86

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mẹ anh không ngờ lại gặp bạn cũ ở bệnh viện.

Dì nói với bố cậu đây là bạn cũ thời cấp 3, thực ra thì thân thiết hơn quan hệ bạn học nhiều. Trọng Quang là một trong những người bạn tốt nhất của dì thời cấp 3.

Dì là lớp trưởng, chú ấy là lớp phó, ngồi sau lưng dì, bình thường hay than phiền "Sinh hoạt cũng bắt tớ làm, chức vụ cậu thì to nhất, đố cậu đi đâu tìm được người bạn tốt như vậy đấy", sau đó tiếp tục hì hục giúp dì. Dì luôn thấy áy náy nên hay mang bánh ngọt nhà làm chia cho hai cậu trai bàn sau. Hồi đó mẹ dì là giáo viên, chưa mắc bệnh tuổi già, đầu óc tỉnh táo tính tình dịu dàng, nấu ăn ngon đáo để. Chú Trọng Quang hay bảo bạn cùng bàn của mình chả làm gì chỉ ngồi mát ăn bát vàng, đúng là hưởng ké ánh sáng của chú.

Bạn cùng bàn của chú ấy tên là bạn trai, chồng, chồng cũ sau này của dì Dân.

Trọng Quang biết dì thích bạn cùng bàn của mình. Trẻ người non dạ không giấu được tâm sự, cần có một người bạn để giãi bày, chú là người bạn mà dì có thể dốc bầu tâm sự, thậm chí còn giúp nói xa nói gần tìm hiểu suy nghĩ của bố Xuân Trường. Nhưng chú chả ủng hộ họ, chú nói là ông ta mưu mô xảo quyệt quá, không hợp với dì.

Thế rồi khi dì và ông ta đến với nhau, nhóm nhỏ 3 người bàn trước bàn sau tức thì tan rã. Trước đây ông ta và chú thân nhau lắm, nhưng về sau bỗng tranh chấp cãi vã.

Có dạo dì khó hiểu lắm, sao hai người đang bình thường tự dưng cạch mặt nhau. Mãi sau dì mới biết người yêu mình tưởng chú Quang cũng thích dì và biến thành tình địch ngầm, dì dở khóc dở cười mà chẳng biết giải thích làm sao.

Thời còn trẻ dì tin rằng mâu thuẫn chỉ là nhất thời, cảm xúc mới là vĩnh cửu, bạn bè chẳng chia cắt, người yêu chẳng lìa xa. Sau này mới hiểu thời gian không ngừng chảy trôi, tất cả mọi người đang chạy về phía trước, tất cả rồi sẽ đổi thay.

Sau khi tốt nghiệp chú Quang ra ngoài Huế, chẳng liên hệ với dì nữa. Thành tích xuất sắc, quan hệ rộng rãi, nghe nói cuộc sống thuận buồm xuôi gió lắm. Còn dì và bố anh, xoắn bện giằng co hơn chục năm, cuối cùng tiêu điều xơ xác.

Dì không liên lạc mấy với bạn học cũ, thời trẻ là vì mọi người bận rộn, sau này là vì cố tình lảng tránh. Sau khi ly hôn, có một quãng thời gian rất dài dì ấy rơi vào trạng thái nửa trầm cảm, trước mặt con trai cố duy trì năng lượng tích cực, nhưng thực ra đã chôn vùi tất cả mọi thứ liên quan đến chồng cũ.

Về sau qua vòng bạn bè dì gián tiếp biết được, bố anh nối lại tình xưa với bạn thân thời cấp 3, nhờ vào quan hệ của đối phương ra nước ngoài làm ăn.

Từ đó về sau, ngoại trừ nghĩa vụ nuôi dưỡng thực hiện định kỳ thì dì cũng không còn thấy tin tức mới của đối phương nữa.

Mãi đến năm nay, cô lại thấy tin tức thông qua vòng bạn bè người bạn ra nước ngoài với chồng cũ bị bệnh nghiêm trọng lắm, chẳng biết còn cố được bao lâu nữa.

Người bạn đó chính là Chú Quang.

Chú trên giường bệnh và Trọng Quang năm 18 tuổi như hai người khác nhau, nếu không gặp bạn bè đến thăm bệnh trên hành lang thì dì chẳng nhận ra nổi.

Cảnh tượng bàn trước bàn sau cười ngả nghiêng mỗi lúc giáo viên pha trò như mới ngày hôm qua, chớp mắt họ đã đến tuổi trung niên rồi.

Chú Quang thấy dì thì ngạc nhiên lắm, vịn tay ngồi dậy nhưng chẳng nói lời nào. Dì mở miệng trước, hỏi bạn mình sao tự dưng về nước. Chú ta chỉ vào đầu và bảo: "Lòi ra cái của nợ này, di căn rồi không điều trị nổi, được ngày nào hay ngày đó thôi. Ở nước ngoài lâu cũng chán nên muốn về."

Chú ta im lặng hồi lâu, vừa cười vừa bảo: "Không muốn chết nơi đất khách quê người."

Vì câu ấy mà dì nán lại trong phòng chưa xuống ngay. Hàn huyên dăm ba câu dì vội vàng xuống tầng, thứ nhất vì mấy năm nay mẫn cảm mau nước mắt, không chịu được chuyện đau buồn. Thứ hai dì sợ ngồi lâu quá sẽ chạm mặt chồng cũ.

Trọng Quang về nước, chắc chắn ông ấy cũng ở đây.

Lúc mẹ anh trở lại tầng dưới, bố đang làm thủ tục xuất viện, Minh Vương xách cái túi vải xủng xẻng của ông đang kể chuyện cười làm ông ngặt nghẽo mãi. Con trai cưng của dì khuỷu tay vắt áo của ông đứng bên cạnh, mặt viết đầy chữ "Truyện cười chán ẻ", nhưng khóe miệng không kìm được vểnh lên.

Cảnh tượng ấy giúp tâm trạng dì dịu êm đôi chút.

Dì toan cất bước đến gần, điện thoại bỗng rung lên, nhận được một tin nhắn đến từ chú Quang. Tin nhắn vừa mới thêm, nội dung bên trong chỉ có một câu ngắn ngủn: Cảm ơn đã tới thăm.

Dì dừng bước và trả lời: Có gì đâu, bạn bè bao nhiêu năm rồi, cậu nghỉ ngơi chóng khỏe, đừng nghĩ ngợi nhiều.

Sau đó đối phương không trả lời nữa.

Khoảng thời gian này hằng năm là lúc bận rộn nhất của bố Minh Vương. Tài khoản vốn, tài khoản khách hàng, mỗi một mắt xích đều dễ xảy ra vấn đề, xã giao liên miên, móc nối bên này, chạy chọt bên kia.

Từ lúc sắp xếp cho bác Tư xong, ông không ngơi điện thoại phút nào, gọi điện nhắn tin hết người này đến người nọ. Dù bước vào khoảnh sân trước nhà bác Tư, ông vẫn một mắt nhìn chân một mắt dán vào điện thoại.

Minh Vương đã định sẽ tìm lúc nói với bố một câu rằng bài vở ngày càng nhiều lên, mà ký túc xá tắt đèn sớm quá, cậu và anh cậu muốn thuê nhà cạnh trường.

Thực ra chưa kí hợp đồng, nhưng với kinh nghiệm nhiều năm của cậu thì làm trước nói sau mới là phương pháp đối phó với bố.

Kết quả ông chẳng nhín ra được tí thời gian nào để chuyện trò cả, Minh Vương đành đẩy vấn đề này ra sau.

Ở bệnh viện Xuân Trường đã để ý mẹ mình có vẻ ủ ê rầu rĩ, nhịn suốt dọc đường về cuối cùng cũng phải hỏi: “Mẹ sao thế?”

“Hả?” dì lơ đãng, suýt tí nữa vấp phải bậc cửa phòng bếp. Di lúng túng vịn cửa, giải thích cho con: “Mẹ không sao, dạo này nguồn thu nhập từ vốn xảy ra vấn đề, không xin được giấy phép, lằng nhằng mãi nên hơi oải. Ban nãy ở bệnh viện lại gặp bạn cũ nữa, nên hơi khó chịu.”

“Bạn nào ạ?”

“Mẹ nói con cũng không biết.” Dì cười bảo: “Chờ hôm nào rảnh mẹ lôi ảnh tốt nghiệp ra cho con xem, có khi chính mẹ cũng chẳng nhớ hết được ấy chứ, lâu lắm rồi không liên lạc.”

Xuân Trường gật đầu, bỗng nghĩ đến ảnh tốt nghiệp có cả bố mình bèn sầm mặt nói: “Để sau đi ạ.”

Dì nhìn cái bản mặt như bún thiu, ngập ngừng mãi cuối cùng bất đắc dĩ vỗ vai hắn và bảo: “Con với bé Vương chơi đi, mẹ vào bếp nấu đồ ăn cho các con.”

“Nấu làm gì cho bận người hả dì, mình gọi đồ ăn ngoài đi ạ.” Cậu nhỏ thò đầu vào bảo.

“Không tin tay nghề của dì à?” Dì cười đeo tạp dề.

Cuối cùng tay nghề của dì không được phô bày, bốnvừa gọi điện vừa vội vã gọi dì ấy ra, hai người chạy sang khu công nghiệp thành phố.

Nguyên liệu đã bày đầy đủ, bỗng nhiên không còn tay cầm muôi nữa, Minh Vương và Xuân Trường nhìn nhau. Bác Tư vén tay áo định ra trận nhưng bị hai chàng thanh niên kéo về giường.

“Bác sĩ bảo rồi, ông bị huyết áp cao, dễ xuất huyết và dễ tắc động mạch.” Xuân Trường không chịu nói khéo, bật tivi và đắp chăn cho ông: “Nằm im đi ạ.”

Minh Vương kéo hắn: “Anh lựa lời tí đi, đừng làm ông sợ tới mức nhập viện.”

Anh chỉ ông và bảo: “Em nhìn ông xem có giống như sợ không?”

Ômg dùng dằng toan hất chăn ra: “Năm xưa tôi đi lính, đạn bay sát da đầu còn chả sợ, có tí bệnh vặt bõ bèn gì.”

Minh Vương: “…”

Cậu ngẫm nghĩ rồi giật chăn khỏi tay ông, dém cho thật chặt: “Ông ơi, cạnh nhà con có một bà lão bị huyết áp cao, đang nằm trên giường ngồi dậy cái bỗng dưng choáng váng, rồi qua đời luôn.”

“…”

“Bệnh này không được để mệt, không được lo âu. Hôm nay con nói chuyện với một chị y tá, chị ấy bảo phòng bệnh bên cạnh có ông lão tắc động mạch dẫn tới mắc bệnh Alzheimer, có một ngày gặp chuyện bực mình thế là tức lên cái rồi giờ nhớ nhớ quên quên.” Minh Vương bảo: “Ông ơi vừa nãy ông nóng nảy quá.”

“…”

Ông cứng đầu, sợ biến thành đồ ngốc hơn là chết, ngoài miệng mắng ranh con, nhưng cơ thể lại nằm im thin thít.

Minh Vương còn định nói tiếp, Xuân Trường lập tức bịt miệng cậu, kéo cái đứa ranh con dọa dẫm người khác vào bếp.

“Nói vớ nói vẩn nữa là nhập viện thật đấy.” Xuân Trường nói.

“Ưm ưm ưm.” Cậu chủ nhỏ đang bị hắn bịt miệng nói không nên lời, bèn chu môi hôn chụt lòng bàn tay hắn.

“…”

Xuân Trường ngứa ngáy trong lòng, bỗng rụt tay về, Minh Vương thì vịn bàn cười ranh mãnh.

“Em đâu có nói vớ nói vẩn, y tá bảo vậy với em thật mà, nguyên văn luôn.” Minh Vương nhảy lên ngồi trên bàn, nhìn nguyên liệu đã sẵn sàng bèn hỏi: “Nhiều đồ ăn thế này phải làm sao giờ? Hay là hai đứa mình nấu nhá?”

Anh nghi ngờ nhìn cậu: “Em biết nấu cơm?”

Minh Vương ngập ngừng bảo: “Biết chút chút.”

Cậu nhỏ thuộc phái hành động, nói là làm luôn. Cậu nhảy xuống rửa tay và bảo: “Anh bắc nồi đi, em thái đồ cho. Dì định xào kiểu gì ấy nhở?”

“Chua ngọt.” Xuân Trường đáp.

“Ok, chờ tí.” Minh Vương đứng trước thớt, tay ấn lên chồng cải thảo đã sắp sẵn, tay còn lại cầm dao lên.

Xét thấy trong tay người nào đó có hung khí, Xuân Trường không dám dời mắt, tựa bàn quan sát cậu. Và hắn trơ mắt nhìn cậu nhỏ xén hai phát với trạng thái như đi trên dây, không nói đến chuyện miếng ngắn miếng dài, phát thứ ba căn đúng đến đầu ngón tay luôn.

Mình điên rồi mới tin em ấy.

Xuân Trường thầm nhủ.

Hắn giữ lấy người nào đó, rút dao ra bảo: “Cửa ở kia, đi ra ngoài.”

Minh Vương đứng sau lưng hắn thò đầu ra ngó: “Ấy tại em chưa quen thôi, anh cho em thử lại đi mà.”

“Anh không muốn ăn cải thảo xào ngón tay.” Xuân Trường thờ ơ bảo: “Xê ra.”

“Thế anh biết nấu à?”

Đương nhiên biết rồi, hắn đã quen tự lập, không giống Minh Vương có người lo cơm nước, lúc hắn ở nhà một mình toàn tự làm cả, nhưng hắn không đủ kiên nhẫn để nghiên cứu nấu ăn, thế nên kỹ thuật thường thôi, chỉ tới trình độ “ăn được”.

Nuôi sống hắn thì không thành vấn đề, nhưng thỏa mãn nhóc kén ăn nào đó thì có chuyện đấy.

Xuân Trường thái rau xong, căng mặt chuẩn bị kiên trì đến cùng, ngoài sân bỗng vang lên tiếng kẽo kẹt, chú câm xách hai cái túi tới giải cứu hắn.

Chú ấy mới từ cửa hàng tiện lợi về, dọc đường mua đồ, thịt băm, hành và gừng, chuẩn bị làm để tủ lạnh, đói bụng thì lấy ra ăn.

Xuân Trường không nói hai lời, băm nhừ cải thảo vừa thái, bảo chú câm trộn vào với thịt, làm nhân bánh xong rồi ba người bèn ngồi trong bếp gói bánh.

Cậu chủ nhỏ vẫn lóng nga lóng ngóng, nhìn chăm chú động tác gói của anh, thỉnh thoảng còn giữ tay hắn cưỡng ép tạm dừng.

Cậu nhét nhân bánh không nhiều quá thì lại ít quá, hoặc lòi tòi phòi hoặc dẹp lép, trông chả ra làm sao. Ấy thế mà vẫn sĩ diện: “Vỏ bánh cứng quá chả dính tí nào. Ở nhà tự cán bột cơ, gói dễ ơi là dễ.”

Xuân Trường không thèm hùa theo mà bảo: “Của anh đều dính được.”

“Nhân bánh hư thế cứ nháo nhào suốt.”

“Của anh ngoan lắm.”

“…”

Cậu vừa cố gắng phá anh cậu vừa nỗ lực cải tiến kĩ thuật của mình, sau khi gói cả đống vặn vẹo thì rốt cuộc cũng có một cái ra dáng. Cậu nâng sản phẩm trong lòng bàn tay, nói với anh: “Chụp cho em với con em phát nào.”

Xuân Trường: “….”

Không còn mấy vỏ bánh, chú câm đứng dậy đi rửa tay nấu nước, chẳng ai để ý tới họ cả. Xuân Trường rút khăn giấy lau tay, giơ điện thoại nhắm vào Minh Vương, lúc ấn nút chụp ảnh bèn nói nhỏ: “Anh không nhận đứa con này đâu.”

Khi chú câm nấu nước quay về, phát hiện cậu nhỏ không làu bàu nữa mà ngoan ngoãn gói nốt cái bánh cuối cùng, cẩn thận nghiêm túc như đang làm hàng thủ công mỹ nghệ, chẳng qua cổ hơi đo đỏ.

Bố và dì vội vã quay về, định bụng nhân lúc trời mới chớm tối, nấu cho xong nguyên liệu bị bỏ lại ở bếp, không ngờ vừa vào cổng đã ngửi thấy mùi thơm.

Bác Tư khoác áo lọ mọ đi ra, gọi cả hai vào phòng khách: “Về đúng lúc đấy, hai đứa nó phụ chú nó làm bánh.”

“Hai đứa hả?” Trần Minh Tuấn không thể tin nổi: “Bác chắc chắn là cả 2 đứa đều gói chứ?”

“2 đứa luôn, bé Vương học cả buổi đấy.” Bác Tư bảo.

Đống con cháu của Minh Vương trong nồi hiện rõ nguyên hình, nhiều đứa tan xác lắm, nước nấu sắp biến thành canh cải thảo rồi, nhưng chú câm vẫn hớn hở vớt ra bày đầy đĩa bưng lên bàn.

Căn nhà nhỏ hiếm khi đông đúc, ba thế hệ lần đầu tiên ngồi ăn một bữa cơm nóng hổi với nhau, giây phút ấy quả tình ấm áp vô ngần.

Ông lôi bình rượu lâu năm dưới gầm giường ra, rót ba ly uống với bố cậu và chú câm. Rượu vào lời ra, ông bắt đầu chọc ghẹo: “Vương à, phải luyện gói nhiều vào, nếu không sau này chả lừa được vợ về nhà đâu.”

Bố Minh Vương suýt tí nữa sặc rượu, cười ngả nghiêng.

Cậu nhỏ há mồm định nói gì đó nhưng cuối cùng chỉ ậm ờ rồi cúi đầu cắn bánh. Thực ra cậu định bảo “Thế thôi khỏi lấy”, nhưng Xuân Trường khẽ đụng giày cậu, thoáng cái lý trí trở về và nuốt lời này lại.

Không phải cậu sợ, nếu chỉ là chuyện của riêng cậu thì cậu chả sợ, comeout luôn trước mặt mọi người cậu cũng dám, cùng lắm thì bị đánh lên bờ xuống ruộng thôi.

Nhưng còn Xuân Trường nữa.

Chỉ cần dính dáng đến anh, cậu bỗng trở nên nhát chết.

Chân Minh Vương cọ vào Xuân Trường dưới bàn, cậu cúi đầu ăn vài miếng, làm như không có gì chơi điện thoại một lúc. Đợi tới khi người lớn trêu đủ rồi cậu mới ngẩng lên, kết quả phát hiện mấy cái bánh lòi tòi phòi nhờ bàn tay thần thánh của cậu đã được anh gắp lên ăn hết.

Mắt cậu giật nhẹ, vội vàng cúi đầu xuống, trái tim tê rần.

Bữa nay chẳng hề thịnh soạn, nhưng họ ăn lâu lắm. Bố cậu tửu lượng sâu như biển mà cuối cùng cũng ngà ngà say. Ông rót hết giọt rượu cuối cùng, nâng ly cụng với bác Tư và chú câm, bỗng nhiên hưng chí mở miệng nói: “Tôi với dì nó định trước năm mới chọn một ngày, mời người thân và bạn bè ăn bữa cơm, toàn người lớn đầu cả rồi, tổ chức rầm rộ thì khoa trương quá, nên chúng tôi bàn bạc với nhau thôi cứ đơn giản cho tiện. Đến lúc đó mọi người phải đến đấy nhé.”

Cậu nhỏ ăn no rồi đang ngồi thở, bất chợt nghe thế bỗng chẳng hiểu gì. Vài giây sau cậu mới phản ứng kịp, bố nói rằng ông và dì muốn xác định quan hệ đây mà.

Mời người thân bạn bè đến ăn cơm, lấy giấy chứng nhận, họ là người một nhà trên pháp luật.

Gương mặt cậu nhỏ trắng bệch dưới ánh đèn, cậu mím môi lặng thinh, ngước đầu chạm vào ánh mắt anh.

_________

Tui đã comeback rồi nè.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro