38

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chuyện học nội trú không được suôn sẻ cho lắm, vừa đề xuất đã bị rất nhiều người phản đối. Những người đó gồm bố, dì và cả bảo mẫu.

Bố Minh Vương gọi video 3 cuộc liên tiếp. Cậu nhỏ nhận một cuộc cúp 2 cuộc, nhưng vẫn bị bố mình lải nhải tới mức đầu óc ong ong.

Đã 1 giờ sáng rồi mà bố bỗng dưng chẳng thèm nghĩ ngơi, siêng năng gửi tin nhắn.

Minh Vương đeo tai nghe, lướt nhanh qua hơn 10 tin nhắn thoại. Dù gì cũng là cha con ruột thịt, chỉ nghe mở đầu thôi cậu đã biết đối phương định nói gì.

“Chắc chắn có chuyện gì đó làm con trai bố khó chịu rồi, chứ không đang yên đang lành sao tự dưng muốn ở nội trú?”

“Bé ơi, tâm sự với bố nhé?”

"Đừng im re thế, có gì cứ nói thẳng ra. Cái tuổi này của các con luôn cảm thấy bố mẹ lỗi thời cổ hủ, cứng nhắc ngoan cố, thực ra không phải tất cả đều như thế.”

“Là vấn đề của bố hay dì à?”

…………

Bố cậu là người có văn hóa, cậu nhỏ lớn ngần này rồi mà chưa từng thấy ông nổi giận với ai bao giờ. Nhưng đồng thời ông cũng là một người cương quyết, chẳng qua sự cương quyết ấy bọc trong những lời nói dịu dàng nên người bình thường rất khó phát giác.

Người giao tiếp với ông thường sẽ đi theo con đường ông đã vạch ra trong vô thức. Ông luôn có cách thuyết phục bạn, nhưng bạn thì rất khó thay đổi cách nghĩ của ông.

Giống như bây giờ, ông cứ khăng khăng cho rằng con trai mình muốn ở nội trú vì đang khó chịu, còn chứng minh quan điểm này từ tất cả các khía cạnh khác. Dù Minh Vương đã nói rất nhiều rằng “Con không có khó chịu gì cả”.

Chẳng có tác dụng gì sất, cứ như cậu mà không làm theo ông thì cuộc lải nhải sẽ mãi mãi không thấy điểm dừng.

Tin nhắn thoại cuối cùng dài tới 60 giây, cậu chỉ nghe 5 giây rồi tắt luôn.

Cậu tháo tai nghe xuống quẳng lên bàn, sốt hết cả ruột. Cậu ngửa đầu tựa lên ghế một chốc, cuối cùng vẫn không nhịn được.

Cậu ấn nút ghi âm, nói: “Con đã bảo không phải vì bực tức cơ mà, con không bực tức gì hết. Bố có thể nghe con nói một lần được không hả.”

Bố trả lời nhanh như chớp: “Nghe đây. Có chuyện gì con phải nói ra thì bố mới biết được chứ. Bố sợ con không vui.”

Nỗi cáu kỉnh trong cậu nhỏ dâng cao, nhưng cậu có một đặc điểm rất giống bố: cậu sẽ không bao giờ rống lên với người khác một cách bất lịch sự, làm thế mất mặt lắm.

Cho dù là bây giờ, cậu cũng chỉ nặng giọng hơn, nói nhanh hơn thôi.

“Tính con hẹp hòi cáu kỉnh, những khi thực sự tức giận có lần nào không nói với bố trước không? Có lần nào có ích không? Con đã bảo con không muốn nhà mình có thành viên mới, ở một mình đủ rồi, bố bận thì bố cứ đi đi, khi nào về nói trước cho con biết, con chờ được mà. Bố nghe xong thì sao? Bố tìm dì.”

“Sau đó con nghĩ thông rồi, mẹ con đã mất, tương lai còn vài chục năm nữa, con sẽ trưởng thành sẽ yêu đương sẽ kết hôn, bố chẳng thể một thân một mình mãi được. Bố có thể tìm người mới, con đồng ý. Chỉ cần đừng bảo dì thế chỗ mẹ con thì sao cũng được hết. Kết quả thì sao? Bố để người ta bước vào cái nơi con ở hồi bé, ngủ trong phòng mẹ con từng ngủ, vào phòng bếp mẹ con từng dùng, làm những món ăn mà dì thích.”

“Bố cố tình chứ gì.”

“Bố cố tình tìm một người giống mẹ con, bố biết con không tài nào bắt bẻ được dì. Chỉ cần dì tốt tính thì con sẽ chẳng có lí nào nổi cáu với dì, bố tính cả rồi, bố biết chắc sớm muộn gì con cũng phải chấp nhận dì ấy.”

“Được thôi, giờ con chấp nhận rồi đấy.”

Minh Vương vẫn ngửa đầu tựa lưng vào ghế như cũ, di động kề sát bên môi, con ngươi đen nhánh nhìn đau đáu ngọn đèn trên đầu.

Nhằm giữ vững tỉnh táo những lúc đọc sách, cậu dặn riêng đổi bóng tuýp thành đèn led. Bình thường không cảm thấy gì, chờ nhìn chằm chặp một lúc lâu mới thấy đèn led chói mắt cỡ nào.

Rọi thẳng vào làm mắt người ta nhức nhối, chẳng hiểu sao bỗng hoen đỏ.

Cậu nói: “Con uống say dì pha trà mật ong cho con, con bị ốm dì chạy khắp nơi tìm thuốc cho con, đã lâu rồi con chưa được ăn những món ấy, dì học để làm cho con. Không ai thay thế được mẹ con, nhưng con chấp nhận nhà mình có thêm 2 người nữa.”

“Con đã nói với bố rồi con không ghét dì ấy, con có thể coi dì như một thành viên trong nhà, con với Xuân Trường cũng thân nhau lắm, cực kỳ thân luôn. Con không giận ai và chẳng ai chọc tức con hết, con chỉ muốn ở nội trú thôi.”

“Bố có thể lắng nghe con nói một lần được không?”

Cậu thả ngón tay ra, gửi tin nhắn thoại cuối cùng, rồi quẳng điện thoại ra sau đầu. Nó vẽ ra một đường bay cong cong, lặng lẽ hạ cánh xuống giường, chìm sâu vào trong chăn và không còn rung lên nữa.

Minh Vương ngơ ngác nhìn đèn một lúc, nhắm mắt lẩm bẩm “Đệt”.

Giữa cậu và bố, trước nay chỉ có một người nói phần lớn câu chuyện, đây là lần đầu tiên thay đổi, ấy thế mà vì một chuyện cỏn con như ở nội trú……

Cứ thấy lạ lẫm thế nào ấy.

Nói những lời ấy với bố mình, thực sự cậu hơi bứt rứt, nhưng không thể phủ nhận rằng trong bứt rứt kèm theo nỗi sung sướng đã đời. Giống như nằm im trong một cái túi chật chội lâu ơi là lâu, bỗng dưng toạc ra một khe hở vậy.

Cách phản đối của dì không giống bố, lòng dì áy náy với Xuân Trường, đến phản đối cũng lặng lẽ rụt rè.

Nửa đêm Xuân Trường tỉnh giấc thấy hơi khát nước bèn ngồi dậy đi rót nước. Hắn cầm cốc thủy tinh xuống nhà, phát hiện trong phòng khách vẫn sáng đèn. Dì ngồi một mình trên ghế sô pha, ngọn đèn đứng cạnh vẽ một vòng tròn mờ mờ chụp lên người dì ấy. TV vẫn bật, đang chiếu một bộ phim cũ, diễn viên trong ấy nói nói cười cười, nhưng phòng khách lại lặng thinh.

Xuân Trường dừng chân ngay đầu cầu thang.

Hắn nhìn một lát, rồi cầm cốc nước trống không bước tới gần.

Dì nghe thấy tiếng bước chân, ngỡ ngàng quay đầu và sửng sốt mất vài giây mới nói: “Sao con dậy thế?”

“Dạ.” Xuân Trường lên tiếng, đưa mắt nhìn TV rồi hỏi: “Mẹ ngồi đây làm gì?”

“Không ngủ được nên xem TV một lát.” Dì nhỏ nhẹ đáp.

“Xem TV mà tắt tiếng à?” Xuân Trường hỏi tiếp.

“Ồn lắm.” Dì nói.

Dì ngồi trên ghế sô pha dài, hai bên thừa đầy chỗ trống. Xuân Trường khom người đặt cốc thủy tinh xuống rồi ngồi lên ghế sô pha đơn.

Hành động của hắn là hành động vô thức, không phải cố tình khiến người khác khó chịu. Nhưng chính vì thế mà làm người ta khó chịu hơn.

Dì quay mặt đi, chớp chớp mắt. Đến khi cảm giác chua chát bị nén lại rồi, cô mới quay về nói: “Trường, ở đây khó chịu lắm hả con?”

Xuân Trường lặng thinh một lúc mới đáp: “Ký túc xá vẫn tiện hơn.”

Nhìn mà xem, dù đã hỏi thẳng ra rồi, dù đáp án đã quá rõ rồi, hắn vẫn chọn cách nói tránh làm người ta đau lòng, dù rằng giọng điệu cứng ngắc.

Mẹ hắn nhìn hình ảnh không có tiếng động trong TV, mũi phiếm hồng. Mãi lâu sau cô mới khàn giọng nói: “Hai năm nay mẹ luôn nghĩ ngợi, rốt cuộc trước kia mẹ đã làm sai những gì.”

“Nếu không hiếu thắng quá, lùi lại một bước, hoặc mẹ cứ làm cố thêm tí nữa cho hết việc để dành ra vài ngày rảnh rỗi và ở nhà lâu hơn, không đưa con đến chỗ bà ngoại mà ở bên con nhiều hơn, có phải mọi chuyện sẽ khác không.”

“Hôm ấy mẹ nằm mơ, mơ thấy con hồi bé. Hai tuổi hay ba tuổi ấy nhỉ? Vừa mới đi mẫu giáo thôi, khi đó mẹ rất sợ con cứ nhìn chằm chằm mẹ, con nhìn thì mẹ không bước đi được nữa. Thế nên mỗi lần có việc ra ngoài, mẹ phải chờ lúc con đã ngủ rồi.”

Hồi đấy dì chỉ có một chiếc áo sơ mi mà trên cổ tay có ruy băng, thường hay thắt nơ. Có vài lần tự dưng cái nơ tuột ra, dì chẳng hiểu ra làm sao.

Về sau mới phát hiện do Xuân Trường kéo.

Khi ấy anh còn nhỏ lắm, lúc ngủ trưa dì hay ngồi bên cạnh, tay đặt bên cạnh con. Trước khi nhắm mắt, Xuân Trường thường túm lấy cái ruy băng ấy và quấn quanh ngón tay.

Khi mới phát hiện ra điều ấy, dì cứ tưởng đó là sở thích kì lạ của bé con lúc ngủ, nhất quyết phải nắm thứ gì đó trong tay.

Vào một ngày nào đó, cô chờ Xuân Trường ngủ rồi chuẩn bị ra ngoài, lúc đứng dậy ruy băng bị kéo căng, mắt thấy sắp rút ra khỏi bàn tay đang nắm chặt, đứa bé đang ngủ bỗng mở mắt ra.

Mãi đến hôm đó mới biết, đó chẳng phải sở thích kì lạ gì cả, mà là bé con muốn giữ mẹ lại, muốn mẹ mình ở bên lâu hơn chút nữa, muốn biết mẹ đi lúc nào, chứ không phải vừa mở mắt ra đã chẳng thấy ai hết.

Xuân Trường toan nói “Con không nhớ lắm”, nhưng có vẻ lời ấy sẽ làm mẹ đau lòng nên hắn chỉ mấp máy môi rồi im lặng lắng nghe.

“Chú kể với mẹ về bé Vương hồi nhỏ rồi, lúc mẹ nghe thì nghĩ nó với con hồi bé giống nhau đấy chứ. Có lẽ những đứa trẻ đều giống nhau, nó được nuôi dạy thành người như thế, con bị mẹ nuôi dạy thành người thế này.”

“Những lúc mẹ nhìn nó cười cười nói nói với người khác, trêu đùa chọc ghẹo hay cáu bẳn với bố nó, mẹ luôn nghĩ, nếu ngày xưa mẹ đổi cách chăm sóc con thì có phải con sẽ vui vẻ hơn và cười nhiều hơn không. Và cũng trêu đùa chọc ghẹo cáu bẳn với mẹ.”

Xuân Trường không nhìn dì.

Hắn không giỏi đối đáp với người mau nước mắt, nhất là mẹ mình mau nước mắt. Ánh mắt hắn dừng trên màn hình TV, lặng thinh một lát rồi bảo: “Không cần thiết phải nghĩ đến những chuyện ấy đâu ạ.”

Dì bỗng chấm dứt câu chuyện.

“Trước đó mẹ có nói nếu rảnh thì muốn quay về làm việc.” Xuân Trường bảo: “Như thế ổn đấy ạ.”

Dì ấy không nói gì trong giây lát, tính cách hiếu thắng, bị hoàn cảnh mài mòn mới thành ra như vậy, từ một người ngày ngày bôn ba trở thành một người ngày ngày rúc trong phòng bếp.

“Công việc thì làm lúc nào chẳng được.” dì cất tiếng: “Mẹ không muốn nhìn thấy con của mẹ một thân một mình xách hành lí đến nơi khác ở.”

Dì nói: “Nhìn nhiều quá rồi, mẹ đau lắm.”

Trong phòng khách rơi vào khoảng lặng, TV lúc sáng lúc tối, diễn viên đi qua đi lại.

“Lần này không giống thế.” Xuân Trường rốt cuộc dời mắt khỏi bộ phim lặng câm.

Dì không hiểu, sửng sốt và thắc mắc: “Không giống gì cơ?”

Xuân Trường nhìn thoáng qua nơi nào đó trên tầng, nói: “Không phải một mình nữa ạ.”

Lần này có người đi với con.

Minh Vương lặng thinh ngủ thẳng tới khi trời sáng mới men theo tiếng chuông báo thức lần mò điện thoại trong góc chăn. Cậu ngập ngừng một lát, cuối cùng mở điện thoại ra.

Bố cậu có thói quen dong dài không nói gì cả một đêm, mãi tới sáng nay lúc dậy mới gửi một câu: “Được”.

Ông nói: “Lần này nghe lời con.”

Họ nộp đơn xin nội trú muộn quá, trường học phản hồi rằng lớp 10 đang trong kì huấn luyện quân sự nên có 2 xe huấn luyện viên tới đây, trước mắt ở tạm ký túc xá nam, hết sạch chỗ trống mất rồi. Chờ đợt huấn huyện quân sự kết thúc kí túc xá trống thì học sinh xin muộn mới được vào ở.

Vì thế 2 người ở nhà thêm một thời gian nữa.

Trần Minh Tuấn vội vã hoàn thành một số công việc và rút ra vài ngày về nhà nghỉ ngơi. 2 bố con ăn ý không bóc tách vụ tin nhắn thoại đêm hôm đó, mỗi bên tự hiến một nửa bậc thang, quan hệ hài hòa hơn hẳn.

Dì và Xuân Trường cũng có sự thay đổi nho nhỏ, duy trì ở trạng thái cân bằng.

Vì 2 đứa trẻ quyết định ở nội trú nên dì không cần ngày ngày ở nhà nữa. Cô đề xuất để mình giúp đỡ, bấy giờ bố lùi một bước, hai người bàn bạc sắp xếp thời gian cho ổn thỏa. Học sinh nội trú của trường có ngày nghỉ hàng tháng, họ chỉ cần đảm bảo ở nhà trong mấy ngày này là được.

Cứ thế cảm giác áy náy giảm dần, mà thời gian bầu bạn bên con không bớt đi chút nào.

Gia đình chắp vá ấy dường như đã tìm ra cách sống thích hợp nhất, thậm chí thỉnh thoảng có những lúc mang đến cảm giác vui vẻ hòa thuận.

Trong khoảng thời gian này tâm trạng Minh Vương hớn lắm, đương nhiên không chỉ vì quan hệ trong nhà có chuyển biến tốt đẹp, mà phần nhiều là vì Lương Xuân Trường.

Từ cái ngày nói rủ rê cùng ở nội trú, quan hệ giữa cậu và anh tiến gần hơn một bước.

Đương nhiên, bạn trẻ Xuân Trường quen thói lạnh lùng sẽ chẳng viết bốn chữ “Tôi rất rất vui” lên mặt đâu, lúc cần độc miệng thì vẫn cứ độc miệng, không hề bớt cái tính nghĩ một đằng nói một nẻo tí nào.

Minh Vương không biết Xuân Trường đối xử với bác Tư, với con mèo tên “Đội trưởng” ấy có giống thế không, nhưng hình như hơi khác chút.

Mà thôi kệ đi, tóm lại cậu rất thỏa mãn.

Một khi cậu trai trẻ hớn hở, khóe môi chân mày sẽ tỏa sáng.

Hoàng Minh ngày ngày chơi đùa với cậu, khó mà không chú ý. Có lần chạy bộ thể dục xong, hắn quàng vai cậu nhỏ đùa rằng: “Với trạng thái gần đây của cậu, đặt vào thời cổ đại thì chắc chắn là có việc mừng rồi. Có chuyện vui đúng hơm?"

Minh Vương bị hỏi mà chẳng hiểu ra làm sao.

Cậu chạy xong trán vã mồ hôi, đang định đi giật nước lạnh của Xuân Trường, nghe vậy thì khó hiểu lắm, hoang mang nói: “Cái gì? Chuyện vui nào cơ? Mới sáng bảnh mắt ra cậu đã uống rượu à? Lảm nhảm xàm xì gì thế.”

Cái tên Hoàng Minh đần thối này lập tức phối hợp theo, đứng ngay tại chỗ hất đầu trình diễn màn say rượu.

Hôm đó Minh Vương không hiểu được những lời ấy, đừng nói cậu, đến chính Hoàng Minh cũng chỉ thuận miệng nói mà thôi.

Cái nóng cuối hè kéo dài đằng đẵng, oi bức ngột ngạt, mãi đến cuối tháng 9 cơn mưa thu đổ xuống, thời tiết bỗng chốc se lạnh.

Đợt huấn luyện quân sự của lớp 10 đã đi đến hồi kết, chiếm toàn bộ thao trường để tiến hành diễn tập tổng kết suốt cả buổi sáng, hô khẩu hiệu rung trời. Bởi vì lí do ấy mà lớp 11 và 12 không phải chạy thể dục giữa giờ, có rất nhiều học sinh đứng ngoài lưới sắt uống nước và hóng hớt.

Minh Vương đến cửa hàng tiện lợi mua nước, trên đường trở về bị đám Hoàng Minh và Thanh Dương túm được, kéo vào trong quân đoàn đang đứng hóng hớt.

Cậu chẳng có hứng thú gì với diễn tập hết, đảo hai mắt uống hớp nước rồi cắm đầu nhắn tin với Xuân Trường.

[Trường Híp: Xếp phòng kí túc rồi đấy]

[Minh Vương: Thật á? Sao cậu biết?]

[Trường Híp: Cô đưa chìa khóa cho tôi]

[Minh Vương: Cậu ở phòng nào?]

[Trường Híp: 608 tầng 2]

[Minh Vương: Nhìn thế nào?]

Xuân Trường gửi một bức ảnh, chụp một phong bì đựng chìa khóa, trên phong bì viết “608 tầng 2”.

[Minh Vương: ……..]

[Minh Vương: Tôi không biết đọc mấy cái chữ ấy chắc?]

[Minh Vương: Tôi hỏi kí túc nhà nhìn như nào?]

[Trường Híp: Chịu]

[Trường Híp: Cậu có thể cúp tiết Lý để đi xem]

[Minh Vương: Tôi không muốn sống nữa hay sao mà cúp tiết Lý.]

[Minh Vương: Chìa khóa tới tay rồi, bao giờ được dọn vào?]

[Trường Híp: Tự học tối nay]

Minh Vương gửi liền 3 cái meme vẩy đầu hất tóc. 

Trong lúc tám nhảm cậu nhấc mắt lên, vừa hay bắt gặp ánh nhìn tò mò của Thanh Dương, không chỉ tò mò mà còn cất chứa sự hóng hớt.

Minh Vương nhướng mi nhìn hắn, vừa quét mắt về phía thao trường vừa gõ chữ như bay.

[Minh Vương: Tôi bị Minh với Dương bắt cóc, ép tôi đi xem diễn tập tổng kết huấn luyện quân sự ]

[Trường Híp: Diễn tập á hả]

[Trường Híp: Xem anh da đen đi đều à?]

Hiếm khi hắn nói đùa một lần, Minh Vương cầm điện thoại mà cười khúc khích suốt, đang định rep thì đột nhiên có người huých khuỷu tay cậu.

“Sao dợ?” Minh Vương ngẩng đầu trông thấy Hoàng Minh che mặt nói: “Muộn rồi.”

Ngay sau đó, một bàn tay vọt ra từ một góc bí hiểm, tốc độ sét đánh không kịp bưng tai giật mất điện thoại của Minh Vương. Cậu giãy dụa theo bản năng, nhưng không thành công mà chỉ kịp ấn nút nguồn tắt màn hình.

Ui đệt.

Ông giám thị chẳng biết chui từ đâu ra đang cầm điện thoại của Minh Vương.

“To gan phết nhỉ!” Thầy cười lạnh: “Nghênh ngang giữa đường giữa chợ, sợ thầy không nhìn thấy có phải không?”

Tang chứng vật chứng đã bị tóm, không viện cớ được rồi.

Minh Vương cọ cọ chóp mũi cười gượng, chuẩn bị cúi đầu nhận lỗi.

Ai ngờ thầy bước ra khỏi đám đông, ngoắc tay gọi cậu: “Em đi qua đây.”

Minh Vương ngoan ngoãn đi theo, bước thẳng tới chỗ bóng cây râm mát không ai qua lại ông mới dừng bước.

Ông chắp hai tay sau mông, hơi ngửa đầu lên, mắt nhìn cậu nhỏ chòng chọc, nhìn tới mức cậu sởn da gà.

“Sao thế ạ thưa thầy?”

“Có phải em yêu sớm hay không?” Vẻ mặt ông nghiêm túc.

Minh Vương: “Hể???”

Thầy nghi ngờ nhìn cậu, dường như muốn tìm ra sơ hở trên mặt cậu. Một lúc lâu sau, ông dãn cơ mặt, giọng điệu dịu êm nói rằng: “Giờ các em đang ở cái tuổi thấy mới mẻ với mọi thứ và muốn trải nghiệm mọi thứ, khá là lơ mơ, bề ngoài của em thì khỏi phải nói, ai mà chẳng có lòng yêu cái đẹp, nên chắc hẳn em tương đối được chú ý, một số nữ sinh bạo dạn hơn và đang rơi vào thời kỳ nổi loạn có lẽ sẽ bày tỏ niềm cảm mến, trong chuyện này không thiếu những điều tốt đẹp.”

Minh Vương nghe mà đầu đầy dấu hỏi chấm.

Thầy vẫn nói chẳng ngừng: “…….Các thầy cô cũng từng trải qua cái tuổi này, nên thực sự rất hiểu. Thế nhưng...“

“Xin lỗi thầy ơi thầy chờ chút.” Minh Vương cản ông lại, dở khóc dở cười: “Ai nói với thầy mà thầy nghĩ em yêu sớm ạ?”

Ông híp mắt hỏi: “Em vừa gửi tin nhắn với ai hử?”

Minh Vương bỗng nghẹn họng một lát: “Một người ạ.”

Bấy giờ mới nói: “Là Xuân Trường ạ.”

“Không thể nào, thầy bắt yêu sớm biết bao lần rồi.” Thầy nói chắc như đinh đóng cột: “Đừng có lươn lẹo với thầy.”

Minh Vương sửng sốt.

Vì trông thấy cái cảnh cậu đang nhắn tin nên mới hiểu lầm cậu yêu sớm hả?

Ngay trong giây phút nhận ra điều ấy, Minh Vương thấy hơi vô lý. Nhưng vài giây sau cậu nhấm nháp cảm nhận dần dần, trái tim bỗng giật bắn. Giống như đang leo cầu thang tự dưng bị hụt chân hay như bị người ta gãi nhẹ vào lòng bàn tay.

“Em mở điện thoại ra cho thầy xem.” Thầy chìa điện thoại trước mặt cậu.

Ngón tay buông thõng bên người của Minh Vương khẽ cuộn tròn.

“Nhanh lên nào.” Ông giục.

Minh Vương giơ tay lên ấn, màn hình theo đó bừng sáng, khung trò truyện vẫn ở đó, trên đầu hiển thị rõ ràng tên của đối phương.

“Ơ kìa, đúng là Xuân Trường thật.” Thầy thở dài. “Thầy trách oan em rồi, nhưng thầy vẫn phải nhắc nhở em, học sinh phải đặt việc học lên đầu. Em rất xuất sắc, thầy mong em có thể trải qua 2 năm cấp 3 cuối cùng một cách thuận lợi và trọn vẹn, chớ để bị quấy nhiễu.”

Ông xuất phát từ lòng tốt mà nói rất nhiều lời thấm thía đong đầy đạo lý, sau đó cầm điện thoại bỏ đi.

Nhưng Minh Vương không nhúc nhích.

Gió lướt qua nhành cây sà xuống dưới, mang theo se lạnh đầu thu.

Hoàng Minh từ thao trường chạy bước bước nhỏ tới gần, vỗ vai Minh Vương: “Đứng đờ ra đây làm gì thế Vương, ông ý đi rồi à?”

“Hở?” Minh Vương hoàn hồn, dường như bị gãi vỗ của hắn làm cho giật mình. Nhưng chẳng mấy đã bình tĩnh lại, đáp: “Ừ, đi rồi.”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro