Chương năm: Xin em đừng khóc mà đau

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Mây mùa dấu nắng ở đâu để mưa nặng hạt em lâu chưa về.
Mây mùa dấu nắng ở đâu để mưa nặng hạt em lâu chưa về.
Ước gì là gió mùa Hè xua mây mưa để nắng về em tôi.
Ước là gió thổi mây trôi để cho tôi ngắm mặt trời em tôi."

o0o

Chiều xuống. Cái nắng long lanh đỏ quạnh rọi bên Cửu Long, sáng huy hoàng cái màu phù sa mới. Sông Cái Lớn xuôi dòng, thuyền bè qua í ới, rực lên những đoạn người là người, chạy dọc bến sông về chợ. Nhà cửa xâm xấp nhau, mái lợp xen với mái ngói, dừa khô rì rào tỏa bóng dọc mảng đất bụi, lập loạng ánh trời xuyên qua tàu lá, hầm hập ấm nồng hòa với cái hương mặn nồng của đất phương nam. Kênh rạch săm sắp cá, lia thia, cá rô, rồi lòng tong chạy nhảy xốn xang trong vạt nước xanh. Người về từ chợ, mang theo những mặn nồng của biển, cá quẫy đầy trong những túi xách ngang thắt lưng, kéo theo những xe hàng chất đầy trái cây, dừa ngọt thơm qua lại, làng lại nhộn nhịp người qua, sao mà đông vui thế! Tiếng nói cười xởi lởi hòa trong cái xốn xang của buổi chiều, hoàng hôn buông, Rạch Giá vang lên tiếng mái chèo khua nước.

Lọc cọc. Người con gái ấy đưa chiếc xe đạp sờn giỏ, bước qua cánh cổng nhà có giàn thiên lý đung đưa. Chiếc xe cũ, xích kêu lọc cọc mà dầu sao vẫn còn chạy ngon ơ. Chẳng màng, nàng lấy tay phủi qua mấy mảnh lá xoài khô vướng trong giỏ xe, rồi cẩn thận chèn vô giỏ cái lớp vải mỏng manh. Cuối cùng, nàng hí hửng đặt xuống một dĩa bánh khoai mì thơm bùi còn vương khói ấm. Nàng hay cười, ngây ngô lắm, tựa như đứa con nít ngây thơ. Chẳng ai thấy nàng cột tóc bao giờ, nàng mặc cho tóc thơ thẩn bay trong gió. Nàng chưa trọn đôi mươi, hồn nhiên tựa vào đời mà vươn lên như mầm non đón nắng. Nàng xinh xắn, nhưng chẳng ai hay tới nàng, tới người con gái có đôi đồng tiền tròn xoe đáng yêu mà sao cũng đáng tội. Mảnh áo hoa phất phơ trong cái bóng nắng chẳng tròn, nàng đạp xe qua những rặng dừa xanh, hướng về phía biển ngập gió phía đông. Mảnh trời chuyển sắc hồng và chim về trên những nhành cây, lá dừa đu đưa, vàng như nắng cháy.

Bạch Dương chạy xe đạp lọc cọc, dọc bên đường, bóng dừa đổ tròn, tàu lá xanh xen với những tàu khô cháy. Cỏ xanh vạt dưới chân, hoa xuyến chi trắng nở lơ thơ, cánh bươm trắng thơ thẩn vờn quanh những lòng sông, lòng kênh nước đổ xuôi dòng. Chào mào khoác áo đỏ trên những nhành cây, trái bòng, trái xoài chua dập dìu trong những đôi quang gánh, cái câu hò cuối bữa kéo vó vang xa, thuyền về bến, mái chèo lục cục gác gọn nơi mạn thuyền. Dạo quanh xóm làng, trẻ em chạy nhảy trên những bãi cát mịn màng như sắc đồng thau, tiếng cười giòn tan, ấm áp dưới cánh diều tre trầm bổng bay, gió hiền hòa bao trùm lên những mái nhà cao thấp. Có chú chó vàng chạy trên bến sông, đón cô chủ nhỏ đi học trường xa. Hồn thiếu nữ mười chín đôi mươi thơ thẩn dưới màu trời, dưới xóm làng quê yên ả, khiến lòng Bạch Dương như nở hoa ngọt ngào, bất giác tiếng hát thơ ngây của nàng vang khắp thôn quê, hòa trong tiếng lọc cọc quay của vành bánh xe dưới ánh dừa:

"Chim tung bay hót vang trong bình minh.
Chân cô đơn áo phong sương hành trình.
Từ Long An, Mộc Hóa, Mỹ Tho, xuôi về Gò Công,
Tiền Giang ngút ngàn như một tấm thảm lúa vàng.

Thương em tôi áo đơn sơ bà ba
Trên lưng trâu nước da nâu mặn mà.
Hò hò ơi! Cây lúa tốt tươi sông bồi phù sa.
Đẹp duyên Tháp Mười quên đời tảo tần vui cười..."

Bạch Dương vẫn luôn như vậy, một người con gái chưa tròn đôi mươi, ấy vẫn còn là nhỏ lắm. Vẫn tóc dài bao trọn lên lưng, vẫn ánh mắt thơ thẩn mà trong veo ấy, tưởng như chẳng vướng bụi tình. Sống thật lặng thầm, cuộc đời trôi dìu dịu, chẳng vội chút gì, cảm tưởng như những mùa nắng mưa đi qua, vẫn chẳng thể xóa đi cái nét ngây thơ đơn thuần ấy. Chỉ tiếc cho một người dẫu có trong trắng, có đơn thuần như vậy, nhưng lẽ đời đâu có thứ tha. Cuộc đời, hóa cho cùng cũng lắm điều trái ngang, nàng thiếu nữ ấy có lẽ đã có những điều may mắn, mơ mộng lắm, nhưng rồi lại chấp nhận số phận sống sau căn nhà, sau dàn thiên lý vẫn hoài trổ hoa vàng. Dẹp bỏ những ước mộng cao sang, những trang giấy tri thức thuở mong ước nào gấp gọn. Cuộc đời rơi xuống một nốt trầm buồn khó nào cứu vãn nổi. Nhưng cái hồn nhiên ấy khiến cho cuộc đời của nàng vẫn luôn điểm lên một màu hồng dịu nhẹ, trong cái yên ả của chốn bến nước miền tây, căn nhà bé nhỏ sát bên triền cát, có giàn thiên lý và những trái xoài tươi chín lủng lẳng trên cao.

Nay là ngày giỗ má, cũng đoạn tròn gần hai mươi năm. Má qua đời, để lại một nỗi trống vắng đầy vơi trong tâm hồn của tía, tía sống dưới hai phần danh phận, vừa làm má cho những đứa con, nuôi dạy con bằng cái cách mềm mỏng như thể của má năm nào. Tía cũng cứng rắn, cũng làm người đàn ông trong gia đình. Kiếp gà trống nuôi con ấy, cực dữ lắm, nhưng may mắn cho tía có những đứa con hiếu thuận, trọn tình trọn nghĩa. Người con thứ đoạn tròn ba mươi, sức trai khỏe mạnh đỡ dần cha, những chiều buông nắng, anh đánh xe từ tỉnh lị về, anh làm phân xưởng đóng thuyền ở xa, chăm chỉ dữ lắm. Thuyền anh đóng phải gọi là chắc chắn khó bì, đẹp đẽ, ra khơi có gió mấy cũng chẳng nao. Tánh anh cũng hiền, chẳng màng chi sự đời, sống yên bình lắm. Khổ nỗi, tròn ba mươi mà anh cứ mãi dây dưa, lầm lì hoài chuyện duyên tơ. Tía cũng lo lắm chứ, ông nội kêu hoài, mà ảnh cứng đầu chẳng đoái hoài lấy một câu. Dầu sao, có mẫu, có mã đường hoàng, cô nào cô nấy nhìn thấy anh thì bu quanh anh như chim ri về làm tổ, ấy vậy mà lòng chẳng gợn sợi tơ vương. Cô út nhỏ bé nhất nhà, chỉ trách sao kiếp đời cô bạc mệnh, chẳng được ai thương, chỉ còn cái mái nhà bao bọc. Một nhà đìu hiu, chẳng lấy gì làm giàu sang, bốn người sống tựa vào nhau mà âm thầm, nhưng sao cô út cứ hồn nhiên thế. Ông nội già, cũng hay buồn đời nhiều, những khi nội thơ thẩn ngắm nắng rơi trên trái xoài xanh. Nhưng có cô út trong nhà, đời héo mấy cũng tươi tựa hoa nở.

o0o

Bạch Dương kéo chiếc xe cũ vào sát góc tường, bánh xe đè lên vạt cỏ, hoa trắng nở dạt sang hai bên. Dải khổ qua lửng lơ trên đầu, mấy cậu ong, cô bướm bé con bằng mấy hạt mầm đậu tương lượn dập dờn trong mảng nắng hồng. Chân xe kêu lóc cóc, Bạch Dương lấy tay khéo bưng dĩa bánh khoai mì ra khỏi cái giỏ sờn, khói vẫn bay lơ thơ. Chầm chậm ngó vô xưởng, tiếng máy rèn kéo, tiếng búa lộp bộp vang khắp gian phòng, cái hương gỗ phả trong không gian, quện vào không khí mà tỏa ra. Cửa sổ trên cao, xuyên qua lớp thủy tinh nào là nắng nhập nhoạng. Mùn cưa rơi đầy, nàng đưa tay che miệng, nhưng áo nàng vương bụi, chuyển màu vàng như màu gỗ non. Dáo dác nhìn quanh, ủa đâu rồi? Bao lâu làm được dĩa bánh khoai, mà người đâu hổng thấy? Bạch Dương lắc đầu, tóc mái rơi lơ thơ, nàng nhìn trước ngó sau, chạy lăng xăng vòng vòng với dĩa bánh trên tay, miệng ý ới kêu:

- Anh ba! Anh ba ơi! 

- Dạ nghe!

Ánh mắt của nàng chợt sáng lên, và sao to tròn một màu nâu sáng. Bạch Dương cười, tiếng cười lanh lảnh vang lên, và chân cô bất giác chạy về phía người thanh niên ấy. Anh mặc áo xanh, đầu rối tung và lấm lem nào là bụi, cổ áo nhăn lại và xếp từng lớp vào nhau. Anh cười, cái điệu cười hiền khô khiến hai bên mắt anh như se lại, ánh lên cái nước da mặn mà tựa như bức tượng đồng thau. Chiều nào cũng thế, những khi tiếng búa của anh dừng lại và từng lớp gỗ đẽo tạc xếp thành chiếc thuyền bé xinh, khi những ô cửa rọi sáng ánh đèn và gió xào xạc trên những vạt cỏ, chỉ cần đưa mắt nhìn ra cửa, anh lại thấy cô bé nhỏ nhắn trong chiếc áo sơ mi, mắt lúc nào cũng vậy, to tròn và long lanh đến thế. Cô bé luôn chờ anh xong việc, chỉ để cùng anh về nhà và huyên thuyên kể lể những điều tưởng chừng xa xôi lắm, về những chú cá nhảy trên bến sông, những ụ rơm khô cháy, những trái xoài ở nhà đã chín vàng ươm và thơm như mùi mật. Lúc nào cũng vậy, chiếc xe đạp màu đỏ son sẽ dừng trước phân xưởng, và trong chiếc giỏ xanh đôi khi là một thức quà ngọt lành lắm! Bảo sao anh thương cô nhất nhà, cô em gái của anh, cô út Dương. Hôm nay cũng vậy, cô lại tới đón anh trai cô về, và lại một dĩa bánh đầy ú ụ. Trời ạ, con nhỏ này cứ khoái vỗ béo anh nó hoài! Mà dầu sao cũng phải ăn thôi, nay là một dĩa bánh khoai mì.

- Ủa, em chớ có phải tía đâu mà anh kêu dạ? Bộ nay mặt em giống tía lắm hả? - Bạch Dương thoáng trông sang anh ba, mặt nàng lại chảy dài xuống, tay hậm hực chìa cái dĩa bánh lên cho ông anh đang lấy tay vò vò cái mái tóc rối xù - Nay em làm bánh nè, bánh khoai mì á!

- Miết cô biến tui thành heo á cô út! Bánh hoài, hết bánh lại chè, hết chè lại mứt! Cô có biết từ bữa đến giờ tui tăng ba ký rồi không hả cô út Dương! - Sư Tử cau mày, nhưng rồi lại cười phì khi thấy vẻ hồn nhiên của cô em mình. Đấy, chẳng chú ý vô ai được lâu, giờ cô út nhà lăng xăng chạy quanh chiếc thuyền anh mới làm, mắt mở to trầm trồ. Rồi lại nhón chân ngó vô trong, cái thuyền này có vẻ bự ghê, gấp đôi cái hôm bữa. Dương cứ đứng nhìn cái thuyền trước mặt bằng cái vẻ tò mò như gã khảo cổ lần đầu chứng kiến một kỳ quan, dù cho cái kỳ quan đó thì chẳng cần tìm kiếm đâu xa, cứ ra bến sông là thuyền mọc đầy hàng bãi. Nhưng cái thú hiếu kỳ và như thể một đứa con nít của nàng khiến nàng tò mò về mọi thứ, và tất nhiên thôi, mỗi cái thuyền như mỗi kẻ lạ khác nhau, có cái dáng, cái tâm cái tình khác nhau. Và tuyệt nhiên, chẳng cái nào là giống cái nào. 

Chỉ có những thức quà Bạch Dương mang đến cho anh ba là chịu chung số phận giống nhau mà thôi. Ai đời chán quá, miệng thì hoài kêu cô út đừng bày mấy trò bếp núc lỉnh kỉnh chi cho phiền mà vỗ béo mình, rồi cũng làm bộ làm tịch khó chịu vùng vằng đến mấy đấy thôi. Cái miệng làm sao thắng được cái dạ những chiều mệt mỏi mà réo lên như tiếng còi xe inh ỏi. Sư Tử cũng chẳng thể thắng nổi cái dạ con bất trị của chính mình, thản nhiên lẻm một mạch đến cách bánh cuối cùng, chẳng sót đến một miếng gọi là! Rồi thản nhiên liếm mồm liếm miệng, cái dạ dày đã thôi làm phiền chính chủ của nó, Sư Tử, chàng trai tròn ba mươi tuổi nhưng cái lý trí chẳng bằng đứa trẻ lên mười, lại thở hắt ra làm cho mấy hạt bụi rơi lơ thơ vương xuống nền đất:

- Nè, bữa sau đừng nấu nướng chi cho cầu kỳ nha út! Nay anh ăn hết dĩa này cho út vui thôi đó nghen!

- Anh ba à! Anh nói câu đó đến lần thứ hai mươi rồi á! Rồi có ngày nào là anh hổng có ăn đâu! Anh cứ kêu anh mập, rồi lại ăn ăn uống uống hoài! Bảo sao hổng xuống ký được! - Bạch Dương rời ra khỏi chiếc thuyền, cười khổ. Ôi trời, cứ nói vậy, múa mồm vậy thôi, chứ ổng ăn thì vẫn cứ ăn, nuốt thì vẫn cứ nuốt cho bằng hết. Tía cứ đặt tên vậy chi, rồi để anh ba ăn cho lắm vô! Ăn hoài hổng no, ăn miết!

- Ai bảo út nấu làm chi, nấu thì phải ăn chớ!

- Thế ai bảo anh ăn chi! 

Chiều buông mình, kéo dần sang màu nhập nhoạng tối. Lòng sông phẳng lặng, nước trong veo chảy, dọc theo những vạt cỏ xanh rợp những nào là hoa. Người mang về cái mặn mòi tù biển cả, đèn lên, cái sắc mình của những con cá sau cái ngày dông dài ánh lên lung linh. Thế gian trở về với cái sự bình yên vốn có, khói lam bay rợp phả vào khoảng trời những hương sắc lạ kỳ. Bóng dừa đổ tràn trên những triền đồi cát, phả vào mạn thuyền những mảng sáng tối muôn màu. Trời chẳng lấy đến một gợn mây, như cái lòng sâu khổng lồ vô đáy. Dưới chùm khổ qua lẳng lặng đu đưa, ong đã thôi vờn bay và chẳng còn bóng chim về trên những cày cây điểm lá xanh. Chiếc xe đạp lại lăn vòng, cỏ xào xạc và hai con người ấy lại trở về dưới ánh đèn đường, trong cái rì rào của biển hòa vào sông. Người em gái níu lấy áo người anh của mình, nhẹ nhàng.

o0o

Tía xé buồng cau, nhành cau xanh tươi, quả tròn nhỏ chưa bằng trái trứng gà. Lá trầu xếp gọn trên cái đĩa sứ điểm hoa, tía cẩn thận đặt lên bàn thờ, cạnh bên nhành hoa cúc trắng tuy đẹp mà khiến lòng ai se lại, héo như trái bầu khô. Má nó đi, thời vẫn còn trẻ lắm, một người phụ nữ đoan thục, cái lòng dạ vẫn hoài vì hai tiếng chồng con, nhưng khoảng trời lồng lộng nào ai hay biết? Tóc chưa điểm bạc đã mất đi cái máu mủ thân tình, để má nó héo mòn và rồi ra đi chẳng một câu từ biệt. Nhưng dù sao, mong nơi chốn xa vẫn còn hoài người chờ đón má, má nó sẽ hạnh phúc và vẫn sẽ cười, cái nụ cười đẹp như thuở còn son. Nội dở chén trà, cái gậy trúc khô xếp gọn gàng kê vào bờ tường, cạnh cái phích nước đỏ. Lá trà xoay tròn trong cái nước trà vàng đậm đặc, hoa cau đung đưa ngoài thềm, mắt nội nhìn ra xa thật xa, và lại buồn. Ông cũng góa vợ lâu rồi, từ thuở ba mươi, để rồi tía cũng chẳng thoát khỏi cái kiếp đứt đoạn duyên tơ, mất đi cái hạnh phúc tưởng chừng như vĩnh cửu. Chuyện của những người gà trống nuôi con, có ai hay chăng? Mà phải chăng, thằng Tử cũng chẳng chịu tính chuyện vợ con dù cho tuổi đã tròn ba mươi, có lẽ vì nó sợ cái tương lai sẽ chẳng thoát được như nội và tía hay chăng?

Nhánh hương vương khói, những mảnh tro tàn rơi xuống cái bát men sứ, bám thành một lớp dày và đen những nào là bụi. Một ngày giỗ cho má nó mà chẳng bày biện chi cho cầu kỳ, một nhà bốn người, cũng chẳng mời thêm ai. Có chăng thì chỉ có giò lụa, có con gà tía mua về từ chợ xa, có dĩa xôi, và cái dĩa xào rau củ mà cái Dương tỉ mỉ làm từ độ chiều. Chẳng gì hơn, mà chắc má buồn lắm, vì nhà chẳng có mấy cho ngày giỗ hôm nay. Má trên cao, má vẫn đẹp hoài, vẫn sáng long lanh trong hai đôi đồng tử ấy. Từ thuở má đi đến giờ cũng hơn mười năm rồi, đứa con gái thơ ngây thuở nào giờ cũng thành thiếu nữ, cậu con cũng thành một thợ đóng thuyền, cái tay nghề nổi danh dữ lắm. Nhà ta vẫn sống hoài với biển, với đại dương, với dàn thiên lý và vườn cây trái ngọt lành.

Thoáng thấy thằng Tử đưa cái Dương về, bước vào trong sân nhà. Lúc này trời cũng vừa điểm tối, cô con gái ra sau bếp bưng mâm cơm lên, canh khổ qua cùng cá cơm kho, đơn giản mà cũng lắm đủ đầy. Cái Dương cẩn thận bưng lên, dọn cho thật gọn gàng, bữa cơm muộn cuối ngày, nàng mở vung nồi, khói bay lên, tỏa ra sao ấm nóng. Phần này cho nội, phần này cho tía, phần này cho anh. Còn lại, cái phần cơm cháy là phần cô út, mỗi người một phần nho nhỏ. Nội buồn mấy nhưng rồi khi bưng bát cơm dẻo thơm, cũng gật gù cười, ánh lên những chấm đồi mồi bên mí mắt, cô cháu gái hiền hòa như thế, ngây ngô như thế, nhưng có lẽ chẳng có người nào chấp nhận con bé, nó sẽ mang nỗi oan ức tủi nhục đến cuối đời...

- Con Dương! Con Dương đâu, mày ra đây! Mày giết chồng tao, mày giết chồng tao! - Cái tiếng hét đầy căn phẫn mang theo cơn ai oán đấy xé qua bờ rào, cảm tưởng như muốn mang cái đau thương ấy chực trào mà lao về phía Bạch Dương. Chim chào mào giật mình tung cánh bay dáo dác cả một vòm trời, tiếng cổng đạp loảng xoảng, tưởng như từng chiếc đinh ốc muốn bung ra trong cơn hoảng loạn. Người phụ nữ ấy bước vào, cái dáng bà như đau đớn lắm, mái tóc rối như tơ vò và xoăn thành từng cụm, mắt bà đỏ đọng, chực trào và nước mắt khô thấm lên hai đôi gò má lấm tấm. Bà như một con thú ngông cuồng và cái tấm khăn chéo lên vạt áo, bà bước vào sân nhà, chẳng chào hỏi ai mà nhìn thẳng vào cô út Dương. Đàn chó con hoảng loạn kêu lên ông ổng, hàng xóm hai bên đổ sang dòm vào, chuyện gì không hay nữa. Chỉ thấy cô út hoảng sợ nhìn lên, mắt cô sâu và ráo hoảnh, dưới sàn, những mảnh bát vỡ lộn xộn trên nền đất, có lẽ nàng đã đánh rơi chén cơm khi giật mình trông người phụ nữ ấy. Hàng xóm bon chen nhau nơi bờ rào, chú Ba, cô Bảy, chú Sáu dáo dác nhìn vào, chỉ trỏ và nói nhau gì nhiều lắm. Tía và nội chưa rõ sự tình chi, cái mâm cơm dang dở chưa cất được miệng ăn đã bị chen ngang, nội thở dài buông đũa. Cũng chẳng phải lần đầu tiên cái Dương bị người ta tìm đến nhà, cũng chẳng lạ lùng gì người ta xa cách gia đình nội chỉ vì cái nỗi oan từ nhỏ của cái Dương, chỉ vì cái mồm mép độc địa của lão Cải lợi dụng cái thói mê muội của dân làng. Tía lo lắng nhìn đứa con ngây ngốc, chợt thấy thằng Tử đứng lên, nó nghiến chặt răng và mắt sắc lẹm như vụt sáng, Sư Tử ném thẳng cái bát cơm về phía người đàn bà đang ra sức chửi đổng. Cái bát vỡ ra một tiếng choang, anh hét lớn muốn vang nhà:

- Ai giết gì chồng bà! Chẳng ai động đến một sợi lông cọng tóc của lão cả! Bà ăn nói cho đường hoàng, cái Dương nó chẳng tội tình gì mà đi cướp mất một mạng người cả! Muốn chửi, muốn vu oan giáng họa thì đưa bằng chứng đây! Còn không, bà nói câu nào, tôi vọc miệng bà câu đó! - Anh gầm lên, và chỉ thẳng vào cái người đàn bà kia mà công kích. Nào ai biết sự gì chăng mà độc mồm độc miệng, biết bao năm nay cái Dương có động chạm gì ai đâu, nó lủi thủi trong bếp hoài! Tự nhiên, cái mụ già ấy nhảy bổ lên như gà đẻ, vào đúng cái lúc mâm cơm vừa dọn, vào đúng cái ngày giỗ má. Ai mà chịu cho được, nhục mạ người ta mà trước cả bao người.

- Tao nói em mày giết chồng tao đấy, nó chuốc độc, chồng tao uống rượu đâu hay nó cho mã tiền vào rượu? Ổng tím tái, lịm đi tao mới hay, giờ cứu chẳng được, ổng chết tao mới biết là rượu mã tiền. Mày bị ma xui quỷ khiến, mày thù gì nhà tao mà đưa nhà tao chai rượu mã tiền! Con quỷ cái, cái loại giết người! - Người phụ nữ chực chạy tới, bà hét vào Bạch Dương đang khóc nghẹn, oan cho nàng quá, nàng đâu có giết hại ai đâu. Nàng chẳng hay rượu có những gì, chỉ đơn thuần nghe lời người ta mà đưa rượu qua cho lão Đường. Để rồi nàng bị vướng vào cái vòng rối ren, lại trở thành nghi can giết hại chồng người, để tự dâng mình cho miệng lưỡi thiên hạ, ác độc lắm thay. Bà gào lên, bà muốn nhảy vào cào xé nàng, nhưng anh Tử đã cản lại, và cái cách anh quay lại nhìn nàng nửa tin nhưng cũng chứa phần ngờ vực. Bà thấy người, bà càng đau đớn, bà hét lên với trời như để chữa cho cái vết thương lòng của bà - Mày là chúa giết người ở làng này, chẳng ai ưa mày cả, chẳng ai ưa mày cả! Mày chết đi, mày đền mạng cho ba người mày đã giết đi, quân khốn nạn... Quân khốn nạn!!!

- Em tôi không thể là một đứa giết người được! Bà cút ra khỏi nhà tôi, đi ngay ra khỏi nhà tôi! - Sư Tử đưa tay đẩy cô em gái đang khóc sậm sụi về phía sau, trước bao người, anh chực đẩy người phụ nữ kia ra khỏi nhà anh. Anh chẳng hiểu, anh không tin em gái anh lại là kẻ chuốc độc ông Đường, vì xét cho cùng nhà anh cũng chẳng hề hấn gì mà đi gây thù chuốc oán với ông cả. Anh hiểu em gái mình, con bé ngây thơ, hồn nhiên như vậy sao có thể hạ độc người ta? Bà ta lại níu lấy tay anh, định xông vào, mắt anh sắc lên, chực phản kháng thì tía cất lời. Tía và nội vẫn im lặng, nhưng rồi có lẽ tía cũng đau lắm, tía biết con mình chẳng tội tình chi cả.

- Tử, thôi, tía xin con! Đưa em vô trong buồng, có gì để tía với cô Thư nói chuyện. Chị à, nếu con tôi có làm gì sai trái, tôi xin dùng cái mạng này mà đổi lại. Chị ơi, tôi chưa thấu sự tình, nhưng chị cũng không nên nói cháu nó vậy...

Mắt tía trùng xuống, hai bàn tay nắm chặt vào nhau và tự bao giờ vạt áo hằn lên những vết nhăn. Đôi mắt ấy ráo hoảnh, cô đọng lại tựa như cái màn đêm đục ngầu vô đáy. Tía hiểu cái lẽ đời bạc mệnh, hiểu cái số đời độc địa, cái phận sống trong cơn mê tín của toàn xã hội đã nhấn chìm gia đình của tía xuống cái đáy vô vọng, như mấy con cá dưới ao chẳng ngóc đầu lên nổi. Cái chết của anh hai và má đã cuộn lòng tía lại, để rồi những kẻ độc mồm, vì cái nối hận thù mà biến con gái tía thành một nỗi ê nhục của cả làng, khiến con bé phải gác lại tất cả những niềm vui để trốn chui lủi xã hội. Tía hiểu cái nỗi oan ấy, nhưng tía chẳng làm được gì cả, tía chỉ là cái thân già cả đơn côi và cái lẽ sống cũng chẳng có. Tía làm gì đây ngoài đưa mắt rưng rưng bao trùm lên người phụ nữ ấy, đôi mắt như muốn minh oan và chực òa lên mà khóc cho tức tưởi. Dù tía biết ai rồi cũng vậy thôi, người ta tin vào lời thầy mo phán bừa phán bậy, chứ ai tin một cô gái trẻ chưa đến đôi mươi?

- Nếu nó không giết người thì ai thèm qua nhà mấy người, con quỷ cái đó không giết chồng tôi thì tôi qua đây làm gì! Mà nếu nó không giết, thì ma nó giết, hồn ma quỷ của thằng Lang, của vợ ông ám hại chồng tôi. Con quỷ cái, con Dương, mày trả hồn lại cho chồng tao, con quỷ đoạt hồn! - Bà vùng vẫy, bà khóc òa lên, dựa vào bức tường nhà và chửi đổng. Tía lặng người, bàn tay run run và đôi mắt vô hồn bấu chặt lên thành ghế, lòng tía đau quặn, vụn ra từng mảnh và rơi vãi xuống đất. Tía đứng nhìn và rồi chẳng thể nói gì hơn, có nói thì cũng chẳng ai tin con tía vô tội.

- Bà thôi cái trò mê tín đó đi, đừng có tin theo cái lão Cải nói nhăng nói cuội! Đời nào rồi còn tin chuyện ma xui quỷ khiến để chửi rủa em tôi, chửi rủa má tôi, anh hai tôi? Má tôi, anh hai tôi là người tốt, sống có tâm vói mấy người, mà chết lại trở thành ác quỷ là sao? Tỉnh đi, bà thôi mấy cái trò mê tín dị đoan đó đi!

- Sư Tử, mày thôi ngay đi mà, tía xin mày... - Tía khóc, cái tiếng khóc tức tưởi và đứt ra thành từng đoạn, như khắc vào lòng cậu con thứ một nỗi đau xé lòng và cô quạnh. Tía đưa tay lên đầu, bấu chặt lấy mái tóc pha màu trắng lơ thơ, xuyên đầu ngón tay qua từng kẽ tóc để rồi nhìn những mảnh tóc tơ rơi lả tả. Nước mắt chảy dài xuống cằm, thấm vào đôi gò má và mặn nồng chảy xuống khóe miệng. Cô út bám lấy tay cha, bấu lấy vai của cái người khắc khổ, rồi lại nhìn sang ông nội đang cúi đầu bên cây gậy trúc, nội chẳng biết phải nói gì. Cô nấc lên, cái nỗi ê nhục của gia đình chẳng hay từ độ cô sinh ra, cũng tự cô gánh chịu cái lẽ làng. Cô cam chịu cuộc đời này thật nhiều, nhưng đời bạc lắm, bạc đến cái nỗi người đời coi cô như cái gai trong mắt. Đời sống mà chẳng bằng chết thì chẳng biết sống làm chi cả.

Có oan, nhưng rồi dưới lẽ đời cũng thành có tội mà thôi...

- Cô ơi, con xin cô, con có oan có uổng. Chai rượu ấy là ông Cải có bảo con đưa qua cho ông Đường, con không hay ở trỏng có mã tiền. Con thề thật với lòng, con có sai một câu thì cô cứ quở con sao con cũng chịu... - Bạch Dương khóc nấc lên, cái tiếng khóc sụt sùi vỡ vụn, hai bàn tay đan chặt vào nhau, se lại và đỏ lên. Nàng quỳ xuống đất, tóc vương vãi và mắt nàng đỏ quạnh. Đôi đồng tử ấy thật vô hồn, như ngây ngốc, trong sáng mà cô quạnh, như nỗi oan uổng của người con gái trẻ. Người chạy qua, người nhìn, người kể lể. Rồi người nói thật nhiều, những lời cay đắng như cuộn vào vòng xoáy của số phận, số phận dìm chết tuổi xuân của một con người. Hay cho kẻ nào lợi dụng lòng người thêu dệt nên những điều mê tín dị đoan, cốt chỉ vì cái mối thù cay nghiệt mà đem nỗi uất hờn trút lên người vô tội. Nỗi oan bám lấy bao năm, và rồi mọi sự trong làng trở thành cái cớ để người ta lôi cô gái trẻ ra. Để chịu những lời lăng mạ vô cớ rót vào, đổ xuống đầu cô hay đem cô ra như một con búp bê để người ta trả giận cho thỏa lòng đau nhói. Cái niềm mê tín sâu cay đã khắc sâu vào cốt tủy, trở thành cái không thể không hay của dân đất này...

"Cái Dương, nó bị ma ám... Má nó, anh nó chết oan chết uổng quá mà, siêu thoát không được, nên đi theo con bé. Người chết mà hổng có rõ lý do trong làng này, chỉ có thể do ma mượn tay con Dương mà trả uất hận. Hay cõi âm bảo vệ cõi dương khỏi những điều xúi quẩy, đừng dại mà động vào cái Dương, vì nếu nó hờn, nó giận, ma có thể giết mày để trả thù đó...."

Chuyện oan uổng của cái Dương và cái suy tàn của cả một dòng họ, suy cho cùng cũng chỉ do cái oán hận của đôi bên, giữa ông nội và lão Cải. Kể ra thì thật dài, nhưng từ sau khi cái làng này bị che phủ bởi cái tầng u mê mấy trò mê tín chẳng thể vãn hồi, tất là do lão Cải giả làm thầy mo và bao cái trò lố lăng khác, dưới miệng lưỡi dẻo như bôi mỡ và cái thú thêu dệt những chuyện không đâu. Thì cái Dương, từ độ lên năm, sau khi anh hai nó mất, ngay lập tức bị lão đưa vào cái guồng xoay oan uổng mang tên "người con gái bị ma theo". Và cái lũ dân làng hèn mọn chẳng thấu đất trời, sống như con ếch ngồi đáy giếng ngửa mặt lên không thấy vạt cỏ xanh ở ngoài kia, cứ tin sái cổ về những lời bậy bạ ấy. Rồi chẳng khác nào lũ ếch ngu si, bị con trâu đi qua dẫm bẹp, còn ở đây là bị quay như chong chóng mà chẳng hay tất cả chỉ do cái oán hờn mà chuyển thành một nỗi oan.

- Vậy mai mày với tao lên ông Cải, xét xem mày có tội hay không. Nếu không phải do mày, thì cũng phải do ma con má mày, ma thằng anh hai mày! Cái lũ giết người! Ối trời ơi, mình ơi mình chết oan uổng vì cái tay ác động của nòi quỷ cái! - Bà lại nỉ non, nhưng rồi câm nín khi thấy cái lòng đen sắc lẹm như dao của Sư Tử như muốn nhảy bổ vào bà từ lâu. Bà nuốt cục tức xuống đáy, kêu cái ực.

- Cô đã muốn vậy, thời con xin vâng, con thề con mang oan uổng. Con đâu có giết người, mà dầu nếu hồn má con hay anh hai con có làm thật, thì cô cứ xử con sao cũng được. Hổng phải người làng mình chỉ có chờ hết độ năm nay thôi sao... 

Rồi chẳng nói thì ai cũng biết rồi, đoạn tròn một năm nữa thôi, cô út lại được người ta đưa về miền xa lắc. Chẳng ai muốn giữ trong làng, trong xã một con người mang danh quỷ ám, chẳng ai muốn cái rối ren của cõi âm vấy bẩn, chuốc họa vào đời để nặng kiếp sâu cay. Thầy Cải nói, vì chướng khí của cô út quá nặng, nếu không mang cô về trời sớm, sẽ dần dần, rồi chẳng còn ai có thể sống trên mảnh đất sáng phù sa này nữa. Từ độ được sinh ra, đời út Dương đã gắn với những cái chết kỳ bí, mơ hồ trong làng, trẻ chết, già chết, chưa sanh cũng chết. Rồi dưới mồm miệng độc đoán của người đời, chẳng cần biết kẻ ác là ai, nhưng với một lòng mê tín, Bạch Dương trở thành cái cớ để người ta trút những oán hờn sâu cay, những đau đớn mất đi máu mủ ruột rà. Cứ mỗi lần tiếng trống kèn vang vọng bãi xa, cờ trắng dập dìu dưới những rặng dừa cao đổ bóng, tiếng khóc than lại kèm theo những lời chửi rủa: "Có ai chết mà chẳng hay, qua đời mà chẳng biết, thì chỉ có ma chết oan nhà cái Dương nó làm mà thôi!"

Vậy, giết sớm đi cho rảnh nợ. Để một người bị đồn là ma ám sống chui lủi trong làng, dẫu lặng thầm nhưng lòng người chẳng thể an yên. Mạng người bao lần, theo lão Cải, bị ma nhà cướp đi một cách vô tình. Cô Dương bị ma ám, ma muốn kéo cô về địa phủ. Bạch Dương còn sống, dân làng vẫn còn thấp thỏm lo âu. Thầy Cải phán rồi, độ nàng tròn đôi mươi, sẽ đem nàng xuống bến sông mà dìm xuống, cho nàng về với ma với quỷ để làng được an yên. Ôi, cái trò mê tín, cái mắt mờ đục đi vì lẽ ngu si, khiến cho chẳng còn tỉnh táo mà vu oan giáng họa cho người đời. Ai cũng tin lão Cải, mà chẳng hay rằng lão chẳng phải là thầy mo, chẳng am hiểu tâm linh gì hết. Lão thêu dệt ra những điều mê tín dị đoan về gia tộc của cô Út Dương, chỉ vì cái hận năm xưa đối với ông nội. Lão đã nguyện phải phá tan nát, phải giết cho bằng sạch những người nhà của nội. Vậy nên, lão hóa thầy mo để truyền những cái tư tưởng ngu dại, mê muội ấy, để dìm chết đời cô út xuống đáy vực thẳm, mãi chẳng thể ngước lên mà nhìn đời hay sống trọn tuổi xuân của người con gái.

- Mày muốn gặp thầy Cải, thời tao theo ý mày. Độ mai, tao và mày lên thầy Cải, xem liệu ma nhà mày có hại chết chồng tao hay không!

Bà cười, và rồi rời đi, cái búi tóc tròn lơ thơ sợi, rơi phủ lên tấm khăn rằn nhăn thành từng vệt quấn quanh cổ bà, bà bước ra cửa, giàn thiên lý đong đưa đậu mảnh trăng, lá xoài đu đưa trên mái nhà, cái mái nhà ôm trọn lấy một gia đình cô quạnh. Thế giới của một con người như khép lại, chẳng còn một vệt sáng nào ngoài kia nữa. Người dạt sang hai bên, tiếng thở dài chen vào tiếng oán than, họ nhìn nhau, lục đục như tiếng chào mào kêu ngoài bãi, rồi họ lại chen nhau, họ đi. Cỏ xào xạc dưới chân, cháy thành vạt, cô út chẳng nói năng gì, cũng chẳng thèm khóc nữa. Lệ có rơi thì chẳng ai thấy, lòng người nguội lạnh như nước dưới lòng sông. Bạch Dương ngồi xuống, trước ánh nhìn se lại của ba, của nội, chẳng ai muốn tiếp chén cơm còn dang dở. Nàng nhặt từng mảnh bát lên, vương vãi đầy những mảnh cơm trắng hòa với bụi. Im lặng một cách ghê người, nàng lấy báo cuộn những mảnh sành vương vãi...

- Tía với nội ăn cơm, anh ba ăn cơm. Con xin thôi...

- Mày khùng rồi út, mày khùng rồi! - Anh ba Tử gào lên, anh trút nỗi tủi nhục cuộn trào như một cơn vũ bão, anh khóc, khóc sậm sụi rồi òa lên, anh hận mình, hận đời, hận nỗi ê hèn của tía và hận lão Cải đã đưa niềm oan trái, tàn phá cả gia đình của anh. Anh hận mình suốt bao năm qua chẳng thể làm gì cho tía, cho em, anh sống mơ hồ như cái bóng, anh nguyện không lấy ai, không thương ai cũng vì chưa giải được nỗi lòng oan thấu cho em. Sư Tử bấu chặt lấy vai em gái mình, lắc mạnh như lắc một kẻ vô hồn chẳng còn chút sức sống, anh nhìn vào nó, cái nhìn sâu hút, xoáy vào lòng Bạch Dương, cái nhìn bất lực mà oán trách. - Mày biết là có lên ông Cải thì ổng cũng phán là do hồn của má, của anh hai làm mà? Mày biết lão hận nội nên muốn giết sạch cái nhà này mà... Mày muốn lão phán là do mày làm rồi để người ta giết mày đi sao! Mày còn muốn sống không hả!

- Ai lại không muốn được sống hở anh. Nhưng rồi sống mà khổ, mà oan thì sống làm chi nữa? Thà rằng chết đi mà nội, mà tía đỡ phải chịu dị nghị người đời, để anh ba còn lấy vợ mà không bị thông gia coi thường nữa. Thời em chết có sao đâu, còn một năm nữa, dầu hổng muốn thì em cũng bị mang đi thôi mà.

Một tiếng sắc lạnh vang lên, trong cái sững sờ của tía và nội. Bạch Dương chực khóc, ai chẳng muốn được minh oan, ai chẳng muốn có một tuổi xuân toàn vẹn. Nhưng vì mối thù hằn mà có kẻ cướp đi tuổi thơ, tuổi trẻ, rồi đẩy người ta vào một cái chết, chẳng thể vãn hồi. Bạch Dương đã mười chín tuổi, rồi chẳng mấy vào đôi mươi, cũng sẽ là năm sinh mạng của nàng kết thúc dưới lòng sông. Nàng cũng từng mơ được sống, từng mơ về một tương lai rực sáng tựa màu nắng vạt sông, để rồi cuộc đời đẩy nàng vào một niềm oan trái. Cướp của nàng mọi ước mơ. Anh ba đánh nàng, một cú giáng thật mạnh khiến nàng như choàng tỉnh, nàng mong mình được sống lắm cơ mà, cũng muốn được trọn thời thiếu nữ lắm thay. Nàng muốn nhiều, mơ nhiều mà đời chẳng thấu, đời sao độc địa. Ai đón tuổi đôi mươi hạnh phúc một chuyện tình, tuổi diệu kỳ, tuổi lắm mộng mơ? Ai sống hồn nhiên, ai cười tươi như nắng? Bạch Dương sẽ sa vào tuổi đôi mươi bằng cái chết, ôi cái chết rũ bỏ tất thảy, đưa cô trở về với mẹ, với anh hai trên cao. Một cái chết để trút bỏ oan tình đã theo cô từ thuở lên năm. 

- Anh có giận em đi chăng nữa, anh có đánh em, thời em có sống quá được năm sau không?

Sư Tử lặng người, và rồi đâm ra bối rối. Anh chỉ muốn được hóa giải oan tình cho Bạch Dương, để cô út được sống mà không chịu ánh mắt người đời. Vậy mà nàng không hiểu, nàng ngu ngốc nghĩ đến cái chết cận kề, chẳng bao lâu anh sẽ mất đi cô út, gia đình anh sẽ lại héo mòn. Anh nhìn ra ngoài cửa, giàn thiên lý vẫn đu đưa trong ánh đèn nhập nhoạng, những trái xoài vẫn nằm đó, im lìm. Rồi xoài sẽ rụng, thiên lý sẽ chẳng còn đơm bông. Như một kiếp người chấm dứt, liệu có còn ngày mai? Chẳng còn hi vọng nào cho những người sống kiếp chịu đời oan uổng, chịu lẽ mê tín của người đời. Sẽ lại đi, một chuyến du hành xa vạn dặm, cô út ạ. Đi hoài mà chẳng trở về nữa, đi đến một nơi họa lòng thanh thản, đời nhẹ bẫng, sẽ ngập nắng mai và se sẻ rợp trên những cành non xanh biếc. Cô út đợi chuyến đi đến thiên đường, ngày người làng đưa cô xuống lòng sông lạnh lẽo. Còn hiện tại, cuộc đời vẫn dồn Út Dương vào góc chân tường, chôn nàng dưới nấm mồ của lòng nghi hoặc. Lại lần nữa nàng rời mâm cơm còn dang dở, chẳng được trọn một bữa ăn, để giam mình thật sâu trong tiếng khóc sụt sùi không ai thấu. Rồi để canh ba, gà gáy gọi ánh trời rực rỡ rọi lòng sông, có tia nắng nào rọi xuống lòng nàng, sưởi ấm thân cô độc.

o0o

Không phải ai cũng sống một cuộc đời ngập trong niềm hạnh phúc, không phải ai cũng có thể biến bản thân mình thành một kẻ thiện lương được chốn thần tiên ưu ái trong những trang truyện cổ ngày xưa. Ta sống cho lẽ thực chứ chẳng phải chốn hư vô, sống là để trọn kiếp yêu thương và dâng hiến cho đời.

Niềm tin trên đời là một lẽ xa xỉ, vì nếu có niềm tin luôn tồn tại, thì đã chẳng có những hận thù sâu cay và sẽ chẳng ai mang đến thế gian này một thứ hạnh phúc toàn vẹn. Ôi, phải chăng ngoài kia còn nhiều đố kị, còn nhiều đau thương, còn nhiều kẻ chỉ vì lẽ hận đơn thuần mà mang dã tâm hại đời người khác, để bản thân được thanh thản mà bất chấp lời lẽ sâu cay? Có những oán hờn lâu lắm, nhưng rồi nhớ hoài mà đau đớn, mà sinh ra những hành động vô tình. Ta hận một người mà sinh hận vạn người, chỉ vì bản thân ngu dại một lần không thấu đáo mà chẳng biết mình sai. Chuyện thật dài, thật rối ren, nhưng những người bị lôi vào một vòng luẩn quẩn không hồi thoát ấy, tựa như ngợp dưới lòng sông, chẳng thấy đủ ánh trời. Nỗi oan uổng của nhà cô Út Dương cũng chỉ từ những oán hờn vô cớ, để rồi ám hại đến bao năm vẫn chẳng hết hận thù.

Nhưng những điều xưa cũ, ta cất vào một trang riêng để nhớ về những chuyện ngu dại đã qua, để rõ nguồn cơ sâu thẳm ấy là cả một câu chuyện thật dài. Ta chỉ biết rằng hiện tại, cô Út Dương dù đi qua bao mùa trăng tròn, cũng chưa thể nào cởi bỏ được những nỗi oan ấy, nàng vẫn sống, như không sống. Sống một cách cô độc, cái sự tồn tại tưởng chừng như một lẽ vô hình không ai thấu. Người ta gặp nàng trong những chiều nước sông dâng ngập tràn và khi tiếng mái chèo gác lại, màu cá mặn mòi cất lên, người ta vẫn thấy nàng ra xưởng đóng tàu đón anh ba. Ừ thì người biết, nhưng rồi ngó lơ cô, cũng có khi họ đâm ra sợ sệt và lảng tránh. Dần, sự tồn tại trên đời của nàng bị lãng quên, chìm vào một khoảng không tưởng chừng như vô đáy, sâu hút. Cái tên Bạch Dương chỉ được người ta nhớ về qua những cái chết không nguồn cơ, là cái lẽ người ta sinh ra cho những điều dị hoặc bao trùm lấy làng. Vì nàng là "người bị quỷ ám, ma theo" nên những cái chết không rõ lý do, đột tử thì người ta cứ đổ hết cho nàng, cho cái lý do nàng bị yêu ma xúi quẩy mà giết chết mạng người trong khi lòng mụ mị, nửa mơ nửa tỉnh. Đã có ba cái chết gắn với nàng từ thuở còn thơ, và rồi ai cũng gắn nàng với những điều xui rủi, nàng như cái cớ vô tình người ta dùng để trút bỏ những đớn đau mất đi máu mủ ruột rà. Người ta nói, rồi dần như thành lẽ mê tín, khiến nàng không thể nhìn đời bằng cặp mắt trong veo, hồn nhiên tựa thuở lên ba. Đời nàng khổ cũng do lão Cải, nhưng biết phận chẳng già đầu nên sao dám trách cứ bề trên? 

Chiều hôm ấy, khi gió gợn lòng sông và chào mào đã thôi những tiếng reo vang trên những cành cây cháy, khi vạt cỏ điểm vàng dạt sang hai bên, đều như se tơ. Vành bánh xe lăn trên những mảnh đường cát, sỏi lăn tăn, hoa nở âm thầm, xuyến chi trắng muốt vẫy gọi ánh tà buông lấp ló. Dưới bóng dừa, Bạch Dương cùng chiếc xe đạp đi đến tìm anh ba. Vẫn hồn nhiên, vẫn ca hoài và mái tóc không bao giờ cột gọn để lơ thơ hòa vào khí trời. vào nền trời đỏ quạnh. Những xóm làng trôi dần về phía mặt trời đi xuống đáy sông, cá quẫy long tong, khói xanh lơ gợn trên những chái bếp, quyện hương cá mặn nồng. Chiều làng biển, xe chở cá chạy về những nào là vị đại dương, cá chim, cá vược trong những thúng gỗ đầy xâm xấp. Người kéo vó lên, những mắt lưới đan vào nhau, nước biển trong veo sáng long lanh trên mặt lưới, ánh chiều hòa, nước sáng một sắc vàng tựa lúa non. Đám trẻ rời trường làng, tiếng cười vui vang trên những nẻo đường, dưới rặng dừa tỏa bóng đu đưa như trùm lên thế gian, ôi ai từng một thuở hồn nhiên như thế. Khi lớn, mấy ai giữ được lòng trẻ thơ, mấy ai còn cười nói vu vơ. Khóc nhiều hơn, đau nhiều hơn thế. Nhưng rồi cũng chẳng hết ngơ ngẩn, rồi cái lẽ cả tin lại đáng lừa ta, trên đời này vẫn còn đó những người quàng khăn đỏ, vẫn tin vào những lời dối gian của con sói, dù cho bao lần ta bị chúng lừa đến đắng cay. Và chuyện giữa Bạch Dương và người phụ nữ ấy, cũng chỉ từ cái sự ngu dại tin lời người của nàng, để tự kéo mình thành một nỗi nghi ngờ. Cho một vụ giết người...

Lão Cải, theo cái danh xưng mĩ miều thì gọi là thầy Cải, là kẻ sống bằng nghề gieo những điều mê tín dị đoan, những lẽ tin mơ hồ nhưng đầy ảo mộng về chốn tâm linh vô thực, mà dần khiến cho người làng mụ mị mà tin theo. Ấy chăng lão chẳng có ma pháp, chẳng hiểu biết tâm linh gì sất, mà sao người tin ngày một nhiều, đến mức sái cổ. Có khi cái điều khôn ở lão, may thay trời ban cho một miệng lưỡi dẻo dai, biết điều gieo mật ngọt, rót lòng nghi hoặc, thú tò mò vào người qua kẻ lại. Ai cũng biết lão mang nỗi thù thâm kín với nội, nhưng chuyện đã qua tưởng chừng như không ai nhớ lại. Nhưng lão thì không, lão thay tên đổi dạng thành một thầy mo, tự mang cho mình cái khiếu kết nối với yêu ma dị quỷ. Chính lão, vì dã thâm thù hằn với nội, mà quyết chẳng tha cho một chân tơ kẽ tóc nào. Chính lão, luôn ủ mưu khiến dòng họ của nội không thể ngửa mặt lên mà nhìn đời, sẽ chết dần chết mòn trong lẽ cô độc bao trùm. Và rồi lão, dưới danh kẻ làm tâm linh, đã biến Bạch Dương trở thành người bị cả làng xa lánh và nguyền rủa, chỉ qua những lời độc địa của mình. Con gái lão, Giáng Hương, tuy tài sắc vẹn toàn, nhưng tâm cũng chứa những nào là đố kỵ, lòng ích kỳ và thói khinh miệt. Người con gái ấy, vì ngu muội theo cha mà thù ghét Bạch Dương ra mặt, suốt cả tuổi thơ, biết bao lần Giáng Hương biến Bạch Dương thành một trò cười, vẽ vào đời cô một mảng đời đen tối.

Nhưng Hương lại thương anh Tử tha thiết, cái niềm thương từ thuở thiếu thời mà bao người thấu được. Giáng Hương luôn mong được nên duyên cùng anh ba Tử, vì anh đẹp, cái vẻ rắn rỏi của người miền biển, ánh lên trên làn da mặn mà như một bức đồng thau. Anh hiền, cái nụ cười duyên khắc sâu vào lòng người con gái ấy, nàng thương anh vì cái tính hay làm, cần cù mà chịu khó. Nhưng anh lại chẳng đoái hoài gì tới nàng, anh coi nàng như cái gai trong mắt, chẳng bao giờ anh nhìn nàng. Tình yêu của nàng thật nghiệt ngã, đớn đau thay, nàng yêu anh, nhưng nàng lại thù hận em gái anh vô cùng, hận nội anh vì chuyện ngày xa xưa. Chẳng ai muốn yêu thương kẻ thù, nhưng vì nàng trót trao lòng, nên chẳng thể kéo về được nữa.

Cửa sổ thưa dần bóng nắng. Lão Cải ngồi đó, rợp men say và những miếng khói nồng. Tỏa trong không gian cái hương thuốc, quện vào hương trà đăng đắng. Lão mơ màng, tròng mắt đục dán lên mảnh tường ố vàng, và rồi trong đáy mắt, bức ảnh ấy hiện lên lờ mờ trong tâm tưởng. Lão cũng từng có vợ, có người thương, một người hiền hòa và tin lão bằng cả nỗi lòng. Nhưng rồi cái cảnh lầm than, cái nỗi phá sản chẳng còn một xu nào trong tay khiến đời lão chênh vênh như con đò trôi giữa dòng. Vợ lão ra đi, thật vội, trong cảnh bần hàn khi vừa hạ sinh cô con gái đầu lòng và cũng là duy nhất của lão. Lão đã từng mơ về một gia đình hạnh phúc, đầm ấm tuy chẳng cần sang giàu, nhưng rồi lại trả giá và mất đi thật nhiều. Lão gà trống nuôi con từ độ đôi mươi, và thế đấy, lão già đi, nhưng lão vẫn hận chuyện ngày xưa, của kẻ đã đưa lão vào chốn bần cùng. Và giờ, khi lão trở thành thầy Cải, lão đang từng ngày biến họ trở về cái điểm xuất phát, về những năm tháng lão đã từng phải trải qua. Lão hận gia đình ấy, hận nội, hận tía, hận thằng Tử và cái Dương. Cướp đi của lão thật nhiều, cướp đi niềm tin của người đời cho lão, giờ đây lão có niềm tin trở lại, lão phải trả những gì họ đã làm khi xưa, phải khiến họ chịu nỗi đau mất đi máu mủ ruột rà và mất đi niềm tin từ người làng. Mất một, thì trả mười. Chợt đồng tử lão dãn ra, cái nụ cười thoáng nửa miệng và sao sắc lẹm. Lão đan hai bàn tay vào nhau, xoáy chặt lại, thoáng qua cửa sổ từ xa, dáng thiếu nữ trong veo trên con xe đạp màu đỏ. Ồ, vẫn ngây ngô, vẫn yêu đời quá, nhưng có lẽ út Dương chẳng hay rằng cái dấu chấm hết sẽ đến thật sớm như vậy. Lão nhìn sang cô con gái yêu kiều trên chiếc chõng tre, tay cẩn thận thêu tranh con phượng, mái tóc buông hờ cũng chẳng thể che đi cặp mắt sáng sắc tựa như dao. Sớm thôi, loại bỏ được út Dương, Giáng Hương có thể đường đường chính chính chiếm lấy Ba Tử mà không lo lắng gì chuyện phải giáp mặt với Út Dương. Sớm thôi, lão cười, chai rượu mã tiền trên nóc tủ nằm gọn ghẽ, rồi cũng tới lúc cần dùng. Một mạng tiếp theo...

- Dương, Út Dương, lại thầy biểu! - Lão với vọng ra, cái điều ngon ngọt nhưng chẳng ai hay ẩn sau đó là những ý nghĩ nào xa lắm. Năm sau thôi, nàng út sẽ hòa với lòng sông.

- Dạ, thầy gọi con?

- Thầy nhờ con chút chiện ấy mà, có bình rượu quý, con mang qua nhà ông Đường giúp thầy nghen! 

- Vâng, thầy cứ gởi con.

Thật quá ngây thơ, thấy Bạch Dương loay hoay xếp chai rượu vào trong giỏ, lão như mở cờ trong bụng. Bạch Dương chẳng biết trong chai rượu đó là những gì, cứ ngơ ngẩn mang nó đi mà chẳng hề nghĩ suy. Nắng rọi trên đường, nhưng cô Út đâu biết mảng mây mù sẽ sớm giang xuống gia đình nàng, và rồi sẽ cuộn lại thành một cơn bão. Mảnh đường bám bụi lại vang lên tiếng bánh xe lăn tròn, đèn đường nhập nhoạng lên, lão nhìn theo mà lòng đen đặc lại một suy nghĩ hận thù, và lão sẽ ra tay, không chỉ vì lão mà còn vì tình yêu đơn thuần của con gái lão, để con bé được sống trọn đời bên người nó thương. Sẽ chẳng ai còn nhớ đến cô Út Dương, chỉ cần kẻ đó chết đi, làng lại mất đi một mạng người vô cớ, cứ theo đúng những gì đã toan tính, thì chẳng còn nước nào ngăn nổi cá bơi. Ôi, thật tội lão Đường, cái kẻ nát rượu ấy chẳng biết mình sẽ vô tình bị giết chết bởi sự cả tin của Bạch Dương. Chai rượu ấy là rượu mã tiền, những trái mã tiền kịch độc, uống vào chẳng mấy mà đi đời nhà ma. Mà kẻ nát rượu nào đủ tỉnh táo để nhận ra độc tính, có rượu là uống, uống đến say mèm rồi chết mới hoàng hồn. Bạch Dương sẽ sớm trở thành miếng mồi béo bở, thành nguồn cơn trút giận của cả dân làng. Tiếng kèn trống sẽ vang ngoài bãi sông và trên cánh đồng rợp hoa, lại sẽ thêm một nấm mồ với cái chết chẳng ai hay biết. Vĩnh biệt, lão Đường.

Lão Đường đúng thật đã chết chỉ vì chẳng hay chai rượu quý kia là rượu mà tiền. Lão nhận chai rượu từ út Dương, trong cơn say mèm và hậm hực đuổi nàng đi trong khi còn nâng niu bình rượu mới. Lão cười khà khà, giọng lão khàn đặc và rồi lão chửi đổng lên, lại nằm ra võng. Lão chẳng biết lão sẽ qua đời nhanh lắm, độc dượng thấm vào và khiến lão chẳng còn ngày nào được thấu trời xanh. Đó là chai rượu cuối cùng của cuộc đời lão, khi vợ lão quảy đòn gánh về từ chợ huyện, lão đã nằm đó, rúm lại, co quắp và tím tái. Tựa như một con chó ngu đần bị người ta đánh bả mà chẳng hay, chất độc quyện lại khiến lão run rẩy và nôn ra, quặn lại những nào là bọt trắng. Chẳng còn thời giờ mà đưa lão đi trạm xá, vì lão đã ngừng thở từ khi nâng chén rượu đầy đầu tiên, uống đến độ chẳng thấu trời trăng gì nữa. Bà Đường khóc dữ lắm, bà dằn vặt và rủa sả cái kẻ giết chồng bà, đến khi chú Lài nói rằng rượu đó là từ Út Dương, cái thứ rượu mã tiền cực độc, bà mới ngã ngửa ra. Để cậu con cả lo ma cho tía, bà mang cơn đau khổ giằng xé sang nhà út Dương, để rồi loạn thành một đàn. Nếu chẳng do thứ rượu độc kia, chồng bà đã chẳng chết đớn đau như thế, ai chẳng hay con Dương dính dáng đến bao cái chết ghê hồn, từ độ nhưng năm chín mấy đến giờ, cứ ai đột tử chẳng hay, thì đều có liên quan đến Út Dương. Ôi, cái nòi quỷ cái! 

- "Vậy, là mạng người thứ ba trong làng, lại là Út Dương. Và lại đến tay thầy Cải..." Nằm trông đỉnh mùng, lão Cải hả hê cười, lão biết ngày mai, lão sẽ lại được làm mấy chuyện tâm linh ấy. Nào có ma có quỷ gì đâu, nhưng chỉ cần lão phán cái Dương có tội, thì nhà nó lại sớm muộn mất đi một mạng người, dân làng sẽ thôi lo lắng về chuyện làng này có cô Út bị ma làm. Và con gái ngọc ngà của lão, Giáng Hương, sẽ chẳng phải trông lấy cô em chồng bất đắc dĩ, mà sẽ được nhẹ nhàng trở thành người cùng nhà với anh Ba. Chẳng ai hay cái chết của lão Đường hôm nay là âm mưu của lão, cái Dương chỉ là một đòn thế thân hoàn hảo, giờ ai cũng tin chai rượu mã tiền là của nó, chẳng ai biết tất cả là của thầy Cải làm ra. Mã tiền, cái hạt kịch độc ấy, cũng sẽ là mở đầu tuyệt vời để lão đưa cái Dương xuống dưới lòng sông.

o0o

Trăng lên, rọi bóng anh. Trăng lặng thầm, trăng tròn sáng long lanh, dịu êm và hiền hòa, rọi xuống dàn thiên lý, hoa thoảng hương cùng với hương xoài non. Gà nằm trong ổ, đàn nhỏ đàn lớn lên chuồng từ lâu, chỉ còn tiếng nước lập lờ trôi vỗ mạn thuyền say ngủ. Cửa sổ vẫn sáng, những song thưa rợp mảnh trăng nghiêng, anh đứng đó, mắt anh đen và sâu hút, nhưng tưởng như đượm nỗi buồn nào vô tận. Anh tròn ba mươi, anh vẫn vậy, chẳng khác gì so với tuổi đôi mươi năm nào. Anh vẫn thương nhỏ út, cái người em gái bạc mệnh vì những lời phán bậy bạ của ai, mà mất đi cả một tuổi thơ, tuổi xuân mà nàng mơ ước. Anh trách mình hèn hạ, cái hèn tại sao chẳng thể làm gì để minh oan cho em gái anh. Rồi năm sau, anh không thấy nó nữa, anh sẽ buồn lắm thay. Anh còn bồng bột, anh chỉ biết nhất thời vùng lên mà bảo vệ cho út, nhưng cái hi vọng sống của út chợp tắt từ lâu. Làm sao để út trở lại như ngày xưa? Phòng út đóng cửa, chắc út còn đang buồn lắm. Rồi anh có thể làm gì được? Người ta tin lão Cải, chứ đâu có tin anh? Anh đã dành mười năm chỉ để tìm kiếm một nguồn sáng mong manh, một ai có thể thấu nỗi oan tình và mang về một lẽ công bằng. Nhưng thế gian đâu phải lúc nào cũng thương ta đâu, những người mụ mị như kẻ lữ hành đi trong động sâu, chẳng hay trước đó là những cạm bẫy vô hình. Chỉ vì họ tin vào nguồn sáng. Như thể tin vào những lời bịa đặt, vì chốn tâm linh luôn thôi thúc tâm hồn khiến họ chẳng nghĩ suy gì đến đúng sai. Họ tin lão Cải như tin vào một dị thuyết, để rồi chẳng ai nhìn và suy xét về cái thực tại. Đó là cái chất độc tiêm nhiễm từ từ, ngấm sâu dần vào trong tư tưởng, để rồi biến người đời thành những kẻ ngu si. Anh thở dài, tóc anh vàng như màu cỏ cháy, rối lơ thơ, anh lại vò đầu khiến chúng xoăn thành từng cụm. Trăng khuất áng mây, đáy mắt anh vô hồn chẳng còn mảng sáng, tựa như cuộc đời anh và cả cái gia đình này.

- Muộn rồi. Anh ba về ngủ đi, mặc em... - Cái tiếng nấc khe khẽ ấy lại vang lên, khiến anh giật mình nhìn lại. Anh thấy cô Út bên cửa sổ, mắt cô vẫn tròn, long lanh và sâu thẳm. Nhưng sao buồn, đỏ hoe nơi vành mắt, tay níu cửa sổ mà trông, mảnh áo hoa nhăn lại, có lẽ út vừa lấy áo lau đi lệ sầu.

- Anh xin lỗi, anh có làm út buồn. - Anh thở hắt ra, tựa vào những mảnh tường mà dựa lòng, anh cố trấn tĩnh, chỉ sụt sùi nhỏ nhẹ. Dù sao cũng là phận bề trên, là trai tráng, ai khóc bao giờ. Anh gượng cười, cái điệu cười méo xệch và hằn lên mặt anh những vệt dài, se lại. Chão chuộc kêu ngoài bãi, trong vạt cỏ xanh, dế nỉ non và kéo lên khúc sầu đến não nề. Út cũng đưa tay gạt nước mắt, út lớn rồi, ai khóc hoài như thuở lên năm. Tựa bậu cửa sổ, ánh mắt vô hồn trông những trái xoài xanh, trên kia lấp ló mảnh trăng ẩn hiện, ngợp lặn giữa trời. Sáng mai, người ta sẽ đến đây, sẽ là chấm dứt cuộc đời chẳng trọn. Bạch Dương biết thầy Cải sẽ phán bừa phán bậy rằng mình có tội mà thôi, thầy vẫn mang hoài cái hận sâu cay ấy, nhưng vì gia đình, vì ngày mai chẳng còn thấy mặt trời nhưng rồi làng này sẽ trở về sớm bình yên, thì cái chết chợt hóa hư vô và nhẹ bẫng. Tuổi hai mươi, ta sẽ còn mơ không, còn được cười ngây ngô nữa không, còn bến sông, còn khói lam bay trên những mái nhà cao thấp? Hay ta sẽ hóa thành ngàn dặm xa xôi, thành tia nắng mai ngập tràn, sưởi ấm hồn người nhưng không ai thấu đến. 

Cuộc đời con người chẳng hay sẽ chấm hết bao giờ, chỉ tiếc là khi ta sắp nhận ra mình phải hóa về với trời xanh, nụ cười của ta đã chẳng còn đó nữa. Ta hối hận vì chẳng thể làm gì, vì sống hèn hạ và chẳng được là chính bản thân mình. Khi đôi mắt kia nhắm lại và ánh mặt trời không còn khiến tim ta rung lên, lúc đó ta đã thật sự chết rồi. Nhưng chết an yên, thanh thản thì chết sẽ chẳng có gì là đáng sợ. Đáng sợ là sống không bằng chết, sống trong cái dị nghị và miệng lưỡi người đời, như cơn ác mộng liên hồi chẳng bao giờ dứt.

- Em biết vì anh ba lo cho em mà. - Bạch Dương cười, tiếng cười trong vắt, mà sao buồn đến thế - Em chỉ thương cho má. Ngày giỗ má, mà để má thấy em như vậy, giỗ má mà cũng chẳng trọn nữa, để má thấy em sống không vui. Chắc má lo lắm. Mà em, cũng sắp về với má rồi ha?

- Đừng nói chuyện ấy nữa mà. - Anh sụt sịt, nhưng rồi khóc, thật lặng thầm khiến út như ngây người ra. Từ những năm chưa độ đôi mươi, anh chưa từng khóc bao giờ. Nhưng, hôm nay, anh khóc, có lẽ anh hiểu chẳng bao lâu anh lại mất đi người thân vào tay lão Cải. - Anh sẽ tìm mọi cách để chứng minh út bị oan. Tía thương út lắm, nếu út đi rồi, tía biết sống sao?

- Nhưng thầy Cải đâu có thương gì chúng ta? Rồi em sẽ bị người ta dìm xuống sông...đúng không?

- Chỉ cần ta tin ta còn sống, ta tin ta sẽ mãi còn tồn tại cùng thế gian, thì ta sẽ chẳng bao giờ chết cả. Người ta chỉ chết khi chẳng còn niềm tin nào cả, nhưng nếu út tin, út sẽ ở đây mãi, với nội, với tía. Với anh ba nữa. Út còn phải...làm thợ bánh...nữa ha?

Vậy cứ tin một lần nữa đi, tin rằng mình sẽ sống, sẽ tiếp tục những tháng ngày còn dang dở. Ta còn bao mộng mơ với đời, những hoài bão, còn cả một tương lai rợp nắng hồng chờ ta đi qua. Ta sẽ còn đó những tình thương, những người vẫn vì ta mà sống, thật lòng bên ta. Ta còn đó hai chữ gia đình. Đừng vội vàng nghĩ về cái chết của bản thân hay tìm đến cái chết một cách ngu muội, bởi lẽ ta sống vì ta, vì niềm vui và mộng tưởng cho thực tại. Tương lai khó đoán, thì xin đừng nghĩ đến. Cái chết tuy rằng sẽ có đớn đau, nhưng cả một khoảng trời vẫn mãi xanh, vì vậy trước khi ta về với cát bụi, hãy sống trọn hôm nay, dù lặng thầm nhưng ý nghĩa. Bởi lẽ vẫn còn hi vọng, là cái chết sẽ hóa thật xa vời. Và Bạch Dương đã tin vào anh Ba Tử, niềm tin về lẽ sống, rằng sinh mệnh của nàng sẽ không chấm dứt vào tuổi đôi mươi bởi những con người độc địa. Dù biết ngày mai, ngoài kia rợp nắng, sẽ có người biến cô thành kẻ tội đồ.





Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro