng mai ở đó ta còn thấy mây trời, đó đã là niềm hạnh phúc vô cùng. Anh nhẹ nhàng buông lời, khiến ai đó ngẩn ngơ nhìn sang:

- Cụ ơi, chúng ta đang được sống, là một niềm hạnh phúc rồi. Thời trẻ, cụ vất vả nhiều, bây giờ, dù có ốm, có đau, cụ cũng nhìn xem? Cụ có phúc lắm đó, có một cô cháu gái quan tâm, chăm sóc thật nhiều. Vậy là, cụ rất quan trọng với gia đình, ai trong nhà cũng yêu cụ rồi. Có gì, mình cũng gắng vì con, vì cháu chứ cụ...

Cụ ông cúi đầu, có lẽ luẩn quẩn trong đó là những gì, chẳng ai biết cả. Phải chăng cụ nghĩ về gia đình mình, về những người cụ trân trọng, về một căn nhà lớn với lá cờ đỏ tươi buông xuống từ tầng hai, ngôi nhà tuy có lạnh mấy độ đầu xuân, khi gió về từ hồ Hoàn Kiếm. Chẳng ai muốn mình phải mang bệnh cả, và người mang bệnh cũng khổ lắm thay, họ hay buồn, hay ngơ ngẩn, và rồi trong một thoáng nào đó có khi họ đã nghĩ, phải chăng mình là một gánh nặng cho những người con, người cháu hay không? Nhưng mà sống cho đời người ta mãi rồi, đành phải cố mà sống cho mình, dù chỉ còn là một đoạn đường ngắn ngủi. Nhưng vậy cũng là quá đủ cho một đời truân chuyên. Giờ cái chữ ung thư, cái hương bệnh viện đã vạ vào người rồi, chẳng biết còn bao nhiêu nữa ta còn ở đây? Cụ cố gắng gượng dậy, kê miệng ăn tạm muỗng cháo. Vậy là tốt rồi, anh thanh niên chống tay vào cửa sổ, cười hạnh phúc, ít ra như vậy là cụ đã biết vui, biết sống vì mình. Cô cháu gái vừa đưa từng muỗng cháo, trong bất giác nào đó anh thấy mắt cô sáng trong nhìn anh, long lanh, và giọt nắng ấm của cửa sổ như hòa vào trong đó, làm sáng bừng cả khoảng không, của một nơi tưởng chừng như tăm tối nhất.

Thêm ngủ, con bé cuộn mình trong chăn, cảm nhận chút hơi ấm nhẹ nhàng tỏa ra, như bao trùm xung quanh, mặt em hồng hào, ngây thơ lắm. Ở bên kia, ông cụ cũng tạm ngả lưng, trong không gian phảng phất hơi thở đều đều, những dãy hành lang lặng im. Ngoài kia, gió về, lá xào xạc trên những mái nhà cao thấp, ban trưa, đường vắng, anh gác tay dựa tạm vào chiếc ghế bên cạnh giường bệnh, hướng mắt đưa lên cao, qua cửa sổ, rợp một khoảng trời, màu trời trắng trong không chút mây, tự nhiên âm thầm đọng lại trong anh chút gì đó bình yên đến lạ. Chút hơi lạnh làm anh khẽ sụt sịt, anh đưa tay lên day day sống mũi, rồi lại trông ra bên ngoài. Chiều nay mới có nắng, nắng lên sẽ ấm hơn, anh sẽ đi mua bắp cải về làm bát rau luộc với cà chua. Cần gì nhiều đâu nhỉ, vậy là ấm bụng lắm rồi. Anh rùng mình, nhưng giờ vẫn lạnh gớm!

- Anh có vẻ lạnh, đúng không? - Cô gái bên kia cất tiếng khiến anh thoáng giật mình. Anh thấy cô đang nhẹ nhàng gấp những tấm chăn, chiếc áo, đặt những chiếc cốc lên bàn cho thật gọn. Cô chẳng nhìn anh, nhưng có lẽ cô hỏi vì thấy ở anh những tiếng thở dài nào đó lắm, nên cô đoán chừng anh bị lạnh. Vậy ra đây cũng là một người con gái tinh tế lắm thay, từ vẻ ngoài đoan trang, hiền dịu, một cốt cách chuẩn mực truyền thống với mái tóc dài tết gọn sau lưng, rủ vài sợi rơi xuống vạt áo xanh. Một vẻ đẹp mang nét đài các, kiêu sa mà buồn, nó khiến anh ngơ ngẩn như kẻ rơi xuống từ cung trăng, để lại chợt giật mình hướng ra bên ngoài khi cô nàng nhìn lại, hai vành tai đỏ ửng. Anh thở nhẹ, kèm theo câu trả lời:

- Có chút, nhưng tôi ổn mà. Ờm, tôi đợi cho ngớt mưa, rồi sẽ rời đi sớm. Mà tôi thấy, cũng thật may cho ông cụ đây có người cháu gái hiền lành, hiếu thảo. Bản thân tôi cũng muốn được nhìn thấy ông của mình, dù chỉ một lần thôi. Nhưng, khổ nỗi, cụ mất sớm quá... - Giọng anh chợt trùng xuống, mắt nhìn đâu thật xa, lởn vởn trong anh, có lẽ anh đang tiếc thay cho mình, về nỗi buồn mất người thương yêu khi còn thơ ấu -...năm tôi ba tuổi. Vậy nên, cô gì đó à, cô nhớ giữ tinh thần để chăm sóc ông thật tốt nhé! Dù hôm nay, hay nay mai, nếu cụ có đi xa, xa lắm, thì cô nên nhớ, chỉ được khóc đúng một ngày thôi, đừng buồn lâu quá! Bởi lẽ, cô đã làm đúng những gì một người cháu nên làm, vì thế sẽ không phải hối tiếc làm gì cả.

Anh đứng lên, lấy cái áo khoác còn lấm tấm mấy hạt mưa, khoác lên người. Hai bàn tay anh đỏ ửng, anh kéo ba lô lên vai, bịt miệng hắt xì một tiếng, rồi cười gượng gạo, nhẹ nhàng bước ra cửa sổ. Anh nhìn sang cô gái trẻ, người đang ngơ ngác nhìn lại anh, có lẽ vẫn đang đôi phần suy nghĩ vẩn vơ về những lời anh nói, chẳng biết có thấu được mấy không, nhưng thấy ở đó một nụ cười dịu, có lẽ cô đã thấu được thật nhiều. Anh khẽ mở lời, tay bấu vào thành cửa chực rời đi, có lẽ niềm lo lắng kéo anh ở lại để buông ra một câu dặn dò:

- Phiền cô, có chuyện gì xin để ý giúp đứa trẻ cạnh bên cho tôi nhé! Con bé yếu lắm, nhưng nó ngoan ngoãn, biết nghe lời. Tôi chỉ lo nhỡ mẹ nó chạy dọc chạy ngang, để rồi con bé có cơ sự gì lại chẳng hay được. Nên...

- Tôi biết rồi, anh không phải lo quá. Dù sao cũng cảm ơn anh vì đã động viên tinh thần cho ông tôi. Tôi không nghĩ một người như ông sẽ lắng nghe người lạ mặt như vậy, thường cái chính kiến của ông mạnh mẽ lắm! - Cô cười - À, tôi xin lỗi, anh phải rời đi vội chứ?

- Tôi đi ngay đây, cảm ơn cô vì để ý cô bé kia giúp tôi. Mà thứ lỗi, cô tên là...

- Tôi là Song Tử, tên lạ nhỉ?

- Còn tôi là Kim Ngưu, tên cũng lạ không kém nhỉ? Vậy...chào cô, tôi xin phép.

Anh bước ra ngoài, vạt nắng bắt đầu rọi lên những mảng lá xanh, một luồng khí mát trong lành quện vào đất, mang cái hơi ẩm mục của trận mưa vừa qua. Anh lên xe đạp, cái xe cà tàn lóc cóc chạy ra khỏi bệnh viện, trong một thoáng nào đó trống ngực anh chợt rộn ràng và anh bắt gặp mình bất giác cười. Thật ngớ ngẩn, nhưng cũng tựa như mơ! Chiều nay, anh lại ghé chợ, nhưng không phải mua dưa chua như mọi khi, mà là mua bìa đậu về ăn tạm bợ. Anh cứ cuống chân tay, chẳng lúc nào ngơi nghỉ, có lẽ anh biết rằng ở nhà còn có ai đó đang đói meo, cậu bạn của anh, một kẻ có thù với bếp núc, chỉ đợi anh về cơm nước xong xuôi là ăn lấy ăn để. Cũng may cho anh là hắn chịu cúi mình để rửa bát, nếu không, một thân trai gánh vác quá nhiều như Kim Ngưu, sẽ từ một con trâu vàng mà héo quẹo lên như thịt trâu gác bếp. Thở dài một tiếng, vậy là may!

o0o

Kim Ngưu đặt đôi giày ướt lên kệ, lắc lắc cái ba lô cho nước rơi xuống bậc thềm, rồi cầm túi đậu bước vào trong. Đấy, vừa về đã thấy cậu Minh, bạn anh, đang nằm dài trên sàn nhà, có lẽ do anh nóng quá, cái dáng cởi trần nằm phè phởn của anh khiến Ngưu thoáng bật cười, tựa như thể một người chẳng còn thiết tha gì cuộc sống, Minh nằm đó, dang hai tay, rồi cả hai chân ra, lưỡi thè ra một cách mệt mỏi đến chán nản vô cùng, trông chẳng khác nào các dáng chổng vó của con chó Vàng đầu ngõ cả. Minh hướng mắt ra trông trời một cách bất lực, nhìn thấy dáng Kim Ngưu, lại lật đật ngoảnh mặt vào trong. Vang trong căn phòng tối om một tiếng thở dài, Ngưu nhón chân bước qua cậu bạn, tiến đến gần ổ điện, định vươn tay bật đèn thì Minh cất tiếng, giọng bất lực vô cùng:

- Bật làm mẹ gì mày? Cúp điện rồi. Cả nhà giờ á, chỉ còn cái bếp ga xài được thôi. Vào thấy tao nằm mà không hiểu hả? Nóng thấy bà nên mới nằm đây đó! - Anh gào lên ầm ĩ, lại than thở với trời - Qua cúp nước, nay cúp điện, trời ơi sao tao sống đây hả Trâu ơi!!! Trời ơi là trời!!!

Kim đặt túi đậu xuống, anh cười châm chọc, lấy chân khẽ đá nhẹ và mạng sườn của cậu bạn khiến Minh co rúm lại vì một cơn đau hờ. Anh đi vào bếp, vừa đi vừa nói, cái dáng đấy khiến anh trông chẳng khác nào một nhà thông thái học, như thể một kẻ trải đời đang hào hứng kể về những năm tháng gian khó cho một chú nhóc thành phố, người mà có lẽ chẳng bao giờ hiểu chút ít gì về chuyện nơi những vùng xa xôi, nơi núi rừng lạnh giá phủ sương, kết thành những tảng băng dày, nơi có mưa đá, khó khăn gấp trăm bề so với cái tiết trời thôi thúc lòng người muốn phát điên của Hà Nội:

- Cho mày lên bản không biết mày sống sao nữa? Có chút chuyện thôi mà mày làm quá, vậy này, xét cho cùng hơn chục năm tao sống trên bản xa xôi, còn mày thì sao, mới có cúp điện nước lần đầu mà mày đã vậy, rồi đời sinh viên bốn năm, có cúp thêm nữa chắc mày không sống nổi đâu. Rồi mày lại than thở, lại bảo tao đi tìm phòng trọ khác cho hai đứa chứ gì?

- Chả vậy, trời, giờ mày nghĩ coi. Cúp nước, cúp điện cả tháng lấy gì xài, lấy gì học. Mày á, mà không tắm cả tháng coi, cái đầu mày đã xoăn lại còn bết, nó vón cục vào, gàu rơi như tuyết phủ á! Có nàng nào thấy, có mà cười cho ê mặt, ở đó mà châm tao cho cố vô! - Minh quay người, lại dang hai tay chân ra, trong cái lắc đầu ngao ngán của Kim Ngưu, anh chợt thấy mình cũng làm quá thiệt. Vậy là anh bò dậy, uể oải vươn vai ngáp dài một tiếng, lắc lắc cái đầu với quả mái chẻ làm đôi, ăn theo Đan Trường mà anh mới cắt. Lại cất giọng hỏi, nhưng lần này nghe cũng bớt cơn chán đời đi chút ít phần nào - Mà sao không mua được xíu thịt đi mày, ăn uống chi cho bèo bọt dữ vậy?

- Nay bữa đậu cuối rồi mày ạ, mai là hết sạch, còn còn dư lấy một đồng nào mà lót dạ đâu. May á, là hôm trước tao xin lão Ân được xíu mì cân, mai đổ muối, chế nước sôi ăn tạm. Cuối tháng rồi, mà cũng do mày không nghe tao, dại dột làm gì? Đầu tháng tiêu xài cho cố vào, cuối cùng hai thằng chịu đói... - Ngưu làu bàu, cúi xuống gầm bắc cái chảo lên bếp, ấy, ngay cả mỡ để nấu ăn cũng chẳng còn nhiêu. Anh buông ra tiếng thở dài, tưởng vậy ra, cũng thiếu thốn trăm bề.

Minh đi vòng quang, tự thấy mình rảnh chân tay quá, thực sự chẳng biết làm gì cho đúng bây giờ. Cả căn phòng có đúng cái bếp là Kim Ngưu lo cả, anh vào chỉ tổ vướng chân tay. Sách thì toàn sách y, đọc hoài cũng chỉ tổ đau đầu chứ chẳng thấy gì mà mấy hay ho. Có cây đàn hôm bữa cũng đứt dây, giờ chẳng còn cái gì gọi là thú vui ngoài tiếp lời với thằng Ngưu cả.

- Nay cái Thêm thế nào rồi? Ổn chứ?

- Con bé vẫn vậy, cũng ổn hơn chút, mua cho nó xíu quà là nó vui luôn. Mà sau khi anh Bách xuất viện, lại có gia đình mới chuyển đến... - Ngưu ngập ngừng - Một ông cụ, trông cũng khá cao tuổi rồi, mà ông ban đầu cũng chẳng chịu ăn, chịu uống gì cả, chỉ khổ sao cho cô cháu gái của ông, bối rối mãi. Tao có nói đỡ cho mấy câu, nào ngờ ông cũng nghe tao được đôi phần. Mà cô cháu gái ấy, thực sự là một người hiếu thảo, nhưng chẳng hiểu sao, tao thấy cô ấy có một vẻ đẹp mang một nét buồn buồn. Cô ấy tên là gì nhỉ, S...Song Tử... - Anh nói, và bất chợt từ độ nào hai vành tai anh đỏ lên, và ẩn trong anh đâu đó một cảm giác ngượng ngùng và rộn ràng khi nhớ về, nó khiến anh đơ ra và dù cho chiếc chảo nóng vô tình làm anh bỏng tay, anh như thể chẳng biết cảm giác gì. Chỉ có Minh là nhảy dựng lên trong bất ngờ và hào hứng:

- Mày vừa nói Song Tử á? Song Tử đúng không?

- À...à...ừ... - Ngưu ấp úng, và rồi ngay lập tức, anh ngây ngốc như thể con bò lạc vào đồng cỏ xanh khi Minh bắt đầu luyến thoắng tựa máy khâu, chẳng biết điểm dừng, và cái ánh mắt sáng lanh lẹ kia khiến Ngưu đã rối trí lại càng thêm phần lúng túng

- Có phải là áo vải xanh, cổ thêu ren? Có phải là tóc dài thắt bím bắt chéo qua vai, có phải dáng người nhỏ nhỏ, giọng trong veo đúng không? Có phải có một chiếc vòng bạc đính một bông hoa màu xanh lam bên tay trái...

- Hình như...mày nói đúng rồi đó. Mà, sao mày biết?

- Nhất mày rồi con ơi, đời trai mấy bữa có một lần. Ôi bạn ơi, bạn sung sướng đến độ tôi phát ghen lên vì bạn đó, Ngưu ạ. Con Trâu non ngốc nghếch của tao ơi, mày vừa gặp một người mà cả nam nữ trường Y đều ao ước được bắt chuyện dù chỉ một lần đấy. Và biết gì không, bùm bùm tạch tạch, mày vô tình bắt chuyện với chị Song Tử, thủ khoa đầu vào và là hoa khôi trường mình đó! - Minh hào hứng - Trời ạ, độ này tao ghen ăn tức ở với mày mất thôi! Hóa ra là chị Tử vào chăm ông bịnh, mấy ngày nay tao cũng nghe chuyện đó, nhưng đâu ngờ lại cạnh giường nhỏ Thêm để rồi có một thằng tò te vô bắt chuyện.

- N...Nhưng mà, cũng có nói gì mấy đâu, toàn về chuyện sức khỏe của ông cụ thôi mà...

- Nhưng mày có công nhận với tao rằng chị ấy rất đẹp không, ý tao là rất rất đẹp. mày có thấy tâm mình lay động, rung rinh xào xạc như gió thổi mùa hè không Ngưu. Mày nhìn bao lâu có thấy ngơ ngẩn ngẩn ngơ, có...tí nào không Ngưu.

Đến đây thì Ngưu im lặng, anh đi ra bếp, nhưng trong đầu anh bắt đầu mường tượng thật nhiều đến độ anh thấy mình lạ kỳ biết mấy. Mới gặp người ta lần đầu, nhưng đúng thật, anh cũng thấy thinh thích, như thể say nắng qua loa, nói vậy chứ không phải là không có. Bảo sao thì chị Tử đúng thật là...gu anh, anh thích những người con gái mang dáng vóc nhỏ bé, đáng yêu như vậy, anh thích người con gái hiền hòa, nhẹ nhàng, thích được ngắm nhìn một đôi mắt trong veo. Cái sự thinh thích đó dồn hết lên máu não, và trong thoáng chốc anh như con trâu thui, mặt anh chuyển sang hồng hồng, rồi đậm hơn, và đỏ hơn, rồi đỏ rực như cây đèn cầy.

Nhiêu đó là quá đủ để Minh vỡ lẽ ra nhiều điều, anh nở một nụ cười ẩn ý, hôm nay là ngày chủ nhật, còn ngày mai thì sao? Sẽ là ngày của Kim Ngưu.

o0o

- Và rồi...mày vẫn chưa kể cho tao nghe vì sao mày biết được chuyện Ngưu thích mày? - Nhân Mã nhăn mặt, đặt cốc nước lên bàn. Ngồi nghe từ đầu câu chuyện, cô vẫn mông lung về mối nhân duyên kỳ lạ xuất phát từ cái bệnh viện này, và cũng lạ ghê cho Kim Ngưu, với cái kiểu say nắng với tốc độ ánh sáng của anh. Mã đan hai tay vào nhau, thở ra một làn hơi trắng xóa vào cái khí trời lạnh thấu xương của Hà Nội. Trong khi đối diện cô, Song Tử vẫn ngại ngần và như thể chẳng muốn cất lời, nhưng rồi giữ lòng sao được với Nhân Mã đang tròn xoe mắt ngóng trông, Tử đành thật thà kể lể:

- Người ta đồn, đúng hơn là, từ cậu Minh. Rồi, nó lan ra toàn trường, đến tai cái Thùy, nó mách tao, tao mới biết...

- Rồi thằng Ngưu sao?

- Ngưu ngại, nó vừa tránh mặt mọi người, vừa tránh tao. Cứ thấy người, là nó chạy biến, hay cúi gằm mặt xuống, chẳng nói được câu gì. Ngay cả bệnh viện, từ độ đồn thổi, Ngưu cũng chẳng tới nữa. Chỉ tội con bé Thêm trông ngóng hoài. Mà cơ sự chưa biết đúng sai thế nào, chỉ biết từ một miệng người mà ra trăm kẻ biết, tao cũng ngại lắm. Mày biết mà, tao có người thương rồi, còn mang tiếng như vậy, anh Thanh cũng nhìn tao, mà chẳng biết anh ấy nghĩ sao nữa...

- Thằng cha Minh, trông vậy mà ác quá, hại đời thằng Ngưu vạ lên vạ xuống... - Mã ngao ngán lắc đầu, đèn đường phả xuống, họa trên đất bóng hình Song Tử ôm lấy hai bên vai, cảm thấy ngại ngần mà cũng đầy lo âu. Nhân Mã chẳng biết nói gì, chỉ biết đưa ra một câu thở dài - Vậy ra châm chọc con nhà người ta cho cố vào, thành ra Ngưu từ bị đồn, thành chú ý đến mày, rồi...lại quay ra thích mày luôn? Vẫn giấu giếm, vẫn ngại? À, ra tính cậu này cũng lắm dở dở ương ương. Rồi, mày định tính sao?

Chỉ thấy trong đáy mắt ai kia bối rối lạ lùng, Song Tử đứng lên, khoác chiếc áo dạ ngoài. Vẫn là mái tóc tết vắt ngang, vẫn dáng người nhỏ bé ấy, nhưng lần này Song Tử chẳng nỡ vui cười thêm chút nào đi nữa. Đứng dậy, cô bước về phía những dãy nhà trong khu tập thể, để lại Nhân Mã ngao ngán phía sau, khổ đời, được cái mã đẹp người đẹp nết đấy, rồi có sung sướng gì mấy đâu, chỉ vướng vào những rốn ren xoay vần đến độ chẳng biết cách nào mà thoát ra được. Mảng trăng phủ lên thế gian, trong ngần, nhưng khuyết, như thể buồn cho chàng trai nào đó mang mối tình đơn phương chẳng thấu được. Lá bàng đổ xuống, một màu buồn, phố lạnh tanh, im lìm đến lặng. Mẹ Huê ngó ra trông, nhưng rồi chỉ thấy Mã dọn lại những chiếc ghế gỗ con con, cất bước lên tầng trên. Chuyện tình duyên lũ trẻ, cũng rối lắm thay, mẹ hiểu, nhưng cũng chẳng dám xen vào. Chỉ có con cá bống nhởn nhơ ngồi, chống hai tay ra cửa sổ, chẳng biết lại chạy vào bên mẹ hóng hớt tự bao giờ. Yết ngồi đó, ngẩn ngơ hỏi mẹ Huê:

- Sao bà Tử không trả lời, hở mẹ?

- Chuyện người ta, mỗi đời mỗi cái riêng tư, mình đừng nên biết, cũng đừng quá xen vào...

- Vậy sao bà Mã lại được biết ạ?

- Thôi, tôi xin cậu, bớt lại những câu vớ vẩn đi. Đi đi, ngủ sớm đi, nghe ngóng cũng nhiều rồi.

Yết chẳng biết nói gì hơn, chỉ lặng lẽ nhíu mày, bước ra khỏi cửa. Cái thú tò mò khiến Yết cũng muốn biết thêm nhiều nữa, về chị Tử, về Kim Ngưu. Nhưng mà thôi, biết nhiều quá lại thành ra nhiều điều để nghĩ suy, tự mình biết mình còn chưa đủ, lấy đâu mà vạ chuyện đời. Vươn vai ngáp một tiếng thật kêu, chuông gió đinh đang trong đêm muộn, cũng là lúc anh bước lên lầu trong cơn vẩn vơ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro