Chương mười: Có những chuyện tình thuở bé thơ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Này Đà Lạt ơi, em đã trong tôi trọn một đời
Để khi xa cách mới thấy cõi lòng chơi vơi
Và Đà Lạt ơi, nhớ em núi đồi xanh mát
Và Đà Lạt ơi, nhớ em sương về lạnh giá
Hãy cho tôi xin
Hãy cho tôi xin
Xin lại ngày xa xưa..."

o0o

Chiều Hà Nội, một buổi chiều thơ thẩn êm ru mà lặng lẽ buồn. Trời xanh, gió thu về, cảm tưởng như cuốn đi từng đợt nắng đổ hầm hập của mùa hạ, tự nhiên trong giây phút nào nhận ra hương cốm bọc trong từng gói sen nồng đậm. Chiều tan tầm, xe về đông lắm, người người lao vào giữa những con phố đầy lá đổ, một khung trời mưa lá bay đầy, cuộn vào tiếng chân người bước xào xạc. Tự nhiên nhận ra phố hôm nay sắc màu, những sắc màu của hoa, đúng vậy, độ thu về hoa nở thật nhiều, từng chuyến xe đạp lóc cóc chạy qua như chở cả mùa thương, mùa nhớ, một mùa thu hi vọng ngọt ngào trong từng cánh hoa. Hoa sen, hoa hồng, rồi cúc họa mi trắng muốt, từng chuyến xe qua, lòng lại nhẹ đi đôi phần và choàng lấy tâm trí từng thứ hương dìu dịu vỗ về. Thu về nhưng trời vẫn còn mưa giông, nắng cũng chẳng được bao lâu thì đã thấy từng cụm mây dày quay qua quấn đầy trời, xám xịt, nặng nề, rồi lộp bộp, rồi ào ào, gió trườn qua lạnh buốt, chiều lại đón cơn mưa. Vậy ra tưởng như chiều êm ru mà chẳng êm đềm, mưa về trên phố, lá xuôi dòng chảy dài đến tận xa xăm, lòng tự nhiên theo vậy mà trùng lại, nhớ nhung nghẹn ngào. Quán cà phê quen thuộc, đàn ai hay cái cát xét nào bật lên mà nghe tiếng đàn lạch tạch rinh rang, chầm chậm câu hát, là nhạc Trịnh, thứ nhạc nghe hoài vẫn tựa như lần đầu:

"Màu nắng hay là màu mắt em
Mùa thu mưa bay cho tay mềm
Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm
Rồi có hôm nào mây bay lên.

Lùa nắng cho buồn vào tóc em
Bàn tay xanh xao đón ưu phiền
Ngày xưa sao lá thu không vàng
Và nắng chưa vào trong mắt em..."

Nhạc lên, tựa như gợi tôi về, một thoáng mộng mơ đầy ngắn ngủi, về những mùa hoa nở trên đồi và từng vạt nắng xanh tràn ngập đáy mắt em. Một thuở ngây ngô bé bỏng, một thuở chẳng cất nghĩa được tình yêu, và tất nhiên cũng không thấu nổi yêu là gì. Chỉ biết bên nhau, được nhìn thấy nhau cười qua khung cửa sổ, khi gió trườn về qua những sườn đồi và dạo quanh từng vạt cỏ non xanh, khi ánh sáng huy hoàng rơi vào những chùm hoa bé nhỏ nở trước sân vườn nhà em, tôi năm ấy dường như thoáng thấy mắt em ngây ngô mơ màng mà trong sáng đến nhường nào.

Tôi, Xử Nữ, vốn dĩ không phải là người Hà Nội, những năm tháng đã qua, tôi xoay vần trong một đời vất vả. Tôi đã đi thật nhiều, đã phải rời xa mảnh đất tuổi thơ tôi ở đó, để đến những nơi thật xa, qua những thành phố, những con đường tưởng chừng dài như vô tận, những tháng ngày níu kéo tuổi xuân, để rồi tôi đến nơi đây, đến nơi mà tôi thấy được mùa thu đẹp nhất. Công nhận rằng mùa thu ở Hà Nội như một chốn mộng mơ của gió, của lá vàng, của hương cà phê, của một khoảng lặng trong lòng mà tôi chẳng biết từ đâu mà có. Mùa thu, mùa của mơ tưởng và nghĩ suy, là mùa để ta hồi nhớ lại những năm tháng đã qua. Có phải chăng tôi đã rời quá xa sân ga tuổi nhỏ. Đã qua ngót nghét mấy chục năm trời, mà sao tôi vẫn tiếc, vẫn tìm một dáng hình đã hóa xa xăm ảo mộng. Tiếc cái gì khi biết có mơ cũng không thể trở lại, có tìm cũng tìm mãi không ra. Tôi hai lăm tuổi đầu, xung quanh cũng lắm kẻ si mê, nhưng lòng tôi không gợn sóng, vì trong tôi chỉ giữ mãi một đôi mắt nâu to tròn, mái tóc xù mà vàng như màu rơm cháy. Tự hỏi cô bé năm nào giờ nơi đâu, vì khi mưa về xối xả, em ra đi thật vội. Chẳng hay dáng hình em bây giờ có khác, em có gần hay xa tôi lắm, có thấy thu về nơi đây không?

o0o

Đà Lạt, một ngày tựa như thơ, năm 1985

Đà Lạt, cất lên hai tiếng đã thấy cả một chân trời mộng mơ. Một chân trời của sắc màu, của những rừng thông, của những thác nước trắng xóa đổ xuống, của những ngọn đồi gió reo, của những mùa hoa nở tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt. Trái tim tôi vẫn giữ một phần nào đó hình ảnh của nơi này, bởi lẽ nơi đây là nơi tôi sinh ra và lớn lên, cho đến năm tôi rời đi khi tròn mười sáu tuổi. Là nơi có cha, có mẹ, có từng lớp lớp người qua, có từng mùa gió lùa vào những ngôi nhà gỗ bé xinh. Là nơi có một quán cơm và một ngọn đồi phủ đầy cỏ xanh, để tôi tha hồ chạy nhảy. Là nơi tôi gửi mộng mơ cùng gió và mây trời, và là nơi tôi trông thấy đôi mắt và nụ cười hồn nhiên ấy đầu tiên.

Có lẽ em không phải là người Đà Lạ, bởi lẽ lần đầu tôi gặp em, chất giọng của em rất khác so với người ở đó, có phần hơi ngọng nghịu nhưng lanh lảnh và trong veo. Khi lớn lên, được có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, tôi đoán có lẽ em là người từ phía bắc chuyển đến Đà Lạt. Thuở ấy, tôi nghe người ta nói, gia đình em chuyển đến Đà Lạt không chỉ vì công việc kinh doanh, mà còn vì người bà của em, người bà đã cao tuổi cần được sống trong một bầu không khí dễ chịu. Mà Đà Lạt, phù hợp thay, là nơi mang lại khí trời ôn hòa nhất.

Tôi không biết quá nhiều về ba của em, nhưng tôi đoán có lẽ ông làm cho một xưởng mộc, như lời em kể về ông và lớp bụi dày trên tay áo mỗi lần đi làm về. Ông thuở ấy có vẻ cũng chẳng mấy hiền hoà, tôi nghĩ vậy, vì tôi nghe kể về cái cách ông nói chuyện với con cái luôn toát ra một vẻ nghiêm nghị, bởi thế ngày xưa, em nói với tôi em chẳng sợ gì, chỉ sợ nhất là ba. Ba em khó lắm, có lẽ vậy, ngoài chuyện đó ra, tôi chẳng biết gì hơn thế.

Tôi lại biết nhiều vì mẹ của em hơn, một người phụ nữ hiền lành, tôi cảm nhận rõ qua cách bà đón chào tôi mỗi khi ghé thăm gia đình tôi cùng một bọc trứng gà. Phải chăng gia đình em lúc đấy chẳng khá giả gì, bởi vậy mà mẹ em phải góp vào kinh tế gia đình bằng những đồng tiền chắt chịu từ khu vườn nhỏ, nơi em kể tôi nghe rằng mẹ em trồng rau nuôi gà ở đó. Một phần nhà em sống bằng nghề buôn bán nhỏ, ngày ngày độ sáng sớm, khi tôi nghe tiếng lao xao vọng ra bên ngoài cửa sổ và khi tiếng xe đạp réo loong coong, tôi sẽ thấy mẹ em mang đến tiệm ăn nhà tôi nào trứng, nào rau củ, hôm bắp cải, hôm cà rốt, chẳng thiếu thứ gì. Ngày cả hoa bày trong tiệm cũng là hoa nở nơi nhà em, cái cửa tiệm nhỏ nhà tôi kinh doanh được khách cũng là nhờ sản phẩm rồi nguyên liệu nhà em mang đến, mẹ em bán lại cho gia đình chúng tôi, nhưng chỉ đổi lại chút tiền nong ít ỏi. Nhưng thuở ấy, tôi chỉ ngây ngốc mà nghĩ rằng, nhà em phải to, phải rộng lắm mới có thể mang lại cho gia đình tôi một nguồn sản phẩm dồi dào đến thế.

Tôi đã quen với sự xuất hiện của mẹ em hàng sáng trước cửa nhà tôi, cho đến cái ngày định mệnh đó, cái ngày em xuất hiện trước mắt tôi cùng một nụ cười tươi như nắng, một vẻ bối rối và vụng về đáng yêu. Sự xuất hiện của em như tình cờ làm cho trái tim tôi nở hoa, lần đầu tiên tôi trông thấy một cô bé nhỏ nhắn với làn da bánh mật trước cửa nhà mình. Cô bé với gương mặt tròn, với một cách nói chuyện đầy bướng bỉnh như muốn chọc tức tôi. Nhưng cuối cùng, tôi chỉ tiếc một điều, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chẳng thể biết được tên thật của em là gì. Tôi chỉ biết em hồi nhỏ em tên là Rơm mà thôi, em khi lớn tên là gì tôi chẳng hay chẳng biết. Khi lớn lên, để tìm em giữa dòng người, thật khó làm sao.

Hôm đấy, một buổi sáng thanh bình, mặt trời lên trên những hàng cây cao và trên những vạt cỏ xanh dọc chân đồi, sương vẫn đậu, vẫn nhỏ từng giọt trong xuống nền đất ướt lạnh. Phố vẫn chìm trong một lớp màn mờ ảo, trông kia có hai con mèo nhỏ nằm yên bình bên nhau trước cửa nhà ai. Cúc trắng cúc vàng đan xen nở toả hương nhẹ nhàng. Gió đưa về từ nơi đâu xa vắng, tiếng chuông nhà thờ đính đong, và bắt đầu nhộn nhịp dần những tiếng người, tiếng xe chạy dọc ngang trên những con dốc nhỏ, người lên người xuống, cười nói râm ran. Tôi chỉ mở mắt, khi trước gian nhà tôi, nơi bán hàng của mẹ tôi mở cửa và khách bắt đầu đến dần cho đến khi chật ních cả căn nhà. Bên cạnh tôi, cái quạt con cóc bé tẹo vẫn lạch tạch xoay từng vòng, từng vòng chậm rãi, nhưng sao lòng tôi thấy thật lạ. Hôm nay cô Linh không đến sao? Cô không đến với quả trứng gà hay mấy cây bắp cải nữa à. Tôi thoáng băn khoăn, tôi trèo ra khỏi giường, nhìn ra phía bên ngoài ngó dọc ngó ngang để rồi cất tiếng hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, hôm nay cô Linh không đến sao? Con tưởng rằng sáng nào cô ấy cũng đưa hàng đến từ sớm chứ.

Cũng giống như tôi, mẹ tôi cũng xao động phần nào, và trong ánh mắt của mẹ cũng chất chứa một sự băn khoăn. Lạ nhỉ, cô Linh lúc nào cũng đúng giờ, lúc nào cũng đưa sản phẩm tươi ngon đến trước khi mẹ tôi mở cửa hàng, để mẹ kịp có thời gian chuẩn bị cơ mà? Nhưng mà sao hôm nay cô lại không đến, hay cô ốm, cô bệnh hay sao.

Đúng là cô Linh không tới thật, nhưng bù lại cô đã mang đến cho gia đình tôi một bất ngờ. Hôm ấy, cô đã giao cho "lính mới" của mình một cô bé năm tuổi, hay chính là con gái nhỏ của cô, nhiệm vụ đi đưa hàng cho chúng tôi. Có vẻ con bé vẫn chưa quá cẩn thận là bao, cũng đúng thôi, trẻ con thì đứa nào mà chẳng vụng về. Nên cô không dám giao cho nó nhiệm vụ đưa trứng gà, và vì dù sao số trứng gà trong nhà chúng tôi vẫn còn dư. Cô chỉ giao cho nó đưa mấy củ cà rốt vừa mới được thu hoạch lên, rửa sạch đàng hoàng, cho vào trong một cái túi nhỏ để đưa đến nhà chúng tôi. Con bé nhỏ thó, tóc rối bù xù để xõa hai bên vai, trên mình mặc một chiếc áo vải nhỏ màu trắng và cái quần lụa đen, mang cái túi nhỏ để vào trong giỏ xe. Mà đâu phải là cái xe của trẻ con đâu, cái xe cao của người lớn hẳn hoi cơ đấy, bởi lẽ nhà nó cũng chẳng dư dả gì thì làm sao trả đủ số tiền mà mua một chiếc xe đạp con con cho nó. Con bé có vẻ hay đi chơi long nhong bên ngoài nhiều, vì thế da của nó có phần đen lại, nhưng bù vào đó, con bé có phần láu lỉnh, thông minh và nhanh nhẹn lắm.

Với "công việc" đầu tiên của cuộc đời, công việc giao hàng, một "sứ mệnh" mà mẹ nó giao cho, con bé trông háo hức vô cùng. Nó dắt cái xe to hơn cả người mình ra ngoài cổng, cái cổng phủ hoa hồng trắng nở sớm mai, rồi quay lại nhìn mẹ nó cười toe toét. Trái lại với vẻ hào hứng vui tươi của đứa con nhỏ, cô Linh không hết phần lo lắng, bởi lẽ cô đang phân vân liệu rằng quyết định của mình là đúng hay sai, khi cho một đứa trẻ còn quá nhỏ làm một công việc thay phần của mình. Nhưng rồi cô lại thấy đứa con có phần hứng thú, cái cách con bé láu lỉnh giơ ngón tay cái lên trước mặt cô như để khẳng định rằng mẹ cứ yên tâm ở con, rồi chuyện gì cũng sẽ đâu ra đấy, khiến lòng cô cũng an nhiên thêm phần nào.

Cô giữ cái xe cho con bé nhảy lên, bởi lẽ con bé còn quá thấp, khó lắm mới ngồi được ngay ngắn trên yên xe. Nó chẳng tỏ vẻ sợ hãi xe to xe bé là gì, mà cứ thế được đà, nó bặm môi lại, giậm bàn đạp thật mạnh. Chiếc xe lăn đi, cái xe đạp lóc cóc, lạch xạch chạy xuống con đồi, hướng về phía phố phường nhộn nhịp dưới chân. Được đi cái xe đạp của mẹ, với nó, là một niềm hạnh phúc. Dù chiếc xe có vẻ hơi cũ kỹ và đôi phần sơn đã bong tróc cả ra, con bé vẫn líu lo vừa đi vừa nhấn chuông loong coong, tiếng chuông nhỏ rọi khắp nẻo đường.

Trong chiếc giỏ xe nhỏ bé, mấy củ cà rốt cũng theo đà xe xóc mà nhảy lên. Con bé lẩm nhẩm trong đầu lời mẹ dặn là hãy cứ đến quán cơm Hoa Mai ở cuối phố, ngôi nhà với cái cửa gỗ khắc bông hoa cúc xinh xinh. Đến đó hỏi cô Mai rồi đưa hàng cho cô là ổn, không cần lo nghĩ thêm chi nhiều. Đúng là chuyện đưa hàng thì chẳng cần lo nghĩ, con bé tài lanh thế kia cơ mà, cô Linh chỉ quên mất một vấn đề quan trọng hơn cả. Con bé chưa đủ khoẻ để giữ được phanh tay! Nếu muốn dừng xe lại, con bé chỉ có nước nhảy xuống từ yên xe, ráng làm sao mà chống được hai cái chân ngắn của mình xuống đất mà thôi.

Tôi cũng không phải là một đứa bé quá hoà đồng. Tôi không có nhiều bạn bè và có đôi phần tách biệt với xã hội. Tôi là một chú bé thích ở một mình, thích chơi một mình và không muốn ai đến gần mình cả. Thuở ấy, tôi cũng có phần bảo thủ lắm. Tôi không thích con gái là mấy, nhất là đứa con gái nào có mấy cái tính khó ưa. Tụi con trai tôi cũng không thích chơi cùng, bởi lẽ thuở ấy trông tôi gầy đét lại, chẳng khác nào một thanh củi khô người ta hay dùng để đốt lò. Tóc của tôi thì từ thuở bẩm sinh mà ra đã có cái sự xoăn tít lò xo đến lạ kỳ, đôi khi nó còn vón thành từng cục nên trông tôi thuở ấy nói thật đã xấu lại càng xấu hơn. Bọn con trai thì hay chơi cùng với nhau, còn tôi thì vì ngoại hình xấu xí như quỷ con nên bị tách lẻ, thậm chí chúng nó còn trêu chọc tôi là trông tôi ốm đến nỗi có khi chỉ cần một đợt gió nổi cũng đủ làm tôi bay xa tít tận mây trời. Sự khác biệt và tính tách lẻ này khiến tôi không có quá nhiều bạn bè, đúng hơn là chẳng có một đứa bạn nào cả. Tuổi thơ của tôi chỉ gắn bó với ngôi nhà gỗ, với cái cửa tiệm, với cha và mẹ, với những thú vui mà tôi tự tạo ra để chống lại sự cô đơn của bản thân một cách ngớ ngẩn. Đó là khi tôi xem tất cả mọi người xung quanh mình như là quân địch trong một trận chiến, với một nhành cây khô được bẻ ra từ cây ổi sau vườn, tôi, Trần Xử Nữ, thuở ấy có cái tên phèn chua là "thằng cu Củi". Trong những mộng tưởng ngô nghê mà nghịch ngợm của mình, thế giới của tôi là một thế giới thầm lặng hơi thực tại, chẳng ai biết cả. Trong thế giới tự phát đó, tôi làm tướng hẳn hoi, một vị tướng mà chả có một binh lính nào. Nhưng tôi vẫn rất vui, bởi lẽ ít ra tôi còn tìm được cách để thỏa mãn bản thân mình, ít ra tôi không cô độc trong suy nghĩ của mình, dù có bị cách biệt, chẳng có một người bạn nào muốn đến gần tôi, đến gần một thằng củi nhỏ và ốm yếu. Nhưng tôi cũng chẳng quan tâm, đời tôi vui, mình tôi biết, tuổi thơ tôi có gì, mình tôi hay, thế là đủ rồi. Lẽ tưởng rằng tôi sẽ mãi cô độc trong cái vòng luẩn quẩn, sẽ chẳng biết mở lòng và đón nhận một tình bạn cho đến tận những năm tháng trưởng thành. Nhưng không, hôm đó, cái ngày mà em đến nhà tôi với một chiếc túi chất đầy cà rốt, em đã vô tình làm quen với tôi, để rồi em trở thành một ánh sáng trong tuổi thơ của tôi, người bạn tuổi ấu thơ đầu tiên và duy nhất của tôi trong những tháng năm đời đầu.

Vẫn như mọi lần thôi, hôm đó, sau khi lớp đầy cái dạ dày đói meo bằng một cái bánh mì kẹp chả đơn giản mà mẹ tôi làm cho, tôi chạy thẳng ra đường như một cơn vũ bão. Trên tay tôi vẫn là cái nhành ổi quen thuộc, tôi luôn tưởng tượng đó là cái thanh gươm để chống lại kẻ thù của tôi đấy. Nói là đường thôi, nhưng thực ra nó là một khoảng đất ở trước cổng nhà tôi, một khoảng đất cao hơn cổng nhà một chút, lát đầy sỏi, đầy đá, hai bên là hai cái bồn hoa con con ấy. Ba tôi trồng những thứ gì, tôi cũng chẳng biết nữa, chỉ biết trồng ở đấy để làm cảnh, cũng là phần để hút khách. Nên hồi đó khách đến cửa tiệm của chúng tôi không chỉ để ăn, mà cũng là có chỗ để chụp choẹt hết ảnh này đến ảnh nọ. Mà tôi cũng chẳng quan tâm lắm đến điều đó, tôi hướng mắt thẳng ra ngoài, bên kia đường là mấy cái thằng nhóc suốt ngày bắt nạt tôi thuở nhỏ. Nhưng may sao có vẻ hôm đó chúng nó không chú ý mấy đến tôi bên này, đúng hơn tại tôi bé quá, nhỏ quá, nên có khi lu mờ người ta cũng chẳng biết. Tôi ghét bọn nó lắm, cái bọn ỷ mạnh hiếp yếu khiến cho cả tuổi thơ tôi khốn khổ. Lúc đó trong mắt tôi, tôi là tướng bên này, thì bọn nó là giặc bên kia. Tôi cầm cái "thanh gươm" quý của mình, tưởng tượng có thể ra tay mà chiến đấu với chúng nó, lần này tôi dũng cảm hơn rồi, có "vũ khí" ở đây, thằng nào dám bắt nạt tôi nữa. Cứ vậy, tôi múa cái nhành ổi bé tẹo của mình lên trên trời, quay trái, quay phải, lượn vòng, trông tôi lúc đó chắc cũng ngầu chẳng khác nào vua Quang Trung.

Chắc tôi thuở ấy sao mà ngu ngốc, mải nghịch mà mắt hếch lên trời, chẳng biết là từ xa, có cô bé kia, với cái xe đạp to cồ cộ đang lao về phía tôi. Vì cửa hàng của chúng tôi gần như là ở cuối con dốc, muốn đi xuống thì tất nhiên chỉ còn nước cho xe phi thẳng từ trên đỉnh dốc mà thử một vố chơi liều. Người lớn đi có khi còn ngã, nói gì là một con bé mới năm tuổi, đi cái xe to đùng, phi từ trên dốc xuống, có khác nào là chơi một ván bài sinh tử không! Nhưng mà có lẽ lúc đấy, một đứa nhóc hồn nhiên thì biết sợ là gì? Vèo một cái, con bé lao thẳng từ trên dốc xuống, nó cố với phanh cho xe đừng lao nhanh quá, ấy thế mà vô ích. Cái xe lao xuống tựa như một con ngựa đứt cương, giơ vó, xé gió mà trượt thẳng về phía tôi, đúng lúc tôi quay lưng nhìn về phía lũ trẻ bên kia đường, cầm nhành ổi múa máy ra vẻ. Á à, hay rồi đây, bọn trẻ đó có vẻ cũng nhìn thấy tôi, đã phát hiện ra cái thằng quỷ cùng với cái nhánh ổi ở trên tay, chúng nó cười khẩy định bước sang bên phía tôi để tính sổ cái trò trêu ngươi bậy bạ. Cái thằng to cao nhất bọn trông đà cay tôi lắm, nhưng nó còn chưa kịp đặt chân xuống dưới lòng đường, đã thấy bên phía kia, tôi đang hếch mặt lên đắc thắng chợt lăn đùng ra như ngả rạ.

Chẳng biết từ đâu, một con bé với làn da đậm tông thẳng về phía tôi, tôi lăn ra đất, áo bụi phủ đầy, đầu rối tung, trong mồm tôi lạo xạo toàn cát là cát. Đầu tôi ong ong, tôi lồm cồm bò dậy, đất trời đảo lộn, trên dưới từng hoành, tôi chả thiết gì mấy thằng trẻ rảnh bên kia đường nữa, có lẽ thấy tôi bị tông xe, chúng nó giật mình chạy lẹ, vì tướng bên này chưa vô đã bại trận, nào còn hơi đâu mà tính toán thiệt hơn. Bỏ đi, bỏ quách tướng lớn tướng bé đi, bỏ hết! Tôi lúc đó nhổ cát cái phì, chỉ tức sao không phải độ nào mà là sáng đẹp trời như hôm ấy, đúng vào cái thời khắc tôi yêu đời nhất, thì lòi đâu ra con quỷ cái với cái đầu như rơm khô cháy xém cho bánh đập thẳng vào mông tôi. Tôi cay cú đưa mắt lên lườm nó, tôi nhìn nó chằm chằm bằng con mắt toé lửa của mình, tự nghĩ: "Con nhỏ kia, mày tông tao đó, tao mà méc mẹ tao là mày chết thôi con!" Nhưng trái lại với tất cả suy tính của tôi, con nhỏ tỉnh bơ như chẳng có gì, nó đứng chống nạnh nhìn tôi một lúc, rồi xoay người, nó chạy lòng vòng nhặt mất củ cà rốt, đưa lên miệng thổi đất phù phù. Cái vẻ ngó lơ tôi, thằng Củi đang ngồi chồm hỗm trước mặt nó làm tôi phát cáu, máu cứ vậy mà dồn lên não tôi, trời ơi là trời, con nhỏ này!

- Không có bẩn, bẩn mẹ mắng mình chết, may quá cơ! - Con bé hồn nhiên cho cà rốt vào túi, thản nhiên lướt qua mặt tôi như một cơn gió thoảng. Nó đưa tay lôi xềnh xệch cái xe đạp nằm chổng chơ, dựng xe dậy đâu ra đó, rồi lại bỏ túi vào trong giỏ, cái điệu bộ làm như chẳng có gì xảy ra. Nó đi qua, đi lại lòng vòng mấy phút đồng hồ mà không thấy tôi, nó không hề thấy tôi!

- Con kia, mày không định đỡ tao dậy hả, mày vừa tông tao đó con quỷ kia! - Tôi hắng giọng, cố làm cho mình ghê gớm bội phần, tôi chỉ vào nó mà công kích gây sự. Làm ra vẻ như nó gây chuyện kinh khủng dữ lắm, tôi cứ vậy được thời kêu la ăn vạ - Mày không đỡ tao dậy ngay, không xin lỗi cho đàng hoàng nghen, tao méc mẹ tao luôn đó!

- Anh có chân có cẳng đàng hoàng, tự đứng lên đi. Mẹ em bảo ngã xong tự đứng lên mới dũng cảm, con trai mà anh nhát ghê! - Con bé cứ trân trân, tôi càng lộn ruột.

- Tao cóc quan tâm mẹ mày là ai đó, mày tông tao, mày biết đường mà đền đi!

Tôi là một đứa trẻ, có thể nói là chẳng ai dám đụng vào. Có thể hồi đó cái lý do khiến tôi bị người ta cho ra rìa nhiều đến thế, ghét bỏ tôi nhiều đến vậy, cũng phân là vì cái tính hay ăn vạ và vòi vĩnh người đời thái quá của tôi. Hồi đó, tôi đúng kiểu cái dạng "con nhà lính tính nhà quan", tôi thích mình là nhất, dần dà chơi với bạn với bè, lúc nào tôi cũng muốn người ta theo cái luật của tôi, theo cái tính của tôi, làm theo những lời tôi nói. Không nghe theo, là y như rằng tôi sửng cồ lên ngay, tôi giãy nảy, chẳng ra đâu vào đâu, cho đến khi người ta xuống nước và nghe theo tôi mới chịu. Cái thói dở hơi này khiến tôi có ít bạn, trẻ con thời đó hay thời sau này thôi, chẳng ai muốn chơi với cái đứa tâm tính lúc nào cũng vòi vĩnh đủ điều, kêu than đủ thứ, không được theo đúng thói là giãy nảy lên ăn vạ. Tôi là loại "công tử bột" chính hiệu, nên thuở ấy, sau cùng, tôi bị bắt nạt, bị gọi là cái thằng bé bám váy mẹ, cái thằng có chuyện gì cũng lôi mẹ mình ra làm bia đỡ phòng thân, không nói nổi một câu lý sự cùn, cứ thuận mồm là "Tao méc mẹ tao!" và lấy lệ làm đỡ, yếu đuối vô cùng, chẳng lên nổi một câu chính kiến. Ngày xưa, tôi vẫn còn nhớ y nguyên cái câu vè châm biếm tôi mà lũ trẻ ca hoài mỗi lần trông thấy dáng tôi lướt qua nơi con dốc ấy:

"Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè bám mẹ

Có đâu còn bé
Mà khóc oe oe

Vấp té bờ hè
Là đi méc mẹ

Con mà có té
Do đá mẹ nghe!"

Ngày cả chuyện tôi có té thật, cũng bị người đời trêu chọc là trước sau gì, cục đá vô tri cũng sẽ gánh nợ gánh nần cho cái lỗi của tôi. Vậy mà thuở đó tôi ngây ngô không hiểu, tại vì sao thuở ấy chẳng ai thương nổi mình. Tôi muốn tìm cách hoà nhập, cũng muốn có bạn có bè dữ lắm, nhưng tìm hoài chẳng thấy được nguyên do, thế là đành thu mình gặm nhấm nỗi buồn, chẳng hay nó lan ra và choáng ngợp lòng tôi như từng đụn lá dày. Nỗi buồn thành lớp thành tầng, tựa như một cây bắp cải, lớp này chồng lớp kia, rồi thành cả một "cây bắp cải" nỗi buồn to và dày lên từng chút. Nỗi buồn chẳng tuổi chẳng tên, đơm rễ cứ dần dà, tôi bảo lần muốn khóc, lệ chực ứa ra, nhưng rồi từ khi nào tôi học cách ngăn nó lại. Tôi sau này chả buồn đau, chả buồn khóc, tôi quên dần với cái phận le loi công tử của mình, rằng sẽ thật khó để kiếm được kẻ yêu tôi, thương tôi trên thế gian này. Tôi mong tình bạn, nhưng rồi tôi lại nghĩ bạn bè tựa phù du. Tôi không khóc nữa, bởi lẽ khi tôi đến tuổi trưởng thành, tôi biết rằng người ta chỉ rơi lệ khi bất lực tận cùng, còn những kẻ rơi lệ chẳng vì lý do đâu cả thì rồi cũng hoá kẻ hèn mà thôi. Và tất nhiên, tôi không là công tử, không là đứa trẻ con bám váy mẹ mãi được. Tôi phải tỉnh, phải lột từng lớp buồn rầ trưởng thành, lớp buồn không có bạn bè, lớp buồn cô độc, lớp buồn ngày em đi.

Ngày đầu tôi gặp em, nói là tôi không hờn, không giận khi xe em và vào tôi là nói xạo. Tôi giận lắm chứ, giận mới ăn vạ em, vì thuở ấy tính trẻ con hay méc vẫn bám vào tôi. Tôi biết khi thấy tôi làm vậy, em chán ngấy tôi ra trò, cũng đúng thôi, em nói tôi là sao anh nhát thế. Tôi thấy mắt em bối rối nhìn tôi, có lẽ em chẳng biết xử trí thế nào khi trước mắt em là một thằng bé gầy nhom giở trò ăn vạ. Em đứng ngơ ngẩn nhìn tôi lăn quá lăn lại từng hồi, đúng là tôi trẻ con thấy rõ. Em gãi đầu nhìn tôi, nhìn cái đứa trẻ năm tuổi mà còn không biết đứng lên sau khi ngã. Để rồi em lẳng lặng đưa tay ra, có thể em biết em lỡ và vào tôi là lỗi, có thể không. Nhưng em đỡ tôi lên, phải chăng là em bất lực lắm rồi.

- Em xin lỗi, anh đừng có méc mẹ anh nữa, em sợ lắm... - Em kéo tôi lên, tay em lấm lem, ống tay dính cát và lạo xạo, nhưng giọng nói lạ kỳ của em không khỏi khiến hồi tôi lao xao đôi chút. Nhưng mà tôi lỡ chảnh rồi, thì phải chảnh đến cùng chứ, tôi đứng phắt lên, phủi đồ từ trên xuống dưới, coi bộ cũng may là hôm đó tôi không bận áo trắng, quần trắng, đồ tôi có nhăn và xước gối chút ít, nhưng đâm ra chẳng hao tổn gì nhiều. Tôi chỉ xước lòng chút ít thôi, vì em với tôi lạ lùng quá, cách nói chuyện thuở ấy và điệu bộ ngó lơ tôi ra trò của em khiến tôi vừa ghét vừa tò mò về cô bé gốc bắc với dáng người nhỏ con mà lanh lợi này. Tôi hếch mắt lên mà rằng:

- May cho mày á, biết xin lỗi là tốt. Chứ mày mà cứ bướng bỉnh ngó lơ, không chịu nhận lỗi hen, tạo méc mẹ cho mà coi...

- Dạ, em xin lỗi rồi còn gì nữa...

Em vẫn thế, chẳng đoái hoài đến tôi chút gì, em trèo lên chiếc xe đạp to xù của em, đảo mắt nhìn quanh một lượt, gió trên tầng cao rơi xuống, hất tóc em bay phất phơ trong không trứng, cái khăn vải màu xanh lơ em quấn quanh cổ cũng bay hoài. Lần đầu tiên tôi thấy trước mắt một cô bé còn khác thường đến bất thường, bởi lẽ con gái quanh tôi khoái diện đầm và kẹp băng đô, hơn nữa giá rẻ nhỏ nào nhỏ đấy trắng như trứng gà bóc. Trong khi con nhỏ thì khác hẳn, da bánh mật, tóc xoăn xù, chẳng có băng đô mà đội sụp một cái mũ tai bèo ở trên đầu, chẳng có váy hoa hay váy thắt nơ, mà lùng thùng trong bộ áo quần rộng trông chẳng khác nào một chú bé trai. Ấn tượng với tôi là một đôi mắt sáng đến vô ngần, một đôi mắt đẹp đến nỗi lần đầu tiên tôi phải ngỡ ngàng. Tôi chưa bao giờ thấy có đôi mắt nào ngây thơ lắm, mà lại toát lên một vẻ kiên định như em. Chợt, em làm tôi giật mình:

- Anh có biết tiệm bánh Hoa Mai ở đâu không?

- Mày hỏi làm chi? Đây, nè, ngày trên đầu mày đó! Cái biển tớ cồ cộ, mày lé hả? - Tôi chỉ cái biển trước cửa nhà tôi, tự hào mà hắng giọng. Ai ngờ con bé thốt lên bình thản mà khiến lòng tôi giãy nảy.

- Mẹ em bảo em đến đây đưa hàng cho cô Mai. Mẹ bảo đến tiệm Hoa Mai, cứ hỏi cô Mai là được.

- Té ra mày tìm mẹ tao hả? Trời, mẹ tao trong nhà đó, tao còn mẹ Mai tao nè! - Tôi nói, chợt thấy có gì đó không đúng lắm. Khoan, dừng khoảng chừng là mấy giây, con bé gái này vừa nói là tìm mẹ tôi để làm gì cơ? Giao hàng!!! Tôi nhảy dựng lên - Vậy mày là con cô Linh hả!

- Dạ, ủa mà sao anh biết tên mẹ em?

- Mẹ mày ngày nào chả đến gặp mẹ tao. Mà á, mẹ mày hiền hoà, thân thiện, cổ thương tao thế nào, thì con cô ngó lơ, xấu nết, lạnh lùng với tao đến thế. Nói thẳng ra á, mày chẳng giống mẹ mày tí nào cả!

- Anh nói linh tinh, ai cũng bảo em giống mẹ em nhất nhà mà!

Con bé nhảy xuống xe, nó giơ chân gạt chân chống cái xoạch. Rồi lững thững, nó ôm túi cà rốt chẳng nói chẳng rằng đi thẳng vào trong tiệm, mặc cho tôi ngơ ngác trong một lòng rối tung như tơ vò hoà cùng nỗi tức giận đằng sau.

- Nè, đứng lại coi! Mày đúng là cái đồ xấu nết, tao nói có sai gì!

o0o

Trái với tôi, mẹ tôi có vẻ khoái con nhỏ này lắm. Bà vừa thấy nó vào, trông mặt nó liền nhận ngay ra là con cô Linh. Thấy cái túi cà rốt trên tay nó, mẹ tôi nhanh chóng tiến đến cầm giúp nó, rồi hỏi han nó đủ chuyện. Nào là đi đường có mệt không, có khó khăn gì không, trong khi tôi cùng cái quần dài đang sứt đầu gối đứng đực mặt như ngỗng ỉa ngay bên cạnh, thì mẹ tôi lại chẳng quan tâm gì. Đúng là chán!

Qua vài câu hỏi han, tôi mới biết con bé này có biệt danh là Rơm, còn tên thật của nó là gì, thì tôi không biết. Mẹ tôi vừa nói chuyện, vừa quay sang tôi, ngỏ ý bảo tôi làm quen với con bé. Nhưng mà tôi vẫn cứng đầu, con bé đó đúng là thật khó ưa, làm sao một lần mà làm quen được luôn. Mặt nó cũng chỉ quan tâm đến mẹ tôi thôi, có quan tâm quái gì đến tôi đâu? Được một lúc, con bé đứng lên chào mẹ tôi, nó xoay người, lại phớt lờ tôi cứ thế tiến thẳng ra cửa.

Từ đó con bé lui đến nhà tôi nhiều hơn. Trái lại với cái ấn tượng xấu ban đầu, tôi dần dần thấy rằng con bé này cũng không có gì quá đáng ghét. Nó cũng bình thường như những đứa con gái khác, chỉ là nó không điệu đà bằng thôi. Và có khi buổi đầu gặp tôi, cũng có thể do nó ngại nên không dám trò chuyện gì với tôi nhiều.

Cứ dần dà, tôi lại dần khoái con bé này hơn, cũng bởi vì nhiều lý do. Phần lớn là do thi thoảng con bé hay mang cho tôi chút quà bánh lặt vặt mà mẹ nó cho nó, hay cũng có thể là bảo nó đưa sang cho tôi. Hơn nữa, tôi bắt đầu thấy ấn tượng với nó, vì ngoài đôi mắt đẹp thuở ban đầu, nó còn có một nụ cười rất duyên. Nó có một cái má lúm đồng tiền ở bên trái, cái kiểu lệch lạc nửa vời như nó trông vậy cũng khá là thú vị.

Mỗi dịp nó sang nhà tôi, dù bắt gặp tôi ở đâu, nó cũng toét miệng cười với tôi. Như thể nó cũng đã quen tôi, dần điều đó khiến cho tôi cũng chẳng ngại ngần gì nữa. Dù cho ban đầu cũng lạ, nhưng rồi sau này mỗi khi thấy nó, tôi cũng quay sang mặt cười với nó thật tươi.

Cứ vậy, nào bánh nào trái, cộng với sự xuất hiện dày đặc như cơm bữa của nó, chúng tôi bất đắc dĩ mà thân nhau, chẳng biết từ độ nào, nhưng tôi nghĩ cũng do trẻ con với nhau thì ghét ít thân nhiều, nào có mấy chuyện thù dai nhớ lâu như mấy kẻ già đầu. Với lại, tôi thấy có nó cũng là cái hay, như thể là một ánh sáng rọi vào tuổi thơ cô độc, nó làm bạn với tôi, gần như là người bạn duy nhất. Lũ trẻ xung quanh thấy nó chạy nhảy vui đùa với tôi, đôi khi cũng thấy ngộ, chúng xét nét đôi phần, nhưng riết rồi lại thôi. Tôi từ thuở nào đã cười vui như thế đấy, có em làm bạn, đứa trẻ năm tuổi như tôi chẳng còn biết cô đơn:

- Làm bạn với mày, vui thiệc á!

o0o

Tôi không biết mình đã chuyển âm thầm trong tâm, từ gọi tiếng "mày" khô không khốc sang thành tiếng "em" ngọt dịu như mía lùi từ độ nào. Có lẽ từ hại chuyện nhỏ con con mà khiến lòng ngây thơ rừng rinh mãi, ngày em đưa tôi sang nhà em chơi, và ngày em chịu đòn cùng với tôi trong một buổi chiều rong chơi dọc những đồi thông xanh bạt ngàn. Kỷ niệm năm ấy, tôi không quên, bởi lẽ từ đấy, tôi nhận ra cái thứ gọi là "tình cảm gà bông" là như thế nào.

- Nè, mày qua nhà tao riết à, hay là hôm nay tao xin mẹ quá nhà mày chơi một bữa!

Hôm đấy, một buổi sáng trời thanh, một luồng sáng trải khắp chân trời xa tắp, vòm trời như tâmd màn ai kéo lên cao thật cao, mây vón vào nhau, lơ lửng, trắng tựa bông mây. Em lại ghé nhà tôi cùng một giỏ trứng gà gói kỹ trong mấy lớp vải dày thật dày để tránh cho trứng không vỡ. Thấy tôi hỏi, em thoáng ngạc nhiên, bởi lẽ tôi chưa từng nói sẽ đến thăm nhà em bảo giờ, chỉ có mẹ tôi quá dăm ba lần ít ỏi. Nhưng nay lại khác, chú bé Củi đòi qua nhà cô bé Rơm, không chỉ là có một chuyến đi chơi xa nhà đôi chút, mà cũng là muốn trông thấy cái mảnh đất đầy hoa trắng, hoa vàng, có rau, có mướp rộng tít nơi xa trong tưởng tượng trước nay là ra sao.

- Chắc cũng được. Nhưng nhà em bé lắm, không có đẹp nữa! - Em gãi đầu ngượng ngập, mà nom sao thật đáng yêu. Nay em cột tóc lên, trông gọn gàng, xinh xắn hơn hẳn.

- Cứ qua thôi, tao đâu coi cái nhà, tao tới coi cái vườn kia! Thôi, đi, để tao xin mẹ nghe!

Thấy tôi xin quá nhà Rơm, mẹ tôi vui vẻ đồng ý liền, nhưng dầu sao, mẹ vẫn dặn chúng tôi nên cẩn thận chút nhiều. Thế là xuôi theo con dốc rời nơi phố, hướng về phía thị trấn nơi rừng thông phía xa xa, một buổi sớm Đà Lạt hoà lòng tôi một niềm hân hoan, gió reo, gió đưa hoa nở, sương vẫn phủ trên những ngọn đồi cao xanh và nhà thờ vẫn rung chuông đính đoong như mọi ngày. Nhưng hôm đó, tôi tự hỏi, liệu là tiếng chuông chùa rừng hay tiếng lòng tôi đang rung lên từng nhịp.

Nhà em nằm dưới chân một con dốc nhỏ, khuất phía sau một cái cây to thật to, mà tôi năm ấy không biết tên là gì. Một ngôi nhà một tầng, mái xanh, trước cửa là dàn hoa hồng leo trắng muốt, nắng về, tôi thấy ong đến dập dờn trên từng cánh hoa trắng, nắng ướp mật phủ lên mặt đường, phủ lên không gian ấm áp, còn ông ướp mật ngọt cho hoa thơm. Nhà em chỉ có một tầng, nhưng xinh xắn và khang trang lắm. Em quay sang nhìn tôi, cười tươi như hoa nở, rồi em đưa tôi vào trong. Ở nhà chỉ có mẹ và bà em, anh trai em đi học, còn ba em chắc đi làm từ độ sớm. Bà em bệnh, cũng do bà lớn tuổi rồi, nên bà nghỉ trong phòng nhỏ, phủ rèm che kín. Mẹ em vẫn vậy, vẫn hiền hoà đón chào tôi và cho tôi biết bao nhiêu quà bánh. Giờ tôi mới nhận ra là em giống mẹ em thật, em cũng hiền hoà, cũng đáng yêu và ngọt ngào như vậy. Nhưng tôi vẫn thích em hơn, đúng chứ, em ngây ngô và gây ấn tượng với tôi ngay từ lúc đầu, bởi ánh mắt, nụ cười má lúm hồn nhiên.

- Nè, mày cho tao coi cái vườn đi Rơm, cái vườn to thật to đó.

Tôi hí hửng, hào hứng lắm chứ! Tôi muốn được trông thấy một khoảng đất thật to đầy rau xanh, đầy hoa nở, trong trí tưởng tượng của tôi, ở đó cũng có một cái chuồng gà dựng bằng gỗ xếp thật to, nơi mẹ em lấy trứng, sẽ là một nơi hoà lẫn giữa rau xanh và nắng xanh những buổi sớm mai lên. Tôi đã ngấm ngầm chắc mẩm như vậy khi theo bước chân em ra vườn hôm ấy, nhưng rồi mọi thứ trước mắt khiến tôi lại thoáng ngỡ ngàng.

Chẳng có một mảnh đất to nào hết, những gì mà ra trước mắt tôi chỉ là một khu vườn bé nhỏ nhưng lại ngập tràn bởi rau. Một khu vườn tùy vậy mà đầy đủ, nào cà rốt, bắp cải, cây to cây bé xen nhau quanh một lối nhỏ lát đá, xen lẫn cỏ non xanh. Hoa cúc trắng trồng trong một chậu đá, kê trên một bờ tường đá hoa. Mặt trời lên cao, rau vừa mới tưới, một ánh nắng rọi, vườn long lanh sáng. Tôi bất ngờ, không phải vì thất vọng, mà vì tôi không hiểu vì sao mẹ em có thể sắp xếp mọi thứ đầy đủ trong một khoảng đất chẳng mấy là bao như vậy. Trong góc vườn, có cả một cái chuồng gà nhỏ con con, phủ rơm vàng ấm áp. Từ cửa sau nhà em, có thể nhìn thấy khu vườn, và hướng mắt tít về phía chân đồi xa xa, tôi nghe gió hát lay động rừng thông, Đà Lạt năm ấy dù có lạnh, nhưng đẹp vô ngần. Tôi loay hoay đi dọc lối nhỏ, theo chân em đi, vừa nghe tiếng em reo vui bên tai, kể tôi nghe đủ chuyện, về cây nọ, cây kia. Tôi thầm nghĩ, khu vườn nhỏ là miếng ăn của cả một gia đình, nhưng không chỉ có vậy, nó là một khoảng trời bình yên mãi, bởi lẽ nơi bậu cửa nhìn ra, mây trắng xen trên vòm trời cao vợi, và từ trong bếp, mùi bánh khoai thơm thật là thơm.

Mẹ em bưng một dĩa bánh khoai ra cho tôi, tôi khoái lắm, bánh nào mẹ em cho cũng đều ngon, nhưng bánh khoai là món bánh tôi ăn hoài không ngán, bởi lẽ bánh không chỉ ngọt, mà còn bùi bùi, thơm thơm. Chúng tôi ngồi bậu cửa, nơi thềm nhà cao, đung đưa chân ngắm khu vườn xinh xắn, tự hỏi mùa mưa bao giờ mới ghé đất này. Tôi ăn ngon lành, rồi trông sang, bắt gặp em cũng đang như tôi, cầm bánh khoai trên tay, bất giác tôi thấy em, cô bé năm tuổi, sao mà đáng yêu quá chừng. Tôi hướng mắt lên những mái nhà phía xa xa, tự hỏi chung quanh sao không có tiếng trẻ con nào:

- Nè, ở đây không có ai bằng tuổi mày hả?

- Không có đâu anh, có mình em thôi à! - Em đáp lời tôi hồn nhiên - Chắc tại nhà em xa quá, chẳng có bạn nào ghé chơi. Em toàn chơi có một mình.

- Vậy là mày cũng như tao rồi, tao cũng một mình... - Tôi nói, chợt lòng trùng xuống nặng nề, và tôi tự hỏi phải chăng tôi lại nghĩ đến cái sự cô đơn trước đó của mình, khi tôi chưa gặp em. Phải chăng hai đứa trẻ, hai tâm hồn cô đơn, khi ta cô đơn đến tận cùng mà lại bắt gặp một tâm hồn cô đơn khác, nếu may mắn ta sẽ có thể làm bạn với nhau và chẳng còn một nỗi lòng cô độc nào nữa. Vậy ra tôi may mắn rồi, phải không? - ...nhưng bây giờ, tao có mày làm bạn với tao nè! Mà á, bạn đầu tao ghét mày dữ lắm, nhưng dần tạo lại thích chơi với mày, lạ ghê!

- Em cũng thấy lạ nữa, chắc tại em không có bạn, anh cũng không có bạn, nên em chơi với anh đó. Dần quen thôi mà!

Em cười, ánh mắt trong ngần, tựa như in trong mắt em ánh sáng của thuở sương rơi nơi thành phố ngàn hoa. Hôm đó, ánh mắt, nụ cười và giọng nói của em rơi vào không gian thanh vắng, rơi vào nắng gió lao xao, và phải chăng, bóng em rơi vào lòng chú bé ngây thơ mơ mộng.

o0o

Đà Lạt là thành phố của hoa, của tình, và của những rừng thông xanh bạt ngàn. Thuở ấy tôi yêu những rừng thông, Tôi yêu những màu xanh của lá reo và những buổi chiều lang thang trên ngọn đồi, nhìn lên trên cao, tôi thấy từng vòm lá xanh và dưới những vạt cỏ đẫm sương, mấy quả thông già rụng đầy. Hướng mắt ra xa, là thấy cả một nhà thờ lớn với quả chuông đồng vang reo, thấy phố phường mái ngói xanh đỏ chen nhau, thấy những chấm li ti hoa nở, thấy trời xanh ngắt một màu trong.

Hôm ấy, em rủ tôi đi lên đồi ngắm cảnh rừng thông. Ở xa đã quen chốn phố phường, nay được theo em lên nơi đồi cao vợi, tôi thích lắm. Tôi chẳng từ chối, bánh xe xoay vòng hướng chúng tôi về phía xa xa, rừng thông xanh mời gọi, trên đỉnh kia có mặt trời tròn xoe rực rỡ. Đường lên đồi quanh co, nhưng chẳng thấy đến một bóng người, chỉ có tôi và em đi mãi, xuyên qua những hàng lá đổ, nắng dệt thành những ô vàng, tôi đưa mắt lên cao, sáng thanh bình như lòng tôi êm dịu. Em trong chiếc mũ xanh, đưa tôi đi, gió vờn tóc em, mái tóc vàng tựa nắng. Gió trườn qua những vòng xe quay, lạch cạch, lạch cạch. Đồi chẳng còn cách chúng tôi bao xa. Chỉ có điều chúng tôi chẳng ngờ được:

- Con Rơm kia mà, nè, con quỷ đầu vàng, nay mày đưa ai đi cùng vậy hả!

Tôi thấy một lũ trẻ độ ba người, trông có vẻ đến từ trường tiểu học gần đó, thằng nào thằng nấy to cao và áo quần xộc xệch, trông như lũ bắt nạt thành nghề. Tôi khẽ run lên, thằng lớn nhất chỉ về phía tôi và em, khiến em bất ngờ dừng xe lại. Trước sự sợ hãi của tôi, em gan lì đến bất ngờ, tôi thấy dáng em bé con bước xuống từ chiếc xe đạp, và chẳng hãi là gì, em đưa mắt nhìn về phía bọn trẻ to xác kia:

- Mấy anh tránh ra cho em!

- Đúng điều nào luật đấy nha mày, đừng có mà lớn giọng với bọn tao! Muốn qua á, thì bánh kẹo, bi ve, giao hết ra rồi tao cho qua! - Thằng cao kều nhất cả bọn cầm cái thước kẻ dài, chỉ thẳng vào Rơm mà công kích, tôi thoáng thấy mắt em nhăn lại.

- Em không có mang gì đâu! Nào có, em mang sau!

- Không giỡn nha mày, có thì qua, không có thì thôi! Lượn về!

Tôi đâm cáu. Bởi lẽ vừa nói, thằng bé kia vừa cầm cây thước gõ vào đầu em đau điếng, trong khi hai thằng bé khác đứng đằng sau chắn ngang đường chúng tôi. Tôi chẳng biết cái lũ này mọc từ đâu ra như nấm, nhưng cái việc chúng nó chắn ngang đường tôi và em, dù cho chúng tôi chẳng có ý xấu gì khiến cho tôi cảm tưởng như máu nóng đang dần trào dâng lên. Bọn nó còn dám em đau, vậy tôi làm sao mà chấp nhận được! Tôi dựng xe lên, nhảy xuống, mặc cho em ngỡ ngàng, tôi chỉ thẳng vào mặt bọn nó mà kêu lên:

- Có ra không thì bảo! Bọn tao chỉ lên trên đồi thôi, đâu có liên quan đến bọn mày! Thôi ngay cái trò này đi, đừng có làm đau Rơm!

- Thằng này, mày gan gớm, mày bảo vẹ cái con đầu vàng này...

- Không được nói như vậy!

Tôi tức giận, và cứ thế nhảy lên, trong lòng sôi sục, tôi mặc thân thể còm nhom yếu đuối, lao vào đẩy thằng trùm sò ngã lăn quay ra đất. Lúc đó đầu tôi chẳng có gì, nó đụng đến em, tựa như đụng đến chú bé Củi năm ấy, khiến tôi xù lông mặc mình mà nhảy dựng. Nhưng tôi đâu hay thằng bé kia cũng chẳng phải dạng vừa, nó lăn quay, rồi nhanh chóng bò dậy, cứ thế mà lao thẳng về phía tôi, túm lấy áo mà vật tôi xuống. Mặc cho tiếng hét của Rơm, tôi bị nó dần cho một trận nhừ tử, mặt tôi sưng húp còn xương thì đau nhừ, như vỡ ra làm từng mảnh. Tôi muốn khóc, nhưng rồi nghĩ đến em, tôi cố vùng lên, giãy giụa. Nhưng rồi tôi bất lực, ánh sáng trước mắt tôi nhoè đi, đầu tôi mụ mị, tự hỏi phải chăng đã đến lúc tôi phải chết hay sao. Mũi tôi chảy máu, máu dọc xuống họng tôi tánh nồng, đắng ngoét.

Giây phút ấy, giây phút tôi tưởng chừng sẽ chẳng còn thấy một tia sáng nào hơn nữa, chợt tôi thấy thằng nhóc kia buông tôi ra và che mặt đau đớn, hai thằng nhóc còn lại cũng vội vã chạy đi. Tôi nhận ra, là em, em cứu tôi!

- Thả anh Củi ra!

Có lẽ trong cơn hoảng loạn, em vô tình lấy được một cành cây khô bên đường, tựa như có cứu cánh, em tiến tới đập liên hồi vào tên bắt nạt, khiến nó sợ hãi đưa tay lên che mặt rồi đau đớn chạy mất dạng. Tôi thấy nước mắt tràn trên mặt em, em khóc thương tôi. Để khi chỉ còn lại hai người, em níu vạt áo tôi khóc nghẹn, em nói em không muốn lên đồi thông chơi nữa, em lo tôi đang "nguy kịch". Em quyết đưa tôi về, dọc đường, tôi thấy vài em run run, em như cố nín hoài mà không được.

Tôi không bị mẹ quở trách gì nhiều, mẹ tôi chỉ lo lắng đỡ tôi vào, trong khi tôi quay lại thấy em lấp ló sau cánh cổng nhà tôi, trên mặt em vẫn tràn nước mắt và áo quần em lấm lem, nhưng em lo tôi hơn tất thảy. Nhưng từ hôm ấy em không tới nhà tôi nữa, cô Linh, mẹ em, lại trở về với công việc thường ngày của mình. Gặp cô, tôi cũng vui, nhưng sao lòng trống vắng, tôi vẫn hoài chờ hình bóng em. Một ngày, hai ngày, rồi một tuần qua đi, tôi nhớ em lắm, không có em làm bạn bè, tôi lại quay lại vòng xoáy cô đơn. Tôi hỏi cô Linh về em, nhưng cô chỉ cười với tôi đầy gượng gạo, cuối cùng cô thở dài nói với tôi, hôm đó trở về, em bị ba em phạt hai roi, đau điếng. Cô còn bảo, ba em quyết định sẽ dạy võ cho em nữa kia.

- Trời, con gái chân yếu tay mềm, sao tập được võ hả chị? - Mẹ tôi lộ rõ vẻ băn khoăn trên gương mặt, dù sao Rơm vẫn còn quá nhỏ để học võ.

- Tôi cũng biết là như thế, nhưng tôi nào có nói được ông ấy đâu. Dù sao, con gái biết chút võ phòng thân vẫn hơn chị ạ.

Tôi không quan tâm đến việc em phải học võ ra sao, tôi chỉ thương em chịu đòn đau đớn. Và tôi buồn, buồn vì nhớ em, lòng tôi trĩu nặng, bao giờ mới được thấy em vui cười.

o0o

Một tháng trôi qua không thấy em, tôi chỉ thấy bóng dáng cô Linh quá, nhưng thông tin về em ngày càng vơi dần, chỉ là vài câu em vẫn khoẻ từ cô thôi, chẳng có gì thêm. Biết bao lần tôi đã muốn trốn mẹ sang nhà em chơi, nhưng rồi mẹ tôi luôn phát hiện và bảo rằng tôi không nên quá đó nữa, bố em nghiêm khắc dữ lắm, tôi qua, lỡ có chuyện lại không hay. Biết là vậy, nhưng nỗi buồn và cô độc dâng ngập lòng tôi. Tôi muốn thấy dáng nhỏ bé của em thêm một lần thôi mà sao quá khó, chỉ vì chuyện đánh nhau của tôi mà mọi chuyện xảy ra khiến tôi chẳng ngờ tới được.

Từng tháng trôi qua, tôi vơi dần hi vọng, cho đến ngày kia, một sáng buồn, khi tôi trông thấy mẹ tôi và cả ba tôi nữa, trong những chiếc áo đen và gương mặt thoáng nét u sầu trên mi mắt, mẹ kéo tôi lại gần bên và bảo tôi thay đồ đen theo mẹ. Tôi hoang mang không hiểu, tại sao lại phải mặc đồ đen, tại sao lại phải đóng của tiệm vào sáng sớm hôm ấy? Chúng tôi sẽ đi đâu?

- Củi nhỏ, nay chúng ta đến nhà Rơm... - Mẹ tôi ngập ngừng.

- Thật sao mẹ! - Tôi hí hửng, nhưng rồi ngơ ngẩn khi mẹ tiếp lời.

- Không phải đi chơi đâu con. Bà của Rơm mất rồi, nay, nhà ta đi đám tang, gặp bà lần cuối...

Tôi sốc nặng, hoá ra tôi qua không phải để vui cười cùng em, không phải là để một lần nữa ngắm em cười với đôi mắt trong veo, cùng em ăn bánh. Tôi đến trong tiếng người khóc than, trong tiếng kèn trống nỉ non, trong màu trắng có tang. Vẫn là cánh cửa xanh cùng những bông hồng trắng ấy, mà sao không khí bao trùm thật quá nặng nề. Trong dòng người qua lại viếng tang, tôi kiếm tìm em, cô bé nhỏ của tôi, để rồi thấy nơi bậu cửa sau vườn, nơi tôi cùng em ăn bánh khoai, nơi em cười với tôi với một chiếc má lúm bên trái, nhưng lần này lại khác. Em hướng mắt nhìn ánh trời xa tắp, nước mắt em lại rơi, em trong chiếc áo đen buồn tủi mà cô độc. Thấy tôi, em chạy lại ôm lấy tôi khóc oà, tôi hiểu, mất đi người mình luôn thương yêu là điều đau đớn nhất. Chỉ là, tôi không hay, tôi cũng sắp mất đi người tôi thương.

o0o

Em rời đi, tôi không biết là từ độ nào, em âm thầm bước ra khỏi cuộc đời tôi, không một lời hứa hẹn, không nói với tôi một câu gì. Em bỏ Đà Lạt mà đi, để lại ngôi nhà với khu vườn xinh xắn, để lại đồi thông xanh, để lại cơn gió rì rào và lòng tôi ngổn ngang. Chẳng biết em đi từ khi nào, chỉ biết em để lại nơi tôi một nỗi buồn, khiến tôi khi trưởng thành vẫn hoài tìm em, cho đến tận bây giờ.

Sáng hôm ấy, tưởng chừng như một sáng tinh mơ như mọi ngày, nhưng khi tôi mở mắt, đã thấy mẹ tôi ngồi bên, mẹ thoáng buồn, mắt mẹ trùng xuống và tưởng chừng như mẹ đang cố tìm niềm vui đánh rơi dưới sàn nhà mà chẳng được. Thấy tôi ngơ ra, mẹ vuốt tóc tôi nhẹ nhàng, rồi để tôi tựa vào lòng mẹ, mẹ nói trong nghẹn ngào:

- Nhà Rơm chuyển đi rồi còn ạ. Đi xa lắm, về Hải Phòng kia. Bà và ông của Rơm được đưa về đó, đó là quê hương của ông bà em ấy, nên gia đình em chuyển về để lo cho phần mộ gia tiên, cũng vì muốn cho em có điều kiện học tốt hơn nữa...

Tôi oà lên khóc, không, sao lại như vậy, sao Rơm lại rời xa tôi? Gặp nhau chưa được bao lâu, em là người bạn duy nhất của tôi, là tình cảm nhỏ nhoi đơn thuần mà trong sáng của tôi. Tôi còn chưa được cùng em lên đồi thông, chưa được cùng em đi học ngày đầu, mà rồi em để lòng tôi dở dang đến thế? Em đi, rồi còn tôi ở lại, biết dựa vào ai? Rồi còn ai cười với tôi, bảo vệ tôi nữa?

- Mẹ biết con rất buồn, Củi à... Rơm cũng buồn lắm, cô Linh bảo, Rơm khóc quá chừng, nó không chịu rời Đà Lạt, còn đòi cho con đi cùng. Nhưng mà...

Vậy là hết, một tuổi thơ ngắn ngủi, cô bé đến rồi đi, tựa như một cơn gió thoảng qua đời tôi, đem hương hoa mật ngọt vào đời tôi dịu mát, để rồi qua đi thật vội vàng. Mẹ đưa lại cho tôi chiếc mũ tai bèo của em, trong đó, tôi thấy có một quả thông, thay lời hứa hẹn cùng tôi lên đồi thông của em năm ấy. Và, một bức tranh, tranh vẽ chì đơn giản mà em vẽ tôi. Tôi không biết đã bao ngày tháng tôi trông bức tranh mà khóc, mà buồn.

Sau này, năm mười sáu tuổi, tôi có cơ hội đến đất cảng do ba tôi chuyển công tác đến hải cảng lớn của Hải Phòng. Tôi đã đến nơi em sống, nhưng rồi tìm hoài vẫn chẳng thấy em, vì ta xa nhau khi ta còn quá nhỏ, tôi chẳng biết khi lớn lên, cô bé năm ấy bên tôi ra sao. Tôi chờ hoài, chờ mãi, tìm hoài, tìm mãi, đến năm nay tôi tròn hai lăm tuổi, tôi vẫn hoài tìm em, người con gái bây giờ chắc cũng quá tuổi đôi mươi chút ít. Tôi vẫn tự nhủ, sẽ tìm thấy em một ngày không xa, để được trông ánh mắt và nụ cười ngày xưa thêm một lần nữa.

o0o

- Trời ơi, đau! Con Cám, tao nhờ mày chải tóc cho tao chứ đâu có nhờ mày bứt tóc tao đâu!

Chuyện là Nhân Mã, với cái đầu vàng như rơm cháy, rối tung, bù xù đến nỗi phải nhờ Song Tử "ra tay cứu giúp" để đi làm cho nó đàng hoàng tử tế. Ai dè, Song Tử tiện tay bứng luôn trên đầu nàng ta được ba sợi tóc bạc, trắng tựa như cước.

- Khiếp, quả đầu rơm khô mà cũng lòi tóc bạc ra được thì tao cũng đến chịu!

Song Tử bặm môi mà chải tóc, đúng hơn, nàng đang oán thán cái mái tóc xù đến bất trị của Nhân Mã. Rõ là khổ, cái lược bí mới mua gãy đến thế là cùng, từ nãy đến giờ, cái lược cũng mẻ mất vài răng! Thế mà đầu vẫn chưa mượt là bao, chỉ nghe tiếng người kêu lên oai oái:

- Mẹ mày chứ, nhẹ cái tay thôi! Mày định lôi từng đầu tao ra đấy hả!

- Lôi được tóc bà ra đã là hay lắm, đỡ phải chải cái nồi tổ quạ, phí tiền lược ra! - Con cá bống ló mặt từ sân phơi, sau khi thản nhiên vắt cái quần đùi còn ướt sũng và đôi giày chẳng mấy thơm tho lên dây, hong sao cho khô bớt. Yết là vậy, được đà trêu là hăng lắm! - Cạo đầu đi, vừa mát vừa đỡ mất công!

Yết nói đầy trêu ngươi, để rồi để tránh cho quả mìn điên phát nổ, cậu co giò chuồn nhanh như một cơn gió, để lại đằng sau một tiếng gào ầm ĩ váng cả khu tập thể:

- Mày có tin tao phi dép vào cái miệng vô duyên của mày không hả Yết!




















Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro